Noi theo tính thương xót Của Đức Giê-hô-va
“Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót” (LU-CA 6:36).
1. Những người Pha-ri-si cho thấy họ không thương xót như thế nào?
MẶC DÙ được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nhân loại thường không noi theo tính thương xót của Ngài (Sáng-thế Ký 1:27). Thí dụ, hãy xem trường hợp của người Pha-ri-si. Nhóm này nói chung không vui mừng khi Chúa Giê-su thương hại và chữa lành cho một người bị teo tay trong ngày Sa-bát. Trái lại, họ còn chống Chúa Giê-su, bàn mưu “đặng giết Ngài” (Ma-thi-ơ 12:9-14). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su chữa lành một người mù từ lúc lọt lòng mẹ. Lần nữa, “có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si” không vui mừng khi Chúa Giê-su tỏ lòng thương xót. Thay vì vậy, họ than trách: “Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát” (Giăng 9:1-7, 16).
2, 3. Chúa Giê-su có ý gì khi nói: “Hãy giữ mình cẩn-thận về men của người Pha-ri-si”?
2 Thái độ lạnh lùng của người Pha-ri-si cấu thành một tội phản nhân loại và chống lại Đức Chúa Trời (Giăng 9:39-41). Với lý do chính đáng, Chúa Giê-su dặn môn đồ ngài: “Hãy giữ mình cẩn-thận về men” của nhóm nhỏ cầm quyền này và giới lãnh đạo tôn giáo khác, chẳng hạn như người Sa-đu-sê (Ma-thi-ơ 16:6). Trong Kinh-thánh, men được dùng để tượng trưng cho tội lỗi và sự bại hoại. Vì vậy, Chúa Giê-su muốn nói là sự dạy dỗ của các “thầy thông giáo và người Pha-ri-si” có thể làm bại hoại sự thờ phượng thanh sạch. Như thế nào? Tức là dạy người ta xem Luật Pháp của Đức Chúa Trời chỉ toàn là những luật lệ và nghi thức độc đoán, trong khi bỏ qua “điều hệ-trọng”, gồm có sự thương xót (Ma-thi-ơ 23:23). Hình thức tôn giáo đầy nghi lễ đã làm cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời trở thành một gánh nặng khó chịu.
3 Trong phần thứ hai của lời ví dụ về người con hoang đàng, Chúa Giê-su đã vạch trần sự suy nghĩ bại hoại của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Trong ví dụ, người cha tượng trưng cho Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ đứa con biết ăn năn. Nhưng người anh, tượng trưng “các người Pha-ri-si và các thầy thông-giáo” đã hoàn toàn nghĩ khác về vấn đề này (Lu-ca 15:2).
Cơn giận của người anh
4, 5. Người anh cả bị “mất” theo ý nghĩa nào?
4 “Vả, con trai cả đương ở ngoài đồng. Khi trở về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, bèn gọi một đầy-tớ mà hỏi cớ gì. Đầy-tớ thưa rằng: Em cậu bây giờ trở về, nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì thấy em về được mạnh-khoẻ. Con cả liền nổi giận, không muốn vào nhà” (Lu-ca 15:25-28).
5 Rõ ràng là trong ví dụ của Chúa Giê-su không phải chỉ có người con hoang đàng là người làm sai. Một nguồn tài liệu đã nói: “Cả hai người con trong câu chuyện đều bị mất, một người vì sa đọa trong sự không công bình, còn người kia vì bị sự tự công bình làm cho mù quáng”. Hãy chú ý rằng người anh cả chẳng những không vui mừng mà lại còn “nổi giận”. Chữ “giận” dịch từ chữ gốc Hy Lạp cho biết đây không phải là một cơn giận phừng phừng, nhưng có ý nói đến một tình trạng cưu mang trong tâm trí. Chắc hẳn là người anh cả đã ấp ủ lòng căm giận rất lâu, cho nên không muốn ăn mừng việc trở về của một người mà đáng lẽ không bao giờ nên rời bỏ nhà lúc trước.
