Người “đầy-tớ” vừa trung tín vừa khôn ngoan
“Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ [“người nhà”, An Sơn Vị] mình”.—MA-THI-Ơ 24:45.
1, 2. Tại sao ngày nay việc chúng ta đều đặn nhận đồ ăn thiêng liêng là trọng yếu?
VÀO chiều Thứ Ba, ngày 11 tháng Ni-san năm 33 CN, môn đồ Chúa Giê-su nêu lên một câu hỏi mang ý nghĩa sâu xa cho chúng ta ngày nay. Họ hỏi ngài: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”. Để trả lời, Chúa Giê-su nói một lời tiên tri đáng lưu ý. Ngài nói về những thời kỳ chiến tranh, đói kém, động đất và bệnh tật dữ dội. Nhưng đó chỉ là “đầu sự tai-hại”. Sẽ còn có thêm nhiều tai họa nữa. Quả là một viễn tượng kinh hãi!—Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8, 15-22; Lu-ca 21:10, 11.
2 Từ năm 1914, hầu hết các khía cạnh của lời tiên tri Chúa Giê-su nói đã được ứng nghiệm. “Sự tai-hại” giáng trên nhân loại trong mức độ to lớn. Tuy nhiên, tín đồ thật của Đấng Christ không cần phải sợ. Chúa Giê-su hứa rằng ngài sẽ gìn giữ họ bằng cách ban cho thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng. Vì hiện nay đang ở trên trời, làm sao ngài sắp xếp cho chúng ta trên đất nhận được đồ ăn thiêng liêng?
3. Chúa Giê-su có sắp đặt nào cho chúng ta nhận “đồ-ăn đúng giờ”?
3 Chính Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lời đáp cho câu hỏi ấy. Trong lúc nói lời tiên tri quan trọng, ngài hỏi: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ [“người nhà”, ASV] mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ?” Kế đến ngài nói: “Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Thật vậy, sẽ có một “đầy-tớ” được giao nhiệm vụ cung cấp thức ăn thiêng liêng, một “đầy-tớ” vừa trung tín vừa khôn ngoan. Có phải đầy tớ ấy là một cá nhân nào đó, hay những người nối tiếp nhau, hay là điều gì khác? Vì đầy tớ trung tín cung cấp đồ ăn thiêng liêng hết sức cần thiết, tìm hiểu câu trả lời ấy sẽ có lợi cho chúng ta.
Một cá nhân hay một lớp người?
4. Làm sao chúng ta biết “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” không thể nào là một người?
4 “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” không thể là một người. Tại sao lại không? Bởi vì đầy tớ này bắt đầu cung cấp đồ ăn thiêng liêng từ thế kỷ thứ nhất, và theo Chúa Giê-su, đầy tớ này vẫn còn tiếp tục làm thế khi Chủ đến vào năm 1914. Với một người, thời gian đó tiêu biểu khoảng 1.900 năm phụng sự trung thành. Cả đến Mê-tu-sê-la cũng không sống lâu đến thế!—Sáng-thế Ký 5:27.
5. Hãy giải thích tại sao nhóm từ “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” không áp dụng cho mỗi cá nhân tín đồ Đấng Christ.
5 Có thể nào nhóm từ “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” áp dụng cho mỗi cá nhân tín đồ Đấng Christ không? Đành rằng mọi tín đồ Đấng Christ phải trung thành và khôn ngoan; tuy nhiên, Chúa Giê-su rõ ràng nghĩ đến một điều hơn thế nữa khi nói về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Làm sao chúng ta biết được? Bởi vì ngài nói rằng khi “chủ đến” sẽ đặt người đầy tớ ấy “coi-sóc cả gia-tài mình”. (Chúng tôi viết nghiêng). Làm sao mỗi cá nhân tín đồ Đấng Christ có thể được đặt coi sóc mọi việc—“cả” gia tài của Chúa? Điều đó không thể nào được!
6. Với tư cách là “đầy-tớ” của Đức Chúa Trời, nước Y-sơ-ra-ên có nhiệm vụ nào?
6 Thế thì chỉ là điều hợp lý khi kết luận rằng Chúa Giê-su nói về một nhóm tín đồ Đấng Christ là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Có thể nào đây là một đầy tớ tổng hợp? Đúng vậy. Bảy trăm năm trước Đấng Christ, Đức Giê-hô-va nói cả nước Y-sơ-ra-ên là “kẻ làm chứng ta” và là “đầy-tớ ta đã chọn”. (Ê-sai 43:10, chúng tôi viết nghiêng). Mỗi phần tử trong nước Y-sơ-ra-ên từ năm 1513 TCN, khi Luật Pháp Môi-se được ban ra, cho tới Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đều thuộc lớp đầy tớ này. Hầu hết dân Y-sơ-ra-ên không trực tiếp tham gia vào việc quản trị quốc gia hoặc điều phối chương trình cung cấp thức ăn thiêng liêng. Đức Giê-hô-va dùng các vua, quan xét, tiên tri, thầy tế lễ và người Lê-vi để đảm trách những việc đó. Tuy nhiên, với vai trò một nước, Y-sơ-ra-ên tiêu biểu cho sự cai trị của Đức Giê-hô-va và truyền những lời ca ngợi Ngài giữa mọi dân. Mỗi người Y-sơ-ra-ên phải là nhân chứng của Đức Giê-hô-va.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:19; Ê-sai 43:21; Ma-la-chi 2:7; Rô-ma 3:1, 2.
