Các thông điệp của thiên sứ dành cho thời chúng ta
“Đức Chúa Trời... đã sai thiên-sứ đến tỏ những điều đó [bằng các dấu hiệu]” (KHẢI-HUYỀN 1:1).
1. Người ta hiểu sai thế nào danh từ tận thế (apocalypse), và sách Khải-huyền tiết lộ gì về tương lai?
TẬN THẾ (APOCALYPSE). Biết bao lần người ta được nghe nói đến danh từ này trong thế kỷ 20 chúng ta—nhưng khốn thay lại hiểu sai chữ đó! Hiểu theo Kinh-thánh chữ này không nói về sự tiêu diệt toàn thể nhân loại trong một cuộc tàn sát bằng vũ khí hạch tâm. Thay vì thế, chữ “apocalypse” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa “vén màn” hay “tiết lộ”. Qua các hình ảnh tiên tri, sách Khải thị, hoặc Khải-huyền, tiết lộ một số sự diễn biến thời cuộc đưa đến tột đỉnh là rạng đông của một thời kỳ hạnh phúc vĩnh viễn cho nhân loại. Vậy, sứ đồ của Giê-su là Giăng dẫn nhập sách Khải-huyền bằng những lời này: “Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên-tri nầy. Vì thì-giờ [định trước] đã gần rồi” (Khải-huyền 1:3).
2, 3. Tại sao thế gian này bất hạnh đến thế, và Đức Giê-hô-va có ý định làm gì?
2 Thế gian ngày nay không có hạnh phúc. Lý do tại sao thế gian bất hạnh đã được ghi trong một bài ca do Môi-se đặt ra cách nay chừng 3.460 năm: “Chúng... đã phản [Đức Chúa Trời], chẳng phải con trai của Ngài nữa: quả là một dòng-dõi gian-tà và điên-đảo!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5). Những lời này thích hợp thay cho thế hệ hiện thời có các giá trị gian xảo và bại hoại làm sao! Thí dụ, những lời mở đầu cho cuốn «Chi phí về quân sự và xã hội cho năm 1987-88» (World Military and Social Expenditures 1987-88) phát biểu thẳng thắn: “Cuộc thi đua võ trang làm hư hỏng đời sống của tất cả các nước. Hoa-kỳ và Liên Xô chi tiêu cho việc phòng vệ quân sự tính chung là 1 tỷ rưởi Mỹ kim mỗi ngày. Tuy vậy Hoa-kỳ đứng hàng thứ mười tám trong tất cả các nước về số con nít chết sớm, Cộng hòa Liên bang Xô-viết đứng hàng thứ 46. Các nước đang mở mang chi tiêu cho vũ khí gần gấp bốn lần cho việc bảo vệ sức khỏe của dân. Trong khi đó hằng trăm triệu người trong những nước đó bị đói; 20% trẻ con chết trước khi lên năm tuổi”.
3 Một yếu tố khác góp phần thêm cho sự bại hoại—luân lý suy đồi và gia đình đổ vỡ, tội ác và sự kinh hãi hoành hành trên đất, sự thiếu tình thương và phi pháp của thế hệ hiện tại. Chúng ta có thể sung sướng biết bao vì Đức Giê-hô-va có ý định “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”! (Khải-huyền 11:18). Sách Khải-huyền của Kinh-thánh diễn tả bằng các chi tiết hào hứng một loạt 16 sự hiện thấy cho biết làm thế nào Ngài sẽ thực hiện điều này.
Các “thiên sứ” và các “dấu hiệu”
