Thời kỳ này có thật sự là ngày sau rốt không?
BẠN ngồi ở đằng mũi xuồng đang đi vào một khúc sông nguy hiểm. Những tảng đá to lớn nhô lên trong vùng có nước sủi bọt, bắn tung tóe. Bạn cố gắng đẩy ra xa những tảng đá. Người đằng sau đáng lẽ phải giúp bạn lèo lái chiếc xuồng, nhưng người đó lại có ít kinh nghiệm. Tệ hại hơn nữa, bạn không có bản đồ, cho nên bạn không biết là dòng sông này sẽ chảy đến một thác nước hay vào một ao hồ phẳng lặng.
Đây chẳng phải là một cảnh tượng đẹp đẽ, phải không? Vậy chúng ta hãy sửa câu chuyện lại một chút. Hãy tưởng tượng là bạn có người hướng dẫn đầy kinh nghiệm, biết từng tảng đá ngầm và ở đâu là khúc quanh. Từ đằng xa ông biết trước là mình sắp đi vào khúc sông có nước sủi bọt, ông biết nó sẽ chảy đến đâu, và biết cách lèo lái chiếc xuồng qua khúc sông đó. Chẳng phải bạn cảm thấy an toàn hơn nhiều sao?
Thật vậy, tất cả chúng ta đang ở trong một tình trạng khó khăn tương tự. Dù không phải lỗi của chúng ta, chúng ta thấy mình đang sống ở một thời kỳ khó khăn của lịch sử loài người. Phần đông người ta không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, tình thế sẽ được cải thiện hay không, hoặc cách nào tốt nhất để đối phó trong khi chờ đợi. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải cảm thấy hoang mang hoặc bất lực. Đấng Tạo Hóa đã cho chúng ta một sự chỉ dẫn. Sự chỉ dẫn đó báo trước về thời kỳ tối tăm này của lịch sử, tiên đoán kết quả sẽ ra sao, và giúp chúng ta vượt qua thời kỳ đó. Sự chỉ dẫn ấy là một cuốn sách, tức cuốn Kinh-thánh. Tác giả của Kinh-thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tự gọi mình là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, và ngài trấn an chúng ta qua Ê-sai: “Khi các ngươi phải rẽ sang phải hay sang trái, thì ngươi được nghe tiếng từ đằng sau vọng lên rằng: ‘Đây là đường, hãy đi theo đường này’ ” (Ê-sai 30:20, 21, Trịnh Văn Căn). Liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận sự chỉ dẫn ấy không? Vậy thì chúng ta hãy thử xem Kinh-thánh có thật sự báo trước điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ của chúng ta hay không.
Môn đồ Chúa Giê-su nêu một câu hỏi sâu sắc
Các môn đồ của Chúa Giê-su chắc đã phải ngạc nhiên. Chúa Giê-su vừa nói thẳng thắn và rõ ràng với họ là đền thờ nguy nga ở thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy phá hoàn toàn! Lời tiên đoán ấy là đáng kinh ngạc. Ít lâu sau đó, khi họ ngồi trên núi Ô-li-ve, bốn môn đồ hỏi Chúa Giê-su: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:3; Mác 13:1-4). Dù họ biết hay không, câu trả lời của Chúa Giê-su sẽ có hai sự ứng nghiệm.
Sự hủy phá đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự của dân Do Thái không phải là thời kỳ hiện diện của đấng Christ và kỳ cuối cùng của cả hệ thống mọi sự của thế gian. Dầu vậy, Chúa Giê-su đã khéo léo đề cập đến mọi khía cạnh này của câu hỏi trong lời giải đáp cặn kẽ. Ngài nói cho họ biết điều gì sẽ xảy ra trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá; ngài cũng báo cho họ biết là thế gian sẽ như thế nào khi ngài hiện diện, tức khi ngài sẽ làm vua cai trị ở trên trời và sắp sửa ra tay hủy diệt cả hệ thống mọi sự của thế gian.
Sự cuối cùng của thành Giê-ru-sa-lem
Trước hết chúng ta hãy xem xét Chúa Giê-su nói gì về thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó. Hơn ba mươi năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ, ngài đã báo trước rằng một thời kỳ đầy khó khăn kinh khiếp sẽ xảy đến cho một trong những thành phố phồn vinh nhất thế giới. Chúng ta hãy đặc biệt chú ý lời ngài ghi nơi Lu-ca 21:20, 21: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành”. Nếu thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây, thì làm sao “ai ở trong thành” có thể chỉ việc “đi ra” như Chúa Giê-su đã dặn? Rõ ràng là Chúa Giê-su có ngụ ý nói rằng họ sẽ có cơ hội để trốn thoát. Có phải vậy không?
