BÀI TRANG BÌA | CÓ NÊN CẦU NGUYỆN KHÔNG?
Có nên cầu nguyện không?
Có lẽ bạn tự hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời biết hết mọi điều, kể cả ý tưởng và nhu cầu của mình, tại sao mình nên cầu nguyện?”. Đây là một câu hỏi hợp lý. Chẳng phải Chúa Giê-su nói rằng Đức Chúa Trời “đã biết anh em cần gì, trước khi cầu xin ngài” sao? (Ma-thi-ơ 6:8). Vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên xưa nhận biết điều này khi viết: “Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi” (Thi-thiên 139:4). Vậy, tại sao chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời? Để biết câu trả lời, hãy xem Kinh Thánh nói gì về lời cầu nguyện của những người thờ phượng Đức Chúa Trờia.
“Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8
CẦU NGUYỆN GIÚP ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI
Dù Kinh Thánh nói Giê-hô-vab Đức Chúa Trời biết mọi điều, nhưng sách này cũng cho thấy ngài không chỉ quan tâm đến việc thu thập thông tin của những người thờ phượng ngài (Thi-thiên 139:6; Rô-ma 11:33). Trí nhớ vô hạn của ngài không như máy vi tính vô cảm lưu giữ thông tin của từng cá nhân. Sự thật là Đức Chúa Trời quan tâm sâu xa đến tư tưởng thầm kín của chúng ta vì muốn chúng ta đến gần ngài hơn (Thi-thiên 139:23, 24; Gia-cơ 4:8). Đó là lý do Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ cầu nguyện, dù Cha ngài biết rõ nhu cầu cơ bản của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:6-8). Càng giãi bày tâm tư với Đấng Tạo Hóa, chúng ta sẽ càng đến gần ngài.
Đôi khi, chúng ta không biết chính xác phải xin gì qua lời cầu nguyện. Ngay cả trong những trường hợp như thế, Đức Chúa Trời cũng có thể hiểu cảm xúc dù chưa nói thành lời của chúng ta. Là đấng có sự khôn ngoan hoàn hảo, ngài thấy rõ hoàn cảnh và đáp ứng đúng nhu cầu của chúng ta (Rô-ma 8:26, 27; Ê-phê-sô 3:20). Khi nhận ra Đức Chúa Trời tác động đến đời sống mình, ngay cả qua những cách không dễ thấy, chúng ta được thu hút đến với ngài.
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NHẬM MỌI LỜI CẦU NGUYỆN KHÔNG?
Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng nhậm lời cầu nguyện của những người thờ phượng trung thành, nhưng sách này cũng cho biết tại sao ngài không lắng nghe một số lời cầu nguyện. Chẳng hạn, khi sự hung bạo lan tràn khắp xứ Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời ra lệnh cho nhà tiên tri Ê-sai nói với dân chúng: “Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu” (Ê-sai 1:15). Rõ ràng, những người khinh thường luật pháp của Đức Chúa Trời hoặc cầu nguyện với động cơ xấu thì không thể mong được ngài đáp lời.—Châm-ngôn 28:9; Gia-cơ 4:3.
Mặt khác, Kinh Thánh nói: “Chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn ngài thì ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Nhưng có phải điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ nhậm mọi lời cầu xin của những người thờ phượng ngài không? Không nhất thiết. Hãy xem trường hợp của sứ đồ Phao-lô, người đã ba lần nài xin Đức Chúa Trời lấy khỏi ông “một cái gai xóc vào thịt” (2 Cô-rinh-tô 12:7, 8). Có lẽ Phao-lô khổ sở vì bệnh đau mắt mãn tính. Hẳn ông nản lòng biết bao! Phao-lô được ban quyền phép chữa bệnh và thậm chí còn làm người chết sống lại, nhưng ông vẫn phải chịu đựng căn bệnh của mình (Công vụ 19:11, 12; 20:9, 10). Dù lời thỉnh cầu không được đáp ứng theo cách mình muốn nhưng Phao-lô đón nhận sự đáp lời của Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.—2 Cô-rinh-tô 12:9, 10.
