CHƯƠNG 111
Các sứ đồ xin một dấu hiệu
MA-THI-Ơ 24:3-51 MÁC 13:3-37 LU-CA 21:7-38
BỐN MÔN ĐỒ XIN MỘT DẤU HIỆU
SỰ ỨNG NGHIỆM VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT VÀ XA HƠN
CHÚNG TA PHẢI CẢNH GIÁC
Hôm đó là chiều thứ ba, và ngày 11 Ni-san sắp kết thúc. Khoảng thời gian đầy bận rộn trên đất của Chúa Giê-su đã khép lại. Những ngày qua, ngài giảng dạy trong đền thờ vào ban ngày, còn tối đến thì ngài nghỉ ngơi bên ngoài thành. Dân chúng rất thích nghe Chúa Giê-su giảng. Kinh Thánh cho biết: “Vừa sáng sớm, hết thảy dân chúng đều đến với ngài để nghe ngài giảng trong đền thờ” (Lu-ca 21:37, 38). Những điều đó đã qua, giờ đây Chúa Giê-su đang ngồi trên núi Ô-liu cùng bốn sứ đồ là Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng.
Bốn sứ đồ đến gặp riêng Chúa Giê-su. Họ lo lắng về đền thờ vì Chúa Giê-su vừa báo trước rằng sẽ không còn khối đá này nằm trên khối đá kia. Nhưng họ còn nghĩ tới điều khác nữa. Trước đó, Chúa Giê-su khuyến giục họ: “Hãy luôn sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ” (Lu-ca 12:40). Ngài cũng nói đến “ngày Con Người được tỏ lộ” (Lu-ca 17:30). Những lời này có liên quan đến điều Chúa Giê-su nói về đền thờ không? Các sứ đồ rất tò mò. Họ nói: “Xin Thầy cho chúng tôi biết khi nào những điều đó sẽ xảy ra, có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của Thầy và kỳ cuối cùng của thế gian này?”.—Ma-thi-ơ 24:3.
Có lẽ họ nghĩ về việc đền thờ mà họ đang thấy bị hủy diệt. Họ cũng hỏi về sự hiện diện của Con Người. Có thể họ nhớ đến minh họa của Chúa Giê-su về “nhà quý tộc nọ đi đến một xứ xa để nhận vương quyền rồi sẽ trở về” (Lu-ca 19:11, 12). Ngoài ra, họ còn thắc mắc “kỳ cuối cùng của thế gian” sẽ như thế nào.
Qua lời giải đáp chi tiết, Chúa Giê-su cho biết một dấu hiệu để nhận ra khi nào xã hội Do Thái và đền thờ sẽ bị hủy diệt. Nhưng hơn thế nữa, dấu hiệu này sẽ giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong tương lai biết được họ đang sống trong thời kỳ ngài “hiện diện” và thời kỳ gần kề sự kết thúc của thế gian.
Với thời gian, các sứ đồ chứng kiến lời tiên tri của Chúa Giê-su được ứng nghiệm. Thật vậy, nhiều điều ngài báo trước đã bắt đầu xảy ra vào thời của họ. Nhờ thế, những tín đồ có tinh thần cảnh giác sống vào năm 70 CN, tức 37 năm sau đó, không bị bất ngờ khi Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị hủy diệt. Tuy nhiên, không phải mọi điều Chúa Giê-su báo trước đều xảy ra vào giai đoạn trước và trong năm 70 CN. Vậy, sự hiện diện của ngài trong vương quyền Nước Trời sẽ được đánh dấu bằng điều gì? Chúa Giê-su tiết lộ cho các sứ đồ biết câu trả lời.
Chúa Giê-su báo trước rằng sẽ có ‘chiến tranh và tin tức về chiến tranh’, “dân này sẽ đánh dân kia và nước này tấn công nước nọ” (Ma-thi-ơ 24:6, 7). Ngài cũng nói là “sẽ có những trận động đất lớn, hết nơi này đến nơi khác có đói kém và dịch bệnh” (Lu-ca 21:11). Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Người ta sẽ bắt giữ và ngược đãi anh em” (Lu-ca 21:12). Những kẻ tiên tri giả sẽ xuất hiện và lừa gạt nhiều người. Sự gian ác sẽ ngày càng gia tăng và lòng yêu thương của đa số người ta sẽ nguội lạnh dần. Ngoài ra, ngài cũng nói rằng “tin mừng này về Nước Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự kết thúc sẽ đến”.—Ma-thi-ơ 24:14.
