“Xin thầy nói cho chúng tôi biết lúc nào các điều đó xảy đến?”
“Nay ta lại rao cho các ngươi sự mới; ta làm cho các ngươi biết trước khi nó nổ ra” (Ê-SAI 42:9).
1, 2. a) Các sứ đồ của Chúa Giê-su hỏi gì về tương lai? b) Câu trả lời của Chúa Giê-su về một điềm tổng hợp đã được ứng nghiệm như thế nào?
SỰ DẠY DỖ đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng “rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên” (Ê-sai 46:10). Như bài trước cho thấy, các sứ đồ tìm sự dạy dỗ ấy nơi Chúa Giê-su, họ hỏi ngài: “Xin thầy nói cho chúng tôi biết lúc nào các điều đó xảy đến, và có điềm chi cho người ta biết các sự đó sẽ hoàn-thành?” (Mác 13:4).
2 Để trả lời, Chúa Giê-su miêu tả một “điềm” tổng hợp gồm bằng cớ chứng minh rằng hệ thống Do Thái sắp kết thúc. Điều này được ứng nghiệm với sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN. Nhưng lời tiên tri của Chúa Giê-su phải được ứng nghiệm một cách rộng lớn hơn theo dòng thời gian. Một khi “các kỳ dân ngoại” kết thúc vào năm 1914, một điềm qui mô sẽ hiện rõ, chứng minh rằng hệ thống gian ác hiện tại sắp kết thúc trong “hoạn-nạn lớn”a (Lu-ca 21:24). Hàng triệu người sống hiện nay có thể chứng thực rằng điềm này đã được ứng nghiệm trong những trận thế chiến và những biến cố trọng đại khác trong thế kỷ 20 này. Những biến cố này cũng đánh dấu sự ứng nghiệm rộng lớn về lời tiên tri của Chúa Giê-su tiêu biểu trước kia bởi những gì đã xảy ra từ năm 33 đến năm 70 CN.
3. Khi nói về một dấu hiệu khác, Chúa Giê-su tiên tri về những diễn biến nào nữa?
3 Sau khi Lu-ca nói đến các kỳ dân ngoại, những lời tường thuật song song nơi Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca diễn tả tiếp một loạt diễn biến, trong đó có một dấu hiệu bổ túc cho ‘điềm’ tổng hợp về ‘tận-thế’ (Ma-thi-ơ 24:3). (Nơi trang 95 của Bài học chính [Phần 1], điểm này trong sự tường thuật được phân biệt ra bởi hai lằn gạch ngang cách quãng). Ma-thi-ơ nói: “Sự tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng-động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên-sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa-chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia” (Ma-thi-ơ 24:29-31).
Hoạn nạn và hiện tượng trên trời
4. Chúng ta có thể nêu lên những câu hỏi nào về các hiện tượng trên trời mà Chúa Giê-su nói đến?
4 Những lời này sẽ được ứng nghiệm khi nào? Cả ba lời tường thuật của Phúc Âm đều đề cập đến điều mà chúng ta có thể gọi là các hiện tượng trên trời—tức là mặt trời, mặt trăng trở nên tối tăm và các ngôi sao sa xuống. Chúa Giê-su nói rằng điều này sẽ tiếp nối theo sau “hoạn-nạn lớn”. Chúa Giê-su đã nghĩ đến hoạn nạn lớn lên tới tột đỉnh vào năm 70 CN, hay là ngài nói về hoạn nạn lớn vị lai trong thời đại chúng ta? (Ma-thi-ơ 24:29; Mác 13:24).
5. Trước kia người ta tin điều gì về hoạn nạn lớn thời nay?
5 Kể từ khi các kỳ dân ngoại chấm dứt vào năm 1914, dân sự Đức Chúa Trời đặc biệt chú ý đến “cơn đại-nạn” (Khải-huyền 7:14). Trải qua nhiều năm, họ tưởng rằng cơn đại nạn vào thời nay khởi đầu với Thế Chiến I, rồi tạm ngưng một thời gian, và cuối cùng, kết thúc với “sự chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Nếu vậy, điều gì sẽ tiếp diễn trong những thập niên gián đoạn ấy của kỳ “tận-thế”? (Khải-huyền 16:14; Ma-thi-ơ 13:39; 24:3; 28:20).
