“Ai đọc phải để ý”
“Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát [gây ra sự tàn phá, “NW”] lập ra [đứng, “NW”] trong nơi thánh,... thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi”.—MA-THI-Ơ 24:15, 16.
1. Điều Chúa Giê-su báo trước nơi Lu-ca 19:43, 44 có kết quả nào?
KHI được báo động về tai họa gần đến, chúng ta có thể tránh được. (Châm-ngôn 22:3) Vậy hãy tưởng tượng tình thế của tín đồ Đấng Christ tại Giê-ru-sa-lem sau khi La Mã tấn công năm 66 CN. Chúa Giê-su báo trước rằng thành ấy sẽ bị bao vây và hủy diệt. (Lu-ca 19:43, 44) Hầu hết những người Do Thái không nghe ngài. Nhưng môn đồ ngài đã nghe theo lời căn dặn của ngài. Kết quả là họ được cứu khỏi tai họa vào năm 70 CN.
2, 3. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tiên tri của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:15-21?
2 Trong một lời tiên tri có liên quan đến chúng ta ngày nay, Chúa Giê-su đã nói về một điềm tổng hợp bao gồm chiến tranh, đói kém, động đất, dịch lệ và sự ngược đãi tín đồ Đấng Christ vì họ rao giảng về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:4-14; Lu-ca 21:10-19) Chúa Giê-su cũng cho một manh mối để giúp môn đồ ngài biết rằng sự cuối cùng gần đến—‘sự gớm ghiếc gây ra sự tàn phá đứng trong nơi thánh’. (Ma-thi-ơ 24:15, chúng tôi viết nghiêng). Chúng ta hãy xem lại những lời đầy ý nghĩa đó để biết chúng ảnh hưởng đời sống chúng ta hiện nay và trong tương lai như thế nào.
3 Sau khi kể ra những điểm chính của điềm, Chúa Giê-su nói: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát [gây ra sự tàn phá, NW] lập ra [đứng, NW] trong nơi thánh, mà đấng tiên-tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của-cải trong nhà; và ai ở ngoài ruộng, đừng trở về lấy áo mình. Đang lúc đó, khốn-khó thay cho đàn-bà có mang, và đàn-bà cho con bú! Hãy cầu-nguyện cho các ngươi khỏi trốn-tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát; vì lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy”.—Ma-thi-ơ 24:15-21.
4. Điều gì ám chỉ Ma-thi-ơ 24:15 được ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất?
4 Sự tường thuật của Mác và Lu-ca cung cấp thêm chi tiết. Chỗ mà Ma-thi-ơ viết “lập ra [đứng, NW] trong nơi thánh”, Mác 13:14, (NW) nói “đứng nơi không nên đứng”. Lu-ca 21:20 thêm lời Chúa Giê-su: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến”. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng sự ứng nghiệm lần đầu liên quan đến sự tấn công của La Mã trên Giê-ru-sa-lem và đền thờ—nơi mà người Do Thái xem là thánh, nhưng theo Đức Giê-hô-va thì không còn là nơi thánh nữa—bắt đầu năm 66 CN. Sự hoàn toàn hoang vu xảy ra khi La Mã tiêu diệt cả thành phố lẫn đền thờ năm 70 CN. “Sự gớm-ghiếc” vào thời đó là gì? Và nó ‘đứng trong nơi thánh’ như thế nào? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ sự ứng nghiệm thời nay.
5, 6. (a) Tại sao những người đọc Đa-ni-ên chương 9 cần phải để ý? (b) Lời tiên tri của Chúa Giê-su về “sự gớm-ghiếc” được ứng nghiệm như thế nào?
5 Chúa Giê-su khuyến khích những người đọc phải để ý. Đọc gì? Rất có thể là Đa-ni-ên chương 9. Ở đó chúng ta thấy lời tiên tri ám chỉ khi nào Đấng Mê-si sẽ xuất hiện và báo trước rằng ngài sẽ bị “trừ đi” sau ba năm rưỡi. Lời tiên tri nói: “Kẻ hủy-phá sẽ đến bởi cánh gớm-ghiếc, và sẽ có sự giận-dữ đổ trên nơi bị hoang-vu, cho đến kỳ sau-rốt, là kỳ đã định”.—Đa-ni-ên 9:26, 27, chúng tôi viết nghiêng; cũng xem Đa-ni-ên 11:31; 12:11.
