Vun trồng tính khiêm nhường chân thật
“Chúa cứu giúp ai... khiêm nhường”.—2 SA-MU-ÊN 22:28, Trịnh Văn Căn.
1, 2. Nhiều nhà cai trị thế gian có điểm chung nào?
CÁC kim tự tháp Ai Cập là bằng chứng về những người đã từng cai trị xứ đó. Những người khác đã để lại dấu ấn trong lịch sử là San-chê-ríp của A-si-ri, A-léc-xan-đơ Đại Đế của Hy Lạp và Giu-lơ Sê-sa của La Mã. Tất cả những nhà cai trị đó có một điểm chung: Không ai đã có thành tích là người thật sự khiêm nhường.—Ma-thi-ơ 20:25, 26.
2 Bạn có thể hình dung bất cứ người nào trong số các nhà cai trị nêu trên có thói quen tìm kiếm những người dân hèn mọn cần sự an ủi trong vương quốc mình không? Dĩ nhiên không! Bạn cũng không thể hình dung họ đi đến những căn nhà nhỏ bé tầm thường của những người dân khốn khổ để nâng đỡ tinh thần những người như thế. Thái độ của những nhà cai trị đó đối với những người khiêm nhường hèn mọn thật khác biệt với Đấng Cai Trị Tối Thượng của vũ trụ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời!
Gương tuyệt hảo về tính khiêm nhường
3. Đấng Cai Trị Tối Thượng đối xử với thần dân trên đất như thế nào?
3 Đức Giê-hô-va rất vĩ đại và cao cả, không ai thấu được, thế nhưng “mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9) Và Đức Giê-hô-va làm gì khi tìm thấy những người khiêm nhường thờ phượng Ngài nhưng tinh thần bị đè nén, đau đớn vì nhiều nỗi gian nan? Theo một ý nghĩa nào đó, Ngài “ngự” với họ qua thánh linh “đặng làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn”. (Ê-sai 57:15) Nhờ thế, họ chẳng những được hồi phục mà còn có khả năng hơn để tiếp tục vui vẻ phụng sự Ngài. Đức Chúa Trời quả thật hết sức khiêm nhường!
4, 5. (a) Người viết Thi-thiên có cảm nghĩ nào về cách cai trị của Đức Chúa Trời? (b) Việc Đức Chúa Trời “hạ mình” để giúp đỡ “người khốn-cùng” có nghĩa gì?
4 Không ai khác trong vũ trụ đã tự hạ mình xuống giống như Chúa Tối Thượng để giúp đỡ loài người tội lỗi. Người viết Thi-thiên đã có thể nói: “Đức Giê-hô-va vượt cao hơn các dân. Sự vinh-hiển Ngài cao hơn các từng trời. Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi? Ngôi Ngài ở trên cao; Ngài hạ mình xuống đặng xem-xét trời và đất. Ngài nâng-đỡ người khốn-cùng lên khỏi bụi-tro, cất kẻ thiếu-thốn khỏi đống phân”.—Thi-thiên 113:4-7.
5 Hãy lưu ý từ “hạ mình”. Khi nói về loài người, từ đó có thể hàm ý tiêu cực là tự cho mình cao trọng hơn người thấp kém hoặc ít may mắn hơn. Không thể nào miêu tả Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thái độ kiêu ngạo như thế vì Ngài là Đấng thanh khiết, thánh thiện và do đó không hề có sự “kiêu-ngạo”. (Mác 7:22, 23) Nhưng “hạ mình” cũng có thể mang ý nghĩa tự đặt mình xuống bậc thấp hoặc tự hạ thấp địa vị hoặc phẩm cách khi đối xử với người thấp kém hơn. Thi-thiên 113:6 diễn đạt thật thích hợp hình ảnh Đức Chúa Trời khiêm nhường của chúng ta biểu lộ lòng quan tâm yêu thương đến nhu cầu của những người thờ phượng bất toàn!—2 Sa-mu-ên 22:36.
Tại sao Chúa Giê-su khiêm nhường?
