CHƯƠNG 35
Bài giảng trên núi
MA-THI-Ơ 5:1–7:29 LU-CA 6:17-49
BÀI GIẢNG TRÊN NÚI
Hẳn Chúa Giê-su rất mệt sau khi thức suốt đêm cầu nguyện và chọn 12 môn đồ làm sứ đồ. Dù vậy, khi trời sáng, ngài vẫn còn sức lực và ước muốn để giúp người khác. Chúa Giê-su làm điều đó trên một sườn núi ở Ga-li-lê, có lẽ không xa nơi hoạt động chính của ngài là Ca-bê-na-um.
Dân chúng từ nhiều vùng xa xôi kéo đến gặp ngài. Một số người đến từ Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê ở miền nam, số khác từ những thành ven biển là Ty-rơ và Si-đôn ở phía tây bắc. Tại sao họ đến tìm Chúa Giê-su? “Để nghe ngài và được chữa bệnh”. Và điều đó đang diễn ra, Chúa Giê-su “chữa lành tất cả”. Hãy thử nghĩ xem, tất cả người bệnh đều được chữa lành! Ngài còn giúp “những người bị tà thần quấy nhiễu”, tức những người bị các ác thần theo Sa-tan hành hạ.—Lu-ca 6:17-19.
Sau đó, Chúa Giê-su tìm một khu đất bằng trên sườn núi, đoàn dân nhóm lại quanh ngài. Có lẽ các môn đồ, đặc biệt là 12 sứ đồ, ngồi gần ngài nhất. Tất cả đều háo hức lắng nghe lời dạy của người thầy này, người có khả năng làm những việc phi thường. Chúa Giê-su trình bày một bài giảng mà chắc chắn đã mang lại lợi ích cho người nghe. Kể từ đó, biết bao người khác cũng nhận được lợi ích từ bài giảng này. Chúng ta cũng vậy, vì bài giảng ấy chứa đựng những đề tài thiêng liêng sâu sắc nhưng được trình bày rất đơn giản và rõ ràng. Chúa Giê-su đã dùng các hoạt động thường ngày và những điều quen thuộc để dạy dỗ dân chúng. Vì vậy, tất cả những ai mong muốn có đời sống tốt hơn khi theo đường lối Đức Chúa Trời đều dễ dàng hiểu được ý ngài. Những khía cạnh then chốt nào làm cho bài giảng của Chúa Giê-su có giá trị đến thế?
NHỮNG AI THẬT SỰ HẠNH PHÚC?
Ai cũng muốn được hạnh phúc. Biết điều này nên Chúa Giê-su mở đầu bài giảng bằng cách giải thích ai là người thật sự hạnh phúc. Hãy hình dung, lời nhập đề này đã thu hút sự chú ý của người nghe đến mức nào. Nhưng chắc hẳn có vài điểm khiến họ thắc mắc.
Ngài nói: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, vì Nước Trời thuộc về họ. Hạnh phúc cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi... Hạnh phúc cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ... Hạnh phúc cho những người bị ngược đãi vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ. Hạnh phúc cho anh em khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi... vì đã theo tôi. Hãy hân hoan và vui mừng hớn hở”.—Ma-thi-ơ 5:3-12.
Từ “hạnh phúc” mà Chúa Giê-su nói đến có nghĩa gì? Ngài không có ý nói đến trạng thái vui vẻ hay hoan hỉ, như trong lúc vui chơi. Hạnh phúc thật thì sâu sắc hơn. Nó bao hàm cảm giác thỏa lòng và mãn nguyện trong cuộc sống.
Chúa Giê-su cho biết những ai ý thức về nhu cầu tâm linh, đau buồn về tình trạng tội lỗi của mình, cũng như tìm hiểu về Đức Chúa Trời và phụng sự ngài mới là người thật sự hạnh phúc. Cho dù bị thù ghét và ngược đãi vì làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, họ vẫn hạnh phúc vì biết mình đang làm ngài vui lòng và sẽ được ngài ban phần thưởng là sự sống vĩnh cửu.
Nhiều người cho rằng sự giàu có và việc theo đuổi lạc thú mang lại hạnh phúc. Chúa Giê-su không nói thế. Ngài đưa ra một hình ảnh tương phản, hẳn làm người nghe phải suy nghĩ. Ngài phán: “Khốn cho những anh em giàu có vì đã hưởng đầy đủ rồi. Khốn cho những anh em đang no đủ vì sẽ đói. Khốn cho những anh em đang cười vì sẽ than khóc. Khốn thay khi mọi người khen ngợi anh em, vì tổ phụ họ cũng từng làm thế với những kẻ tiên tri giả”.—Lu-ca 6:24-26.