6 Những người Do Thái tưởng rằng điều này áp dụng cho việc Antiochus IV làm ô uế đền thờ khoảng 200 năm trước đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho thấy điều khác, ngài khuyên phải để ý vì “sự gớm-ghiếc” chưa xuất hiện và đứng trong “nơi thánh”. Rõ ràng là Chúa Giê-su nói về quân La Mã sẽ đến năm 66 CN với cờ hiệu rõ rệt. Cờ hiệu đó, được dùng từ lâu, được xem là hình tượng và đáng gớm ghiếc đối với người Do Thái.a Tuy nhiên, khi nào quân La Mã ‘đứng trong nơi thánh’? Điều đó xảy ra khi quân La Mã cầm cờ hiệu đến tấn công Giê-ru-sa-lem và đền thờ, nơi mà người Do Thái xem là thánh. Quân La Mã thậm chí còn đào khoét chân tường quanh đền thờ. Thật vậy, điều đáng gớm ghiếc từ lâu bấy giờ lại đứng tại nơi thánh!—Ê-sai 52:1; Ma-thi-ơ 4:5; 27:53; Công-vụ các Sứ-đồ 6:13.
“Sự gớm-ghiếc” thời nay
7. Lời tiên tri nào của Chúa Giê-su được ứng nghiệm trong thời chúng ta?
7 Kể từ Thế Chiến I, chúng ta đã thấy sự ứng nghiệm lớn hơn của điềm mà Chúa Giê-su nói đến được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24. Nhưng hãy nhớ lại lời ngài: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra [đứng, NW] trong nơi thánh,... thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi”. (Ma-thi-ơ 24:15, 16) Khía cạnh này của lời tiên tri cũng phải được ứng nghiệm trong thời chúng ta.
8. Từ lâu Nhân Chứng Giê-hô-va nhận diện được “sự gớm-ghiếc” thời nay như thế nào?
8 Biểu lộ lòng tin tưởng của tôi tớ Đức Giê-hô-va là lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm, Tháp Canh ngày 1-1-1921 nhắm vào điểm này khi liên kết nó với những diễn biến tại Trung Đông. Sau đó, trong số ra ngày 15-12-1929, trang 374, Tháp Canh nói rõ: “Khuynh hướng nói chung của Hội Quốc Liên là xây người ta khỏi Đức Chúa Trời và Đấng Christ, vì vậy tổ chức này là một công cụ tàn phá, sản phẩm của Sa-tan, và sự kinh tởm dưới mắt Đức Chúa Trời”. Vậy, “sự gớm-ghiếc” xuất đầu lộ diện vào năm 1919. Với thời gian, Liên Hiệp Quốc thay thế Hội Quốc Liên. Nhân Chứng Giê-hô-va từ lâu đã vạch mặt những tổ chức hòa bình này của loài người là điều gớm ghiếc dưới mắt Đức Chúa Trời.
9, 10. Sự hiểu biết trước đây về hoạn nạn lớn đã ảnh hưởng thế nào đến quan điểm chúng ta về thời điểm mà “sự gớm-ghiếc” sẽ đứng trong nơi thánh?
9 Bài trước đã tóm tắt quan điểm được làm sáng tỏ về chương 24 và 25 của sách Ma-thi-ơ. Có cần làm sáng tỏ về ‘sự gớm-ghiếc tàn-nát đứng trong nơi thánh’ không? Hẳn là có. Lời tiên tri của Chúa Giê-su liên kết chặt chẽ việc ‘đứng trong nơi thánh’ với sự bùng nổ của “hoạn-nạn” đã được báo trước. Vì vậy, dù “sự gớm-ghiếc” đã có từ lâu, việc nó ‘đứng trong nơi thánh’ có quan hệ đến hoạn nạn lớn phải ảnh hưởng lối suy nghĩ của chúng ta. Như thế nào?
10 Có thời dân Đức Chúa Trời đã hiểu giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn bắt đầu năm 1914 và giai đoạn cuối sẽ đến tại cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. (Khải-huyền 16:14, 16; so sánh Tháp Canh 1-4-1939 [Anh ngữ], trang 110). Cho nên chúng ta có thể hiểu tại sao trước đây đã tưởng “sự gớm-ghiếc” thời nay chắc đã đứng trong nơi thánh ít lâu sau Thế Chiến I.
11, 12. Vào năm 1969, quan điểm về hoạn nạn lớn được điều chỉnh ra sao?
