Tình yêu thương của bạn rộng mở đến độ nào?
“Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”.—MA-THI-Ơ 22:39.
1. Tại sao nếu yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng phải yêu mến người lân cận?
KHI được hỏi điều răn nào là lớn hơn hết, Chúa Giê-su trả lời: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. Rồi ngài trích điều răn thứ hai, cũng tương tự như điều thứ nhất: “Ngươi hãy [“phải”, NW] yêu kẻ lân-cận như mình”. (Ma-thi-ơ 22:37, 39) Thật vậy, yêu thương người lân cận là dấu hiệu nhận biết một tín đồ Đấng Christ. Thật ra, nếu yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta phải yêu người lân cận. Tại sao? Bởi vì chúng ta bày tỏ lòng yêu thương Đức Chúa Trời bằng cách vâng theo Lời Ngài, mà Lời Ngài dạy phải yêu người lân cận. Vì thế, nếu không yêu anh em, thì chúng ta không thể nào thật sự yêu mến Đức Chúa Trời được.—Rô-ma 13:8; 1 Giăng 2:5; 4:20, 21.
2. Chúng ta phải yêu người lân cận với loại tình yêu thương nào?
2 Khi Chúa Giê-su bảo phải yêu người lân cận, ngài không chỉ muốn nói đến tình bạn. Ngài muốn nói đến một loại tình yêu thương khác với tình cảm tự nhiên đối với gia đình hoặc giữa nam và nữ. Ngài đang nói đến loại tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho những tôi tớ đã dâng mình của Ngài và ngược lại. (Giăng 17:26; 1 Giăng 4:11, 19) Một thầy thông giáo Do Thái—người mà Chúa Giê-su thấy trả lời như người khôn—đã đồng ý với Chúa Giê-su là tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời thì phải “hết lòng, hết trí, hết sức”. (Mác 12:28-34) Ông ta nói đúng. Tình yêu thương mà tín đồ Đấng Christ vun đắp cho Đức Chúa Trời và người lân cận bao gồm cả tình cảm lẫn lý trí. Nó được cảm nhận bằng tấm lòng và được hướng dẫn bởi trí óc.
3. (a) Bằng cách nào Chúa Giê-su đã dạy cho “một thầy dạy luật” thấy ông phải có quan điểm cởi mở hơn về việc ai là người lân cận mình? (b) Minh họa của Chúa Giê-su áp dụng thế nào cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?
3 Theo sự tường thuật của Lu-ca, khi Chúa Giê-su bảo chúng ta yêu người lân cận, thì “một thầy dạy luật” hỏi: “Ai là người lân-cận tôi?” Chúa Giê-su trả lời bằng một chuyện ngụ ngôn. Có một người đàn ông bị cướp đánh, lấy hết đồ rồi bỏ nằm dở sống dở chết bên đường. Đầu tiên có một thầy tế lễ rồi đến một người Lê-vi đi ngang qua. Cả hai người đều làm ngơ. Cuối cùng, một người Sa-ma-ri đi ngang qua, thấy người bị thương thì tử tế cứu giúp. Trong ba người đó, ai là người lân cận của người bị thương? Câu trả lời đã rõ ràng. (Lu-ca 10:25-37) Thầy dạy luật có lẽ đã bị bất ngờ khi nghe Chúa Giê-su nói người Sa-ma-ri có thể là một người lân cận tốt hơn thầy tế lễ và người Lê-vi. Hiển nhiên, Chúa Giê-su đang muốn dạy ông ta mở rộng lòng yêu thương người lân cận. Tín đồ Đấng Christ cũng yêu thương như thế. Hãy xem lòng yêu thương của họ mở rộng đến những ai.
