“Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi”
“Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.—XA 8:23.
1, 2. (a) Đức Giê-hô-va cho biết điều gì sẽ xảy ra trong thời chúng ta? (b) Bài này sẽ trả lời cho những câu hỏi nào? (Xem hình nơi đầu bài).
Nói về thời kỳ chúng ta đang sống, Đức Giê-hô-va báo trước: “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa 8:23). Giống như mười người theo nghĩa tượng trưng, những người có hy vọng trên đất đã “nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa”. Họ hãnh diện vì được kết hợp với những người được xức dầu, tức “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, và biết rằng Đức Giê-hô-va đang ban phước cho những người ấy.—Ga 6:16.
2 Giống như nhà tiên tri Xa-cha-ri, Chúa Giê-su đã nêu bật sự hợp nhất mà dân Đức Chúa Trời có được. Chúa Giê-su miêu tả các môn đồ của ngài như hai nhóm người: Những người có hy vọng sống trên trời là “bầy nhỏ” và những người có hy vọng sống trên đất là “các chiên khác”. Nhưng ngài nói rằng tất cả họ sẽ là “một bầy” với “một người chăn” (Lu 12:32; Giăng 10:16). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhóm này dẫn đến một số câu hỏi: (1) Những người thuộc các chiên khác có cần phải biết tên của tất cả những người được xức dầu ngày nay không? (2) Các tín đồ được xức dầu nên có quan điểm nào về chính mình? (3) Anh chị nên phản ứng ra sao nếu có ai đó trong hội thánh của mình bắt đầu dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? (4) Anh chị có cần phải lo lắng khi có bất cứ sự gia tăng nào về số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm không? Hãy xem xét lời giải đáp cho mỗi câu hỏi này.
CÓ CẦN PHẢI BIẾT TÊN CỦA MỌI NGƯỜI ĐƯỢC XỨC DẦU HIỆN NAY KHÔNG?
3. Tại sao chúng ta không thể biết chắc ai sẽ nằm trong số 144.000 người được xức dầu?
3 Những người thuộc các chiên khác có cần phải biết tên của tất cả những người được xức dầu hiện nay không? Câu trả lời ngắn gọn là không. Tại sao có thể nói như vậy? Vì ngay cả nếu một người được gọi lên trời thì người đó mới chỉ nhận được lời mời, chứ không phải sự xác nhận cuối cùng là họ sẽ nhận được phần thưởng ấy. Đó là lý do Sa-tan dấy lên các “tiên tri giả... để lừa gạt chính những người được chọn” (Mat 24:24). Không ai có thể biết liệu một tín đồ được xức dầu sẽ nhận phần thưởng trên trời hay không, cho đến khi Đức Giê-hô-va xét thấy người ấy xứng đáng với phần thưởng đó. Đức Giê-hô-va đưa ra quyết định này và đóng dấu lần cuối cho người ấy vào một thời điểm trước khi người ấy chết trong sự trung thành, hoặc vào thời điểm nào đó trước khi “hoạn nạn lớn” xảy ra (Khải 2:10; 7:3, 14). Thế nên, sẽ là vô ích nếu bất cứ người nào đang sống trên đất cố xác định xem những ai trong vòng các tôi tớ của Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ nằm trong số 144.000 người được xức dầu.[1]
4. Nếu không thể biết tên của tất cả những người được xức dầu ở trên đất ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể “đi cùng” họ?
4 Nếu không thể biết chắc tên của tất cả những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đang ở trên đất ngày nay, làm thế nào những người thuộc các chiên khác có thể “đi cùng” họ? Hãy để ý điều mà lời tiên tri trong sách Xa-cha-ri nói về mười người theo nghĩa tượng trưng. Những người này sẽ “nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. Dù chỉ một người Giu-đa được nhắc đến ở đây nhưng trong cả hai lần mà từ “các ngươi” xuất hiện, từ này đều nói đến nhiều hơn một người. Cho nên, người Giu-đa thiêng liêng này phải là một nhóm người chứ không chỉ là một cá nhân! Bởi vậy, không cần thiết phải xác định mọi người Giu-đa thiêng liêng rồi đi cùng người đó. Thay vì thế, chúng ta cần xác định những người này với tư cách một nhóm rồi hỗ trợ cho nhóm ấy. Kinh Thánh tuyệt nhiên không khuyến khích chúng ta đi theo một cá nhân nào đó, vì Đấng Lãnh Đạo của chúng ta là Chúa Giê-su.—Mat 23:10.