11 Tuy nhiên, những năm sau này chúng ta đã hiểu sự việc theo một cách khác. Vào Thứ Năm, ngày 10-7-1969, tại Hội Nghị Quốc Tế “Hòa bình trên đất” ở New York City, anh F. W. Franz lúc bấy giờ là phó chủ tịch Hội Tháp Canh đã nói bài diễn văn thật hứng khởi. Khi ôn lại sự hiểu biết trước đây về lời tiên tri của Chúa Giê-su, anh Franz nói: “Có sự giải thích là ‘hoạn-nạn lớn’ đã bắt đầu năm 1914 CN và lúc đó đã không được phép diễn ra đến cùng, nhưng Đức Chúa Trời chấm dứt Thế Chiến I vào tháng 11 năm 1918. Kể từ lúc đó, Đức Chúa Trời cho một khoảng thời gian để những người được xức dầu còn sót lại, trong số tín đồ Đấng Christ được chọn, hoạt động trước khi Ngài để phần cuối của ‘hoạn-nạn lớn’ tiếp tục với cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn”.
12 Nhưng rồi có sự điều chỉnh quan trọng về giải thích đó: “Tương ứng với những biến cố trong thế kỷ thứ nhất...‘hoạn-nạn lớn’ được tượng trưng trước đã không bắt đầu vào năm 1914 CN. Thay vì thế, những điều xảy ra cho Giê-ru-sa-lem tượng trưng thời nay vào năm 1914-1918 chỉ là ‘đầu sự tai-hại’... ‘Hoạn-nạn lớn’ không được lặp lại vẫn còn trong tương lai, vì điều đó có nghĩa là sự hủy diệt đế quốc tôn giáo giả thế giới (bao gồm các đạo tự xưng theo Đấng Christ), tiếp theo là ‘chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng’ tại Ha-ma-ghê-đôn”. Điều này có nghĩa là toàn thể hoạn nạn lớn vẫn còn trong tương lai.
13. Tại sao nói rằng ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’ sẽ xảy ra trong tương lai là hợp lý?
13 Điều này có liên hệ trực tiếp đến việc nhận biết khi nào “sự gớm-ghiếc” đứng trong nơi thánh. Hãy nhớ lại những gì xảy ra trong thế kỷ thứ nhất. Quân La Mã tấn công Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN, nhưng rồi đột ngột rút lui, nên “xác thịt”, tức là tín đồ Đấng Christ, có cơ hội được cứu. (Ma-thi-ơ 24:22, NW) Do đó, chúng ta mong hoạn nạn lớn chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu, nhưng được rút ngắn vì những người được Đức Chúa Trời chọn. Hãy chú ý điểm chính này: Thời xưa, ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’ liên hệ đến sự tấn công của La Mã dưới quyền Tướng Gallus năm 66 CN. Sự tấn công tương ứng thời nay—sự bùng nổ của hoạn nạn lớn—vẫn còn trong tương lai. Vậy “sự gớm-ghiếc tàn-nát”, đã có từ năm 1919, hẳn là chưa đứng trong nơi thánh.b Điều này sẽ xảy ra như thế nào? Và có thể ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?
Sự tấn công tương lai
14, 15. Khải-huyền chương 17 giúp chúng ta hiểu những biến cố dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn như thế nào?
14 Sách Khải-huyền miêu tả sự tấn công tương lai để hủy diệt tôn giáo giả. Chương 17 nói qua về việc Đức Chúa Trời phán xét “Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà-dâm”, tức là đế quốc tôn giáo giả thế giới. Các đạo tự xưng theo Đấng Christ là thành phần chính và cho rằng mình có mối quan hệ giao ước với Đức Chúa Trời. (So sánh Giê-rê-mi 7:4). Các tôn giáo giả, kể cả các đạo tự xưng theo Đấng Christ, từ lâu đã quan hệ bất chính với “các vua trong thiên-hạ”, nhưng điều này sẽ chấm dứt khi những tôn giáo đó bị tàn phá. (Khải-huyền 17:2, 5) Tàn phá bởi ai?