6. Hành động vĩ đại nhất của Đức Giê-hô-va về tính khiêm nhường là gì?
6 Hành động vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời về sự khiêm nhường và tình yêu thương là việc cho Con một yêu quý sinh ra làm người trên đất để cứu rỗi nhân loại. (Giăng 3:16) Chúa Giê-su dạy chúng ta lẽ thật về Cha trên trời và rồi hy sinh mạng sống làm người hoàn toàn để cất “tội-lỗi thế-gian”. (Giăng 1:29; 18:37) Hoàn toàn phản ánh Cha ngài, kể cả tính khiêm nhường, Chúa Giê-su sẵn lòng làm những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi. Đó là gương tuyệt hảo nhất về tính khiêm nhường và tình yêu thương từ một tạo vật của Đức Chúa Trời. Không phải ai cũng quý trọng tính khiêm nhường của Chúa Giê-su, kẻ thù ngài thậm chí xem ngài là “kẻ rất hèn-hạ trong loài người”. (Đa-ni-ên 4:17) Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô nhận thức rằng các anh em đồng đức tin với ông cần phải noi gương Chúa Giê-su và nhờ thế họ khiêm nhường khi đối xử với nhau.—1 Cô-rinh-tô 11:1; Phi-líp 2:3, 4.
7, 8. (a) Chúa Giê-su đã học tính khiêm nhường như thế nào? (b) Chúa Giê-su đưa ra lời mời gọi nào cho các môn đồ tương lai?
7 Nêu bật gương xuất sắc của Chúa Giê-su, Phao-lô viết: “Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập-tự”.—Phi-líp 2:5-8.
8 Một số người có thể tự hỏi: ‘Chúa Giê-su học tính khiêm nhường từ đâu?’ Đó là kết quả tuyệt diệu của việc kết hợp chặt chẽ với Cha trên trời trong khoảng thời gian dài vô kể mà ngài đã phụng sự với tư cách “thợ cái” của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo muôn vật. (Châm-ngôn 8:30) Sau cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen, Con một của Đức Chúa Trời có thể thấy cách đối xử khiêm nhường của Cha đối với loài người tội lỗi. Do đó, khi xuống đất, Chúa Giê-su phản ánh tính khiêm nhường của Cha ngài và mời gọi: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:29; Giăng 14:9.
9. (a) Chúa Giê-su thấy trẻ em có đặc tính đáng quý nào? (b) Chúa Giê-su dùng một đứa trẻ để dạy bài học nào?
9 Vì Chúa Giê-su thật sự khiêm nhường nên trẻ em không khiếp sợ ngài. Ngược lại chúng thích đến với ngài. Còn ngài thì tỏ ra yêu mến trẻ em và chú ý đến chúng. (Mác 10:13-16) Trẻ em có đặc tính nào mà Chúa Giê-su thấy đáng quý? Chắc hẳn chúng có những đặc tính đáng chuộng mà một số môn đồ dù là người lớn nhưng không luôn thể hiện. Ai cũng biết rằng trẻ em xem người lớn là bậc trên. Bạn có thể thấy điều này qua nhiều câu hỏi của chúng. Đúng thế, so với nhiều người lớn, trẻ em dễ dạy bảo và thường không tự kiêu. Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su chỉ một đứa trẻ và nói với môn đồ: “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu”. Ngài nói tiếp: “Hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng”. (Ma-thi-ơ 18:3, 4) Chúa Giê-su nêu ra quy tắc: “Ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.—Lu-ca 14:11; 18:14; Ma-thi-ơ 23:12.
10. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
10 Sự thật đó nêu lên những câu hỏi quan trọng. Triển vọng sống đời đời một phần tùy thuộc việc chúng ta có vun trồng tính khiêm nhường chân thật hay không, nhưng tại sao tín đồ Đấng Christ đôi khi thấy khó thể hiện tính khiêm nhường? Tại sao việc bỏ qua tự ái và phản ứng cách khiêm nhường trước những khó khăn lại là một thách đố cho chúng ta? Và điều gì sẽ giúp chúng ta thành công vun trồng tính khiêm nhường chân thật?—Gia-cơ 4:6, 10.
Tại sao khó thể hiện tính khiêm nhường?