6. Người anh cả tượng trưng cho ai, và tại sao?
6 Người anh cả ở đây tượng trưng thích hợp cho những người đã bất mãn vì việc Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương xót và chú ý đến người phạm tội. Những người tự cho mình là công bình này đã không xúc động bởi vì lòng thương xót của Chúa Giê-su, mà họ cũng không có cùng niềm vui như thiên sứ ở trên trời khi một người có tội được tha thứ. Trái lại, thấy Chúa Giê-su thương xót họ càng căm giận, và họ bắt đầu “có ác-tưởng” trong lòng (Ma-thi-ơ 9:2-4). Có lần, những người Pha-ri-si quá giận dữ nên họ đã gọi người mà Chúa Giê-su chữa lành để “đuổi người ra” khỏi nhà hội—có lẽ khai trừ người đó! (Giăng 9:22, 34). Giống như người anh cả “không muốn vào”, những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái không vui khi họ có dịp để “vui với kẻ vui” (Rô-ma 12:15). Chúa Giê-su vạch trần thêm những lý luận gian ác của họ khi ngài tiếp tục ví dụ này.
Lý luận sai lầm
7, 8. a) Người anh cả đã không hiểu được ý nghĩa của bổn phận làm con như thế nào? b) Người con cả không giống cha về phương diện nào?
7 “Vậy cha nó ra khuyên nó vào. Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn-hữu tôi. Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia-tài cha với phường điếm-đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập” (Lu-ca 15:28-30).
8 Bằng những lời này, người anh cả đã cho thấy rõ mình đã không hiểu ý nghĩa thật của bổn phận làm con. Người này làm việc cho cha giống như cách mà một người thợ làm công cho chủ. Hắn nói với cha: “Tôi giúp việc cha”. Đành rằng người con cả này không bao giờ bỏ nhà ra đi hay là phạm điều răn của cha. Nhưng sự vâng lời của hắn có phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương không? Hắn có cảm thấy niềm vui thật sự trong khi hầu việc cha hay là sinh lòng tự mãn, tin rằng mình là đứa con tốt chỉ vì ở nhà làm việc “ngoài đồng”? Nếu hắn thật sự là đứa con tận tụy, thì tại sao không phản ảnh tâm thần của cha? Khi được cho cơ hội để tỏ lòng thương xót em mình, tại sao hắn không có lòng trắc ẩn? (So sánh Thi-thiên 50:20-22).
9. Hãy giải thích tại sao những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái giống như người con cả.
9 Những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái giống như người con cả. Họ tin rằng họ trung thành với Đức Chúa Trời bởi vì họ nghiêm ngặt tuân theo những điều luật trong luật pháp. Đành rằng sự vâng lời là thiết yếu nhưng họ nhấn mạnh đến việc làm quá nhiều, làm cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời trở nên một lề thói theo sách vở, một hình thức tôn sùng bề ngoài mà không có thực chất thiêng liêng (1 Sa-mu-ên 15:22). Tinh thần họ bị ám ảnh bởi những phong tục. Lòng của họ không có tình thương. Họ xem những người dân thường như bụi đất dưới chân họ, còn khinh bỉ gọi họ là “dân đáng rủa” (Giăng 7:49). Thật vậy, làm sao Đức Chúa Trời có thể nghĩ tốt về công việc của những nhà lãnh đạo như thế khi lòng của họ rất là xa cách với Ngài? (Ma-thi-ơ 15:7, 8).
10. a) Tại sao những lời “Ta muốn sự thương-xót, nhưng chẳng muốn của-lễ” là lời khuyên thích hợp? b) Thiếu lòng thương xót là một vấn đề nghiêm trọng như thế nào?
10 Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-si: “Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương-xót, nhưng chẳng muốn của-lễ” (Ma-thi-ơ 9:13; Ô-sê 6:6). Họ đã lầm lẫn những điều ưu tiên, vì không có lòng thương xót, tất cả những của-lễ hy sinh của họ đều không có giá trị. Đây quả là một vấn đề nghiêm trọng vì Kinh-thánh nói rằng những người “không có lòng thương-xót” bị Đức Chúa Trời xem là “đáng chết” (Rô-ma 1:31, 32). Vì vậy, không ngạc nhiên khi Chúa Giê-su nói rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo là lớp người đáng bị hủy diệt đời đời. Hiển nhiên, lòng không thương xót của họ phần lớn đã khiến họ đáng bị sự phán xét đó (Ma-thi-ơ 23:33). Nhưng có lẽ có những người ở trong lớp người này có thể thay đổi. Trong lời kết luận của ví dụ ngài, Chúa Giê-su cố gắng điều chỉnh lối suy nghĩ của những người Do Thái đó qua lời của người cha nói với người con cả. Chúng ta hãy xem như thế nào.
Lòng thương xót của cha
11, 12. Người cha trong ví dụ của Chúa Giê-su cố gắng lý luận với người con cả như thế nào, và việc người cha dùng chữ “em con” có thể có ý nghĩa nào?
