Cái điềm lớn—Bạn có nghe theo không?
“CHÚNG TÔI muốn dân mỗi nước vui hưởng sự thịnh vượng, no ấm và hạnh phúc. Con đường dẫn tới điều đó phải là một thế giới không vũ khí hạch tâm, không bạo lực” (Trích Perestroika, do lãnh tụ Liên Sô Mikhail Gorbachev).
Nhiều người có lý do để nghĩ rằng loài người không thể thật sự đem lại tình trạng thế giới như vậy. Một nhà lãnh đạo khác là Giê-su Christ (Ky-tô) đã hứa một điều tốt đẹp hơn nhiều—một địa-đàng trên đất mà ngay cả sự chết cũng sẽ không còn nữa (Ma-thi-ơ 5:5; Lu-ca 23:43; Giăng 5:28, 29). Dĩ nhiên, phương tiện để hoàn thành điều này là phải có sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Giê-su nói: “Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng”. Trước hết, chỉ có người chăm chú nhìn bằng mắt soi xét như thể mắt của chim ó mới nhận biết được (Lu-ca 17:20, 37). Tại sao thế?
Tại sao chúng ta cần “điềm”
Từ khi lên trời, Giê-su Christ (Ky-tô) ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy ngài và cũng không thấy được” (I Ti-mô-thê 6:16). Như vậy, cặp mắt xác thịt của loài người sẽ không bao giờ thấy ngài nữa. Như Giê-su nói trong ngày cuối cùng của đời sống trên đất của ngài, “còn ít lâu, thế-gian chẳng thấy ta nữa” (Giăng 14:19). Chỉ thấy được ngài theo nghĩa bóng mà thôi (Ê-phê-sô 1:18; Khải-huyền 1:7).
Nhưng Giê-su đã nói rằng môn đồ của ngài thì có thể nhận ra khi Nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị. Bằng cách nào? Nhờ cái “điềm”. Để trả lời câu hỏi: “Điềm gì chỉ về sự Chúa đến?” Giê-su nhấn mạnh đến chứng cớ thấy được của sự cai trị vô hình của ngài trong tương lai (Ma-thi-ơ 24:3).
Trong “điềm” gồm có thí dụ điển hình chỉ rõ loại người nào sẽ hưởng được lợi ích. Giê-su nói: “Nơi nào có xác chết, thì những chim ó sẽ nhóm tại đó” (Ma-thi-ơ 24:28). Tất cả những ai muốn sống sót qua khỏi ngày tận thế để vào hệ thống mới của Đức Chúa Trời phải “nhóm lại” và đón nhận những thức ăn thiêng liêng cùng với “những kẻ đã được lựa-chọn” giống như chim ó của đấng Christ (Ky-tô) (Ma-thi-ơ 24:31, 45-47).
Đề phòng chớ nóng nảy
Không có người nào có thể tìm biết được ngày tháng của ngày tận thế. Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên-sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ một mình Cha mà thôi” (Mác 13:32, 33).
Tuy nhiên, có thể nào “điềm” lại xảy ra trong nhiều thế hệ của con người không? Không. “Điềm” chỉ xảy ra trong một thế hệ đặc biệt. Cùng một thế hệ chứng kiến lúc khởi đầu của “điềm” cũng sẽ chứng kiến cao điểm của “tai-nạn, đến nỗi từ ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến bây giờ chưa hề có vậy”. Ba sử gia Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca đều ghi lại lời cam đoan của Giê-su về điều này (Mác 13:19, 30; Ma-thi-ơ 24:13, 21, 22, 34; Lu-ca 21:28, 32).
Tuy nhiên, có sự nguy hiểm về việc trở nên nóng nảy. Đã 75 năm trôi qua kể từ lúc Thế Chiến thứ I bùng nổ năm 1914. Đây có thể là một thời gian rất dài theo quan điểm của loài người. Nhưng một số tín đồ đấng Christ có mắt soi xét như chim ó mà đã thấy Thế Chiến thứ I vẫn còn sống. Dòng dõi (thế hệ) của họ chưa qua hết.
Khi cho “điềm” tiên tri, Giê-su đã báo trước đến sự nguy hiểm dễ trở nên nóng nảy. Ngài nói về những người đã nói trong lòng rằng: “Chủ ta đến chậm”. Giê-su chỉ rõ rằng cảm tưởng đó nếu không kiểm soát, có thể đưa đến hành động dại dột (Ma-thi-ơ 24:48-51). Các sứ đồ của đấng Christ (Ky-tô) có nói nhiều hơn về điểm này.
“Mấy người hay nhạo-báng”
Theo người viết Kinh-thánh là Giu-đe thì các sứ đồ của Giê-su Christ (Ky-tô) đã nói lời cảnh cáo như sau: “Trong các thời-kỳ sau-rốt sẽ có mấy người hay nhạo-báng làm theo lòng ham-muốn không tin-kính của mình” (Giu-đe 17, 18).
Sự ham muốn được sống trong một thế giới mới trong sạch có thể dễ dàng bị thay thế bởi “lòng ham-muốn không tin-kính”. Điều này đặc biệt nguy hiểm ngày nay bởi vì ảnh hưởng các sách báo cùng các phương tiện truyền thông rộng lớn của thế gian. Không bao giờ trong lịch sử loài người có sự hung bạo, đồng bóng, tà thuật và tình dục vô luân được phô trương đến mức độ này. Các điều này thường là đề tài trình diễn trong các chương trình truyền thanh, âm nhạc và đầy dẫy trong các chương trình truyền hình, băng vi-đê-ô, quảng cáo, sách vở và tạp chí.
