Không phân tâm phụng sự Đức Giê-hô-va
1 “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!” (Thi-thiên 144:15). Những lời này của Đa-vít có còn nghiệm đúng, ngay cả trong những ngày xấu này không? (Ê-phê-sô 5:16). Có! Tín đồ đấng Christ vẫn còn thấy vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Mọi việc không phải luôn luôn dễ dàng đối với chúng ta. Sa-tan quấy rối chúng ta trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, dầu vậy chúng ta không nản lòng (II Ti-mô-thê 3:1, 2). Những tình trạng ngày càng xấu hơn là bằng chứng thêm rằng Nước Đức Chúa Trời sắp sửa đánh tan hệ thống cũ suy đồi này và thay vào đó bằng một thế giới mới thanh sạch (II Phi-e-rơ 3:13). Sự tối tăm của thế gian này không làm lu mờ đi hoặc dập tắt ánh lửa hy vọng vui sướng của chúng ta; thay vì thế, hy vọng về Nước Trời của chúng ta càng chiếu rạng hơn bao giờ hết. Bạn vui sướng phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách người chiếu sáng trong thế gian tối tăm này, phải không? (Phi-líp 2:15).
2 Với tính cách cá nhân, chúng ta phải luôn luôn canh giữ cách chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va. Tại sao? Bởi vì Sa-tan là Kẻ làm phân tâm đại tài. Một tự điển định nghĩa chữ “phân tâm” là “quay sang phía khác”, “hướng sự chú ý đến một đối tượng khác hoặc đến nhiều phía cùng một lúc” và “khơi dậy nhiều cảm xúc hay động lực trái nghịch nhau”. Kể từ khi hắn bị quăng xuống trái đất này, Sa-tan đã thành công trong việc “dỗ-dành” nhân loại. Hắn dùng nhiều thủ đoạn nhằm lôi cuốn người ta để họ không chú ý đến những vấn đề tranh chấp thật sự thời nay (Khải-huyền 12:9). Dù Nhân-chứng Giê-hô-va đã cố gắng hết sức để rao giảng về Nước Trời trong một trăm năm qua, có bao nhiêu người hiểu rõ các cuộc tranh chấp tối quan trọng liên quan đến việc làm thánh danh Đức Chúa Trời và biện minh cho quyền thống trị của Ngài qua Nước Đức Chúa Trời? Tương đối ít người (I Giăng 5:19). Nếu Sa-tan có thể khiến cho hàng tỉ người trên đất này bị xao lãng, mối nguy hiểm thường trực là hắn có thể làm chúng ta phân tâm hoặc thu hút sự chú ý của chúng ta để chúng ta từ bỏ công việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Buồn thay, một số anh chị em của chúng ta đã bị Sa-tan lôi cuốn bằng nhiều cách đến độ đâm ra hoang mang. Họ đã để cho tâm trí bị kéo đi tứ phía. Ngày nay có đủ loại vấn đề làm người ta xao lãng. Hãy xem xét một ít các vấn đề này.
3 Vấn đề khó khăn về kinh tế và lòng ham thích của cải vật chất: Trong hầu hết các nước trên đất, nạn thất nghiệp và vật giá leo thang khiến người ta lo lắng. Đành rằng chúng ta phải cung cấp thực phẩm, quần áo và chỗ ở cho chính mình và gia đình, nhưng nếu chúng ta để cho mình quá lo lắng về những nhu yếu của đời sống, những mối lo lắng đó sẽ tràn ngập tâm tư chúng ta. Sự sống còn của chúng ta có thể trở thành điều quan trọng nhất trong đời thay vì việc chúng ta ủng hộ vấn đề tranh chấp về Nước Trời. Sứ đồ Phao-lô khuyên bảo về điều này nơi Hê-bơ-rơ 13:5, 6. Giê-su Christ cam kết với chúng ta rằng những ai tìm kiếm Nước Trời trước hết thì không cần phải lo lắng; Đức Giê-hô-va cung cấp những gì chúng ta thật sự cần (Ma-thi-ơ 6:25-34). Những người tiên phong và tôi tớ khác phụng sự trọn thời gian trên khắp thế giới có thể xác nhận điều này là đúng.