CÁC TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU NÊN CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ CHÍNH MÌNH?
5. Các tín đồ được xức dầu nên suy nghĩ nghiêm túc về lời cảnh báo nào, và tại sao?
5 Những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm nên cẩn thận xem xét lời cảnh báo nơi 1 Cô-rinh-tô 11:27-29. (Đọc). Ý của sứ đồ Phao-lô ở đây là gì? Một tín đồ được xức dầu sẽ dùng các món biểu tượng một cách không xứng đáng nếu người ấy không giữ mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va (Hê 6:4-6; 10:26-29). Lời cảnh báo như thế giúp các tín đồ được xức dầu nhớ rằng họ vẫn chưa nắm được phần thưởng. Họ cần tiếp tục nỗ lực để “đạt đến mục tiêu là giải thưởng được Đức Chúa Trời gọi lên trời qua Đấng Ki-tô Giê-su”.—Phi-líp 3:13-16.
6. Các tín đồ được xức dầu nên cảm thấy thế nào về chính mình?
6 Dưới sự soi dẫn, Phao-lô kêu gọi các tín đồ được xức dầu hãy “sống xứng đáng với tư cách của người được gọi”. Họ làm thế bằng cách nào? Phao-lô giải thích: “Ấy là luôn khiêm nhường, mềm mại, nhẫn nhịn, chịu đựng nhau bằng tình yêu thương, sống hòa thuận với nhau và hết lòng gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí” (Ê-phê 4:1-3). Thần khí của Đức Giê-hô-va giúp phát huy sự khiêm nhường, chứ không phải sự kiêu ngạo (Cô 3:12). Với thái độ khiêm tốn, các tín đồ được xức dầu nhận biết rằng họ không nhất thiết có nhiều thần khí hơn những người có hy vọng sống trên đất. Họ không cho rằng mình có sự hiểu biết đặc biệt hoặc được nhận những sự mặc khải, và không cố gắng chứng tỏ mình vượt trội theo cách nào đó. Họ cũng không bao giờ gợi ý với người khác rằng những người ấy cũng được xức dầu và nên dùng các món biểu tượng. Thay vì thế, họ khiêm nhường nhận biết rằng Đức Giê-hô-va mới là đấng đưa ra lời mời.
7, 8. Các tín đồ được xức dầu không mong đợi điều gì, và tại sao?
7 Dù việc được gọi lên trời là một đặc ân tuyệt vời, các tín đồ được xức dầu không mong đợi người khác sẽ dành cho họ bất cứ sự tôn trọng đặc biệt nào (Ê-phê 1:18, 19; đọc Phi-líp 2:2, 3). Họ cũng biết rằng khi Đức Giê-hô-va xức dầu cho họ, ngài đã không cho người nào khác biết về điều này. Thế nên, họ không ngạc nhiên nếu một số người không tin ngay lập tức là họ đã thật sự được xức dầu bằng thần khí. Thực tế, họ nhận ra rằng Kinh Thánh khuyên không nên vội tin khi một ai đó cho rằng họ được Đức Chúa Trời ban một trách nhiệm đặc biệt (Khải 2:2). Do vậy, họ sẽ không dùng việc được xức dầu như một “danh thiếp” để giới thiệu bản thân với người khác. Trong phần lớn trường hợp, họ thậm chí sẽ không nói về kinh nghiệm cá nhân này với người khác để tránh thu hút sự chú ý vào chính mình. Họ cũng không muốn khoe khoang về phần thưởng của mình trong tương lai.—1 Cô 1:28, 29; đọc 1 Cô-rinh-tô 4:6-8.
8 Ngoài ra, các tín đồ được xức dầu không nghĩ rằng họ chỉ nên dành thời gian cho những người được xức dầu khác, như thể họ là thành viên của một câu lạc bộ. Họ không tìm kiếm những người khác cũng cho rằng mình được xức dầu với hy vọng kết hợp với nhau hoặc cố gắng lập ra những nhóm riêng để học Kinh Thánh (Ga 1:15-17). Những hành động như thế sẽ gây chia rẽ trong hội thánh và đi ngược lại với thần khí, là lực đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất.—Đọc Rô-ma 16:17, 18.
ANH CHỊ NÊN PHẢN ỨNG THẾ NÀO?
9. Tại sao anh chị cần cẩn thận về cách đối xử với những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? (Xem khung “Tình yêu thương ‘không cư xử khiếm nhã’”).
