CHƯƠNG MƯỜI LĂM
Tôn kính cha mẹ già
1. Chúng ta nợ cha mẹ những gì, và do đó chúng ta nên cảm thấy thế nào và đối xử với cha mẹ ra sao?
MỘT người khôn ngoan thuở xưa khuyên: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu” (Châm-ngôn 23:22). Bạn có lẽ nói: “Tôi sẽ không bao giờ bất hiếu đâu!” Thay vì khinh bỉ mẹ—hoặc cha—phần đông chúng ta cảm thấy yêu thương cha mẹ sâu đậm. Chúng ta nhận biết rằng mình mắc nợ cha mẹ rất nhiều. Trước hết, cha mẹ cho chúng ta sự sống. Tuy Đức Giê-hô-va là Nguồn sự sống, nhưng không có cha mẹ, đương nhiên chúng ta sẽ không hiện hữu. Không có gì mà chúng ta có thể cho cha mẹ quí bằng chính sự sống. Vậy hãy nghĩ đến sự hy sinh, chăm sóc lo lắng, tốn kém và sự lưu tâm trìu mến của cha mẹ trong việc nuôi nấng con cái từ thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Do đó, Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi... hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. Lời này thật là hợp lý biết bao! (Ê-phê-sô 6:2, 3).
NHẬN THỨC NHU CẦU TÌNH CẢM
2. Con cái trưởng thành có thể “báo-đáp” cha mẹ như thế nào?
2 Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ đấng Christ: “Con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ [và ông bà, NW]; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (I Ti-mô-thê 5:4). Con cái đã trưởng thành “báo-đáp” bằng cách tỏ lòng biết ơn cha mẹ và ông bà đã yêu thương, làm việc và chăm sóc mình biết bao năm trời. Một cách mà con cái có thể làm điều này là ý thức rằng các cụ cũng như những người khác, cần được yêu thương và trấn an—thường là rất cần. Giống như tất cả chúng ta, cha mẹ cần biết là mình được quí trọng. Họ cần cảm thấy đời sống có ý nghĩa.
3. Chúng ta tôn kính cha mẹ và ông bà như thế nào?
3 Vậy chúng ta có thể tôn kính cha mẹ và ông bà bằng cách cho các cụ biết chúng ta yêu thương các cụ (I Cô-rinh-tô 16:14). Nếu cha mẹ không ở chung với mình, chúng ta nên nhớ thăm hỏi trò chuyện vì việc này quan trọng đối với cha mẹ. Khi con viết một lá thư vui, gọi một cú điện thoại, hoặc đến thăm có thể làm cha mẹ rất vui mừng. Chị Miyo, ở Nhật, lúc 82 tuổi đã viết: “Con gái tôi [có chồng làm giám thị lưu động] nói với tôi: ‘Mẹ à, xin mẹ “đi” với chúng con’. Con tôi gởi cho tôi thời khóa biểu lộ trình và số điện thoại nơi con ở mỗi tuần. Tôi có thể mở bản đồ ra và nói: ‘À, các con đang ở nơi này đây!’ Tôi luôn luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va đã cho tôi ân phước có được một người con như vậy”.
GIÚP ĐỠ NHU CẦU VẬT CHẤT
4. Tập tục tôn giáo Do Thái khuyến khích người ta đối xử tệ bạc với cha mẹ già như thế nào?
4 Phải chăng việc tôn kính cha mẹ cũng bao hàm việc lo cho nhu cầu vật chất của cha mẹ? Đúng vậy. Thường là thế. Vào thời Giê-su, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái giữ tập tục là nếu một người tuyên bố rằng tiền bạc hoặc bất động sản của mình “đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi”, thì người đó không còn trách nhiệm dùng món tiền ấy để lo cho cha mẹ nữa (Ma-thi-ơ 15:3-6). Thật là nhẫn tâm biết bao! Trên thực tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo đó đã khuyến khích dân bất kính và coi thường cha mẹ qua việc ích kỷ từ chối nhu cầu của cha mẹ. Chúng ta chớ bao giờ làm vậy! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:16).
5. Dù trong vài xứ có chính phủ giúp đỡ, nhưng tại sao việc tôn kính cha mẹ đôi khi bao gồm việc giúp đỡ về tài chính?
5 Trong nhiều xứ ngày nay, chính phủ tài trợ các chương trình xã hội, cung cấp cho người già một số nhu cầu vật chất, chẳng hạn như thức ăn, quần áo và nhà ở. Ngoài điều đó ra, chính các cụ có lẽ đã dành sẵn một món tiền để dùng khi về già. Nhưng nếu các sự cung cấp này bị cạn đi hoặc không đủ thì con cái tôn kính cha mẹ phải hết sức lo cho nhu cầu của cha mẹ. Thật vậy, chăm sóc cha mẹ già là bằng chứng của sự tin kính, nghĩa là sự sùng kính của một người đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Sáng lập đời sống gia đình.