6. Người ta tưởng điều gì đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su về các hiện tượng trên trời?
6 Người ta nghĩ sẽ nhìn thấy điềm tổng hợp trong giai đoạn này, kể cả công việc rao giảng thực hiện bởi dân sự được Đức Chúa Trời nhóm lại. Dường như người ta cũng có thể mong đợi nhìn thấy những hiện tượng trên trời được tiên tri trước trong khoảng thời gian sau giai đoạn mở đầu vào năm 1914-1918 (Ma-thi-ơ 24:29; Mác 13:24, 25; Lu-ca 21:25). Người ta chú ý đến những vật trên bầu trời qua các máy thăm dò không gian, tên lửa, vũ trụ tuyến, tia gam-ma cùng những cuộc đổ bộ hay các căn cứ trên mặt trăng.
7. Chúng ta có một sự hiểu biết được điều chỉnh lại như thế nào về hoạn nạn lớn?
7 Tuy nhiên, Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-1-1970 kiểm lại lời tiên tri của Chúa Giê-su, đặc biệt liên quan đến hoạn nạn lớn sắp đến. Qua những biến cố trong thế kỷ thứ nhất, thì hoạn nạn lớn thời nay không thể khởi đầu vào năm 1914-1918, rồi gián đoạn trong vòng mấy chục năm, rồi lại tiếp tục trở lại. Tạp chí này kết luận: “ ‘Hoạn-nạn lớn’ mà về sau cũng sẽ chẳng hề có hãy còn là chuyện vị lai, vì hoạn nạn đến có nghĩa là đế quốc tôn giáo giả thế giới (kể cả các đạo tự xưng theo đấng Christ) phải bị hủy diệt, rồi sau đó mới là ‘chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng’ tại Ha-ma-ghê-đôn”.
8. Nhờ có quan điểm được điều chỉnh về hoạn nạn lớn vào thời nay, Ma-thi-ơ 24:29 được giải thích như thế nào?
8 Nhưng Ma-thi-ơ 24:29 nói rằng các hiện tượng trên trời đến khi “tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua”. Làm sao có thể như vậy được? Tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-5-1975 đề nghị rằng “tai-nạn” lớn này là biến cố xảy ra lên tới tột đỉnh vào năm 70 CN. Vậy người ta có thể nói rằng các hiện tượng trên trời thời nay xảy ra sau khi một biến cố năm 70 CN “vừa mới qua” theo nghĩa nào? Tháp Canh lý luận rằng Đức Chúa Trời xem hằng bao thế kỷ từ thời đó cho đến bây giờ thật là ngắn ngủi (Rô-ma 16:20; II Phi-e-rơ 3:8). Tuy thế khi xem xét kỹ càng hơn lời tiên tri này, và đặc biệt Ma-thi-ơ 24:29-31, ta thấy có một sự giải thích khác hơn nhiều. Điều này chứng tỏ ánh sáng chiếu “càng sáng thêm lên cho đến chừng giữa trưa” (Châm-ngôn 4:18).b Chúng ta hãy xem tại sao một sự giải thích mới, hay được đổi khác, là thích hợp.
9. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ bổ túc hậu thuẫn nào cho các lời Chúa Giê-su về những diễn biến trên trời?
9 Chúa Giê-su nói cho bốn sứ đồ biết lời tiên tri về ‘mặt trời tối-tăm, mặt trăng không sáng và các ngôi sao từ trên trời sa xuống’. Là người Do Thái, họ nhận ra ngay đây là ngôn ngữ của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, chẳng hạn Sô-phô-ni 1:15 có nói về ngày phán xét của Đức Chúa Trời như “ngày hủy-phá và hoang-vu, ngày tối-tăm và mờ-mịt, ngày mây và sương-mù”. Những nhà tiên tri Hê-bơ-rơ khác nhau cũng tả việc mặt trời tối tăm, mặt trăng và các ngôi sao không chiếu sáng. Bạn có thể đọc thấy loại ngôn ngữ như thế trong thông điệp của Đức Chúa Trời nghịch cùng Ba-by-lôn, Ê-đôm, Ê-díp-tô và vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phương bắc (Ê-sai 13:9, 10; 34:4, 5; Giê-rê-mi 4:28; Ê-xê-chi-ên 32:2, 6-8; A-mốt 5:20; 8:2, 9).
