Thành công trong việc tránh cạm bẫy của sự tham lam
“Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò” (I TI-MÔ-THÊ 6:9).
1. Tại sao chúng ta nên quan tâm về các bẫy?
TỪ NGỮ “bẫy-dò” làm chúng ta nhớ đến người thợ săn che đậy cái bẫy để bắt con mồi vô tình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nói rõ với chúng ta rằng các bẫy nguy hiểm nhất không phải là các bẫy theo nghĩa đen, nhưng là những gì có thể làm chúng ta mắc bẫy về thiêng liêng và đạo đức. Ma quỉ là kẻ thành thạo trong việc gài những bẫy đó (II Cô-rinh-tô 2:11; II Ti-mô-thê 2:24-26).
2. a) Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta như thế nào để chúng ta có thể tránh các bẫy nguy hiểm? b) Bây giờ chúng ta tập trung sự chú ý vào loại bẫy đặc biệt nào?
2 Đức Giê-hô-va giúp chúng ta bằng cách cho chúng ta biết một số bẫy trong nhiều bẫy khác nhau của Sa-tan. Thí dụ, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết là môi, hoặc miệng, có thể là một cái bẫy nếu chúng ta ăn nói thiếu khôn ngoan, hấp tấp, hoặc nói điều chúng ta không nên nói (Châm-ngôn 18:7; 20:25). Tính kiêu căng, cũng như việc giao thiệp với những người dễ nóng giận, có thể là một cái bẫy (Châm-ngôn 22:24, 25; 29:25). Nhưng chúng ta hãy nói đến một cái bẫy khác: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất” (I Ti-mô-thê 6:9). Người ta có thể dùng chữ “sự tham lam” để tóm tắt cái gì nằm sau cái bẫy đó hoặc nguyên nhân gây ra nó. Tuy thường là dấu hiệu của sự quyết tâm làm giàu, tính tham lam thật ra là một cái bẫy có nhiều khía cạnh.
Đức Giê-hô-va báo trước sự nguy hiểm
3, 4. Lịch sử loài người thuở xưa ghi lại bài học gì về tính tham lam?
3 Sự tham lam có nghĩa căn bản là sự ao ước quá mức hoặc quá đáng, mong có nhiều hơn, hoặc tiền bạc, tài sản, quyền thế, tình dục, hoặc những thứ khác. Chúng ta không phải là những người đầu tiên bị nguy hiểm vì cạm bẫy của sự tham lam. Thời xa xưa, ở trong vườn Ê-đen, tính tham lam đã khiến Ê-va bị mắc bẫy và rồi A-đam cũng vậy. Người hôn phối của Ê-va, là người có kinh nghiệm đời nhiều hơn bà, đã được chính Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Đức Chúa Trời cho họ vườn địa đàng làm nơi cư ngụ. Họ có thể được hưởng dư dật nhiều loại thức ăn ngon lành, trồng nơi không bị ô nhiễm. Họ có thể mong đợi có con cái hoàn toàn để chung sống với họ và vĩnh viễn phụng sự Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:27-31; 2:15). Chẳng lẽ những điều đó không đủ để làm bất cứ ai mãn nguyện hay sao?
4 Tuy nhiên, dù có đầy đủ, một số người cũng không tránh khỏi việc để cho tính tham lam trở thành một cạm bẫy. Vì muốn được giống như Đức Chúa Trời, được độc lập hơn và tự đặt tiêu chuẩn cho riêng mình đã làm Ê-va bị mắc bẫy. Dường như A-đam muốn tiếp tục giữ tình bầu bạn với người hôn phối xinh đẹp với bất cứ giá nào. Vì ngay cả những người hoàn toàn đó còn sa ngã, chúng ta có thể hiểu tại sao sự tham lam có thể là mối nguy hiểm cho chúng ta.