4 Thế gian của Sa-tan cổ võ sự mê tham của cải vật chất. Động lực thúc đẩy hàng triệu người là tậu thêm nhiều của cải hoặc gìn giữ của cải. Vào thời Giê-su cũng có những điều gây xao lãng như thế. Một ông quan trẻ và giàu có hỏi Giê-su ông cần phải làm gì để được sự sống đời đời. Giê-su đáp: “Nếu ngươi muốn được trọn-vẹn, hãy đi bán hết gia-tài mà bố-thí cho kẻ nghèo-nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta” (Ma-thi-ơ 19:16-23). Hiển nhiên, người kia có nhiều của cải vật chất làm cho người phân tâm nên không thể phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng được. Lòng ông hướng về sự giàu có của mình. Giê-su biết người trẻ kia sẽ được lợi ích nếu tự trút khỏi gánh nặng của những sự làm phân tâm này. Những sự đó ngăn cản ông bày tỏ sự tin kính trọn vẹn đối với Đức Chúa Trời. Còn bạn thì sao? Bạn có thấy mình làm việc ngoài đời nhiều giờ hơn chỉ để duy trì mức sống mà bạn quen rồi không? Điều này có ảnh hưởng đến việc bạn phụng sự Đức Giê-hô-va không? Của cải vật chất của bạn có lấn át quyền lợi Nước Trời không? (Ma-thi-ơ 6:24). Bạn có thể nào giản dị hóa đời sống bạn hầu dành nhiều thì giờ hơn cho quyền lợi thiêng liêng không?
5 Những việc bình thường của đời sống hàng ngày: Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bận bịu quá độ với những việc bình thường của đời sống hàng ngày đến nỗi chúng ta bắt đầu xao lãng những việc thiêng liêng. Hãy nhớ những người thời Nô-ê. Họ quá lo nghĩ đến việc đời, ăn uống, cưới hỏi và dựng vợ gả chồng cho con cái nên không để ý gì đến thông điệp cảnh cáo của Nô-ê về trận Nước Lụt gần kề. Trước khi họ ý thức được điều đó, trận Nước Lụt đã đến và cuốn trôi hết thảy. Những điều làm bận tâm đã dẫn họ đến sự hủy diệt. Giê-su nói: “Khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:37-39). Thật thế, phần đông người ta ngày nay quá bận bịu với đời sống của chính họ nên không quan tâm gì đến thông điệp cảnh cáo mà chúng ta mang lại cho họ. Họ tỏ ra lãnh đạm khủng khiếp đối với những điều thiêng liêng.
6 Đời sống của bạn có quá bận rộn với những việc ngoài đời đến độ bạn càng ngày càng ít chú ý đến những điều thiêng liêng không? Vào một dịp nọ, Giê-su được mời lại nhà Ma-thê và Ma-ri. Ma-ri chăm chú lắng nghe những gì ngài muốn nói. Mặt khác, Ma-thê “mảng lo về việc vặt”. Ma-thê quá lo đến việc đãi khách tử tế. Cô không hiểu là cần phải dành thì giờ nghe Giê-su nói. Ngài tử tế lưu ý Ma-thê rằng không cần phải làm đồ cao lương mỹ vị; cô nên quan tâm hơn đến những điều thiêng liêng. Bạn có cần áp dụng lời khuyên đó không? (Lu-ca 10:38-42). Giê-su cũng cảnh cáo chúng ta phải chú ý đến chính mình để không ăn uống quá độ mà không còn cảnh giác. Vào giờ phút khẩn trương này của lịch sử loài người, chúng ta cần phải hoàn toàn cảnh giác đề phòng (Lu-ca 21:34-36).
7 Theo đuổi thú vui: Một trong những điều làm phân tâm nhiều nhất mà Ma-quỉ dùng để người ta không chú ý đến cuộc tranh chấp về Nước Trời là việc theo đuổi thú vui. Hàng triệu người trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ lấy thú vui để thay thế Đức Chúa Trời. Họ thích vui chơi hơn là nghiêm chỉnh chú tâm đến Lời Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:4). Dĩ nhiên, sự tiêu khiển và giải trí lành mạnh không có gì là quấy. Nhưng dành quá nhiều thì giờ mỗi tuần vào những việc như truyền hình, điện ảnh, video, thể thao, đọc sách thế gian hoặc thú tiêu khiển riêng có thể khiến cho lòng giả dối phát triển và đưa đẩy chúng ta lìa xa Đức Giê-hô-va (Giê-rê-mi 17:9; Hê-bơ-rơ 3:12). Làm sao điều này có thể xảy ra? Trong lúc dự các buổi họp của tín đồ đấng Christ, bạn có thể để cho tâm trí nghĩ vơ vẩn; bạn có thể đi đến chỗ mong cho mau tan họp để về nhà tiếp tục vui chơi. Chẳng bao lâu, bạn có thể thấy mình viện cớ này nọ để ở nhà thay vì đi họp hoặc đi rao giảng. Bây giờ là lúc để xác định rõ ràng xem các sự theo đuổi này đã thành những điều làm cho bạn bị phân tâm trong đời hay không (Lu-ca 8:14). Bạn có thể nào dùng một phần những giờ phút quí giá dành cho sự tiêu khiển để phát triển về thiêng liêng không?