11. Tại sao việc chúng ta phải phấn đấu để có tính khiêm nhường không có gì đáng ngạc nhiên?
11 Nếu bạn thấy mình phải phấn đấu để thể hiện tính khiêm nhường thì hãy biết rằng không chỉ một mình bạn có khó khăn đó. Vào năm 1920, khi bàn đến lời khuyên của Kinh Thánh về việc cần có tính khiêm nhường, tạp chí này bình luận: “Vì chúng ta nhận biết Chúa xem trọng tính khiêm nhường như thế nào, điều này nên khuyến khích tất cả tín đồ chân chính vun trồng đức tính này hàng ngày”. Tiếp theo đó là lời thừa nhận thẳng thắn như sau: “Bất kể mọi lời khuyên này của Kinh Thánh, bản chất bất toàn của con người dường như nghiêm trọng đến nỗi những ai trở thành dân của Chúa và quyết định đi theo con đường ngài chỉ dạy hình như đều thấy khó khăn, phải phấn đấu nhiều trong vấn đề này hơn bất cứ vấn đề nào khác”. Lời đó cho thấy rõ một lý do tại sao tín đồ chân chính của Đấng Christ phải phấn đấu để có tính khiêm nhường—ấy là bởi bản chất tội lỗi của con người ham muốn sự vinh quang quá đáng. Đó là vì chúng ta là con cháu của một cặp vợ chồng tội lỗi, A-đam và Ê-va, những người đã chiều theo các ham muốn ích kỷ.—Rô-ma 5:12.
12, 13. (a) Thế gian là trở ngại cho tính khiêm nhường của người tín đồ Đấng Christ như thế nào? (b) Ai làm cho việc vun trồng tính khiêm nhường càng thêm khó khăn?
12 Một lý do khác khiến chúng ta thấy khó thể hiện tính khiêm nhường là vì chúng ta sống trong một thế gian cổ vũ người ta vươn lên để hơn người khác. Một trong những mục tiêu phổ biến của thế gian này là ham muốn làm thỏa mãn “sự mê-tham của xác-thịt [tội lỗi], mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời”. (1 Giăng 2:16) Thay vì để cho những ham muốn thế gian chi phối, môn đồ Chúa Giê-su nên giữ mắt giản dị và tập trung vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 6:22-24, 31-33; 1 Giăng 2:17.
13 Lý do thứ ba tại sao khó vun trồng và thể hiện tính khiêm nhường là vì kẻ khởi đầu tính kiêu ngạo, Sa-tan Ma-quỉ, là kẻ cai trị thế gian. (2 Cô-rinh-tô 4:4; 1 Ti-mô-thê 3:6) Sa-tan lan truyền những tính xấu xa của hắn. Chẳng hạn, hắn cố cám dỗ Chúa Giê-su thờ lạy hắn bằng cách đề nghị cho ngài “các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy”. Luôn luôn khiêm nhường, Chúa Giê-su dứt khoát từ chối lời đề nghị của Ma-quỉ. (Ma-thi-ơ 4:8, 10) Cũng vậy, Sa-tan cám dỗ tín đồ Đấng Christ tìm kiếm vinh quang cho mình. Thế nhưng, những tín đồ khiêm nhường cố noi gương Chúa Giê-su, hướng sự ca ngợi và tôn vinh cho Đức Chúa Trời.—Mác 10:17, 18.
Vun trồng và thể hiện tính khiêm nhường chân thật
14. Thế nào là “giả-đò khiêm-nhượng”?
14 Trong lá thư viết cho người Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô khuyên hãy đề phòng thái độ làm ra vẻ khiêm nhường nhằm gây ấn tượng với người khác. Ông diễn tả điều này là “giả-đò khiêm-nhượng”. Những người chỉ làm ra vẻ khiêm nhường không phải là người có tính thiêng liêng. Thay vì thế, họ để lộ chân tướng là kẻ “nổi lòng kiêu-ngạo”. (Cô-lô-se 2:18, 23) Chúa Giê-su chỉ ra những gương giả đò khiêm nhường như thế. Ngài lên án người Pha-ri-si về việc họ cầu nguyện cách phô trương và kiêng ăn với bộ mặt buồn rầu và nhăn nhó để người khác biết họ kiêng ăn. Ngược lại, nếu muốn Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện riêng thì chúng ta phải cầu nguyện cách khiêm nhường.—Ma-thi-ơ 6:5, 6, 16.