5. Việc tránh cạm bẫy của sự tham lam quan trọng đối với chúng ta như thế nào?
5 Chúng ta phải đề phòng để không bị tính tham lam làm chúng ta mắc bẫy vì sứ đồ Phao-lô báo cho chúng ta biết trước: “Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được Nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kể đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ tham lam... đều chẳng hưởng được Nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:9, 10, NW). Phao-lô cũng nói với chúng ta: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em” (Ê-phê-sô 5:3). Vậy, trong khi chuyện trò chúng ta chớ để chuyện tham lam làm đề tài thảo luận hầu thỏa mãn xác thịt bất toàn của chúng ta.
6, 7. a) Những gương nào trong Kinh-thánh cho thấy rõ tính tham lam có thể rất mãnh liệt? b) Tại sao chúng ta nên để những gương đó cảnh giác chúng ta?
6 Đức Giê-hô-va đã ghi lại nhiều gương để cảnh giác chúng ta về sự nguy hiểm của tính tham lam. Hãy nhớ đến chuyện A-can. Đức Chúa Trời nói phải hủy diệt thành Giê-ri-cô, nhưng vàng, bạc, đồng và sắt phải cho vào kho của Ngài. Thoạt đầu có lẽ A-can dự định làm theo chỉ thị đó, nhưng lòng tham lam đã làm ông bị mắc bẫy. Một khi vào thành Giê-ri-cô, ông làm như thể đi sắm hàng, ông thấy có những món bở không thể ngờ được, kể cả cái áo choàng tốt đẹp có vẻ vừa đúng khổ người ông. Khi nhặt lên vàng và bạc trị giá hàng ngàn Mỹ kim, ông có lẽ nghĩ thầm: “Thật là vận may! Đúng là của bắt được!” Thèm muốn những gì đáng lý phải hủy diệt hoặc mang đi nộp, A-can đã lấy trộm của Đức Chúa Trời, và điều này làm ông bị mất mạng (Giô-suê 6:17-19; 7:20-26). Cũng hãy xem xét những gương của Ghê-ha-xi và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (II Các Vua 5:8-27; Giăng 6:64; 12:2-6).
7 Chúng ta chớ nên quên là ba người nói trên không phải là những người theo tà giáo, chẳng biết gì về tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Đúng hơn, họ thuộc dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Tất cả đều đã chứng kiến những phép lạ và đáng lý ra điều này phải ghi sâu vào trong ký ức họ quyền năng của Đức Chúa Trời và sự quan trọng của việc giữ ân điển Ngài. Tuy nhiên, tính tham lam chính là cái bẫy đã làm họ bị sa ngã. Chúng ta cũng có thể làm tổn thương mối liên lạc với Đức Chúa Trời nếu để bất cứ sự tham lam nào làm chúng ta mắc bẫy. Sự tham lam dưới hình thức nào có thể đặc biệt nguy hiểm cho chúng ta?
Mắc bẫy vì tham lam giàu sang và của cải
8. Kinh-thánh cảnh cáo gì về sự giàu sang?
8 Phần lớn các tín đồ đấng Christ đã được nghe những lời cảnh cáo rõ ràng trong Kinh-thánh là chớ để cho sự ham mê giàu có, sự thèm muốn của cải tiêm nhiễm mình. Bạn có lẽ nên xem lại một số lời cảnh cáo này, như được ghi nơi Ma-thi-ơ 6:24-33; Lu-ca 12:13-21; và I Ti-mô-thê 6:9, 10. Trong khi bạn có thể nghĩ bạn chấp nhận và làm theo lời khuyên đó, nhưng chắc hẳn A-can, Ghê-ha-xi và Giu-đa cũng nói rằng họ đồng ý với những điều đó phải không? Thật rõ ràng, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ đồng ý suông mà thôi. Chúng ta phải cẩn thận chớ để cạm bẫy của sự tham giàu sang hoặc tài sản ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta.
