Những tia sáng—Lớn và nhỏ (Phần Một)
“Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa” (CHÂM-NGÔN 4:18).
1. Tại sao lẽ thật được tiết lộ dần dần?
SỰ KIỆN các lẽ thật thiêng liêng được tiết lộ dần dần qua những tia sáng, thể theo Châm-ngôn 4:18, chứng tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Trong bài trước, chúng ta thấy làm sao câu này đã được ứng nghiệm trong thời các sứ đồ. Nếu toàn bộ các lẽ thật trong Kinh-thánh được tiết lộ cùng một lúc, thì người ta bị sẽ chói mắt và bối rối—cũng như một người từ hang tối mà bước ra ánh sáng rực. Hơn nữa, nhờ các lẽ thật được tiết lộ dần dần mà đức tin của tín đồ đấng Christ được làm vững mạnh một cách liên tục. Nó làm hy vọng của họ càng sáng sủa hơn và cho đường lối họ phải đi trở nên càng rõ thêm.
“Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”
2. Giê-su cho biết rằng ngài sẽ dùng ai để ban ánh sáng thiêng liêng cho môn đồ, và công cụ đó bao gồm những ai?
2 Trong thời các sứ đồ, Giê-su Christ chọn dùng những phương tiện siêu nhiên để ban những tia sáng đầu tiên cho môn đồ. Chúng ta có hai thí dụ về điều này: Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, và sự cải đạo của Cọt-nây vào năm 36 công nguyên. Sau đó, đấng Christ chọn dùng một cơ quan loài người, như chính ngài báo trước: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ [người nhà, bản dịch An Sơn Vị] mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Đầy tớ này không thể nào chỉ là một người, vì người sẽ phải cung cấp đồ ăn thiêng liêng từ khi hội thánh tín đồ đấng Christ được thành lập vào ngày Lễ Ngũ tuần cho đến khi Chủ, tức Giê-su Christ, đến đặng tính sổ. Sự kiện cho thấy rằng lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan bao gồm tất cả những tín đồ đấng Christ được xức dầu với tư cách là một nhóm sống trên đất vào bất cứ thời điểm nào.
3. Ai là những thành viên đầu tiên của lớp người đầy tớ?
3 Ai là những thành viên đầu tiên của lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan? Một trong những người này là sứ đồ Phi-e-rơ. Ông vâng theo lệnh của Giê-su: “Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:17). Trong những thành viên ban đầu của lớp người đầy tớ cũng có Ma-thi-ơ, người viết quyển Phúc âm mang tên ông, và Phao-lô, Gia-cơ và Giu-đe, thảy đều viết những lá thư được soi dẫn. Sứ đồ Giăng, là người viết sách Khải-huyền, một quyển Phúc âm và các lá thư, cũng thuộc lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Những người này viết Kinh-thánh phù hợp với sứ mạng của Giê-su.
4. Ai là “người nhà”?
4 Nếu cả nhóm người được xức dầu, bất kể họ sống nơi nào trên trái đất đi nữa, đều thuộc lớp người đầy tớ, thì ai là “người nhà”? Đó chính là các người được xức dầu, nhưng dưới một khía cạnh khác—với tư cách mỗi cá nhân. Đúng vậy, đối với mỗi cá nhân, họ thuộc “đầy-tớ” hoặc “người nhà”, tùy họ cung cấp đồ ăn thiêng liêng hoặc tiếp nhận đồ ăn ấy. Để thí dụ: Như được ghi nơi II Phi-e-rơ 3:15, 16, sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến các lá thư của Phao-lô. Khi đọc các lá thư ấy, Phi-e-rơ là người nhà tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng do Phao-lô cung cấp với tư cách một người đại diện lớp đầy tớ.
5. a) Điều gì xảy ra cho lớp người đầy tớ trong hàng bao nhiêu thế kỷ sau khi các sứ đồ chết đi? b) Những diễn biến nào đã xảy ra vào cuối thế kỷ 19?
