BÀI HỌC 11
Bạn đã sẵn sàng báp-têm chưa?
“Phép báp-têm... cũng đang cứu anh em”.—1 PHI 3:21.
BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va
GIỚI THIỆUa
1. Một người cần làm gì trước khi bắt đầu xây nhà?
Giả sử một người quyết định xây nhà. Người ấy biết mình muốn xây kiểu nhà nào. Anh có nên đi mua vật liệu ngay lập tức và bắt đầu xây không? Không. Trước khi bắt đầu, người ấy cần làm một việc quan trọng, đó là tính toán chi phí xây cất. Tại sao? Vì anh cần biết mình có đủ tiền để xây xong ngôi nhà hay không. Nếu tính toán trước thì anh sẽ dễ hoàn tất ngôi nhà hơn.
2. Theo Lu-ca 14:27-30, bạn cần suy nghĩ kỹ về điều gì trước khi báp-têm?
2 Có phải tình yêu thương và lòng biết ơn dành cho Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy bạn nghĩ đến việc báp-têm? Nếu thế thì bạn đang đứng trước một quyết định tương tự như người muốn xây nhà. Tại sao có thể nói vậy? Hãy xem những lời của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 14:27-30. (Đọc). Chúa Giê-su đang nói về ý nghĩa của việc trở thành môn đồ ngài. Để trở thành môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta phải sẵn sàng chịu “phí tổn”, tức chấp nhận những khó khăn và hy sinh (Lu 9:23-26; 12:51-53). Thế nên, trước khi báp-têm, bạn cần suy nghĩ kỹ xem việc trở thành môn đồ Đấng Ki-tô đòi hỏi điều gì. Nhờ vậy, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời.
3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
3 Việc chịu “phí tổn” để trở thành môn đồ Đấng Ki-tô có đáng công không? Dĩ nhiên là có! Báp-têm đem lại vô vàn ân phước ngay bây giờ và trong tương lai. Chúng ta sẽ xem xét một số câu hỏi quan trọng về việc báp-têm. Nhờ thế, bạn có thể xác định mình đã sẵn sàng chịu phép báp-têm hay chưa.
ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ VIỆC DÂNG MÌNH VÀ BÁP-TÊM
4. (a) Dâng mình là gì? (b) Việc “từ bỏ chính mình” được đề cập nơi Ma-thi-ơ 16:24 nghĩa là gì?
4 Dâng mình là gì? Bạn cần dâng mình trước khi báp-têm. Dâng mình là đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện tha thiết và nói với ngài rằng bạn sẽ phụng sự ngài mãi mãi. Khi dâng mình cho Đức Chúa Trời, bạn “từ bỏ chính mình”. (Đọc Ma-thi-ơ 16:24). Giờ đây, bạn thuộc về Đức Giê-hô-va, và đó là đặc ân cao quý (Rô 14:8). Bạn hứa với ngài rằng từ nay về sau, bạn sẽ tập trung vào việc phụng sự ngài thay vì thỏa mãn ước muốn cá nhân. Khi dâng mình, bạn đang hứa nguyện với Đức Chúa Trời một cách long trọng. Ngài không buộc chúng ta phải dâng lời hứa nguyện đó. Nhưng một khi chúng ta đã hứa nguyện thì ngài muốn chúng ta giữ lời.—Thi 116:12, 14.
5. Dâng mình và báp-têm khác nhau như thế nào?
5 Dâng mình và báp-têm khác nhau như thế nào? Dâng mình là việc riêng giữa bạn với Đức Giê-hô-va. Còn báp-têm là việc được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của người khác, thường là tại một hội nghị. Khi báp-têm, bạn cho người khác thấy bạn đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va,b yêu thương ngài hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực. Đồng thời bạn cũng chứng tỏ mình quyết tâm phụng sự ngài mãi mãi.—Mác 12:30.
6, 7. Theo 1 Phi-e-rơ 3:18-22, hai lý do nào cho thấy việc báp-têm là cần thiết?