9. Tại sao chúng ta nên xem xét thái độ của mình về việc mua sắm?
9 Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường phải mua sắm—thực phẩm, quần áo và vật dụng trong nhà (Sáng-thế Ký 42:1-3; II Các Vua 12:11, 12; Châm-ngôn 31:14, 16; Lu-ca 9:13; 17:28; 22:36). Tuy nhiên, thế giới thương mại khuyến khích người ta ham muốn nhiều đồ hơn và mới hơn. Các nhật báo, tạp chí đăng đầy những mục quảng cáo, và các màn ảnh truyền hình khéo léo gợi lòng tham của quần chúng. Những cửa tiệm trưng bày áo ngắn, áo dài, áo choàng và áo len, cùng những kệ giày mới, các món hàng điện tử và máy chụp hình cũng khơi dậy lòng tham lam của người ta. Các tín đồ đấng Christ nên dè dặt tự hỏi: “Phải chăng việc mua sắm đã trở thành một điều đặc biệt hoặc thú vui chính trong đời tôi?” “Tôi có thật sự cần những món hàng mới mà tôi thấy, hoặc phải chăng thế giới thương mại vừa gieo mầm tham lam vào lòng tôi?” (I Giăng 2:16).
10. Cạm bẫy của sự tham lam nào đặc biệt nguy hiểm cho đàn ông?
10 Nếu mua sắm có vẻ là cái bẫy thông thường cho đàn bà thì việc kiếm thêm tiền là cái bẫy cho rất nhiều người đàn ông. Giê-su cho ví dụ về cạm bẫy đó khi nói về một người giàu có nhiều lợi tức, nhưng nhất quyết “phá cả kho-tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu-trữ sản-vật và gia-tài vào đó”. Giê-su không để người ta còn nghi ngờ gì về sự nguy hiểm của việc này: “Hãy giữ cẩn thận chớ thèm muốn [hay tham lam] gì hết” (Lu-ca 12:15-21, NW). Dù giàu hay không, chúng ta nên nghe theo lời khuyên đó.
11. Lòng ham muốn có nhiều tiền có thể làm tín đồ đấng Christ bị mắc bẫy như thế nào?
11 Sự ham muốn có nhiều tiền, hoặc những gì mà tiền có thể mua thường nảy mầm cách khó nhận thấy. Có lẽ người ta đề nghị với chúng ta một cách làm giàu nhanh chóng—có lẽ là một cơ hội độc nhất vô nhị để kiếm được nhiều tiền qua việc đầu tư liều lĩnh. Hoặc chúng ta có thể bị cám dỗ để làm tiền bằng những việc buôn bán khả nghi hay bất hợp pháp. Lòng ham muốn đó có thể trở nên quá mạnh làm chúng ta không cưỡng lại được, làm chúng ta bị mắc bẫy (Thi-thiên 62:10; Châm-ngôn 11:1; 20:10). Vài người trong hội thánh tín đồ đấng Christ đã khởi đầu một công việc thương mại, nghĩ rằng các anh em sẽ là những khách hàng chính. Nếu mục đích của họ không phải là để cung cấp sản phẩm hay dịch vụ cần thiết bằng cách “chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện”, nhưng là để lợi dụng anh em tín đồ hầu có thể kiếm tiền một cách nhanh chóng thì họ đã hành động theo lòng tham lam (Ê-phê-sô 4:28; Châm-ngôn 20:21; 31:17-19, 24; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:8-12). Sự tham tiền đã đưa một số người vào con đường cờ bạc qua những cách rút thăm, bốc số, hoặc xổ số. Những người khác không màng biết đến lẽ phải và không tỏ ra thông cảm, vội thưa kiện hy vọng được bồi thường qua sự dàn xếp hoặc được tòa cho lãnh một số tiền lớn.
