“Kẻo các ngươi sa vào chước cám-dỗ”
“Hãy thức canh và cầu-nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám-dỗ”.—MA-THI-Ơ 26:41.
ÁP LỰC thật nặng nề ngài chưa từng trải qua. Cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, gần kết thúc. Chúa Giê-su biết ngài sắp bị bắt, bị kết án tử hình và bị đóng đinh trên cây khổ hình. Ngài biết rằng bất cứ quyết định hay hành động nào của ngài đều ảnh hưởng đến danh Cha ngài. Chúa Giê-su cũng biết rằng tương lai của nhân loại được định đoạt vào giờ phút này. Đứng trước mọi áp lực này, ngài đã làm gì?
2 Chúa Giê-su đi đến vườn Ghết-sê-ma-nê cùng với các môn đồ. Đây là nơi ngài thường lui tới. Ngài đi đến một chỗ cách các môn đồ một quãng ngắn. Ở một mình, ngài đến với Cha trên trời để có sức mạnh. Ngài dốc hết lòng vào lời cầu nguyện tha thiết—không phải một lần mà ba lần. Dầu hoàn toàn, Chúa Giê-su cảm thấy ngài không thể một mình đương đầu với áp lực.—Ma-thi-ơ 26:36-44.
3 Ngày nay áp lực cũng đè nặng trên chúng ta. Trong phần đầu của sách mỏng này, chúng ta đã xem xét bằng chứng chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của hệ thống gian ác này. Cám dỗ và lo âu trong thế gian của Sa-tan càng ngày càng tăng thêm. Mang danh những người phụng sự Đức Chúa Trời thật, các quyết định và hành động của mỗi người chúng ta đều ảnh hưởng đến danh Ngài và đến triển vọng được sống trong thế giới mới của Ngài. Chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va. Chúng ta muốn “bền chí cho đến cuối-cùng”—dù là cuối cùng của đời mình hoặc là cuối cùng của hệ thống này. (Ma-thi-ơ 24:13) Nhưng làm sao chúng ta có thể giữ được tinh thần khẩn trương và thức canh?
4 Biết rằng các môn đồ ngài—cả thời xưa lẫn thời nay—cũng bị áp lực, Chúa Giê-su khuyên giục: “Hãy thức canh và cầu-nguyện [“không thôi”, NW], kẻo các ngươi sa vào chước cám-dỗ”. (Ma-thi-ơ 26:41) Những lời này có nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay? Bạn đang gặp cám dỗ nào? Làm thế nào bạn có thể “thức canh”?
Cám dỗ làm điều gì?
5 Tất cả chúng ta hàng ngày đều gặp phải cám dỗ đầu hàng trước “lưới ma-quỉ”. (2 Ti-mô-thê 2:26) Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng Sa-tan đặc biệt nhắm vào những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 5:8; Khải-huyền 12:12, 17) Với mục đích gì? Không nhất thiết để giết chúng ta. Vì nếu chúng ta chết trong sự trung thành với Đức Chúa Trời thì Sa-tan chẳng được gì. Sa-tan biết rằng Đức Giê-hô-va, vào thời điểm của Ngài, sẽ vô hiệu hóa cái chết bằng sự sống lại.—Lu-ca 20:37, 38.
6 Sa-tan muốn phá hủy một điều còn quý giá hơn đời sống hiện tại của chúng ta—đó là lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Sa-tan ra sức chứng tỏ hắn có thể làm chúng ta bỏ Đức Giê-hô-va. Do đó, nếu chúng ta bị dẫn dụ bất trung với Ngài—ngưng rao giảng tin mừng hoặc bỏ các tiêu chuẩn của đạo Đấng Christ—đó sẽ là một chiến thắng cho Sa-tan! (Ê-phê-sô 6:11-13) Vậy ‘Kẻ Cám Dỗ’ đặt cám dỗ trước mặt chúng ta.—Ma-thi-ơ 4:3.
7 Sa-tan có nhiều “mưu-kế” khác nhau. (Ê-phê-sô 6:11) Hắn có thể dùng vật chất, sợ hãi, nghi ngờ, hoặc thú vui để cám dỗ chúng ta. Nhưng một trong các phương pháp hữu hiệu nhất là làm nản lòng. Là kẻ lợi dụng quỉ quyệt, hắn biết sự buồn nản có thể làm chúng ta yếu đi về thiêng liêng và dễ bị sa ngã. (Châm-ngôn 24:10) Bởi vậy, đặc biệt khi chúng ta bị “nát tan” về tình cảm, hắn cám dỗ chúng ta bỏ cuộc.—Thi-thiên 38:9, Tòa Tổng Giám Mục.
