‘Mọi việc đều có kỳ định’
“Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định”.—TRUYỀN-ĐẠO 3:1.
1. Loài người bất toàn có khó khăn nào, và trong vài trường hợp, điều này dẫn họ đến gì?
NGƯỜI TA thường nói: “Phải chi tôi làm điều đó sớm hơn”. Hay là có thể nói sau khi chuyện đã xảy ra: “Đáng lẽ tôi nên đợi”. Những phản ứng đó cho thấy loài người bất toàn khó biết được khi nào là đúng lúc để làm điều nào đó. Sự hiểu biết hạn hẹp này đã làm tan vỡ những mối quan hệ. Nó dẫn đến thất vọng và bực tức. Tệ hơn cả là nó làm yếu đức tin của một số người nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài.
2, 3. (a) Tại sao chấp nhận sự ấn định thì giờ của Đức Giê-hô-va là đường lối khôn ngoan? (b) Nói về sự ứng nghiệm của lời tiên tri Kinh Thánh, chúng ta nên có quan điểm thăng bằng nào?
2 Đức Giê-hô-va có được sự khôn ngoan và sáng suốt mà loài người không có. Do đó, Ngài có khả năng biết trước kết quả của mọi hành động nếu Ngài muốn. Ngài có thể biết “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”. (Ê-sai 46:10) Vì vậy, Ngài có thể chọn thì giờ thích hợp nhất để làm bất cứ điều gì Ngài muốn mà không lầm lẫn. Vậy, thay vì tin cậy nơi cảm giác riêng không chính xác của mình về việc khi nào điều gì đó nên xảy ra, thì chúng ta nên khôn ngoan chấp nhận sự ấn định thì giờ của Đức Giê-hô-va!
3 Thí dụ, tín đồ thành thục của Đấng Christ trung thành chờ đợi một số lời tiên tri của Kinh Thánh được ứng nghiệm vào thời điểm Đức Giê-hô-va ấn định. Họ cứ bận rộn trong việc phụng sự Ngài, đồng thời cũng nhớ rõ nguyên tắc nơi Ca-thương 3:26: “Thật tốt cho người trông-mong và yên-lặng đợi-chờ sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va”. (So sánh Ha-ba-cúc 3:16). Đồng thời, họ tin rằng việc thi hành sự phán xét đã được loan báo của Đức Giê-hô-va dù “chậm-trễ,... nó chắc sẽ đến”.—Ha-ba-cúc 2:3.
4. A-mốt 3:7 và Ma-thi-ơ 24:45 giúp chúng ta như thế nào để kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va?
4 Mặt khác, nếu chúng ta không hiểu rõ hết những đoạn Kinh Thánh hoặc sự giải thích nào đó trong các ấn phẩm của Hội Tháp Canh, chúng ta có lý do để không kiên nhẫn không? Đường lối khôn ngoan là chúng ta đợi đến đúng lúc Đức Giê-hô-va làm rõ vấn đề. “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. (A-mốt 3:7) Quả là một lời hứa tuyệt diệu! Nhưng chúng ta phải nhận thức rằng Đức Giê-hô-va tỏ vấn đề kín nhiệm vào thời điểm Ngài xét là thích hợp. Vì ý định đó Đức Chúa Trời đã ủy thác “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để cung cấp cho dân Ngài “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ”. (Ma-thi-ơ 24:45, chúng tôi viết nghiêng). Vì vậy, chúng ta không có lý do nào để quá lo lắng, hoặc thậm chí bị xáo động, về vấn đề nào đó chưa được giải thích đầy đủ. Trái lại, chúng ta có thể tin tưởng rằng nếu kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cung cấp “đúng giờ” những điều cần thiết qua người đầy tớ trung tín.
5. Xem xét Truyền-đạo 3:1-8 có lợi ích gì?
5 Vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói đến 28 điều, mỗi điều đều có “kỳ định”. (Truyền-đạo 3:1-8) Hiểu được ý nghĩa và ngụ ý những gì Sa-lô-môn nói sẽ giúp chúng ta xác định—theo quan điểm Đức Chúa Trời—lúc nào là đúng hay không đúng để hành động. (Hê-bơ-rơ 5:14) Và điều này sẽ khiến chúng ta sống thích hợp theo đó.