Lời tiên tri của Chúa Giê-su đã được ứng nghiệm phần nào trước và trong khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân La Mã hủy diệt, nhưng nó sẽ có sự ứng nghiệm lớn hơn trong tương lai. Bạn có thấy bằng chứng là lời tiên tri quan trọng của Chúa Giê-su đang ứng nghiệm trên bình diện rộng lớn vào thời hiện đại không?
Dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giê-su cũng bao gồm sự xuất hiện của “vật gớm ghiếc gây tàn phá” (Ma-thi-ơ 24:15). Vào năm 66 CN, vật gớm ghiếc này xuất hiện dưới hình thức là quân La Mã mang theo cờ hiệu mà họ tôn thờ. Quân La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem và phá hủy một số tường thành (Lu-ca 21:20). Vì thế, “vật gớm ghiếc” đứng ở nơi không phải chỗ của nó, là nơi mà người Do Thái xem là “thánh”.
Chúa Giê-su nói thêm: “Sẽ có hoạn nạn lớn chưa từng có kể từ khi có loài người cho tới nay, và sau này cũng không xảy ra nữa”. Vào năm 70 CN, quân La Mã hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Việc “thành thánh” của người Do Thái, bao gồm đền thờ, bị hủy diệt và hàng ngàn người bị giết quả đúng là một hoạn nạn lớn (Ma-thi-ơ 4:5; 24:21). Chưa bao giờ thành Giê-ru-sa-lem và dân Do Thái phải trải qua sự hủy diệt lớn như thế. Biến cố này chấm dứt hệ thống thờ phượng quy củ mà người Do Thái đã theo trong nhiều thế kỷ. Vì thế, sự ứng nghiệm lớn hơn trong lời tiên tri của Chúa Giê-su chắc chắn sẽ vô cùng kinh khiếp.
VỮNG TIN TRONG NHỮNG NGÀY SAU CÙNG
Chúa Giê-su tiếp tục nói chuyện với các sứ đồ về dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ngài trong vương quyền Nước Trời và thời điểm kết thúc của thế gian. Giờ đây, ngài cảnh báo họ về việc đi theo “các Ki-tô giả và những kẻ tiên tri giả”. Ngài nói rằng chúng sẽ nỗ lực để “lừa gạt ngay cả những người được chọn” (Ma-thi-ơ 24:24). Tuy nhiên, những người được chọn sẽ không bị lừa gạt. Các Ki-tô giả thì có thể nhìn thấy được, nhưng sự hiện diện của Đấng Ki-tô sẽ là vô hình.
Về một hoạn nạn lớn hơn sẽ bùng nổ trong giai đoạn cuối của thế gian, Chúa Giê-su nói: “Mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao trên trời sẽ rơi xuống và các lực ở trên trời sẽ bị rúng động” (Ma-thi-ơ 24:29). Khi nghe những lời đáng sợ này, các sứ đồ không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn nó sẽ rất khủng khiếp.
Những biến cố kinh hoàng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nhân loại? Chúa Giê-su cho biết: “Người ta ngất xỉu vì thất kinh và thấp thỏm chờ đợi những gì sẽ xảy đến trên đất, vì các lực ở trên trời sẽ bị rúng động” (Lu-ca 21:26). Quả thật, Chúa Giê-su đang miêu tả giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nhân loại.
Đáng mừng là Chúa Giê-su nói với các sứ đồ rằng không phải ai cũng đều than thở khi ‘Con Người đến với quyền lực và đầy vinh hiển’ (Ma-thi-ơ 24:30). Ngài vừa cho biết Đức Chúa Trời sẽ can thiệp “vì cớ những người được chọn” (Ma-thi-ơ 24:22). Vậy những môn đồ trung thành nên phản ứng thế nào trước những biến cố kinh hoàng mà Chúa Giê-su đang nói đến? Ngài khuyến khích họ: “Khi những điều ấy bắt đầu xảy ra, hãy đứng thẳng và ngước đầu lên vì sự giải cứu của anh em đang đến gần”.—Lu-ca 21:28.