8 Khi tiến sâu hơn vào những ngày cuối cùng thì dường như càng có nhiều nguyên nhân gây ra nản lòng, và chúng ta cũng bị ảnh hưởng. (Xem khung “Một số yếu tố gây nản lòng”). Dù nguyên nhân là gì, sự nản lòng xói mòn sức mạnh. Việc “lợi-dụng thì-giờ” cho các bổn phận về thiêng liêng—bao gồm học hỏi Kinh Thánh, đi nhóm họp và rao giảng—có thể là một thách thức nếu chúng ta mệt mỏi về thể chất, tinh thần và tình cảm. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Hãy nhớ rằng Kẻ Cám Dỗ muốn chúng ta bỏ cuộc. Nhưng đây không phải là lúc chùn bước, hoặc mất đi ý thức về tính khẩn cấp của thời kỳ mà chúng ta đang sống! (Lu-ca 21:34-36) Làm thế nào bạn có thể chống lại cám dỗ và tiếp tục thức canh? Hãy xem xét bốn đề nghị hữu ích.
‘Cầu-nguyện không thôi’
9 Tin cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Hãy nhớ lại gương của Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Trong tình trạng cảm xúc căng thẳng cực độ ngài đã làm gì? Ngài đến với Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ. Ngài cầu nguyện tha thiết đến độ “mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. (Lu-ca 22:44) Hãy suy nghĩ về điều này. Chúa Giê-su biết rõ Sa-tan. Từ trên trời, ngài đã quan sát thấy tất cả những cám dỗ mà Sa-tan dùng cốt để đánh bẫy tôi tớ Đức Chúa Trời. Thế nhưng, ngài vẫn không cảm thấy là mình có thể dễ dàng vượt qua bất cứ cám dỗ nào mà Sa-tan đem đến cho ngài. Nếu người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời còn cảm thấy phải cầu xin Cha ngài giúp đỡ và ban sức mạnh thì chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn biết chừng nào!—1 Phi-e-rơ 2:21.
10 Cũng phải nhớ là sau khi khuyên giục môn đồ ‘hãy cầu-nguyện không thôi’, Chúa Giê-su nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”. (Ma-thi-ơ 26:41) Chúa Giê-su muốn nói đến xác thịt của ai? Chắc chắn không phải của ngài vì không có gì yếu đuối trong xác thịt hoàn toàn của ngài cả. (1 Phi-e-rơ 2:22) Nhưng các môn đồ ngài thì khác. Vì sự bất toàn di truyền và khuynh hướng phạm tội, họ đặc biệt cần sự giúp đỡ để chống lại cám dỗ. (Rô-ma 7:21-24) Đó là lý do tại sao ngài khuyên giục họ—và mọi tín đồ thật của Đấng Christ sau họ—hãy cầu nguyện xin giúp đỡ khi gặp cám dỗ. (Ma-thi-ơ 6:13) Đức Giê-hô-va đáp những lời cầu nguyện như thế. (Thi-thiên 65:2) Bằng cách nào? Ít nhất bằng hai cách.
11 Trước nhất, Đức Chúa Trời giúp chúng ta nhận ra sự cám dỗ. Sự cám dỗ của Sa-tan giống như bẫy giăng trên lối đi tối mịt mùng. Nếu không nhìn thấy bẫy, bạn có thể rơi vào. Qua Kinh Thánh và các sách báo giải thích Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va soi sáng để chúng ta thấy rõ các bẫy của Sa-tan, giúp chúng ta tránh rơi vào cám dỗ. Qua nhiều năm, sách báo và các chương trình đại hội, hội nghị đã nhiều lần cảnh giác chúng ta về những nguy hiểm như sự sợ loài người, tình dục vô luân, chủ nghĩa vật chất và các cám dỗ khác của Sa-tan. (Châm-ngôn 29:25; 1 Cô-rinh-tô 10:8-11; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Bạn lại không biết ơn Đức Giê-hô-va đã cảnh giác chúng ta về mưu kế của Sa-tan hay sao? (2 Cô-rinh-tô 2:11) Tất cả những cảnh báo đó là sự đáp lời cầu nguyện của chúng ta xin giúp đỡ để chống lại cám dỗ.
