Bạn giải quyết các mối bất hòa thế nào?
Một cử động vụng về—và con voi bằng sứ thứ ba trong một hàng có năm con từ trên mặt kệ rơi xuống. Con voi này sẽ phải được hàn gắn lại. Nếu không thì sự hài hòa của nguyên bộ sẽ bị mất đi. Tuy nhiên, công trình này rất tinh tế, và bạn cảm thấy không đủ khả năng. Bạn sẽ phải tìm sự chỉ dẫn hay ngay cả nhờ một người chuyên môn làm công việc này.
SỰ HÒA THUẬN giữa anh chị em thiêng liêng còn quí báu hơn những đồ trang trí nhiều. Người viết Thi-thiên ca hát thích hợp thay: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (Thi-thiên 133:1). Giải quyết mối bất hòa với anh chị em tín đồ đấng Christ đôi khi là một vấn đề tinh tế. Hơn nữa, một số anh chị không làm điều này đúng cách. Lắm khi “sự hàn gắn” không khéo léo gây đau đớn một cách không cần thiết, để lại những dấu vết xấu.
Một số tín đồ đấng Christ tìm cách lôi kéo những anh trưởng lão được bổ nhiệm vào các vấn đề mà chính họ có thể giải quyết được. Có thể đây là vì họ không biết rõ mình nên làm gì. Một anh có kinh nghiệm trong việc cho lời khuyên dựa trên Kinh-thánh nói: “Nhiều anh em không biết làm sao áp dụng lời khuyên trong Kinh-thánh để giải quyết các mối bất hòa”. Anh nói tiếp: “Lắm khi họ không theo lối hành động của Chúa Giê-su”. Vậy, Giê-su thật sự nói gì về cách mà một tín đồ đấng Christ nên giải quyết mối bất hòa với anh em mình? Tại sao điều thiết yếu là chúng ta phải quen thuộc với lời khuyên này và học biết cách áp dụng nó?
Xích mích ít nghiêm trọng
“Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ” (Ma-thi-ơ 5:23, 24).
Khi Giê-su nói lời này, người Do Thái có phong tục dâng của-lễ hy sinh tại bàn thờ trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Nếu một người Do Thái nào đã xúc phạm đến anh em mình, người có tội có thể dâng hiến một của-lễ thiêu hay một của-lễ chuộc tội. Thí dụ của Giê-su nói đến giờ phút quan trọng nhất. Khi người đến trước bàn thờ và sắp sửa dâng của-lễ mình cho Đức Chúa Trời, người nhớ rằng anh em mình có điều gì nghịch cùng mình. Đúng vậy, người Y-sơ-ra-ên phải hiểu rằng việc giảng hòa với anh em mình phải được đặt lên trước việc thực hành một bổn phận tôn giáo thể ấy.
Tuy Luật pháp Môi-se đòi hỏi phải dâng những của-lễ thể ấy, chính của-lễ đó không mang giá trị cao nhất trước mắt Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri Sa-mu-ên nói với Vua Sau-lơ bất trung: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của-lễ thiêu và của-lễ thù-ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22).
Trong Bài Giảng Trên Núi, Giê-su lặp lại thứ tự những điều ưu tiên này và cho các môn đồ thấy rằng họ phải giải quyết những mối bất hòa trước khi dâng của-lễ. Ngày nay, tín đồ đấng Christ được đòi hỏi phải dâng của-lễ thuộc loại thiêng liêng—“[của] tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15). Dù vậy, nguyên tắc này vẫn còn có giá trị. Tương tự thế, sứ đồ Giăng cho thấy rằng khi một người nói mình yêu Đức Chúa Trời, nhưng lại ghét anh em mình thì điều đó sẽ là vô ích (I Giăng 4:20, 21).
Điều đáng chú ý là người nào nhớ rằng anh em mình có điều gì nghịch cùng mình, chính người đó phải làm bước đầu tiên. Lòng khiêm nhường mà người bày tỏ có lẽ sẽ đưa đến thành quả tốt. Rất có thể người bị mếch lòng sẽ không từ chối hợp tác với người nào đến với mình mà công nhận lỗi lầm của họ. Luật pháp Môi-se quy định rằng của gì bị tước lấy một cách trái phép thì phải được bồi thường nguyên lại, cộng thêm một phần năm giá trị của vật đó nữa (Lê-vi Ký 6:5). Cũng vậy, phục hồi mối liên lạc bình an và hòa thuận sẽ trở thành dễ dàng hơn nếu người có tội cho thấy rằng mình muốn làm nhiều hơn là chỉ những gì bắt buộc phải làm để sửa chữa bất cứ sự tổn hại nào mà mình đã gây ra.