“Chúng ta cũng tin chắc điều này nơi Đức Chúa Trời: Nếu chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn ngài thì ngài nghe chúng ta”.—1 Giăng 5:14
Đành rằng, một số nhân vật trong Kinh Thánh cầu nguyện và được nhậm lời cách kỳ diệu (2 Các Vua 20:1-7). Nhưng cách đáp lời như thế ít khi xảy ra, ngay cả vào thời Kinh Thánh. Một số tín đồ bối rối khi cảm thấy Đức Chúa Trời dường như không nhậm lời cầu nguyện của mình. Vua Đa-vít từng hỏi: “Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên tôi cho đến chừng nào?” (Thi-thiên 13:1). Nhưng khi người đàn ông trung thành ấy nhận ra Đức Giê-hô-va đã nhiều lần giải cứu mình, ông lấy lại niềm tin nơi ngài. Trong cùng lời cầu nguyện nêu trên, ông nói thêm: “Nhưng tôi đã tin-cậy nơi sự nhân-từ Chúa” (Thi-thiên 13:5). Giống như Đa-vít, những người thờ phượng Đức Chúa Trời ngày nay có lẽ phải kiên trì cầu nguyện cho đến khi nhận ra ngài nhậm lời nài xin của mình.—Rô-ma 12:12.
CÁCH ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN
Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu chính đáng của chúng ta.
Cha mẹ yêu thương có lý do chính đáng khi không luôn đáp ứng mọi điều con xin và vào thời điểm chúng muốn. Tương tự, Đức Chúa Trời có thể không nhậm lời nài xin của chúng ta theo cách chúng ta nghĩ hoặc vào thời điểm chúng ta mong đợi. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Đấng Tạo Hóa, giống như người cha yêu thương, sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của chúng ta vào đúng thời điểm và đúng cách.—Lu-ca 11:11-13.
Cách đáp lời của Đức Chúa Trời có lẽ không dễ nhận thấy.
Nhưng nói sao nếu chúng ta cầu nguyện để được thoát khỏi một vấn đề mình phải đương đầu bấy lâu nay? Vì không được nhậm lời bằng phép lạ, chúng ta có nên kết luận rằng Đức Giê-hô-va không lắng nghe? Thay vì thế, chúng ta nên ngẫm nghĩ lại vì có thể Đức Chúa Trời hỗ trợ chúng ta theo cách không dễ nhận ra. Chẳng hạn, có lẽ một người bạn có lòng quan tâm đã giúp đỡ chúng ta đúng lúc (Châm-ngôn 17:17). Phải chăng Đức Giê-hô-va đã thôi thúc người bạn ấy đến với chúng ta? Ngoài ra, Đức Chúa Trời có thể đáp lời nài xin của chúng ta qua Kinh Thánh. Trong sách này, chúng ta có thể tìm được sự khôn ngoan cần thiết hầu đương đầu với hoàn cảnh khó khăn.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Thay vì loại bỏ vấn đề cá nhân, Đức Chúa Trời thường ban cho dân ngài sức mạnh cần thiết nhằm đối phó với vấn đề đó (2 Cô-rinh-tô 4:7). Chẳng hạn, khi Chúa Giê-su nài xin Cha ngài loại bỏ một thử thách vì sợ thử thách ấy sẽ khiến danh Đức Chúa Trời bị sỉ nhục, Đức Giê-hô-va đã phái một thiên sứ đến làm vững lòng Con ngài (Lu-ca 22:42, 43). Tương tự, Đức Chúa Trời có thể dùng một người bạn thân nói những lời khích lệ vào lúc chúng ta cần nhất (Châm-ngôn 12:25). Vì cách này không dễ thấy nên chúng ta cần nhạy bén để nhận ra cách Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của mình.
Đức Chúa Trời biết khi nào là thời điểm tốt nhất để đáp một số lời cầu nguyện.
Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời Toàn Năng ban ân huệ cho những người khiêm nhường khi “đến kỳ” (1 Phi-e-rơ 5:6). Vì vậy, nếu thấy Đức Chúa Trời dường như trì hoãn việc đáp lời cầu xin chân thành của chúng ta, đừng nên cho rằng ngài không quan tâm đến mình. Là đấng khôn ngoan tột bậc, chắc chắn Đấng Tạo Hóa đầy lòng quan tâm sẽ xem xét lời nài xin của chúng ta và biết điều gì là tốt nhất.
“Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ, ngài sẽ nâng anh em lên”.—1 Phi-e-rơ 5:6
Để minh họa: Hãy hình dung con trai nhỏ của bạn đòi mua một chiếc xe đạp. Liệu bạn có đáp ứng ngay đòi hỏi của con không? Nếu thấy con còn quá nhỏ, chưa thể điều khiển xe an toàn, có lẽ bạn hoãn lại việc mua xe. Nhưng sau này, khi đến thời điểm bạn nghĩ là tốt nhất cho con, có lẽ bạn sẽ sẵn sàng mua. Cũng vậy, có thể Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng những mong muốn chính đáng của chúng ta vào đúng thời điểm nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện.—Thi-thiên 37:4.
HÃY TIN CHẮC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LẮNG NGHE
Kinh Thánh khuyên những tín đồ chân chính của đạo Đấng Ki-tô đừng mất lòng tin nơi giá trị của lời cầu nguyện. Một số người có thể nghĩ: “Nói thì dễ hơn làm”. Đúng là khi đang chịu đựng một vấn đề dai dẳng hoặc bất công nào đó, chúng ta có thể thấy khó để chờ Đức Chúa Trời đáp lời. Nhưng hãy nhớ Chúa Giê-su dạy gì về việc kiên trì cầu nguyện.
Chúa Giê-su đưa ra minh họa về bà góa nghèo kiên trì xin quan án bất công xét xử công bằng cho bà (Lu-ca 18:1-3). Dù lúc đầu quan án từ chối, nhưng cuối cùng ông nghĩ: “Ta sẽ xét xử cho bà, kẻo bà cứ tới kêu nài mãi đến độ ta không chịu nổi nữa” (Lu-ca 18:4, 5). Theo câu này trong tiếng nguyên thủy, quan án xét xử cho bà để bà không “đánh vào mắt [ông]”, hoặc nói theo nghĩa bóng, “làm tổn hại danh tiếng [ông]”c. Nếu ngay cả quan án bất công còn giúp bà góa nghèo vì lo sợ cho danh tiếng của mình, thì hẳn Đức Chúa Trời đầy lòng quan tâm lại càng xét xử công bằng cho “những người ngày đêm kêu van ngài”. Như Chúa Giê-su nói, Đức Chúa Trời “sẽ nhanh chóng thực thi công lý cho họ”.—Lu-ca 18:6-8.
“Cứ xin thì sẽ được”.—Lu-ca 11:9
Dù đôi khi có thể cảm thấy nản trong việc cầu xin sự giúp đỡ hoặc ân phước, chúng ta không nên bỏ cuộc. Bằng cách kiên trì cầu nguyện, chúng ta cho thấy mình thật lòng mong muốn cảm nghiệm được “bàn tay” Đức Chúa Trời trong đời sống. Chúng ta cũng sẽ nhận ra Đức Chúa Trời đáp lại lời nài xin của mình, nhờ thế đến gần ngài hơn. Thật vậy, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại những lời cầu nguyện chính đáng nếu chúng ta tiếp tục nài xin bằng đức tin.—Lu-ca 11:9.
a Nếu muốn Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện, chúng ta phải nỗ lực để đáp ứng những đòi hỏi của ngài. Nếu làm thế, chúng ta có thể cảm nghiệm được sức mạnh của lời cầu nguyện, như được bàn trong bài này. Để biết thêm thông tin, xin xem chương 17 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
b Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.
c Vào thời Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đòi hỏi các quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên đặc biệt quan tâm đến những người góa bụa và trẻ mồ côi.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16, 17; 24:17; Thi-thiên 68:5.