Hãy chạy đến nơi an toàn trước “Hoạn-nạn Lớn”
“Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, ... ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi” (LU-CA 21:20, 21).
1. Đối với những người còn thuộc về thế gian, tại sao chạy thoát khỏi đó là một điều khẩn thiết?
ĐỐI VỚI những ai thuộc thế gian Sa-tan, chạy thoát là điều khẩn thiết. Nếu họ muốn được sống sót khi hệ thống mọi sự hiện tại bị tẩy khỏi địa cầu, họ phải chứng minh rõ ràng là họ đã chọn đứng vững về phía Đức Giê-hô-va và không còn thuộc thế gian do Sa-tan cầm đầu nữa (Gia-cơ 4:4; I Giăng 2:17).
2, 3. Chúng ta sẽ bàn về những câu hỏi nào liên quan đến lời của Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:15-22?
2 Trong lời tiên tri trọng đại của ngài liên quan đến thời kỳ kết liễu của hệ thống mọi sự, Giê-su nhấn mạnh rằng chạy thoát như thế là điều thiết yếu. Chúng ta thường bàn luận về những gì được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:4-14; tuy nhiên, những gì theo sau đó cũng không kém phần quan trọng. Bây giờ chúng tôi mời bạn mở Kinh-thánh và đọc những câu từ Mt 24:15 đến 22.
3 Lời tiên tri đó có nghĩa gì? Vào thế kỷ thứ nhất, cái gì là “sự gớm-ghiếc tàn-nát”? Sự việc nó ở “trong nơi thánh” báo trước điều gì? Diễn biến đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
“Ai đọc phải để ý”
4. a) Đa-ni-ên 9:27 nói điều gì sẽ xảy ra sau khi dân Do Thái chối bỏ đấng Mê-si? b) Khi đề cập đến điều này, rõ ràng, tại sao Giê-su nói: “Ai đọc phải để ý”?
4 Hãy chú ý rằng nơi Ma-thi-ơ 24:15, Giê-su có nhắc đến điều được viết trong sách Đa-ni-ên. Trong đoạn Đa-ni-ên 9 của sách đó lời tiên tri báo trước về đấng Mê-si sắp đến và sự thi hành phán quyết trên nước Do Thái vì họ đã chối bỏ ngài. Phần cuối của câu Đa-ni-ên 9:27 nói: “Kẻ hủy-phá sẽ đến bởi cánh gớm-ghiếc, và sẽ có sự giận-dữ đổ trên nơi bị hoang-vu”. Truyền thống của người Do Thái thời ban đầu cho rằng việc làm ô uế đền thờ Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem bởi Antiochus IV vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên ứng nghiệm lời tiên tri này của Đa-ni-ên. Nhưng Giê-su khuyên: “Ai đọc phải để ý”. Dù sự kiện Antiochus IV làm ô uế nơi đền thờ tất nhiên là điều gớm ghiếc, nhưng nó đã không khiến cho Giê-ru-sa-lem, đền thờ hay nước Do Thái trở nên hoang vu. Vì vậy, hiển nhiên Giê-su cảnh cáo những người nghe ngài rằng sự ứng nghiệm của lời tiên tri này không phải là đã qua rồi mà là còn trong tương lai.
5. a) Việc so sánh những lời tường trình trong sách Phúc Âm giúp chúng ta nhận diện “sự gớm-ghiếc” trong thế kỷ thứ nhất như thế nào? b) Vào năm 66 công nguyên, tại sao Cestius Gallus vội vã kéo quân La Mã vào thành Giê-ru-sa-lem?