YÊU THƯƠNG VÀ HY SINH
6. Một số người sắp đặt thế nào để lo cho nhu cầu của cha mẹ?
6 Nhiều người con trưởng thành đã đáp ứng nhu cầu của cha mẹ già yếu với tình yêu thương và lòng hy sinh. Một số người đưa cha mẹ về nhà phụng dưỡng hoặc dọn nhà để được ở gần cha mẹ. Những người khác đã dọn ở chung với cha mẹ. Thường thì các sự sắp đặt như thế tỏ ra là ân phước cho cả cha mẹ lẫn con cái.
7. Tại sao không hấp tấp trong những quyết định liên quan đến cha mẹ già là điều tốt?
7 Tuy nhiên, đôi khi việc dọn nhà như thế không đem lại kết quả tốt đẹp. Tại sao? Có lẽ bởi vì quyết định quá gấp rút hay là hoàn toàn dựa trên cảm xúc. Kinh-thánh khôn ngoan cảnh giác: “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình” (Châm-ngôn 14:15). Thí dụ, giả sử mẹ già của bạn đang gặp khó khăn sống một mình và bạn nghĩ mẹ nên dọn vào ở với bạn thì có lợi hơn. Trong lúc khôn ngoan xem xét các bước mình, bạn có thể cân nhắc những điều sau đây: Mẹ thật sự cần gì? Có cơ quan tư nhân hoặc do nhà nước bảo trợ mà mình có thể nhờ để chăm sóc mẹ không? Mẹ muốn dọn ra không? Nếu mẹ muốn, thì cuộc sống của mẹ sẽ bị ảnh hưởng trong những phương diện nào? Mẹ phải xa bạn bè không? Điều đó có thể ảnh hưởng đến mẹ về mặt cảm xúc như thế nào? Bạn có nói những điều này với mẹ chưa? Việc dọn đó ảnh hưởng bạn, người hôn phối bạn và con cái như thế nào? Nếu mẹ bạn cần được chăm sóc, ai sẽ làm đây? Có thể chia nhau trách nhiệm không? Bạn đã bàn với tất cả những người có liên hệ trực tiếp đến vấn đề này chưa?
8. Bạn có thể hỏi ai khi quyết định cách để giúp cha mẹ già?
8 Vì tất cả con cái đều có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, nên điều khôn ngoan là cả gia đình họp lại để mọi người có thể góp ý quyết định việc này. Nói với trưởng lão trong hội thánh tín đồ đấng Christ hoặc các bạn bè đã gặp phải trường hợp tương tự cũng là điều có lợi. Kinh-thánh cảnh giác: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành” (Châm-ngôn 15:22).
HÃY TỎ RA THÔNG CẢM VÀ HIỂU BIẾT
9, 10. a) Dù tuổi của cha mẹ ngày càng cao, chúng ta nên lưu tâm đến điều gì? b) Dù có làm gì cho cha mẹ, người con trưởng thành nên luôn luôn đối xử với các cụ ra sao?
9 Tôn kính cha mẹ già đòi hỏi mình phải có tính thông cảm và hiểu biết. Càng về già, các cụ có thể càng thấy khó đi đứng, khó ăn và khó nhớ. Các cụ có thể cần được giúp đỡ. Thường thì con cái muốn che chở cha mẹ quá mức và cố gắng chỉ dẫn các cụ. Nhưng các cụ là người trưởng thành có nhiều khôn ngoan và kinh nghiệm, cả đời chăm sóc chính mình và tự quyết định lấy mọi việc. Các cụ luôn luôn nghĩ rằng mình là bậc cha mẹ và người trưởng thành. Khi cha mẹ cảm thấy phải giao quyền kiểm soát đời sống mình cho con thì các cụ có thể trở nên chán nản hoặc tức giận. Một số cụ tức tối và kháng cự lại những gì mà các cụ cho là có ý lấy mất sự tự lập của mình.
10 Không có giải pháp dễ dàng cho các vấn đề đó, nhưng điều tử tế là nên để cha mẹ già tự chăm sóc lấy và tự quyết định lấy trong mức độ các cụ có thể làm được. Điều khôn ngoan là không quyết định điều gì là tốt nhất cho cha mẹ mà không nói trước cho các cụ biết. Các cụ đã bị thiệt thòi nhiều vì tuổi già. Hãy để cho các cụ tự làm những gì mà các cụ có thể làm. Bạn có thể thấy rằng mình càng ít kiểm soát đời sống của cha mẹ bao nhiêu thì mối liên lạc với cha mẹ sẽ càng tốt đẹp bấy nhiêu. Các cụ sẽ vui hơn, và bạn cũng thế. Dù cho bạn thấy cần phải nhất định làm điều gì đó có lợi cho cha mẹ, việc tôn kính cha mẹ đòi hỏi bạn phải đối xử với các cụ một cách lễ độ. Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả” (Lê-vi Ký 19:32).