11 “Người cha nói rằng: Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui-mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được” (Lu-ca 15:31, 32).
12 Hãy chú ý người cha dùng từ “em con”. Tại sao? Chúng ta hãy nhớ rằng trước đó, khi nói với cha, người con cả đã gọi đứa con hoang đàng là “con của cha”—chứ không phải “em con”. Hắn không nhận biết tình gia đình ràng buộc giữa mình và người em. Vậy bây giờ người cha thật ra nói như thế này với con cả: ‘Nó không chỉ là con của cha, mà còn là em của con, máu mủ ruột thịt của con. Con có mọi lý do để vui mừng khi em trở lại!’ Thông điệp của Chúa Giê-su hẳn là rõ ràng cho những người lãnh đạo Do Thái. Những người có tội bị họ khinh bỉ thật ra là “anh em” của họ. Thật vậy, “chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội” (Truyền-đạo 7:20). Vậy thì những người trọng vọng Do Thái có đủ lý do để vui mừng khi những người phạm tội biết ăn năn.
13. Lời ví dụ của Chúa Giê-su chấm dứt đột ngột khiến cho chúng ta có câu hỏi nghiêm túc nào?
13 Sau lời khuyên bảo của cha, câu chuyện ví dụ chấm dứt đột ngột. Đây cũng như thể là Chúa Giê-su muốn những người nghe ngài tự kết luận lấy. Dù con cả trả lời như thế nào, mỗi thính giả đều được đặt trước câu hỏi: ‘Bạn sẽ vui mừng như ở trên trời vui mừng khi người có tội biết ăn năn không?’ Các tín đồ đấng Christ ngày nay cũng có dịp để cho thấy cách họ trả lời câu hỏi này. Như thế nào?
Noi theo tính thương xót của Đức Chúa Trời ngày nay
14. a) Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô nơi Ê-phê-sô 5:1 như thế nào khi nói về vấn đề thương xót? b) Tại sao chúng ta nên tránh hiểu lầm lòng thương xót của Đức Chúa Trời?
14 Phao-lô khuyên nhủ người Ê-phê-sô: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài” (Ê-phê-sô 5:1). Vì vậy, là tín đồ đấng Christ, chúng ta nên biết ơn lòng thương xót của Đức Chúa Trời, đặt nó vào lòng và bày tỏ đức tính này khi đối xử với người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thận trọng. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời không có thể được giải sai là xem nhẹ tội lỗi. Thí dụ, một số người có thể lý luận một cách thản nhiên: ‘Nếu tôi phạm tội, lúc nào tôi cũng có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời để xin tha thứ và Ngài đầy thương xót’. Thái độ như thế được người viết Kinh-thánh Giu-đe gọi là “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác” (Giu-đe 4). Mặc dù Đức Giê-hô-va hay thương xót, “nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” khi đối xử với những người phạm tội không ăn năn (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7; so sánh Giô-suê 24:19; 1 Giăng 5:16).
15. a) Tại sao các trưởng lão đặc biệt cần giữ quan điểm thăng bằng về sự thương xót? b) Dù không dung túng việc cố tình phạm tội, những trưởng lão cố gắng làm gì và tại sao?
15 Mặt khác, chúng ta cũng cần cẩn thận đề phòng để không theo một thái cực khác, tức là có khuynh hướng trở nên quá cứng rắn và phán đoán đối với những người biểu lộ sự ăn năn chân thật và có sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời về tội lỗi của họ (2 Cô-rinh-tô 7:11). Vì các trưởng lão được giao cho trách nhiệm để chăm sóc chiên của Đức Giê-hô-va, họ rất cần giữ quan điểm thăng bằng về vấn đề này, nhất là khi giải quyết vấn đề tư pháp. Hội thánh tín đồ đấng Christ phải được giữ tinh sạch, và cần phải làm theo Kinh-thánh “trừ-bỏ kẻ gian-ác” bằng cách khai trừ (1 Cô-rinh-tô 5:11-13). Đồng thời, cũng cần phải tỏ lòng thương xót khi có lý do chính đáng. Vì vậy, dù trưởng lão không dung túng việc cố tình phạm tội, họ cố gắng đi theo đường lối yêu thương và thương xót trong phạm vi công lý. Họ luôn nhớ đến nguyên tắc Kinh-thánh: “Ai hành động thiếu thương xót sẽ bị xử đoán không chút thương xót; nhưng lòng thương xót thắng hơn sự xử đoán” (Gia-cơ 2:13, Bản Dịch Mới; Châm-ngôn 19:17; Ma-thi-ơ 5:7).