6 Có cần phải báp-têm không? Hãy xem những lời được ghi nơi 1 Phi-e-rơ 3:18-22. (Đọc). Giống như chiếc tàu là bằng chứng có thể thấy được về đức tin của Nô-ê, thì việc bạn báp-têm cũng là bằng chứng cho người khác thấy bạn đã dâng mình. Nhưng có cần thiết phải chịu phép báp-têm không? Có. Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết hai lý do. Thứ nhất, việc báp-têm ‘đang cứu bạn’. Báp-têm có thể cứu chúng ta nếu chúng ta hành động để chứng tỏ mình có đức tin nơi Chúa Giê-su, và để chứng tỏ mình tin chắc ngài đã chết cho chúng ta, đã được sống lại để lên trời và “ở bên hữu Đức Chúa Trời”.
7 Thứ hai, việc báp-têm giúp chúng ta có “lương tâm tốt”. Khi dâng mình cho Đức Chúa Trời và báp-têm, chúng ta bắt đầu một mối quan hệ đặc biệt với ngài. Vì thành thật ăn năn và tin vào giá chuộc, chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội. Nhờ thế, chúng ta có thể có một lương tâm trong sạch trước mắt ngài.
8. Bạn nên báp-têm vì động lực nào?
8 Bạn nên báp-têm vì động lực nào? Nhờ tìm hiểu Kinh Thánh kỹ lưỡng, bạn học được nhiều về đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va. Điều bạn học được về ngài sưởi ấm lòng bạn và thúc đẩy bạn yêu thương ngài tha thiết. Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va nên là động lực quan trọng nhất để bạn chịu phép báp-têm.
9. Việc báp-têm nhân danh Cha, Con và thần khí thánh được nhắc đến nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20 có nghĩa gì?
9 Quyết định báp-têm của bạn cũng dựa trên những sự thật trong Kinh Thánh mà bạn đã học và chấp nhận. Hãy xem Chúa Giê-su nói gì khi ngài giao phó sứ mạng đào tạo môn đồ. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20). Theo lời ngài, người ta cần chịu phép báp-têm “nhân danh Cha, Con và thần khí thánh”. Điều này có nghĩa gì? Bạn cần hoàn toàn tin chắc những sự thật trong Kinh Thánh về Đức Giê-hô-va, Con ngài là Chúa Giê-su và thần khí thánh. Những sự thật này có quyền lực và có thể tác động đến bạn một cách mạnh mẽ (Hê 4:12). Hãy xem một số sự thật ấy.
10, 11. Bạn đã học và chấp nhận những sự thật nào về Cha trên trời?
10 Hãy nhớ lại lúc bạn mới học những sự thật về Cha trên trời: ‘Danh ngài là Giê-hô-va’, ngài là “Đấng Tối Cao trên khắp trái đất” và chỉ mình ngài là “Đức Chúa Trời thật” (Thi 83:18; Ê-sai 37:16). Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, và ‘sự giải cứu thuộc về ngài’ (Thi 3:8; 36:9). Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự sắp đặt để chúng ta được thoát khỏi tội lỗi cũng như cái chết và có triển vọng nhận sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3). Việc bạn dâng mình và báp-têm xác nhận bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12). Sau khi báp-têm, bạn thuộc về gia đình toàn cầu gồm những tôi tớ vinh dự mang danh ngài và loan báo danh ấy.—Thi 86:12.
11 Quả là đặc ân khi được biết những sự thật trong Kinh Thánh về Cha trên trời! Khi chấp nhận những sự thật quý giá này, bạn sẽ cảm thấy được thôi thúc để dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm.
12, 13. Bạn đã học và chấp nhận những sự thật nào về Con Đức Chúa Trời?
12 Bạn đã cảm thấy thế nào khi biết những sự thật sau đây về Con Đức Chúa Trời? Chúa Giê-su là đấng quan trọng thứ hai trong vũ trụ. Là Đấng Chuộc Tội, ngài sẵn lòng hy sinh mạng sống cho chúng ta. Khi hành động để cho thấy mình tin vào giá chuộc, chúng ta có thể được tha tội, xây đắp tình bạn với Đức Chúa Trời và nhận được sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16). Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Ngài muốn chúng ta nhận được lợi ích từ giá chuộc và có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời (Hê 4:15; 7:24, 25). Là Vua Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ được Đức Giê-hô-va dùng để làm thánh danh ngài, chấm dứt sự gian ác và đem lại ân phước bất tận trong địa đàng (Mat 6:9, 10; Khải 11:15). Chúa Giê-su là gương mẫu để chúng ta noi theo (1 Phi 2:21). Ngài nêu gương về việc dành trọn đời sống để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.—Giăng 4:34.