4. Trong sách Khải-huyền các thiên sứ có liên can thế nào, và các sự hiện thấy miêu tả ra sao vị thiên sứ nổi bật nhất?
4 Sách Khải-huyền tỏa ánh sáng lên lời tiên tri đầu tiên của Kinh-thánh, nơi Sáng-thế Ký 3:15, cho thấy cách thức giải quyết sự đối nghịch giữa Sa-tan và người nữ tức tổ chức Đức Chúa Trời, và giữa «dòng-dõi» của hai bên. Sách này cũng tiết lộ sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên những kẻ đối nghịch lại với Ngài và trên những người yêu mến và ủng hộ quyền thống trị của Ngài. Sách Khải-huyền đã được một thiên sứ dùng các “dấu hiệu” chuyển đạt đến Giăng. Các thiên sứ hay sứ giả khác góp phần cho việc bày tỏ và diễn tả những dấu hiệu đó. Thiên sứ nổi bật nhất được Khải-huyền 1:5 giới thiệu là “Giê-su Christ là đấng làm chứng thành-tín, sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế-gian”. Các “dấu hiệu” hay sự hiện thấy cũng miêu tả ngài như “sư-tử”, “Chiên Con”, “Mi-chen” và nhiều lần như một thiên sứ quyền năng (Khải-huyền 5:5, 13; 9:1, 11; 10:1; 12:7; 18:1).
5. Sự hiện thấy thứ nhất của sách Khải-huyền trình bày gì, và có liên can thế nào tới chúng ta?
5 Sự hiện thấy thứ nhất, nơi Khải-huyền 1:10 đến 3:22, trình bày những thông điệp khích lệ mà Giê-su sau khi được vinh hiển lên trời đã chuyển lại cho các “thiên-sứ” hay giám thị của bảy hội-thánh ở Á Châu tượng trưng cho toàn thể hội-thánh khắp đất của Nhân-chứng Giê-hô-va trong “ngày của Chúa”. Vậy các thông điệp này là dành cho chúng ta ngày nay! Chúng ta nên năng “nghe lời [thánh linh] phán cùng các Hội-thánh”, vì những sự cảnh giác và nhắn nhủ là để khuyến khích chúng ta trung thành—được chấp nhận vì cớ các việc làm và sự “yêu-thương... đức-tin... sự hầu việc trung-tín... lòng nhịn-nhục” của chúng ta (Khải-huyền 1:10; 2:7, 10, 19).
6. Làm thế nào chúng ta có thể thu được lợi ích từ mỗi thông điệp gửi cho bảy hội-thánh ở Á-Châu?
6 Giống như hội-thánh tại Ê-phê-sô, chúng ta có thể đã trung thành làm việc khó nhọc và ghét bỏ các việc làm của những kẻ bội đạo chia rẽ bè phái, nhưng nếu sự yêu thương của chúng ta yếu đi bằng cách này hay cách khác, chúng ta hãy ăn năn mà lấy lại sự yêu thương lúc ban đầu với tất cả sự phấn khởi nồng nhiệt! Giống như tín đồ đấng Christ giàu có về thiêng liêng tại Si-miệc-nơ, chúng ta hãy gắng sức không sợ hãi để đạt đến giải thưởng, chứng tỏ chúng ta “trung-tín cho đến chết” nếu cần. Giống như những người bị Sa-tan thử thách tại Bẹt-găm, chúng ta nên ăn năn hối cải về mọi sự thờ hình tượng, gian dâm, hay chia rẽ bè phái. Tín đồ tại Thi-a-ti-rơ đã được kêu gọi hầu cảnh giác đề phòng chống lại những sự quyến rũ thể ấy, đặc biệt chống lại các ảnh hưởng như của Giê-sa-bên. Chúng ta cũng phải cảnh giác đề phòng nữa! Bất cứ người nào đã chết đi về thiêng liêng giống như tín đồ đấng Christ tại Sạt-đe phải tỉnh dậy trong khi hãy còn kịp. Trước mặt chúng ta là một cánh cửa mở về đặc ân phụng sự, như các tín đồ đấng Christ tại Phi-la-đen-phi khi xưa đã từng có đặc ân phụng sự; mong sao chúng ta có quyền lực để chiến thắng trong giờ thử thách, như họ đã chiến thắng vậy! Nếu bất cứ người nào trong chúng ta trở nên hâm hẩm giống những người ở Lao-đi-xê, chúng ta phải tỉnh lại để nhận biết trạng thái lõa lồ thiêng liêng của chúng ta và ăn năn. Giê-su đang đứng và gõ cửa. Mong sao tất cả chúng ta đón tiếp ngài và vui hưởng một bữa ăn thiêng liêng với ngài hiện tiếp tục trong hơn 55.000 hội-thánh của chúng ta trên khắp đất! (Khải-huyền 1:11; 2:7, 10, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22).