12. Tại sao chúng ta biết là mình có thể khắc phục được lòng tham giàu có?
12 Tự xem xét mình trong những phạm vi trên là điều hợp lý vì nhờ đó chúng ta có thể thành thật thấy chúng ta có tính tham lam hay không. Dù có đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể thay đổi. Hãy nhớ là Xa-chê đã thay đổi (Lu-ca 19:1-10). Nếu bất cứ người nào thấy mình có lòng tham giàu có hoặc của cải, người đó nên cương quyết như Xa-chê tránh cạm bẫy đó (Giê-rê-mi 17:9).
Tham lam trong những khía cạnh khác của đời sống
13. Cạm bẫy khác của sự tham lam mà Thi-thiên 10:18 lưu ý chúng ta là gì?
13 Một số người dễ thấy sự nguy hiểm của sự tham lam trong vấn đề tiền bạc và của cải hơn là trong những phạm vi khác. Một tự điển về tiếng Hy Lạp nói rằng nhóm chữ được dịch là “tham lam” hay “thèm muốn” có nghĩa “‘muốn nhiều hơn’, liên quan đến quyền thế v.v... cũng như tài sản”. Đúng vậy, chúng ta có thể bị mắc bẫy nếu chúng ta ham muốn có quyền hành đối với người khác, có lẽ để họ run sợ dưới uy quyền của mình (Thi-thiên 10:18).
14. Sự ham muốn có quyền hành đã gây tai hại trong trong những lãnh vực nào?
14 Từ thời xưa loài người bất toàn thích có quyền hành đối với người khác. Đức Chúa Trời biết trước hậu quả đáng buồn của tội lỗi loài người là nhiều người chồng sẽ “cai-trị” vợ họ (Sáng-thế Ký 3:16). Tuy nhiên, khuyết điểm này đã vượt ra ngoài khung cảnh vợ chồng. Hàng ngàn năm sau đó, một nhà viết Kinh-thánh nhận thấy là “người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Rất có thể bạn biết điều này đã xảy ra đúng như vậy trong các vấn đề chính trị và quân sự, nhưng phải chăng trong phạm vi của chúng ta, chúng ta cố có thêm nhiều quyền hành hoặc quyền chỉ huy chăng?
15, 16. Sự ham muốn có nhiều quyền hành hơn có thể khiến tín đồ đấng Christ bị mắc bẫy về những phương diện nào? (Phi-líp 2:3).
15 Tất cả chúng ta đều có liên lạc với những người khác—trong gia đình và họ hàng thân thuộc, tại nơi làm việc hoặc học đường, giữa bạn bè và trong hội thánh. Có thể thỉnh thoảng hay thường thường chúng ta có góp phần để quyết định phải làm việc gì cũng như cách thức hoặc khi nào làm việc đó. Điều này không có gì là sai lầm hoặc xấu xa cả. Tuy nhiên, phải chăng chúng ta thích sử dụng quyền hành mà chúng ta có một cách quá đáng? Phải chăng chúng ta muốn mọi người phải theo ý kiến của chúng ta và muốn có nhiều quyền hành hơn nữa? Trong thế gian, các giám đốc và các người chủ thường biểu lộ thái độ này bằng cách kiếm những người một vâng hai dạ làm việc cho mình. Những người đó không bất đồng quan điểm với họ và không chất vấn sự tham quyền của những người thuộc cấp trên.
16 Đây là một cạm bẫy mà các tín đồ đấng Christ phải tránh trong cách cư xử với anh em. Giê-su phán: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:25, 26). Sự khiêm nhường đó phải được nhìn thấy rõ ràng khi các trưởng lão cư xử với nhau, với các tôi tớ thánh chức và với cả bầy. Thí dụ, một giám thị chủ tọa chỉ tham khảo ý kiến với các trưởng lão khác về những vấn đề không quan trọng nhưng lại tự mình quyết định những chuyện then chốt. Có thể nào điều này phản ảnh sự tham muốn nhiều quyền hành hơn không? Anh có thật sự muốn giao phó trách nhiệm cho người khác không? Nhiều vấn đề có thể xảy ra nếu anh tôi tớ thánh chức trông nom buổi họp để đi rao giảng đòi hỏi quá đáng trong sự xếp đặt, ngay cả tự đặt ra luật lệ nữa (I Cô-rinh-tô 4:21; 9:18; II Cô-rinh-tô 10:8; 13:10; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6, 7).