15 Khải-huyền miêu tả “con thú sắc đỏ sậm” hiện hữu một thời gian, biến mất, và rồi trở lại. (Khải-huyền 17:3, 8) Con thú này được các người cai trị trên thế giới ủng hộ. Những chi tiết trong lời tiên tri giúp chúng ta nhận diện con thú tượng trưng này là một tổ chức hòa bình thành hình năm 1919 dưới tên Hội Quốc Liên (một “sự gớm-ghiếc”) và ngày nay là Liên Hiệp Quốc. Khải-huyền 17:16, 17 cho thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ đặt vào lòng một số nhà cai trị có thế lực trong “con thú” này để tàn phá đế quốc tôn giáo giả thế giới. Sự tấn công đó đánh dấu sự bùng nổ của hoạn nạn lớn.
16. Có những diễn tiến đáng chú ý nào đang xảy ra liên hệ đến tôn giáo?
16 Vì hoạn nạn lớn chưa bắt đầu, có phải việc ‘đứng trong nơi thánh’ sẽ xảy ra trong tương lai không? Hẳn nhiên là thế. Dù “sự gớm-ghiếc” xuất hiện vào phần đầu thế kỷ này và do đó đã hiện hữu nhiều thập niên rồi, nó sẽ nắm một vị thế đặc biệt “trong nơi thánh” trong tương lai gần đây. Như môn đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải xem xét kỹ để biết việc ‘đứng trong nơi thánh’ được phát triển thế nào, thì tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng thế. Công nhận là chúng ta sẽ phải đợi đến khi có sự ứng nghiệm thật sự mới biết được tất cả các chi tiết. Nhưng điều đáng chú ý là tại một số nước người ta đã có ác cảm ngày càng nhiều đối với tôn giáo. Một số phần tử chính trị, liên kết với những người trước đây là tín đồ Đấng Christ đã bỏ đạo thật, đang xúi giục sự chống đối tôn giáo nói chung và tín đồ thật của Đấng Christ nói riêng. (Thi-thiên 94:20, 21; 1 Ti-mô-thê 6:20, 21) Do đó, chính trong lúc này giới cầm quyền chính trị cũng đang “chiến-tranh cùng Chiên Con” và như Khải-huyền 17:14 ám chỉ, cuộc chiến này sẽ gay go hơn. Dù theo nghĩa đen họ không thể đụng đến Chiên Con của Đức Chúa Trời—Chúa Giê-su Christ trong vị thế cao trọng, vinh hiển—nhưng họ sẽ càng thêm chống đối những người thờ phượng thật của Đức Chúa Trời, đặc biệt là “các thánh” của Ngài. (Đa-ni-ên 7:25; so sánh Rô-ma 8:27; Cô-lô-se 1:2; Khải-huyền 12:17). Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta là Chiên Con và những người theo ngài sẽ được thắng.—Khải-huyền 19:11-21.
17. Dù không quyết đoán, chúng ta có thể nói gì về cách “sự gớm-ghiếc” sẽ đứng trong nơi thánh?
17 Chúng ta biết rằng tôn giáo giả sắp bị tàn phá. Ba-by-lôn Lớn “say huyết các thánh-đồ” và đã hành quyền như một nữ vương, nhưng sự hủy diệt của nó là chắc chắn. Nó gây ảnh hưởng ô uế với các vua trên đất nhưng sự quan hệ đó sẽ thay đổi hẳn khi ‘mười cái sừng và con thú’ thù ghét hung bạo với nó. (Khải-huyền 17:6, 16; 18:7, 8) Khi “con thú sắc đỏ sậm” tấn công dâm phụ tôn giáo, “sự gớm-ghiếc” sẽ đứng một cách đe dọa trong chỗ gọi là nơi thánh của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.c Vậy sự tàn phá sẽ bắt đầu xảy ra cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ thiếu đức tin, tự xem mình là thánh.
“Trốn”—Bằng cách nào?
18, 19. Có những lý do nào cho thấy việc “trốn lên núi” không có nghĩa là đổi tôn giáo?
18 Sau khi báo trước việc ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’, Chúa Giê-su cảnh giác những người để ý phải hành động. Phải chăng ngài có ý nói là đến phút chót đó—khi ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’—nhiều người sẽ ra khỏi tôn giáo giả và tiếp nhận sự thờ phượng thật? Hoàn toàn không. Hãy xem xét sự ứng nghiệm lần đầu. Chúa Giê-su nói: “Những kẻ ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trên mái nhà chớ xuống, và chớ vào trong nhà mà chuyên bất-luận vật gì; ai ở ngoài đồng chớ trở về lấy áo-xống mình. Trong những ngày đó, khốn cho đàn-bà có thai cùng đàn-bà cho con bú! Hãy cầu-nguyện cho điều đó chớ xảy ra lúc mùa đông”.—Mác 13:14-18, chúng tôi viết nghiêng.
