“Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?”
“Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Chủ đã giao nhiệm vụ coi sóc các đầy tớ mình?”.—MAT 24:45.
1, 2. Chúa Giê-su cung cấp thức ăn thiêng liêng cho chúng ta qua phương tiện nào, và tại sao chúng ta cần nhận ra phương tiện đó?
“Tôi không thể đếm xuể số lần mà các anh cung cấp những bài đúng với nhu cầu của tôi và vào đúng lúc tôi cần”. Một chị đã viết những lời này để tỏ lòng biết ơn các anh làm việc tại trụ sở trung ương. Bạn có cùng cảm nghĩ như thế không? Rất có thể nhiều người trong chúng ta cũng nghĩ vậy. Chúng ta có nên ngạc nhiên về điều này không? Hẳn là không.
2 Việc chúng ta nhận thức ăn thiêng liêng đúng giờ là bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su, Đầu hội thánh, giữ lời hứa về việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho chúng ta. Ngài dùng ai để làm điều đó? Khi đưa ra dấu hiệu về sự hiện diện của ngài, Chúa Giê-su nói ngài sẽ dùng “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để “cung cấp thức ăn đúng giờ” cho các đầy tớ mìnha. (Đọc Ma-thi-ơ 24:45-47). Đầy tớ trung tín ấy là phương tiện mà Chúa Giê-su dùng để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho các môn đồ chân chính vào những ngày sau cùng. Chúng ta cần nhận ra đầy tớ trung tín, vì tình trạng thiêng liêng và mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời phụ thuộc vào phương tiện này.—Mat 4:4; Giăng 17:3.
3. Những ấn phẩm của chúng ta từng giải thích minh họa về đầy tớ trung tín như thế nào?
3 Vậy, chúng ta cần hiểu minh họa của Chúa Giê-su về đầy tớ trung tín như thế nào? Trước đây, những ấn phẩm của chúng ta viết: Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín coi sóc các đầy tớ của ngài. “Đầy tớ trung tín” tượng trưng cho tất cả những tín đồ được xức dầu trên đất với tư cách là một nhóm vào bất cứ thời điểm nào kể từ đó. “Các đầy tớ” cũng ám chỉ những tín đồ được xức dầu, nhưng với tư cách cá nhân. Vào năm 1919, Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín “coi sóc cả gia tài mình”, tức mọi quyền lợi Nước Trời ở trên đất. Tuy nhiên, kết quả của việc nghiên cứu thêm cũng như cầu nguyện và nghiền ngẫm cho thấy cách hiểu của chúng ta về những lời của Chúa Giê-su liên quan đến đầy tớ trung tín và khôn ngoan cần được điều chỉnh (Châm 4:18). Hãy xem xét minh họa của Chúa Giê-su và minh họa ấy liên quan thế nào đến chúng ta, dù chúng ta có hy vọng lên trời hay sống vĩnh cửu trên đất.
KHI NÀO MINH HỌA NÀY ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM?
4-6. Tại sao có thể kết luận rằng minh họa của Chúa Giê-su về đầy tớ trung tín bắt đầu ứng nghiệm sau năm 1914?
4 Văn cảnh cho thấy minh họa về đầy tớ trung tín và khôn ngoan bắt đầu ứng nghiệm, không phải vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, nhưng trong thời kỳ cuối cùng. Hãy xem làm thế nào Kinh Thánh giúp chúng ta kết luận như thế.
5 Minh họa về đầy tớ trung tín là một phần trong lời tiên tri của Chúa Giê-su về ‘dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ngài và kỳ cuối cùng của thời đại này’ (Mat 24:3). Phần đầu của lời tiên tri, được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 24:4-22, ứng nghiệm hai lần: lần thứ nhất là từ năm 33 đến năm 70 CN và lần thứ hai, ứng nghiệm rộng lớn hơn, là vào thời chúng ta. Phải chăng điều này có nghĩa là những lời của Chúa Giê-su về đầy tớ trung tín cũng được ứng nghiệm hai lần? Không.
6 Bắt đầu từ Ma-thi-ơ 24:29, Chúa Giê-su chủ yếu tập trung vào những biến cố sẽ xảy ra vào thời chúng ta. (Đọc Ma-thi-ơ 24:30, 42, 44). Về những gì sẽ diễn ra trong hoạn nạn lớn, ngài nói rằng người ta “sẽ thấy Con Người đến trong các đám mây trên trời”. Sau đó, trong lời dành cho những người đang sống vào thời kỳ sau cùng, Chúa Giê-su thúc giục họ phải cảnh giác. Ngài nói: “Anh em không biết ngày nào Chúa mình đến” và “Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ”b. Ngay sau khi nói về các biến cố sẽ xảy ra vào những ngày sau cùng, Chúa Giê-su đưa ra minh họa về đầy tớ trung tín. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng những lời của ngài về đầy tớ trung tín chỉ ứng nghiệm sau khi những ngày sau cùng bắt đầu vào năm 1914. Tại sao kết luận như thế là hợp lý?
