“Điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa”
“Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” (MA-THI-Ơ 24:3, NW).
1, 2. Điều gì cho thấy người ta quan tâm đến tương lai?
PHẦN ĐÔNG người ta đều quan tâm đến tương lai. Còn bạn thì sao? Trong cuốn Future Shock, giáo sư Alvin Toffler ghi nhận rằng “bỗng nhiên những tổ chức nghiên cứu về tương lai mọc lên như nấm”. Ông nói tiếp: ‘Chúng ta thấy sự thành lập của những tổ chức chuyên nghiên cứu về tương lai; sự xuất hiện của nhiều tờ báo nói về tương lai tại Anh, Pháp, Ý, Đức và Hoa Kỳ; sự bành trướng của những khoa dự đoán tương lai tại các đại học’. Ông Toffler kết luận: “Hiển nhiên không ai có thể ‘biết’ tương lai một cách tuyệt đối”.
2 Cuốn Signs of Things to Come nói: “Khoa xem chỉ tay, bói bằng quả thủy tinh, thuật chiêm tinh, bói bài, I Ching đều là những kỹ thuật phức tạp không nhiều thì ít cũng cho chúng ta một khái niệm về điều gì đặc biệt sẽ xảy ra cho chúng ta trong tương lai”. Nhưng thay vì nương tựa vào những phương pháp của loài người, tốt hơn chúng ta nên hướng về một nguồn vững chắc, ấy là Đức Giê-hô-va.
3. Tại sao hướng về Đức Chúa Trời để biết về tương lai là điều thích hợp?
3 Đức Chúa Trời thật đã phán: “Sự ta đã định sẽ xảy đến, đều ta đã toan sẽ đứng vững” (Ê-sai 14:24, 27; 42:9). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có thể chỉ bảo cho nhân loại biết điều gì sẽ xảy ra, Ngài thường dùng những phát ngôn viên từ trong vòng loài người để làm điều này. Một trong những nhà tiên tri ấy đã viết: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri” (A-mốt 3:7, 8; II Phi-e-rơ 1:20, 21).
4, 5. a) Tại sao Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta biết về tương lai? b) Câu hỏi của các sứ đồ gồm những phần nào?
4 Chúa Giê-su Christ là nhà tiên tri nổi bật nhất của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Chúng ta hãy chú tâm đến một trong những lời tiên tri chính yếu của ngài nói về những gì hiện đang xảy ra chung quanh chúng ta. Lời tiên tri này cũng giúp chúng ta hiểu thấu được điều gì sắp sửa xảy đến khi hệ thống gian ác hiện tại này kết liễu và được Đức Chúa Trời thay thế bằng một địa đàng trên đất.
5 Chúa Giê-su đã chứng tỏ rằng ngài là một đấng tiên tri (Mác 6:4; Lu-ca 13:33; 24:19; Giăng 4:19; 6:14; 9:17). Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao khi ngồi với ngài trên núi Ô-li-ve nhìn xuống thành Giê-ru-sa-lem, các sứ đồ đã hỏi Chúa Giê-su về tương lai: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” (Ma-thi-ơ 24:3, NW; Mác 13:4).
6. Ma-thi-ơ 24, Mác 13 và Lu-ca 21 liên hệ với nhau như thế nào; và chúng ta nên đặc biệt chú tâm đến câu hỏi nào?
6 Bạn có thể đọc câu hỏi của họ và câu trả lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ đoạn 24, Mác đoạn 13 và Lu-ca đoạn 21.a Về nhiều phương diện, những lời tường thuật đều bổ túc cho nhau nhưng không giống hệt nhau. Thí dụ, chỉ có Lu-ca mới nói về ‘dịch-lệ trong nhiều nơi’ (Lu-ca 21:10, 11; Ma-thi-ơ 24:7; Mác 13:8). Điều hợp lý là chúng ta nên hỏi: Phải chăng Chúa Giê-su chỉ tiên tri những biến cố xảy ra trong thời của những người nghe ngài, hay ngài còn bao gồm thời chúng ta và ngay cả viễn cảnh tương lai nữa?