GIỮ THÁI ĐỘ ĐÚNG
11-13. Nếu mối liên lạc của người con trưởng thành với cha mẹ không được tốt trong quá khứ, làm sao người đó vẫn có thể đối phó với sự thử thách trong lúc chăm sóc cha mẹ già?
11 Đôi khi một vấn đề khiến con cái đã trưởng thành cảm thấy khó tôn kính cha mẹ già có liên quan đến mối liên lạc giữa họ với cha mẹ khi còn nhỏ. Có lẽ cha bạn lạnh lùng và không yêu thương, mẹ độc đoán và khắt khe. Bạn có lẽ vẫn còn cảm thấy bực bội, tức giận, hoặc đau lòng vì các cụ không phải là bậc cha mẹ như ý bạn mong muốn. Bạn có thể vượt qua cảm giác đó không?a
12 Anh Basse lớn lên tại Phần Lan kể lại: “Cha kế của tôi trước kia là sĩ quan SS tại Đức Quốc xã. Ông rất dễ nóng giận, và rất nguy hiểm. Ông đánh mẹ tôi nhiều lần trước mặt tôi. Có lần ông giận tôi, nên vung dây thắt lưng đánh trúng cái khóa vào mặt tôi mạnh đến độ tôi bị té nhào trên giường”.
13 Nhưng ông lại có một tính khác. Anh Basse kể thêm: “Ngược lại, ông làm việc rất siêng năng và không ngại khó nhọc để lo cho gia đình về mặt vật chất. Ông không bao giờ tỏ sự trìu mến của người cha đối với tôi, nhưng tôi biết ông bị vết thương nội tâm. Mẹ ông đuổi ông ra khỏi nhà khi còn là một thiếu niên. Ông lớn lên quen thói đánh nhau và tham gia vào chiến tranh lúc là một thanh niên. Tôi có thể hiểu được phần nào và không trách ông. Khi lớn lên, tôi muốn giúp ông trong khả năng tôi có cho đến khi ông mất. Việc đó không dễ, nhưng tôi làm những gì tôi có thể làm được. Tôi cố làm người con hiếu thảo cho đến lúc ông qua đời, và tôi nghĩ là ông chấp nhận tôi như thế”.
14. Câu Kinh-thánh nào được áp dụng trong mọi trường hợp, kể cả các trường hợp xảy ra khi chăm sóc cha mẹ già?
14 Lời khuyên sau đây của Kinh-thánh có áp dụng trong trường hợp khó khăn của gia đình cũng như trong các vấn đề khác: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:12, 13).
NGƯỜI CHĂM SÓC CŨNG CẦN ĐƯỢC CHĂM SÓC
15. Tại sao việc chăm sóc cha mẹ đôi khi lại là điều đau buồn?
15 Chăm sóc cho cha hoặc mẹ già yếu là một việc khó nhọc, bao hàm nhiều công việc, nhiều trách nhiệm và mất nhiều thì giờ. Nhưng phần khó nhất thường là về mặt cảm xúc. Bạn đau buồn khi thấy cha mẹ mất sức khỏe, mất trí nhớ và không tự lo lấy được. Chị Sandy là người Puerto Rico kể lại: “Mẹ tôi là trọng tâm của gia đình chúng tôi. Tôi rất đau lòng khi chăm sóc cho mẹ. Mới đầu mẹ đi khập khễnh; rồi mẹ cần chống gậy, rồi cần đến xe lăn. Sau đó sức khỏe mẹ càng ngày càng suy sụp cho đến khi qua đời. Mẹ mắc bệnh ung thư xương và cần được chăm sóc thường trực—ngày và đêm. Chúng tôi tắm cho mẹ, đút mẹ ăn và đọc mẹ nghe. Điều này thật khó khăn—nhất là về mặt cảm xúc. Khi tôi biết mẹ sắp mất, tôi khóc vì tôi yêu mẹ rất nhiều”.
16, 17. Lời khuyên nào có thể giúp người chăm sóc có quan điểm thăng bằng về mọi sự việc?