5 Nói gì về “sự gớm-ghiếc” mà họ phải canh chừng? Điều đáng chú ý là Ma-thi-ơ nói: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra trong nơi thánh”. Tuy nhiên, lời tường trình song song nơi Lu-ca 21:20 nói: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến”. Vào năm 66 công nguyên, tín đồ đấng Christ sống tại Giê-ru-sa-lem đã chứng kiến điều Giê-su đã báo trước. Một loạt những vụ xung đột giữa người Do Thái và quan quyền La Mã đã khiến Giê-ru-sa-lem trở thành một ổ phản loạn chống lại La Mã. Hậu quả là bạo lực bùng nổ khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-lê, Đê-ca-bô-lơ và Phê-ni-xi, lan tràn về phía bắc đến Sy-ri và phía nam vào Ê-díp-tô. Hầu khôi phục một phần nào an ninh ở phần đất đó của Đế quốc La Mã, Cestius Gallus đã đổ quân lực từ Sy-ri đến Giê-ru-sa-lem, nơi mà người Do Thái gọi là “thành thánh” của họ (Nê-hê-mi 11:1; Ê-sai 52:1).
6. Làm thế nào “sự gớm-ghiếc” có thể làm cho hoang vu lại được “lập ra trong nơi thánh”?
6 Theo lệ thường thì quân đoàn La Mã mang cờ hay cờ hiệu mà họ xem là thánh, nhưng người Do Thái thì xem là sự thờ hình tượng. Điều đáng chú ý là chữ Hê-bơ-rơ dịch ra là “sự gớm-ghiếc” trong sách Đa-ni-ên được dùng chủ yếu cho tượng thần và sự thờ hình tượnga (Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:17). Bất kể sự kháng cự của dân Do Thái, lực lượng La Mã mang theo cờ hiệu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem vào tháng 11 năm 66 công nguyên và bắt đầu ngầm phá tường đền thờ về phía bắc. Không còn ngờ vực chi cả về vấn đề này—một “sự gớm-ghiếc” có thể khiến cho Giê-ru-sa-lem trở nên hoang vu hoàn toàn đang “lập ra trong nơi thánh”! Nhưng làm sao ai có thể chạy thoát?
Việc chạy thoát là khẩn thiết!
7. Quân đội La Mã đã bất ngờ làm điều gì?
7 Quân đội La Mã đột ngột rút lui vào lúc mà họ có thể chiếm thành Giê-ru-sa-lem một cách dễ dàng, và theo quan điểm của loài người thì điều này không có một nguyên cớ hiển nhiên nào cả. Quân Do Thái nổi dậy đuổi theo quân La Mã đang rút lui nhưng chỉ đến thành An-ti-ba-tri, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 50 cây số. Thế rồi họ quay trở lại. Khi đến Giê-ru-sa-lem, họ tụ họp lại nơi đền thờ để bàn tính thêm chiến thuật. Những người trẻ được động viên để củng cố thành lũy và để phục vụ trong quân đội. Liệu tín đồ đấng Christ có bị thu hút vào phong trào này không? Dù cho họ có tránh được phong trào này đi nữa, liệu họ vẫn còn ở trong vòng nguy hiểm khi quân La Mã trở lại không?
8. Nghe theo lời tiên tri của Giê-su, các tín đồ đấng Christ đã cấp bách làm gì?
8 Các tín đồ đấng Christ tại Giê-ru-sa-lem và toàn miền Giu-đê đã sớm hành động phù hợp với lời cảnh cáo tiên tri của Giê-su Christ và đã chạy ra khỏi vòng nguy hiểm. Việc chạy thoát là khẩn thiết! Cuối cùng, họ đã đi đến miền núi, một số có lẽ định cư tại Pella, thuộc tỉnh Phê-rê. Những ai nghe theo lời cảnh cáo của Giê-su đã không dại dột quay trở lại để cố vớt vát của cải vật chất của mình. (So sánh Lu-ca 14:33). Vì phải bỏ đi trong những hoàn cảnh như thế, đàn bà có mang và người mẹ có con còn bú chắc chắn thấy cuộc hành trình bằng đường bộ ấy rất khó đi. Việc chạy thoát của họ không bị cản trở bởi những giới hạn của ngày Sa-bát, và dù mùa đông sắp tới, nhưng vẫn chưa đến. Những ai nghe theo lời cảnh cáo của Giê-su là phải mau mắn chạy thoát thì không lâu sau đã đến nơi an toàn ngoài thành Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Mạng sống của họ tùy thuộc vào điều này. (So sánh Gia-cơ 3:17).