16. a) Dùng Kinh-thánh, hãy chứng tỏ Đức Giê-hô-va thật sự muốn người phạm tội trở lại với Ngài. b) Chúng ta có thể chứng tỏ mình cũng đón mừng sự trở lại của người phạm tội biết ăn năn như thế nào?
16 Ví dụ về người con hoang đàng cho thấy rõ là Đức Giê-hô-va muốn những người phạm tội trở lại với Ngài. Thật vậy, Ngài kêu gọi họ ăn năn cho đến chừng nào họ chứng tỏ nhất định không ăn năn (Ê-xê-chi-ên 33:11; Ma-la-chi 3:7; Rô-ma 2:4, 5; 2 Phi-e-rơ 3:9). Giống như cha của người con hoang đàng, Đức Giê-hô-va đối đãi đàng hoàng với những người quay về, cho họ trở lại gia đình Ngài. Bạn có noi theo Đức Giê-hô-va về phương diện này không? Khi một anh em trong đạo trước kia bị khai trừ, nay được thu nhận lại, bạn cảm thấy thế nào? Chúng ta đã biết rằng trên trời “vui-mừng” (Lu-ca 15:7). Nhưng niềm vui đó có ở trên đất, trong hội thánh và ở trong lòng của bạn không? Hay là như đứa con cả trong ví dụ, một số người cảm thấy giận như là không muốn chào đón người đáng lẽ không nên rời bỏ bầy của Đức Chúa Trời lúc trước?
17. a) Tình trạng nào đã phát triển nơi Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất, và Phao-lô khuyên những người trong hội thánh giải quyết vấn đề như thế nào? b) Tại sao lời khuyên của Phao-lô là thực tế, và chúng ta có thể áp dụng lời khuyên ấy ngày nay như thế nào? (Cũng xem khung bên phải).
17 Để giúp chúng ta tự xét mình về phương diện này, hãy xem điều gì xảy ra vào năm 55 CN tại Cô-rinh-tô. Tại đó, một người đàn ông đã bị khai trừ khỏi hội thánh cuối cùng đã chấn chỉnh lối sống. Các anh em phải làm gì? Họ có nên nghi ngờ sự ăn năn của người đó và tiếp tục tránh người không? Trái lại, Phao-lô khuyên những người Cô-rinh-tô: “Anh em tha-thứ yên-ủi, hầu cho người khỏi bị sa-ngã vì sự buồn-rầu quá lớn. Vậy tôi xin anh em hãy bày-tỏ lòng yêu-thương đối với người đó” (2 Cô-rinh-tô 2:7, 8). Thường thì những người phạm tội biết ăn năn đặc biệt có cảm giác xấu hổ và tuyệt vọng. Vì vậy, những người này cần được trấn an là họ được Đức Giê-hô-va và anh em trong đạo yêu thương (Giê-rê-mi 31:3; Rô-ma 1:12). Điều này rất quan trọng. Tại sao?
18, 19. a) Những người Cô-rinh-tô cho thấy lúc trước họ quá dễ dãi như thế nào? b) Thái độ không thương xót có thể khiến cho người Cô-rinh-tô bị “Sa-tan thắng” như thế nào?
18 Trong khi khuyên nhủ những người Cô-rinh-tô thực hành sự tha thứ, Phao-lô cho một trong những lý do là “đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu-chước của nó” (2 Cô-rinh-tô 2:11). Ông muốn nói điều gì? Trước đó Phao-lô đã trách hội thánh Cô-rinh-tô vì quá dễ dãi. Họ đã để cho người này tiếp tục làm chuyện tội lỗi mà không trừng phạt. Làm thế, hội thánh—nhất là các trưởng lão—đã bị Sa-tan điều động, vì hắn rất muốn làm cho hội thánh bị tai tiếng (1 Cô-rinh-tô 5:1-5).
19 Nếu bây giờ họ trở sang thái cực khác và từ chối tha thứ người biết ăn năn, Sa-tan sẽ thắng họ về phương diện này. Như thế nào? Bằng cách là hắn có thể lợi dụng việc họ khắt khe và không thương xót. Nếu người phạm tội biết ăn năn trở nên “sa-ngã vì sự buồn-rầu quá lớn”—hoặc như Bản Dịch Mới dịch là “bị sự buồn rầu quá lớn quật ngã”—thì trách nhiệm của trưởng lão phải chịu trước Đức Giê-hô-va là lớn dường nào! (So sánh Ê-xê-chi-ên 34:6; Gia-cơ 3:1). Với lý do tốt, sau khi cảnh giác các môn đồ đừng làm vấp phạm “chỉ một kẻ nhỏ nầy”, Chúa Giê-su nói: “Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở-trách họ; và nếu họ ăn-năn, thì hãy tha-thứ”a (Lu-ca 17:1-4).