“Điềm” chỉ cho thấy sự không tin kính như vậy sắp chấm dứt. Vậy thì dĩ nhiên một số người ham muốn những sự không tin kính sẽ gièm chê dấu hiệu của “điềm”. Như đã được báo trước, họ cãi lẽ rằng: “Muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (II Phi-e-rơ 3:3, 4).
«Lòng yêu-mến nguội lần»
Mới đây tạp chí Newsweek đã phỏng vấn một tác giả Hoa-kỳ 75 tuổi là Paul Bowles, hỏi ông: “Ông thấy thế giới thế nào?” Ông Bowles nói: “Thế giới đã tan rã về phương diện luân lý. Không còn ai lương thiện như những người sống 60 năm về trước. Hồi trước người ta quan niệm một người đàn ông lịch sự phải ra thế nào; đó là một đặc tính quí báu của nền văn hóa Tây phương. Giờ đây, không ai [cần biết đến]. Ngày nay người ta cũng coi trọng tiền bạc quá nhiều”.
Tình trạng này đúng như Kinh-thánh đã báo trước. Giê-su đã tiên tri: “Lại vì cớ tội-ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần” (Ma-thi-ơ 24:12; II Ti-mô-thê 3:1-5). Sự ích kỷ và tham lam càng gia tăng thì tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời càng giảm xuống. Càng lúc càng có nhiều người cho thấy họ coi trọng sự ham muốn của họ hơn là luật pháp của Đức Chúa Trời bằng cách tham gia các hoạt động phạm pháp, khủng bố, bất lương trong công việc làm ăn, tình dục vô luân và dùng ma túy.
Một số người nhận thấy sự ứng nghiệm của “điềm” nhưng không làm theo vì để cho những sự vui chơi lôi cuốn. Trái lại, làm theo “điềm” đòi hỏi sự nhịn nhục trong việc bày tỏ lòng yêu thương không vụ lợi đối với Đức Chúa Trời và người lân cận (Ma-thi-ơ 24:13, 14).
“Lo-lắng đời nầy”
Giê-su cũng đã cảnh cáo là ngoài những sự vui chơi ích kỷ, nhu cầu vật chất dù chính đáng cũng có thể làm vài người quá bận tâm đến độ không chú ý gì đến “điềm”. Ngài khuyên giục: “Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy” (Lu-ca 21:34, 35).
Dĩ nhiên, Kinh-thánh khuyến khích đời sống gia đình hạnh phúc (Ê-phê-sô 5:24 đến 6:4). Điều này thường đòi hỏi người chủ gia đình phải có việc làm hay buôn bán nào đó để cung cấp cho vợ con (I Ti-mô-thê 5:8). Nhưng nếu một người chỉ biết có gia đình, công việc làm ăn và của cải vật chất trong cuộc sống của họ thì sẽ chứng tỏ là thiển cận. Vì sự nguy hiểm này, Giê-su đã cảnh cáo: “Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con người: người ta ăn, uống, cưới, gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy-diệt thiên-hạ hết... Ngày Con người hiện ra cũng một thể nầy” (Lu-ca 17:26-30; Ma-thi-ơ 24:36-39).
“Được đem đi” hay là “bị để lại”?
Giờ đã trễ rồi. Nước Đức Chúa Trời sắp sửa can thiệp để điều chỉnh lại mọi việc. Rồi mỗi người sẽ bị ảnh hưởng tùy theo một trong hai cách. Như Giê-su đã giải thích, “lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại” (Ma-thi-ơ 24:40, 41).
Khi giờ nghiêm trọng đó đến, bạn sẽ ở trong vị thế nào? Bạn sẽ bị bỏ lại để bị hủy diệt hay được đem đi để sống sót? Để đưa bạn vào hướng đi đúng, hãy xem xét lần nữa câu chuyện ví dụ mà Giê-su đã nói: “Xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó” (Lu-ca 17:34-37; Ma-thi-ơ 24:28).
Thế thì Giê-su đã nhấn mạnh đến sự kiện cần phải nhìn xa và hành động hợp nhất. Những người được đem đi để sống sót là người thường xuyên nhóm họp lại và hưởng lợi ích từ sự nuôi nấng thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cung cấp. Hằng triệu người đã dự những bữa ăn thiêng liêng đó qua việc kết hợp với một trong hơn 60.000 hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va và qua việc học hỏi những tài liệu căn cứ trên Kinh-thánh như là tờ báo mà bạn đang đọc.
Trên ba triệu rưởi Nhân-chứng Giê-hô-va bày tỏ đức tin nơi “điềm” bằng cách chia xẻ “tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời” với người lân cận (Ma-thi-ơ 24:14). Bạn có hưởng ứng tích cực đối với tin mừng không? Nếu có, bạn có thể ghi vào lòng lời hứa về sự sống sót để bước vào địa-đàng trên đất.
[Hình nơi trang 5]
Nhiều người quá bận tâm tim kiếm thú vui đến độ không chú ý đến “điềm”
[Hình nơi trang 6]
Nghe theo “điềm” cũng có nghĩa nhóm họp lại để hấp thụ Lời Đức Chúa Trời