17. Tại sao xem xét vấn đề ăn uống khi thảo luận về cạm bẫy của sự tham lam là điều hợp lý?
17 Tham ăn uống là một lãnh vực khác mà nhiều người bị mắc bẫy. Dĩ nhiên, việc chúng ta thích ăn uống là lẽ thường; Kinh-thánh tán thành điều đó (Truyền-đạo 5:18). Tuy nhiên, điều có thể xảy ra là một người để cho sự thích ăn uống gia tăng với thời gian đến độ nó vượt hẳn ra ngoài mức độ vừa phải của việc ăn uống vui vẻ và đầy đủ. Nếu đây không phải là lãnh vực đáng cho tôi tớ của Đức Giê-hô-va quan tâm thì tại sao Lời của Đức Chúa Trời lại nói nơi Châm-ngôn 23:20 là: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn”? Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể tránh được cạm bẫy này?
18. Trong vấn đề ăn uống, chúng ta có thể tự xem xét mình như thế nào?
18 Đức Chúa Trời không có ý nói dân sự của Ngài phải ăn uống kham khổ (Truyền-đạo 2:24, 25). Nhưng Ngài cũng không chấp nhận việc chúng ta để vấn đề ăn uống chiếm phần quan trọng trong cuộc nói chuyện và dự định của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: “Phải chăng tôi thường quá hăng say khi miêu tả món ăn mà tôi đã dùng hoặc dự định dùng?” “Tôi có luôn luôn nói về vấn đề ăn uống không?” Một dấu hiệu khác có thể là cách chúng ta xử sự khi ăn một bữa ăn mà chúng ta không phải nấu hoặc trả tiền, chẳng hạn như khi chúng ta là khách ở nhà một người khác hoặc khi thức ăn có sẵn tại hội nghị của tín đồ đấng Christ. Có thể nào là trong trường hợp đó chúng ta có khuynh hướng ăn nhiều hơn bình thường không? Chúng ta hãy nhớ lại việc Ê-sau bị hại cả đời vì đã để miếng ăn trở nên quá quan trọng (Hê-bơ-rơ 12:16).
19. Về sự khoái lạc của tình dục, làm thế nào sự ham muốn quá độ có thể là một vấn đề?
19 Phao-lô giúp chúng ta thấu hiểu về một cạm bẫy khác: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh đồ” (Ê-phê-sô 4:17-19; 5:3). Thật thế, sự ham muốn thú vui nhục dục quá độ có thể phát triển trong lòng. Dĩ nhiên, thú vui giao hợp là một điều thích hợp trong hôn nhân. Sự âu yếm gần gũi nhau đi đôi với sự khoái lạc đó góp phần trong việc giúp vợ chồng trung thành với nhau trong nhiều năm chung sống. Tuy nhiên, ít người phủ nhận rằng thế gian ngày nay coi trọng quá độ vấn đề tình dục, cho là bình thường cái điều thật sự phản ảnh lòng tham lam mà Phao-lô nói đến. Ngày nay có những người thích xem các cảnh vô luân và lõa lồ mà người ta thường thấy trong nhiều phim ảnh, vi-đi-ô và tạp chí, cũng như tại những nơi giải trí. Đặc biệt những người này dễ chấp nhận quan điểm sai lầm về sự khoái lạc của tình dục nói trên.