Các sứ đồ muốn biết
7. Các sứ đồ đặc biệt hỏi về điều gì, nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su có phạm vi rộng lớn nào?
7 Chỉ vài ngày trước khi bị hành quyết, Chúa Giê-su tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ Giê-ru-sa-lem, thủ đô của người Do Thái. Thành này cùng đền thờ vĩ đại tại đó sẽ bị hủy phá. Kế tiếp, một vài sứ đồ xin ngài cho một ‘điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự’ (Ma-thi-ơ 23:37–24:3, NW). Chắc hẳn họ nghĩ ngay đến hệ thống của người Do Thái và thành Giê-ru-sa-lem, vì họ đã không hiểu nổi những gì xa xôi rộng lớn hơn. Tuy nhiên, khi trả lời các sứ đồ, Chúa Giê-su nhìn xa hơn những điều sẽ diễn tiến cho đến năm 70 CN khi quân La Mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:11; Công-vụ các Sứ-đồ 1:6, 7).
8. Chúa Giê-su đã tiên tri một số biến cố nào?
8 Như bạn có thể đọc trong ba lời tường thuật nơi các sách Phúc Âm, Chúa Giê-su nói về dân này dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia, đói kém, động đất, những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời. Từ lúc Chúa Giê-su nói tiên tri về điềm này (33 CN) cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá tan hoang (66-70 CN), nhiều tiên tri giả và Christ giả sẽ nổi lên. Người Do Thái sẽ bắt bớ tín đồ đấng Christ, là những người rao giảng thông điệp của Chúa Giê-su.
9. Lời tiên tri của Chúa Giê-su được ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất CN như thế nào?
9 Những đặc điểm của điềm này đã thật sự xảy ra, như sử gia Flavius Josephus đã xác nhận. Ông viết rằng trước khi quân La Mã tấn công, có những Mê-si giả xúi giục dân chúng nổi loạn. Có nhiều trận động đất lớn ở Giu-đê và những nơi khác. Nhiều cuộc chiến bùng nổ trong Đế quốc La Mã. Những nạn đói kém lớn có xảy ra không? Thật sự là có. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 11:27-30). Còn về việc rao giảng về Nước Trời thì sao? Vào khoảng năm 60 hay 61 CN, khi sách Cô-lô-se được viết ra, thì “hi vọng của Tin Mừng” về Nước Đức Chúa Trời đã được rao giảng một cách rộng rãi ở Phi Châu, Á Châu và Âu Châub (Cô-lô-se 1:23, Nguyễn thế Thuấn).
“BẤY GIỜ” sự cuối cùng
10. Tại sao chúng ta nên chú ý đến từ ngữ Hy Lạp toʹte, và sự quan trọng của nó là gì?
10 Trên một vài phương diện nào đó, Chúa Giê-su trình bày những biến cố xảy ra theo thứ tự. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra... bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Những cuốn Kinh-thánh bằng tiếng Anh thường dùng từ ngữ “then” (bấy giờ) với ý nghĩa “do đó” hoặc “nhưng” (Mác 4:15, 17; 13:23). Tuy nhiên, nơi Ma-thi-ơ 24:14, chữ “bấy giờ” được căn cứ vào trạng từ Hy Lạp toʹte.c Các chuyên gia Hy Lạp giải thích rằng toʹte là một “trạng từ chỉ định thời điểm” dùng “để giới thiệu sự việc sẽ xảy ra theo dòng thời gian” hay “để giới thiệu một biến cố tiếp diễn”. Như vậy, Chúa Giê-su tiên tri là sẽ có công cuộc rao giảng về Nước Trời và rồi bấy giờ (‘sau đó’ hay ‘tiếp theo đó’) “sự cuối-cùng” sẽ đến. Sự cuối cùng của điều gì?
11. Chúa Giê-su chú tâm đến những biến cố liên kết trực tiếp với sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem như thế nào?
