Bạn có hiểu ý nghĩa về Nước Trời không?
“Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu” (MA-THI-Ơ 13:23).
1. Một số tín ngưỡng thông thường về ‘nước thiên-đàng’ là gì?
BẠN có “hiểu” Nước Đức Chúa Trời là gì không? Qua hàng bao thế kỷ, người ta có nhiều khái niệm khác nhau về ‘nước thiên-đàng’. Ngày nay, thường thì một số người theo các giáo hội tin rằng Nước Trời là một cái gì đó mà Đức Chúa Trời đặt vào lòng người ta khi người đó cải đạo. Những người khác thì nghĩ đó là nơi mà những người hiền lành đi đến sau khi chết để có hạnh phúc mãi mãi. Còn những người khác nữa lại cho rằng Đức Chúa Trời để cho loài người lập Nước Trời trên đất bằng cách cổ động để truyền những sự dạy dỗ và thực hành của đạo đấng Christ vào công việc xã hội và chính quyền.
2. Kinh-thánh giải thích thế nào về Nước Đức Chúa Trời, và Nước ấy sẽ thực hiện điều gì?
2 Tuy nhiên, Kinh-thánh cho thấy rõ là Nước Trời không phải là một cơ sở ở trên đất. Nước Trời cũng không phải là một tình trạng trong lòng người ta hay là việc biến đổi xã hội theo đạo đấng Christ. Đành rằng có sự hiểu biết chính xác về Nước Trời khiến những người thực hành đức tin nơi đó có những sự thay đổi lớn trong đời sống. Nhưng Nước Trời chính là một chính phủ được Đức Chúa Trời lập nên ở trên trời để thực hiện ý muốn của ngài, loại bỏ ảnh hưởng của tội lỗi và sự chết và khôi phục những tình trạng công bình trên đất. Nước Trời này đã nắm quyền ở trên trời, và không bao lâu nữa “nó sẽ đánh tan và hủy-diệt các nước [của loài người], mà mình thì đứng đời đời” (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 11:15; 12:10).
3. Khi Giê-su bắt đầu thánh chức rao giảng, ngài mở đường cho loài người có cơ hội nào?
3 Sử gia H. G. Wells viết: “Giáo lý về Nước thiên đàng là sự dạy dỗ chính của Giê-su, mà lại đóng một vai trò rất nhỏ trong những tín điều của các đạo tự xưng theo đấng Christ. Giáo lý ấy chắc chắn là một trong những giáo lý có tác động mạnh nhất đã từng kích động và thay đổi tư tưởng của loài người”. Ngay từ lúc đầu, đề tài rao giảng của Giê-su là: “Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17). Ngài có mặt ở trên đất với tư cách là vị Vua được xức dầu, và niềm vui tột bực là giờ đây loài người không những có cơ hội hưởng được ân phước của Nước Trời mà còn được làm thầy tế lễ và vua đồng cai trị với Giê-su trong Nước đó! (Lu-ca 22:28-30; Khải-huyền 1:6; 5:10).
4. Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người đã phản ứng thế nào đối với “tin-lành của nước Đức Chúa Trời”, đưa đến sự phán xét nào?
4 Dù có nhiều người nghe “tin-lành của nước Đức Chúa Trời”, nhưng chỉ có một số ít người tin. Một phần là vì các nhà lãnh đạo tôn giáo đã “đóng nước thiên-đàng trước mặt người ta”. Họ “đoạt lấy chìa khóa của sự biết” qua những sự dạy dỗ sai lầm của họ. Vì phần đông người ta phủ nhận Giê-su là đấng Mê-si và vị Vua được xức dầu của Nước Đức Chúa Trời, nên Giê-su nói với họ: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó” (Ma-thi-ơ 4:23; 21:43; 23:13; Lu-ca 11:52).
5. Đa số người nghe lời ví dụ của Giê-su đã cho thấy họ không nghe với sự hiểu biết như thế nào?