Một “đầy-tớ” bị từ bỏ
7. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên xưa không còn đủ tư cách làm “đầy-tớ” của Đức Chúa Trời?
7 Vì Y-sơ-ra-ên là “đầy-tớ” của Đức Chúa Trời nhiều thế kỷ trước, họ có phải là người đầy tớ mà Chúa Giê-su nói không? Không, vì đáng tiếc là dân Y-sơ-ra-ên xưa đã không tỏ ra trung thành hay khôn ngoan. Phao-lô tóm tắt tình trạng đó khi ông trích lời Đức Giê-hô-va phán với dân ấy: “Bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại”. (Rô-ma 2:24) Quả thật, sau bao năm phản nghịch, dân Y-sơ-ra-ên đã đi đến cực độ là từ bỏ Chúa Giê-su, đó là lúc Đức Giê-hô-va từ bỏ họ.—Ma-thi-ơ 21:42, 43.
8. Khi nào “đầy-tớ” đã được chọn để thay thế Y-sơ-ra-ên, và dưới những hoàn cảnh nào?
8 Sự bất trung của người “đầy-tớ”, nước Y-sơ-ra-ên, không có nghĩa là những người thờ phượng trung thành sẽ vĩnh viễn không nhận được đồ ăn thiêng liêng. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại, thánh linh đổ xuống trên khoảng 120 môn đồ nơi một phòng cao tại Giê-ru-sa-lem. Ngay lúc ấy, một dân tộc mới ra đời. Sự ra đời của dân ấy được công bố một cách thích hợp khi các thành viên bắt đầu rao truyền dạn dĩ “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” cho dân thành Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 2:11) Do đó, dân mới ấy, một dân tộc thiêng liêng, trở thành “đầy-tớ” rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va cho các dân và cung cấp thức ăn đúng giờ. (1 Phi-e-rơ 2:9) Thật thích hợp sau này dân ấy được gọi là “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 6:16.
9. (a) Ai hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”? (b) “Người nhà” là ai?
9 Mỗi thành viên thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình và báp têm, được xức dầu bằng thánh linh và có hy vọng lên trời. Vì vậy, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” chỉ tất cả thành viên xức dầu của dân tộc thiêng liêng đó, được xem với tính cách cả nhóm, sống trên đất vào bất cứ thời điểm nào từ năm 33 CN đến nay, giống như trường hợp mỗi người Y-sơ-ra-ên sống vào bất cứ thời điểm nào từ năm 1513 TCN đến Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đều thuộc lớp đầy tớ trước thời Đấng Christ. Thế thì “người nhà” là ai mà nhận đồ ăn thiêng liêng qua người đầy tớ? Trong thế kỷ thứ nhất CN, mỗi tín đồ Đấng Christ đều có hy vọng lên trời. Vì thế mà người nhà cũng là các tín đồ Đấng Christ xức dầu, được xem với tính cách cá nhân chứ không phải cả nhóm. Mọi người, kể cả những người nắm trách nhiệm trong hội thánh, cần thức ăn thiêng liêng từ lớp đầy tớ.—1 Cô-rinh-tô 12:12, 19-27; Hê-bơ-rơ 5:11-13; 2 Phi-e-rơ 3:15, 16.
‘Mỗi người cai-quản một việc’
10, 11. Làm sao chúng ta biết không phải mọi thành viên của lớp đầy tớ có cùng một nhiệm vụ?
10 Trong khi “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” là lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan được giao cho một công việc phải làm, cá nhân mỗi người cũng có trách nhiệm riêng. Lời Chúa Giê-su ghi nơi Mác 13:34 nói rõ: “Ấy cũng như một người kia đi đường xa, bỏ nhà, giao cho đầy-tớ mỗi đứa cai-quản một việc, và cũng biểu đứa canh cửa thức canh”. (Chúng tôi viết nghiêng). Vậy mỗi thành viên thuộc lớp đầy tớ nhận được một nhiệm vụ—làm tăng thêm gia tài trên đất của Đấng Christ. Mỗi người thực hiện nhiệm vụ theo khả năng và cơ hội mình có.—Ma-thi-ơ 25:14, 15.
