CHƯƠNG 107
Vua cho gọi những người đã được mời đến dự tiệc cưới
MINH HỌA VỀ TIỆC CƯỚI
Khi thánh chức của Chúa Giê-su sắp kết thúc, ngài tiếp tục dùng những minh họa để vạch trần các thầy kinh luật và trưởng tế. Thế nên, họ muốn giết ngài (Lu-ca 20:19). Nhưng Chúa Giê-su không ngừng vạch trần họ. Ngài kể một minh họa khác:
“Nước Trời có thể được ví như một ông vua tổ chức tiệc cưới cho con trai mình. Ông sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời đến dự tiệc, nhưng không ai muốn đến” (Ma-thi-ơ 22:2, 3). Chúa Giê-su mở đầu minh họa bằng cách đề cập đến “Nước Trời”. Vậy điều hợp lý là “vua” ở đây nói đến chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Còn con trai vua và những người đã được mời đến dự tiệc là ai? Một lần nữa, không khó để nhận ra con trai vua là Con của Đức Giê-hô-va, là người đang nói minh họa này, và những người đã được mời là những người sẽ cùng cai trị với Con trong Nước Trời.
Ai là những người đầu tiên được mời? Chúa Giê-su và các sứ đồ đã rao giảng cho ai về Nước Trời? Đó là người Do Thái (Ma-thi-ơ 10:6, 7; 15:24). Dân tộc này chấp nhận giao ước Luật pháp vào năm 1513 TCN, vì thế họ là những người đầu tiên sẽ hợp thành “vương quốc thầy tế lễ” (Xuất Ai Cập 19:5-8). Nhưng khi nào họ mới thật sự được gọi đến dự “tiệc cưới”? Hợp lý là lời gọi này được đưa ra vào năm 29 CN khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng về Nước Trời.
Phần lớn người Y-sơ-ra-ên phản ứng thế nào trước lời gọi ấy? Đúng như Chúa Giê-su nói, “không ai muốn đến”. Hầu hết những nhà lãnh đạo tôn giáo và dân chúng không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và là Vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm.
Nhưng Chúa Giê-su cho thấy người Do Thái sẽ được cho một cơ hội khác. Ngài kể: “[Vua] lại sai các đầy tớ khác: ‘Hãy đi nói với những người được mời: “Ta chuẩn bị bữa ăn xong rồi, bò và những con vật béo tốt đã được làm thịt, mọi thứ đã sẵn sàng. Hãy đến dự tiệc cưới”’. Nhưng họ thờ ơ bỏ đi, người thì ra ruộng mình, kẻ lo việc buôn bán; những người còn lại thì bắt các đầy tớ, đối xử thô bạo với họ rồi giết đi” (Ma-thi-ơ 22:4-6). Điều này đã xảy ra khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập. Lúc đó, người Do Thái vẫn có cơ hội được vào Nước Trời, nhưng phần lớn đã từ chối lời gọi này, thậm chí họ còn ngược đãi ‘những đầy tớ của vua’.—Công vụ 4:13-18; 7:54, 58.
Kết cuộc của dân tộc đó là gì? Chúa Giê-su kể: “Vua bèn nổi giận, sai quân đến diệt những kẻ giết người và đốt thành của chúng” (Ma-thi-ơ 22:7). Điều này đã xảy đến cho người Do Thái vào năm 70 CN khi quân La Mã hủy diệt ‘thành của họ’ là Giê-ru-sa-lem.
Phải chăng việc người Do Thái từ chối lời gọi của vua có nghĩa là không ai khác sẽ được mời? Minh họa của Chúa Giê-su cho thấy không phải vậy. Ngài kể tiếp: “Rồi vua nói với đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng nhưng những người được mời thì không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy đi đến những con đường dẫn ra ngoài thành, hễ gặp ai, cứ mời họ đến dự tiệc’. Các đầy tớ liền ra đường mời tất cả những người mình gặp, cả tốt lẫn xấu; và họ đến ngồi đầy phòng tiệc cưới”.—Ma-thi-ơ 22:8-10.
Điều đáng chú ý là về sau sứ đồ Phi-e-rơ bắt đầu giúp dân ngoại, là những người không phải dân Do Thái từ lúc sinh ra hoặc do cải đạo, trở thành môn đồ thật của Đấng Ki-tô. Vào năm 36 CN, sĩ quan La Mã Cọt-nây cùng gia đình ông nhận được thần khí và trở thành người thừa kế Nước Trời mà Chúa Giê-su đã đề cập.—Công vụ 10:1, 34-48.
Chúa Giê-su cho thấy không phải tất cả những người đến tiệc cưới đều được “vua” chấp nhận. Ngài kể: “Khi vào kiểm tra khách, vua thấy một người không mặc y phục tiệc cưới. Vua nói với anh ta: ‘Này anh kia, làm sao anh vào đây được mà không mặc y phục tiệc cưới?’. Anh ta chẳng nói được lời nào. Vua bèn phán với các đầy tớ: ‘Hãy trói tay chân hắn lại và quăng ra nơi tối tăm ở bên ngoài. Tại đó, hắn sẽ khóc lóc nghiến răng’. Vì nhiều người được mời nhưng chỉ ít người được chọn”.—Ma-thi-ơ 22:11-14.
Những nhà lãnh đạo tôn giáo đang nghe Chúa Giê-su có lẽ không hiểu hết ý nghĩa hoặc ngụ ý của ngài. Nhưng họ không hài lòng và càng quyết tâm loại trừ người đang làm họ xấu hổ.