Tình yêu thương trong gia đình
4. Tín đồ Đấng Christ phải bày tỏ tình yêu thương ở đâu trước hết?
4 Tín đồ Đấng Christ yêu thương gia đình mình—vợ yêu chồng, chồng yêu vợ, cha mẹ yêu thương con cái. (Truyền-đạo 9:9; Ê-phê-sô 5:33; Tít 2:4) Đành rằng tình máu mủ hiện hữu trong phần lớn các gia đình nhưng những báo cáo về hôn nhân tan vỡ, nạn hành hung vợ hoặc chồng và lạm dụng hoặc bỏ bê con cái cho thấy ngày nay gia đình đang ở trong tình trạng căng thẳng, và tình máu mủ có thể không đủ để gắn bó gia đình với nhau. (2 Ti-mô-thê 3:1-3) Muốn thật sự thành công trong đời sống gia đình, tín đồ Đấng Christ cần thực hành loại tình yêu thương giống như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.—Ê-phê-sô 5:21-27.
5. Cha mẹ tìm sự giúp đỡ của ai trong việc nuôi nấng con cái, và nhiều người đã đạt được kết quả nào?
5 Cha mẹ tín đồ Đấng Christ xem con cái là những gì quí báu mà Đức Giê-hô-va tin cẩn giao phó, và họ tìm sự giúp đỡ của Ngài trong việc nuôi nấng chúng. (Thi-thiên 127:3-5; Châm-ngôn 22:6) Bằng cách đó, họ vun trồng loại tình yêu thương tín đồ Đấng Christ giúp họ che chở con cái khỏi những ảnh hưởng tai hại mà những người trẻ có thể trở thành nạn nhân. Kết quả là nhiều cha mẹ tín đồ Đấng Christ đã cảm nghiệm được niềm vui giống như một người mẹ ở Hà Lan. Sau khi chứng kiến lễ báp têm của con trai—một trong 575 người đã dâng mình làm báp têm ở Hà Lan vào năm ngoái—chị đã viết như sau: “Vào giây phút này đây, tất cả sự đầu tư của tôi trong suốt 20 năm qua đã được tưởng thưởng. Tất cả thời gian và công sức—cùng với những tổn thương, nỗ lực và buồn phiền—giờ đây đã quên hết”. Chị thật hạnh phúc biết bao khi con trai chị tự ý chọn phụng sự Đức Giê-hô-va. Trong số những người công bố ở Hà Lan năm ngoái, con số cao nhất đạt tới 31.089 người, có nhiều người đã học yêu mến Đức Giê-hô-va từ cha mẹ họ.
6. Làm thế nào tình yêu thương tín đồ Đấng Christ có thể giúp củng cố mối dây hôn nhân?
6 Phao-lô gọi tình yêu thương là “dây liên-lạc của sự trọn-lành”, và nó có thể che chở hôn nhân vượt qua nhiều giông tố. (Cô-lô-se 3:14, 18, 19; 1 Phi-e-rơ 3:1-7) Khi một người đàn ông ở Rurutu, một đảo nhỏ cách Tahiti 700 kilômét, bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, vợ ông đã kịch liệt phản đối. Bà bỏ ông và đưa các con đến sống ở Tahiti. Dù vậy, ông vẫn bày tỏ tình yêu thương bằng cách đều đặn gửi tiền và gọi điện thoại cho bà để xem bà và mấy con có cần gì không. Cứ như vậy ông gắng hết sức chu toàn trách nhiệm của người tín đồ Đấng Christ. (1 Ti-mô-thê 5:8) Ông liên tục cầu nguyện cho gia đình mình được đoàn tụ trở lại, và cuối cùng vợ ông đã trở về. Khi bà trở về, ông đối xử với bà một cách “yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại”. (1 Ti-mô-thê 6:11) Ông làm báp têm năm 1998, và sau đó đã có được niềm vui khôn xiết khi vợ ông đồng ý học Kinh Thánh. Cuộc học hỏi của bà là một trong 1.351 học hỏi Kinh Thánh trong khu vực trực thuộc chi nhánh Tahiti vào năm ngoái.