15. (a) Chúng ta có thể làm gì để giữ tinh thần khiêm nhường? (b) Hãy nêu vài gương tốt về tính khiêm nhường.
15 Điều có thể giúp tín đồ Đấng Christ giữ tinh thần khiêm nhường chân thật là tập trung sự chú ý vào hai gương tuyệt hảo về đức tính này, của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Điều này bao hàm việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm giúp học Kinh Thánh do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45) Việc học hỏi như thế rất quan trọng cho các giám thị đạo Đấng Christ, “kẻo lòng [họ] lướt trên anh em mình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:19, 20; 1 Phi-e-rơ 5:1-3) Hãy suy ngẫm về gương của nhiều người được ban phước nhờ có thái độ khiêm nhường, chẳng hạn như Ru-tơ, An-ne và Ê-li-sa-bét. (Ru-tơ 1:16, 17; 1 Sa-mu-ên 1:11, 20; Lu-ca 1:41-43) Cũng hãy nghĩ về gương xuất sắc của nhiều người có vai trò nổi bật như Đa-vít, Giô-si-a, Giăng Báp-tít và sứ đồ Phao-lô. (2 Sử-ký 34:1, 2, 19, 26-28; Thi-thiên 131:1; Giăng 1:26, 27; 3:26-30; Công-vụ 21:20-26; 1 Cô-rinh-tô 15:9) Và còn nhiều gương khiêm nhường ngày nay mà chúng ta thấy trong hội thánh đạo Đấng Christ thì sao? Suy ngẫm về những gương này sẽ giúp tín đồ chân chính của Đấng Christ ‘đối-đãi với nhau bằng khiêm-nhường’.—1 Phi-e-rơ 5:5.
16. Thánh chức rao giảng giúp chúng ta khiêm nhường như thế nào?
16 Đều đặn tham gia thánh chức rao giảng của đạo Đấng Christ cũng có thể giúp chúng ta khiêm nhường. Thái độ này có thể giúp chúng ta đạt hiệu quả khi tiếp xúc với những người lạ mình gặp từ nhà này sang nhà kia và ở những nơi khác. Điều này càng đúng khi chủ nhà lúc đầu tỏ ra lãnh đạm hoặc xấc xược đối với thông điệp Nước Trời. Người ta thường nêu nghi vấn về niềm tin của chúng ta, và tính khiêm nhường có thể giúp tín đồ Đấng Christ tiếp tục trả lời những câu hỏi một cách “hiền-hòa và kính-sợ”. (1 Phi-e-rơ 3:15) Nhiều tôi tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời đã dọn đến những khu vực mới và giúp những người có văn hóa và mức sống khác. Những người truyền giáo đó có thể phải khiêm nhường khi gặp khó khăn học ngôn ngữ mới để hữu hiệu hơn trong việc giúp những người mà họ muốn chia sẻ tin mừng. Điều này thật đáng khen!—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
17. Những trách nhiệm nào của tín đồ Đấng Christ đòi hỏi phải có tính khiêm nhường?
17 Với tính khiêm nhường, nhiều người đã chu toàn những trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ, đặt quyền lợi người khác lên trên quyền lợi mình. Chẳng hạn, một người cha đạo Đấng Christ phải khiêm nhường mới dành ra thì giờ có thể dùng trong những việc riêng để chuẩn bị và điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu với con cái. Tính khiêm nhường cũng giúp trẻ em tôn kính và vâng lời cha mẹ, dù cha mẹ là những người bất toàn. (Ê-phê-sô 6:1-4) Những người vợ có chồng không tin đạo thường phải đương đầu với những hoàn cảnh đòi hỏi sự khiêm nhường trong lúc họ cố gắng cảm hóa người hôn phối bằng ‘cách ăn-ở tinh-sạch và cung-kính’. (1 Phi-e-rơ 3:1, 2) Tính khiêm nhường và lòng yêu thương quên mình cũng rất đáng quý khi chúng ta ân cần chăm sóc nhu cầu của cha mẹ già cả ốm đau.—1 Ti-mô-thê 5:4.