5 Về vấn đề này, cuốn sách God’s Kingdom of a Thousand Years Has Approached (Nước Trời Một Ngàn Năm sắp đến) viết: “Về cách lớp người ‘đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan’ hiện hữu và phục vụ trải qua hàng bao thế kỷ sau khi các sứ đồ và người Chủ Giê-su Christ chết đi, thì chúng ta không có sự ghi chép lịch sử rõ ràng. Hiển nhiên, thế hệ lớp ‘đầy-tớ’ này đã nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo (II Ti-mô-thê 2:2). Nhưng vào cuối thế kỷ 19, có một số người kính sợ Đức Chúa Trời và yêu quí đồ ăn thiêng liêng trong Kinh-thánh và họ muốn tiếp nhận đồ ăn đó... Họ thành lập... những lớp học Kinh-thánh... và tiến tới trong sự hiểu biết các lẽ thật căn bản trong Kinh-thánh. Những người có lòng thành thật và không ích kỷ trong vòng các học viên Kinh-thánh ấy sốt sắng chia sẻ đồ ăn thiêng liêng thiết yếu với người khác. Họ có tinh thần trung thành của người ‘đầy-tớ’ được giao phó cung cấp đồ ăn thiêng liêng ‘đúng giờ’ cần thiết cho ‘người nhà’. Họ nhận xét một cách ‘trung-tín’ rằng đã đến đúng lúc phân phát đồ ăn cũng như cách thức tốt nhất để làm thế. Họ cố gắng phân phát nó” (trang 344 và 345).a
Những tia sáng đầu tiên vào thời nay
6. Có sự kiện nổi bật nào liên quan đến lẽ thật được tiết lộ dần dần?
6 Một sự kiện nổi bật liên quan đến những người Đức Giê-hô-va dùng để dần dần ban ánh sáng về thiêng liêng, là họ không qui công trạng cho chính mình. Anh C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, có thái độ cho rằng Chúa vui lòng dùng tài năng tầm thường của họ. Liên quan đến những tính ngữ mà các kẻ thù anh Russell thường dùng, anh khẳng định rõ ràng rằng anh đã chưa từng gặp một người “Russellite” (đệ tử của Russell) và chẳng hề có điều gì gọi là “Russellism” (đạo của Russell) cả. Tất cả công trạng đều qui cho Đức Chúa Trời.
7. Anh Russell và những người cùng làm việc với anh đã chứng minh thế nào rằng họ thật sự hợp tác với đầy tớ trung tín và khôn ngoan?
7 Khi xem xét thành quả đạt được, chắc chắn thánh linh của Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn các sự cố gắng của anh Russell và những người kết hợp với anh. Họ chứng tỏ họ hợp tác với đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Mặc dù lúc ấy nhiều người thuộc hàng giáo phẩm tự xưng rằng họ tin Kinh-thánh là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời và Giê-su là Con của Đức Chúa Trời, họ tán thành những giáo lý sai lầm của Ba-by-lôn, chẳng hạn như thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và sự hành hạ đời đời. Phù hợp với lời hứa của Giê-su, chắc chắn nhờ thánh linh mà các sự cố gắng khiêm nhường của anh Russell và những người kết hợp với anh đã khiến cho lẽ thật chiếu sáng như chưa từng thấy (Giăng 16:13). Những Học viên Kinh-thánh được xức dầu chứng tỏ rằng họ thật sự thuộc lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, lớp người được giao sứ mạng cung cấp đồ ăn thiêng liêng cho người nhà của Chủ. Họ đã đóng góp rất nhiều cho công việc thâu nhóm các người được xức dầu.