7. Theo một người đàn ông ở Đức, điều gì đã củng cố hôn nhân của ông?
7 Ở Đức, một người đàn ông đã phản đối việc vợ chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh và tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va muốn lừa gạt bà. Tuy nhiên, sau đó ông đã viết lá thư sau cho Nhân Chứng đầu tiên nói Kinh Thánh với vợ ông: “Cám ơn chị vì đã giới thiệu vợ tôi với Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc đầu tôi rất lo lắng vì đã nghe rất nhiều điều tiêu cực về họ. Nhưng giờ đây, sau khi đã dự các buổi họp với vợ, tôi nhận ra rằng mình đã lầm biết bao. Tôi biết mình đang được nghe lẽ thật, và nó đã giúp hôn nhân của chúng tôi bền vững hơn”. Trong số 162.932 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức—và 1.773 ở trên các hòn đảo trực thuộc chi nhánh Tahiti—có nhiều gia đình đã được hàn gắn trong tình yêu thương theo ý Đức Chúa Trời.
Tình yêu thương đối với anh em tín đồ Đấng Christ
8, 9. (a) Ai dạy chúng ta yêu thương anh em, và tình yêu thương thúc đẩy chúng ta làm gì? (b) Hãy nêu một ví dụ cho thấy làm thế nào tình yêu thương có thể giúp anh em tương trợ lẫn nhau.
8 Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu-thương nhau”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9) Thật vậy, những người “được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ” yêu thương nhau. (Ê-sai 54:13) Lòng yêu thương của họ được thể hiện qua hành động, như Phao-lô cho thấy khi nói: “Hãy lấy lòng yêu-thương làm đầy-tớ lẫn nhau”. (Ga-la-ti 5:13; 1 Giăng 3:18) Họ làm điều này khi thăm viếng những anh chị đau ốm, khuyến khích những anh em nản lòng, và nâng đỡ những người yếu đuối. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Lòng yêu thương chân thật của tín đồ Đấng Christ góp phần phát triển địa đàng thiêng liêng của chúng ta.
9 Tại hội thánh Ancón—một trong 544 hội thánh ở Ecuador—anh em đã bày tỏ tình yêu thương một cách rất thực tế. Một cuộc khủng hoảng tài chánh đã khiến họ bị mất việc làm và nguồn thu nhập, vì thế những người công bố quyết định kiếm tiền bằng cách bán đồ ăn cho dân chài địa phương khi họ đi kéo lưới đêm về. Tất cả mọi người đều hợp tác, kể cả trẻ em. Họ phải bắt đầu lúc một giờ sáng để kịp nấu xong đồ ăn trước khi dân chài trở về vào lúc bốn giờ sáng. Các anh chị chia nhau số tiền kiếm được tùy theo nhu cầu của mỗi người. Sự tương trợ như thế thể hiện tình yêu thương chân thật của tín đồ Đấng Christ.
10, 11. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với những anh em chúng ta chưa quen biết?
10 Tuy nhiên, lòng yêu thương của chúng ta không chỉ giới hạn ở những anh em mà mình quen biết. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hãy yêu thương cả đoàn thể anh em”. (1 Phi-e-rơ 2:17, NW) Chúng ta yêu thương toàn thể anh chị em bởi vì tất cả đều là những người cùng thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Những lúc khó khăn là cơ hội tốt để bày tỏ tình yêu thương. Chẳng hạn, trong năm công tác 2000, nhiều trận lụt lớn đã tàn phá Mozambique, và cuộc nội chiến kéo dài ở Angola đã khiến nhiều người lâm vào cảnh nghèo khổ. Phần lớn trong số 31.725 anh chị ở Mozambique và 41.222 ở Angola đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, các anh em Nhân Chứng ở nước Nam Phi láng giềng đã gửi một số lượng lớn hàng cứu trợ đến giúp anh em ở những xứ đó. Việc họ sẵn lòng góp của “dư” mình cho những anh em thiếu thốn chứng tỏ lòng yêu thương của họ.—2 Cô-rinh-tô 8:8, 13-15, 24.