10, 11. a) Giô-ên tiên tri gì liên quan đến các điều trên trời? b) Có những phần nào trong lời tiên tri của Giô-ên được ứng nghiệm năm 33 CN, và những phần nào thì chưa được ứng nghiệm?
10 Khi nghe những gì Chúa Giê-su nói, rất có thể là Phi-e-rơ và ba sứ đồ kia nhớ đến lời tiên tri nơi Giô-ên 2:28-31 và 3:15: “Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri... Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu, lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối-tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến”. “Mặt trời và mặt trăng tối-tăm, các ngôi sao thâu sự sáng lại”.
11 Như có ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4 và 14-21, vào Lễ Ngũ tuần năm 33 CN, Đức Chúa Trời đổ thánh linh Ngài trên 120 môn đồ, cả nam lẫn nữ. Sứ đồ Phi-e-rơ công bố rằng lúc đó lời tiên tri của Giô-ên được ứng nghiệm. Nhưng nói gì về những lời của Giô-ên về ‘mặt trời đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu và các ngôi sao thâu sự sáng lại’? Không có điều gì cho thấy rằng lời tiên tri này được ứng nghiệm vào năm 33 CN hoặc trong thời kỳ dài hơn 30 năm trước khi hệ thống Do Thái kết liễu.
12, 13. Các hiện tượng trên trời mà Giô-ên tiên tri đã được ứng nghiệm thế nào?
12 Hiển nhiên phần cuối cùng của lời tiên đoán của Giô-ên được liên kết chặt chẽ hơn với “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”—sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-11-1966, nói về hoạn nạn xảy đến với thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN: “Đó chắc hẳn là ‘ngày của Đức Giê-hô-va’ giáng trên Giê-ru-sa-lem và dân cư trong thành. Và trong ngày ấy có nhiều ‘máu, lửa và những trụ khói’, mặt trời không chiếu sáng làm cho thành trở nên u ám giữa ban ngày, và mặt trăng có vẻ như máu chứ không phải ánh trăng vàng hiền hòa của đêm khuya”.c
13 Đúng vậy, cũng như với những lời tiên tri khác mà chúng ta đã ghi nhận, các hiện tượng trên trời mà Giô-ên tiên tri sẽ được ứng nghiệm khi Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét. Thay vì kéo dài suốt thời kỳ cuối cùng của hệ thống Do Thái, việc mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trở nên tối tăm đã xảy ra khi những quyền lực hành quyết giáng trên Giê-ru-sa-lem. Chúng ta có thể chờ đợi một sự ứng nghiệm rộng lớn hơn cho phần này của lời tiên tri của Giô-ên vào lúc Đức Chúa Trời khởi sự hủy diệt hệ thống hiện tại là một điều hợp lý.
Hoạn nạn nào sẽ xảy đến trước hiện tượng trên trời?
14, 15. Lời tiên tri của Giô-ên ảnh hưởng thế nào cách chúng ta hiểu Ma-thi-ơ 24:29?
14 Sự ứng nghiệm lời tiên tri của Giô-ên (phù hợp với những lời tiên tri khác có cùng cách diễn tả) giúp chúng ta hiểu những lời nơi Ma-thi-ơ 24:29. Rõ ràng, việc Chúa Giê-su nói về ‘mặt trời tối tăm, mặt trăng không chiếu sáng, và các ngôi sao từ trên trời rớt xuống’ không ám chỉ những điều xảy ra trong nhiều thập niên bao hàm sự kết liễu của hệ thống hiện tại như việc phóng tên lửa lên không gian, đổ bộ trên mặt trăng hoặc những điều tương tự. Không, ngài chỉ đến những biến cố liên kết với “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”, tức ngày hủy diệt còn trong tương lai.