11 Ngoài ra, sứ đồ Phi-e-rơ nói với các tín đồ Đấng Christ xức dầu vào thời ông: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 4:10, chúng tôi viết nghiêng). Vậy, những người xức dầu đó có trách nhiệm phục vụ nhau bằng những ơn mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Ngoài ra, lời Phi-e-rơ cho thấy không phải tất cả các tín đồ Đấng Christ đều có cùng khả năng, trách nhiệm, hoặc đặc ân. Tuy nhiên, mỗi thành viên của lớp đầy tớ có thể góp phần nào đó làm gia tăng dân tộc thiêng liêng ấy. Bằng cách nào?
12. Mỗi thành viên của lớp đầy tớ, dù nam hay nữ, cũng góp phần làm gia tăng dân tộc thiêng liêng như thế nào?
12 Thứ nhất, mỗi người cần phải làm chứng cho Đức Giê-hô-va, rao giảng tin mừng về Nước Trời. (Ê-sai 43:10-12; Ma-thi-ơ 24:14) Ngay trước khi lên trời, Chúa Giê-su truyền dặn tất cả môn đồ trung thành, cả nam lẫn nữ, phải là người dạy dỗ. Ngài nói: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20, chúng tôi viết nghiêng.
13. Tất cả những người xức dầu có đặc ân nào?
13 Khi tìm được môn đồ mới, phải cẩn thận dạy họ làm hết mọi điều Đấng Christ phán dặn các môn đồ ngài. Cuối cùng, những người đáp ứng nhiệt tình có đủ khả năng dạy người khác. Đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng được cung cấp cho những người có triển vọng là thành viên của lớp đầy tớ ở nhiều nước. Tất cả tín đồ xức dầu, cả nam lẫn nữ, đều thi hành sứ mạng đào tạo môn đồ. (Công-vụ 2:17, 18) Công việc này cần được tiếp tục từ thời lớp đầy tớ bắt đầu làm nhiệm vụ cho tới ngày cuối cùng của hệ thống này.
14. Đặc ân dạy dỗ trong hội thánh chỉ dành cho ai, và những chị trung thành được xức dầu cảm thấy thế nào về việc ấy?
14 Những người mới báp têm được xức dầu đã trở thành người thuộc lớp đầy tớ, và dù ai dạy họ lúc đầu đi nữa, họ tiếp tục nhận sự chỉ dẫn của những thành viên trong hội thánh hội đủ điều kiện theo Kinh Thánh để phục vụ với tư cách trưởng lão. (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:6-9) Qua cách đó những người được bổ nhiệm này có đặc ân góp phần làm cho dân tộc ấy gia tăng một cách đặc biệt. Những nữ tín đồ trung thành được xức dầu không bực tức khi chỉ có nam tín đồ được dạy dỗ trong hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 14:34, 35) Thay vì thế, họ vui lòng nhận lợi ích từ việc làm siêng năng của các nam tín đồ trong hội thánh và biết ơn về những đặc ân mở ra cho các chị, gồm việc mang tin mừng đến cho người khác. Các chị được xức dầu sốt sắng ngày nay thể hiện thái độ khiêm nhường giống như thế, dù các trưởng lão được bổ nhiệm thuộc lớp người xức dầu hay không.
15. Vào thế kỷ thứ nhất, thức ăn thiêng liêng đến từ một trong những nguồn chính nào, và ai dẫn đầu trong việc cung cấp?
15 Thức ăn thiêng liêng cơ bản được phân phát vào thế kỷ thứ nhất trực tiếp đến từ những sự ghi chép của các sứ đồ và môn đồ có trách nhiệm dẫn đầu. Các lá thư họ viết—đặc biệt những thư ở trong số 27 sách được soi dẫn hợp thành phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp—được lưu hành trong các hội thánh và chắc chắn được dùng làm căn bản cho các trưởng lão địa phương dạy dỗ. Qua cách này, những người đại diện của lớp đầy tớ tận tâm phân phát đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng cho các tín đồ Đấng Christ chân thành. Lớp đầy tớ vào thế kỷ thứ nhất chứng tỏ trung thành với sứ mạng của họ.
“Đầy-tớ” 19 thế kỷ sau
16, 17. Lớp đầy tớ chứng tỏ trung thành như thế nào trong việc thi hành nhiệm vụ cho tới năm 1914?
16 Còn ngày nay thì sao? Khi Chúa Giê-su bắt đầu hiện diện vào năm 1914, ngài có thấy một nhóm tín đồ Đấng Christ xức dầu tận tâm phân phát đồ ăn đúng giờ không? Chắc chắn có. Nhóm này có thể được nhận diện rõ ràng vì bông trái tốt họ sản xuất. (Ma-thi-ơ 7:20) Kể từ đó, lịch sử chứng tỏ sự kết luận ấy là đúng.