20. Có sự vui mừng ở trên trời và trên đất khi người phạm tội biết ăn năn qua cách nào?
20 Hàng ngàn người trở về với sự thờ phượng thật mỗi năm rất biết ơn vì lòng thương xót mà Đức Giê-hô-va đã bày tỏ với họ. Một chị tín đồ đấng Christ nói về sự được thâu nhận lại của chị: “Tôi không nhớ là có lần nào trong đời của tôi lại có sự vui mừng đến thế”. Dĩ nhiên, niềm vui của chị cũng đã thấy trong vòng các thiên sứ. ‘Trên trời vui mừng’ khi có một người phạm tội biết ăn năn, mong rằng chúng ta cũng cảm thấy như vậy (Lu-ca 15:7). Làm thế, chúng ta sẽ noi theo tính thương xót của Đức Giê-hô-va.
[Chú thích]
a Mặc dù dường như người phạm tội ở Cô-rinh-tô đã được thâu nhận lại trong một thời gian tương đối ngắn, trường hợp này không nên dùng làm tiêu chuẩn cho mọi việc khai trừ. Mỗi một trường hợp khác nhau. Một số người phạm tội bắt đầu bày tỏ sự ăn năn chân thật ngay lập tức sau khi bị khai trừ. Những người khác thì cần một thời gian khá lâu trước khi họ ăn năn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, những người được thâu nhận lại trước hết phải tỏ dấu hiệu của sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời và khi có thể được, phải bày tỏ việc làm phù hợp với sự ăn năn (Công-vụ các Sứ-đồ 26:20; 2 Cô-rinh-tô 7:11).
Để ôn lại
◻ Anh của người con hoang đàng giống như những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái như thế nào?
◻ Bằng cách nào người anh cả đã không hiểu ý nghĩa thật của bổn phận làm con?
◻ Để phản ảnh tính thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta cần tránh hai thái cực nào?
◻ Chúng ta có thể noi theo tính thương xót của Đức Chúa Trời ngày nay như thế nào?
[Khung nơi trang 17]
“HÃY XÁC NHẬN LÒNG YÊU THƯƠNG CỦA ANH EM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÓ”
Phao-lô nói với hội thánh thành Cô-rinh-tô về người có tội bị khai trừ nhưng đã ăn năn: “Tôi khuyên anh em hãy xác nhận lòng yêu thương của anh em đối với người đó” (2 Cô-rinh-tô 2:8, NW). Chữ Hy Lạp được dịch ra “xác nhận” là một từ pháp luật có nghĩa là “hiệu lực hóa”. Đúng vậy, những người ăn năn được thâu nhận lại cần cảm thấy họ được yêu thương và được đón nhận lại để làm thành viên hội thánh.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ là phần nhiều người trong hội thánh không biết hoàn cảnh khiến một người bị khai trừ hoặc được thâu nhận lại. Ngoài ra, có thể là việc làm quấy trước kia của người giờ đây biết ăn năn đã ảnh hưởng hoặc tổn hại vài người trong hội thánh, có thể ngay cả trong một thời gian lâu dài. Vậy, để tế nhị về vấn đề này, khi thông báo về việc thâu nhận lại một người, chúng ta tránh biểu lộ sự đón mừng, hãy để mỗi người tự ý bày tỏ.
Khi người được thâu nhận lại biết rằng mình được đón nhận lại là thành viên của hội thánh thì điều này làm vững mạnh đức tin biết bao! Chúng ta có thể khuyến khích người biết ăn năn bằng cách nói chuyện với họ và kết hợp với họ tại Phòng Nước Trời, trong lúc rao giảng và những dịp thích hợp khác. Làm vậy sẽ xác nhận, hoặc hiệu lực hóa, lòng yêu thương của chúng ta đối với những người thân mến này, nhưng chắc chắn là chúng ta không làm giảm tính chất nghiêm trọng của tội lỗi họ đã phạm. Trái lại, cùng với đạo quân trên trời, chúng ta vui mừng về sự kiện họ từ bỏ con đường tội lỗi và trở lại với Đức Giê-hô-va (Lu-ca 15:7).
[Hình nơi trang 15]
Người con cả từ chối vui mừng khi người em trở về