16 Nếu bạn ở trong tình trạng tương tự như thế, bạn có thể làm gì để đối phó với vấn đề? Nghe lời Đức Giê-hô-va bằng cách đọc Kinh-thánh và nói với ngài qua lời cầu nguyện sẽ giúp bạn rất nhiều (Phi-líp 4:6, 7). Điều thực tiễn là hãy nhớ ăn uống sao cho đủ chất bổ dưỡng và cố tránh thiếu ngủ. Làm vậy thì bạn mới đủ sức khỏe về tâm thần lẫn thể xác để chăm sóc cho thân nhân. Có lẽ bạn có thể sắp xếp để thỉnh thoảng có lúc nghỉ ngơi, tạm ngưng làm các công việc thường lệ hàng ngày. Dù không thể đi nghỉ mát, điều khôn ngoan là nên sắp đặt để đi nghỉ ngơi vài ngày. Để được đi nghỉ ngơi, bạn có thể nhờ một người đến ở với cha hay mẹ đang đau yếu của bạn.
17 Việc những người chăm sóc đòi hỏi mình quá mức không phải là điều lạ. Nhưng bạn chớ nên có mặc cảm tội lỗi vì không thể làm được những việc gì đó. Trong vài trường hợp, bạn có lẽ cần đưa thân nhân vào viện dưỡng lão. Nếu bạn là người chăm sóc, hãy đặt cho mình những đòi hỏi vừa phải. Bạn phải thăng bằng, không những lo cho nhu cầu của cha mẹ mà còn lo cho nhu cầu của con cái, của người hôn phối và của chính bạn nữa.
SỨC MẠNH QUÁ MỨC BÌNH THƯỜNG
18, 19. Đức Giê-hô-va hứa làm gì để nâng đỡ chúng ta, và kinh nghiệm nào cho thấy là ngài giữ lời hứa?
18 Qua Lời ngài là Kinh-thánh, Đức Giê-hô-va yêu thương ban cho sự hướng dẫn để có thể giúp một người chăm sóc cho cha mẹ già, nhưng đó không phải là sự giúp đỡ duy nhất. Người viết thi thiên được soi dẫn để viết: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài... Cũng nghe tiếng kêu-cầu của họ, và giải-cứu cho”. Đức Giê-hô-va sẽ cứu, hoặc bảo tồn những người trung thành qua khỏi tình trạng khó khăn nhất (Thi-thiên 145:18, 19).
19 Chị Myrna, ở Phi Luật Tân, biết được điều đó khi chăm sóc mẹ vì bà bị chứng nghẽn mạch máu não làm cho bất lực. Chị Myrna viết: “Không có gì đau khổ bằng việc thấy người thân bị đau đớn, không nói được là bị đau ở đâu. Cũng giống như là thấy mẹ bị chìm dần dần, và tôi không thể làm được gì cả. Nhiều lần tôi quì xuống và nói với Đức Giê-hô-va tôi mệt đến độ nào. Tôi khóc như Đa-vít, là người nài xin Đức Giê-hô-va để nước mắt ông trong ve và nhớ đến ông [Thi-thiên 56:8]. Và như Đức Giê-hô-va đã hứa, ngài cho tôi sức mạnh mà tôi cần. ‘Đức Giê-hô-va nâng-đỡ tôi’ ” (Thi-thiên 18:18).
20. Những lời hứa nào trong Kinh-thánh giúp những người chăm sóc giữ được sự lạc quan, dù người mà họ chăm sóc bị qua đời?
20 Như người ta có nói, chăm sóc cho cha mẹ già là một “câu chuyện không có kết cuộc vui mừng”. Dù có cố gắng chăm sóc hết sức, các cụ vẫn qua đời, như mẹ chị Myrna vậy. Nhưng những người tin cậy nơi Đức Giê-hô-va biết rằng chết không phải là hết. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời,... tức là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Những người bị mất cha mẹ già được an ủi nhờ hy vọng về sự sống lại cùng với lời Đức Chúa Trời hứa về một thế giới mới tuyệt diệu “không có sự chết” nữa (Khải-huyền 21:4).
21. Việc tôn kính cha mẹ già mang lại kết quả tốt nào?
21 Tôi tớ Đức Giê-hô-va có sự kính trọng sâu xa đối với cha mẹ, dù các cụ đã già (Châm-ngôn 23:22-24). Họ tôn kính cha mẹ. Làm vậy, họ hiểu rõ những gì mà lời châm ngôn được Đức Chúa Trời soi dẫn nói: “Cha và mẹ con được hớn-hở, và người đã sanh con lấy làm vui-mừng” (Châm-ngôn 23:25). Và trên hết mọi sự, những người tôn kính cha mẹ già cũng làm vui lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tôn kính ngài.
a Ở đây chúng tôi không bàn đến trường hợp cha mẹ quá lạm dụng quyền hành và sự tin cậy của con cái đến độ bị xem như phạm tội ác.