9. Bao lâu sau thì quân La Mã trở lại, và với hậu quả nào?
9 Ngay chính năm sau, năm 67 công nguyên, người La Mã lại dấy quân tranh chiến với dân Do Thái. Trước tiên, xứ Ga-li-lê bị xâm chiếm. Vào năm kế thì xứ Giu-đê bị tàn phá. Đến năm 70 công nguyên thì quân đội La Mã bao vây chính thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:43). Nạn đói kém trở nên nguy kịch. Những ai còn kẹt lại trong thành xoay ra ẩu đả với nhau. Bất cứ ai cố chạy thoát đều bị giết. Như Giê-su đã nói, những gì mà họ phải trải qua là “hoạn-nạn lớn” (Ma-thi-ơ 24:21).
10. Nếu chúng ta để ý khi đọc, chúng ta sẽ nhận thấy thêm điều gì?
10 Điều này có ứng nghiệm hoàn toàn những gì Giê-su báo trước không? Không, còn nhiều biến cố nữa phải xảy ra. Như Giê-su khuyên nhủ, nếu chúng ta để ý khi đọc Kinh-thánh, thì chúng ta sẽ không lướt qua những gì sắp đến trong tương lai. Chúng ta cũng suy nghĩ nghiêm chỉnh về sự ứng nghiệm của lời ấy trong đời sống chúng ta.
“Sự gớm-ghiếc” thời nay
11. Hai đoạn văn nào trong sách Đa-ni-ên nói đến “sự gớm-ghiếc” và trong hai đoạn văn đó thời điểm nào đã được bàn đến?
11 Hãy chú ý rằng, ngoài những gì chúng ta đã thấy nơi Đa-ni-ên 9:27, còn có những dẫn chứng khác về “sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu” nơi Đa-ni-ên 11:31 và 12:11. Trong cả hai trường hợp sau này, sự hủy phá của thành Giê-ru-sa-lem đã không được bàn đến. Thật vậy chỉ hai câu trước Đa-ni-ên 12:11 có lời đề cập đến “kỳ cuối-cùng” (Đa-ni-ên 12:9). Chúng ta đã sống trong kỳ ấy kể từ năm 1914. Do đó, chúng ta phải cảnh giác để nhận diện “sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu” và rồi lo sao để chúng ta ra khỏi vòng nguy hiểm.
12, 13. Tại sao miêu tả Hội Quốc Liên là “sự gớm-ghiếc” của thời nay là điều hợp lý?
12 “Sự gớm-ghiếc” thời nay là gì? Bằng chứng cho thấy đó là Hội Quốc Liên, một tổ chức bắt đầu hoạt động vào năm 1920, ngay sau khi thế giới bước vào thời kỳ cuối cùng. Nhưng làm sao Hội Quốc Liên lại có thể là “sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu”?
13 Hãy nhớ rằng, chữ Hê-bơ-rơ dịch là “sự gớm-ghiếc” được dùng trong Kinh-thánh chủ yếu để đề cập đến hình tượng và sự thờ hình tượng. Người ta có thờ Hội Quốc Liên không? Quả thật là có! Hàng giáo phẩm đặt tổ chức này “trong nơi thánh”, và các tín đồ của họ đã say mê sùng bái tổ chức đó. Hội đồng Liên bang các Giáo hội theo đấng Christ tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hội Quốc Liên sẽ là “sự biểu thị chính trị của Nước Trời ở trên đất”. Thượng viện Hoa Kỳ nhận được một loạt thư từ đến dồn dập từ các nhóm tôn giáo đốc thúc là phải phê chuẩn Hiến chương Hội Quốc Liên. Toàn thể hội đồng các giáo phái Báp-tít (Baptist), phái Hội thánh (Congregationalists), phái Trưởng lão (Presbyterians) tại Anh đều tán dương tổ chức đó như “một công cụ độc nhất để đạt được [hòa bình trên đất]”. (Xem Khải-huyền 13:14, 15).