20. Làm sao tín đồ đấng Christ có thể cho thấy mình ý thức sự nguy hiểm về việc ham muốn quá độ trong vấn đề tình dục?
20 Câu chuyện Đa-vít phạm tội cùng Bát-Sê-ba cho thấy rằng một tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể bị mắc bẫy của sự ham muốn tình dục quá độ. Tuy được tự do hưởng khoái lạc trong phạm vi hôn nhân của mình, Đa-vít đã để cho sự ham muốn tình dục trái phép nảy nở trong lòng. Khi thấy vợ của U-ri đẹp thế nào, ông không kiểm soát sự suy nghĩ và kiềm chế hành động của mình để tìm cách được khoái lạc với bà (II Sa-mu-ên 11:2-4; Gia-cơ 1:14, 15). Chúng ta chắc chắn phải tránh xa hình thức ham muốn này. Chúng ta cũng nên tránh sự ham muốn quá độ ngay cả trong phạm vi hôn nhân. Điều này gồm cả việc không chấp thuận các thực hành tình dục quá mức. Người chồng nào quyết định tránh tham lam thái quá trong phạm vi này sẽ thành thật chú ý đến người hôn phối mình và không coi sự khoái lạc của mình quan trọng hơn sức khỏe hiện tại hay tương lai của người vợ khi hai người quyết định về việc sanh bao nhiêu con (Phi-líp 2:4).
Tiếp tục cương quyết tránh tham lam
21. Tại sao chúng ta không nên để vấn đề tham lam trong bài này làm chúng ta nản lòng?
21 Không phải vì không tin chúng ta mà Đức Giê-hô-va khuyên chúng ta nên thận trọng hoặc Ngài cảnh giác chúng ta. Ngài biết các tôi tớ tận tình của Ngài muốn trung thành phụng sự Ngài, và Ngài tin rằng phần lớn sẽ tiếp tục làm như vậy. Về dân sự Ngài nói chung, Ngài cũng có thể nói những lời tương tự như khi Ngài nói với Sa-tan về Gióp: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi-tớ của ta chăng; nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi đều ác?” (Gióp 1:8). Cha đầy lòng yêu thương và tin cậy của chúng ta ở trên trời cảnh giác chúng ta về những cạm bẫy nguy hiểm, chẳng hạn như các cạm bẫy liên quan tới những hình thức của sự tham lam, bởi vì Ngài muốn chúng ta tiếp tục thanh sạch và trung thành với Ngài.
22. Chúng ta nên làm gì nếu sự học hỏi Kinh-thánh cho thấy cá nhân chúng ta bị nguy hiểm hoặc có yếu kém trong một lãnh vực nào đó?
22 Mỗi người chúng ta có khuynh hướng tham lam bẩm sinh, và chúng ta có thể đã bị tiêm nhiễm khuynh hướng đó nhiều hơn dưới ảnh hưởng của thế gian xấu xa này. Nếu trong sự học hỏi về tính tham lam—như trong lãnh vực giàu sang, của cải, uy quyền và thế lực, ăn uống, hoặc khoái lạc về nhục dục—bạn thấy mình yếu kém trong khía cạnh nào đó thì sao? Vậy thì bạn hãy ghi vào lòng lời khuyên của Giê-su: “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa-ngục” (Mác 9:43). Hãy sửa đổi những gì cần phải sửa đổi về thái độ hoặc sở thích của bạn. Tránh sự tham lam vì nó là một cạm bẫy đưa đến sự chết. Vậy, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, bạn có thể đi “vào sự sống”.
Tôi đã học được gì?
◻ Tại sao chúng ta nên quan tâm về cạm bẫy của sự tham lam?
◻ Sự tham lam giàu sang hoặc của cải có thể làm chúng ta mắc bẫy bằng những cách nào?
◻ Sự tham lam trong những khía cạnh khác của đời sống có thể đưa ra những nguy hiểm thật sự như thế nào?
◻ Nếu thấy mình có yếu kém nào đó về vấn đề tham lam thì chúng ta nên có thái độ nào?