“Có kỳ khóc, và có kỳ cười”
6, 7. (a) Ngày nay điều gì khiến những người lo âu phải “khóc”? (b) Thế gian cố làm giảm tình trạng nghiêm trọng của nó như thế nào?
6 Mặc dù có “kỳ khóc, và có kỳ cười”, nhưng ai lại chẳng thích cười hơn khóc? (Truyền-đạo 3:4) Điều đáng buồn là chúng ta sống trong thế gian có nhiều lý do khiến chúng ta phải khóc. Những điều buồn chán đầy dẫy trên tin tức. Chúng ta kinh hoàng khi nghe bọn trẻ bắn bạn bè trong trường, cha mẹ ngược đãi con cái, bọn khủng bố giết hoặc làm thương tật những nạn nhân vô tội, và những cái gọi là thiên tai hủy hoại nhân mạng và tài sản. Chúng ta thấy trên truyền hình trẻ con đói khát, mắt trũng sâu và dân tị nạn phải hối hả rời bỏ nhà cửa. Những từ trước đây không quen nghe như sự tảo thanh chủng tộc, AIDS, chiến tranh vi trùng và El Niño—mỗi tai họa trong cách riêng của nó—hiện nay làm tâm trí chúng ta phải lo âu.
7 Chắc chắn, thế gian ngày nay đầy thảm họa và đau buồn. Tuy nhiên, như thể là làm giảm sự nghiêm trọng của tình trạng đó, ngành giải trí thường đưa ra những trò nông cạn, thô bỉ, vô luân và hung bạo, có dụng ý đánh lạc hướng chúng ta để làm ngơ trước sự đau khổ của người khác. Nhưng chúng ta không nên lầm lẫn sự vui mừng chân chính với tinh thần vô tư lự bỡn cợt dại dột và cười đùa bông lông mà sự giải trí đó đem lại. Sự vui mừng là trái của thánh linh Đức Chúa Trời, là một điều mà thế gian Sa-tan không thể nào cho chúng ta.—Ga-la-ti 5:22, 23; Ê-phê-sô 5:3, 4.
8. Tín đồ Đấng Christ ngày nay nên xem việc khóc hay cười là ưu tiên? Hãy giải thích.
8 Nhận biết tình trạng tồi tệ của thế gian, chúng ta có thể hiểu rằng ngày nay hẳn không phải là lúc để xem sự cười đùa là ưu tiên. Không phải là lúc chỉ sống để tiêu khiển và giải trí hoặc đặt việc vui chơi lên trên việc theo đuổi những vấn đề thiêng liêng. (So sánh Truyền-đạo 7:2-4). Sứ đồ Phao-lô nói: ‘Kẻ dùng của thế-gian nên như kẻ chẳng dùng vậy’. Tại sao? Vì “hình-trạng thế-gian nầy qua đi”. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Tín đồ thật của Đấng Christ hàng ngày nhận biết rõ tầm nghiêm trọng của thời kỳ chúng ta đang sống.—Phi-líp 4:8.
Dù khóc, nhưng thật sự hạnh phúc!
9. Có tình trạng đáng tiếc nào trong thời trước Nước Lụt, và điều đó có nghĩa gì cho chúng ta ngày nay?
9 Dân sống vào thời Nước Lụt toàn cầu xem thường sự sống. Họ cứ làm chuyện thông lệ hàng ngày và không khóc khi thấy “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều”, lãnh đạm trước sự kiện trái đất “đầy-dẫy sự hung-ác”. (Sáng-thế Ký 6:5, 11) Chúa Giê-su nhắc đến tình trạng đáng tiếc đó và ngài báo trước người ta thời nay sẽ có cùng thái độ như thế. Ngài cảnh giác: “Trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.