7. Câu hỏi trọng yếu nào được nêu lên khi mùa gặt bắt đầu, và tại sao?
7 Hãy suy nghĩ về câu hỏi: “Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?”. Vào thế kỷ thứ nhất, không có lý do để đặt câu hỏi như thế. Như đã xem trong bài trước, việc các sứ đồ làm nhiều phép lạ và ban món quà thần khí cho người khác là bằng chứng cho thấy họ được Đức Chúa Trời hỗ trợ (Công 5:12). Vì vậy, không cần hỏi ai thật sự được Chúa Giê-su bổ nhiệm để dẫn đầu. Tuy nhiên, vào năm 1914, hoàn cảnh đã khác. Mùa gặt đã bắt đầu và thời điểm tách cỏ dại ra khỏi lúa mì đã đến (Mat 13:36-43). Lúc này, có nhiều tín đồ giả hiệu tự nhận mình là môn đồ thật của Chúa Giê-su. Vậy một câu hỏi trọng yếu được nêu lên: “Làm thế nào nhận diện lúa mì, tức những tín đồ được xức dầu?”. Minh họa về đầy tớ trung tín cung cấp câu trả lời. Tín đồ được xức dầu là những người được no đủ về thiêng liêng.
AI LÀ ĐẦY TỚ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN?
8. Tại sao điều thích hợp là đầy tớ trung tín được tạo thành từ những người thuộc nhóm tín đồ được xức dầu?
8 Đầy tớ trung tín phải được tạo thành từ những người thuộc nhóm tín đồ được xức dầu trên đất. Họ được gọi là “lớp thầy tế lễ làm vua” và được giao sứ mệnh “‘công bố khắp nơi các đức tính tuyệt hảo’ của đấng đã gọi [họ] ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài” (1 Phi 2:9). Vậy thành viên thuộc “lớp thầy tế lễ làm vua” trực tiếp tham gia dạy sự thật cho anh em đồng đạo là điều thích hợp.—Mal 2:7; Khải 12:17.
9. Có phải tất cả những tín đồ được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín? Hãy giải thích.
9 Có phải tất cả những tín đồ được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín? Không. Thực tế là không phải mọi tín đồ được xức dầu đều góp phần vào việc cấp phát thức ăn thiêng liêng cho anh em đồng đạo trên khắp thế giới. Trong số tín đồ được xức dầu, có những anh là phụ tá hoặc trưởng lão tại các hội thánh địa phương. Họ dạy dỗ từ nhà này sang nhà kia và trong hội thánh. Họ trung thành ủng hộ sự chỉ dẫn từ trụ sở trung ương. Nhưng họ không tham gia vào việc cấp phát thức ăn thiêng liêng cho đoàn thể anh em quốc tế. Trong số tín đồ được xức dầu cũng có các chị. Họ khiêm nhường, không bao giờ giành vai trò dạy dỗ trong hội thánh.—1 Cô 11:3; 14:34.
10. Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?
10 Vậy ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan? Phù hợp với khuôn mẫu của Chúa Giê-su là dùng ít người cung cấp thức ăn cho nhiều người, đầy tớ đó là một nhóm nhỏ những anh được xức dầu trực tiếp tham gia chuẩn bị và cấp phát thức ăn thiêng liêng trong thời kỳ Đấng Ki-tô hiện diện. Trong suốt thời kỳ sau cùng, những anh được xức dầu thuộc đầy tớ trung tín cùng nhau phụng sự tại trụ sở trung ương. Trong những thập niên gần đây, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va chính là đầy tớ ấy. Tuy nhiên, trong minh họa của Chúa Giê-su, hãy lưu ý từ “đầy tớ” trong cụm từ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” ở dạng số ít, điều này ám chỉ một đầy tớ tổng hợp. Vì thế, những quyết định mà Hội đồng Lãnh đạo đưa ra là quyết định chung.
AI LÀ “CÁC ĐẦY TỚ”?
11, 12. (a) Đầy tớ trung tín và khôn ngoan được giao hai nhiệm vụ nào? (b) Khi nào Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín coi sóc các đầy tớ, và ngài đã chọn ai?
11 Đáng chú ý là trong minh họa của Chúa Giê-su, đầy tớ trung tín và khôn ngoan được giao hai nhiệm vụ: coi sóc các đầy tớ và coi sóc cả gia tài của chủ. Vì minh họa này chỉ ứng nghiệm vào thời kỳ cuối cùng, nên hẳn Chúa Giê-su sẽ giao cả hai nhiệm vụ sau năm 1914, khi ngài bắt đầu hiện diện với tư cách là Vua.