Ngai Đức Chúa Trời, một quyển sách và một câu hỏi
7. Trong sự hiện thấy thứ hai những lời khen ngợi nào được hát lên, và bạn hưởng ứng thế nào?
7 Trong sự hiện thấy thứ hai Giăng thấy ngai đầy vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời lộng lẫy của chúng ta hiện ra giữa sự rực rỡ tuyệt mỹ, có sự phục vụ của bốn chê-ru-bin, đông đảo các thiên sứ và các tín đồ đấng Christ đã chiến thắng nay được sống lại. Thật là hào hứng làm sao bài hát ngợi khen của họ: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí, quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”! Đức Giê-hô-va trao một quyển sách vào tay đấng xứng đáng mở sách đó—sư tử của chi phái Giu-đa, Chiên Con đã bị giết, ngài trở nên đấng Cứu chuộc của chúng ta. Toàn thể sự sáng tạo ngợi khen Đức Giê-hô-va và Chiên Con (Khải-huyền 4:11; 5:2-5, 11-14).
8. Trong sự hiện thấy thứ ba của sách Khải-huyền chúng ta thấy gì, và điều này có liên hệ gì tới thời chúng ta?
8 Bây giờ đến sự hiện thấy thứ ba! Chiên Con thi hành việc mở bảy cái ấn của quyển sách. Chúng ta thấy gì? Trước tiên, Giê-su được phong làm vua ở trên trời cỡi ngựa trắng nói lên chiến sự công bình. Kế đến, kẻ cỡi con ngựa màu đỏ rực gây chiến sự toàn diện trên trái đất. Rồi con ngựa ô xuất hiện đem theo nạn đói, và sau nữa là con ngựa vàng vàng đem theo dịch lệ mà người cỡi tên là Sự chết. Hades hay Âm phủ theo sau, nuốt đi hằng triệu nạn nhân. Tất cả những điều này là “đầu sự tai-hại” làm cho nhân loại chịu khổ trong những năm 1914-18 mà những người của thế hệ nay còn sống vẫn còn nhớ rõ (Ma-thi-ơ 24:3-8). Những người kỵ mã đó hiện vẫn tiếp tục phi ngựa! Và khi các cái ấn thứ năm và thứ sáu mở ra thì những biến cố dọn đường cho «ngày thạnh-nộ lớn của Đức Giê-hô-va và của Chiên Con» xảy đến. Câu hỏi là: “Ai đứng nổi?” (Khải-huyền 6:1-17).
Những người “đứng nổi”
9. Sự hiện thấy thứ tư tiết lộ điều gì thật hào hứng?
9 Sự hiện thấy thứ tư mở màn, cho thấy ai sẽ sống sót qua khỏi ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và tại sao. Các thiên sứ giữ lại bốn luồng gió hủy diệt để cho chúng không thổi xuống trái đất trước khi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng—144.000 người—được đóng ấn xong xuôi. Sự hiện thấy cho xem tiếp một quang cảnh oai nghiêm đáng sợ: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; [họ] đứng trước ngôi [Đức Chúa Trời] và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà-là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải-huyền 7:1-10). Bạn có nhìn thấy chính mình trong số đó không?
10. a) So sánh các báo cáo về Lễ Kỷ niệm năm 1935 với năm 1988 nói lên gì về sự hiện thấy thứ tư được ứng nghiệm? b) Bây giờ có câu hỏi nào liên quan đến mỗi chúng ta, và tại sao?
