Họ làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va
Chúa Giê-su được chào mừng là đấng Mê-si và vua!
ĐÁM đông ồn ào tiến vào thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 9 Ni-san, năm 33 CN, khiến cho nhiều người Giu-đê ngạc nhiên. Thấy nhiều người kéo nhau vào thành trước Lễ Vượt qua không phải là chuyện lạ, nhưng nhóm người này khác hẳn. Nhân vật chính yếu trong nhóm đó là một người đàn ông cưỡi lừa con. Người ấy là Chúa Giê-su Christ, và người ta trải áo và nhánh cây chà là ra trước ngài và kêu lên: “Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen-ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” Khi thấy đám đông này, nhiều người ở trong thành Giê-ru-sa-lem được thúc đẩy để cùng đi với đoàn diễu hành này (Ma-thi-ơ 21:7-9; Giăng 12:12, 13).
Mặc dù ngài đang được hoan nghênh, Chúa Giê-su biết rằng những thử thách đang chờ đợi ngài. Chỉ trong năm ngày nữa ngài sẽ bị giết trong chính thành này! Vâng, Chúa Giê-su biết rằng thành Giê-ru-sa-lem có đầy kẻ thù địch ngài, và ngài nghĩ đến điều này khi sắp đặt để vào thành một cách được nhiều người chú ý.
Một lời tiên tri xưa được ứng nghiệm
Vào năm 518 TCN, Xa-cha-ri nói trước rằng Chúa Giê-su sẽ đắc thắng vào thành Giê-ru-sa-lem. Ông viết: “Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo-vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công-bình và ban sự cứu-rỗi, nhu-mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái... và Ngài sẽ phán sự bình-an cho các nước; quyền-thế Ngài sẽ trải từ biển nầy đến biển kia, từ Sông cái cho đến các đầu-cùng đất” (Xa-cha-ri 9:9, 10).
Vậy lời tiên tri trong Kinh-thánh đã được ứng nghiệm khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 9 Ni-san. Đây không phải là biến cố ngẫu nhiên nhưng được dự định kỹ càng. Trước đó, ngay ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã chỉ bảo hai môn đồ của ngài: “Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta. Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gởi lừa đi” (Ma-thi-ơ 21:1-3). Nhưng tại sao Chúa Giê-su muốn cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, và phản ứng của đám đông có ý nghĩa gì?
Một thông điệp về địa vị làm vua
Hình ảnh thấy được thường có tác dụng mạnh mẽ hơn lời nói. Do đó, đôi khi Đức Giê-hô-va khiến nhà tiên tri của ngài diễn xuất thông điệp của họ để nhấn mạnh thông điệp tiên tri (I Các Vua 11:29-32; Giê-rê-mi 27:1-6; Ê-xê-chi-ên 4:1-17). Cách thông tri qua hình ảnh khắc vào tâm trí một ấn tượng không xóa được, ngay cả tâm trí của người quan sát cứng lòng nhất. Tương tự như vậy, Chúa Giê-su diễn lại một thông điệp mạnh mẽ khi ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Như thế nào?
Trong thời Kinh-thánh được viết ra, lừa được dùng vào những việc liên quan đến giới quí tộc. Ví dụ, để đi đến chỗ xức dầu làm vua, Sa-lô-môn cưỡi “con la” của cha ông, tức là con lai giống của một con lừa đựca (I Các Vua 1:33-40). Vậy việc Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem có nghĩa là ngài đang tự trình diện để làm vua. Hành động của đám đông nhấn mạnh thông điệp này. Nhóm người này, trong đó chắc hẳn đa số là người Ga-li-lê, trải áo mình trước Chúa Giê-su—một cử chỉ gợi lại lời thông báo là Giê-hu đã lên làm vua (II Các Vua 9:13). Việc họ gọi Chúa Giê-su là “con vua Đa-vít” nhấn mạnh rằng ngài chính thức có quyền cai trị (Lu-ca 1:31-33). Cách họ dùng nhánh cây chà là hiển nhiên cho thấy họ vâng phục quyền làm vua của ngài. (So sánh Khải-huyền 7:9, 10).
Vậy đoàn diễu hành đi vào thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 9 Ni-san cho thấy rõ ràng rằng Chúa Giê-su là đấng Mê-si và vị Vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Tất nhiên, không phải mọi người đều vui mừng thấy Chúa Giê-su ra mắt như thế này. Đặc biệt những người Pha-ri-si xem việc Chúa Giê-su được tung hô như vị vua là điều hết sức không thích hợp. Chắc hẳn với giọng giận dữ, họ bảo Chúa Giê-su: “Thưa thầy, xin quở-trách môn-đồ thầy!” Chúa Giê-su đáp lại: “Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín-lặng thì đá sẽ kêu lên” (Lu-ca 19:39, 40). Đúng thế, Nước của Đức Chúa Trời là chủ đề của công việc rao giảng của Chúa Giê-su. Ngài dạn dĩ rao truyền thông điệp này dù người ta có chấp nhận hay không.
Bài học cho chúng ta
Chúa Giê-su phải can đảm lắm để vào thành Giê-ru-sa-lem theo cách nhà tiên tri Xa-cha-ri đã báo trước. Ngài biết làm như thế sẽ khiến cho kẻ thù phẫn nộ. Trước khi lên trời, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mệnh rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời và “dạy-dỗ muôn-dân” (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Thi hành công việc này cũng đòi hỏi sự can đảm. Không phải mọi người đều vui mừng để nghe thông điệp. Một số người thờ ơ trước thông điệp này, còn những người khác thì chống đối. Một số chính phủ hạn chế công việc rao giảng hoặc cấm ngặt việc này.
Tuy nhiên, Nhân-chứng Giê-hô-va nhận thức rằng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập phải được rao giảng, dù cho người ta nghe hay chẳng muốn nghe (Ê-xê-chi-ên 2:7). Trong khi họ tiếp tục thực hiện công việc cứu mạng này, họ được an tâm nhờ lời hứa của Chúa Giê-su: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 28:20).
[Chú thích]
a Lời tường thuật của Mác nói thêm rằng lừa con “chưa có ai cỡi” (Mác 11:2). Hiển nhiên, một con thú mà người ta chưa bao giờ dùng thì đặc biệt thích hợp cho những việc thánh. (So sánh Dân-số Ký 19:2; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:3; I Sa-mu-ên 6:7).