Hãy tiến tới sự trọn lành vì “ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần”
“Tấn-tới sự trọn-lành”.—HÊ 6:1.
1, 2. Các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất ở thành Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê có cơ hội nào để “trốn lên núi”?
Khi Chúa Giê-su sống trên đất, các môn đồ đến hỏi ngài: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”? Chúa Giê-su cho các môn đồ biết qua lời tiên tri, và lời tiên tri này đã ứng nghiệm lần đầu vào thế kỷ thứ nhất. Chúa Giê-su nói về một biến cố khác thường đánh dấu sự cuối cùng gần kề. Khi thấy biến cố này, “ai ở trong xứ Giu-đê [phải] trốn lên núi” (Mat 24:1-3, 15-22). Liệu môn đồ Chúa Giê-su có nhận ra dấu hiệu này và hành động theo các chỉ thị của ngài không?
2 Gần ba thập kỷ sau, vào năm 61 CN, sứ đồ Phao-lô viết một thông điệp mạnh mẽ cho các tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ sống ở Giê-ru-sa-lem và những vùng xung quanh. Phao-lô và các anh em đồng đạo không biết rằng biến cố này đánh dấu giai đoạn mở đầu của “hoạn-nạn lớn” chỉ xảy ra khoảng 5 năm sau đó (Mat 24:21). Vào năm 66 CN, Cestius Gallus chỉ huy đội quân La Mã tấn công vào thành Giê-ru-sa-lem và gần như thành công. Nhưng đột nhiên ông rút quân, tạo cơ hội cho những người đang gặp nguy hiểm trốn thoát an toàn.
3. Phao-lô cho tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ lời khuyên nào, và tại sao?
3 Những tín đồ Đấng Christ này cần suy xét kỹ, nhận ra biến cố mà Chúa Giê-su đã tiên tri và nhanh chóng trốn thoát. Tuy nhiên, một số người trở nên “chậm hiểu”. Theo nghĩa bóng, họ giống như em bé cần “sữa”. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:11-13). Thậm chí, một số đã theo lẽ thật nhiều thập kỷ, nhưng có dấu hiệu cho thấy họ “trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống” (Hê 3:12). Một số có thói quen bỏ nhóm họp trong lúc “ngày [tai họa] ấy hầu gần” (Hê 10:24, 25). Phao-lô cho họ lời khuyên đúng lúc: ‘Chúng ta phải bỏ qua các điều sơ-học về tin mừng của Đấng Christ, mà tấn-tới sự trọn-lành’.—Hê 6:1.
4. Tại sao việc tỉnh thức là quan trọng, và điều gì sẽ giúp chúng ta làm thế?
4 Chúng ta đang sống trong thời kỳ lời tiên tri của Chúa Giê-su được ứng nghiệm lần cuối. “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va”—ngày cuối cùng của toàn bộ hệ thống Sa-tan—“đã gần” (Sô 1:14). Hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ mình tỉnh thức về phương diện thiêng liêng (1 Phi 5:8). Chúng ta có đang làm thế không? “Sự trọn-lành” về thiêng liêng sẽ giúp chúng ta ghi nhớ mình đang sống trong thời điểm nào.
Thế nào là tín đồ Đấng Christ thành thục?
5, 6. (a) Thành thục về thiêng liêng bao hàm điều gì? (b) Để tiến tới sự thành thục, chúng ta cần nỗ lực trong hai khía cạnh nào?
5 Phao-lô không chỉ khích lệ các tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất tiến tới sự trọn lành mà còn cho biết sự trọn lành hay thành thục về thiêng liêng bao hàm điều gì. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Những người “thành-nhân” không thỏa mãn khi chỉ uống “sữa”, mà họ phải ăn “đồ-ăn đặc”. Vì thế, họ biết cả “những điều sơ học” lẫn “sự sâu-nhiệm” của lẽ thật (1 Cô 2:10). Hơn nữa, họ phải rèn luyện khả năng nhận thức qua việc áp dụng những điều đã học, nhờ thế họ biết phân biệt điều phải điều trái. Khi đứng trước một quyết định, khả năng nhận thức này giúp họ nhận biết những nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan và làm thế nào áp dụng chúng.
