CHƯƠNG 131
Vị vua vô tội chịu đau đớn trên cây cột
MA-THI-Ơ 27:33-44 MÁC 15:22-32 LU-CA 23:32-43 GIĂNG 19:17-24
CHÚA GIÊ-SU BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY KHỔ HÌNH
TẤM BIỂN PHÍA TRÊN ĐẦU CHÚA GIÊ-SU CÀNG KHIẾN NGƯỜI TA CHẾ GIỄU NGÀI
CHÚA GIÊ-SU ĐƯA RA HY VỌNG VỀ ĐỜI SỐNG TRONG ĐỊA ĐÀNG
Chúa Giê-su bị dẫn đến một nơi gần thành Giê-ru-sa-lem, là nơi mà ngài và hai tên cướp sẽ bị xử tử. Nơi ấy được gọi là Gô-gô-tha, hay Cái Sọ, và có thể thấy được “từ đằng xa”.—Mác 15:40.
Chúa Giê-su và hai phạm nhân bị lột y phục. Sau đó, rượu pha với một dược và chất đắng được mang tới. Có lẽ những phụ nữ Giê-ru-sa-lem đã pha chế rượu này, và lính La Mã không ngăn cản những người sắp bị xử tử uống loại rượu giảm đau ấy. Nhưng sau khi nếm thử, Chúa Giê-su không chịu uống. Tại sao? Vì ngài muốn làm chủ mọi giác quan khi đương đầu với thử thách tột cùng này; ngài muốn giữ tỉnh táo và trung thành cho đến chết.
Thân thể của Chúa Giê-su bị căng ra trên cây cột (Mác 15:25). Quân lính đóng đinh xuyên qua tay và chân của ngài, thấu vào thịt và gân, khiến ngài vô cùng đau đớn. Lúc cây cột được dựng lên, ngài càng đau đớn hơn khi trọng lượng cơ thể làm cho các vết thương bị rách thêm. Dù vậy, Chúa Giê-su không mắng nhiếc quân lính. Ngài cầu nguyện: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết mình đang làm gì”.—Lu-ca 23:34.
Người La Mã thường gắn một tấm biển cho biết tội của phạm nhân. Lần này, Phi-lát cho gắn một tấm biển có dòng chữ: “Giê-su người Na-xa-rét, Vua Dân Do Thái”. Dòng chữ này được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, La-tinh và Hy Lạp, thế nên hầu hết mọi người đều có thể đọc được. Hành động của Phi-lát biểu lộ sự khinh bỉ đối với người Do Thái, là những người khăng khăng đòi giết Chúa Giê-su. Thấy tấm biển đó, các trưởng tế phản đối: “Xin đừng viết: ‘Vua Dân Do Thái’, nhưng hãy viết: ‘Ông ta nói: “Ta là Vua Dân Do Thái”’”. Nhưng vì không muốn làm quân cờ trong tay của họ nữa nên Phi-lát trả lời: “Điều ta viết, ta đã viết rồi”.—Giăng 19:19-22.
Sau đó, các trưởng tế nhắc lại lời chứng dối được đưa ra trước đây tại những phiên xử của Tòa Tối Cao. Không ngạc nhiên gì khi những người đi qua đều lắc đầu, chế giễu và mỉa mai: “Ê! Ngươi là kẻ sẽ phá đổ đền thờ và xây lại trong ba ngày mà, vậy hãy xuống khỏi cây khổ hình để tự cứu mình đi!”. Các trưởng tế và thầy kinh luật cũng nói với nhau: “Giờ mà Đấng Ki-tô, Vua của Y-sơ-ra-ên, xuống khỏi cây khổ hình cho chúng ta thấy thì chúng ta sẽ tin” (Mác 15:29-32). Ngay cả những tên cướp bị treo trên cột bên phải và bên trái Chúa Giê-su cũng sỉ nhục ngài, dù ngài là người duy nhất không có tội.
Bốn quân lính La Mã cũng cười nhạo Chúa Giê-su. Có lẽ lúc đó họ đang uống rượu chua. Họ giễu cợt Chúa Giê-su bằng cách đưa ít rượu ra trước mặt ngài. Dĩ nhiên, ngài không thể rướn ra để uống. Quân lính La Mã ám chỉ đến tấm biển phía trên đầu Chúa Giê-su và thách ngài: “Nếu ngươi là Vua Dân Do Thái, hãy tự cứu mình đi” (Lu-ca 23:36, 37). Hãy suy nghĩ về điều này: Người đàn ông đã chứng tỏ mình là đường đi, chân lý, sự sống giờ đây bị chế giễu và ngược đãi cách bất công. Nhưng ngài kiên cường chịu đựng tất cả mà không trách móc người Do Thái có mặt ở đó, quân lính La Mã đang chế giễu hoặc hai tên tội phạm bị treo bên cạnh mình.
Bốn quân lính lấy áo ngoài của Chúa Giê-su và chia làm bốn phần. Họ bắt thăm xem ai được phần nào. Nhưng áo trong của Chúa Giê-su là loại thượng hạng, “không có đường may mà được dệt nguyên từ trên xuống dưới”. Vì thế, họ nói với nhau: “Chúng ta đừng xé nó, nhưng hãy bắt thăm để xem ai sẽ được”. Điều này làm ứng nghiệm câu Kinh Thánh sau: “Các áo của con, chúng đem chia nhau; y phục của con, chúng bắt thăm lấy”.—Giăng 19:23, 24; Thi thiên 22:18.
Lúc sau, một trong hai tên tội phạm nhận ra Chúa Giê-su hẳn là một vị vua. Anh ta quở tên tội phạm kia: “Anh đang chịu cùng hình phạt mà chẳng hề sợ Đức Chúa Trời sao? Chúng ta bị thế này là đáng lắm, vì chúng ta đang chịu điều tương xứng với những gì mình đã làm, còn người này không làm gì sai cả”. Rồi anh ta nói với Chúa Giê-su: “Xin nhớ đến tôi khi ngài vào trong Nước ngài”.—Lu-ca 23:40-42.
Chúa Giê-su đáp: “Quả thật, hôm nay tôi nói với anh, anh sẽ ở với tôi”, không phải trong Nước Trời, mà là “trong địa đàng” (Lu-ca 23:43). Lời hứa này khác với điều Chúa Giê-su từng nói với các sứ đồ là họ sẽ ngồi trên ngôi để cùng cai trị với ngài trong Nước Trời (Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 22:29, 30). Tên phạm nhân người Do Thái này có lẽ đã nghe về ngôi nhà địa đàng mà ban đầu Đức Giê-hô-va đã ban cho A-đam và Ê-va cùng con cháu của họ. Giờ đây, tên cướp này có thể ra đi với hy vọng tuyệt diệu về tương lai.