11 Sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Chúa Giê-su liên quan đến những biến cố dẫn đến sự cuối cùng của hệ thống Do Thái. Chiến tranh, động đất, đói kém v.v... mà Chúa Giê-su tiên tri đã xảy ra trong giai đoạn 30 năm. Nhưng bắt đầu từ câu Ma-thi-ơ 24:15, Mác 13:14 và Lu-ca 21:20, chúng ta đọc về các biến cố liên quan trực tiếp đến sự hủy diệt thật gần kề, khi sự cuối cùng ở ngay ngưỡng cửa. (Xin lưu ý đến dòng có hàng gạch nối trên biểu đồ).
12. Quân La Mã đã liên quan đến sự ứng nghiệm của câu Ma-thi-ơ 24:15 như thế nào?
12 Nhằm đối phó với cuộc nổi loạn của người Do Thái vào năm 66 CN, quân La Mã dưới quyền lãnh đạo của Cestius Gallus, đến vây thành Giê-ru-sa-lem mà người Do Thái coi là thánh (Ma-thi-ơ 5:35). Bất kể sự kháng cự của người Do Thái, quân La Mã đã tiến vào thành. Họ bắt đầu đứng “trong nơi thánh”, đúng như lời tiên tri của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:15 và Mác 13:14. Rồi một điều bất ngờ xảy ra. Quân La Mã đột nhiên rút lui dù đã bao vây thành. Tín đồ đấng Christ lập tức nhận biết sự ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su, và nhờ sự rút lui này họ đã có thể trốn ra khỏi xứ Giu-đê để lên miền núi bên kia sông Giô-đanh. Lịch sử ghi chép rằng họ đã làm như vậy.
13. Tại sao tín đồ đấng Christ có thể nghe lời cảnh cáo của Chúa Giê-su và chạy trốn?
13 Nhưng nếu quân La Mã rút khỏi vòng đai Giê-ru-sa-lem, thì tại sao người ta lại phải bỏ trốn? Lời Chúa Giê-su cho thấy là những gì xảy ra chứng tỏ rằng ‘sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem gần đến’ (Lu-ca 21:20). Đúng vậy, thành bị tàn phá. Ngài tiên tri về một cơn ‘hoạn-nạn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy mà sau này cũng không hề có nữa’. Khoảng ba năm rưỡi sau, năm 70 CN, thành Giê-ru-sa-lem thật sự đã trải qua một cơn “hoạn-nạn lớn” do quân La Mã dưới quyền Tướng Titus gây ra (Ma-thi-ơ 24:21; Mác 13:19). Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại nói đó là một cơn hoạn nạn vô tiền khoáng hậu?
14. Tại sao chúng ta có thể nói rằng vào năm 70 CN thành Giê-ru-sa-lem đã trải qua một cơn “hoạn-nạn lớn” như chưa từng có và đến nay cũng không bao giờ xảy ra nữa?
14 Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn tàn phá vào năm 607 TCN, và thành đó cũng đã trải qua những cuộc chiến khủng khiếp ngay trong thế kỷ chúng ta. Tuy thế, biến cố năm 70 CN quả thật là một hoạn nạn lớn vô song. Trong chiến dịch kéo dài khoảng năm tháng, quân của Titus đã đánh bại dân Do Thái. Họ đã tàn sát khoảng 1.100.000 người và bắt đưa đi làm phu tù gần 100.000 người. Hơn nữa, quân La Mã đã san bằng thành Giê-ru-sa-lem. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống thờ phượng của người Do Thái trước kia được chấp nhận tập trung nơi đền thờ, nay đã kết liễu vĩnh viễn (Hê-bơ-rơ 1:2). Đúng vậy, những biến cố năm 70 CN có thể được xem như cơn ‘hoạn-nạn, đến nỗi từ khi mới có trời đất đã chưa từng có như vậy [đối với thành, quốc gia và hệ thống đó], mà sau này cũng không hề có nữa’ (Ma-thi-ơ 24:21).d
Như đã tiên tri, còn những điều khác nữa sẽ xảy ra
15. a) Chúa Giê-su tiên tri những diễn biến nào xảy ra sau cơn hoạn nạn của thành Giê-ru-sa-lem? b) Theo Ma-thi-ơ 24:23-28, chúng ta phải kết luận thế nào về lời tiên tri được ứng nghiệm của Chúa Giê-su?