6 Phao-lô viết: “Chúng ta phải càng giữ vững lấy [“chú tâm hơn nữa”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng” (Hê 2:1). Sự trôi lạc về đức tin có thể xảy ra trước khi chúng ta nhận ra điều đó. Chúng ta có thể tránh được vấn đề này bằng cách “chú tâm hơn nữa” khi học Kinh Thánh. Do đó, mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Tôi vẫn còn xem xét những điều sơ học không? Phải chăng tôi chỉ phụng sự cách chiếu lệ và theo thói quen mà không hết lòng? Làm thế nào tôi thật sự tiến bộ về thiêng liêng?”. Để tiến tới sự thành thục, chúng ta cần phải nỗ lực ít nhất trong hai lĩnh vực: (1) Chúng ta phải hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời, và (2) chúng ta phải học vâng lời.
Hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời
7. Chúng ta được lợi ích thế nào khi hiểu rõ hơn Lời Đức Chúa Trời?
7 Phao-lô viết: “Kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công-bình; vì còn là thơ-ấu” (Hê 5:13). Để đạt đến sự thành thục, chúng ta phải hiểu rõ thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Vì thông điệp này có trong Kinh Thánh, do đó chúng ta nên chăm chỉ học Kinh Thánh và các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Mat 24:45-47). Biết tư tưởng của Đức Chúa Trời qua cách này sẽ giúp chúng ta rèn luyện khả năng nhận thức. Hãy xem gương của một tín đồ Đấng Christ tên Orchida. Chị nói: “Đều đặn đọc Kinh Thánh là lời nhắc nhở có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong đời tôi. Tôi mất khoảng hai năm để đọc xong Kinh Thánh nhưng tôi cảm thấy giống như mình mới biết Đấng Tạo Hóa lần đầu tiên. Tôi học về đường lối Ngài, những điều Ngài thích và không thích, Ngài có quyền năng mạnh mẽ và sự khôn ngoan sâu rộng đến mức nào. Đọc Kinh Thánh mỗi ngày giúp tôi vượt qua những giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời”.
8. Lời Đức Chúa Trời tác động đến chúng ta như thế nào?
8 Qua việc đều đặn đọc một phần Lời Đức Chúa Trời, thông điệp Kinh Thánh tác động đến chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:12). Việc này có thể uốn nắn nhân cách và giúp chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng hơn. Bạn có thể dành nhiều thời giờ hơn để đọc Kinh Thánh và suy ngẫm về những gì đã đọc không?
9, 10. Hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? Hãy minh họa.
9 Hiểu rõ Kinh Thánh bao hàm nhiều hơn là chỉ quen thuộc với những gì Lời Đức Chúa Trời nói. Những người ‘còn thơ-ấu’ về thiêng liêng vào thời sứ đồ Phao-lô chắc hẳn có một số sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ không áp dụng những gì họ biết để thấy giá trị thực tế của nó. Họ có thể hiểu rõ thông điệp bằng cách để thông điệp ấy hướng dẫn họ có những quyết định khôn ngoan trong đời sống, nhưng họ đã không làm thế.
10 Hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời có nghĩa là không những biết mà còn áp dụng sự hiểu biết ấy. Trường hợp của một tín đồ Đấng Christ là chị Kyle cho thấy rõ điều này. Chị Kyle bất đồng ý kiến với một đồng nghiệp. Chị đã làm gì để giải quyết vấn đề? Chị cho biết: “Liên quan đến vấn đề này, tôi nhớ đến câu Rô-ma 12:18 nói: “Hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. Vì thế, tôi hẹn gặp người đồng nghiệp ấy sau giờ làm việc”. Cuộc gặp mặt rất thành công và người bạn đồng nghiệp rất vui vì chị đã làm thế. Chị Kyle nói: “Tôi học được một điều là nếu áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta không bao giờ sai”.
Học vâng lời
11. Điều gì cho thấy vâng lời khi gặp khó khăn có thể là một thử thách?