Tại sao giàu có, vui cười và được mọi người khen ngợi lại gây ra khốn khổ? Vì khi một người có những điều ấy và ham thích, người đó có thể lơ là trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, rồi đánh mất hạnh phúc thật. Ý của Chúa Giê-su không phải là chỉ có nghèo và đói mới mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, thường thì những người trong hoàn cảnh bất lợi là người hưởng ứng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, và nhờ thế có được hạnh phúc thật.
Nghĩ đến các môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Anh em là muối của đất” (Ma-thi-ơ 5:13). Dĩ nhiên họ không phải là muối theo nghĩa đen. Nhưng muối là chất bảo quản. Trong đền thờ Đức Chúa Trời, có một lượng muối lớn gần bàn thờ được dùng để rải lên lễ vật. Muối tượng trưng cho sự không mục rữa, không thối nát (Lê-vi 2:13; Ê-xê-chi-ên 43:23, 24). Các môn đồ của Chúa Giê-su là “muối của đất” theo nghĩa là ảnh hưởng của họ trên người khác có tác dụng bảo tồn, tức giúp người ta tránh bị thối nát về đạo đức và thiêng liêng. Thật vậy, thông điệp họ rao truyền có thể bảo tồn sự sống cho tất cả những ai hưởng ứng.
Chúa Giê-su cũng nói với các môn đồ: “Anh em là ánh sáng của thế gian”. Người ta không thắp đèn rồi lấy thúng đậy lại, nhưng đặt trên chân đèn để nó có thể chiếu sáng. Thế nên, Chúa Giê-su khuyến giục: “Hãy chiếu ánh sáng của anh em trước mặt người ta, hầu cho họ thấy việc tốt lành của anh em và tôn vinh Cha trên trời”.—Ma-thi-ơ 5:14-16.
TIÊU CHUẨN CAO CHO CÁC MÔN ĐỒ
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo xem Chúa Giê-su là người vi phạm Luật pháp của Đức Chúa Trời và gần đây còn lập mưu giết ngài. Vì vậy, Chúa Giê-su nói công khai: “Chớ nghĩ rằng tôi đến để hủy bỏ Luật pháp hay sách của các nhà tiên tri. Tôi đến không phải để hủy bỏ mà để làm ứng nghiệm”.—Ma-thi-ơ 5:17.
Chúa Giê-su rất tôn trọng Luật pháp Đức Chúa Trời và ngài khuyến khích mọi người cũng có tinh thần ấy. Thật vậy, ngài nói: “Hễ ai phạm một điều nhỏ nhất trong các điều răn và dạy người khác làm như thế, thì sẽ không xứng đáng vào Nước Trời”. Ý của ngài là một người như thế sẽ không được vào Nước Trời. Rồi ngài nói tiếp: “Còn ai giữ và dạy những điều răn ấy thì sẽ xứng đáng vào Nước Trời”.—Ma-thi-ơ 5:19.
Thậm chí Chúa Giê-su còn lên án những thái độ đưa một người đến chỗ vi phạm Luật pháp Đức Chúa Trời. Sau khi lưu ý rằng Luật pháp nói: “Ngươi không được giết người”, Chúa Giê-su nói: “Hễ ai cứ căm giận anh em mình thì sẽ bị tòa án xét xử” (Ma-thi-ơ 5:21, 22). Cứ căm giận người khác là một điều nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến hành vi giết người. Thế nên, Chúa Giê-su giải thích rằng một người phải cố gắng đến mức nào để làm hòa: “Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ và tại đó chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ mà đi làm hòa với người đó trước, rồi mới trở lại dâng lễ vật”.—Ma-thi-ơ 5:23, 24.
Một điều răn khác trong Luật pháp là cấm ngoại tình. Chúa Giê-su nói: “Anh em từng nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi không được phạm tội ngoại tình’. Nhưng tôi cho anh em biết, hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng ham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy” (Ma-thi-ơ 5:27, 28). Ngài không nói đến ý nghĩ vô luân thoáng qua, nhưng nhấn mạnh mức nghiêm trọng của việc “cứ nhìn”. Nếu cứ tiếp tục nhìn thì có thể khơi dậy ham muốn. Rồi khi có cơ hội, ham muốn ấy có thể dẫn đến ngoại tình. Vậy làm sao một người có thể ngăn ngừa chuyện này? Hành động quyết liệt là điều cần thiết. Chúa Giê-su phán: “Nếu mắt bên phải khiến anh em vấp ngã, hãy móc ra và ném đi... Nếu tay phải khiến anh em vấp ngã, hãy chặt và ném đi”.—Ma-thi-ơ 5:29, 30.