5 Vào một dịp nọ khi dạy đám đông, Giê-su theo thói quen dùng một loạt ví dụ để thử họ và loại ra những ai chỉ có sự chú ý hời hợt đến Nước Trời. Lời ví dụ đầu tiên là về một người gieo giống trên bốn loại đất. Ba loại đất đầu tiên không tốt cho việc trồng trọt, nhưng loại đất sau cùng là “đất tốt” nên sanh bông trái tốt. Lời ví dụ ngắn gọn kết thúc với lời khuyên: “Ai có tai, hãy lắng nghe!” (Ma-thi-ơ 13:1-9, NW). Đa số những người có mặt đều nghe ngài nói, nhưng họ quả đã không “lắng nghe”. Họ thiếu động cơ và không thật sự chú ý muốn biết hột giống gieo trên những loại đất khác nhau thì giống như Nước Trời ở những điểm nào. Họ trở về với cuộc sống hằng ngày, có lẽ nghĩ rằng những lời ví dụ của Giê-su chỉ là những câu chuyện hay dạy về đạo đức. Vì lòng cứng cỏi, nên họ quả đã bỏ mất dịp để nhận được sự hiểu biết phong phú và những đặc ân và cơ hội tuyệt vời làm sao!
6. Tại sao chỉ có môn đồ của Giê-su mới được ban cho sự hiểu biết về “sự mầu-nhiệm của nước thiên-đàng”?
6 Giê-su bảo các môn đồ ngài: “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết”. Trích lời Ê-sai, ngài nói tiếp: “Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi; đã làm cho nặng tai và nhắm mắt mình lại, e khi mắt mình thấy được, tai mình nghe được, lòng mình hiểu được, họ tự hối-cải lại, và ta chữa họ được lành chăng. Nhưng phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được!” (Ma-thi-ơ 13:10-16; Mác 4:11-13).
“Hiểu” về Nước Trời
7. Tại sao “hiểu” về Nước Trời là điều quan trọng?
7 Giê-su vạch ra vấn đề là gì. Điều này có liên hệ đến việc “hiểu” về thông điệp Nước Trời. Giê-su nói riêng với các môn đồ ngài: “Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví-dụ về kẻ gieo giống là gì. Khi người nào nghe đạo nước thiên-đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình”. Rồi, ngài giải thích rằng bốn loại đất tượng trưng cho các tình trạng trong lòng những người nghe mà “đạo nước thiên-đàng” đã được gieo (Ma-thi-ơ 13:18-23; Lu-ca 8:9-15).
8. Điều gì đã khiến cho “hột giống” gieo trên ba loại đất đầu tiên không sanh bông trái?
8 “Hột giống” đều tốt trong mỗi trường hợp nhưng việc sanh hoa kết trái là tùy thuộc vào loại đất. Nếu lòng một người giống như đất trên con đường mà nhiều người qua lại, cứng cỏi vì nhiều hoạt động không có tính cách thiêng liêng, thì dễ cho người nghe thông điệp Nước Trời tự bào chữa, nói rằng mình không có thời giờ cho Nước Trời. Hột giống bị bỏ lơ có thể dễ bị cướp đi trước khi nó có thể mọc rễ. Nhưng nếu hột giống được gieo trong lòng giống như đất đá sỏi thì sao? Hột giống có thể nẩy mầm, nhưng nó khó mà đâm rễ sâu để hút chất dinh dưỡng và giữ cho cây vững vàng. Người đó sẽ thấy triển vọng làm một tôi tớ biết vâng lời Đức Chúa Trời, nhất là khi gặp sự bắt bớ dữ dội, là một thử thách quá lớn, và người đó sẽ vấp phạm. Và cũng vậy, nếu người ta chan chứa trong lòng sự lo lắng gai góc hoặc ham muốn duy vật để trở nên giàu có, thì cây mảnh khảnh của Nước Trời sẽ bị nghẹt ngòi. Trong ba trường hợp điển hình về cuộc sống, không bông trái nào của Nước Trời được nảy nở.