14, 15. Hội Quốc Liên và sau này Liên Hiệp Quốc được đặt “trong nơi thánh” bằng cách nào?
14 Nước Trời của đấng Mê-si đã được thiết lập trên trời vào năm 1914, nhưng các quốc gia vẫn tiến hành việc tranh giành quyền thống trị của mình (Thi-thiên 2:1-6). Khi Hội Quốc Liên được đề cử, các quốc gia vừa tranh chiến trong Thế chiến thứ nhất, cũng như các hàng giáo phẩm đã từng ban phước cho quân đội của họ, đã cho thấy rằng họ từ bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ không xem đấng Christ như là Vua. Vì thế, họ qui cho một tổ chức loài người vai trò của Nước Trời; họ đặt Hội Quốc Liên “trong nơi thánh”, một nơi mà tổ chức đó không đáng có.
15 Liên Hiệp Quốc hình thành vào ngày 24-10-1945 như là một tổ chức kế tiếp cho Hội Quốc Liên. Sau này, các giáo hoàng ở Rô-ma tôn vinh Liên Hiệp Quốc như là “hy vọng cuối cùng cho sự hòa hợp và hòa bình” và là “diễn đàng tối cao cho sự hòa bình và công chính”. Đúng vậy, Hội Quốc Liên, cùng với tổ chức kế vị là Liên Hiệp Quốc, đã thật sự trở thành một tượng thần, một “sự gớm-ghiếc” trước mắt Đức Chúa Trời và dân ngài.
Chạy khỏi nơi nào?
16. Ngày nay những người yêu chuộng sự công bình phải chạy ra khỏi nơi nào?
16 Khi ‘thấy’ điều này, khi nhận ra tổ chức quốc tế đó là gì và cách tổ chức này được thần thánh hóa, những người yêu chuộng sự công bình cần phải chạy đến nơi an toàn. Chạy ra khỏi nơi nào? Ra khỏi cái được tượng trưng ngày nay bởi thành Giê-ru-sa-lem bất trung, ấy là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, và ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, tức hệ thống tôn giáo giả trên toàn thế giới (Khải-huyền 18:4).
17, 18. “Sự gớm-ghiếc” của thời nay sẽ gây ra sự tàn phá nào?
17 Cũng nên nhớ rằng, vào thế kỷ thứ nhất, khi quân La Mã tiến vào thành thánh của người Do Thái mang theo những lá cờ hiệu, họ đến để tàn phá thành Giê-ru-sa-lem cùng với hệ thống thờ phượng trong thành. Vào thời của chúng ta, sự tàn phá sẽ xảy ra không những cho một thành mà thôi, cũng không chỉ cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ mà trên cả hệ thống tôn giáo giả trên toàn thế giới (Khải-huyền 18:5-8).
18 Nơi Khải-huyền 17:16, Kinh-thánh báo trước rằng một con thú tượng trưng đỏ sặm, đã được chứng tỏ là Liên Hiệp Quốc, sẽ nghịch lại dâm phụ Ba-by-lôn Lớn và hủy diệt nó một cách hung bạo. Dùng những lời lẽ sống động, Kinh-thánh nói: “Mười cái sừng ngươi đã thấy, và chính mình con thú sẽ ghét dâm-phụ, sẽ bóc-lột cho nó lỏa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa”. Thật là tuyệt diệu khi nghĩ đến điều này sẽ có nghĩa gì. Kết cuộc là tôn giáo giả đủ loại ở khắp nơi trên đất sẽ phải chấm dứt. Điều này thật sự sẽ cho thấy rằng hoạn nạn lớn đã bắt đầu.
19. Kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, những phần tử nào đã gia nhập vào tổ chức này, và tại sao điều này lại là đáng chú ý?
19 Điều đáng chú ý là từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 1945, các phần tử vô thần, chống tôn giáo đã trở nên thịnh hành hơn trong số các hội viên của tổ chức. Vào nhiều lúc khác nhau trên khắp thế giới, những phần tử cực đoan này được dùng để hạn chế khắt khe hoặc ngăn cấm hoàn toàn những thực hành tôn giáo. Tuy nhiên trong vài năm qua, tại nhiều nơi chính phủ có phần nới lỏng việc kiềm chế các nhóm tôn giáo. Đối với một số người, nguy cơ cho tôn giáo có vẻ như không còn nữa.