Để cứu mạng sống mình, một số người phải chấp nhận hy sinh tay hoặc chân đã bị hoại tử. Vậy, thật hợp lý khi Chúa Giê-su nói một người phải “ném đi” bất cứ điều gì, ngay cả những thứ quý giá như mắt hoặc tay, để tránh những ý nghĩ vô luân và hành động theo sau. Ngài giải thích: “Thà mất một bộ phận còn hơn là cả thân thể bị quăng vào Ghê-hen-na” (nơi đốt đồ phế thải bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem), tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn.
Chúa Giê-su cũng đưa ra lời khuyên về cách đối xử với những người gây tổn thương hoặc xúc phạm chúng ta. Ngài nói: “Đừng chống cự người ác, nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ” (Ma-thi-ơ 5:39). Điều này không có nghĩa là một người không được tự vệ hoặc bảo vệ gia đình mình khi bị tấn công. Chúa Giê-su nói đến cái tát, thường không phải để gây thương tích nghiêm trọng hoặc giết người, nhưng để sỉ nhục. Vì vậy, điều ngài muốn nói là nếu ai đó tìm cách gây sự để đánh nhau hoặc tranh cãi với chúng ta, có thể bằng cách tát hay dùng những lời xúc phạm, thì chúng ta cũng không nên trả đũa.
Lời khuyên này phù hợp với một điều luật của Đức Chúa Trời là yêu thương người lân cận. Do đó, Chúa Giê-su khuyến giục người nghe: “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình”. Ngài đưa ra lý do mạnh mẽ để làm thế: “Hầu anh em trở nên con của Cha trên trời, vì ngài làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền”.—Ma-thi-ơ 5:44, 45.
Chúa Giê-su tóm tắt phần này của bài giảng bằng những lời sau: “Anh em phải hoàn hảo, như Cha của anh em ở trên trời là hoàn hảo” (Ma-thi-ơ 5:48). Hiển nhiên ngài không có ý nói con người có thể hoàn hảo. Nhưng khi noi gương Đức Chúa Trời, chúng ta có thể mở rộng tình yêu thương ngay cả với kẻ thù. Nói cách khác: “Hãy luôn thương xót, như Cha anh em là đấng thương xót”.—Lu-ca 6:36.
CẦU NGUYỆN VÀ TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI
Để tiếp tục bài giảng, Chúa Giê-su khuyến giục người nghe: “Hãy cẩn thận, đừng làm những việc công chính trước mặt người khác cốt để họ thấy”. Ngài lên án sự sùng kính giả tạo, và nói thêm: “Khi anh em bố thí cho người nghèo, đừng đánh trống thổi kèn như những kẻ đạo đức giả thường làm” (Ma-thi-ơ 6:1, 2). Điều nên làm là bố thí một cách kín đáo.
Chúa Giê-su nói tiếp: “Khi cầu nguyện, anh em chớ làm như những kẻ đạo đức giả, vì họ thích đứng cầu nguyện trong nhà hội và tại các góc đường chính để người ta thấy”. Thay vì thế, ngài dạy: “Khi anh em cầu nguyện, hãy vào phòng riêng đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha trên trời” (Ma-thi-ơ 6:5, 6). Chúa Giê-su không lên án việc cầu nguyện trước công chúng vì chính ngài cũng từng làm thế. Điều ngài phê phán là cầu nguyện với mục đích để được người nghe thán phục và khen ngợi.
Chúa Giê-su khuyên đoàn dân: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lặp đi lặp lại như dân ngoại thường làm” (Ma-thi-ơ 6:7). Ngài không có ý nói rằng cầu nguyện nhiều lần về một vấn đề là sai. Nhưng ngài không tán thành việc “lặp đi lặp lại” những câu thuộc lòng một cách máy móc. Rồi ngài dạy người nghe một lời cầu nguyện mẫu gồm bảy điều thỉnh cầu. Ba điều đầu tiên công nhận quyền cai trị của Đức Chúa Trời và ý định của ngài. Đó là xin cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh, Nước ngài được đến và ý ngài được thực hiện. Sau đó chúng ta mới nên cầu xin cho bản thân: xin có đủ thức ăn mỗi ngày, xin được tha tội, cũng như xin đừng để bị cám dỗ quá sức và được cứu khỏi Kẻ Ác.
