Bạn có giữ lòng trung kiên không?
HÔM QUA có mấy con chim sẻ chết? Không ai biết, và có lẽ ít ai quan tâm vì có quá nhiều chim chóc. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có quan tâm. Về những con chim xem chừng vô giá trị này, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất”. Ngài nói thêm: “Đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”.—Ma-thi-ơ 10:29, 31.
Từ đó các môn đồ nhận thức rõ ràng là Đức Giê-hô-va quý mến họ là dường nào. Một người trong họ là sứ đồ Giăng đã viết: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày-tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế-gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống”. (1 Giăng 4:9) Đức Giê-hô-va không chỉ cung cấp giá chuộc mà còn cam kết với mọi tôi tớ của Ngài: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê-bơ-rơ 13:5.
Hiển nhiên, lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài thật bền vững. Tuy nhiên, câu hỏi được nêu ra là: ‘Chúng ta có gắn bó chặt chẽ với Đức Giê-hô-va đến mức chúng ta chẳng bao giờ lìa bỏ Ngài không?’
Sa-tan cố phá hủy lòng trung kiên của chúng ta
Khi Đức Giê-hô-va lưu ý Sa-tan về lòng trung kiên của Gióp, Sa-tan hỏi vặn lại: “Có phải Gióp kính-sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng?” (Gióp 1:9, Tòa Tổng Giám Mục) Hắn ngụ ý rằng người ta trung thành với Đức Chúa Trời hoàn toàn chỉ ‘vì vụ lợi’. Nếu thật như thế, lòng trung kiên của bất kỳ tín đồ Đấng Christ nào cũng có thể suy yếu—nếu bị dụ dỗ đúng mức.
Trong trường hợp Gióp, thoạt tiên Sa-tan cho rằng lòng trung thành của Gióp sẽ tiêu tan nếu ông mất hết tài sản quý giá. (Gióp 1:10, 11) Khi mọi việc xảy ra trái ngược với lập luận này, Sa-tan khăng khăng nói: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”. (Gióp 2:4) Dù lý lẽ của Sa-tan có thể đúng đối với một số người, nhưng Gióp vẫn cương quyết giữ vững lòng trung kiên. Lịch sử chứng minh điều này. (Gióp 27:5; 42:10-17) Bạn có trung thành như thế không? Hay bạn để Sa-tan đánh đổ lòng trung kiên của bạn? Hãy nghĩ đến chính bạn khi chúng ta xem xét một số lẽ thật liên quan đến mọi tín đồ Đấng Christ.
Sứ đồ Phao-lô tin rằng lòng trung thành chân chính của tín đồ Đấng Christ có thể rất mạnh mẽ. Ông viết: “Tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống,... việc bây giờ, việc hầu đến... hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”. (Rô-ma 8:38, 39) Chúng ta cũng có thể có lòng tin chắc như vậy nếu có lòng yêu thương mạnh mẽ đối với Đức Giê-hô-va. Lòng yêu thương ấy là một khối keo sơn không gì phá hủy được, ngay cả sự chết.
Nếu có mối quan hệ như thế với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không bao giờ tự hỏi: ‘Trong vài năm sắp tới, tôi vẫn còn phụng sự Đức Giê-hô-va không?’ Tự hỏi như thế cho thấy rằng lòng trung thành của chúng ta đối với Đức Chúa Trời tùy thuộc những gì có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. Lòng trung kiên chân chính không bị ngoại cảnh chi phối. Nó tùy thuộc vào bản chất của mỗi người. (2 Cô-rinh-tô 4:16-18) Nếu hết lòng yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không bao giờ làm Ngài thất vọng.—Ma-thi-ơ 22:37; 1 Cô-rinh-tô 13:8.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Sa-tan luôn luôn tìm cách phá hủy lòng trung kiên của chúng ta. Hắn có thể dùng dục vọng xác thịt cám dỗ chúng ta, khiến chúng ta chiều theo áp lực của những người đồng trang lứa, hoặc buông xuôi theo nghịch cảnh lìa bỏ lẽ thật. Thế gian xa cách Đức Chúa Trời là đồng minh chính của Sa-tan trong cuộc tiến công này, tuy rằng sự bất toàn của chúng ta giúp Sa-tan thực hiện ý đồ của hắn dễ dàng hơn. (Rô-ma 7:19, 20; 1 Giăng 2:16) Dù sao chăng nữa, trong trận chiến này, chúng ta vẫn có ưu thế, một trong những ưu thế hàng đầu là chúng ta biết các mưu đồ của Sa-tan.—2 Cô-rinh-tô 2:11.
