Những tia sáng trong thời các Sứ Đồ
“Ánh sáng được bủa ra cho người công-bình, và sự vui-vẻ cho người có lòng ngay-thẳng” (THI-THIÊN 97:11).
1. Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay giống tín đồ đấng Christ thời ban đầu về phương diện nào?
LÀ tín đồ thật của đấng Christ, chúng ta quí trọng biết bao các lời nơi Thi-thiên 97:11! ‘Ánh sáng đã bủa ra’ cho chúng ta nhiều lần. Thật vậy, một số người trong chúng ta đã chứng kiến ánh sáng rực rỡ của Đức Giê-hô-va trong nhiều thập niên. Những điều này nhắc chúng ta nhớ đến Châm-ngôn 4:18: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. Vì quí trọng Kinh-thánh thay vì lời truyền khẩu, chúng ta là Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va giống tín đồ đấng Christ thời ban đầu. Chúng ta có thể thấy rõ thái độ của họ qua các quyển lịch sử và lá thư trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, hết thảy đều được Đức Chúa Trời soi dẫn.
2. Một số những tia sáng đầu tiên mà môn đồ Giê-su nhận được là gì?
2 Trong số những tia sáng đầu tiên mà môn đồ thời ban đầu của Giê-su Christ nhận được, có những tia sáng liên quan đến đấng Mê-si. Anh-rê nói với anh mình là Si-môn Phi-e-rơ: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si” (Giăng 1:41). Một thời gian sau đó, Cha trên trời khiến sứ đồ Phi-e-rơ làm chứng về điều này khi ông nói với Giê-su Christ: “Chúa là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16, 17; Giăng 6:68, 69).
Ánh sáng về sứ mạng rao giảng
3, 4. Sau khi Giê-su sống lại, ngài cho môn đồ biết điều gì liên quan đến công việc tương lai của họ?
3 Sau khi Giê-su Christ sống lại, ngài ban những tia sáng liên quan đến một trách nhiệm của tất cả các môn đồ ngài. Chắc hẳn ngài nói với 500 môn đồ nhóm lại tại Ga-li-lê: “Vậy hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 28:19, 20; I Cô-rinh-tô 15:6). Từ đó về sau, tất cả các môn đồ của đấng Christ phải đi rao giảng, và sứ mạng rao giảng của họ không chỉ giới hạn cho “chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 10:6). Họ cũng sẽ không làm phép báp têm của Giăng để biểu hiệu sự ăn năn muốn được tha thứ tội lỗi. Thay vì thế, họ phải làm báp têm cho người khác “nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh”.
4 Ngay trước khi Giê-su lên trời, 11 sứ đồ trung thành hỏi ngài: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” Thay vì trả lời câu hỏi đó, Giê-su chỉ dẫn họ thêm về sứ mạng rao giảng, và nói: “Nhưng khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. Trước đó, họ chỉ làm chứng về Đức Giê-hô-va mà thôi, nhưng giờ đây họ cũng sẽ làm chứng về đấng Christ nữa. (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6-8).
5, 6. Môn đồ của Giê-su nhận được những tia sáng nào vào ngày Lễ Ngũ tuần?
5 Chỉ mười ngày sau đó, môn đồ của Giê-su nhận được những tia sáng rực rỡ biết bao! Vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, họ nhận thức lần đầu tiên ý nghĩa của câu Giô-ên 2:28, 29: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri; những người già-cả các ngươi sẽ thấy chiêm-bao, những kẻ trai-trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện-thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy-tớ trai và đầy-tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên”. Môn đồ của Giê-su thấy thánh linh hiện ra như lưỡi giống như lửa, ngự trên đầu tất cả mọi người—khoảng 120 người đàn ông và đàn bà—tụ họp tại Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 1:12-15; 2:1-4).
6 Cũng vào ngày Lễ Ngũ tuần, môn đồ hiểu lần đầu tiên rằng các lời ghi nơi Thi-thiên 16:10 áp dụng cho Giê-su Christ sau khi ngài được sống lại. Người viết Thi-thiên nói: “Vì Chúa [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] sẽ chẳng bỏ linh-hồn tôi trong Âm-phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư-mất”. Các môn đồ ý thức rằng những lời này không thể áp dụng cho Vua Đa-vít, vì mồ mả của ông còn ở với họ tận đến ngày ấy. Không có gì lạ khi khoảng 3.000 người nghe ánh sáng mới này được giải thích có lòng tin đến độ họ làm báp têm vào chính ngày đó! (Công-vụ các Sứ-đồ 2:14-41).