13 Khi chấp nhận điều Kinh Thánh dạy về Chúa Giê-su, bạn sẽ yêu thương ngài. Tình yêu thương ấy thúc đẩy bạn dành trọn đời sống để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, như Chúa Giê-su đã làm. Nhờ thế, bạn cảm thấy được thôi thúc để dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm.
14, 15. Bạn đã học và chấp nhận những sự thật nào về thần khí thánh?
14 Bạn đã cảm thấy thế nào khi học được những sự thật sau đây về thần khí thánh? Thần khí thánh không phải là một đấng, nhưng là lực đang hoạt động của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã dùng thần khí thánh để soi dẫn việc viết Kinh Thánh, và nhờ thần khí mà chúng ta hiểu và áp dụng điều mình học trong sách ấy (Giăng 14:26; 2 Phi 1:21). Đức Giê-hô-va dùng thần khí để giúp chúng ta có “sức lực hơn mức bình thường” (2 Cô 4:7). Thần khí giúp chúng ta có sức mạnh để rao giảng tin mừng, kháng cự cám dỗ, đương đầu với sự nản lòng và chịu đựng thử thách. Thần khí cũng giúp chúng ta thể hiện những khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22). Đối với những ai tin cậy Đức Chúa Trời và cầu xin ngài ban thần khí, thì ngài sẽ rộng rãi ban cho.—Lu 11:13.
15 Thật an ủi khi biết những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể nương cậy thần khí thánh để có thêm sức khi phụng sự ngài! Khi chấp nhận những sự thật mà bạn đã học về thần khí thánh, bạn sẽ cảm thấy được thôi thúc để dâng mình cho Đức Chúa Trời và chịu phép báp-têm.
16. Cho đến đoạn này, bạn đã học được những gì?
16 Khi quyết định dâng mình cho Đức Chúa Trời và báp-têm, bạn đang thực hiện một bước quan trọng. Như đã thảo luận, bạn cần sẵn sàng chịu phí tổn, tức chấp nhận những khó khăn và hy sinh. Nhưng những ân phước nhận được thì lớn hơn rất nhiều. Báp-têm có thể cứu bạn và giúp bạn có một lương tâm tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Quyết định báp-têm của bạn cần dựa trên động lực chính là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Bạn cũng cần hoàn toàn tin chắc những sự thật mà mình học được về Cha, Con và thần khí thánh. Sau khi xem xét những gì đã thảo luận, bạn trả lời thế nào cho câu hỏi: Mình đã sẵn sàng chịu phép báp-têm chưa?
ĐIỀU BẠN CẦN LÀM TRƯỚC KHI BÁP-TÊM
17. Một người cần làm những bước nào trước khi báp-têm?
17 Nếu thấy mình đã sẵn sàng để báp-têm, hẳn trước đó bạn đã làm một số bước để xây dựng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.c Nhờ đều đặn tìm hiểu Kinh Thánh, bạn biết nhiều điều về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Bạn đã vun trồng đức tin (Hê 11:6). Bạn hoàn toàn tin chắc những lời hứa trong Kinh Thánh sẽ thành sự thật và sự hy sinh của Chúa Giê-su có thể giúp bạn thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Bạn đã ăn năn tội lỗi, tức thật sự hối hận về những việc làm sai trái của mình và cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ. Bạn đã thay đổi con đường mình, tức kiên quyết từ bỏ lối sống không tin kính và bắt đầu sống theo cách làm vui lòng Đức Chúa Trời (Công 3:19). Bạn háo hức nói cho người khác về niềm tin của mình. Bạn hội đủ điều kiện để trở thành người công bố chưa báp-têm và đã bắt đầu rao giảng cùng hội thánh (Mat 24:14). Đức Giê-hô-va rất hãnh diện vì bạn đã làm những bước cần thiết này. Bạn đã làm cho lòng ngài vui mừng.—Châm 27:11.