10 Năm 1935 số người hiện diện tại Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su là 32.795 người. Trong số đó có 27.006 người dự phần ăn bánh uống rượu với tư cách phần còn sót lại trên đất trong số 144.000 người có hy vọng lên trời. Cùng năm đó, ít lâu sau đám đông đã được nhận rõ ra. Những người nhu mì này trông đợi được sống đời đời trong địa-đàng trên đất, họ cũng thực hành đức tin nơi máu đổ ra của Giê-su; họ đến dâng mình cho Đức Giê-hô-va, làm báp têm và hăng say phụng sự Đức Chúa Trời với triển vọng vui sướng là sống sót qua khỏi “cơn đại-nạn”. Trong dịp Lễ Kỷ niệm năm 1988 đã có 9.201.071 người hiện diện, và chỉ 8.685 người dự phần ăn bánh uống rượu. Điều này cho thấy rằng hằng triệu người ngày nay thuộc thành phần đám đông hoặc chú ý tới mục tiêu đó. Bạn sẽ “đứng nổi” với tư cách một người thuộc đám đông này trong «ngày thạnh-nộ lớn của Đức Giê-hô-va và của Chiên Con» không? Hãy làm những bước hầu “đứng nổi” tức có nghĩa sẽ được sống sót (Khải-huyền 6:15-17; 7:14-17).
Thổi loa thông báo sự phán xét của Đức Chúa Trời
11. Trong sự hiện thấy thứ năm các sự phán xét nào được loan báo như thể bằng loa, và có liên hệ thế nào tới thời chúng ta?
11 Ấn thứ bảy mở ra đây! Sự hiện thấy thứ năm của sách Khải-huyền diễn ra trước mắt. Bảy thiên sứ đứng trước Đức Chúa Trời. Họ có bảy ống loa dùng để loan báo những điều mà sau đó dân sự của Đức Giê-hô-va làm vang dội đi khắp đất kể từ năm 1922. Bốn loa đầu thông báo những sự phán xét trên “một phần ba” nhân loại, hiển nhiên đó là những người sống trong những nước mà phần đông tự xưng theo đấng Christ. Các “loa” này cho thấy rằng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nhắm xuống tất cả các mục tiêu sau đây: phần “đất” (các nước có vẻ như vững chắc hơn thuộc hệ thống mọi sự của Sa-tan) và “biển” (khối nhân loại nhiều xáo động), cũng như “các sông lớn và các suối nước” (giáo lý và triết học của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ) và các tinh tú hết chiếu sáng (giới chức giáo phẩm không còn ánh sáng thiêng liêng nữa). Kế đến, một “chim phụng-hoàng” bay bổng hiện ra giữa trời, tượng trưng một thiên sứ, thông báo rằng còn phải thổi ba tiếng loa nữa có nghĩa “khốn thay! khốn thay! khốn thay cho những dân-sự trên đất” (Khải-huyền 8:1-13).
12. Ai mở vực sâu ra, và thời nay bầy “châu-chấu” chích giới chức giáo phẩm ra sao?
12 Rồi đến thiên sứ thứ năm thổi loa. Nhìn kìa! “Một ngôi sao”—Chúa Giê-su—mở vực sâu bốc khói, và một bầy châu chấu đông nghịt từ dưới bay lên. Điều này tượng trưng cho việc đáng lưu ý là Giê-su giải cứu các nhân-chứng được xức dầu của Đức Chúa Trời từ trạng thái ngưng hoạt động năm 1919. Với quyền phép Đức Chúa Trời những người này tàn phá đồng cỏ của giới chức giáo phẩm, vạch trần các sự giảng dạy sai lầm và sự giả hình của chúng trong vòng “năm tháng” ròng—cả cuộc đời của con châu chấu. Điều này xác nhận rằng thế hệ các châu chấu thời nay “chẳng qua” trước khi Đức Giê-hô-va và đấng Christ phán xét xong các nước. Bầy châu chấu này đã trao rồi vào tay người ta hằng tỷ sách báo dựa trên Kinh-thánh, chứa đựng những thông điệp phán xét nóng bỏng chích đau điếng người như đuôi con bò cạp. Giăng bình luận: “Nạn thứ nhứt đã qua: nay còn hai nạn nữa đến sau nó” (Khải-huyền 9:1-12; Ma-thi-ơ 24:34; 25:31-33).
13. a) Bốn thiên sứ được thả ra cạnh bờ sông Ơ-phơ-rát tượng trưng cho ai, và họ phải làm công việc nào? b) Hằng trăm triệu lính kỵ là ai, và làm thế nào mà quyền phép của họ “ở nơi miệng và đuôi”?