7. Khi đến thăm đội trưởng La Mã Cọt-nây, sứ đồ Phi-e-rơ nhận được ánh sáng rực rỡ nào?
7 Trải qua nhiều thế kỷ, dân Y-sơ-ra-ên ý thức điều mà Đức Chúa Trời nói về họ: “Ta đã biết chỉ một mình các ngươi trong mọi họ-hàng trên đất” (A-mốt 3:2). Vậy sứ đồ Phi-e-rơ và những người đi cùng với ông đến nhà đội trưởng La Mã là Cọt-nây nhận được một tia sáng rực rỡ làm sao khi thánh linh ngự lần đầu tiên trên người tin đạo không cắt bì thuộc dân ngoại. Điều đáng chú ý là đây là lần duy nhất thánh linh được ban cho một người nào trước khi họ làm báp têm. Nhưng sự kiện nhất thiết phải như thế. Nếu không, Phi-e-rơ sẽ không biết rằng những người không cắt bì thuộc dân ngoại này đã hội đủ điều kiện để làm báp têm. Phi-e-rơ hoàn toàn nhận thức ý nghĩa của hiện tượng này và hỏi: “Người ta có thể từ-chối nước về phép báp-têm cho những kẻ [dân ngoại] đã nhận lấy Đức Thánh-Linh cũng như chúng ta chăng?” Dĩ nhiên, trong những người có mặt, không ai có lý do chính đáng để phản đối cả, và vì vậy những người thuộc dân ngoại đã làm báp têm. (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44-48; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 8:14-17).
Không cắt bì nữa
8. Tại sao một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu thấy khó loại bỏ thực hành cắt bì?
8 Một tia sáng lẽ thật khác đã chiếu rạng liên quan đến vấn đề cắt bì. Thực hành cắt bì đã bắt đầu vào năm 1919 trước công nguyên, khi Đức Giê-hô-va lập giao ước với Áp-ra-ham. Rồi Đức Chúa Trời phán dặn Áp-ra-ham rằng ông cùng các người nam trong nhà ông phải chịu cắt bì (Sáng-thế Ký 17:9-14, 23-27). Vậy sự cắt bì đã trở nên một dấu hiệu biệt riêng dòng dõi của Áp-ra-ham. Và họ hãnh diện biết bao về thực hành này! Kết quả là họ dùng câu “không chịu cắt bì” để chỉ một người đáng khinh miệt (Ê-sai 52:1; I Sa-mu-ên 17:26, 27). Vậy chúng ta thấy dễ hiểu tại sao một số tín đồ đấng Christ người Do Thái thời ban đầu đã muốn giữ lại dấu hiệu này. Một số người này đã bàn luận nhiều về điều này với Phao-lô và Ba-na-ba. Để giải quyết vấn đề, Phao-lô cùng với những người khác đi đến Giê-ru-sa-lem để hỏi ý kiến của hội đồng lãnh đạo tín đồ đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2).
9. Hội đồng lãnh đạo thời ban đầu đã nhận được những tia sáng nào, như ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 15?
9 Lần này, tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã không nhận được ánh sáng qua một phép lạ rõ ràng cho biết rằng Đức Giê-hô-va không còn đòi hỏi tôi tớ của Ngài phải chịu cắt bì nữa. Thay vì thế, họ nhận được thêm ánh sáng bằng cách tra xem Kinh-thánh, nhờ cậy nơi thánh linh để hướng dẫn họ và nghe kể các kinh nghiệm của Phi-e-rơ và Phao-lô liên quan đến sự cải đạo của những người dân ngoại không cắt bì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6-21). Một phần của lá thư giải quyết vấn đề đọc như sau: “Ấy là Đức Thánh-Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Như vậy tín đồ đấng Christ thời ban đầu được giải thoát khỏi mệnh lệnh bảo họ phải chịu cắt bì cũng như những sự đòi hỏi khác của Luật pháp Môi-se. Thành thử Phao-lô có thể nói với tín đồ đấng Christ ở thành Ga-la-ti: “Đấng Christ đã buông-tha chúng ta cho được tự-do” (Ga-la-ti 5:1).
