Lúc cần phải tỉnh thức
“Trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã... Song ai cứ bền lòng đến cuối-cùng, người ấy sẽ được cứu” (MÁC 13:10, 13).
1. Tại sao chúng ta phải bền lòng chịu đựng và tỏ ra can đảm?
CHÚNG TA phải bền lòng chịu đựng giữa thế hệ không tin và ngang ngược này! Kể từ năm 1914 cả một thế hệ đã trở nên thối nát, cũng như trong thời Giê-su. Và ngày nay sự thối nát đó xảy ra trên toàn thế giới. Trong “ngày sau-rốt” này, “những thời-kỳ khó-khăn” mà sứ đồ Phao-lô miêu tả đang gây đau khổ cho loài người. ‘Những kẻ hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ’. Rõ ràng là “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, tức Sa-tan Ma-quỉ, là kẻ đang dồn hết nỗ lực cuối cùng để phá hoại trái đất. Nhưng hãy can đảm lên! “Cơn đại-nạn” sắp đến sẽ đem lại sự giải thoát vĩnh viễn cho mọi người yêu chuộng sự công bình (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13; I Giăng 5:19; Khải-huyền 7:14).
2. Lời tiên tri đã ứng nghiệm vào năm 1914 như thế nào?
2 Điều vui mừng là Đức Giê-hô-va giờ đây đã phong Chúa Giê-su Christ làm vua ở trên trời, để chuẩn bị hủy diệt kẻ thù đàn áp loài người (Khải-huyền 11:15). Lời tiên tri về đấng Mê-si hiện diện lần đầu tiên được ứng nghiệm ra sao, thì trong thế kỷ này một lời tiên tri đặc biệt do Đa-ni-ên viết cũng đã được ứng nghiệm như vậy. Nơi Đa-ni-ên 4:16, 17, 32, chúng ta được biết là quyền cai trị chính thức trên đất bị gián đoạn trong thời gian “bảy kỳ”. Trong lần ứng nghiệm chính yếu, bảy kỳ này tính ra là bảy năm trong Kinh-thánh, mỗi năm gồm có 360 ‘ngày’, hoặc tổng cộng là 2.520 năm.a Bảy kỳ này bắt đầu từ năm 607 trước công nguyên, khi xứ Ba-by-lôn bắt đầu giày đạp nước Y-sơ-ra-ên, cho đến năm 1914 công nguyên, năm Giê-su lên ngôi ở trên trời với tư cách là vị Vua chính thức của loài người. Rồi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt (Lu-ca 21:24). Nhưng các nước đã từ chối không chịu nhường chỗ cho Nước Trời của đấng Mê-si sắp đến (Thi-thiên 2:1-6, 10-12; 110:1, 2).
3, 4. a) Chúng ta có thể so sánh những biến cố trong thế kỷ thứ nhất với những biến cố trong thời của chúng ta như thế nào? b) Chúng ta có thể hỏi những câu hỏi thích đáng nào?
3 Khi tuần lễ thứ 70 của năm (29-36 công nguyên) sắp đến, và một lần nữa khi gần đến năm 1914, những người kính sợ Đức Chúa Trời mong đợi đấng Mê-si đến. Và ngài đã đến thật! Nhưng trong mỗi trường hợp, cách ngài đến không giống như sự mong mỏi của người ta. Và cũng trong mỗi trường hợp, sau một thời gian tương đối ngắn, một “thế hệ” gian ác cuối cùng phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:34, NW).
4 Trong bài trước, chúng ta thấy thế hệ Do Thái hung ác đòi giết Giê-su đã bị chấm dứt. Vậy còn thế hệ loài người bại hoại giờ đây đang chống đối hay coi thường ngài thì sao? Khi nào thế hệ không tin này sẽ bị phán xét?
“Hãy tỉnh-thức”!
5. a) Chúng ta có lý do hợp lý nào để không cần phải biết “ngày và giờ” của Đức Giê-hô-va? b) Theo Mác, Giê-su kết luận lời tiên tri của ngài với lời khuyên bảo lành mạnh nào?