Tính khiêm nhường giúp giải quyết vấn đề
18. Làm thế nào tính khiêm nhường giúp chúng ta giải quyết vấn đề?
18 Tất cả những người tôi tớ của Đức Chúa Trời đều bất toàn. (Gia-cơ 3:2) Đôi khi có sự bất đồng hoặc hiểu lầm nảy sinh giữa hai tín đồ Đấng Christ. Một người có thể có lý do chính đáng để phàn nàn về người kia. Thông thường những trường hợp như thế có thể được giải quyết bằng cách áp dụng lời khuyên: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”. (Cô-lô-se 3:13) Phải thừa nhận là làm theo lời khuyên này không phải dễ, nhưng tính khiêm nhường sẽ giúp một người cố gắng áp dụng lời đó.
19. Chúng ta phải nhớ điều gì khi đến nói chuyện với người đã làm mình buồn giận?
19 Đôi khi một tín đồ Đấng Christ nghĩ rằng lý do chính đáng để phàn nàn là vấn đề quá nghiêm trọng không thể bỏ qua được. Nếu thế thì tính khiêm nhường sẽ giúp người ấy đến gặp người bị xem là có lỗi với mục đích hòa thuận trở lại. (Ma-thi-ơ 18:15) Một lý do có thể khiến vấn đề giữa hai tín đồ không được giải quyết là vì một hoặc có lẽ cả hai người đều quá tự ái không muốn nhận lỗi của mình. Hoặc khi một người chủ động đến nói chuyện với người kia thì lại tỏ thái độ phê phán, tự cho mình là đúng. Ngược lại, một thái độ thật sự khiêm nhường sẽ rất hiệu quả trong việc giải quyết mối bất hòa.
20, 21. Một trong những sự giúp đỡ lớn nhất để có tính khiêm nhường là gì?
20 Một bước quan trọng trong việc vun trồng tính khiêm nhường là cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và ban thánh linh. Nhưng hãy nhớ rằng “Đức Chúa Trời... ban ơn [kể cả thánh linh] cho kẻ khiêm-nhường”. (Gia-cơ 4:6) Vậy nếu bạn có xích mích với một anh em đồng đạo, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn khiêm nhường thừa nhận bất cứ lỗi lầm dù lớn hay nhỏ của mình. Nếu bạn đã bị tổn thương và người có lỗi thành thật nói: “Xin lỗi”, thì hãy khiêm nhường tha thứ. Nếu thấy khó làm điều đó thì hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để dẹp bỏ bất cứ sự kiêu ngạo nào còn sót lại trong lòng bạn.
21 Hiểu rõ nhiều lợi ích của tính khiêm nhường sẽ thúc đẩy chúng ta vun trồng và duy trì đức tính đáng quý này. Nhằm mục tiêu đó, chúng ta có hai gương thật tuyệt vời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ! Chớ bao giờ quên lời bảo đảm của Đức Chúa Trời: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”.—Châm-ngôn 22:4.
Những điểm để suy ngẫm
• Ai nêu gương tốt nhất về tính khiêm nhường?
• Tại sao khó vun trồng tính khiêm nhường?
• Điều gì có thể giúp chúng ta khiêm nhường?
• Tại sao giữ sự khiêm nhường là rất quan trọng?
[Hình nơi trang 26]
Chúa Giê-su thật sự khiêm nhường
[Hình nơi trang 28]
Thế gian cổ vũ người ta vươn lên để hơn người khác
[Nguồn tư liệu]
WHO photo by L. Almasi/K. Hemzǒ
[Hình nơi trang 29]
Tính khiêm nhường giúp chúng ta dễ tiếp xúc với người lạ trong thánh chức rao giảng
[Các hình nơi trang 30]
Chúng ta thường có thể giải quyết xích mích bằng cách khiêm nhường và yêu thương bỏ qua vấn đề
[Các hình nơi trang 31]
Có nhiều cách để tín đồ Đấng Christ thể hiện tính khiêm nhường