9. Tại sao hột giống được gieo nơi đất tốt có thể sanh bông trái tốt?
9 Tuy nhiên, còn hột giống Nước Trời gieo nơi đất tốt thì sao? Giê-su trả lời: “Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết-quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục” (Ma-thi-ơ 13:23). Khi “hiểu” về Nước Trời, họ sẽ sanh bông trái tốt tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
Trách nhiệm đi kèm theo sự hiểu biết
10. a) Giê-su cho thấy việc “hiểu” về Nước Trời mang đến cả ân phước lẫn trách nhiệm như thế nào? b) Có phải sứ mệnh đi đào tạo môn đồ của Giê-su chỉ áp dụng cho các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất?
10 Sau khi cho thêm sáu ví dụ để giải thích về những khía cạnh khác nhau của Nước Trời, Giê-su hỏi môn đồ ngài: “Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng!” Khi họ trả lời là “có hiểu”, thì ngài nói: “Vì cớ ấy, mọi thầy thông-giáo đã học thông đạo về nước thiên-đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra”. Nhờ được Giê-su dạy dỗ và huấn luyện, các môn đồ dần dần trở nên tín đồ thành thục và họ có thể mang từ trong ‘kho’ của mình ra một nguồn vô tận đồ ăn thiêng liêng phong phú. Phần lớn điều này liên quan đến Nước Đức Chúa Trời. Giê-su nói rõ là “hiểu” về Nước Trời mang đến không những ân phước mà còn trách nhiệm nữa. Ngài ra lệnh: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế [sự kết liễu của hệ thống mọi sự, NW]” (Ma-thi-ơ 13:51, 52; 28:19, 20).
11. Khi đến năm 1914, những biến cố nào xảy ra liên quan đến Nước Trời?
11 Như đã hứa, Giê-su tiếp tục ở với các môn đồ thật của ngài qua suốt bao thế kỷ cho đến thời kỳ này. Trong những ngày sau rốt này, ngài dần dần ban cho họ sự hiểu biết, và ngài cũng đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm về việc họ dùng ánh sáng càng ngày càng sáng của lẽ thật (Lu-ca 19:11-15, 26). Vào năm 1914, những biến cố liên quan đến Nước Trời bắt đầu diễn ra một cách nhanh chóng và sôi nổi. Vào năm đó, không những Nước Trời mà các tín đồ đã mong mỏi từ lâu, được “sanh” ra mà “sự kết liễu của hệ thống mọi sự” đã bắt đầu (Khải-huyền 11:15; 12:5, 10; Đa-ni-ên 7:13, 14, 27). Vì nhận thức được ý nghĩa của các biến cố hiện đại, tín đồ thật của đấng Christ đã điều hành công cuộc rao giảng và dạy dỗ về Nước Trời trên bình diện rộng lớn như chưa từng thấy trong lịch sử. Giê-su báo trước về điều này như sau: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14).
12. a) Ngày nay việc làm chứng về Nước Trời trên bình diện rộng lớn đạt được kết quả nào? b) Trong thế gian đa nghi này, có mối nguy hiểm nào cho tín đồ đấng Christ?
12 Việc làm chứng qui mô về Nước Trời đã lan rộng đến hơn 230 xứ. Đã có hơn năm triệu môn đồ thật đang tham gia trong công việc này, và còn nhiều người khác nữa đang được nhóm lại. Nhưng nếu chúng ta so sánh số môn đồ với số 5,6 tỷ người sống trên đất, thì rõ ràng là đại đa số người ta không “hiểu” về Nước Trời, y như trong thời Giê-su vậy. Như đã báo trước, nhiều người chế giễu và nói: “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?” (II Phi-e-rơ 3:3, 4). Với tư cách là tín đồ đấng Christ, mối nguy hiểm đang đe dọa chúng ta là thái độ tự mãn, nghi ngờ và duy vật của họ có thể dần dần ảnh hưởng đến cách chúng ta xem những đặc ân của mình liên quan đến Nước Trời. Vì sống giữa những người trong thế gian này, chúng ta có thể dễ bắt chước một số thái độ và thực hành của họ. Thật là trọng yếu biết bao cho chúng ta “hiểu” về Nước Đức Chúa Trời và nắm giữ Nước ấy!