Mưu đồ của Sa-tan là gì? Trong lá thư viết cho người Ê-phê-sô, Phao-lô gọi mưu chước ấy là “mưu-kế”.a (Ê-phê-sô 6:11) Sa-tan lập mưu kế nhằm phá hủy lòng trung kiên của chúng ta. Mừng thay, chúng ta có thể nhận ra những mưu chước này, vì Lời Đức Chúa Trời đã vạch rõ cho chúng ta biết các phương pháp của Ma-quỉ. Việc Sa-tan cố phá hủy lòng trung kiên của Chúa Giê-su và Gióp là một số phương cách tiêu biểu hắn sử dụng nhằm phá hủy lòng trung kiên của tín đồ Đấng Christ.
Lòng trung kiên của Chúa Giê-su không bị phá hủy
Lúc Chúa Giê-su khởi đầu thánh chức, Sa-tan cả gan cám dỗ Con Đức Chúa Trời bằng cách thách ngài biến đá thành bánh. Thật xảo quyệt làm sao! Chúa Giê-su đã nhịn ăn 40 ngày, chắc chắn ngài rất đói. (Lu-ca 4:2, 3) Sa-tan xúi giục ngài thỏa mãn ngay nhu cầu tự nhiên này, theo cách trái ngược ý muốn của Đức Giê-hô-va. Ngày nay cũng thế, lời tuyên truyền của thế gian khuyến khích việc thỏa mãn tức thời các ước muốn, bất chấp mọi hậu quả. Ẩn ý trong lời tuyên truyền là: ‘Bạn đáng được hưởng điều đó bây giờ’ hoặc ‘Đừng chần chờ!’
Giả dụ Chúa Giê-su chịu thỏa mãn cơn đói của ngài bất chấp mọi hậu quả, thì Sa-tan đã thành công trong việc phá hủy lòng trung kiên của ngài. Chúa Giê-su nhìn sự việc dưới góc cạnh thiêng liêng, và ngài cứng rắn đáp: “Có chép rằng: Loài người được sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi”.—Lu-ca 4:4; Ma-thi-ơ 4:4.
Lúc đó Sa-tan đổi phương pháp. Bóp méo Kinh Thánh mà Chúa Giê-su đã trích dẫn, Ma-quỉ xúi giục ngài leo lên nóc đền thờ gieo mình xuống đất. Sa-tan cho rằng: ‘Một thiên sứ sẽ phải cứu sống ngươi’. Chúa Giê-su không có ý định đòi Cha ngài che chở bằng phép lạ cốt chỉ lôi cuốn sự chú ý đến chính mình. Chúa Giê-su nói: “Ngươi đừng thử Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”.—Ma-thi-ơ 4:5-7; Lu-ca 4:9-12.
Cuối cùng Sa-tan dùng phương pháp tấn công trực tiếp hơn. Hắn cố thương lượng với Chúa Giê-su bằng cách đề nghị cung hiến ngài cả thế gian cùng sự vinh hiển của thế gian chỉ đổi lấy một hành động thờ phượng thôi. Sa-tan đã đánh đổi hầu như tất cả những gì hắn có. Nhưng làm sao Chúa Giê-su có thể thờ lạy kẻ thù chính của Cha ngài? Thật là một điều không tưởng tượng nổi! Chúa Giê-su đáp: “Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.—Ma-thi-ơ 4:8-11; Lu-ca 4:5-8.
Sau ba lần thất bại, Sa-tan ‘lìa bỏ Chúa Giê-su mà đợi dịp’. (Lu-ca 4:13, Nguyễn Thế Thuấn) Điều này cho thấy Sa-tan luôn tìm cơ hội thử thách lòng trung kiên của Chúa Giê-su. Khoảng hai năm rưỡi sau đó, một thời cơ thuận tiện đã đến khi Chúa Giê-su bắt đầu chuẩn bị tinh thần các môn đồ về sự chết gần đến của ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!”—Ma-thi-ơ 16:21, 22.
Lời khuyên đầy hảo ý nhưng lệch lạc ấy của một môn đồ ngài, có thể lôi cuốn được Chúa Giê-su không? Chúa Giê-su lập tức nhận ra rằng những lời ấy giống như các ý nghĩ của Sa-tan, thay vì ý muốn Đức Giê-hô-va. Đấng Christ cương quyết đáp: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”.—Ma-thi-ơ 16:23.