13 Loa thứ sáu thổi lên, đưa đến “nạn” thứ hai. Bốn thiên sứ được thả ra cạnh bờ sông Ơ-phơ-rát, tượng trưng một cách thích nghi cho việc các nhân-chứng được xức dầu của Đức Chúa Trời bị giam cầm trong Ba-by-lôn được thả ra năm 1919. Họ đã được sửa soạn để “tiêu-diệt một phần ba loài người”, nói cho biết rằng giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã chết theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Nhưng cần phải có sự giúp đỡ để mở rộng công việc làm chứng này, và Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ này bằng cách đem đến một đám đông những người cùng làm việc. Các nhân-chứng được xức dầu và những người giúp việc cùng nhau hợp lại thành một đạo lính kỵ đông không đếm xuể, “hai trăm triệu”. Quyền phép của họ “ở nơi miệng” theo nghĩa họ nói ra các thông điệp về sự phán xét của Đức Giê-hô-va tại nhà người ta, và «ở nơi đuôi» theo nghĩa họ để lại sau lưng họ các sách báo giúp hiểu Kinh-thánh công bố ngày báo thù của Ngài sắp đến cách nhanh chóng (Khải-huyền 9:13-21; Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21).
14. a) “Thiên-sứ... mạnh lắm” trong sự hiện thấy thứ sáu là ai, và ngài làm gì, nói gì? b) Quyển sách nhỏ có vị “ngọt như mật” và “đắng ở trong bụng” nghĩa là sao?
14 Bây giờ sự hiện thấy thứ sáu mở màn. Chúng ta thấy một “thiên-sứ... mạnh lắm”, hiển nhiên là Chúa Giê-su trong một vai trò đặc biệt. Ngài cầm quyển sách nhỏ trong tay. Người ta nghe tiếng nói và tiếng sấm sét vang rền, và rồi vị thiên sứ quả quyết nhân danh Đấng Tạo hóa Cao cả của chúng ta mà rằng: “Không còn có thì-giờ nào nữa; nhưng đến ngày mà vị thiên-sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình thổi loa thì sự mầu-nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn”. Giăng được lệnh cầm lấy quyển sách nhỏ và ăn đi. Trong miệng ông sách đó “ngọt như mật”, cũng như thông điệp Nước Trời, với các ân phước được hứa về “trời mới [và] đất mới”, có vị ngon ngọt đối với lớp người được xức dầu và bạn đồng hành của họ ngày nay. Nhưng, trái lại, sứ mạng rao truyền ngày báo thù của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên “nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng và nhiều vua” thì đắng và khó tiếp nhận đối với một số người. Hãy can đảm lên! Hãy đứng vững trong sự tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho bạn sức lực cần thiết để công bố về ngày báo thù của Ngài (Khải-huyền 10:1-11; 21:1, 4; I Giăng 5:4; Ê-sai 40:29-31; 61:1, 2).
Loa thứ bảy và nạn thứ ba
15. a) Điều gì xảy ra khi nạn thứ ba được thông báo và thiên sứ thứ bảy thổi loa? b) Bằng cách nào sự loan báo về Nước Trời lại là một điều nạn?
15 Sau khi nói tiên tri về việc kẻ thù cố “giết đi” các nhân-chứng của Đức Chúa Trời năm 1918 và miêu tả “sanh-khí từ Đức Chúa Trời đến” làm họ sống lại cách huyền diệu vào năm 1919 để thực hiện sự làm chứng hoàn cầu, Giăng viết: “«Nạn» thứ nhì qua rồi; nầy «nạn» thứ ba đến mau-chóng”. Bằng cách nào? Kinh-thánh nói tiếp: “Vị thiên-sứ thứ bảy thổi loa”. Vậy nạn thứ ba gắn liền với việc thổi cái loa cuối cùng đó. Và nghe đây! “Có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế-gian thuộc về [Đức Giê-hô-va] Chúa chúng ta và đấng Christ của Ngài, ngài sẽ trị-vì đời đời”. Đây là Nước Đức Chúa Trời do Giê-su Christ, đấng cùng với 144.000 người đồng kể tự, làm cho sự bí mật thánh của Đức Chúa Trời được thể hiện, biện minh cho quyền thống trị đời đời của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn năng. Sự loan báo về Nước Trời lại là một điều nạn ư? Đúng, đối với kẻ ác! Bởi vì sự loan báo này cho thấy cách Đức Chúa Trời sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” (Khải-huyền 11:1-19).