10. Dân Y-sơ-ra-ên trong thời A-ghê cho thấy họ không xem trọng kỳ định của Đức Giê-hô-va như thế nào?
10 Sau trận Nước Lụt khoảng 1.850 năm, trong thời A-ghê, nhiều người Y-sơ-ra-ên cũng vậy, cho thấy họ không xem trọng vấn đề thiêng liêng. Bận tâm theo đuổi tư lợi, họ không nhận biết thời kỳ họ sống là lúc đặt quyền lợi Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Chúng ta đọc: “Dân nầy nói rằng: Thì-giờ chưa đến, tức là thì-giờ xây lại nhà Đức Giê-hô-va. Vậy nên có lời của Đức Giê-hô-va phán ra bởi đấng tiên-tri A-ghê rằng: Nay có phải là thì-giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang-vu sao? Vậy bây giờ Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Các ngươi khá xem-xét đường lối mình”.—A-ghê 1:1-5.
11. Chúng ta có thể tự hỏi những câu nào một cách thích hợp?
11 Với tư cách là Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay, với trách nhiệm và đặc ân trước mặt Đức Giê-hô-va như những người Y-sơ-ra-ên vào thời A-ghê, chúng ta cũng nên nghiêm chỉnh chú ý đến đường lối mình. Chúng ta có “khóc” trước những tình trạng thế gian và sự sỉ nhục mà những điều này đem lại cho danh Đức Chúa Trời không? Chúng ta có đau lòng khi người ta phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời hoặc trơ tráo bỏ qua nguyên tắc công bình của Ngài không? Chúng ta có phản ứng như những người được ghi dấu mà Ê-xê-chi-ên thấy trong sự hiện thấy 2.500 năm trước không? Chúng ta đọc về họ: “Đức Giê-hô-va gọi người mặc vải gai, lưng đeo sừng mực mà phán rằng: Hãy trải qua giữa thành, tức giữa Giê-ru-sa-lem, ghi dấu trên trán những người nào than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc đã phạm giữa thành nầy”.—Ê-xê-chi-ên 9:3, 4.
12. Ê-xê-chi-ên 9:5, 6 có ý nghĩa gì cho người ta ngày nay?
12 Ngày nay ý nghĩa của sự tường thuật này được thấy rõ khi chúng ta đọc sự chỉ dẫn cho sáu người mang khí giới hủy diệt: “Hãy qua trong thành đằng sau nó, và đánh; mắt ngươi chớ đoái-tiếc, và đừng thương-xót. Nào già-cả, nào trai-trẻ, nào gái đồng-trinh, nào con-nít, đàn-bà, hãy giết hết; nhưng chớ lại gần một kẻ nào là kẻ đã có ghi dấu; và khá bắt đầu từ nơi thánh ta”. (Ê-xê-chi-ên 9:5, 6) Sự sống sót của chúng ta trong hoạn nạn lớn sắp đến tùy thuộc vào việc chúng ta nhận biết ngày nay là kỳ khóc.
13, 14. (a) Chúa Giê-su tuyên bố những người nào sẽ được phước? (b) Hãy giải thích tại sao bạn nghĩ rằng sự miêu tả này rất đúng với Nhân Chứng Giê-hô-va.
13 Dĩ nhiên, sự kiện tôi tớ Đức Giê-hô-va “khóc” trước tình trạng đồi bại của thế gian không có nghĩa là họ không hạnh phúc. Trái lại, họ thật sự là nhóm người hạnh phúc nhất trên đất. Chúa Giê-su cho biết tiêu chuẩn để có hạnh phúc hoặc được phước. Ngài nói: “Phước cho những kẻ có lòng khó-khăn [“ý thức đến nhu cầu thiêng liêng”, NW],... những kẻ than-khóc,... những kẻ nhu-mì,... những kẻ đói khát sự công-bình,... những kẻ hay thương-xót,... những kẻ có lòng trong-sạch,... những kẻ làm cho người hòa-thuận,... những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình”. (Ma-thi-ơ 5:3-10) Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự miêu tả này đúng với Nhân Chứng Giê-hô-va nói chung hơn là bất cứ tổ chức tôn giáo nào khác.