12 Khi nào Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín coi sóc các đầy tớ của ngài? Để trả lời, chúng ta hãy trở lại năm 1914, khởi điểm của mùa gặt. Như đề cập ở trên, vào lúc đó có nhiều nhóm nhận mình là môn đồ Đấng Ki-tô. Vậy, Chúa Giê-su đã chọn nhóm nào để đảm nhận vai trò đầy tớ trung tín? Câu hỏi này được giải đáp sau khi Chúa Giê-su và Cha đến thanh tra đền thờ thiêng liêng từ năm 1914 đến đầu năm 1919c (Mal 3:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Hai đấng ấy rất hài lòng về nhóm nhỏ Học viên Kinh Thánh trung thành gắn bó với Đức Giê-hô-va và Lời ngài. Dĩ nhiên, những Học viên ấy vẫn cần được làm sạch, nhưng họ đã khiêm nhường hưởng ứng khi được thử thách và tinh luyện trong thời gian ngắn (Mal 3:2-4). Những Học viên Kinh Thánh trung thành này chính là lúa mì, tức môn đồ thật của Đấng Ki-tô. Vào năm 1919, một thời điểm khôi phục về thiêng liêng, Chúa Giê-su đã chọn những anh được xức dầu hội đủ điều kiện trong số các Học viên Kinh Thánh để làm đầy tớ trung tín và khôn ngoan, rồi giao cho họ coi sóc các đầy tớ của ngài.
13. “Các đầy tớ” bao gồm những ai, và tại sao?
13 Vậy ai là “các đầy tớ”? Nói đơn giản, họ là những người được cung cấp thức ăn thiêng liêng. Trong thời kỳ đầu của những ngày sau cùng, “các đầy tớ” đều là những tín đồ được xức dầu. Về sau, “các đầy tớ” gồm cả đám đông các chiên khác. Ngày nay, chiên khác chiếm phần lớn trong “một bầy” dưới sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô (Giăng 10:16). Cả hai nhóm này đều nhận được lợi ích từ cùng một thức ăn thiêng liêng đúng giờ do đầy tớ trung tín cấp phát. Vậy còn về những anh thuộc Hội đồng Lãnh đạo thì sao? Dù thuộc đầy tớ trung tín và khôn ngoan, các anh cũng cần được cung cấp thức ăn thiêng liêng. Vì thế, họ khiêm nhường nhận ra rằng cá nhân họ vẫn thuộc “các đầy tớ” giống như mọi môn đồ chân chính khác của Chúa Giê-su.
14. (a) Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín nhiệm vụ nào, và nhiệm vụ này bao gồm những gì? (b) Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo nào cho đầy tớ trung tín và khôn ngoan? (Xem khung “Nếu đầy tớ đó là kẻ xấu...”).
14 Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín và khôn ngoan một trọng trách. Vào thời Kinh Thánh, một đầy tớ trung tín, hay quản gia, được giao nhiệm vụ coi sóc nhà cửa của chủ (Lu 12:42). Tương tự, đầy tớ trung tín và khôn ngoan có trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản trên đất của Đấng Ki-tô. Nhiệm vụ này bao gồm giám sát tài chính, cơ sở vật chất, hoạt động rao giảng, các chương trình hội nghị cũng như việc sản xuất sách báo dùng trong thánh chức, học hỏi cá nhân và tại hội thánh. “Các đầy tớ” phụ thuộc vào mọi sự cung cấp về thiêng liêng đến từ đầy tớ trung tín.
KHI NÀO ĐƯỢC GIAO COI SÓC CẢ GIA TÀI CỦA CHỦ?
15, 16. Khi nào Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín coi sóc cả gia tài?
15 Khi nào Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín nhiệm vụ thứ hai là coi sóc “cả gia tài mình”? Ngài nói: “Hạnh phúc cho đầy tớ đó khi Chủ đến thấy người làm thế! Quả thật, tôi nói với anh em: Chủ sẽ giao cho người coi sóc cả gia tài mình” (Mat 24:46, 47). Hãy lưu ý Chúa Giê-su giao nhiệm vụ thứ hai sau khi ngài đến và thấy đầy tớ đó “làm thế”, tức trung thành cấp phát thức ăn thiêng liêng. Vậy, có một khoảng thời gian giữa hai lần giao nhiệm vụ. Để hiểu Chúa Giê-su giao cho đầy tớ trung tín coi sóc cả gia tài khi nào và điều này có nghĩa gì, chúng ta cần biết hai khía cạnh: khi nào ngài đến và gia tài của ngài gồm những gì.