Ánh sáng trong các quyển Phúc âm
10. Một số các tia sáng tiết lộ trong quyển Phúc âm của Ma-thi-ơ là gì?
10 Quyển sách Phúc âm của Ma-thi-ơ, viết vào khoảng năm 41 công nguyên, chắc chắn chứa đựng nhiều tia sáng nhằm đem lợi ích cho những người đọc. Tương đối ít tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã đích thân nghe Giê-su giảng dạy. Quyển Phúc âm của Ma-thi-ơ đặc biệt nhấn mạnh đề tài rao giảng của Giê-su là Nước Trời. Và ngài nhấn mạnh làm sao tầm quan trọng của một động cơ tốt! Có rất nhiều tia sáng trong Bài Giảng trên Núi của ngài, trong các chuyện ví dụ (chẳng hạn như được ghi trong Ma-thi-ơ đoạn 13) và trong lời tiên tri vĩ đại của ngài trong Ma-thi-ơ đoạn 24 và 25! Quyển Phúc âm của Ma-thi-ơ đã lưu ý tín đồ đấng Christ thời ban đầu về tất cả những điều này chỉ khoảng tám năm sau Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên.
11. Chúng ta có thể nói gì về nội dung của hai quyển Phúc âm của Lu-ca và Mác?
11 Khoảng 15 năm sau, Lu-ca viết sách Phúc âm của ông. Trong khi nội dung của sách ông cũng tương tự với lời tường thuật của Ma-thi-ơ, ông viết thêm 59%. Lu-ca viết về sáu phép lạ của Giê-su và ghi lại hơn gấp hai lần số đó các ví dụ của ngài mà các người viết Phúc âm khác đã không ghi lại. Hiển nhiên chỉ vài năm sau đó, Mác viết quyển Phúc âm của ông, chú tâm nhiều hơn đến Giê-su Christ với tư cách một người tích cực hoạt động, một người làm phép lạ. Trong khi Mác thường tường thuật những biến cố đã được Ma-thi-ơ và Lu-ca ghi lại, ông nói đến một chuyện ví dụ mà hai người kia đã không ghi lại. Trong sự minh họa này, Giê-su ví Nước của Đức Chúa Trời như một hột giống nẩy chồi, mọc lên cao và dần dần sanh hoa lợia (Mác 4:26-29).
12. Quyển Phúc âm của Giăng chiếu sáng thêm nữa đến chừng mức nào?
12 Cũng có quyển Phúc âm của Giăng, viết hơn 30 năm sau khi Mác ghi lời tường thuật của ông. Giăng chiếu sáng trên thánh chức của Giê-su biết bao, đặc biệt vì ông nói nhiều về sự hiện hữu của ngài trước khi làm người! Chỉ một mình Giăng tường thuật về sự sống lại của La-xa-rơ, và ông là người duy nhất ghi lại nhiều lời bình luận tốt lành của Giê-su cho các sứ đồ trung thành của ngài, cũng như lời cầu nguyện cảm động vào đêm ngài bị phản, như được ghi nơi đoạn Giăng 13 đến 17. Thật vậy, người ta nói rằng 92% nội dung quyển Phúc âm của Giăng chỉ có trong sách ấy mà thôi.
Những tia sáng trong các lá thư của Phao-lô
13. Tại sao một số người xem lá thư của Phao-lô viết cho người Rô-ma như một quyển Phúc âm?
13 Sứ đồ Phao-lô được dùng một cách đặc biệt để ban những tia sáng lẽ thật cho tín đồ đấng Christ sống trong thời các sứ đồ. Thí dụ, chúng ta có lá thư của Phao-lô viết cho người Rô-ma vào khoảng năm 56 công nguyên—cùng lúc Lu-ca viết sách Phúc âm của ông. Trong lá thư này, Phao-lô nhấn mạnh rằng ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin nơi Giê-su Christ tất sẽ đưa đến sự công bình. Vì Phao-lô nhấn mạnh khía cạnh này của tin mừng, nên một số người xem lá thư của ông cho người Rô-ma như quyển Phúc âm thứ năm.
14-16. a) Trong lá thư đầu tiên của Phao-lô cho tín đồ đấng Christ tại thành Cô-rinh-tô, ông làm sáng tỏ thế nào rằng họ cần phải có sự hợp nhất? b) Sách I Cô-rinh-tô chứa đựng ánh sáng nào nữa liên quan đến hạnh kiểm?