19 Chúa Giê-su không nói chỉ những người ở Giê-ru-sa-lem mới cần ra khỏi, như thể là họ cần ra khỏi trung tâm thờ phượng Do Thái; lời cảnh giác của ngài cũng không đề cập đến việc đổi tôn giáo—ra khỏi tôn giáo giả và tiếp nhận tôn giáo thật. Các môn đồ Chúa Giê-su chắc chắn không cần được cảnh giác để ra khỏi đạo này sang đạo khác; vì họ đã trở thành tín đồ thật của Đấng Christ rồi. Và sự tấn công năm 66 CN không thúc đẩy những người thực hành Do Thái Giáo ở Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê bỏ đạo đó để chấp nhận đạo Đấng Christ. Giáo sư Heinrich Graetz nói về những người đuổi theo quân La Mã trở về thành: “Những người Zealot ca vang bài ca chiến thắng, trở về Giê-ru-sa-lem (ngày 8 tháng 10), lòng họ tràn đầy hy vọng tự do và độc lập... Chẳng phải Đức Chúa Trời đã thương xót giúp họ như Ngài đã giúp tổ phụ họ hay sao? Lòng những người Zealot không sợ những gì xảy ra trong tương lai”.
20. Các môn đồ thời ban đầu đáp ứng lời cảnh giác của Chúa Giê-su về việc trốn lên núi như thế nào?
20 Thế thì số người tương đối nhỏ được chọn thời đó hành động theo lời khuyên của Chúa Giê-su như thế nào? Bằng cách rời bỏ Giu-đê và trốn lên núi bên kia sông Giô-đanh, họ chứng tỏ mình không thuộc hệ thống Do Thái, về chính trị hoặc tôn giáo. Họ rời bỏ đồng ruộng và nhà cửa, thậm chí không gom của cải trong nhà. Tin tưởng nơi sự che chở và nâng đỡ của Đức Giê-hô-va, họ đặt sự thờ phượng Ngài lên hàng đầu mọi điều có vẻ quan trọng.—Mác 10:29, 30; Lu-ca 9:57-62.
21. Chúng ta không mong đợi điều gì khi “sự gớm-ghiếc” tấn công?
21 Bây giờ hãy xem xét sự ứng nghiệm rộng lớn hơn. Qua nhiều thập niên, chúng ta đã khuyến khích người ta ra khỏi tôn giáo giả và tiếp nhận sự thờ phượng thật. (Khải-huyền 18:4, 5) Hàng triệu người đã làm thế. Lời tiên tri của Chúa Giê-su không ám chỉ rằng một khi hoạn nạn lớn bùng nổ, hàng loạt người sẽ quay sang sự thờ phượng thật; chắc chắn là không có hàng loạt người Do Thái đổi đạo vào năm 66 CN. Nhưng tín đồ thật của Đấng Christ sẽ có động cơ mạnh để áp dụng lời cảnh giác của Chúa Giê-su và trốn thoát.
22. Việc chúng ta áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su về việc trốn lên núi có thể bao hàm điều gì?
22 Hiện nay chúng ta không thể có đầy đủ chi tiết về hoạn nạn lớn, nhưng chúng ta có thể kết luận hợp lý là đối với chúng ta, việc trốn mà Chúa Giê-su nói sẽ không phải là trốn đến một nơi nào đó theo nghĩa đen. Dân Đức Chúa Trời đang ở trên khắp đất, hầu như ở khắp bốn phương trời. Tuy nhiên chúng ta có thể chắc chắn rằng khi cần trốn thoát, tín đồ Đấng Christ sẽ phải tiếp tục giữ mình tách biệt với các tổ chức tôn giáo giả. Cũng quan trọng là Chúa Giê-su dặn không trở về nhà lấy quần áo hoặc đồ vật khác. (Ma-thi-ơ 24:17, 18) Cho nên có thể sẽ có thử thách về cách chúng ta xem những của cải vật chất; coi chúng là quan trọng nhất hay là sự cứu rỗi cho tất cả những người đứng về phía Đức Chúa Trời quan trọng hơn? Thật vậy, việc chạy thoát của chúng ta có lẽ sẽ có ít nhiều khó khăn và thiếu thốn. Chúng ta sẽ phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì, như các anh em chúng ta trong thế kỷ thứ nhất trốn khỏi Giu-đê đến Phê-rê, bên kia sông Giô-đanh.