15 Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chỉ giới hạn lời tiên đoán của ngài về cơn hoạn nạn trong thế kỷ thứ nhất. Kinh-thánh còn cho biết rằng nhiều điều nữa sẽ xảy ra sau cơn hoạn nạn ấy, như được ám chỉ bởi từ toʹte, hay “khi ấy”, dùng nơi Ma-thi-ơ 24:23 và Mác 13:21. Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian sau năm 70 CN? Sau hoạn nạn xảy đến cho hệ thống Do Thái, vẫn có những Christ giả và tiên tri giả xuất hiện. (So sánh Mác 13:6 với 13:21-23). Lịch sử xác nhận rằng có nhiều kẻ như thế đã nổi lên trong nhiều thế kỷ kể từ khi sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN. Tuy vậy, chúng không lừa gạt được những người có nhãn quan thiêng liêng sắc bén đang chờ đợi sự “hiện diện” của đấng Christ (Ma-thi-ơ 24:27, 28, NW). Dầu vậy, những diễn biến sau cơn hoạn nạn lớn vào năm 70 CN chứng tỏ rằng Chúa Giê-su còn nhìn xa hơn cơn hoạn nạn thời ấy, vì đó chỉ là sự ứng nghiệm đầu tiên mà thôi.
16. Lu-ca 21:24 cho biết thêm một khía cạnh nào về lời tiên tri của Chúa Giê-su, và điều này có tầm quan trọng nào?
16 Nếu so sánh Ma-thi-ơ 24:15-28 và Mác 13:14-23 với Lu-ca 21:20-24, chúng ta sẽ thấy một dấu hiệu thứ nhì cho biết rằng lời tiên tri của Chúa Giê-su bao quát xa hơn sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem. Hãy nhớ là chỉ một mình Lu-ca nói đến dịch lệ. Cũng chỉ ông kết luận phần này với những lời của Chúa Giê-su: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày-đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn”e (Lu-ca 21:24). Ba-by-lôn đã truất ngôi vua cuối cùng của Do Thái vào năm 607 TCN, và lại giày đạp thành Giê-ru-sa-lem, biểu hiệu của Nước Đức Chúa Trời (II Các Vua 25:1-26; I Sử-ký 29:23; Ê-xê-chi-ên 21:30-32). Nơi Lu-ca 21:24, Chúa Giê-su cho biết rằng tình trạng này sẽ kéo dài trong tương lai cho đến khi Đức Chúa Trời thiết lập lại Nước Trời.
17. Chúng ta có một dấu hiệu thứ ba nào cho thấy lời tiên tri của Chúa Giê-su chỉ về tương lai xa xôi?
17 Dấu hiệu thứ ba cho thấy Chúa Giê-su chỉ đến một sự ứng nghiệm xa trong tương lai là: Theo Kinh-thánh, đấng Mê-si phải chịu chết và được sống lại. Sau đó, ngài sẽ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cho đến khi Cha ngài sai đi chinh phục kẻ thù (Thi-thiên 110:1, 2). Chúa Giê-su ám chỉ đến việc ngài phải ngồi bên hữu Cha ngài (Mác 14:62). Sứ đồ Phao-lô xác định rằng Chúa Giê-su, sau khi sống lại, ngồi bên hữu Đức Giê-hô-va và chờ đợi lúc ngài được phong làm Vua để trở thành đấng Hành quyết của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:34; Cô-lô-se 3:1; Hê-bơ-rơ 10:12, 13).
18, 19. Khải-huyền 6:2-8 liên quan đến lời tiên tri song song trong các sách Phúc Âm như thế nào?
18 Để nhận biết dấu hiệu thứ tư và cuối cùng cho thấy lời tiên tri của Chúa Giê-su nói về sự kết liễu hệ thống mọi sự được áp dụng xa rộng hơn thế kỷ thứ nhất, chúng ta có thể mở sách Khải-huyền đoạn 6. Được viết hàng chục năm sau năm 70 CN, sứ đồ Giăng miêu tả một cảnh tượng đáng chú ý về hoạt động của các kỵ mã (Khải-huyền 6:2-8). Ảnh tượng tiên tri này về “ngày của Chúa”—ngày hiện diện của ngài—chỉ đến thế kỷ 20 của chúng ta như một thời kỳ đánh dấu bởi chiến tranh (câu 4), nạn đói kém rộng lớn (câu 5 và 6) và “dịch-lệ” chết người (câu 8). Thật rõ ràng, điều này đi đôi với lời Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm và chứng tỏ rằng lời tiên tri của ngài được ứng nghiệm rộng lớn hơn trong “ngày của Chúa” hiện nay (Khải-huyền 1:10).