16. Sự hiện thấy thứ bảy mở màn cho những điều tiết lộ đột ngột nào?
16 Bây giờ đến lượt sự hiện thấy thứ bảy diễn ra! Nào, hãy nhìn xem “người nữ” của Đức Chúa Trời, tức tổ chức biết phục tùng của Ngài. Bà mang thai và đang ở cữ sắp sanh ra một con trai hằng mong đợi. Lần đầu tiên—nhưng không phải lần cuối cùng—ta thấy xuất hiện trong sách Khải-huyền một con rồng màu đỏ lửa, “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”, nhất định nuốt trửng đứa con trai sanh ra. Sự kiện “dòng-dõi [con rắn] cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau” từng được nói tiên tri tiến tới hồi quyết liệt! Người nữ hạ sanh “một con trai”, con này liền được bồng tới trước ngai Đức Chúa Trời (Khải-huyền 12:1-6, 9; Sáng-thế Ký 3:15; Đa-ni-ên 2:44; 7:13, 14).
17. a) Mi-chen là ai, và làm thế nào ngài xứng đáng mang danh này từ năm 1914? b) Hãy làm sự phân biệt giữa «ba nạn» và sự “khốn-nạn cho đất” nơi Khải-huyền 12:12.
17 Đây là Nước Trời được ví như người con trai, thành lập ở trên trời trong năm lịch sử 1914. Vua nước đó là Giê-su Christ cũng được gọi là Mi-chen, tên có nghĩa “Ai giống như Đức Chúa Trời?”. Ngài không chần chờ trả lời câu hỏi đó bằng cách tranh chiến với Sa-tan và quăng con rồng xưa và các quỉ sứ hắn xuống vùng gần đất. Từ năm 1914 điều này đem lại sự “khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. Tuy vậy không nên nhầm lẫn sự khốn khó này thể hiện rõ qua tình trạng đáng buồn của nhân loại ngày nay với «ba nạn» mà Đức Giê-hô-va giáng trên kẻ ác trong thời gian Ngài phán xét chúng (Khải-huyền 12:7-12).
18. a) Sa-tan Ma-quỉ cố gây sự khốn khó gì cho các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va trong thời kỳ Thế Chiến thứ II và trước đó? b) Ma-quỉ vẫn còn cương quyết làm gì, và những sự hiện thấy còn lại sẽ tiết lộ gì?
18 Ma-quỉ cũng cố gây sự khốn khó cho các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va trên đất. Trong thời kỳ Thế Chiến thứ II và trước đó, hắn tung ra một loạt các sự bắt bớ như nước lũ nhằm cố gắng làm tắc nghẽn công việc của “con-cái khác [những người còn sót lại]” của tổ chức Đức Chúa Trời được ví như một người đàn bà—những người thuộc trong số 144.000 vẫn còn phụng sự giữa nhân loại. Đức Giê-hô-va đã làm thế nào cho trái đất, tức hệ thống mọi sự của chính Sa-tan, nuốt đi nước lũ đó. Tuy nhiên, một kẻ đầy phẫn nộ như Sa-tan vẫn còn nhất quyết gây chiến chống lại Nhân-chứng Giê-hô-va (Khải-huyền 12:13-17). Kết cuộc sẽ là gì? Còn có chín sự hiện thấy nữa sẽ nói cho chúng ta biết! (Ha-ba-cúc 2:3).
CÂU HỎI ÔN LẠI
□ Đức Giê-hô-va làm sao dùng thiên sứ liên quan tới sách Khải-huyền?
□ Các thông điệp của Giê-su cho bảy hội-thánh ảnh hưởng thế nào tới chúng ta?
□ Việc thổi bảy loa đem lại thành quả gì?
□ Bầy châu chấu và đoàn lính kỵ mã không ai đếm xuể tượng trưng gì?