Vào năm 66 CN, quân lính La Mã dưới quyền chỉ huy của tướng Cestius Gallus đã đuổi lực lượng phiến loạn của người Do Thái về thành Giê-ru-sa-lem và làm họ tê liệt trong thành. Quân La Mã còn lao vào thành và tiến đến vách đền thờ. Nhưng rồi Gallus ra lệnh cho quân lính làm một điều thật sự khó hiểu. Ông bảo họ rút quân! Quân Do Thái phấn chấn đuổi theo và gây thiệt hại cho kẻ thù của họ là quân La Mã đang rút lui. Dân trong thành có cơ hội để trốn thoát như Chúa Giê-su đã báo trước. Các tín đồ thật của đấng Christ nghe theo lời cảnh cáo của ngài và lìa khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Đó là quyết định khôn ngoan, vì chỉ bốn năm sau, quân lính La Mã trở lại dưới quyền tướng Titus. Lần này thì không có lối thoát.
Quân La Mã lại bao vây thành Giê-ru-sa-lem; họ đóng cọc nhọn xung quanh thành. Chúa Giê-su đã tiên tri về thành Giê-ru-sa-lem: “Sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung-quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề”a (Lu-ca 19:43). Không bao lâu, thành Giê-ru-sa-lem thất thủ; đền thờ nguy nga ở đó bị thiêu hủy. Lời của Chúa Giê-su đã được ứng nghiệm từng chi tiết!
Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn nghĩ xa hơn là sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem. Các môn đồ ngài cũng hỏi về điềm chỉ về sự hiện diện của ngài. Lúc đó họ không biết, nhưng câu hỏi đó đề cập đến thời kỳ khi ngài sẽ được phong làm Vua cai trị ở trên trời. Ngài đã báo trước về điều gì?
Chiến tranh trong ngày sau rốt
Nếu đọc Ma-thi-ơ đoạn 24 và 25, Mác đoạn 13 và Lu-ca đoạn 21, bạn sẽ thấy bằng chứng không thể nhầm lẫn là Chúa Giê-su nói đến thời kỳ của chúng ta. Ngài báo trước về một thời kỳ chiến tranh—không những “giặc và tiếng đồn về giặc” đã luôn luôn để lại vết hằn trong lịch sử loài người mà còn ‘dân nầy dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia’—đúng vậy, những cuộc đại chiến xảy ra trên toàn thế giới (Ma-thi-ơ 24:6-8).
Hãy suy nghĩ một chút là chiến tranh đã thay đổi thế nào trong thế kỷ này. Ngày xưa khi chiến tranh chỉ có nghĩa là sự xung đột giữa hai quân đội đại diện cho hai nước đối lập, họ chém giết nhau hoặc ngay cả bắn giết nhau trên bãi chiến trường, điều này đã tệ hại rồi. Nhưng vào năm 1914 cuộc Đại chiến bùng nổ. Như một tác động đô-mi-nô, hết nước này đến nước nọ kéo nhau vào cuộc xung đột—đưa đến thế chiến đầu tiên. Người ta chế tạo các vũ khí tự động để giết càng nhiều người và ở khoảng cách xa hơn. Súng liên thanh gây ra tai hại lớn; hơi của chất độc lỏng làm cháy da, hành hại, gây tàn phế và giết hàng ngàn binh lính; xe tăng tàn nhẫn xông thẳng vào phe địch, và tiếng súng lớn bắn nổ vang trời. Người ta cũng sử dụng máy bay và tàu ngầm—mở màn cho những chiến cụ sau này còn nguy hại hơn nhiều.
Thế Chiến II đã vượt quá sức tưởng tượng của người ta. Cuộc chiến đó thật ra đã làm cho cuộc chiến trước đó có vẻ không đáng kể, và đã giết hại hàng chục triệu người. Các hàng không mẫu hạm khổng lồ giống như những thành phố nổi, di động trên biển và phóng ra các phi cơ chiến đấu để giội bom xuống căn cứ địch. Các tàu ngầm phóng ngư lôi và đánh đắm tàu địch. Và người ta thả bom nguyên tử, mỗi trái giết hại hàng ngàn người! Như Chúa Giê-su đã tiên tri, thời đại chiến tranh này quả đã được đánh dấu bằng “những điềm lạ kinh-khiếp” (Lu-ca 21:11).