19 Những người hiểu biết công nhận rằng điềm tổng hợp được tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:7-14 và Khải-huyền 6:2-8 đã được phát hiện kể từ khi chiến tranh thế giới bùng nổ vào năm 1914. Nhân-chứng Giê-hô-va đã thông báo khắp thế giới rằng lời tiên tri của Chúa Giê-su hiện đang được ứng nghiệm lần thứ nhì một cách rộng lớn, thể hiện qua những trận chiến khủng khiếp, động đất to tát, nạn đói kém thê thảm và dịch lệ lan tràn. Về điểm chót này, tờ U.S.News & World Report (27-7-1992) tường thuật: “Bệnh AIDS (Sida)... đã giết hàng triệu người và có thể một ngày gần đây nó sẽ trở thành nạn dịch tai hại và tốn kém nhất trong lịch sử. Bệnh dịch hạch (Black Death) giết hại khoảng 25 triệu người trong thế kỷ 14. Nhưng đến năm 2000, con số khoảng 12 triệu người mắc phải vi khuẩn HIV, vi khuẩn gây ra bệnh AIDS, sẽ gia tăng từ 30 triệu đến 110 triệu người. Vì không có thuốc chữa trị, ai mắc bệnh này chắc chắn sẽ chết”.
20. Sự ứng nghiệm đầu tiên của Ma-thi-ơ 24:4-22 bao gồm điều gì, nhưng rõ ràng còn có sự ứng nghiệm nào khác?
20 Vậy chúng ta nên kết luận gì về cách Chúa Giê-su trả lời các sứ đồ? Ngài đã tiên tri một cách chính xác những biến cố bao quanh và dẫn đến sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, và lời ngài cũng nói đến những việc xảy ra sau biến cố năm 70 CN. Nhưng phần lớn lời tiên tri của ngài sẽ ứng nghiệm một cách rộng lớn lần thứ nhì trong tương lai, dẫn đến một hoạn nạn lớn sẽ kết liễu hệ thống mọi sự gian ác hiện nay. Điều này có nghĩa là lời tiên đoán của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:4-22 và lời tường thuật song song nơi Mác và Lu-ca, đã được ứng nghiệm từ năm 33 CN cho đến hoạn nạn năm 70 CN. Tuy nhiên, những lời ấy cũng sẽ có một sự ứng nghiệm lần thứ nhì, bao gồm một hoạn nạn còn lớn hơn trong tương lai nữa. Lời này đang được ứng nghiệm một cách rộng lớn trong thời chúng ta; chúng ta có thể chứng kiến điều này mỗi ngày.f
Dẫn đến điều gì?
21, 22. Chúng ta có thể tìm nơi đâu lời tiên tri chỉ đến những diễn biến khác nữa?
21 Chúa Giê-su không kết thúc lời tiên tri của ngài bằng cách nói về những tiên tri giả làm dấu lạ lừa gạt người ta trong khoảng thời gian lâu dài trước khi “các kỳ dân ngoại được trọn” (Lu-ca 21:24; Ma-thi-ơ 24:23-26; Mác 13:21-23). Ngài tiếp tục nói về những điều kinh ngạc khác sẽ xảy ra trên toàn cầu. Những điều này được liên kết với sự trở lại của Con Người trong quyền thế và vinh hiển. Mác 13:24-27 là một ví dụ của lời tiên tri diễn tiếp này:
22 “Trong những ngày ấy, sau kỳ tai-nạn, mặt trời sẽ tối-tăm, mặt trăng chẳng chiếu sáng nữa, các ngôi sao sẽ tự trên trời rớt xuống, và thế-lực các từng trời sẽ rúng-động. Bấy giờ người ta sẽ thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự đến trên đám mây; Ngài sẽ sai các thiên-sứ đặng nhóm những kẻ được chọn ở bốn phương, từ đầu cùng đất cho đến đầu cùng trời”.