14 Nhất là kể từ khi sự thờ phượng thật được phục hưng năm 1919, dân Đức Giê-hô-va có lý do để “cười”. Về mặt thiêng liêng, họ có cùng kinh nghiệm vui vẻ như những người từ Ba-by-lôn hồi hương vào thế kỷ thứ sáu TCN: “Khi Đức Giê-hô-va dẫn các phu-tù của Si-ôn về, thì chúng tôi khác nào kẻ nằm chiêm-bao. Bấy giờ miệng chúng tôi đầy sự vui-cười, lưỡi chúng tôi hát những bài mừng-rỡ... Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn; nhân đó chúng tôi vui-mừng”. (Thi-thiên 126:1-3) Tuy vậy, dù giữa sự cười vui thiêng liêng, Nhân Chứng Giê-hô-va khôn ngoan nhớ kỹ sự nghiêm trọng của thời kỳ này. Một khi thế giới mới trở thành hiện thực và dân cư trên đất được “cầm lấy sự sống thật” thì lúc đó tiếng cười sẽ thay thế tiếng khóc vĩnh viễn.—1 Ti-mô-thê 6:19; Khải-huyền 21:3, 4.
“Có kỳ ôm-ấp, và có kỳ chẳng ôm-ấp”
15. Tại sao tín đồ Đấng Christ chọn bạn mà chơi?
15 Tín đồ Đấng Christ chọn bạn mà chơi. Họ nhớ kỹ lời cảnh giác của Phao-lô: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Và vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn lưu ý: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.
16, 17. Nhân Chứng Giê-hô-va xem bạn bè, sự hẹn hò và hôn nhân như thế nào, và tại sao?
16 Tôi tớ Đức Giê-hô-va chọn bạn trong vòng những người cũng yêu thương Đức Giê-hô-va và sự công bình của Ngài như họ vậy. Trong khi quý trọng và thích bè bạn, họ khôn ngoan tránh quan điểm dễ dãi, quá tự do trong vấn đề hẹn hò trai gái đang thịnh hành trong một số nước ngày nay. Thay vì buông thả trong vấn đề này như một trò đùa vô hại, họ xem việc hẹn hò là một bước quan trọng dẫn đến hôn nhân mà chỉ nên tiến tới khi một người sẵn sàng về mặt thể xác, tinh thần và thiêng liêng—cũng như được Kinh Thánh cho phép tái hôn—để bước vào mối quan hệ lâu dài.—1 Cô-rinh-tô 7:36, NW.
17 Một số người có thể cảm thấy có quan điểm như thế về hẹn hò và hôn nhân là cổ hủ. Nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va không để cho áp lực bạn bè ảnh hưởng sự chọn bạn hoặc những quyết định của họ về hẹn hò và hôn nhân. Họ biết rằng “sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”. (Ma-thi-ơ 11:19) Đức Giê-hô-va luôn luôn biết điều nào là tốt nhất, vì vậy họ xem trọng lời khuyên của Ngài về việc cưới người “ở trong Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39, Bản Dịch Mới; 2 Cô-rinh-tô 6:14) Họ tránh việc vội vã lập gia đình với ý nghĩ sai lầm là nếu không suôn sẻ thì ly dị hoặc ly thân cũng được. Họ kiên nhẫn tìm kiếm người bạn đời thích hợp, vì nhận biết rằng một khi thề ước rồi thì luật Đức Giê-hô-va được áp dụng: “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp”.—Ma-thi-ơ 19:6; Mác 10:9.
18. Điều gì có thể là khởi điểm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc?
18 Hôn nhân là sự cam kết cả đời nên cần phải tính kỹ. Điều hợp lý là một anh nên tự hỏi: ‘Cô đó có thật sự thích hợp với tôi không?’ Đồng thời cũng quan trọng là anh nên hỏi: ‘Tôi có thật sự thích hợp với cô ấy không? Tôi có phải là một tín đồ Đấng Christ thành thục có thể chăm sóc đến nhu cầu thiêng liêng của cô ấy không?’ Cả hai người bạn đời tương lai có bổn phận trước mặt Đức Giê-hô-va để vững vàng về thiêng liêng, có khả năng tạo một cuộc hôn nhân vững chắc đáng được Đức Chúa Trời chấp nhận. Hàng ngàn cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ có thể chứng thực rằng việc phụng sự trọn thời gian là khởi điểm rất tốt cho cuộc hôn nhân hạnh phúc, vì nó nhấn mạnh đến việc ban cho hơn là nhận lãnh.