8. Các Học viên Kinh-thánh hiểu rõ những sự kiện căn bản nào về Đức Giê-hô-va, Kinh-thánh, Giê-su Christ và thánh linh?
8 Chúng ta thật khâm phục khi thấy Đức Giê-hô-va, qua thánh linh Ngài, ban những tia sáng cho các Học viên Kinh-thánh thời ban đầu một cách vĩ đại như thế nào. Trước hết, họ chứng minh rõ ràng rằng Đấng Tạo hóa hiện hữu và Ngài mang danh có một không hai là Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 83:18; Rô-ma 1:20). Họ thấy rằng Đức Giê-hô-va có bốn đức tính chính—quyền năng, sự công bình, khôn ngoan và yêu thương (Sáng-thế Ký 17:1; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Rô-ma 11:33; I Giăng 4:8). Những tín đồ đấng Christ được xức dầu chứng tỏ một cách hết sức rõ ràng rằng Kinh-thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn và là lẽ thật (Giăng 17:17; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Hơn nữa, họ tin rằng Con của Đức Chúa Trời, Giê-su Christ, được tạo thành và ngài hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại (Ma-thi-ơ 20:28; Cô-lô-se 1:15). Họ nhận thấy rằng thánh linh không phải đấng thứ ba trong một Chúa Ba Ngôi, nhưng là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 2:17).
9. a) Các Học viên Kinh-thánh hiểu rõ điều gì liên quan đến bản chất của con người và hai số phận mà Kinh-thánh đưa ra? b) Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã thấy rõ những điều gì khác?
9 Các Học viên Kinh-thánh thấy rõ rằng con người không có một linh hồn bất tử, nhưng là một linh hồn có thể chết được. Họ nhận thức rằng “tiền công của tội-lỗi là sự chết”, chứ không phải sự hành hạ đời đời, vì không có nơi nào là địa ngục cháy hực cả (Rô-ma 5:12; 6:23; Sáng-thế Ký 2:7; Ê-xê-chi-ên 18:4). Hơn nữa, họ thấy rõ rằng thuyết tiến hóa không những không dựa trên Kinh-thánh, nhưng còn hoàn toàn không căn cứ trên sự kiện (Sáng-thế Ký, đoạn 1 và 2). Họ cũng nhận xét rằng Kinh-thánh đưa ra hai số phận—144.000 môn đồ được xức dầu theo sát gót chân của đấng Christ sẽ lên trời, và một đám đông “vô-số” “chiên khác” sẽ sống trong địa đàng trên đất (Khải-huyền 7:9; 14:1; Giăng 10:16). Các Học viên Kinh-thánh thời ban đầu hiểu rằng trái đất sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ không bị đốt cháy, như nhiều tôn giáo giảng dạy (Truyền-đạo 1:4; Lu-ca 23:43). Họ cũng học biết rằng Giê-su sẽ trở lại một cách vô hình và rồi ngài sẽ thi hành sự phán xét nghịch cùng các nước và thiết lập địa đàng trên đất (Công-vụ các Sứ-đồ 10:42; Rô-ma 8:19-21; I Phi-e-rơ 3:18).
10. Các Học viên Kinh-thánh học biết những lẽ thật nào liên quan đến phép báp têm, sự phân biệt giữa hàng giáo phẩm và giáo dân và Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ?
10 Các Học viên Kinh-thánh hộc biết rằng phép báp têm theo Kinh-thánh không phải là vảy nước trên em bé sơ sinh, nhưng phù hợp với mệnh lệnh của Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, điều này có nghĩa làm báp têm cho những người tin đạo đã được dạy dỗ bằng cách trầm mình dưới nước. Dần dần họ thấy rằng sự phân biệt giữa hàng giáo phẩm và giáo dân không căn cứ trên Kinh-thánh (Ma-thi-ơ 23:8-10). Ngược lại, tất cả các tín đồ đấng Christ đều phải rao giảng tin mừng (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Các Học viên Kinh-thánh ý thức rằng Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ chỉ nên cử hành mỗi năm một lần mà thôi, vào ngày 14 Ni-san. Ngoài ra, họ thấy rằng Lễ Phục sinh là một lễ thuộc tà đạo. Hơn nữa, những người được xức dầu tin chắc rằng Đức Chúa Trời ủng hộ công việc của họ đến độ họ đã không bao giờ quyên tiền (Ma-thi-ơ 10:8). Từ thời ban đầu, họ hiểu rằng tín đồ đấng Christ phải sống phù hợp với các nguyên tắc trong Kinh-thánh, kể cả việc vun trồng bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22, 23).