20. Các tôn giáo của thế gian đã tự chuốc lấy tiếng xấu ra sao?
20 Các tôn giáo của Ba-by-lôn Lớn tiếp tục là một lực lượng phá rối có tác động mạnh trên thế giới. Những hàng tít trên báo chí thường nhận diện các phần tử hiếu chiến và nhóm khủng bố bằng cách nêu đích danh tôn giáo mà họ liên kết. Cảnh sát chống bạo động và quân đội đã phải dùng vũ lực xông vào đền thờ để ngăn chặn sự bạo động giữa các phe phái tôn giáo đối địch. Những hội đồng tôn giáo đã tài trợ cuộc cách mạng chính trị. Sự nghịch thù giữa những tôn giáo đã ngăn trở các cố gắng của Liên Hiệp Quốc để giữ thăng bằng trong mối bang giao giữa các sắc tộc. Để theo đuổi mục tiêu hòa bình và an ninh, các thành phần trong Liên Hiệp Quốc muốn loại đi bất cứ ảnh hưởng tôn giáo nào cản trở bước tiến của họ.
21. a) Ai sẽ quyết định lúc nào Ba-by-lon Lớn sẽ bị phá hủy? b) Điều gì phải làm cấp bách trước đó?
21 Có một yếu tố quan trọng khác nữa cần phải xem xét. Mặc dầu các sừng quân sự nằm trong Liên Hiệp Quốc sẽ được dùng để phá hủy Ba-by-lôn Lớn, nhưng đấy thật sự là sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sự phán xét sẽ được thi hành vào kỳ định của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 17:17). Trong khi chờ đợi chúng ta nên làm gì? Kinh-thánh trả lời: “Hãy ra khỏi Ba-by-lôn”—ra khỏi Ba-by-lôn Lớn (Khải-huyền 18:4).
22, 23. Việc chạy đến nơi an toàn bao hàm điều gì?
22 Việc chạy đến nơi an toàn không phải là việc dời chỗ ở, như các tín đồ đấng Christ người Do Thái đã làm khi rời bỏ thành Giê-ru-sa-lem. Đây là việc chạy ra khỏi các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, đúng vậy, ra khỏi mọi phần tử của Ba-by-lôn Lớn. Đây có nghĩa là một người phải hoàn toàn rời bỏ không những tổ chức tôn giáo giả mà còn các phong tục cùng tinh thần mà các tôn giáo giả phát sinh ra. Đó có nghĩa chạy đến nơi an toàn trong tổ chức thần quyền của Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 5:7-11).
23 Các Nhân-chứng đã phản ứng thế nào khi những tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va mới nhận diện sự gớm ghiếc của thời nay tức là Hội Quốc Liên sau Thế chiến thứ nhất? Lúc ấy họ đã cắt đứt mối liên hệ của họ với các giáo hội của đạo tự xưng theo đấng Christ. Nhưng họ dần dần nhận thấy rằng họ vẫn còn bám víu vào một số phong tục và thực hành của các đạo tự xưng theo đấng Christ, chẳng hạn như việc dùng thập tự giá và cử hành Lễ Giáng sinh và những ngày lễ khác thuộc tà giáo. Khi họ học được lẽ thật về các điều này, họ hành động ngay lập tức. Họ tuân theo lời khuyên nơi Ê-sai 52:11: “Các ngươi hãy đi, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô-uế, hãy ra khỏi giữa nó. Các ngươi là kẻ mang khí-dụng Đức Giê-hô-va, hãy làm cho sạch mình!”
24. Đặc biệt kể từ năm 1935, có những người nào cũng lên đường chạy đến nơi an toàn?