12 Thứ hai, Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng thử thách. Lời Ngài nói: “Đức Chúa Trời... chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi”. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Nếu tiếp tục trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không bao giờ để cho sự cám dỗ áp đảo chúng ta đến độ không còn sức mạnh về thiêng liêng để chống trả. Ngài “mở đàng cho ra khỏi” như thế nào? Ngài ‘ban thánh linh cho người xin Ngài’. (Lu-ca 11:13) Thánh linh có thể khiến chúng ta nhớ lại những nguyên tắc Kinh Thánh giúp củng cố quyết tâm làm điều đúng và quyết định khôn ngoan. (Giăng 14:26; Gia-cơ 1:5, 6) Thánh linh có thể giúp chúng ta thể hiện các đức tính cần thiết để khắc phục khuynh hướng sai lầm. (Ga-la-ti 5:22, 23) Thánh linh của Đức Chúa Trời thậm chí có thể động lòng anh em đồng đạo đem niềm an ủi cho chúng ta. (Cô-lô-se 4:11) Chúng ta lại không biết ơn Đức Giê-hô-va đã yêu thương đáp lời cầu xin bằng những cách như vậy hay sao?
Phải thực tế khi mong đợi điều gì
13 Để thức canh, những gì chúng ta mong đợi phải thực tế. Vì áp lực của đời sống, thỉnh thoảng chúng ta cũng mệt mỏi. Nhưng cần nhớ là Đức Chúa Trời không hề hứa đời sống chúng ta sẽ không có khó khăn trong hệ thống cũ này. Ngay cả trong thời Kinh Thánh, tôi tớ Đức Chúa Trời cũng gặp phải nghịch cảnh như bắt bớ, nghèo khó, buồn nản và đau ốm.—Công-vụ 8:1; 2 Cô-rinh-tô 8:1, 2; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; 1 Ti-mô-thê 5:23.
14 Ngày nay, chúng ta cũng có những vấn đề. Nào là bắt bớ, khó khăn về tài chính, nào là nản lòng, ốm đau, và những đau khổ khác. Nếu Đức Giê-hô-va dùng phép lạ che chở chúng ta khỏi mọi đau khổ thì điều này chẳng cho Sa-tan cớ để sỉ nhục Ngài hay sao? (Châm-ngôn 27:11) Đức Giê-hô-va để cho tôi tớ Ngài bị cám dỗ và thử thách, đôi khi đến độ bị kẻ chống đối giết chết.—Giăng 16:2.
15 Vậy Đức Giê-hô-va đã hứa gì? Như đã đề cập ở trên, Ngài hứa sẽ giúp chúng ta có đủ khả năng chống lại bất cứ sự cám dỗ nào miễn là chúng ta hoàn toàn tin cậy Ngài. (Châm-ngôn 3:5, 6) Qua Lời Ngài, thánh linh và tổ chức của Ngài, Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta về thiêng liêng, giúp chúng ta gìn giữ mối quan hệ với Ngài. Nếu mối quan hệ này toàn vẹn thì dù có chết, chúng ta vẫn thắng. Không điều gì—kể cả cái chết—có thể cản trở Đức Chúa Trời thưởng cho các tôi tớ trung thành của Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:6) Trong thế giới mới nay đã gần kề, Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm ứng nghiệm mọi lời hứa tuyệt diệu còn lại là ban phước cho những ai yêu mến Ngài.—Thi-thiên 145:16.
Hãy nhớ các vấn đề tranh chấp
16 Để bền chí đến cuối cùng, chúng ta phải nhớ các vấn đề tranh chấp quan trọng liên quan đến việc Đức Chúa Trời cho phép có sự gian ác. Nếu thỉnh thoảng khó khăn dường như quá sức chịu đựng, và bị cám dỗ muốn bỏ cuộc, chúng ta nên tự nhắc nhở mình rằng Sa-tan đã nêu nghi vấn về tính chính đáng của quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Kẻ Lừa Gạt cũng đặt nghi vấn về lòng sùng kính và trung kiên của những người thờ phượng Đức Chúa Trời. (Gióp 1:8-11; 2:3, 4) Những vấn đề này và phương cách Đức Giê-hô-va dùng để giải quyết quan trọng hơn mạng sống của mỗi người chúng ta. Tại sao vậy?
17 Nhờ Đức Giê-hô-va tạm thời cho phép sự gian khổ kéo dài, người ta có thời gian để nhận được lẽ thật. Hãy nghĩ về điều này: Chúa Giê-su chịu đau khổ để chúng ta có thể được sự sống. (Giăng 3:16) Chúng ta lại không biết ơn về điều đó sao? Nhưng chúng ta có sẵn lòng chịu đựng gian khổ lâu hơn chút nữa để người khác có thể được sự sống không? Để bền chí đến cuối cùng, chúng ta phải nhận biết Đức Giê-hô-va khôn ngoan hơn chúng ta rất nhiều. (Ê-sai 55:9) Ngài sẽ chấm dứt sự gian ác vào thời điểm tốt nhất cho việc giải quyết vĩnh viễn các vấn đề trên và cho lợi ích đời đời của chúng ta. Thật ra chẳng còn cách nào khác phải không? Không hề có sự bất công nào nơi Đức Chúa Trời!—Rô-ma 9:14-24.