19. Tại sao một số tín đồ Đấng Christ còn sống độc thân?
19 Một số tín đồ Đấng Christ “chẳng ôm-ấp” bằng cách chọn sống độc thân vì cớ tin mừng. (Truyền-đạo 3:5) Những người khác hoãn lại chuyện hôn nhân cho đến khi họ cảm thấy mình đủ điều kiện thiêng liêng để thu hút người hôn phối thích hợp. Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ những tín đồ Đấng Christ độc thân mong muốn có được sự gần gũi và những lợi ích của hôn nhân nhưng chưa tìm được người bạn đời. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va vui mừng về việc họ giữ vững nguyên tắc của Ngài trong vấn đề tìm người đi đến hôn nhân. Chúng ta cũng quý trọng sự trung thành của họ và khuyến khích họ một cách thích hợp.
20. Tại sao ngay cả những người đã lập gia đình đôi khi ‘chẳng nên ôm-ấp’?
20 Có phải ngay cả những người đã lập gia đình đôi khi ‘chẳng nên ôm-ấp’ không? Có thể là vậy trong phương diện nào đó, vì Phao-lô lưu ý: “Hỡi anh em, vậy thì tôi bảo nầy: Thì-giờ ngắn-ngủi. Từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có”. (1 Cô-rinh-tô 7:29) Theo đó, niềm vui và ân phước trong hôn nhân đôi khi phải đặt đằng sau trách nhiệm thần quyền. Một quan điểm thăng bằng về vấn đề này sẽ không làm hôn nhân yếu đi nhưng làm vững thêm vì nó giúp nhắc nhở hai người rằng Đức Giê-hô-va phải luôn là nhân vật chính làm vững mối quan hệ của họ.—Truyền-đạo 4:12.
21. Tại sao chúng ta không nên phán đoán những người đã kết hôn về vấn đề có hay không có con?
21 Thêm vào đó, một số cặp vợ chồng giữ không có con để được rảnh rang phụng sự Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là họ phải hy sinh, và Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho họ một cách thích hợp. Trong khi khuyến khích ở độc thân vì cớ tin mừng, thì Kinh Thánh không trực tiếp bình luận về việc giữ không có con vì cùng lý do đó. (Ma-thi-ơ 19:10-12; 1 Cô-rinh-tô 7:38, NW; so sánh Ma-thi-ơ 24:19 và Lu-ca 23:28-30). Vậy, các cặp vợ chồng phải tự quyết định tùy theo hoàn cảnh riêng và cảm giác của riêng họ. Dù quyết định đó là gì, không ai được chỉ trích họ.
22. Điều gì là quan trọng cho chúng ta xác định?
22 Đúng vậy, “phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định”. Thậm chí có “kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa-bình”. (Truyền-đạo 3:1, 8). Bài tới sẽ giải thích tại sao là quan trọng để chúng ta xác định bây giờ là kỳ nào trong hai kỳ đó.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao biết rằng mọi sự đều có kỳ định là điều thiết yếu?
◻ Tại sao ngày nay chủ yếu là “kỳ khóc”?
◻ Tại sao dù “khóc” tín đồ Đấng Christ thật sự hạnh phúc?
◻ Bằng cách nào một số tín đồ Đấng Christ cho thấy họ xem hiện nay là “kỳ chẳng ôm-ấp”?
[Hình nơi trang 6, 7]
Mặc dù tín đồ Đấng Christ “khóc” vì tình trạng thế gian. . .
. . . họ thật sự là những người hạnh phúc nhất thế giới
[Hình nơi trang 8]
Công việc phụng sự trọn thời gian là nền tảng rất tốt cho cuộc hôn nhân hạnh phúc