24 Đặc biệt kể từ năm 1935 trở về sau, một đám đông người khác càng ngày càng gia tăng, những người có triển vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất, bắt đầu hành động tương tự như vậy. Họ cũng ‘thấy sự gớm-ghiếc lập ra trong nơi thánh’, và họ nhận ra được điều này có nghĩa gì. Sau khi quyết định ra khỏi, họ đã rút tên khỏi danh sách hội viên của các tổ chức thuộc Ba-by-lôn Lớn (II Cô-rinh-tô 6:14-17).
25. Ngoài việc cắt đứt mọi liên hệ với tôn giáo giả, một người còn phải làm gì thêm nữa?
25 Tuy nhiên, ra khỏi Ba-by-lôn Lớn không chỉ là rời bỏ tôn giáo giả. Chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ đi dự vài buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời hoặc đi rao giảng tin mừng mỗi tháng một hoặc hai lần. Một người có thể ở ngoài Ba-by-lôn Lớn, nhưng người đó có thật sự lìa bỏ nó không? Người đó có tách rời khỏi cái thế gian mà Ba-by-lôn Lớn đóng một vai trò quan trọng không? Người đó có còn bám víu vào những gì phản ảnh tinh thần của Ba-by-lôn Lớn không—một tinh thần phỉ báng tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời? Người đó có coi thường luân lý về tình dục và sự chung thủy trong hôn nhân không? Người đó có chú trọng đến vật chất và bản thân nhiều hơn những điều thiêng liêng không? Người đó không nên làm theo hệ thống mọi sự này (Ma-thi-ơ 6:24; I Phi-e-rơ 4:3, 4).
Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản bạn chạy thoát!
26. Điều gì sẽ giúp chúng ta không những bắt đầu chạy mà còn chạy đến nơi đến chốn nữa?
26 Trong lúc chạy đến nơi an toàn, điều khẩn thiết là chúng ta không được nhìn một cách luyến tiếc những gì bỏ lại đằng sau (Lu-ca 9:62). Chúng ta cần phải tập trung tâm trí vào Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của ngài. Chúng ta có quyết chí biểu lộ đức tin bằng cách tìm kiếm những điều này trước nhất, vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước đường lối trung thành như thế không? (Ma-thi-ơ 6:31-33). Niềm tin dựa trên Kinh-thánh phải thúc đẩy chúng ta hướng về mục tiêu ấy trong khi chúng ta thiết tha chờ đợi những diễn biến đáng kể xảy ra trên bình diện quốc tế.
27. Tại sao suy nghĩ về những câu hỏi được đặt ra ở đây là quan trọng?
27 Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu bằng sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn. Đế quốc tôn giáo giả tựa như dâm phụ sẽ bị kết liễu vĩnh viễn. Thời kỳ đó rất gần kề! Vị thế của cá nhân chúng ta sẽ ra sao khi thời điểm quan trọng này xảy đến? Và vào lúc cao điểm của hoạn nạn lớn, khi phần còn lại của hệ thống hung ác của Sa-tan bị tiêu diệt, thì chúng ta sẽ đứng ở bên nào? Nếu chúng ta làm những điều cần thiết ngay bây giờ, sự an toàn của chúng ta sẽ được bảo đảm. Đức Giê-hô-va nói với chúng ta: “Nhưng ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh” (Châm-ngôn 1:33). Bằng cách tiếp tục trung thành và vui vẻ phụng sự Đức Giê-hô-va trong kỳ kết liễu hệ thống này, chúng ta có thể hội đủ điều kiện để phụng sự Đức Giê-hô-va đời đời.
[Chú thích]
a Xem Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh-thánh), do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản, Quyển 1, trang 634, 635.
Bạn có nhớ không?
◻ “Sự gớm-ghiếc” trong thời nay là gì?
◻ “Sự gớm-ghiếc... ở trong nơi thánh” theo nghĩa nào?
◻ Ngày nay, việc chạy đến nơi an toàn bao hàm điều gì?
◻ Tại sao phải hành động cấp bách?
[Hình nơi trang 16]
Để sống sót, các môn đồ của Giê-su phải chạy ra khỏi mà không chần chừ