□ Tại sao sự kiện Nước Đức Chúa Trời được thành lập gắn liền với “nạn thứ ba”?
[Khung nơi trang 12]
ĐOẠN VÀ CÂU CỦA MỖI SỰ HIỆN THẤY:
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 1 Khải-huyền 1:10 ĐẾN 3:22
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 2 Khải-huyền 4:1 ĐẾN 5:14
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 3 Khải-huyền 6:1-17
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 4 Khải-huyền 7:1-17
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 5 Khải-huyền 8:1 ĐẾN 9:21
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 6 Khải-huyền 10:1 ĐẾN 11:19
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 7 Khải-huyền 12:1-17
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 8 Khải-huyền 13:1-8
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 9 Khải-huyền 14:1-20
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 10 Khải-huyền 15:1 ĐẾN 16:21
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 11 Khải-huyền 17:1-18
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 12 Khải-huyền 18:1 ĐẾN 19:10
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 13 Khải-huyền 19:11-21
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 14 Khải-huyền 20:1-10
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 15 Khải-huyền 20:11 ĐẾN 21:8
◻ SỰ HIỆN THẤY THỨ 16 Khải-huyền 21:9 ĐẾN 22:5
[Khung/Các hình nơi trang 13-16]
16 SỰ HIỆN THẤY TRONG SÁCH KHẢI-HUYỀN—MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT
1 Giê-su đứng giữa bảy chân đèn tượng trưng bày hội-thánh gửi các thông điệp đầy yêu thương qua trung gian bày ngôi sao, tức các giám thị được xức dầu
2 Trước ngôi Đức Giê-hô-va ở trên trời Chiên Con vinh hiển nhận lấy một quyển sách ghi chúng các thông điệp chứa đựng sự phán xét
3 Giê-su Christ cỡi ngựa đi chinh phục, trong khi những kẻ cỡi ngựa khác làm thống khổ nhân loại và ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời đến gần
4 Trong khi các thiên sứ cầm giữ hoạn nạn lớn lại, công việc gom góp 144.000 người và đám đông “vô số người” được hoàn tất
5 Các thiên sứ thổi loa loan báo thông điệp chứa đựng sự phán xét, và Nhân-chứng Giê-hô-va đông đảo như bầy châu chấu đi vạch trần tôn giáo giả
6 Khi thổi loa thứ bảy các “nhân-chứng” của Đức Chúa Trời được sống lại để thông báo Nước Trời sắp đến của Đức Giê-hô-va và đấng Christ của Ngài
7 Liền sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914, đấng Christ quăng Sa-tan và các quỉ sứ hắn xuống vùng gần đất
8 Hai con thú dữ xuất hiện, và con thú chính trị thứ hai hà hơi cho tổ chức LHQ, tức một tượng của con thú thứ nhất
9 Những người trong nhân loại “kinh-sợ Đức Chúa Trời và tôn-vinh Ngài” được gặt cho sự sống đời đời, những kẻ khác cho sự hủy diệt
10 Bảy chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời được trút xuống, điều này đạt đến cao điểm bằng việc hành quyết tất cả những kẻ hít thờ “không-khí” bẩn thỉu của Sa-tan
11 Đại dâm phụ tức tôn giáo giả bị hất văng khỏi lưng “con thú” chính trị, rồi bị con thú này tàn phá tan nát
12 Sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt là sự hoàn tất các sửa soạn chót cho lễ cưới giữa Chiên Con và vợ là 144.000 người
13 Sau khi đại dâm phụ bị hủy diệt, Giê-su thống lãnh đạo binh trên trời đi hủy diệt phần còn lại của hệ thống trên đất của Sa-tan
14 Việc quăng Sa-tan xuống vực sâu mở đường cho Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ và vợ là 144.000 người
15 Dưới sự cai trị của “trời mới” do Giê-su Christ và vợ ngài, “đất mới” là xã hội loài người sẽ vui hưởng ân phước vô tả từ Đức Giê-hô-va
16 Những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm chữa lành và ban sự sống cho nhân loại được đổ ra giống như sông từ Giê-ru-sa-lem Mới vinh hiển chảy xuống