Tuy nhiên, làm thế nào các môn đồ của Chúa Giê-su sống trong giai đoạn được tiên tri trước này có thể biết thời điểm kết thúc đã gần kề? Chúa Giê-su đưa ra minh họa sau về cây vả: “Vừa khi các nhánh non đâm chồi nảy lộc thì anh em biết mùa hạ sắp đến. Cũng vậy, khi anh em thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng ngài đã đến gần, ngay trước cửa. Quả thật tôi nói với anh em, thế hệ này sẽ không hề qua đi trước khi mọi điều ấy xảy ra”.—Ma-thi-ơ 24:32-34.
Vậy khi các môn đồ thấy nhiều khía cạnh của dấu hiệu được ứng nghiệm, họ nên nhận ra sự kết thúc đã gần kề. Chúa Giê-su khuyên những môn đồ sẽ sống vào giai đoạn trọng đại đó như sau:
“Về ngày và giờ đó thì không ai biết, kể cả thiên sứ trên trời hay Con cũng vậy, nhưng chỉ mình Cha biết mà thôi. Thời Nô-ê thế nào, khi Con Người hiện diện cũng sẽ như vậy. Vì trong thời trước trận Đại Hồng Thủy, người ta lo ăn uống, cưới gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu; và họ không để ý gì hết cho tới khi trận Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi hết thảy họ. Khi Con Người hiện diện cũng sẽ như thế” (Ma-thi-ơ 24:36-39). Biến cố tương đồng mà Chúa Giê-su nhắc đến, là trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê, đã ảnh hưởng đến khắp đất. Sự kết thúc của thế gian này cũng sẽ ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu.
Những sứ đồ đang lắng nghe Chúa Giê-su trên núi Ô-liu hẳn nhận ra mình cần giữ tinh thần cảnh giác. Chúa Giê-su nói: “Hãy cẩn thận giữ lấy mình, đừng để sự ăn uống vô độ, say sưa và lo lắng trong đời choán hết lòng anh em, kẻo ngày ấy thình lình ập đến trên anh em như bẫy sập. Vì ngày ấy sẽ đến với mọi cư dân trên khắp mặt đất. Vậy hãy luôn tỉnh thức và tha thiết cầu nguyện, để anh em thoát khỏi mọi điều phải xảy đến và được đứng trước mặt Con Người”.—Lu-ca 21:34-36.
Một lần nữa, Chúa Giê-su cho thấy điều ngài báo trước sẽ không chỉ xảy ra trong phạm vi nhỏ. Ngài không tiên tri về những sự kiện sẽ xảy ra trong vài thập kỷ hoặc chỉ ảnh hưởng đến thành Giê-ru-sa-lem và nước Do Thái. Thay vì thế, ngài đang nói về những diễn biến “sẽ đến với mọi cư dân trên khắp mặt đất”.
Ngài nói rằng các môn đồ cần cảnh giác, tỉnh thức và sẵn sàng. Chúa Giê-su nhấn mạnh lời cảnh báo này bằng minh họa khác: “Hãy nhớ một điều: Nếu chủ nhà biết trước kẻ trộm đến vào canh nào thì sẽ thức canh, không để hắn vào nhà. Vì vậy, anh em cũng hãy sẵn sàng, bởi Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ”.—Ma-thi-ơ 24:43, 44.
Rồi Chúa Giê-su cho các môn đồ biết lý do để lạc quan. Ngài đảm bảo với họ rằng khi lời tiên tri của ngài được ứng nghiệm thì sẽ có một “đầy tớ” có tinh thần cảnh giác và siêng năng. Chúa Giê-su đề cập đến một hình ảnh quen thuộc với các sứ đồ: “Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã giao nhiệm vụ coi sóc các gia nhân mình để cung cấp thức ăn đúng giờ? Hạnh phúc cho đầy tớ đó khi chủ đến thấy người làm thế! Quả thật tôi nói với anh em, chủ sẽ giao cho người coi sóc cả gia tài mình”. Vậy, nếu “đầy tớ” trở nên gian ác và ngược đãi người khác thì chủ sẽ “xử nó bằng hình phạt nặng nhất”.—Ma-thi-ơ 24:45-51; so sánh Lu-ca 12:45, 46.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su không nói rằng một nhóm các môn đồ của ngài sẽ trở nên gian ác. Vậy Chúa Giê-su muốn các môn đồ ghi nhớ bài học nào? Ngài muốn họ cảnh giác và siêng năng, như ngài cho thấy rõ trong một minh họa khác.