5 Sau khi tiên tri về các biến cố dẫn đến kỳ “hoạn-nạn lớn”, Giê-su nói tiếp: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:3-36; Mác 13:3-32). Chúng ta không cần biết chính xác khi nào các biến cố sẽ xảy ra. Ngược lại, chúng ta phải chú tâm đến việc đề cao cảnh giác, vun trồng đức tin mạnh mẽ và tiếp tục bận rộn trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va—chứ không phải đến việc tính toán ngày giờ. Giê-su kết luận lời tiên tri quan trọng của ngài khi nói: “Hãy giữ mình, tỉnh-thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào... Hãy thức canh... Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh-thức!” (Mác 13:33-37). Mối nguy hiểm đang núp trong bóng tối của thế gian ngày nay. Chúng ta phải tỉnh thức! (Rô-ma 13:11-13).
6. a) Chúng ta phải đặt đức tin vững chắc nơi đâu? b) Làm thế nào chúng ta có thể “đếm các ngày chúng ta”? c) Giê-su thật ra có ý gì khi đề cập đến “thế hệ”?
6 Không những chúng ta phải chú ý đến các lời tiên tri được soi dẫn nói về những ngày sau rốt của hệ thống hung ác mà ta còn phải đặt đức tin vững chắc chủ yếu trên sự hy sinh quí báu của Giê-su Christ và những lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời dựa trên sự hy sinh đó (Hê-bơ-rơ 6:17-19; 9:14; I Phi-e-rơ 1:18, 19; II Phi-e-rơ 1:16-19). Vì sốt sắng muốn thấy hệ thống gian ác này chấm dứt, có khi dân sự của Đức Giê-hô-va suy đoán về ngày giờ khi nào “hoạn-nạn lớn” sẽ xảy ra, ngay cả liên kết thời điểm này với việc tính toán quãng thời gian của thế hệ kể từ 1914. Tuy nhiên, chúng ta “được lòng khôn-ngoan”, không phải nhờ việc suy đoán một thế hệ kéo dài bao nhiêu ngày hoặc bao nhiêu năm, nhưng nhờ việc suy nghĩ làm sao “đếm các ngày chúng ta” trong việc vui mừng ca ngợi Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 90:12, NW). Thay vì đưa ra một quy tắc để tính ngày giờ, từ ngữ “thế hệ” theo nghĩa mà Giê-su đã dùng, chủ yếu nói đến những người đương thời sống ở một giai đoạn trong lịch sử với những đặc điểm riêng biệt.b
7. Một giáo sư sử học viết gì về “thế hệ 1914”, và điều này liên kết thế nào với lời tiên tri của Giê-su?
7 Phù hợp với sự kiện trên, giáo sư sử học Robert Wohl viết trong sách The Generation of 1914 (Thế hệ 1914): “Một thế hệ trong lịch sử không thể được định rõ bởi những giới hạn thời gian... Đó không phải là một vấn đề ngày tháng”. Nhưng ông cho thấy rằng Thế chiến I đã tạo ra “một sự tách rời rõ rệt với quá khứ”, và ông nói tiếp: “Những người sống qua cuộc chiến đó không thể dứt bỏ được ý nghĩ rằng một thế giới đã chấm dứt và một thế giới khác đã bắt đầu vào tháng 8 năm 1914”. Thật đúng làm sao! Lời miêu tả này nhắm thẳng vào điểm then chốt của vấn đề. “Thế hệ này” của loài người kể từ năm 1914 đã trải qua nhiều sự thay đổi khủng khiếp. Người ta đã thấy trái đất đẫm máu của hàng triệu người. Chiến tranh, tội diệt chủng, khủng bố, tội ác và sự phạm pháp đã lan ra trên khắp thế giới. Đói kém, bệnh tật và sự vô luân đang đe dọa thế giới của chúng ta. Giê-su tiên tri: “Cũng vậy, khi các ngươi [môn đồ ngài] thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng-dõi [thế hệ, NW] nầy chẳng qua trước khi mọi sự kia chưa xảy đến” (Lu-ca 21:31, 32).