16 Khi nào Chúa Giê-su đến? Văn cảnh cho lời giải đáp. Hãy nhớ rằng từ “đến” được đề cập trong những câu trước ám chỉ thời điểm ngài đến để tuyên án và thi hành án trong hoạn nạn lớnd (Mat 24:30, 42, 44). Vì vậy, việc “đến” của Chúa Giê-su được đề cập trong minh họa về đầy tớ trung tín diễn ra trong hoạn nạn lớn.
17. Gia tài của Chúa Giê-su gồm những gì?
17 “Cả gia tài” của Chúa Giê-su gồm những gì? Gia tài của Chúa Giê-su không chỉ ở trên đất mà còn cả ở trên trời. Ngài nói: “Tôi đã được giao mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất” (Mat 28:18; Ê-phê 1:20-23). Hiện nay, gia tài của Chúa Giê-su gồm cả Nước của Đấng Mê-si đã thuộc về ngài kể từ năm 1914, và ngài sẽ chia sẻ vương quyền với những tín đồ được xức dầu.—Khải 11:15.
18. Tại sao Chúa Giê-su vui mừng giao nhiệm vụ coi sóc cả gia tài cho đầy tớ trung tín?
18 Qua những gì vừa xem xét, chúng ta có thể kết luận ra sao? Khi đến để phán xét trong hoạn nạn lớn, Chúa Giê-su sẽ thấy đầy tớ trung tín đang trung thành cấp phát thức ăn thiêng liêng đúng giờ cho các đầy tớ. Vì thế, ngài sẽ vui mừng giao nhiệm vụ thứ hai, đó là coi sóc cả gia tài của ngài. Những người hợp thành đầy tớ trung tín sẽ nhận nhiệm vụ này khi họ nhận phần thưởng trên trời và đồng cai trị với Đấng Ki-tô.
19. Có phải phần thưởng trên trời của đầy tớ trung tín sẽ lớn hơn những tín đồ được xức dầu khác? Hãy giải thích.
19 Có phải phần thưởng trên trời của đầy tớ trung tín sẽ lớn hơn những tín đồ được xức dầu khác? Không. Đôi khi, phần thưởng được hứa dành cho một nhóm nhỏ về sau cũng được chia sẻ cho những người khác. Chẳng hạn, hãy xem Chúa Giê-su nói gì với 11 sứ đồ trung thành vào đêm trước khi ngài chết. (Đọc Lu-ca 22:28-30). Chúa Giê-su hứa rằng nhóm nhỏ này sẽ nhận được phần thưởng cao quý vì đã giữ lòng trung thành. Họ sẽ đồng cai trị với ngài. Nhưng nhiều năm sau, Chúa Giê-su cho biết tất cả 144.000 người sẽ ngồi trên ngai và cùng cai trị với ngài (Khải 1:1; 3:21). Tương tự, như Ma-thi-ơ 24:47 nói, Chúa Giê-su hứa rằng một nhóm nhỏ, tức những anh được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín, sẽ được giao coi sóc cả gia tài của ngài. Nhưng trên thực tế, tất cả 144.000 người đều sẽ đồng hưởng quyền hành lớn của Chúa Giê-su ở trên trời.—Khải 20:4, 6.
20. Tại sao Chúa Giê-su bổ nhiệm đầy tớ trung tín, và bạn quyết tâm làm gì?
20 Qua việc dùng đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Chúa Giê-su làm theo khuôn mẫu ngài đã thiết lập vào thế kỷ thứ nhất: dùng ít người cung cấp thức ăn cho nhiều người. Chúa Giê-su bổ nhiệm đầy tớ trung tín để đảm bảo rằng những môn đồ chân chính của ngài, cả tín đồ được xức dầu và chiên khác, sẽ luôn được cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ trong suốt những ngày sau cùng. Vậy, chúng ta hãy quyết tâm bày tỏ lòng quý trọng sự sắp đặt của Chúa Giê-su bằng cách trung thành ủng hộ những anh được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan.—Hê 13:7, 17.
a Đoạn 2: Vào một dịp trước đó, Chúa Giê-su dùng minh họa tương tự, trong đó ngài gọi “đầy tớ” ấy là “quản gia”.—Lu 12:42-44.
b Đoạn 6: Việc Chúa Giê-su “đến” (từ Hy Lạp erʹkho·mai) khác với việc ngài “hiện diện” (pa·rou·siʹa). Sự hiện diện vô hình của Chúa Giê-su bắt đầu trước việc ngài đến để thi hành án.
d Đoạn 16: Xin xem bài “Xin thầy cho chúng tôi biết khi nào những điều đó sẽ xảy ra” trong số này, trang 7, 8, đoạn 14-18.