14 Phao-lô viết về một số vấn đề gây phiền não cho tín đồ đấng Christ tại thành Cô-rinh-tô. Lá thư của ông cho người Cô-rinh-tô chứa đựng rất nhiều lời khuyên được soi dẫn đã mang lợi ích cho tín đồ đấng Christ từ đó đến nay. Trước hết, ông phải làm sáng tỏ lầm lỗi của người Cô-rinh-tô là họ tôn sùng một số người lỗi lạc nào đó. Sứ đồ sửa sai họ, và nói một cách dạn dĩ: “Hỡi anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân-rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (I Cô-rinh-tô 1:10-15).
15 Hội thánh Cô-rinh-tô dung thứ tội vô luân nghiêm trọng. Tại đó, một người đã lấy vợ của cha mình, như vậy phạm tội ‘dâm-loạn đến nỗi người ngoại-đạo cũng chẳng có giống như vậy’. Phao-lô viết một cách thẳng thắn: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em” (I Cô-rinh-tô 5:1, 11-13). Đó là một điều mới lạ đối với hội thánh tín đồ đấng Christ—việc khai trừ. Một vấn đề khác mà hội thánh Cô-rinh-tô cần hiểu rõ hơn liên quan đến sự kiện một số người trong hội thánh đem anh em thiêng liêng mình ra tòa để giải quyết sự bất hòa. Phao-lô nghiêm khắc khiển trách họ về điều này (I Cô-rinh-tô 6:5-8).
16 Một vấn đề khác gây xáo trộn trong hội thánh Cô-rinh-tô có liên hệ đến tình dục. Nơi I Cô-rinh-tô đoạn 7, Phao-lô cho thấy rằng vì sự vô luân lan tràn, điều tốt là mỗi người đàn ông có vợ và mỗi người đàn bà có chồng. Phao-lô cũng cho thấy rằng trong khi những người độc thân có thể phụng sự Đức Giê-hô-va mà ít bị phân tâm hơn, không phải tất cả mọi người đều có sự ban cho là ở độc thân. Và nếu có phụ nữ nào có chồng qua đời, bà có thể tái hôn, “miễn là theo ý Chúa” (I Cô-rinh-tô 7:39).
17. Phao-lô chiếu sáng thế nào về sự dạy dỗ về sự sống lại?
17 Chúa dùng Phao-lô để tiết lộ những tia sáng rực rỡ biết bao về sự sống lại! Khi sống lại, tín đồ đấng Christ được xức dầu sẽ có thân thể loại nào? Phao-lô viết: “Thân-thể... đã gieo ra là thể huyết-khí, mà sống lại là thể thiêng-liêng”. Thân thể xác thịt không thể được cất lên trời, vì “thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được”. Phao-lô nói thêm rằng không phải tất cả những người được xức dầu sẽ ngủ trong sự chết, nhưng khi Giê-su hiện diện thì một số người sẽ nhận được sự sống bất tử liền tức thì khi chết (I Cô-rinh-tô 15:43-53).
18. Lá thư thứ nhất của Phao-lô cho người Tê-sa-lô-ni-ca chứa đựng ánh sáng nào về tương lai?
18 Trong lá thư cho tín đồ đấng Christ ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, Đức Chúa Trời dùng Phao-lô để chiếu sáng về tương lai. Ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến như kẻ trộm vào ban đêm. Phao-lô cũng giảng nghĩa: “Khi người ta sẽ nói: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3).
19, 20. Tín đồ đấng Christ sống tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đê nhận được những tia sáng nào qua lá thư của Phao-lô cho người Hê-bơ-rơ?
19 Khi viết thư cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô ban tia sáng cho tín đồ đấng Christ thời ban đầu sống tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Ông cho thấy một cách hết sức mạnh mẽ rằng hệ thống thờ phượng của tín đồ đấng Christ trổi hơn nhiều so với hệ thống thờ phượng dựa trên Luật pháp Môi-se. Thay vì tuân theo Luật pháp do các thiên sứ truyền đạt, tín đồ đấng Christ đặt đức tin nơi sự cứu rỗi mà Con Đức Chúa Trời nói ra trước hết, và ngài trổi hơn các thiên sứ rất nhiều (Hê-bơ-rơ 2:2-4). Môi-se chỉ là một người hầu việc trong nhà của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Giê-su Christ quản trị cả nhà ấy. Đấng Christ là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc, có địa vị cao hơn nhiều so với các thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn. Phao-lô cũng cho thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên không thể vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời vì họ thiếu đức tin và không nghe lời, nhưng tín đồ đấng Christ thì vào được vì họ trung thành và nghe lời (Hê-bơ-rơ 3:1 đến 4:11).