Chính vì Chúa Giê-su luôn yêu thương Đức Giê-hô-va, nên Sa-tan không thể phá hủy lòng trung kiên của ngài. Không điều gì Ma-quỉ đưa ra để dụ dỗ, không thử thách nào dù ngặt nghèo đến đâu, có thể làm suy yếu lòng trung thành của Chúa Giê-su đối với Cha trên trời của ngài. Khi lòng trung kiên bị thử thách, liệu chúng ta sẽ kiên quyết như thế không? Gương mẫu của Gióp sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thử thách mà chúng ta có thể gặp.
Trung thành trước nghịch cảnh
Như Gióp đã hiểu ra, nghịch cảnh có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Ông là người có gia đình hạnh phúc, mười con và nề nếp thiêng liêng tốt. (Gióp 1:5) Nhưng Gióp không ngờ rằng lòng trung kiên của ông đối với Đức Chúa Trời lại trở thành một đề tài tranh luận nơi thiên đình, và Sa-tan nhất quyết làm ông sa ngã bằng mọi giá.
Chỉ trong thời gian ngắn, Gióp mất hết tài sản. (Gióp 1:14-17) Thế nhưng, lòng trung kiên của Gióp vẫn bền vững trước thử thách vì ông không hề đặt tin cậy nơi tiền bạc. Nhớ lại thời giàu sang, Gióp nói: “Nếu tôi có để lòng tin-cậy nơi vàng,... nếu tôi vui-mừng về tài-vật tôi nhiều, và vì tay tôi đã được lắm của;... điều đó cũng là một tội-ác...; vì nếu làm vậy, tôi đã từ-chối Đức Chúa Trời trên cao”.—Gióp 31:24, 25, 28.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể một sáng một chiều mất hầu hết tài sản. Một thương gia là Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị lường gạt mất một khoản tiền rất lớn, gần như tán gia bại sản. Anh thẳng thắn thú nhận: “Tôi thiếu điều muốn đứng tim. Thật ra, nếu không nhờ có mối liên lạc với Đức Chúa Trời, hẳn tôi đã khó sống. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm này tôi hiểu ra rằng mình đã không đặt những giá trị thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống. Tôi mải mê kiếm tiền mà quên đi mọi việc khác”. Từ đó anh Nhân Chứng này đã hạn chế tối đa công việc kinh doanh, và đều đặn làm người tiên phong phụ trợ, mỗi tháng dành ra 50 giờ hoặc nhiều hơn vào thánh chức tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác có thể còn tai hại hơn việc mất tài sản.
Gióp vẫn chưa nguôi ngoai về tin mất tài sản thì lại hay tin mười người con của ông đã chết. Ông vẫn nhất quyết: “Đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va”. (Gióp 1:18-21) Nếu bỗng dưng mất nhiều người thân trong gia đình, chúng ta có giữ được lòng trung kiên không? Một giám thị tín đồ Đấng Christ tên Francisco ở Tây Ban Nha có hai người con chết trong một vụ tai nạn xe buýt thê thảm. Anh tìm được nguồn an ủi nhờ đến gần Đức Giê-hô-va và nhờ gia tăng hoạt động rao giảng.
Ngay cả sau khi mất hết con cái, Gióp vẫn chưa phải đã hoàn toàn tai qua nạn khỏi. Sa-tan gây cho ông một chứng bệnh ghê tởm, đau đớn. Lúc ấy, Gióp bị vợ xúi giục làm điều sai trái. Bà giục: “Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi”. Gióp không nghe lời xúi giục của vợ, nên đã không “phạm tội bởi môi miệng mình”. (Gióp 2:9, 10) Lòng trung kiên của ông tùy thuộc nơi mối liên lạc cá nhân của ông với Đức Giê-hô-va, chứ không phải nơi sự ủng hộ của gia đình.
Chị Flora rất hiểu những cảm nghĩ của Gióp; chồng chị và con trai trưởng đã bỏ đạo Đấng Christ cách đây hơn mười năm. Chị cho biết: “Quả là thê thảm khi bỗng dưng mất đi sự ủng hộ của gia đình. Nhưng tôi biết sẽ không tìm được hạnh phúc ở ngoài tổ chức Đức Giê-hô-va. Thế nên tôi giữ vững niềm tin và đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong khi vẫn cố gắng tiếp tục làm tròn bổn phận người vợ và mẹ. Tôi siêng năng cầu nguyện, và Đức Giê-hô-va đã thêm sức cho tôi. Tôi thật hạnh phúc vì đã tập nương tựa hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, dù bị chồng tôi quyết liệt chống đối”.