Thêm những tia sáng
11. Ánh sáng nào đã chiếu rạng trên sứ mạng của tín đồ đấng Christ và chuyện ví dụ của Giê-su về chiên và dê?
11 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va được ban thêm tia sáng đặc biệt kể từ năm 1919. Thật là một tia sáng rực rỡ chiếu rạng năm 1922 tại hội nghị Cedar Point khi J. F. Rutherford, chủ tịch thứ nhì của Hội Tháp Canh, nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của tôi tớ Đức Giê-hô-va là phải “loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời”! Chính năm sau đó, ánh sáng rực rỡ đã chiếu rạng trên chuyện ví dụ về chiên và dê. Họ thấy rằng lời tiên tri này phải được ứng nghiệm vào ngày hiện tại của Chúa, chứ không phải trong tương lai trong thời đại Một Ngàn Năm, như họ tưởng trước đó. Trong thời kỳ Một Ngàn Năm, các anh em của đấng Christ sẽ không bị bệnh cũng không bị bỏ tù. Ngoài ra, vào cuối thời kỳ Một Ngàn Năm chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ phán xét, chứ không phải Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46).
12. Có tia sáng nào liên quan đến Ha-ma-ghê-đôn?
12 Vào năm 1926, một tia sáng rực rỡ khác đã tiết lộ rằng trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ không phải là một cuộc cách mạng về xã hội, như các Học viên Kinh-thánh tưởng trước đó. Thay vì thế, trong chiến tranh đó, Đức Giê-hô-va sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài một cách hết sức rõ ràng đến nỗi tất cả mọi người sẽ tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời (Khải-huyền 16:14-16; 19:17-21).
Lễ Giáng sinh—Một ngày lễ tà giáo
13. a) Có ánh sáng nào chiếu rạng về Lễ Giáng sinh? b) Tại sao họ không còn ăn mừng lễ sinh nhật nữa? (Kể cả lời cước chú).
13 Ít lâu sau đó, một tia sáng khiến các Học viên Kinh-thánh ngưng cử hành Lễ Giáng sinh. Trước đó, các Học viên Kinh-thánh trên khắp đất luôn luôn cử hành Lễ Giáng sinh, và tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, đây là một dịp rất vui nhộn. Nhưng rồi họ ý thức rằng lễ ngày 25 tháng 12 thật sự bắt nguồn từ tà giáo và các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ đã chọn ngày ấy để khiến người tà giáo cải đạo một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, họ khám phá rằng Giê-su không thể nào sanh vào mùa đông, vì khi ngài ra đời, các người chăn chiên cho chiên ăn cỏ ngoài đồng—một điều họ hẳn không làm ban đêm vào cuối tháng 12 (Lu-ca 2:8). Thay vì thế, Kinh-thánh cho thấy Giê-su ra đời vào khoảng ngày 1 tháng 10. Các Học viên Kinh-thánh cũng ý thức rằng những người được gọi là nhà thông thái đến thăm Giê-su khoảng hai năm sau khi ngài sanh ra, là các thầy pháp tà giáo.b
Một tên mới
14. Tại sao tên Học viên Kinh-thánh đã không đại diện đầy đủ cho dân sự Đức Giê-hô-va?
14 Vào năm 1931, một tia sáng lẽ thật đã tiết lộ cho các Học viên Kinh-thánh biết một tên rất thích hợp dựa trên Kinh-thánh. Dân sự của Đức Giê-hô-va hiểu rằng họ không thể chấp nhận những tên mà người khác gán cho họ, chẳng hạn như Russellites (đệ tử của Russell), Millennial Dawnists (những người tin nơi Bình minh Một Ngàn Năm) và “no hellers” (những người không tin có địa ngục).c Nhưng họ cũng bắt đầu ý thức rằng tên mà chính họ chọn—Học viên Kinh-thánh Quốc tế—không diễn đạt đầy đủ ý nghĩa. Họ không chỉ là học viên Kinh-thánh. Ngoài ra, có rất nhiều người khác cũng học hỏi Kinh-thánh, nhưng họ không giống các Học viên Kinh-thánh chút nào.