8. Những nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va nhấn mạnh vấn đề cần phải tỉnh thức như thế nào?
8 Đúng vậy, sự chiến thắng hoàn toàn của Nước Trời qua đấng Mê-si gần kề! Vậy việc tìm cho ra ngày giờ hay suy đoán một “thế hệ” kéo dài bao lâu thì có lợi gì không? Chắc chắn không! Ha-ba-cúc 2:3 nói rõ ràng: “Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. Ngày phán xét của Đức Giê-hô-va nhanh chóng tiến gần hơn bao giờ hết (Giê-rê-mi 25:31-33; Ma-la-chi 4:1).
9. Kể từ 1914 có những diễn biến nào cho thấy rằng thì giờ còn lại là chẳng bao nhiêu?
9 Khi đấng Christ bắt đầu cai trị Nước Trời vào năm 1914, Sa-tan bị quăng xuống đất. Điều này có nghĩa là “khốn-nạn cho đất... vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Thật vậy thì giờ đó còn chẳng bao nhiêu khi so sánh với hàng ngàn năm dưới sự cai trị của Sa-tan. Nước Trời gần đến rồi, và ngày giờ của Đức Giê-hô-va để thi hành sự phán xét trên thế hệ hung ác này cũng sắp đến! (Châm-ngôn 3:25; 10:24, 25).
“Thế hệ” qua đi
10. “Thế hệ này” giống thời của Nô-ê như thế nào?
10 Chúng ta hãy xem xét cặn kẽ hơn lời Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:34, 35 [NW]: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, thế hệ này chẳng qua trước khi mọi điều kia xảy ra. Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi”. Những lời Giê-su nói tiếp cho thấy rằng ‘không ai biết ngày và giờ đó’. Ngài cho thấy điều quan trọng hơn bội phần là chúng ta phải tránh những cạm bẫy ở xung quanh ta trong thế hệ này. Do đó, Giê-su nói thêm: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:36-39). Ở đây Giê-su so sánh thế hệ trong thời ngài với thế hệ của thời Nô-ê (Sáng-thế Ký 6:5, 9).
11. Theo Ma-thi-ơ và Lu-ca kể lại, Giê-su so sánh hai ‘thế hệ’ như thế nào?
11 Đây không phải là lần đầu tiên các sứ đồ nghe Giê-su so sánh hai ‘thế hệ’, vì mấy ngày trước đó ngài nói về chính mình: “Con người... phải chịu đau-đớn nhiều, và bị dòng-dõi [thế hệ, NW] nầy bỏ ra. Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con người” (Lu-ca 17:24-26). Do đó, Ma-thi-ơ đoạn 24 và Lu-ca đoạn 17 có sự so sánh tương tự. Vào thời Nô-ê, “thế hệ này” là “hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại” và tất cả đã bị hủy diệt trong trận Nước Lụt. Vào thời Giê-su, “thế hệ này” là dân Do Thái bội đạo đã chối bỏ Giê-su (Sáng-thế Ký 6:11, 12; 7:1).
12, 13. a) Ngày nay “thế hệ này” phải qua đi là thế hệ nào? b) Giờ đây, làm thế nào dân sự của Đức Giê-hô-va đối phó với “dòng-dõi [thế hệ, NW] hung-ác ngang-nghịch”?
12 Do đó, ngày nay trong lần ứng nghiệm cuối cùng của lời tiên tri của Giê-su, hiển nhiên “thế hệ này” nói đến những người trên đất thấy dấu hiệu của đấng Christ hiện diện nhưng lại không chịu sửa đổi lối sống của mình. Ngược lại, là môn đồ của Giê-su, chúng ta từ chối không để cho lối sống của “thế hệ này” ảnh hưởng chúng ta. Dù sống trong thế gian, chúng ta không phải thuộc về thế gian, “vì thì-giờ đã gần rồi” (Khải-huyền 1:3; Giăng 17:16). Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm và lưỡng-lự, hầu cho anh em ở giữa dòng-dõi [thế hệ, NW] hung-ác ngang-nghịch, được nên con-cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng-dõi [thế hệ, NW] đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế-gian” (Phi-líp 2:14, 15; Cô-lô-se 3:5-10; I Giăng 2:15-17).