11 Tình yêu thương cũng thể hiện qua việc các anh ở nhiều nước góp phần xây dựng Phòng Nước Trời và Phòng Hội Nghị cho những nước khó khăn hơn. Một thí dụ điển hình là ở Quần Đảo Sa-lô-môn. Mặc dù tình hình chính trị rất bất ổn, số người công bố ở Quần Đảo Sa-lô-môn vẫn gia tăng 6 phần trăm vào năm ngoái, nâng số người công bố cao nhất lên 1.697 người. Họ cần có một Phòng Hội Nghị. Trong khi nhiều người trên đảo đang bỏ trốn ra nước ngoài lánh nạn, những người tình nguyện đã đến từ Úc để giúp trong công việc xây cất. Cuối cùng những người tình nguyện phải rời khỏi xứ này, nhưng họ đã kịp huấn luyện cho các anh địa phương hoàn tất phần móng. Phần khung nhà tiền chế bằng thép được gửi đến từ Úc, và một tòa nhà đẹp dành cho sự thờ phượng sắp được hoàn tất vào thời điểm mà nhiều công trình xây dựng khác đều bị bỏ dở. Đó là một sự làm chứng tốt cho danh Đức Giê-hô-va và về tình yêu thương anh em.
Như Đức Chúa Trời, chúng ta yêu thế gian
12. Làm thế nào chúng ta bắt chước thái độ của Đức Giê-hô-va đối với những người không cùng đức tin?
12 Phải chăng tình yêu thương của chúng ta chỉ giới hạn trong gia đình và anh em? Không, chẳng phải như vậy nếu chúng ta là “kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”. Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Ê-phê-sô 5:1; Giăng 3:16, chúng tôi viết nghiêng). Giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta cư xử một cách yêu thương với tất cả mọi người—kể cả những người không cùng đức tin. (Lu-ca 6:35, 36; Ga-la-ti 6:10) Đặc biệt về phương diện này, chúng ta rao truyền tin mừng về Nước Trời và nói cho người khác biết về hành động yêu thương lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Điều này có thể đem đến sự cứu rỗi cho bất kỳ ai lắng nghe.—Mác 13:10; 1 Ti-mô-thê 4:16.
13, 14. Một số kinh nghiệm nào cho thấy anh em đã bày tỏ lòng yêu thương đối với những người không phải là Nhân Chứng, dù phải chịu nhiều điều bất tiện?
13 Hãy xem trường hợp của bốn người tiên phong đặc biệt ở Nepal. Họ được bổ nhiệm đến một thành phố ở miền tây nam nước này, và trong năm năm qua họ đã bày tỏ tình yêu thương bằng cách kiên nhẫn làm chứng trong thành phố và những làng ngoại ô. Để làm chứng hết khu vực, họ thường phải đạp xe nhiều giờ liền dưới nhiệt độ hơn 40°C. Tình yêu thương và sự “bền lòng làm lành” của họ đã đem lại kết quả tốt khi một nhóm học cuốn sách được thiết lập tại một trong những ngôi làng mà họ làm chứng. (Rô-ma 2:7) Vào tháng 3 năm 2000, có 32 người đã đến nghe bài diễn văn công cộng của anh giám thị vòng quanh. Năm ngoái, số người công bố cao nhất ở Nepal là 430 người—tăng 9 phần trăm. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đang ban phước cho lòng sốt sắng đầy yêu thương của các anh em ở đó.
14 Ở Colombia, những người tiên phong đặc biệt tạm thời đã đến rao giảng cho thổ dân Wayuu. Để làm điều này, họ phải học một ngôn ngữ mới, nhưng sự quan tâm đầy yêu thương của họ đã được tưởng thưởng khi 27 người đã đến nghe diễn văn công cộng mặc dù trời mưa như thác đổ. Sự sốt sắng đầy yêu thương của những người tiên phong đó đã góp phần vào tỉ lệ gia tăng 5 phần trăm ở Colombia và đưa số người công bố cao nhất lên 107.613 người. Ở Đan Mạch, một chị lớn tuổi muốn chia sẻ tin mừng với người khác nhưng chị lại bị tàn tật. Không bỏ cuộc, chị liên lạc với những người chú ý bằng thư. Hiện nay, chị đang trao đổi thư từ với 42 người và hướng dẫn 11 học hỏi Kinh Thánh. Chị là một trong tổng số người công bố cao nhất là 14.885 người có báo cáo ở Đan Mạch vào năm ngoái.