Của cải vật chất nên ở vị trí nào trong đời sống chúng ta? Chúa Giê-su khuyên: “Đừng tích trữ của báu ở trên đất nữa, là nơi có sâu bọ, rỉ sét làm hư hại và kẻ trộm có thể vào lấy”. Quả là hợp lý! Thật vậy, của cải vật chất có thể và sẽ tiêu tan, việc tích trữ chúng chẳng có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời. Thế nên, Chúa Giê-su nói tiếp: “Hãy tích trữ của báu ở trên trời”. Chúng ta có thể làm thế bằng cách đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống. Không ai có thể đoạt mất vị thế tốt của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời và phần thưởng đi kèm là sự sống vĩnh cửu. Những lời sau của Chúa Giê-su thật đúng: “Của báu anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”.—Ma-thi-ơ 6:19-21.
Để nhấn mạnh điểm này, Chúa Giê-su đưa ra một minh họa: “Mắt là đèn của thân thể. Vậy, nếu mắt anh em tập trung vào một mục tiêu, cả thân thể sẽ sáng. Nhưng nếu mắt anh em đố kỵ, cả thân thể sẽ tối tăm” (Ma-thi-ơ 6:22, 23). Khi mắt hoạt động đúng cách, nó giống như đèn của thân thể. Nhưng để được như thế, mắt của chúng ta phải tập trung vào một tiêu điểm, nếu không chúng ta sẽ đánh giá sai lầm về đời sống. Nếu tập trung vào của cải vật chất thay vì phụng sự Đức Chúa Trời thì “cả thân thể sẽ tối tăm”, nghĩa là rất có thể chúng ta sẽ bị lôi kéo vào những việc làm mờ ám hay đen tối.
Rồi Chúa Giê-su nêu lên một ví dụ đầy thuyết phục: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của”.—Ma-thi-ơ 6:24.
Một số người nghe có lẽ băn khoăn không biết nên có quan điểm nào về các nhu cầu vật chất. Vì vậy, ngài trấn an rằng họ không cần phải lo lắng khi đặt việc phụng sự Đức Chúa Trời lên hàng đầu. Ngài nói: “Hãy quan sát kỹ loài chim trời, chúng không gieo, gặt hoặc thâu trữ vào kho mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng”.—Ma-thi-ơ 6:26.
Còn về những bông hoa huệ mọc ngay tại trên núi đó thì sao? Chúa Giê-su nói: “Ngay cả vua Sa-lô-môn dù cao sang đến đâu cũng không mặc đẹp bằng một trong những bông hoa đó”. Điều này cho thấy gì? “Nếu cây cỏ ngoài đồng, là loài nay còn sống mai bị ném vào lò, mà được Đức Chúa Trời cho mặc đẹp như thế, huống chi là anh em” (Ma-thi-ơ 6:29, 30). Bằng những lời đầy khôn ngoan, Chúa Giê-su khuyên: “Chớ bao giờ lo lắng mà nói: ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?’... Cha trên trời của anh em biết anh em cần mọi thứ ấy. Vậy hãy luôn tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy”.—Ma-thi-ơ 6:31-33.
CÁCH CÓ ĐƯỢC SỰ SỐNG
Các sứ đồ và những người có lòng thành muốn sống theo đường lối đẹp lòng Đức Chúa Trời, nhưng trong hoàn cảnh của họ thì điều này không dễ. Chẳng hạn, nhiều người Pha-ri-si có tính hay chỉ trích và thường phán xét người khác một cách khắt khe. Do đó, Chúa Giê-su khuyên người nghe: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán; vì anh em xét đoán người ta thể nào thì sẽ bị xét đoán thể ấy”.—Ma-thi-ơ 7:1, 2.