18. Bạn cần làm những điều nào khác trước khi báp-têm?
18 Bạn cần làm một số điều khác trước khi báp-têm. Như đã thảo luận ở trên, bạn cần dâng mình cho Đức Chúa Trời, tức đến gần ngài qua lời cầu nguyện tha thiết và hứa rằng bạn sẽ dành trọn đời sống mình để làm theo ý muốn của ngài (1 Phi 4:2). Sau đó, hãy cho giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão biết bạn muốn báp-têm. Anh ấy sẽ sắp xếp để một số trưởng lão đến gặp bạn. Nhưng đừng lo, các anh trưởng lão nhân từ ấy đã biết và yêu quý bạn. Họ sẽ cùng bạn ôn lại những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh mà bạn đã học. Các anh muốn chắc chắn là bạn hiểu rõ những sự dạy dỗ này và ý thức được tầm quan trọng của việc dâng mình và báp-têm. Nếu nhận thấy bạn đã hội đủ điều kiện để báp-têm, họ sẽ cho biết là bạn có thể báp-têm vào hội nghị gần nhất.
ĐIỀU BẠN CẦN LÀM SAU KHI BÁP-TÊM
19, 20. Bạn cần làm gì sau khi báp-têm, và bạn có thể làm thế bằng cách nào?
19 Bạn cần làm gì sau khi báp-têm?d Hãy nhớ rằng khi dâng mình, bạn đang hứa nguyện với Đức Giê-hô-va và ngài muốn bạn giữ lời. Thế nên, sau khi báp-têm, bạn cần sống phù hợp với sự dâng mình. Bạn có thể làm thế bằng cách nào?
20 Hãy gắn bó với hội thánh của bạn. Sau khi báp-têm, bạn thuộc về một “đoàn thể anh em” (1 Phi 2:17). Hội thánh là gia đình thiêng liêng của bạn. Khi đều đặn tham dự nhóm họp, mối quan hệ của bạn với anh em trong hội thánh sẽ được củng cố. Hãy đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời hằng ngày (Thi 1:1, 2). Sau khi đọc một phần Kinh Thánh, hãy dành thời gian để suy ngẫm về điều bạn vừa đọc. Nhờ thế, những lời ấy có thể động đến lòng bạn. Bạn cần “không ngừng cầu nguyện” (Mat 26:41). Lời cầu nguyện chân thành sẽ giúp bạn đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Cũng hãy “luôn tìm kiếm Nước Trời... trước hết” (Mat 6:33). Bạn có thể làm điều này bằng cách ưu tiên cho công việc rao giảng. Nhờ đều đặn tham gia thánh chức, bạn sẽ giữ cho đức tin mình được mạnh mẽ, và có thể giúp người khác bước đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.—1 Ti 4:16.
21. Báp-têm sẽ mở ra cho bạn điều gì?
21 Dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Đúng là việc này đòi hỏi phí tổn, nhưng có đáng để làm thế không? Chắc chắn là có! Mọi khó khăn mà bạn gặp phải trong thế gian già cỗi này chỉ là “tạm thời và nhẹ” (2 Cô 4:17). Báp-têm sẽ mở ra cho bạn đời sống thỏa nguyện hơn ngay từ bây giờ và “sự sống thật” trong tương lai (1 Ti 6:19). Thế nên, hãy suy nghĩ kỹ và cầu nguyện trước khi trả lời câu hỏi: “Mình đã sẵn sàng chịu phép báp-têm chưa?”.
BÀI HÁT 50 Lời cầu nguyện dâng mình
a Bạn có đang nghĩ đến việc báp-têm không? Nếu có thì bài này rất hữu ích cho bạn. Chúng ta sẽ xem xét một số câu hỏi cơ bản về đề tài quan trọng này. Câu trả lời sẽ giúp bạn xác định mình đã sẵn sàng chịu phép báp-têm hay chưa.
b Xin xem khung “Hai câu hỏi bạn sẽ trả lời trong ngày báp-têm”.
d Nếu chưa học xong sách Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì? và Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, bạn cần học tiếp với người hướng dẫn cho đến khi hoàn thành cả hai sách này.