15. Năm 1931, các Học viên Kinh-thánh đã nhận lấy tên nào, và tại sao tên ấy rất thích hợp?
15 Làm sao các Học viên Kinh-thánh có được một tên mới? Trải qua nhiều năm, tạp chí Tháp Canh đã tôn vinh danh của Đức Giê-hô-va. Thành thử, điều rất thích hợp là các Học viên Kinh-thánh nhận lấy tên được ghi nơi Ê-sai 43:10: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo-thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa”.
Sự biện minh và đám đông “vô-số người”
16. Tại sao các lời tiên tri về sự phục hưng không thể nào áp dụng cho người Do Thái xác thịt trở về Pha-lê-tin, nhưng áp dụng cho ai?
16 Trong quyển hai của bộ Vindication (Sự biện minh), do Hội Tháp Canh xuất bản năm 1932, một tia sáng đã tiết lộ rằng các lời tiên tri về sự phục hưng do Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và một số các nhà tiên tri khác ghi lại, không áp dụng (như họ tưởng trước đó) cho người Do Thái xác thịt không tin đạo trở về Pha-lê-tin với những động cơ chính trị. Thay vì thế, những lời tiên tri về sự phục hưng đã được ứng nghiệm trên bình diện nhỏ hẹp khi dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn trở về năm 537 trước công nguyên, và được ứng nghiệm trên bình diện rộng lớn khi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được giải cứu và phục hưng kể từ năm 1919, và qua sự thịnh vượng trong địa đàng thiêng liêng mà các tôi tớ thật của Đức Giê-hô-va vui hưởng ngày nay.
17, 18. a) Với thời gian, qua một tia sáng, dân sự Đức Chúa Trời thấy rằng ý định chính của Đức Giê-hô-va là gì? b) Có tia sáng nào chiếu rạng năm 1935 liên quan đến Khải-huyền 7:9-17?
17 Với thời gian, những tia sáng tiết lộ rằng ý định chính của Đức Giê-hô-va không phải là cứu rỗi những tạo vật của Ngài, nhưng để biện minh cho quyền thống trị của Ngài. Họ nhận thấy rằng đề tài quan trọng nhất trong Kinh-thánh không phải là giá chuộc, mà là Nước Trời, vì nhờ đó mà quyền thống trị của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh. Đó thật là một tia sáng tuyệt diệu làm sao! Những tín đồ đấng Christ đã dâng mình không còn quan tâm trước hết đến việc đi lên trời nữa.
18 Vào năm 1935, một tia sáng rực rỡ tiết lộ rằng đám đông vô số người được nói đến nơi Khải-huyền 7:9-17 không phải là một nhóm phụ đi lên trời. Hồi trước họ tưởng rằng những người được đề cập trong các câu này thuộc nhóm người được xức dầu nhưng đã không tỏ mình trung thành trọn vẹn và vì vậy họ đứng trước ngôi thay vì ngồi trên ngôi và cai trị với Giê-su Christ với tư cách là vua và thầy tế lễ. Nhưng thật ra không có gì là trung thành nửa chừng. Một người hoặc trung thành hoặc bất trung. Vậy, họ nhận thấy rằng lời tiên tri này ám chỉ đến đám đông vố số người từ mọi nước hiện nay đang được thâu nhóm và có hy vọng sống trên đất. Họ là “chiên” được nói đến nơi Ma-thi-ơ 25:31-46 và “chiên khác” nơi Giăng 10:16.
Thập tự giá—Không phải một biểu hiệu của đạo đấng Christ
19, 20. Tại sao thập tự giá không thể nào là một biểu hiệu cho đạo đấng Christ?