15 Điều này liên quan đến cách chúng ta hiểu các hiện tượng trên trời sẽ xảy đến khi “tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua”. Chúa Giê-su không nói về hoạn nạn đã đạt đến cao điểm vào năm 70 CN. Thay vì thế, ngài chỉ đến giai đoạn khởi đầu của hoạn nạn lớn sẽ xảy đến với hệ thống thế giới trong tương lai—cao điểm của sự “hiện diện” được hứa trước của ngài (Ma-thi-ơ 24:3, NW). Hoạn nạn ấy hãy còn ở đàng trước chúng ta.
16. Mác 13:24 chỉ đến hoạn nạn nào, và tại sao?
16 Nói gì về những lời ở Mác 13:24: “Trong những ngày ấy, sau kỳ tai-nạn [ấy], mặt trời sẽ tối-tăm, mặt trăng chẳng chiếu sáng nữa”? Ở đây chữ “ấy” đến từ chữ Hy Lạp e·keiʹnos, một biểu thị đại danh từ cho biết điều gì còn xa theo dòng thời gian. E·keiʹnos có thể dùng để diễn tả điều gì xảy ra trong quá khứ xa xưa (hoặc điều gì đã được đề cập trước kia) hoặc có thể được dùng để nói đến điều gì trong tương lai xa xôi (Ma-thi-ơ 3:1; 7:22; 10:19; 24:38; Mác 13:11, 17, 32; 14:25; Lu-ca 10:12; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:10). Do đó, Mác 13:24 nói về “kỳ tai-nạn [ấy]”, không phải tai nạn dấy lên bởi quân La Mã, nhưng hành động mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va khi hệ thống hiện tại kết liễu.
17, 18. Khải-huyền cho chúng ta biết gì về cách hoạn nạn lớn sẽ diễn biến?
17 Khải-huyền đoạn 17 đến 19 phù hợp và nghiệm đúng với sự hiểu biết được cập nhật hóa nơi Ma-thi-ơ 24:29-31, Mác 13:24-27 và Lu-ca 21:25-28. Trên phương diện nào? Các sách Phúc Âm cho thấy rằng hoạn nạn lớn sẽ không bắt đầu và chấm dứt trong một khoảnh khắc. Sau khi hoạn nạn lớn bắt đầu, một số người không vâng lời vẫn sẽ còn sống để chứng kiến “điềm Con người” và họ sẽ phản ứng—sẽ than khóc, và như được miêu tả nơi Lu-ca 21:26, họ sẽ “nhân trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía”. Họ sợ hãi như thế là vì họ thấy “điềm” về sự hủy diệt gần kề họ.
18 Lời tường thuật trong sách Khải-huyền cho thấy hoạn nạn lớn trong tương lai sẽ bắt đầu khi những “cái sừng” quân đội của “con thú” quốc tế tấn công “đại dâm-phụ”, tức Ba-by-lôn Lớn (Khải-huyền 17:1, 10-16). Nhưng nhiều người sẽ còn sống vì các vua, các nhà buôn, các thuyền trưởng và những người khác than khóc vì tôn giáo giả bị hủy diệt. Chắc chắn nhiều người sẽ ý thức rằng sắp sửa tới phiên họ bị đoán xét (Khải-huyền 18:9-19).
Điều gì sẽ xảy đến?
19. Chúng ta có thể trông mong những gì khi hoạn nạn lớn bắt đầu?
19 Những đoạn trong các sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca phối hợp với Khải-huyền đoạn 17 đến đoạn 19 tỏa ra ánh sáng đáng kể báo trước những gì sắp sửa xảy đến. Vào thời kỳ Đức Chúa Trời định trước, hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu với sự tấn công đế quốc tôn giáo giả thế giới (Ba-by-lôn Lớn). Điều này sẽ đặc biệt mãnh liệt đối với các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ tương đương với Giê-ru-sa-lem bất trung. Ngay “vừa mới qua” giai đoạn này của hoạn nạn lớn thì “sẽ có điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao; còn dưới đất dân các nước sầu-não rối-loạn [hơn bao giờ hết]” (Ma-thi-ơ 24:29; Lu-ca 21:25).
