“Bởi miệng con trẻ”
KHI Sa-mu-ên còn nhỏ, ông theo sát các nguyên tắc đúng bất kể các con trai của thầy tế lễ thượng phẩm là Hê-li làm chuyện gian ác (I Sa-mu-ên 2:22; 3:1). Trong thời nhà tiên tri Ê-li-sê, một bé gái làm phu tù trong xứ Sy-ri can đảm làm chứng với bà chủ mình (II Các Vua 5:2-4). Khi Giê-su được 12 tuổi, ngài nói dạn dĩ với các thầy thông thái của Y-sơ-ra-ên, nêu câu hỏi và trả lời làm người nghe phải ngạc nhiên (Lu-ca 2:46-48). Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã có những người trẻ tuổi trung thành phụng sự Ngài.
Những người trẻ ngày nay có cùng một chí hướng trung thành giống như thế không? Chắc chắn có! Báo cáo từ các văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh cho thấy rằng rất nhiều người trẻ tin đạo đang “tình nguyện” phụng sự Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 110:3). Những kết quả tốt lành nhờ sự cố gắng của các em đã khuyến khích tất cả tín đồ đấng Christ, cả già lẫn trẻ, “chớ mệt-nhọc về sự làm lành” (Ga-la-ti 6:9).
Một gương mẫu tốt của một em gái Nhật là Ayumi, em đã trở thành người công bố khi em được sáu tuổi và em đặt mục tiêu là làm chứng cho tất cả bạn học cùng lớp. Em được phép để nhiều sách báo ở thư viện trong lớp, chuẩn bị sẵn sàng để trả lời những câu hỏi mà các bạn học có thể hỏi. Hầu hết tất cả bạn học em cũng như thầy cô đều biết đến những sách báo của em. Trong sáu năm học trường tiểu học, Ayumi đã sắp đặt được 13 học hỏi Kinh-thánh. Em làm báp têm khi đang học lớp bốn, và một trong những bạn mà em đã giúp học Kinh-thánh cũng làm báp têm lúc học lớp sáu. Hơn nữa, mẹ và hai chị của người bạn đó cũng học hỏi và làm báp têm.
Hạnh kiểm tốt là cách để làm chứng
Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại”, và những tín đồ trẻ đã coi trọng điều răn này (I Phi-e-rơ 2:12). Kết quả là hạnh kiểm tốt của họ thường mở đầu cho việc làm chứng tốt. Trong một xứ ở Phi Châu là Cameroon, một người đàn ông đến buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va lần thứ hai và ông tình cờ ngồi cạnh một bé gái nhỏ. Khi diễn giả mời mọi người lật một đoạn trong Kinh-thánh, ông chú ý bé gái này tìm ra đoạn Kinh-thánh rất nhanh và chú ý theo dõi khi nghe đọc. Thái độ của em đã gây ấn tượng tốt cho ông nên cuối buổi họp, ông đến nói với diễn giả: “Bé gái này đã làm cho tôi muốn học Kinh-thánh với ông”.
Một trường học ở Nam Phi có 25 học sinh là con cái của Nhân-chứng Giê-hô-va. Hạnh kiểm tốt của chúng đã đem lại tiếng tốt cho Nhân-chứng Giê-hô-va. Một giáo viên thố lộ với một phụ huynh Nhân-chứng là bà không hiểu làm thế nào mà Nhân-chứng có thể dạy dỗ con cái hay như thế, nhất là khi nhà thờ của bà lại không thể nào giúp những người trẻ được. Một cô giáo mới, khi đến giúp cho trường, đã chú ý ngay lập tức hạnh kiểm tốt của các em Nhân-chứng. Cô hỏi một bé trai Nhân-chứng là cô phải làm gì để trở thành một Nhân-chứng Giê-hô-va. Em giải thích là cô phải học Kinh-thánh và em sắp đặt cho ba má em đến thăm cô.
Tại Costa Rica, Rigoberto nhận ra lẽ thật khi hai bạn học của em đã dùng Kinh-thánh để trả lời câu hỏi của em về Chúa Ba Ngôi, linh hồn và lửa địa ngục. Những điều mà hai em Nhân-chứng nói có tác dụng tốt trên em không những vì khả năng biết dùng Kinh-thánh của hai em Nhân-chứng, nhưng cũng vì hạnh kiểm tốt của hai em khác hẳn với những gì mà em thấy trong các đạo tự xưng theo đấng Christ. Bất chấp sự chống đối của gia đình, Rigoberto đã tấn tới trong cuộc học hỏi Kinh-thánh của em.