23, 24. (a) Chỉ ở đâu chúng ta mới tìm được sự che chở? (b) Lời cảnh giác của Chúa Giê-su về ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’ phải có tác dụng gì trên chúng ta?
23 Chúng ta phải biết chắc chắn rằng nơi ẩn náu của chúng ta vẫn là Đức Giê-hô-va và tổ chức giống như núi của Ngài. (2 Sa-mu-ên 22:2, 3; Thi-thiên 18:2; Đa-ni-ên 2:35, 44) Đó là nơi chúng ta sẽ tìm được sự che chở! Chúng ta sẽ không bắt chước số đông người chạy đến “hang-hố” và ẩn trốn trong “hòn đá lớn trên núi”—những tổ chức và cơ cấu loài người có thể còn lại một thời gian rất ngắn sau khi Ba-by-lôn Lớn bị tàn phá. (Khải-huyền 6:15; 18:9-11) Đành rằng thời thế có thể trở nên khó khăn hơn, như vào năm 66 CN khó cho những người đàn bà mang thai chạy trốn khỏi Giu-đê hoặc cho bất cứ người nào phải đi xa khi trời lạnh và mưa, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta sống sót qua được. Ngay bây giờ, hãy củng cố sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và Con Ngài, hiện đang làm Vua cai trị Nước Trời.
24 Chúng ta không có lý do để sợ hãi những gì sắp xảy ra. Chúa Giê-su không muốn môn đồ thời trước của ngài sợ hãi, và ngài cũng không muốn chúng ta sợ dù bây giờ hay những ngày sắp đến. Ngài cảnh giác chúng ta để có thể chuẩn bị lòng và trí mình. Nói cho cùng, những tín đồ biết vâng lời sẽ không bị đoán phạt khi sự hủy diệt đến trên tôn giáo giả và phần còn lại của hệ thống gian ác này. Họ sẽ để ý và nghe theo lời cảnh giác về ‘sự gớm-ghiếc đứng trong nơi thánh’. Và họ sẽ hành động quyết liệt theo đức tin không lay chuyển của họ. Mong rằng chúng ta sẽ không bao giờ quên điều Chúa Giê-su đã hứa: “Ai cứ bền lòng đến cuối-cùng, người ấy sẽ được cứu”.—Mác 13:13.
[Chú thích]
a “Cờ hiệu La Mã được bảo vệ với lòng sùng kính trong các đền thờ tại Rô-ma; và sự tôn kính của dân này đối với cờ hiệu của họ tăng thêm sau mỗi cuộc chiến thắng... [Đối với quân lính, cờ hiệu] có lẽ là vật thánh nhất trên đất. Người lính La Mã tin tưởng trọn vẹn nơi cờ hiệu mình”.—The Encyclopædia Britannica, xuất bản lần thứ 11.
b Nên lưu ý rằng dù lời Chúa Giê-su được ứng nghiệm vào năm 66-70 CN có thể giúp chúng ta hiểu cách chúng sẽ được ứng nghiệm trong hoạn nạn lớn, nhưng hai sự ứng nghiệm không thể hoàn toàn song song nhau vì những sự ứng nghiệm xảy ra trong những bối cảnh khác nhau.
c Xem Tháp Canh số ra ngày 15-12-1975 (Anh ngữ), trang 741-744.
Bạn có nhớ không?
◻ “Sự gớm-ghiếc tàn-nát” tự lộ diện như thế nào trong thế kỷ thứ nhất?
◻ Tại sao nghĩ rằng “sự gớm-ghiếc” thời nay sẽ đứng trong nơi thánh trong tương lai là hợp lý?
◻ Khải-huyền báo trước “sự gớm-ghiếc” sẽ gây ra sự tấn công nào?
◻ Chúng ta có thể cần phải “trốn” theo nghĩa nào?
[Hình nơi trang 16]
Ba-by-lôn Lớn được gọi là “mẹ kẻ tà-dâm”
[Hình nơi trang 17]
Con thú sắc đỏ sậm trong Khải-huyền chương 17 là “sự gớm-ghiếc” mà Chúa Giê-su đã nói đến
[Hình nơi trang 18]
Con thú sắc đỏ sậm sẽ dẫn đầu việc tấn công để hủy diệt tôn giáo