20. Chúng ta có thể trông mong những hiện tượng nào khác trên trời?
20 ‘Mặt trời tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao sa xuống, và các thế-lực của các từng trời rúng động’ theo nghĩa nào? Chắc chắn là vào lúc hoạn nạn lớn mới bắt đầu, nhiều vật sáng tức hàng giáo phẩm nổi bật của các tôn giáo sẽ bị phô bày và loại trừ bởi “mười sừng” được nói đến nơi Khải-huyền 17:16. Chắc chắn những quyền lực chính trị cũng sẽ bị lay động. Có thể nào sẽ có những biến cố rùng rợn theo nghĩa đen trên trời không? Rất có thể là như vậy, và còn kinh hoàng hơn là những biến cố lúc hệ thống Do Thái mà Josephus đã miêu tả gần kết liễu. Chúng ta biết rằng trong quá khứ xa xưa, Đức Chúa Trời đã từng biểu dương quyền lực của Ngài để tạo ra những cảnh tượng hãi hùng như thế, và Ngài có thể lặp lại lần nữa (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21-23; Giô-suê 10:12-14; Các Quan Xét 5:20; Lu-ca 23:44, 45).
21. Một “điềm” khác trong tương lai sẽ xảy đến như thế nào?
21 Đến đây cả ba người viết Phúc Âm đều dùng chữ toʹte (bấy giờ, khi ấy) để giới thiệu diễn biến kế tiếp. “Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời” (Ma-thi-ơ 24:30; Mác 13:26; Lu-ca 21:27). Kể từ Thế Chiến I, môn đồ thật của Chúa Giê-su đã nhận diện điềm tổng hợp về sự hiện diện vô hình của ngài, trong khi phần đông người ta không nhận ra. Nhưng Ma-thi-ơ 24:30 chỉ cho biết một “điềm” khác của “Con người” hiện ra trong tương lai và do đó mọi dân tộc bắt buộc phải chú ý. Khi Chúa Giê-su đến giữa đám mây tức một cách vô hình, những kẻ đối lập trên khắp thế giới sẽ phải công nhận sự “đến” ấy (Hy Lạp, er·khoʹme·non), nhờ có sự biểu dương siêu nhiên của vương quyền ngài (Khải-huyền 1:7).
22. Những người thấy “điềm” nơi Ma-thi-ơ 24:30 sẽ phản ứng thế nào?
22 Ma-thi-ơ 24:30 dùng chữ toʹte một lần nữa để giới thiệu sự việc kế tiếp. Lúc bấy giờ mọi dân tộc sẽ ý thức được số phận mình và đấm ngực than khóc, có lẽ vì nhận biết mình sắp bị hủy diệt. Thật khác biệt làm sao với các tôi tớ Đức Chúa Trời, vì chúng ta sẽ có thể ngẩng đầu lên, biết rằng sự giải cứu gần đến! (Lu-ca 21:28). Khải-huyền 19:1-6 cũng cho thấy rằng ở trên trời và dưới đất những người thờ phượng thật của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng vì đại dâm phụ bị hủy diệt.
23. a) Chúa Giê-su sẽ hành động thế nào đối với các người được chọn? b) Chúng ta có thể nói gì về việc những người còn sót lại được cất lên trời?
23 Lời tiên tri của Chúa Giê-su tiếp tục nơi Mác 13:27: “Ngài sẽ sai các thiên-sứ đặng nhóm những kẻ được chọn ở bốn phương, từ đầu-cùng đất cho đến đầu cùng trời”. Ở đây Chúa Giê-su chú tâm đến những người còn sót lại vẫn còn sống trên đất trong nhóm 144.000 ‘người được chọn’. Trong giai đoạn đầu của sự kết liễu hệ thống mọi sự, những môn đồ được xức dầu này của Chúa Giê-su được đưa vào sự hợp nhất thần quyền. Tuy nhiên, theo diễn biến tuần tự, Mác 13:27 và Ma-thi-ơ 24:31 miêu tả một điều khác nữa. Với “tiếng loa lớn” những người “được chọn” còn sót lại sẽ được nhóm lại từ bốn phương. Họ được nhóm lại như thế nào? Chắc chắn là họ sẽ được “đóng ấn” và họ sẽ được Đức Giê-hô-va nhận diện rõ ràng là thành phần của “những kẻ được kêu-gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung-tín”. Và trong kỳ hạn mà Đức Chúa Trời đã định, họ sẽ được thâu nhóm lên trời để làm vua và thầy tế lễ.d Điều này sẽ đem lại sự vui mừng cho họ và những bạn đồng hành trung thành của họ thuộc đám đông “vô-số người”, chính những người này cũng sẽ được ghi dấu để “ra khỏi cơn đại-nạn” hầu vui hưởng ân phước đời đời trong địa đàng trên đất (Ma-thi-ơ 24:22; Khải-huyền 7:3, 4, 9-17; 17:14; 20:6; Ê-xê-chi-ên 9:4, 6).