9 Anh chị nên đối xử thế nào với một người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? Chúa Giê-su nói với các môn đồ rằng: “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em”. Ngài nói tiếp: “Ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mat 23:8-12). Thế nên, việc tôn cao các cá nhân là điều không đúng ngay cả khi họ là những anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô. Khi nói về các trưởng lão, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta noi theo đức tin của những người dẫn đầu ấy nhưng không bao giờ ra lệnh cho chúng ta tôn bất cứ người nào lên làm lãnh đạo của mình (Hê 13:7). Đúng là Kinh Thánh nói về một số người “được xem là đáng tôn trọng gấp bội”. Tuy nhiên, những người ấy đáng tôn trọng không phải vì họ được xức dầu mà vì họ “khéo léo trong việc dẫn đầu” và “siêng năng trong việc truyền giảng và dạy dỗ” (1 Ti 5:17). Do đó, những người được gọi lên trời sẽ cảm thấy bối rối nếu người khác dành cho họ sự ngợi khen hoặc quan tâm quá mức. Tệ hơn nữa, nếu các tín đồ được xức dầu nhận được sự đối xử đặc biệt thì có lẽ họ sẽ cảm thấy khó để giữ sự khiêm nhường (Rô 12:3). Không ai trong chúng ta lại muốn khiến cho một anh em của Đấng Ki-tô bị vấp ngã!—Lu 17:2.
10. Bằng cách nào anh chị có thể cho thấy mình tôn trọng các tín đồ được xức dầu?
10 Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy sự tôn trọng đúng mực với những người mà Đức Giê-hô-va chọn để xức dầu? Chúng ta sẽ không đặt ra cho họ những câu hỏi cá nhân về việc họ được xức dầu. Nhờ đó, chúng ta tránh xen vào những chuyện không liên quan đến mình (1 Tê 4:11; 2 Tê 3:11). Chúng ta không nên cho rằng cha mẹ, vợ hay chồng hoặc những người bà con khác của một người được xức dầu thì cũng sẽ được xức dầu. Gen di truyền hoặc hôn nhân không đóng vai trò nào trong quá trình đó (1 Tê 2:12). Chúng ta cũng không nên hỏi vợ hoặc chồng của những người được xức dầu về cảm xúc của họ khi biết rằng họ sẽ sống mà không có người hôn phối trong địa đàng tương lai. Thay vì đặt ra những câu hỏi có lẽ gây đau buồn, tất cả chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ xòe tay ra và “làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”.—Thi 145:16.
11. Chúng ta có thể bảo vệ chính mình như thế nào nếu tránh ngưỡng mộ các cá nhân?
11 Những người đối xử với các tín đồ được xức dầu theo cách đúng đắn sẽ được bảo vệ khỏi một mối nguy hiểm ngấm ngầm. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “những anh em giả” có thể lẻn vào hội thánh (Ga 2:4, 5; 1 Giăng 2:19). Những kẻ giả mạo này thậm chí có thể cho rằng họ được xức dầu. Bên cạnh đó, một số tín đồ được xức dầu có thể từ bỏ đức tin (Mat 25:10-12; 2 Phi 2:20, 21). Nếu tránh cạm bẫy của việc ngưỡng mộ các cá nhân, chúng ta sẽ không bị những kẻ như thế kéo xa khỏi sự thật, và đức tin của chúng ta cũng sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề nếu một tín đồ phụng sự lâu năm hoặc được nhiều người biết đến trở nên bất trung.
CHÚNG TA CÓ CẦN LO LẮNG VỀ SỐ NGƯỜI DÙNG CÁC MÓN BIỂU TƯỢNG KHÔNG?
12, 13. Tại sao chúng ta không nên lo lắng về số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm?
12 Trong những năm gần đây, chúng ta thấy có sự gia tăng về số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su. Xu hướng này tương phản với sự giảm đi mà chúng ta đã thấy trong nhiều thập kỷ trước. Chúng ta có nên lo lắng về sự gia tăng này không? Không. Hãy xem xét một số yếu tố mà chúng ta cần lưu ý.
13 “Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài” (2 Ti 2:19). Những ai phụ trách việc đếm số người dùng các món biểu tượng không thể biết chắc người nào thật sự có hy vọng lên trời. Trong số những người dùng các món biểu tượng, có những người tưởng lầm rằng họ được xức dầu. Một số người bắt đầu dùng các món biểu tượng vào một thời điểm nào đó thì sau này lại không dùng nữa. Một số người khác có thể có vấn đề về tinh thần hoặc cảm xúc khiến họ tin rằng họ sẽ cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời. Do đó, số người dùng các món biểu tượng không phản ánh chính xác số người được xức dầu còn sót lại trên đất.