20 Cũng vậy, giao ước mới trổi hơn giao ước Luật pháp nhiều. Như Giê-rê-mi 31:31-34 đã tiên tri khoảng 600 năm trước đó, những ai có phần trong giao ước mới có luật pháp của Đức Chúa Trời ghi khắc trên lòng mình và thật sự được tha thứ các tội lỗi. Thay vì có thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng của-lễ hằng năm cho tội mình cùng với tội của dân sự, tín đồ đấng Christ có Giê-su Christ làm Thầy tế lễ thượng phẩm của mình; ngài không có tội và đã dâng của-lễ chuộc tội một lần cho mãi mãi. Thay vì vào nơi thánh bởi tay người làm ra để dâng của-lễ mình, ngài vào thẳng các từng trời, tự trình diện trước mặt Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, dưới Luật pháp Môi-se các thú vật đem dâng làm của-lễ không thể hoàn toàn xóa bỏ tội lỗi, vì nếu vậy đã không cần phải dâng của-lễ hằng năm. Nhưng của-lễ hy sinh của đấng Christ, được dâng chỉ một lần cho mãi mãi, thật sự xóa bỏ tội lỗi. Tất cả các điều này chiếu sáng trên đền thờ thiêng liêng vĩ đại, và ngày nay những người được xức dầu còn sót lại và “chiên khác” phục vụ trong các hành lang của đền thờ ấy (Giăng 10:16; Hê-bơ-rơ 9:24-28).
21. Cuộc bàn luận này đã cho thấy điều gì về sự ứng nghiệm của Thi-thiên 97:11 và Châm-ngôn 4:18 trong thời các sứ đồ?
21 Chúng tôi không có đủ chỗ để kể ra thêm nhiều thí dụ, chẳng hạn như các tia sáng tìm thấy trong các lá thư của sứ đồ Phi-e-rơ và những môn đồ Gia-cơ và Giu-đe. Nhưng những điều nêu trên là đủ để cho thấy rằng Thi-thiên 97:11 và Châm-ngôn 4:18 đã được ứng nghiệm một cách rực rỡ trong thời các sứ đồ. Lẽ thật trước kia là hình bóng và điều tượng trưng nay đã bắt đầu tiến đến sự ứng nghiệm và thực tại (Ga-la-ti 3:23-25; 4:21-26).
22. Điều gì xảy ra sau khi các sứ đồ chết đi, và bài tới sẽ cho thấy những gì?
22 Sau khi các sứ đồ của Giê-su chết đi và sự bội đạo được tiên tri bắt đầu đâm rễ, ánh sáng lẽ thật chiếu rất mờ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-11). Tuy nhiên, đúng với lời hứa của Giê-su, người Chủ trở về sau nhiều thế kỷ và thấy “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cho “người nhà [bản Kinh-thánh An Sơn Vị]” đồ ăn đúng giờ. Kết quả là Giê-su Christ giao đầy tớ ấy “coi-sóc cả gia-tài mình” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Có những tia sáng rực rỡ nào khác tiếp theo? Chúng ta sẽ thảo luận về điều này trong bài tới.
[Chú thích]
a Nơi đây đất có nghĩa môi trường trong đó người tín đồ đấng Christ chọn vun trồng những đức tính của nhân cách (Xem Tháp Canh, số ra ngày 1-8-1981, trang 13, 14).
Bạn có nhớ không?
◻ Những câu Kinh-thánh nào cho thấy rằng sự hiểu biết về lẽ thật tiến tới dần dần?
◻ Một số những tia sáng ghi trong sách Công-vụ các Sứ-đồ là gì?
◻ Chúng ta tìm thấy ánh sáng nào trong các quyển Phúc âm?
◻ Các lá thư của Phao-lô chứa đựng những tia sáng nào?