Tại Tây Ban Nha, hai Nhân-chứng Giê-hô-va—một người lớn và một em chín tuổi—đến thăm một người đàn ông tên là Onofre. Trong khi anh Nhân-chứng lớn nói với chủ nhà thì em Nhân-chứng nhỏ dò theo Kinh-thánh của em và em trích dẫn một số câu Kinh-thánh mà em thuộc lòng. Onofre rất là cảm kích. Ông quyết định học hỏi Kinh-thánh tại cùng một chỗ mà em nhỏ này học để biết cách dùng Kinh-thánh giỏi như thế. Thế là sáng sớm Chủ Nhật tuần sau đó, ông đến Phòng Nước Trời. Ông phải đợi ở ngoài đến giữa trưa, khi các Nhân-chứng Giê-hô-va đến dự buổi họp. Từ đó về sau, ông tiến bộ rất nhanh và mới đây ông đã biểu hiệu sự dâng mình bằng cách làm báp têm trong nước.
Người trẻ làm chứng hữu hiệu
Đúng vậy, Đức Giê-hô-va dùng người trẻ cũng như người lớn để động đến lòng những người hiền lành. Điều này được thấy rõ qua một kinh nghiệm khác ở xứ Hung Gia Lợi. Một cô y tá bệnh viện tại đó chú ý thấy mỗi lần khách đến thăm một em bệnh nhân mười tuổi, họ đem cho em sách báo cùng với đồ ăn. Vì tò mò cô tự hỏi cô bé thích đọc gì vậy và khi biết ra thì đó là Kinh-thánh. Cô y tá nói chuyện với em và sau đó nói: “Ngay từ phút đầu, em thật sự giúp tôi hiểu”. Khi em rời bệnh viện, em mời cô y tá dự hội nghị, nhưng cô từ chối. Nhưng sau đó, cô đồng ý dự Hội nghị Địa hạt “Ngôn ngữ Thanh sạch”. Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu học Kinh-thánh và một năm sau cô làm báp têm—tất cả đều là nhờ một bé gái đã dùng thì giờ trong bệnh viện để đọc sách báo về Kinh-thánh.
Ana Ruth, ở El Salvador, học năm thứ hai trường trung học. Em có thói quen để sách báo về Kinh-thánh trên bàn học cho những người khác đọc nếu họ muốn. Thấy sách báo biến mất và rồi được đem trả lại sau đó ít lâu, Ana Ruth khám phá ra rằng một bạn học là Evelyn đã mượn đọc. Sau một thời gian Evelyn chấp nhận học hỏi Kinh-thánh và bắt đầu đến dự buổi họp trong hội thánh. Cuối cùng, em đã làm báp têm và giờ đây em phụng sự với tư cách là tiên phong phụ trợ mỗi tháng. Còn Ana Ruth thì làm tiên phong đều đều.
Tại Panama, một chị bắt đầu học hỏi Kinh-thánh với một bà có chồng chống đối lẽ thật đến độ bà gần ngưng học hỏi. Tuy nhiên, dần dần thái độ của người chồng dịu lại. Một thời gian sau, người anh ruột của ông ta là một Nhân-chứng nhờ ông gắn máy báo động trộm trong nhà của anh. Trong lúc ông đang gắn máy báo động, đứa cháu gái chín tuổi về nhà lộ vẻ buồn ra mặt. Ông hỏi cháu có chuyện gì, và cô bé nói rằng em và chị em đã đi giúp một người học Kinh-thánh, nhưng người đó không có ở nhà, cho nên hôm đó em không có thể làm gì cho Đức Giê-hô-va cả. Chú của em nói: “Tại sao không giảng cho chú? Như thế thì cháu sẽ làm được một cái gì đó cho Đức Giê-hô-va”. Đứa cháu gái mừng rỡ chạy đi lấy Kinh-thánh, và bắt đầu cuộc học hỏi.
Mẹ của em lắng nghe hai chú cháu. Chị nghĩ rằng đây chỉ là một trò đùa, nhưng mỗi lần người chú đến nhà thì hỏi đứa cháu để học Kinh-thánh. Khi người mẹ thấy ông em chồng học nghiêm chỉnh và có vài câu hỏi khó, chị quyết định điều khiển buổi học hỏi Kinh-thánh với sự hiện diện của đứa con gái. Ông ta bắt đầu học Kinh-thánh một tuần hai lần và tiến bộ nhanh chóng. Cuối cùng, ông đã tiến tới độ dâng mình và làm báp têm cùng lúc với vợ ông tại một hội nghị—tất cả là nhờ thái độ tốt của đứa cháu gái.