Xem xét chính mình trong quan hệ Nước Trời
13. Liên hệ đến sứ mệnh rao giảng tin mừng về Nước Trời, làm thế nào chúng ta có thể thử nghiệm xem mình có đang tiếp tục ‘nghe’ với lòng sáng suốt?
13 Giê-su nói về thời kỳ gặt hái mà chúng ta đang sống: “Con người sẽ sai các thiên-sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài... Khi ấy, những người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!” (Ma-thi-ơ 13:41, 43). Bạn có tiếp tục ‘nghe’ và đáp ứng bằng cách tuân theo sứ mệnh rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ không? Hãy nhớ, “kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt” ‘là kẻ nghe đạo và hiểu’ và rồi sanh bông trái tốt (Ma-thi-ơ 13:23).
14. Khi có lời chỉ dẫn, làm thế nào chúng ta cho thấy rằng mình “hiểu” lời khuyên ấy?
14 Khi học hỏi cá nhân và đi dự các buổi họp của tín đồ đấng Christ, chúng ta phải ‘chuyên lòng mình về sự thông-sáng’ (Châm-ngôn 2:1-4). Khi có lời khuyên về hạnh kiểm, cách phục sức, âm nhạc và sự giải trí, chúng ta phải để cho lời khuyên đó thấm vào lòng và thúc đẩy chúng ta thay đổi bất cứ chỗ nào cần thiết. Ta không bao giờ nên biện bạch, bào chữa, hay viện cớ gì khác để không đáp ứng. Nếu Nước Trời có thật trong đời sống của mình, thì chúng ta sẽ sống theo những tiêu chuẩn của Nước ấy và hăng hái công bố cho người khác biết về Nước Trời. Giê-su nói: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
15. Tại sao việc ‘trước hết tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’ là điều quan trọng?
15 Loài người có khuynh hướng lo lắng về những điều cần thiết như đồ ăn, quần áo và nhà cửa, nhưng Giê-su nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33, 34). Trong việc xác định những điều ưu tiên, bạn hãy đặt Nước Trời trước hết trong đời sống của mình. Hãy giữ cho đời sống mình đơn giản và thỏa mãn với những điều cần thiết trong đời sống. Quả là thiếu khôn ngoan nếu làm cho đời sống của chúng ta bận rộn với những hoạt động và việc mua sắm không cần thiết, có lẽ biện bạch rằng làm điều này không có gì là sai, vì những điều ấy tự chúng không nhất thiết là xấu. Tuy điều đó có thể là đúng, nhưng việc mua sắm và sử dụng những thứ không cần thiết sẽ ảnh hưởng thế nào đến chương trình học hỏi cá nhân, việc đi dự buổi họp của tín đồ đấng Christ và sự tham gia vào công việc rao giảng của chúng ta? Giê-su nói rằng Nước Trời giống như một người lái buôn tìm được một “ngọc châu tốt [và] đi bán hết gia-tài mình mà mua hột châu đó” (Ma-thi-ơ 13:45, 46). Chúng ta nên cảm thấy như thế về Nước Đức Chúa Trời. Chúng ta nên bắt chước Phao-lô chứ không phải Đê-ma, là người đã bõ [bỏ] công việc rao giảng “tại người ham-hố đời nầy” (II Ti-mô-thê 4:10, 18; Ma-thi-ơ 19:23, 24; Phi-líp 3:7, 8, 13, 14; I Ti-mô-thê 6:9, 10, 17-19).