19 Trải qua nhiều năm, các Học viên Kinh-thánh đề cao thập tự giá như một biểu hiệu của đạo đấng Christ. Họ thậm chí còn có một cái ghim có hình “mão triều thiên và thập tự giá”. Theo bản Kinh-thánh King James Version, Giê-su kêu môn đồ vác “cây thập tự giá”, và nhiều người tin rằng ngài bị hành quyết trên cây thập tự (Ma-thi-ơ 16:24; 27:32). Trong nhiều thập niên, bìa ngoài của tạp chí Tháp Canh cũng phô trương biểu hiệu này.
20 Cuốn sách Riches, do Hội xuất bản năm 1936, cho biết rõ rằng Giê-su Christ bị hành quyết, không phải trên cây thập tự, nhưng trên một trụ đứng thẳng, hoặc cây cột. Theo một nguồn thẩm quyền, chữ Hy Lạp (stau·rosʹ) dịch là “thập tự giá” trong bản Kinh-thánh King James Version “có nghĩa chính là cây cọc hay trụ đứng thẳng... [Nó] khác với hình thức thập tự giá theo giáo hội là gồm hai cây tréo nhau. Hình dạng thập tự giá bắt nguồn từ xứ Canh-đê xưa và đã được dùng làm biểu tượng cho thần Tham-mu”. Thay vì tôn sùng nó, chúng ta nên gớm ghê cái vật mà trên đó Giê-su bị đóng đinh.
21. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
21 Chúng ta còn nhiều thí dụ khác về các tia sáng rực rỡ cũng như những tia sáng có vẻ yếu ớt hơn. Để xem cuộc bàn luận về các tia sáng này, xin đọc bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Do Hội Tháp Canh xuất bản 1973.
b Với thời gian, họ nhận thấy rằng nếu không nên ăn mừng ngày sanh quan trọng nhất trong suốt lịch sử, thì chúng ta cũng không nên ăn mừng bất cứ lễ sinh nhật nào. Ngoài ra, người Y-sơ-ra-ên cũng như tín đồ đấng Christ đã không ăn mừng lễ sinh nhật. Kinh-thánh chỉ đề cập đến hai lễ sinh nhật, một của Pha-ra-ôn và một của Hê-rốt An-ti-ba. Mỗi lễ ăn mừng có chuyện thảm khốc là có người bị hành quyết. Nhân-chứng Giê-hô-va không ăn mừng lễ sinh nhật vì các lễ này bắt nguồn từ tà đạo và thường tôn vinh người có sinh nhật (Sáng-thế Ký 40:20-22; Mác 6:21-28).
c Một số giáo phái thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ đã phạm lỗi này. Những người theo Martin Luther đã nhận lấy tên Lutheran mà các kẻ thù của ông gán cho họ. Cũng vậy, người Báp-tít lấy tên mà các người ngoại đạo gán cho họ vì họ rao giảng về phép báp têm bằng cách trầm mình dưới nước. Cũng tương tự thế, người Methodist nhận một tên gán cho họ bởi một người khác đạo. Một bách khoa tự điển (The World Book Encyclopedia) nói về cách Hội Các Bạn đã bắt đầu được gọi bằng Quakers: “Ban đầu chữ Quaker [người run rẩy] được dùng để khinh miệt Fox [người sáng lập đạo], vì ông bảo một quan tòa người Anh phải ‘run sợ trước Lời của Chúa’. Ông quan tòa gọi Fox là một ‘người run rẩy’ ”.
Bạn có nhớ không?
◻ Ai là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và ai là “người nhà”?
◻ Một số những tia sáng ban đầu vào thời nay là gì?
◻ Tại sao tên mới, Nhân-chứng Giê-hô-va, rất thích hợp?
◻ Những lẽ thật vĩ đại nào được tiết lộ năm 1935?
[Hình nơi trang 17]
C. T. Russell và những người kết hợp với anh phổ biến ánh sáng thiêng liêng, nhưng họ qui tất cả công trạng cho Đức Giê-hô-va