11 Áp dụng những gì chúng ta học từ Kinh Thánh có thể là một thử thách, đặc biệt khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, không lâu sau khi Đức Giê-hô-va giải thoát dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ ở xứ Ê-díp-tô, họ đã “kiếm cớ cãi-lộn cùng Môi-se” và “thử Đức Giê-hô-va”. Tại sao họ làm thế? Vì họ bị thiếu nước uống (Xuất 17:1-4). Chưa đầy hai tháng sau khi Đức Chúa Trời lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên và họ đồng ý làm theo “mọi lời Đức Giê-hô-va phán-dạy”, họ đã vi phạm luật pháp Ngài về việc thờ hình tượng (Xuất 24:3, 12-18; 32:1, 2, 7-9). Có phải việc Môi-se vắng mặt lâu ngày để được Đức Chúa Trời chỉ dẫn trên núi Hô-rếp khiến họ sợ không? Có phải họ nghĩ rằng dân A-ma-léc sẽ tấn công họ một lần nữa và dân sự không có sự giúp đỡ vì vắng mặt Môi-se, người đã từng giơ tay lên khiến họ chiến thắng? (Xuất 17:8-16). Có thể họ đã nghĩ như thế, nhưng dù lý do là gì đi nữa, dân Y-sơ-ra-ên “không chịu vâng lời” (Công 7:39-41). Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ cố gắng hết sức tránh “theo gương bất tuân” của dân Y-sơ-ra-ên khi họ sợ vào Đất Hứa.—Hê 4:3, 11, GKPV.
12. Chúa Giê-su đã học vâng lời như thế nào, và ngài nhận được lợi ích nào?
12 Tiến tới sự thành thục đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hết sức để vâng lời Đức Giê-hô-va. Như trường hợp của Chúa Giê-su, sự vâng lời thường học được qua việc chịu đựng. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:8, 9). Trước khi xuống đất, Chúa Giê-su đã vâng lời Cha ngài. Tuy nhiên, làm theo ý muốn của Cha ngài trên đất bao hàm việc chịu đựng nỗi đau về thể chất và tinh thần. Qua việc vâng lời dù gặp thử thách gay go, Chúa Giê-su đã “nên trọn-vẹn” để sẵn sàng cho vị trí mới mà Đức Chúa Trời định sẵn cho ngài, trở thành Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
13. Điều gì cho thấy chúng ta đã học vâng lời?
13 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có quyết tâm vâng lời Đức Giê-hô-va ngay cả khi đương đầu với những vấn đề đau buồn không? (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:6, 7). Đức Chúa Trời cho lời khuyên rõ ràng về đạo đức, tính lương thiện, gìn giữ miệng lưỡi, đọc và học Kinh Thánh cá nhân, tham dự các buổi họp và tham gia công việc rao giảng (Giô-suê 1:8; Mat 28:19, 20; Ê-phê 4:25, 28, 29; 5:3-5; Hê 10:24, 25). Chúng ta có vâng lời Đức Giê-hô-va trong những vấn đề này ngay cả khi gặp nghịch cảnh không? Sự vâng lời cho thấy chúng ta đã tiến đến sự thành thục.
Chúng ta được lợi ích thế nào khi thành thục về thiêng liêng?
14. Hãy minh họa tiến đến sự thành thục có thể bảo vệ chúng ta như thế nào.
14 Tín đồ Đấng Christ thật sự được bảo vệ khi rèn luyện khả năng nhận thức cách đúng đắn để phân biệt điều đúng và sai trong một thế gian “mất cả sự cảm-biết” (Ê-phê 4:19). Chẳng hạn, một anh tên James đã thường xuyên đọc và rất quý trọng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Anh nhận một công việc mà tất cả đồng nghiệp của anh là phụ nữ. Anh nói: “Dù nhiều cô này rõ ràng không có đạo đức, nhưng một cô có vẻ là người tốt và tỏ ra chú ý đến Kinh Thánh. Tuy nhiên, khi chỉ có hai chúng tôi trong phòng làm việc, cô ấy bắt đầu có hành động khêu gợi. Tôi nghĩ chắc là cô ấy đang đùa nhưng rất khó để ngăn cô ấy lại. Ngay lúc đó, tôi nhớ đến một kinh nghiệm trong bài Tháp Canh kể về một anh đã gặp hoàn cảnh tương tự. Bài này nêu ra trường hợp giữa Giô-sép và vợ Phô-ti-phab. Tôi liền đẩy cô ấy ra và cô chạy ra ngoài” (Sáng 39:7-12). Anh James vui mừng vì không có gì đáng tiếc đã xảy ra và anh vẫn có một lương tâm trong sạch.—1 Ti 1:5.
15. Làm thế nào việc tiến tới sự thành thục làm lòng chúng ta vững mạnh?
15 Sự thành thục cũng đem lại lợi ích là làm lòng chúng ta vững mạnh và giúp chúng ta không bị “mọi thứ đạo lạ dỗ-dành mình”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:9). Khi cố gắng tiến bộ về thiêng liêng, tâm trí chúng ta sẽ tập trung vào “những sự tốt-lành hơn” (Phi-líp 1:9, 10). Nhờ thế, chúng ta gia tăng lòng biết ơn Đức Chúa Trời và mọi điều Ngài cung cấp vì lợi ích của chúng ta (Rô 3:24). Một tín đồ Đấng Christ ‘khôn-sáng như kẻ thành-nhân’ thì phát triển lòng biết ơn như thế và có mối quan hệ gắn bó với Đức Giê-hô-va.—1 Cô 14:20.