Yêu thương kẻ thù
15, 16. (a) Chúa Giê-su nói chúng ta phải mở rộng lòng yêu thương của mình đến độ nào? (b) Những anh có trách nhiệm đã tiếp xúc một cách đầy yêu thương ra sao với một người đã lên án sai Nhân Chứng Giê-hô-va?
15 Chúa Giê-su nói với thầy dạy luật rằng người Sa-ma-ri có thể được xem là người lân cận. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su thậm chí còn nói: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 5:43-45) Ngay cả khi bị người ta chống đối, chúng ta vẫn cố “lấy điều thiện thắng điều ác”. (Rô-ma 12:19-21) Nếu có thể được, chúng ta chia sẻ với họ tài sản quí nhất của mình, tức lẽ thật.
16 Ở Ukraine, một bài đăng trên báo Kremenchuk Herald viết về Nhân Chứng Giê-hô-va như một giáo phái nguy hiểm. Điều này rất nghiêm trọng bởi vì ở Châu Âu, một số người nói như thế về Nhân Chứng Giê-hô-va để xui người ta tin rằng các hoạt động của Nhân Chứng nên bị giới hạn hoặc ngăn cấm. Vì thế, các anh đã đến tiếp xúc với tổng biên tập của tờ báo và yêu cầu đăng những thông tin để chỉnh lại bài trước. Ông đồng ý, nhưng khi đăng những thông tin ấy, ông cho in một câu khẳng định rằng bài báo trước là dựa trên những sự kiện thật. Vì thế, những anh có trách nhiệm lại đến gặp ông và cung cấp thêm thông tin. Cuối cùng, ông tổng biên tập nhận thức được bài báo trước là sai và ông đã cho đăng lời cáo lỗi xin rút lại bài đó. Việc tiếp xúc với ông một cách thẳng thắn và thân thiện là cách yêu thương để giải quyết tình huống này, và điều đó đã đem lại kết quả tốt.
Làm sao chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương?
17. Điều gì cho thấy đối xử yêu thương với người khác không luôn luôn dễ dàng?
17 Khi một đứa bé mới chào đời, cha mẹ liền yêu nó. Đó là bản năng, nhưng đối xử với người trưởng thành một cách yêu thương thì không luôn luôn dễ dàng như thế. Có lẽ đó là lý do tại sao Kinh Thánh luôn nhắc đi nhắc lại là chúng ta phải yêu thương nhau—đó là điều chúng ta phải vun trồng mới làm được. (1 Phi-e-rơ 1:22; 4:8; 1 Giăng 3:11) Chúa Giê-su biết rằng lòng yêu thương của chúng ta sẽ bị thử thách khi ngài nói chúng ta phải tha thứ cho anh em mình “đến bảy mươi lần bảy”. (Ma-thi-ơ 18:21, 22) Phao-lô cũng khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục “nhường-nhịn nhau”. (Cô-lô-se 3:12, 13) Không lạ gì khi chúng ta được khuyên bảo: “Hãy nôn-nả tìm-kiếm tình yêu-thương”! (1 Cô-rinh-tô 14:1) Làm thế nào làm được điều này?
18. Những điều nào sẽ giúp chúng ta vun trồng tình yêu thương với người khác?
18 Cách thứ nhất là luôn ghi nhớ tình yêu thương của chúng ta đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tình yêu thương đó là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta yêu người lân cận. Tại sao? Bởi vì khi làm thế, chúng ta làm rạng danh Cha trên trời và tôn vinh Ngài. (Giăng 15:8-10; Phi-líp 1:9-11) Thứ hai là cố gắng xem xét mọi việc theo cách của Đức Giê-hô-va. Mỗi khi lầm lỗi, chúng ta phạm tội cùng Đức Giê-hô-va; dù vậy, hết lần này đến lần khác Ngài tha thứ và vẫn yêu thương chúng ta. (Thi-thiên 86:5; 103:2, 3; 1 Giăng 1:9; 4:18) Nếu vun trồng quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ sẵn sàng yêu thương người khác và tha thứ những lỗi lầm của họ. (Ma-thi-ơ 6:12) Thứ ba là đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được họ đối xử. (Ma-thi-ơ 7:12) Là những người bất toàn, chúng ta thường cần được tha thứ. Chẳng hạn như khi lỡ lời xúc phạm người khác, chúng ta mong họ sẽ nhớ rằng mọi người đều có lúc vấp phạm trong lời nói. (Gia-cơ 3:2) Nếu muốn người khác đối xử với chúng ta một cách yêu thương, chúng ta phải đối xử một cách yêu thương với họ.