23. Tại sao chúng ta có thể trông mong sự ứng nghiệm của Ma-thi-ơ 24:29-31 là điều sẽ xảy ra sau thế kỷ thứ nhất CN rất lâu?
23 Con Người, tức Chúa Giê-su Christ được sống lại, đã không đến một cách kỳ diệu như vậy sau sự hủy diệt hệ thống Do Thái vào năm 70 CN. Chắc chắn tất cả các dân tộc trên đất không nhận ra ngài như Ma-thi-ơ 24:30 có nói, và lúc đó các thiên sứ cũng chẳng nhóm hiệp tất cả các tín đồ đấng Christ được xức dầu trên khắp đất. Vậy thì phần bổ túc của lời tiên tri phi thường của Chúa Giê-su sẽ được ứng nghiệm khi nào? Phải chăng lời tiên tri này hiện đang được ứng nghiệm qua những điều xảy ra chung quanh chúng ta, hay đúng hơn, nó cho chúng ta sự hiểu biết theo quan điểm của Đức Chúa Trời về những gì sẽ xảy ra trong tương lai gần đây? Chắc chắn chúng ta muốn biết, vì Lu-ca ghi lại lời căn dặn của Chúa Giê-su: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới” (Lu-ca 21:28).
[Chú thích]
a Những phần của các đoạn này được in trên biểu đồ nơi trang 94 và 95; những hàng gạch nối phân chia những phần tường thuật song song.
b Để biết thêm sự kiện lịch sử về những biến cố này, hãy xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-1-70, trang 43-45.
c Toʹte xuất hiện hơn 80 lần trong sách Ma-thi-ơ (9 lần trong đoạn 24) và 15 lần trong sách Lu-ca. Mác chỉ dùng từ toʹte sáu lần, nhưng trong số đó bốn lần nói đến “điềm”.
d Tác giả người Anh là Matthew Henry nói: “Sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem bởi quân Canh-đê thật là khủng khiếp, nhưng sự hủy diệt lần này còn hơn thế nữa. Vì tất cả... dân Do Thái bấy giờ có thể bị tàn sát khắp nơi”.
e Nhiều người nhận thấy một sự đổi hướng trong lời tường thuật của Lu-ca sau câu Lu-ca 21:24. Tiến sĩ Leon Morris ghi nhận: “Kế tiếp, Chúa Giê-su nói về các kỳ dân ngoại... Theo phần đông các học giả, giờ đây sự chú ý được hướng về sự đến của Con Người”. Giáo sư R. Ginns viết: “Sự đến của Con Người” (Ma-thi-ơ 24:29-31; Mác 13:24-27). Câu “các kỳ dân ngoại” giới thiệu chủ đề này; quan điểm [của Lu-ca] giờ đây không chỉ hướng về sự tàn phá của thành Giê-ru-sa-lem, nhưng về tương lai”.
f Giáo sư Walter L. Liefeld viết: “Chúng ta chắc chắn có thể nghĩ rằng các lời tiên đoán của Chúa Giê-su bao gồm hai giai đoạn: 1) những biến cố năm 70 CN liên quan đến đền thờ và 2) những điều sẽ xảy ra trong tương lai xa, được mô tả bằng những từ ngữ về tận thế”. Bài bình luận do J. R. Dummelow biên soạn nói: “Nhiều sự khó khăn nghiêm trọng nhất liên quan đến sự thuyết trình đặc sắc này biến mất đi khi chúng ta hiểu rằng Chúa không chỉ nói về một biến cố, nhưng hai biến cố, và biến cố thứ nhất là điển hình của biến cố thứ nhì... Đặc biệt [Lu-ca] 21:24, khi nói về ‘các kỳ dân ngoại’,... đặt một khoảng thời gian vô hạn giữa sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và sự cuối cùng của thế gian”.
Bạn có nhớ không?
◻ Câu trả lời của Chúa Giê-su cho câu hỏi nơi Ma-thi-ơ 24:3 có sự ứng nghiệm nào dẫn đến biến cố năm 70 CN?