Tuy nhiên, những cố gắng để phục hồi mối liên lạc hòa thuận không luôn luôn thành công. Sách Châm-ngôn nhắc nhở chúng ta rằng giải quyết mối bất hòa với người nào cảm thấy khó đáp ứng không phải là chuyện dễ. Châm-ngôn 18:19 nói: “Một anh em bị mếch lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm thủ cái thành kiên-cố; sự tranh-giành dường ấy khác nào những chốt cửa đền”. Một bản khác dịch như sau: “Một người anh em bị xúc phạm còn hơn một thành kiên cố và các cuộc tranh tụng như then chốt cổng thành” (bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Tuy nhiên, cuối cùng những cố gắng thành thật và khiêm nhường chắc hẳn sẽ thành công trong trường hợp những tín đồ đấng Christ muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Nhưng khi một người có thể đã phạm tội nặng, lời khuyên của Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ đoạn 18 cần được áp dụng.
Giải quyết các mối bất hòa nghiêm trọng
“Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc-chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội-thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội-thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy” (Ma-thi-ơ 18:15-17).
Nếu một người Do Thái (hay sau này, một tín đồ đấng Christ) gặp khó khăn trầm trọng với một người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va thì sao? Chính người nào nghĩ mình đã bị xúc phạm phải làm bước đầu tiên. Người phải bàn luận riêng với người đã xúc phạm mình. Bằng cách không cố gắng lôi kéo ai khác về phía mình, chắc hẳn người ấy sẽ được lòng anh em mình dễ dàng hơn, đặc biệt khi đó chỉ là một vấn đề hiểu lầm có thể giải quyết nhanh chóng. Mọi điều sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu như chỉ những người có liên hệ trực tiếp đến vấn đề mới biết về chuyện đó mà thôi.
Tuy nhiên, bước đầu có thể chưa đủ. Để đối phó với tình thế này, Giê-su nói: “Hãy mời một hai người đi với ngươi”. Rất có thể những người này là những người đã chứng kiến vấn đề tận mắt. Có lẽ họ đã nghe một trong hai người vu cáo người kia, hay những người được mời đi cùng đã chứng kiến hai bên ký kết một sự thỏa thuận, nhưng giờ đây có sự bất đồng ý kiến. Mặt khác, những người đi theo có thể chứng kiến khi có những yếu tố mới giúp nhận định xem lý do của vấn đề là gì, chẳng hạn như lời khai hoặc được viết ra hay được nói ra. Ở đây nữa, chỉ ít người, càng ít càng tốt—“một hai người”—nên biết về vấn đề này. Điều này sẽ ngăn cản sự việc trở nên trầm trọng hơn nếu như vấn đề chỉ là một sự hiểu lầm mà thôi.
Người bị xúc phạm nên có động lực nào? Phải chăng người muốn hạ nhục anh em cùng đạo mình hay làm người kia phải phủ phục dưới chân mình? Thể theo lời khuyên của Giê-su, tín đồ đấng Christ không nên nhanh chóng kết án anh em mình. Nếu người có tội nhận biết lỗi lầm của mình, xin lỗi và cố gắng sửa chữa tình thế, thì người bị xúc phạm sẽ ‘được lại anh em mình’ (Ma-thi-ơ 18:15).
Những vấn đề không thể giải quyết được, thì phải mang ra trước hội thánh. Thời xưa, hội thánh có nghĩa những trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng sau này chỉ đến các trưởng lão trong hội thánh tín đồ đấng Christ. Người phạm tội mà không ăn năn có thể phải bị loại trừ khỏi hội thánh. Đó là ý nghĩa của việc coi người “như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”, là những kẻ mà người Do Thái đã lánh xa. Không một tín đồ đấng Christ nào có thể tự mình thi hành biện pháp nghiêm trọng này. Chỉ những trưởng lão được bổ nhiệm, đại diện cho hội thánh, mới có quyền hành động như thế. (So sánh I Cô-rinh-tô 5:13).