Thật nguy hiểm nếu đi theo đường lối của những người Pha-ri-si hay chỉ trích. Chúa Giê-su minh họa về điều này như sau: “Người mù có dẫn đường cho người mù được không? Chẳng phải cả hai sẽ ngã xuống hố sao?”. Vậy người nghe nên có cái nhìn thế nào về người khác? Không nên nhìn người khác bằng ánh mắt soi mói, vì đó là hành vi rất sai trái. Chúa Giê-su thẳng thắn hỏi: “Sao có thể nói với anh em mình: ‘Anh ơi, để tôi lấy cọng rơm trong mắt anh ra’, trong khi bản thân lại không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi mới thấy rõ cách để lấy cọng rơm trong mắt anh em mình”.—Lu-ca 6:39-42.
Điều này không có nghĩa là các môn đồ không bao giờ được đánh giá dựa trên óc suy xét. Chúa Giê-su khuyên họ: “Đừng cho chó vật thánh; cũng đừng quăng ngọc trai cho heo” (Ma-thi-ơ 7:6). Những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời rất quý báu, được ví như ngọc trai. Nếu một số người hành động giống như thú vật, tức tỏ ra không quý trọng những sự thật quý báu ấy, thì các môn đồ nên rời đi và tìm những người sẽ hưởng ứng.
Trở lại đề tài cầu nguyện, Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì: “Cứ xin thì sẽ được”. Qua những câu hỏi sau, ngài cho thấy rõ Đức Chúa Trời sẵn lòng đáp lời cầu nguyện: “Trong anh em, có ai khi con mình xin bánh mà lại cho đá?... Vậy, nếu anh em là người có tội mà còn biết cho con cái mình vật tốt thì huống chi Cha anh em trên trời, ngài lại càng muốn ban điều tốt lành cho những người cầu xin ngài!”.—Ma-thi-ơ 7:7-11.
Rồi Chúa Giê-su lập ra một quy tắc ứng xử mà sau này trở nên nổi tiếng: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”. Chẳng phải tất cả chúng ta nên ghi nhớ và áp dụng lời khuyên tích cực này khi đối xử với người khác sao? Tuy nhiên, làm thế có thể là thử thách, như được thấy rõ qua chỉ dẫn của Chúa Giê-su: “Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường thênh thang dẫn đến sự hủy diệt và có nhiều người đi vào đó; còn cổng hẹp và đường chật thì dẫn đến sự sống và chỉ ít người tìm được”.—Ma-thi-ơ 7:12-14.
Vì có những người cố tìm cách khiến các môn đồ đi chệch khỏi con đường dẫn đến sự sống, nên Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy coi chừng những kẻ tiên tri giả, là những kẻ đội lốt cừu đến với anh em nhưng bên trong là loài lang sói háu mồi” (Ma-thi-ơ 7:15). Ngài nói rằng người ta có thể nhận ra cây tốt và cây xấu qua trái của chúng. Tương tự, chúng ta có thể nhận ra các tiên tri giả qua sự dạy dỗ và hành động của họ. Thật vậy, Chúa Giê-su giải thích rằng một người cho thấy mình làm môn đồ của ngài không chỉ qua lời nói, mà còn qua việc làm. Một số người tự nhận Chúa Giê-su là Chúa của mình, nhưng nếu họ không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sao? Chúa Giê-su phán: “Tôi sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta chẳng hề biết các ngươi! Hỡi những kẻ làm điều ác, hãy đi cho khuất mắt ta!’”.—Ma-thi-ơ 7:23.
Để kết luận bài giảng, Chúa Giê-su tuyên bố: “Ai nghe những lời này của tôi và làm theo thì giống như một người khôn ngoan xây nhà trên nền đá. Khi có mưa to gió lớn và nước lũ tràn đến thì nhà không sập vì đã được xây trên nền đá” (Ma-thi-ơ 7:24, 25). Tại sao ngôi nhà này đứng vững? Vì người xây đã “đào thật sâu và đặt móng trên nền đá” (Lu-ca 6:48). Thế nên nghe những lời Chúa Giê-su dạy thôi thì chưa đủ, chúng ta phải nỗ lực “làm theo”.
Còn người “nghe những lời này” nhưng “không làm theo” thì sao? Người ấy “giống như một người dại xây nhà trên cát” (Ma-thi-ơ 7:26). Khi có mưa to gió lớn và nước lũ tràn đến thì nhà đổ sập.
Đoàn dân vô cùng kinh ngạc về cách dạy của Chúa Giê-su trong bài giảng này, vì ngài dạy như một người có uy quyền chứ không như các nhà lãnh đạo tôn giáo. Có lẽ nhiều người lắng nghe bài giảng hôm đó đã trở thành môn đồ ngài.