◻ Cách dùng từ toʹte giúp chúng ta hiểu lời tiên tri của Chúa Giê-su như thế nào?
◻ Cơn “hoạn-nạn lớn” trong thế kỷ thứ nhất như chưa từng xảy ra được hiểu theo nghĩa nào?
◻ Lu-ca nói đến hai phương diện đặc biệt nào của lời tiên tri của Chúa Giê-su liên quan đến chúng ta ngày nay?
◻ Có những dấu hiệu nào chỉ về sự ứng nghiệm lớn lần thứ nhì của lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:4-22?
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 94, 95]
4 “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ-dành các ngươi. 5 Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ-dành nhiều người. 6 Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: Hãy giữ mình, đừng bối-rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối-cùng đâu.
7 Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói-kém và động đất. 8 Song mọi đều đó chỉ là đầu sự tai-hại.
9 Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn-nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta. 10 Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám-dỗ, phản-nghịch nhau, và ghen-ghét nhau. 11 Nhiều tiên-tri giả sẽ nổi lên và dỗ-dành lắm kẻ. 12 Lại vì cớ tội-ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. 13 Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu. 14 Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến.
-----------------------------------------------------------------
15 “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên-tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), 16 thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; 17 ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của-cải trong nhà; 18 và ai ở ngoài ruộng, đừng trở về lấy áo mình. 19 Đang lúc đó, khốn-khó thay cho đàn-bà có mang, và đàn-bà cho con bú! 20 Hãy cầu-nguyện cho các ngươi khỏi trốn-tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát; 21 vì lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. 22 Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.
-----------------------------------------------------------------
23 “Khi ấy, nếu có ai nói với các ngươi rằng: Kìa, Đấng Christ ở đây, hay là: Ở đó, thì đừng tin. 24 Vì nhiều christ giả và tiên-tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ-dành chính những người được chọn. 25 Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi. 26 Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Nầy, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; nầy, Ngài ở trong nhà, thì đừng tin. 27 Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con người đến sẽ cũng thể ấy. 28 “Nơi nào có xác chết, thì những chim ó sẽ nhóm tại đó.
-----------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------------------------
29 “Sự tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng-động. 30 Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự trên mây trời mà xuống. 31 Ngài sẽ sai thiên-sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa-chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia”.
5 “Đức Chúa Jêsus khởi phán rằng: Hãy giữ mình kẻo có ai lừa-dối các ngươi chăng. 6 Có nhiều kẻ sẽ lấy danh ta mà đến, xưng rằng: Chính ta là Đấng Christ! Họ sẽ dỗ-dành nhiều người. 7 Khi các ngươi nghe nói về giặc và nghe tiếng đồn về giặc, thì đừng bối-rối: Những sự ấy phải xảy đến; nhưng chưa là cuối-cùng.
8 Vì dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; cũng sẽ có động đất nhiều nơi, và đói-kém. Đó chỉ là đầu sự khốn-khổ mà thôi.
9 Còn các ngươi, phải giữ mình; họ sẽ nộp các ngươi trước tòa-án; các ngươi sẽ bị đánh trong các nhà hội, và vì cớ ta, sẽ đứng trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ. 10 Nhưng trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã. 11 Vả, khi họ điệu các ngươi đi nộp, chớ có ngại trước về đều mình sẽ nói, nhưng đến giờ đó, hãy nói theo lời sẽ ban cho; vì ấy không phải các ngươi nói, bèn là Đức Thánh-Linh vậy. 12 Bấy giờ, anh sẽ nộp em cho phải chết, cha sẽ nộp con; con-cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mình mà làm cho phải chết. 13 Các ngươi sẽ bị mọi người ghen-ghét vì danh ta; song ai cứ bền lòng đến cuối-cùng, người ấy sẽ được cứu.