Thủ đoạn kế tiếp của Sa-tan là dùng ba người bạn của Gióp để phá hủy lòng trung kiên của ông. (Gióp 2:11-13) Ắt là ông phải đau lòng lắm khi họ lên tiếng chỉ trích. Giả dụ Gióp chấp nhận lập luận của họ, ông chắc sẽ mất lòng tin cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Lời nói thiếu xây dựng của họ đã có thể hủy hoại tinh thần và lòng trung kiên của ông, và qua cách đó Sa-tan sẽ thành công.
Thay vì thế, Gióp nhất quyết: “Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”. (Gióp 27:5, TTGM) Ông không nói: ‘Tôi sẽ không để cho các ông tước lấy sự trung kiên của tôi!’ Gióp biết sự trung kiên của ông tùy thuộc ở ông và lòng yêu thương Đức Giê-hô-va.
Dùng chước cũ để bắt mồi mới
Sa-tan vẫn lợi dụng những lời khuyên lệch lạc hoặc lời thiếu suy nghĩ của bạn bè và người cùng đức tin để lừa đảo. Nản lòng vì những sự việc trong hội thánh có thể dễ xói mòn tinh thần của chúng ta hơn là bắt bớ từ phía bên ngoài. Một trưởng lão đạo Đấng Christ trước đây đã từng chứng kiến cảnh giao tranh khi ở trong quân đội so sánh cảnh chiến đấu với nỗi đau anh phải chịu vì những lời lẽ và hành động thiếu suy nghĩ của một số anh em cùng đạo. Nói về nỗi đau ấy, anh cho biết: “Đây là điều khó khăn nhất mà tôi đã phải đương đầu”.
Dưới một quan điểm khác, chúng ta có thể bực bội trước những sự bất toàn của anh em cùng đạo đến độ không muốn nói chuyện với một số người hoặc ngay cả bắt đầu bỏ các buổi họp tín đồ Đấng Christ. Chúng ta dường như chỉ chăm chú vào việc giải tỏa nỗi tổn thương của mình. Một quan điểm thiển cận như thế thật đáng buồn vì đã để cho tài sản quý báu nhất của chúng ta—mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va—bị yếu đi chỉ vì lời nói và hành động của người khác. Để cho điều đó xảy ra có nghĩa là làm con mồi mắc phải một trong những cạm bẫy lâu đời của Sa-tan.
Chúng ta có lý do chính đáng để tìm kiếm tiêu chuẩn cao trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Nhưng nếu đòi hỏi quá nhiều nơi anh em cùng đạo, những người vẫn còn bất toàn, chúng ta sẽ không tránh khỏi thất vọng. Trái lại, Đức Giê-hô-va rất thực tế trong mọi đòi hỏi đối với các tôi tớ của Ngài. Noi gương Ngài, chúng ta sẽ sẵn sàng chịu đựng sự bất toàn của họ. (Ê-phê-sô 4:2, 32) Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp”.—Ê-phê-sô 4:26, 27.
Như Kinh Thánh cho thấy rõ, Sa-tan dùng nhiều thủ đoạn để tìm cách đánh đổ lòng trung kiên của một tín đồ Đấng Christ—nếu hắn có thể. Một số mánh khóe của hắn hấp dẫn xác thịt tội lỗi, một số khác thì nhằm gây đau đớn. Qua những điều vừa thảo luận, bạn có thể thấy tại sao không nên mắc mưu bất ngờ. Với lòng yêu thương bền vững đối với Đức Chúa Trời, hãy kiên quyết chứng tỏ Ma-quỉ là kẻ nói dối, và làm Đức Giê-hô-va vui lòng. (Châm-ngôn 27:11; Giăng 8:44) Hãy luôn ghi nhớ đừng bao giờ đánh mất lòng trung kiên thật của tín đồ Đấng Christ trong bất kỳ thử thách nào.
[Chú thích]
a Học giả Kinh Thánh W. E. Vine nói rằng từ Hy Lạp nguyên thủy cũng có thể được dịch là “phương kế xảo quyệt”.