24. Ma-thi-ơ 24:29-31 cho biết thứ tự của những diễn biến sắp đến là gì?
24 Khi các sứ đồ nói: “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết”, thì câu trả lời của Chúa Giê-su bao gồm nhiều điều hơn là số lượng dữ kiện mà họ có thể hiểu được. Tuy thế, trong quãng đời họ, họ đã vui mừng nhận thấy sự ứng nghiệm tiêu biểu của lời tiên tri ngài. Cuộc nghiên cứu của chúng ta về câu trả lời của ngài tập trung vào phần tiên tri sẽ được ứng nghiệm trong một tương lai gần đây (Ma-thi-ơ 24:29-31; Mác 13:24-27; Lu-ca 21:25-28). Chúng ta có thể đã thấy là sự giải cứu đang tiến gần. Chúng ta có thể mong đợi sự khởi đầu của hoạn nạn lớn, kế đến điềm của Con người, và rồi việc Đức Chúa Trời sẽ nhóm hiệp những người được chọn. Sau cùng, Chúa Giê-su, là vị Vua đương kim, sẽ “hoàn tất sự chinh phục của mình” với tư cách là đấng Hành quyết của Đức Giê-hô-va trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 6:2, NW). Ngày đó của Đức Giê-hô-va, khi Ngài thi hành sự báo thù, sẽ như là một kết cuộc qui mô của thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự đã đánh dấu ngày của Chúa Giê-su kể từ năm 1914.
25. Chúng ta có thể có phần trong sự ứng nghiệm còn trong tương lai của Lu-ca 21:28 như thế nào?
25 Mong rằng bạn tiếp tục hưởng lợi ích do sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời hầu có thể đáp ứng sự ứng nghiệm còn trong tương lai của những lời của Chúa Giê-su: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới” (Lu-ca 21:28). Thật là cả một tương lai huy hoàng thay cho những người được chọn và đám đông vì Đức Giê-hô-va đang xúc tiến việc làm thánh danh Ngài!
[Chú thích]
a Nhân-chứng Giê-hô-va vui lòng đưa ra chứng cớ về điều này, chỉ cho thấy những sự kiện cụ thể của thời chúng ta ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh-thánh như thế nào.
b Có thêm tài liệu trong sách God’s Kingdom of a Thousand Years Has Approached, trang 296-323, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., xuất bản năm 1973, và Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-9-1982, trang 17-22.
c Josephus viết về những diễn tiến của đợt tấn công sơ khởi của quân La Mã (năm 66 CN) và về sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem: “Trong đêm khuya một trận bão nổi lên; gió thổi cuồn cuộn, mưa đổ như thác lũ, chớp nhoáng liên tục lóe lên, tiếng sét gầm lên ghê rợn, mặt đất day động với tiếng ù tai. Tai họa xảy đến với loài người được hình dung trước thật rõ ràng bởi sự sụp đổ của nề nếp mọi sự, và không ai có thể mảy may nghi ngờ rằng đó là những điềm của một tai họa vô song”.
d Xem “Câu hỏi của độc giả” trong Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-8-1990.
Bạn có nhớ không?
◻ Những khía cạnh của Giô-ên 2:28-31 và 3:15 được ứng nghiệm thế nào trong thế kỷ thứ nhất?
◻ Ma-thi-ơ 24:29 nói đến hoạn nạn nào, và tại sao chúng ta kết luận như thế?
◻ Ma-thi-ơ 24:29 chỉ đến hiện tượng nào trên trời, và làm sao biến cố này có thể diễn ra ngay sau khi hoạn nạn?
◻ Lu-ca 21:26, 28 sẽ được ứng nghiệm thế nào trong tương lai?