17 Vào lúc Chúa Giê-su đến, có khoảng 5.000 người nhà bận rộn rao truyền lẽ thật Kinh Thánh. Dù có ít người làm công việc này, nhưng lớp đầy tớ đã dùng một số phương pháp mới phổ biến tin mừng. (Ma-thi-ơ 9:38) Thí dụ, những bài giảng về đề tài Kinh Thánh được đăng trên gần 2.000 tờ báo. Bằng cách này, lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời đến với hàng chục ngàn độc giả cùng lúc. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị một chương trình tám tiếng gồm hình chiếu và phim ảnh về cuộc sáng tạo thời ban đầu cho đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Nhờ sự trình bày mới mẻ này, thông điệp Kinh Thánh được chuyển đến tổng số chín triệu khán thính giả trên ba lục địa. Các ấn phẩm là phương tiện khác được dùng. Thí dụ vào năm 1914, tạp chí Tháp Canh đã phát hành khoảng 50.000 tờ.
18. Khi nào Chúa Giê-su đặt người đầy tớ coi sóc cả gia tài, và tại sao?
18 Quả thật, khi Chủ đến, ngài thấy đầy tớ trung tín tận tụy cung cấp thức ăn cho người nhà cũng như rao giảng tin mừng. Bấy giờ, trách nhiệm lớn hơn đang chờ đợi người đầy tớ. Chúa Giê-su nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”. (Ma-thi-ơ 24:47) Chúa Giê-su đã làm điều ấy vào năm 1919, sau khi người đầy tớ vượt qua thời kỳ thử thách. Vậy, tại sao “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” nhận được trách nhiệm lớn hơn? Bởi vì gia tài của Chủ đã gia tăng. Chúa Giê-su được lên ngôi năm 1914.
19. Hãy giải thích làm sao nhu cầu thiêng liêng của đám đông “vô-số người” được chăm sóc.
19 Gia tài là gì mà Chủ mới lên ngôi giao cho người đầy tớ trung tín coi sóc? Đó là tất cả những điều thiêng liêng thuộc về ngài trên đất. Thí dụ, hai thập niên sau khi Đấng Christ lên ngôi năm 1914, đám đông “vô-số người” được nhận diện. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Những người này, không phải là thành viên được xức dầu thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nhưng là những nam nữ chân thành có hy vọng sống trên đất, yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự Ngài như những người xức dầu vậy. Như thể là họ nói với “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23) Những tín đồ Đấng Christ mới báp têm này cùng hưởng thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng với “người nhà” được xức dầu, và hai lớp người này dự cùng bàn ăn thiêng liêng kể từ lúc đó. Điều này quả là ân phước cho những thành viên thuộc đám đông “vô-số người”!
20. Đám đông “vô-số người” có vai trò nào trong việc làm gia tăng gia tài của Chúa?
20 Những thành viên thuộc đám đông “vô-số người” vui mừng hợp tác với lớp đầy tớ được xức dầu rao giảng tin mừng. Khi họ rao giảng, gia tài trên đất của Chủ gia tăng, thêm trách nhiệm cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Với số người tìm kiếm lẽ thật gia tăng, cần phải nới rộng cơ sở in ấn để đáp ứng nhu cầu ấn phẩm đòi hỏi. Văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va được thiết lập trong nhiều nước. Giáo sĩ được phái “đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Từ khoảng năm ngàn người xức dầu vào năm 1914, hàng ngũ những người ca ngợi Đức Chúa Trời đã gia tăng hơn sáu triệu ngày nay, phần lớn những người trong số này thuộc đám đông “vô-số người”. Quả thật, gia tài của Vua đã gia tăng gấp bội từ lúc ngài lên ngôi năm 1914!
21. Chúng ta sẽ xem xét hai dụ ngôn nào trong bài tới?
21 Tất cả những sự kiện này cho thấy đầy tớ vừa trung tín vừa khôn ngoan. Ngay sau khi nói về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, Chúa Giê-su cho hai dụ ngôn làm nổi bật hai đức tính ấy: dụ ngôn về những trinh nữ khôn và trinh nữ dại, dụ ngôn về ta-lâng. (Ma-thi-ơ 25:1-30) Chúng ta rất chú ý muốn biết! Các dụ ngôn này có ý nghĩa gì cho chúng ta ngày nay? Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi này trong bài tới.
Bạn nghĩ sao?
• Ai hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?
• “Người nhà” là ai?
• Khi nào đầy tớ trung tín được đặt coi sóc hết gia tài của Chúa, và tại sao lại lúc ấy?
• Ai đã giúp cho gia tài của Chúa được gia tăng trong những thập niên gần đây, và bằng cách nào?
[Các hình nơi trang 10]
Lớp đầy tớ vào thế kỷ thứ nhất chứng tỏ trung thành với sứ mạng của họ