“Những kẻ không công-bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời”
16. Việc “hiểu” về Nước Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta tránh hạnh kiểm xấu như thế nào?
16 Khi hội thánh ở Cô-rinh-tô dung túng sự vô luân, Phao-lô thẳng thắn nói: “Anh em há chẳng biết những kẻ không công-bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc, kẻ trộm-cướp, kẻ hà-tiện, kẻ say-sưa, kẻ chưởi-rủa, kẻ chắt-bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Nếu chúng ta “hiểu” về Nước Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không tự lừa dối mình bằng cách nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ dung túng một hình thức vô luân nào đó miễn là ngài thấy chúng ta bận rộn trong công việc của tín đồ đấng Christ. Chúng ta cũng không nên nói đến sự ô uế nữa (Ê-phê-sô 5:3-5). Bạn có nhận thấy là một số lối suy nghĩ hay thực hành xấu xa của thế gian này bắt đầu lẻn vào đời sống của bạn không? Hãy vứt bỏ nó khỏi đời sống của bạn ngay lập tức! Chúng ta không thể để mất Nước Trời vô cùng quí báu vì những điều như thế (Mác 9:47).
17. Bằng những cách nào lòng quí trọng đối với Nước Đức Chúa Trời sẽ làm tăng lòng khiêm nhường và loại đi những nguyên nhân gây ra sự vấp phạm?
17 Môn đồ của Giê-su hỏi: “Ai là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng?” Giê-su trả lời bằng cách đặt một đứa trẻ ở giữa họ và nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 18:1-6). Những người kiêu ngạo, khắt khe, vô tình và phạm pháp sẽ không được ở trong Nước Đức Chúa Trời, và họ cũng sẽ không là công dân của Nước đó. Tình yêu thương của bạn đối với anh em, sự khiêm nhường, lòng kính sợ Đức Chúa Trời, có thúc đẩy bạn tránh làm cho người khác bị xúc phạm qua cách cư xử của bạn không? Hay phải chăng bạn cứ khăng khăng đòi “quyền” của bạn bất kể thái độ và cử chỉ này có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào? (Rô-ma 14:13, 17).
18. Nhân loại biết vâng lời sẽ hưởng được gì khi ý muốn của Đức Chúa Trời được thành tựu “ở đất như trời” qua Nước của ngài?
18 Không bao lâu nữa, Cha chúng ta ở trên trời là Đức Giê-hô-va, sẽ đáp lại một cách trọn vẹn lời cầu nguyện nhiệt thành: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” Sắp đến lúc vị Vua đang cai trị là Giê-su Christ, sẽ đến theo nghĩa là ngài ngồi trên ngôi để phán xét, chia “chiên” với “dê” ra. Vào thời kỳ ấn định đó, “vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”. Các dê “sẽ vào hình-phạt đời đời, còn những người công-bình sẽ vào sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 6:10; 25:31-34, 46). “Cơn đại-nạn” sẽ loại bỏ hệ thống cũ và tất cả những ai từ chối không chịu “hiểu” về Nước Trời. Nhưng hàng triệu người sống sót qua “cơn đại-nạn” và hàng tỷ người sẽ được sống lại sẽ hưởng những ân phước của Nước Trời cho đến vô tận trong Địa đàng được khôi phục trên đất (Khải-huyền 7:14). Nước Trời là chính phủ mới của trái đất, cai trị từ trên trời. Nước Trời sẽ thực hiện hoàn toàn ý định của Đức Giê-hô-va cho trái đất và loài người, làm mọi điều ấy nhằm làm thánh danh cao quí của ngài. Đó chẳng phải là di sản đáng cho chúng ta bỏ công để có được, vì đó mà hy sinh và mong đợi hay sao? Đối với chúng ta, đây chính là ý nghĩa của việc “hiểu” về Nước Trời!
Bạn trả lời thế nào?
◻ Nước Đức Chúa Trời là gì?
◻ Tại sao phần đông người nghe Giê-su đã không “hiểu” về Nước Trời?
◻ Việc “hiểu” về Nước Trời mang đến cả ân phước lẫn trách nhiệm như thế nào?
◻ Trong công việc rao giảng, điều gì cho thấy là chúng ta ‘hiểu’ về Nước Trời?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy qua hạnh kiểm là chúng ta ‘hiểu’ lời khuyên được đưa ra?
[Hình nơi trang 17]
Môn đồ của Giê-su ‘hiểu’ về Nước Trời và sanh bông trái tốt