Sự can đảm của người trẻ là một cách làm chứng tốt
Kinh-thánh nói: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí” (Thi-thiên 27:14). Lời này áp dụng cho tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời, lớn và nhỏ đều áp dụng lời này trong năm vừa qua. Tại Úc, khi một bé gái năm tuổi bắt đầu đi học trường mới, mẹ của em đến nói chuyện với cô giáo để giải thích tín ngưỡng của Nhân-chứng Giê-hô-va. Cô giáo nói: “Tôi biết bà tin những gì rồi. Con gái của bà đã giải thích hết cho tôi nghe”. Em bé này đã không rụt rè, một mình đến nói chuyện với cô giáo để giải thích về đức tin của em.
Andrea, năm tuổi, ở Romania cũng bày tỏ tính can đảm. Khi mẹ em bỏ đạo Chính thống Đông phương để trở thành Nhân-chứng, các người hàng xóm không chịu nghe chị. Một ngày kia, tại Buổi học Cuốn sách của Hội thánh, Andrea nghe anh giám thị công tác nhấn mạnh việc cần phải rao giảng cho người hàng xóm. Em suy nghĩ nghiêm chỉnh về điều này và khi trở về nhà em nói với mẹ: “Khi mẹ đi làm, con sẽ thức dậy sắp sẵn cặp đựng sách báo của con giống như mẹ vậy và con sẽ cầu nguyện Đức Giê-hô-va giúp con nói về lẽ thật với những người hàng xóm”.
Ngày hôm sau Andrea làm y như em đã hứa. Rồi thu hết can đảm em nhấn chuông nhà người hàng xóm. Khi người hàng xóm ra mở cửa, em nói: “Cháu biết là từ khi mẹ cháu trở thành Nhân-chứng, bà không thích mẹ cháu nữa. Mẹ đã cố gắng nói chuyện với bà nhiều lần, nhưng bà không thèm nghe mẹ cháu. Điều này làm cho mẹ rất là buồn, nhưng cháu muốn cho bà biết rằng cháu và mẹ cháu yêu bà”. Rồi Andrea tiếp tục làm chứng cho bà ấy. Trong ngày đó, em đã phân phát sáu cuốn sách, sáu tạp chí, bốn sách nhỏ và bốn giấy nhỏ. Từ đó trở đi, em rất đều đặn trong công việc rao giảng.
Tại Rwanda, anh em của chúng ta đã phải bày tỏ sự can đảm rất nhiều vì tình hình xung đột ở đó. Có một lần, một gia đình Nhân-chứng bị nhốt trong căn phòng và những người lính chuẩn bị giết họ. Gia đình xin phép được cầu nguyện trước đã. Họ được cho phép và tất cả mọi người cầu nguyện âm thầm. Theo lời tường thuật thì chỉ riêng có đứa con gái nhỏ Deborah là cầu nguyện lớn tiếng: “Đức Giê-hô-va ơi, tuần này con và Ba con phát hành được năm tạp chí. Làm sao chúng con có thể trở lại thăm những người đó để dạy họ lẽ thật và giúp họ được sự sống? Ngoài ra, làm sao con trở thành người công bố đây? Con muốn làm báp têm để phụng sự Cha”. Khi nghe những lời này, một người lính nói: “Chúng tôi không thể giết mấy người chỉ vì đứa bé này”. Deborah trả lời: “Cám ơn ông”. Gia đình nhờ đó mà được thoát nạn.
Gần đến lúc cuối cùng của đời sống ngài trên đất, Giê-su đắc thắng vào thành Giê-ru-sa-lem, ngài được đám đông người hoan hô. Đám đông gồm có những đứa trẻ cũng như người lớn. Theo lời tường thuật, những đứa bé “reo lên trong đền-thờ rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít!” Khi các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo phản đối điều này, Giê-su đáp: “Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi-khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao?” (Ma-thi-ơ 21:15, 16).
Khi thấy lời của Giê-su tỏ ra đúng ngay cả trong thời kỳ này, chúng ta chẳng vui mừng hay sao? “Bởi miệng con trẻ và con đương bú”—và chúng ta có thể thêm, trẻ em vị thành niên và thanh niên thiếu nữ—Đức Giê-hô-va được ca ngợi. Thật vậy, khi nói về vấn đề ca ngợi Đức Giê-hô-va thì không có tuổi nào là quá nhỏ (Giô-ên 2:28, 29).