8 Những vấn đề phụ làm mất thì giờ: Một số người bị vướng víu vì cố giải quyết những vấn đề khó khăn thông thường trong xã hội thời nay. Tín đồ đấng Christ cần phải tránh dính líu đến những vụ tranh cãi liên miên về những vấn đề xã hội hoặc tranh đấu vô ích nhằm sửa chữa những bất công (Giăng 17:16). Tất cả những điều này nằm trong thủ đoạn của Sa-tan nhằm đánh lệch hướng sự chú ý của chúng ta khỏi lời khuyên của Kinh-thánh và sự kiện căn bản là chỉ có một giải pháp dài hạn duy nhất: đó là Nước Đức Chúa Trời. Nếu cá nhân chúng ta đã chịu khổ vì bị tổn thương hoặc bị đối xử bất công, chúng ta phải đề phòng để không trở nên thù hằn hoặc quá khổ tâm đến nỗi chúng ta quên mình là Nhân-chứng Giê-hô-va. Trên hết mọi sự, chính Đức Giê-hô-va đã bị người ta phạm đến và chúng ta cần phải làm thánh danh Ngài (Ê-sai 43:10-12; Ma-thi-ơ 6:9).
9 Dù ai ai cũng muốn có sức khỏe tốt, việc quá bận tâm đến những lý thuyết và phương thuốc vô tận mà người ta đề ra có thể làm cho một người bị ám ảnh về chuyện sức khỏe. Có quá nhiều người bày đặt vô số phương pháp dưỡng sinh và trị liệu cho những chứng bệnh thể chất và tâm lý. Nhiều phương pháp này thường mâu thuẫn với nhau. Trị bệnh bằng phương pháp này hay phương pháp kia là quyết định cá nhân, miễn là không có sự xung đột với các nguyên tắc Kinh-thánh. Chúng ta hãy luôn luôn giữ lòng tin cậy trọn vẹn nơi Nước Đức Chúa Trời như là giải pháp thật sự cho các chứng bệnh của nhân loại (Ê-sai 33:24; Khải-huyền 21:3, 4).
10 Trở nên vững vàng, không lay chuyển được: Trong khi sự cuối cùng đến gần, Sa-tan sẽ càng cố gắng nhiều hơn nữa để khiến bạn xao lãng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. “Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó” (I Phi-e-rơ 5:9). Thế nào? Bạn cần phải tự nuôi dưỡng bằng các ý tưởng của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4). Chớ để cho những điều làm xao lãng của thế gian khiến cho bạn và gia đình bạn đánh mất thì giờ cần thiết để suy gẫm và nghĩ ngợi một cách yên tĩnh về Lời Đức Chúa Trời. Khi gia đình dùng cơm chung, hãy cùng nhau thảo luận về những kinh nghiệm xây dựng và những chuyện thiêng liêng khác. Hãy theo sát thời khóa biểu học hỏi cá nhân và sửa soạn cho các buổi họp.
11 Khi các nỗi lo âu làm cho tâm trí bạn mất bình an, hãy trao gánh nặng của bạn cho Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. Hãy tin chắc rằng Ngài chăm sóc bạn (I Phi-e-rơ 5:7). Hãy để cho sự bình an của Đức Chúa Trời gìn giữ lòng và trí bạn (Phi-líp 4:6, 7). Chớ để cho sự phân tâm làm mờ đi cái nhìn thiêng liêng của bạn. Hãy đặt Đức Giê-hô-va ở trước mặt bạn luôn luôn, như Giê-su đã làm (Công-vụ các Sứ-đồ 2:25). Hãy nhắm thẳng tới mục tiêu của bạn, như Châm-ngôn 4:25-27 khuyến khích chúng ta: “Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con. Hãy ban bằng cái nẻo của chơn con đi, và lập cho vững-vàng các đường-lối con, chớ xây qua bên hữu hay bên tả”.
12 Hãy trung thành dự tất cả các buổi họp và rèn luyện bản thân để chăm chú nghe sự dạy dỗ đến từ Lời Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 2:1; 10:24, 25). Và thay vì tìm kiếm thú vui do thế gian suy đồi này mang lại, hãy đặt mục tiêu là luôn luôn cố gắng rao giảng cách hữu hiệu. Đây là điều đem lại niềm vui và sự thỏa lòng lâu dài (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 20). Cuối cùng, chớ để cho bất cứ điều gì hay bất cứ ai làm bạn phân tâm mà xao lãng thánh chức. “Hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58).