13 Sự kiện chúng ta “chiếu sáng như đuốc” không những bao gồm việc chúng ta bày tỏ một nhân cách trong sạch của tín đồ đấng Christ mà quan trọng hơn hết, chúng ta còn phải thi hành sứ mạng mà Giê-su đã tiên tri: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Không một ai có thể nói khi nào sự cuối cùng sẽ đến, nhưng chúng ta biết rằng sự cuối cùng của “thế hệ” loài người hung ác sẽ đến một khi sự làm chứng được rao ra “cho đến cùng trái đất” theo ý của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).
“Ngày và giờ đó”
14. Cả Giê-su lẫn Phao-lô cho lời khuyên nhủ nào liên quan đến “thời và kỳ”, và chúng ta nên phản ứng thế nào?
14 Khi công việc làm chứng trên toàn cầu đã đạt đến mức Đức Giê-hô-va ấn định, thì đó sẽ là “ngày và giờ” mà ngài hủy bỏ hệ thống của thế gian này. Chúng ta không cần biết trước ngày đó là ngày nào. Do đó, noi theo gương của Giê-su, sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ: “Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em; vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu”. Hãy chú ý đến điều Phao-lô chú tâm: “Khi người ta sẽ nói”. Đúng vậy, khi họ nói về “bình-hòa và an-ổn”, lúc mà người ta không ngờ đến, thì sự phán xét của Đức Chúa Trời thình lình giáng trên họ. Thật thích hợp thay lời khuyên của Phao-lô: “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và giè-giữ”! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3, 6; cũng xem I Tê-sa-lô-ni-ca 5 câu 7-11; Công-vụ các Sứ-đồ 1:7).
15, 16. a) Tại sao chúng ta không nên nghĩ rằng ngày Ha-ma-ghê-đôn còn xa hơn là mình nghĩ? b) Quyền thống trị của Đức Giê-hô-va sẽ được thấy rõ trong tương lai gần đây như thế nào?
15 Có phải việc chúng ta hiểu chính xác hơn về “thế hệ này” có nghĩa là ngày Ha-ma-ghê-đôn còn xa hơn là mình nghĩ không? Chắc chắn không! Dù chúng ta chưa từng biết “ngày và giờ”, nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn luôn biết điều đó, và ngài không thay đổi (Ma-la-chi 3:6). Hiển nhiên, thế gian này càng ngày càng lún sâu vào sự suy đồi vô phương cứu chữa. Vấn đề cần phải tỉnh thức là thiết yếu hơn bao giờ hết. Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta biết “những điều kíp phải xảy đến”, và để đáp lại, chúng ta phải hành động với tinh thần cấp bách (Khải-huyền 1:1; 11:18; 16:14, 16).
16 Khi ngày đó đến gần, hãy tỉnh thức, vì Đức Giê-hô-va sắp giáng xuống tai họa trên mọi hệ thống của Sa-tan! (Giê-rê-mi 25:29-31). Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ làm sáng danh ta, sẽ tỏ mình ra thánh, và sẽ được nhận-biết trước mắt nhiều dân-tộc. Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 38:23). “Ngày của Đức Giê-hô-va” đã gần rồi! (Giô-ên 1:15; 2:1, 2; A-mốt 5:18-20; Sô-phô-ni 2:2, 3).
“Trời mới đất mới” công bình
17, 18. a) Theo Giê-su và Phi-e-rơ, “thế hệ này” sẽ qua đi như thế nào? b) Tại sao chúng ta phải tiếp tục để ý đến hạnh kiểm và hành động tin kính của chúng ta?
17 Giê-su nói về ‘những điều phải xảy ra’: “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:34, 35). Giê-su chắc nghĩ đến “trời đất”—những nhà cai trị và những người họ cai trị—của “thế hệ này”. Sứ đồ Phi-e-rơ dùng những từ tương tự khi nói đến “trời đất thời bây giờ... để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”. Kế đến ông miêu tả “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời [chính phủ] sẽ... qua đi” cùng với xã hội loài người bại hoại, hoặc “đất”, và các công việc của tội lỗi. Rồi sứ đồ khuyên giục chúng ta hãy “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi [chúng ta] chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan-chảy đi”. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Phi-e-rơ hướng sự chú ý của chúng ta đến ‘trời mới và đất mới là nơi sự công bình ăn ở’ (II Phi-e-rơ 3:7, 10-13).c
18 “Trời mới” đó, tức sự cai trị của Nước Trời qua Giê-su Christ và các vua cộng sự với ngài, sẽ ban ân phước dồi dào cho “đất mới”, tức xã hội loài người công bình. Bạn sẽ là thành viên của xã hội đó trong tương lai không? Nếu có, bạn có lý do để vui mừng về tương lai huy hoàng dành sẵn cho bạn! (Ê-sai 65:17-19; Khải-huyền 21:1-5).