Vì một kẻ phạm tội mà không ăn năn có thể bị khai trừ nên chúng ta thấy rằng Ma-thi-ơ 18:15-17 không nói về những xích mích ít nghiêm trọng. Dù Giê-su đây nói về những tội nghiêm trọng, những tội này thuộc loại có thể được giải quyết chỉ giữa hai người có vấn đề. Thí dụ, tội này có thể là tội vu khống, ảnh hưởng một cách sâu xa đến tiếng tốt của nạn nhân. Hay vấn đề có thể liên quan đến tiền bạc, vì trong những câu sau, Giê-su minh họa về một người đầy tớ tàn nhẫn được tha một món nợ lớn (Ma-thi-ơ 18:23-35). Một món nợ không được trả lại trong thời gian ấn định có thể là một vấn đề tạm thời mà hai người có thể dễ dàng giải quyết được. Nhưng vấn đề này có thể trở nên một tội nặng, như là ăn cắp, nếu người mượn tiền ngoan cố không chịu trả lại món nợ.
Những tội khác thì không thể được giải quyết chỉ giữa hai tín đồ đấng Christ mà thôi. Dưới Luật pháp Môi-se, những tội nghiêm trọng phải được báo cáo (Lê-vi Ký 5:1; Châm-ngôn 29:24). Tương tự thế, những tội nặng liên quan đến sự tinh sạch của hội thánh phải được báo cáo cho các trưởng lão tín đồ đấng Christ.
Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp xích mích giữa tín đồ đấng Christ không phải đi theo thủ tục này.
Bạn có thể tha thứ được không?
Ngay sau khi Giê-su cắt nghĩa làm sao giải quyết các mối bất hòa nghiêm trọng, ngài dạy một bài học quan trọng khác. Chúng ta đọc: “Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18:21, 22). Vào một dịp khác, Giê-su bảo môn đồ phải tha thứ ‘bảy lần trong một ngày’ (Lu-ca 17:3, 4). Như vậy, rõ ràng môn đồ đấng Christ được khuyên phải giải quyết những mối bất hòa bằng cách tha thứ lẫn nhau một cách rộng lượng.
Đây là một lãnh vực đòi hỏi nhiều cố gắng. Anh được trích ở phần đầu bài này nói: “Một số anh chị em không biết làm sao tha thứ”. Anh nói thêm: “Họ có vẻ ngạc nhiên khi có người nào giảng nghĩa cho họ rằng họ có thể chọn tha thứ vì lý do quan trọng nhất là duy trì sự bình an trong hội thánh tín đồ đấng Christ”.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Vậy thì trước khi đến với một anh nào có thể đã làm chúng ta mếch lòng, điều tốt là chúng ta suy gẫm về những câu hỏi sau đây: Cái lỗi lầm này có đáng cho ta nói chuyện với anh kia không? Tôi có thể nào bày tỏ tinh thần chân chính của người tín đồ đấng Christ và bỏ qua chuyện cũ không? Nếu tôi ở trong địa vị anh kia, phải chăng tôi cũng muốn được tha thứ? Và nếu tôi chọn không tha thứ, tôi có thể chờ đợi Đức Chúa Trời đáp ứng lời cầu nguyện của tôi và tha thứ tôi không? (Ma-thi-ơ 6:12, 14, 15). Những câu hỏi như thế có thể giúp chúng ta có lòng tha thứ.
Là tín đồ đấng Christ, một trong những trách nhiệm quan trọng của chúng ta là duy trì sự bình an trong hội thánh của dân sự Đức Giê-hô-va. Do đó, chúng ta hãy áp dụng lời khuyên của Giê-su. Điều này sẽ giúp chúng ta tha thứ một cách rộng lượng. Một tinh thần tha thứ như thế sẽ góp phần vào tình yêu thương anh em, đó là một dấu hiệu giúp người ta nhận biết môn đồ thật của Giê-su (Giăng 13:34, 35).
[Hình nơi trang 23]
Tín đồ đấng Christ có thể giải quyết các mối bất hòa bằng cách áp dụng lời khuyên của Giê-su