“Hãy đến gần Đức Chúa Trời”
18 Để giữ được tinh thần khẩn trương, chúng ta cần ở gần Đức Giê-hô-va. Chớ bao giờ quên rằng Sa-tan đang dốc toàn lực để phá hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Sa-tan muốn chúng ta tin rằng sự cuối cùng không bao giờ đến, rằng rao giảng tin mừng và sống theo các tiêu chuẩn của Kinh Thánh là vô ích. Nhưng hắn “là kẻ nói dối và là cha sự nói dối”. (Giăng 8:44) Chúng ta phải cương quyết “chống-trả ma-quỉ”. Chúng ta chớ bao giờ coi thường mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh yêu thương khuyên: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:7, 8) Bạn có thể đến gần Đức Giê-hô-va như thế nào?
19 Suy ngẫm và cầu nguyện là thiết yếu. Khi áp lực trong cuộc sống dường như quá sức, hãy giãi bày lòng bạn cho Đức Giê-hô-va. Càng cầu nguyện cụ thể bao nhiêu thì bạn sẽ càng dễ nhận thấy Ngài đáp lại những điều bạn mong mỏi bấy nhiêu. Sự đáp lại có thể không y như bạn mong đợi, nhưng nếu bạn ước muốn tôn vinh Ngài và trung kiên với Ngài, Đức Chúa Trời sẽ cung cấp sự giúp đỡ cần thiết để bạn có thể chịu đựng được. (1 Giăng 5:14) Khi thấy sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống bạn, bạn sẽ đến gần Ngài hơn. Đọc và suy ngẫm về những đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va, như được tiết lộ trong Kinh Thánh, cũng cần thiết. Sự suy ngẫm đó giúp bạn biết Ngài rõ hơn, khiến lòng bạn trổi lên tình yêu thương sâu đậm đối với Ngài. (Thi-thiên 19:14) Chính tình yêu thương ấy, hơn bất cứ điều gì khác, sẽ giúp bạn chống lại cám dỗ và tiếp tục thức canh.—1 Giăng 5:3.
20 Để tiếp tục ở gần Đức Giê-hô-va, việc gần gũi với anh em đồng đạo cũng là điều quan trọng. Điều này sẽ được thảo luận trong phần cuối của sách mỏng này.
CÂU HỎI ĐỂ THẢO LUẬN
• Chúa Giê-su đã làm gì khi áp lực đè nặng trên ngài vào lúc cuối cuộc đời, và ngài đã khuyên môn đồ làm gì? (Đoạn 1-4)
• Tại sao Sa-tan nhắm vào những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, và hắn cám dỗ chúng ta bằng những cách nào? (Đoạn 5-8)
• Để chống lại sự cám dỗ, tại sao chúng ta phải cầu nguyện không thôi (Đoạn 9-12), thực tế khi mong đợi điều gì (Đoạn 13-15), nhớ những vấn đề tranh chấp (Đoạn 16, 17), và “đến gần Đức Chúa Trời” (Đoạn 18-20)?
[Khung nơi trang 25]
Một số yếu tố gây nản lòng
Sức khỏe/tuổi già. Nếu bị bệnh mãn tính hoặc bị giới hạn vì tuổi già, chúng ta có thể buồn nản vì không thể phụng sự Đức Chúa Trời nhiều hơn.—Hê-bơ-rơ 6:10.
Thất vọng. Chúng ta có thể nản lòng khi thấy ít người đáp ứng trước cố gắng của chúng ta trong việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 13:12.
Mặc cảm. Vì nhiều năm bị bạc đãi, một người có lẽ nghĩ chẳng ai yêu mình, ngay cả Đức Giê-hô-va cũng không.—1 Giăng 3:19, 20.
Tổn thương. Khi bị anh em cùng đức tin gây tổn thương nặng nề, một người có thể giận và nghĩ quẩn đến độ muốn ngưng đi nhóm họp và rao giảng.—Lu-ca 17:1.
Bắt bớ. Những người không cùng đức tin có thể chống đối, bắt bớ hoặc chế nhạo bạn.—2 Ti-mô-thê 3:12; 2 Phi-e-rơ 3:3, 4.
[Hình nơi trang 26]
Chúa Giê-su khuyên chúng ta ‘hãy cầu-nguyện không thôi’, xin giúp chống lại cám dỗ