19. Giờ đây chúng ta có thể có được đặc ân nào?
19 Đúng vậy, một “thế hệ” gồm những người công bình giờ đây đang được thâu nhóm. Ngày nay những người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được xức dầu đang cung cấp sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời phù hợp với những lời nơi Thi-thiên 78:1, 4: “Hỡi dân-sự ta, hãy lắng tai nghe luật-pháp ta; hãy nghiêng tai qua nghe lời của miệng ta..., thuật lại cho dòng-dõi hậu-lai những sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va, quyền-năng Ngài, và công-việc lạ-lùng mà Ngài đã làm” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Vào ngày 14 tháng 4 năm nay, trong hơn 75.500 hội thánh ở khoảng 230 xứ, có hơn 12.000.000 người trên khắp trái đất đã dự Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ. Bạn đã có mặt trong số những người đó không? Mong sao bạn đặt đức tin nơi Giê-su Christ và ‘kêu cầu danh Đức Giê-hô-va để được cứu’ (Rô-ma 10:10-13).
20. Vì “thì-giờ ngắn-ngủi”, làm sao chúng ta có thể tỉnh thức, và với triển vọng nào?
20 Sứ đồ Phao-lô nói: “Thì-giờ ngắn-ngủi”. Do đó, bây giờ là lúc phải tỉnh thức hơn bao giờ hết và bận rộn trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va, trong khi chúng ta chịu đựng những thử thách và sự ghen ghét mà thế hệ hung ác của loài người gây ra (I Cô-rinh-tô 7:29; Ma-thi-ơ 10:22; 24:13, 14). Chúng ta hãy cảnh giác, quan sát mọi điều mà Kinh-thánh báo trước sẽ xảy đến cho “thế hệ này” (Lu-ca 21: 31-33, NW). Nếu chúng ta thoát khỏi những điều này và có vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận trước mặt Con người thì cuối cùng chúng ta có thể đạt được phần thưởng là sự sống đời đời.
[Chú thích]
a Muốn thêm chi tiết về “bảy kỳ”, xin xem sách “Let Your Kingdom Come” (“Nước Cha được đến”), trang 127-139, 186-189, do Hội Tháp Canh xuất bản.
b Xem sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh-thánh), Quyển 1, trang 918, do Hội Tháp Canh xuất bản.
c Cũng xem sách Our Incoming World Government—God’s Kingdom (Chính phủ thế giới sắp tới—Nước Đức Chúa Trời), trang 152-156 và 180-181, do Hội Tháp Canh xuất bản.
Câu hỏi ôn lại:
◻ Khi thấy sự ứng nghiệm nơi Đa-ni-ên 4:32, giờ đây chúng ta phải giữ mình “tỉnh-thức” như thế nào?
◻ Sách Phúc Âm của Ma-thi-ơ và Lu-ca nhận diện “thế hệ này” như thế nào?
◻ Trong khi chúng ta chờ đợi “ngày và giờ đó”, chúng ta quan sát điều gì và chúng ta nên phản ứng thế nào?
◻ Chúng ta được khuyến khích làm gì nhờ có triển vọng về “trời mới đất mới” trong sự công bình?
[Hình nơi trang 17]
Loài người đau khổ sẽ được giải thoát khi hệ thống hung bạo và gian ác này qua đi
[Nguồn tư liệu]
Alexandra Boulat/Sipa Press
[Nguồn tư liệu]
Bên trái và dưới: Luc Delahaye/Sipa Press
[Hình nơi trang 18]
“Trời mới đất mới” huy hoàng sắp đến với mọi chủng tộc