-----------------------------------------------------------------
14 “Khi các ngươi sẽ xem thấy sự tàn-nát gớm-ghiếc lập ra nơi không nên lập (ai đọc phải để ý), bấy giờ những kẻ ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; 15 ai ở trên mái nhà chớ xuống, và chớ vào trong nhà mà chuyên bất-luận vật gì; 16 ai ở ngoài đồng chớ trở về lấy áo-xống mình. 17 Trong những ngày đó, khốn cho đàn-bà có thai cùng đàn-bà cho con bú! 18 Hãy cầu-nguyện cho đều đó chớ xảy ra lúc mùa đông. 19 Vì trong những ngày ấy có tai-nạn, đến nỗi từ ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến bây giờ chưa hề có như vậy, và về sau cũng sẽ chẳng hề có nữa. 20 Nếu Chúa chẳng giảm-bớt các ngày ấy, thì không có sinh-vật nào được cứu; song vì cớ những kẻ Ngài đã chọn, nên Ngài đã giảm-bớt các ngày ấy.
-----------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------------------------
21 “Khi ấy, dầu có ai bảo các ngươi rằng: Kìa, Đấng Christ ở đây, hay là: Ngài ở đó, thì chớ tin. 22 Những christ giả, tiên-tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu lạ phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng dỗ-dành chính những người được chọn. 23 Hãy giữ lấy, ta đã nói trước cho các ngươi cả.
-----------------------------------------------------------------
24 “Trong những ngày ấy, sau kỳ tai-nạn, mặt trời sẽ tối-tăm, mặt trăng chẳng chiếu sáng nữa, 25 các ngôi sao sẽ tự trên trời rớt xuống, và thế-lực các từng trời sẽ rúng-động. 26 Bấy giờ người ta sẽ nhận thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự đến trên đám mây; 27 Ngài sẽ sai các thiên-sứ đặng nhóm những kẻ được chọn ở bốn phương, từ đầu-cùng đất cho đến đầu cùng trời”.
8 “Ngài đáp rằng: Các ngươi hãy giữ, kẻo bị cám-dỗ; vì có nhiều người sẽ mạo danh ta mà đến, và nói rằng: Ấy chính ta là Đấng Christ, thì-giờ đã đến gần. Các ngươi đừng theo họ. 9 Lại khi các ngươi nghe nói về giặc-giã loạn-lạc, thì đừng kinh-khiếp, vì các đều đó phải đến trước; nhưng chưa phải cuối-cùng liền đâu.
10 “[Rồi] Ngài cũng phán cùng họ rằng: Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; 11 sẽ có sự động đất lớn, có đói-kém và dịch-lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh-khiếp và dấu lớn ở trên trời.
12 Song trước những đều đó, thiên-hạ sẽ vì cớ danh ta mà tra tay bắt-bớ các ngươi, nộp tại các nhà hội, bỏ vào ngục, kéo đến trước mặt các vua và các quan tổng-đốc. 13 Điều ấy xảy ra cho các ngươi để làm chứng-cớ. 14 Vậy các ngươi hãy nhớ kỹ trong trí, đừng lo trước về sự binh-vực mình thể nào. 15 Vì ta sẽ ban cho các ngươi lời-lẽ và sự khôn-ngoan, mà kẻ nghịch không chống-cự và bẻ-bác được. 16 Các ngươi cũng sẽ bị cha, mẹ, anh, em, bà-con, bạn-hữu mình nộp mình; và họ sẽ làm cho nhiều người trong các ngươi phải chết. 17 Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen-ghét. 18 Nhưng một sợi tóc trên đầu các ngươi cũng không mất đâu. 19 Nhờ sự nhịn-nhục của các ngươi mà giữ được linh-hồn mình.
-----------------------------------------------------------------
20 “Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. 21 Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. 22 Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng-nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn cho đàn-bà có thai, và đàn-bà cho con bú! Vì sẽ có tai-nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh-nộ nghịch cùng dân nầy. 24 Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu-tù giữa các dân ngoại,
-----------------------------------------------------------------
thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày-đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.
-----------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------------------------
25 “Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao; còn dưới đất, dân các nước sầu-não rối-loạn vì biển nổi tiếng om-sòm và sóng-đào. 26 Người ta nhân trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía, vì các thế-lực trên trời sẽ rúng-động. 27 Bấy giờ thiên-hạ sẽ thấy Con người dùng đại-quyền đại-vinh mà ngự đến trên đám mây. 28 “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới”.