14. Kinh Thánh cho biết gì về số người được xức dầu sẽ còn trên đất khi hoạn nạn lớn bắt đầu?
14 Những người được xức dầu sẽ có mặt ở nhiều nơi trên trái đất khi Chúa Giê-su đến để thu nhóm họ lên trời. Về thời điểm đó, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su “sẽ sai thiên sứ đi, và với một tiếng kèn lớn, họ sẽ thu nhóm những người được chọn của ngài từ khắp bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (Mat 24:31). Kinh Thánh cho biết chỉ một nhóm nhỏ những người được xức dầu sẽ còn lại trên đất trong những ngày sau cùng (Khải 12:17). Tuy nhiên, Kinh Thánh không cho biết bao nhiêu người được xức dầu sẽ còn trên đất tại thời điểm hoạn nạn lớn bắt đầu.
15, 16. Chúng ta cần hiểu điều gì về 144.000 người mà Đức Giê-hô-va lựa chọn?
15 Đức Giê-hô-va quyết định thời điểm nào trong lịch sử ngài sẽ chọn những người được xức dầu (Rô 8:28-30). Đức Giê-hô-va bắt đầu chọn những người được xức dầu sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại. Dường như tất cả các tín đồ thuộc hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đều là những người được xức dầu. Từ thế kỷ thứ nhất cho đến khi những ngày sau cùng bắt đầu, đa số những người tự nhận theo Đấng Ki-tô đều là các tín đồ giả hiệu. Chúa Giê-su ví họ giống như “cỏ dại”. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã tiếp tục xức dầu cho một số người trung thành trong suốt thời gian đó và họ đã chứng tỏ mình giống như “lúa mì” mà Chúa Giê-su miêu tả (Mat 13:24-30). Trong những ngày sau cùng, Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục lựa chọn những người sẽ hợp thành số 144.000 người được xức dầu.[2] Nếu ngài quyết định đợi đến cuối những ngày sau cùng để chọn một số người cho đặc ân đó thì chúng ta là ai mà có thể chất vấn sự khôn ngoan của ngài? (Ê-sai 45:9; Đa 4:35; đọc Rô-ma 9:11, 16).[3] Chúng ta phải cẩn thận để không phản ứng giống như những người làm công bực tức đã cằn nhằn về cách mà chủ của họ đối đãi với những người làm công khác được mướn lúc năm giờ chiều.—Đọc Ma-thi-ơ 20:8-15.
16 Không phải tất cả những người có hy vọng lên trời đều là một phần của “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45-47). Giống như vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đang dùng ít người để cung cấp thức ăn cho nhiều người. Chỉ một số ít tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất đã được dùng để viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Ngày nay cũng vậy, chỉ một số ít tín đồ được xức dầu đã được bổ nhiệm để cung cấp “thức ăn đúng giờ”.
17. Anh chị đã học được gì từ bài này?
17 Chúng ta đã học được gì qua bài này? Đức Giê-hô-va đã lựa chọn để ban hai phần thưởng riêng biệt: Sự sống trên trời cho người Giu-đa thiêng liêng và sự sống trên đất cho mười người theo nghĩa tượng trưng. Dù vậy, ngài đòi hỏi cả những người có hy vọng lên trời lẫn những người có hy vọng sống trên đất đều phải vâng theo cùng một tiêu chuẩn và giữ sự trung thành. Cả hai nhóm đều phải khiêm nhường. Cả hai nhóm đều phải hợp nhất. Cả hai nhóm đều phải đẩy mạnh sự bình an trong hội thánh. Khi những ngày sau cùng sắp kết thúc, tất cả chúng ta hãy quyết tâm phụng sự như một bầy dưới sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô.
^ [1] (đoạn 3) Thi-thiên 87:5, 6 cho biết rất có thể trong tương lai, tên của tất cả những người được sống lại để cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời sẽ được tiết lộ.—Rô 8:19.
^ [2] (đoạn 15) Mặc dù Công vụ 2:33 cho thấy rằng Chúa Giê-su tham gia vào quá trình lựa chọn những người được xức dầu, nhưng Đức Giê-hô-va mới là nguồn của lời mời đó.
^ [3] (đoạn 15) Để biết thêm thông tin, xem bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 1-5-2007, trg 30, 31.