Có phải chiến tranh đã giảm đi kể từ Thế Chiến II không? Chắc chắn là không. Đôi khi có hàng chục cuộc chiến diễn ra khốc liệt trong một năm—ngay cả trong thập niên 1990 này—khiến cho hàng triệu người thiệt mạng. Và khác với lúc trước, đa số những nạn nhân của chiến tranh không phải là binh lính nữa. Ngày nay, đại đa số các thương vong—thật ra hơn 90 phần trăm—là thường dân.
Những đặc điểm khác của điềm
Chiến tranh chỉ là một khía cạnh của điềm mà Chúa Giê-su đề cập đến. Ngài cũng cảnh cáo là sẽ có “đói-kém” (Ma-thi-ơ 24:7). Và điều đó quả đã xảy ra, dù chuyện ngược đời là trái đất đang sản xuất nhiều thức ăn hơn là số lượng cần thiết để cung cấp cho tất cả loài người, dù khoa học nông nghiệp đã tiến bộ hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người, dù người ta có phương tiện giao thông nhanh chóng và hữu hiệu để chuyên chở thức ăn đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất kể mọi điều đó, khoảng một phần năm dân số trên thế giới bị đói mỗi ngày.
Chúa Giê-su cũng báo trước rằng “trong nhiều nơi” sẽ có “dịch-lệ” (Lu-ca 21:11). Một lần nữa thời đại của chúng ta thấy một chuyện lạ và ngược đời—dù có phương thức điều trị tốt hơn bao giờ hết, những bước tiến khai thông về kỹ thuật, những thuốc chích ngừa để chống lại những bệnh thông thường; nhưng bệnh tật vẫn gia tăng như chưa từng thấy. Bệnh cúm Tây Ban Nha đã xảy ra ngay sau cuộc Thế Chiến I và làm thiệt mạng nhiều người hơn là con số tử thương vì chiến tranh. Bệnh này lây đến nỗi mà tại những thành phố như New York, người ta có thể bị phạt hoặc bị tù nếu chỉ nhảy mũi thôi! Ngày nay bệnh ung thư và bệnh tim khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm—đúng là những dịch lệ. Và bệnh AIDS (Sida) tiếp tục gây chết chóc và hầu như khoa học về ngành y học đành chịu bó tay.
Trong khi Chúa Giê-su phần nhiều bàn về phương diện lịch sử và chính trị trong ngày sau rốt, thì sứ đồ Phao-lô chú ý vào vấn đề xã hội và những thái độ của nhiều người. Ông viết: “Hãy biết rằng trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ,... không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận... không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo, ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 3:1-5).
Những điều này nghe có vẻ quen thuộc đối với bạn không? Hãy xem chỉ một phương diện về sự suy đồi trong xã hội ngày nay—đó là gia đình tan rã. Có vô số gia đình đổ vỡ, người hôn phối bị đánh đập, trẻ em bị hành hung và cha mẹ già bị đối xử tệ bạc—những tình trạng này cho thấy người ta “vô-tình,... dữ tợn” và ngay cả “thù người lành, lường thầy phản bạn”! Đúng vậy, chúng ta thấy những tính xấu này trên mức độ rộng lớn hiện nay.
Có phải thế hệ của chúng ta là thế hệ đã được báo trước không?
Nhưng có lẽ bạn phân vân: ‘Chẳng phải loài người luôn luôn gặp những tình trạng đau khổ này sao? Làm sao chúng ta biết là thế hệ hiện nay là thế hệ đã được báo trước trong những lời tiên tri xưa này?’ Chúng ta hãy xem xét ba bằng chứng cho thấy đúng là Chúa Giê-su nói về thời kỳ của chúng ta.
Thứ nhất, dù sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó đã làm ứng nghiệm phần nào lời Chúa Giê-su, nhưng ngài chắc chắn chỉ đến một thời kỳ trong tương lai. Khoảng 30 năm sau tai biến tàn phá thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su cho sứ đồ lão thành Giăng một sự hiện thấy để cho biết rằng những tình trạng như đã báo trước—chiến tranh, đói kém, dịch lệ và sự chết—sẽ xảy ra trên khắp thế giới trong tương lai. Đúng vậy, những sự khốn khó này sẽ xảy ra trên khắp cả “đất”, chứ không phải chỉ ở một nơi nào thôi (Khải-huyền 6:2-8).