16. Điều gì đã giúp một chị có sự “bền lòng”?
16 Một chị tên là Louise thừa nhận là có một khoảng thời gian sau khi báp têm, điều chị quan tâm nhất là làm vừa lòng người ta. Chị nói: “Tôi không làm gì sai, nhưng tôi không có ước muốn mãnh liệt để phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi nhận ra rằng nếu muốn dâng hết khả năng cho Đức Giê-hô-va thì tôi phải làm một số thay đổi. Sự thay đổi lớn nhất là bắt đầu thờ phượng Ngài hết lòng”. Qua nỗ lực ấy, chị Louise có sự “bền lòng” và điều này rất quan trọng khi chị đương đầu với vấn đề sức khỏe khiến chị nản lòng (Gia 5:8). Chị Louise nói: “Tôi phải phấn đấu rất nhiều, nhưng tôi đã thật sự gần gũi với Đức Giê-hô-va”.
“Hết lòng vâng theo”
17. Tại sao sự vâng lời đặc biệt quan trọng vào thế kỷ thứ nhất?
17 Lời Phao-lô khuyên “tấn tới sự trọn lành” đã cứu mạng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất sống trong thành Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê. Những ai làm theo lời khuyên đó có khả năng suy xét cần thiết hầu nhận ra dấu hiệu mà Chúa Giê-su đã cho biết để họ “trốn lên núi”. Khi họ thấy “sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra trong nơi thánh”, tức quân đội La Mã bao vây và bắt đầu xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem, họ biết rằng đó là lúc phải chạy trốn (Mat 24:15, 16). Làm theo lời cảnh báo mang tính tiên tri của Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ chạy khỏi thành Giê-ru-sa-lem trước khi nó bị hủy diệt. Theo sử gia về tôn giáo là Eusebius, họ sống trong thành Pella, ở vùng núi Ga-la-át. Nhờ thế, họ đã tránh được tai họa tàn khốc nhất trong lịch sử giáng trên thành Giê-ru-sa-lem.
18, 19. (a) Tại sao học vâng lời rất quan trọng ngày nay? (b) Bài tiếp theo sẽ cho biết điều gì?
18 Sự vâng lời mà chúng ta học được khi tiến tới sự trọn lành cũng sẽ giúp chúng ta bảo toàn mạng sống khi sự ứng nghiệm lần cuối cùng lời tiên tri của Chúa Giê-su xảy ra, đó là “sẽ có hoạn-nạn lớn” chưa từng thấy (Mat 24:21). Chúng ta sẽ vâng theo những chỉ thị khẩn cấp trong tương lai của “người quản-gia ngay-thật” không? (Lu 12:42). Vậy ngày nay, việc chúng ta học cách “hết lòng vâng theo” thật quan trọng biết bao!—Rô 6:17, GKPV.
19 Để có sự trọn lành hay thành thục, chúng ta cần rèn luyện khả năng nhận thức. Chúng ta làm thế bằng cách cố gắng hiểu rõ hơn về Lời Đức Chúa Trời và học vâng lời. Tiến tới sự trọn lành đem lại những thử thách đặc biệt cho người trẻ. Bài tiếp theo cho biết làm sao để thành công khi đương đầu với những thử thách ấy.
[Chú thích]
a Một số tên đã đổi.
b Xin xem bài “Cương quyết không làm điều quấy” trong Tháp Canh ngày 1-10-1999.
Bạn học được gì?
• Thành thục về thiêng liêng là gì, và làm sao chúng ta đạt được điều đó?
• Hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời đóng vai trò nào trong việc tiến tới sự thành thục?
• Làm sao chúng ta học vâng lời?
• Sự thành thục mang lại lợi ích nào cho chúng ta?
[Hình nơi trang 10]
Áp dụng lời khuyên Kinh Thánh giúp chúng ta đối phó với những vấn đề như người “thành-nhân”
[Hình nơi trang 12, 13]
Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nghe theo lời khuyên của Chúa Giê-su được bảo toàn mạng sống