19. Bằng cách nào chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của thánh linh để vun trồng tình yêu thương?
19 Thứ tư, chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của thánh linh vì tình yêu thương là một trong những bông trái thánh linh. (Ga-la-ti 5:22, 23) Tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu lãng mạn thường theo bản năng. Nhưng cần có sự giúp đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va mới vun trồng được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, loại tình yêu thương là dây liên lạc trọn lành. Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của thánh linh bằng cách đọc Kinh Thánh được thánh linh soi dẫn. Chẳng hạn, nếu học về cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấy cách ngài đối xử với người khác và noi theo ngài. (Giăng 13:34, 35; 15:12) Ngoài ra, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh, đặc biệt khi gặp những tình huống khiến chúng ta khó hành động theo tình yêu thương. (Lu-ca 11:13) Cuối cùng, chúng ta có thể tìm kiếm tình yêu thương bằng cách gần gũi hội thánh tín đồ Đấng Christ. Ở cùng những anh chị em đầy lòng yêu thương giúp chúng ta vun trồng tình yêu thương.—Châm-ngôn 13:20.
20, 21. Trong năm công tác 2000, Nhân Chứng Giê-hô-va đã cho thấy bằng chứng rõ rệt nào của tình yêu thương?
20 Năm ngoái, số người công bố cao nhất trên khắp thế giới là 6.035.564 người. Nhân Chứng Giê-hô-va đã dành tổng cộng 1.171.270.425 giờ để tìm gặp người ta và nói cho họ biết về tin mừng. Chính tình yêu thương đã giúp họ chịu đựng cái nóng, cái lạnh, và mưa gió để làm công việc đó. Chính tình yêu thương đã thúc đẩy họ nói chuyện với bạn học, đồng nghiệp và những người hoàn toàn xa lạ ngoài đường phố và những nơi khác. Nhiều người mà Nhân Chứng tiếp xúc đã tỏ ra lãnh đạm, một số còn chống đối. Tuy nhiên, cũng có một số người đã chú ý, vì vậy có 433.454.049 cuộc viếng thăm lại đã được thực hiện và 4.766.631 học hỏi Kinh Thánh được hướng dẫn.a
21 Tất cả những điều này là một bằng chứng hùng hồn cho thấy tình yêu thương của Nhân Chứng Giê-hô-va đối với Đức Chúa Trời và người lân cận! Tình yêu thương đó sẽ không bao giờ nguội lạnh. Chúng ta tin chắc rằng năm công tác 2001 sẽ còn cho nhân loại thấy bằng chứng hùng hồn hơn. Cầu xin ân điển của Đức Giê-hô-va tiếp tục đổ xuống trên những người trung thành, sốt sắng thờ phượng Ngài trong khi họ ‘lấy lòng yêu-thương mà làm mọi điều’!—1 Cô-rinh-tô 16:14.
[Chú thích]
a Muốn xem mọi chi tiết của Báo Cáo Năm Công Tác 2000, xin xem bảng thống kê nơi trang 18-21.
Bạn có thể giải thích không?
• Chúng ta bắt chước ai khi yêu mến người lân cận?
• Chúng ta nên mở rộng lòng yêu thương của mình đến độ nào?
• Một số kinh nghiệm nào cho thấy tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ?
• Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương tín đồ Đấng Christ?
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 18-21]
BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 2000 CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI
(Xin xem ấn phẩm)
[Các hình nơi trang 15]
Tình yêu thương tín đồ Đấng Christ có thể gắn bó gia đình với nhau
[Các hình nơi trang 17]
Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta chia sẻ hy vọng của mình với người khác