Thứ hai, trong thế kỷ này một số đặc điểm của điềm mà Chúa Giê-su đề cập đến đang được ứng nghiệm một cách mà ta có thể nói là tột bậc. Thí dụ, chiến tranh có thể nào gây tệ hại hơn là kể từ năm 1914 không? Nếu có một Thế Chiến III, và tất cả các nước có vũ khí hạch tâm đều sử dụng vũ khí của họ, thì chúng ta rất có thể thấy hậu quả là trái đất này biến thành đống tro tàn—và loài người sẽ bị diệt chủng. Tương tự như vậy, Khải-huyền 11:18 báo trước rằng trong thời kỳ này khi các nước “giận-dữ”, thì người ta sẽ “hủy-phá thế-gian”. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự ô nhiễm và sự thoái hóa về môi sinh giờ đây đe dọa sự sống trên hành tinh này! Vì vậy, chúng ta cũng thấy đặc điểm này đang được ứng nghiệm ở mức tột bậc hoặc gần tới mức đó. Có thể nào chiến tranh và sự ô nhiễm cứ gây tệ hại thêm cho đến khi loài người hủy diệt chính mình và trái đất này không? Không; vì chính Kinh-thánh tuyên bố trái đất sẽ còn mãi mãi, và những người có lòng ngay thẳng sẽ sống trên đó (Thi-thiên 37:29; Ma-thi-ơ 5:5).
Thứ ba, khi xem xét chung thì điềm của ngày sau rốt đặc biệt là đáng tin cậy. Khi chúng ta xem xét tất cả các đặc điểm mà Chúa Giê-su đề cập đến trong ba sách Phúc Âm, những đặc điểm trong các lá thư của Phao-lô và trong sách Khải-huyền, thì điềm ấy có cả hàng chục đặc điểm. Một người có thể lý sự về mỗi đặc điểm, tranh cãi rằng những thời đại khác cũng có những vấn đề tương tự, nhưng khi chúng ta xem xét chung tất cả các đặc điểm, thì điềm này chỉ một cách không nhầm lẫn đến một thời đại duy nhất—đó là thời đại của chúng ta.
Vậy thì mọi điều này có nghĩa gì? Có phải Kinh-thánh chỉ miêu tả thời đại của chúng ta như là một thời đại khốn khó và vô vọng không? Chắc chắn là không!
Tin mừng
Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của điềm về ngày sau rốt được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14: “Tin-lành [“tin mừng”, NW] nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Trong thế kỷ này, Nhân-chứng Giê-hô-va đã thực hiện một công việc có một không hai trong lịch sử loài người. Họ đã chấp nhận thông điệp của Kinh-thánh về Nước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời—Nước đó là gì, sẽ cai trị như thế nào, và sẽ thực hiện những gì—và họ chia sẻ thông điệp đó trên khắp đất. Họ đã in sách báo về đề tài này trong hơn 300 thứ tiếng và họ đem phân phát cho người ta tại nhà hoặc ngoài đường phố hoặc tại nơi làm việc hầu như trong mỗi nước trên đất.
Làm thế, họ đang làm ứng nghiệm lời tiên tri này. Nhưng họ cũng đem đến cho người ta niềm hy vọng. Hãy chú ý rằng Chúa Giê-su gọi đây là “tin mừng”, chứ không phải là tin chẳng lành. Làm sao có được tin mừng trong thời kỳ tối tăm này? Bởi vì thông điệp chính của Kinh-thánh không phải là nói về tình trạng của thế gian cũ này sẽ xấu đến mức độ nào. Thông điệp chính của Kinh-thánh có liên hệ đến Nước Đức Chúa Trời, và Nước Trời hứa một điều quí báu cho mỗi người yêu chuộng hòa bình—đó là sự giải cứu.
Vậy sự giải cứu đó là gì, và làm sao bạn có thể được cứu? Xin bạn hãy xem hai bài sau đây bàn về đề tài này.
[Chú thích]
a Chắc chắn tướng Titus đang thắng thế. Tuy nhiên, ông đã không đạt được ý muốn trong hai phương diện quan trọng. Ông muốn họ đầu hàng để khỏi phải giao chiến, nhưng không hiểu sao các lãnh tụ của thành đã ngoan cố từ chối. Và khi các vách tường thành cuối cùng bị chọc thủng, ông ra lệnh cho quân lính giữ lại đền thờ. Tuy nhiên, nó bị đốt cháy hoàn toàn! Lời tiên tri của Chúa Giê-su đã nói rõ rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá và đền thờ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn (Mác 13:1, 2).
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Người ta đang tìm giải đáp cho những câu hỏi đáng lo ngại như: Tại sao tình trạng lại xấu đến thế? Loài người sẽ đi về đâu?
[Câu nổi bật nơi trang 6]
Ngày nay, hơn 90 phần trăm các thương vong là thường dân
[Hình nơi trang 7]
Lời tiên tri của Chúa Giê-su về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem đã được ứng nghiệm từng chi tiết