Bánh sự sống—Bạn nếm thử chưa?
Những vị khách du lịch rất đói bụng. Tham quan các địa danh của thành phố cổ Bết-lê-hem khiến họ thấy đói và muốn thử một món đặc trưng. Họ nhìn thấy nhà hàng có món ăn falafel. Món ăn này gồm có đậu chickpea xay nhuyễn, cà chua, hành tây, và các loại rau khác dùng kèm với bánh mì pita. Món ăn vặt hấp dẫn này đã cho họ thêm sức để tiếp tục chuyến đi.
Dù những thực khách này không biết, nhưng việc thưởng thức bánh mì pita tầm thường đó có lẽ là trải nghiệm rõ nhất của họ về lịch sử vào ngày hôm ấy. Tên Bết-lê-hem có nghĩa là “Nhà của bánh”, và việc nướng bánh đã được làm tại đây hàng ngàn năm (Ru-tơ 1:22; 2:14). Ngày nay, bánh mì pita là một loại bánh đặc trưng của Bết-lê-hem.
Gần bốn ngàn năm trước, cách Bết-lê-hem không xa về phía nam, vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra đã “làm bánh nhỏ” cho ba vị khách không mong đợi (Sáng-thế Ký 18:5, 6). Bột mà Sa-ra dùng có lẽ làm từ một loại lúa mì gọi là emmer hoặc lúa mạch. Sa-ra phải nhanh chóng chuẩn bị bánh này và có thể đã nướng bột nhào trên những hòn đá nung.—1 Các Vua 19:6.
Theo lời tường thuật này, gia đình Áp-ra-ham luôn sửa soạn và tự nướng bánh cho gia đình. Đời sống du mục hẳn khiến Sa-ra và các đầy tớ không thể nướng bánh trong lò mà họ thường dùng ở quê bà tại thành U-rơ. Bà đã chuẩn bị bột mịn làm từ ngũ cốc tại địa phương. Đây hẳn là một công việc nặng nhọc vì phải dùng một cối xay có thể mang theo, và có lẽ một cái cối giã cùng một cái chày.
Bốn thế kỷ sau, Luật pháp Môi-se quy định rằng cối xay không được lấy làm tin, vì đó là “sự sống của kẻ lân-cận” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:6). Đức Chúa Trời xem cái cối xay là cần thiết. Nếu không có, một gia đình không thể làm bánh ăn mỗi ngày.—Xem khung “Việc xay bột và nướng bánh hằng ngày vào thời Kinh Thánh”.
BÁNH LÀM VỮNG LÒNG LOÀI NGƯỜI
Kinh Thánh đề cập đến bánh hàng trăm lần và những người viết Kinh Thánh thường dùng từ bánh để ám chỉ thức ăn. Chúa Giê-su cho thấy những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể cầu xin với lòng tin chắc rằng: “Xin cho chúng tôi hôm nay có bánh ngày nay” (Ma-thi-ơ 6:11, Nguyễn Thế Thuấn). Từ “bánh” trong câu này ám chỉ đến thức ăn nói chung, nên Chúa Giê-su cho thấy chúng ta có thể nương cậy Đức Chúa Trời sẽ cung cấp những nhu cầu hằng ngày của mình.—Thi-thiên 37:25.
Nhưng có một điều còn quan trọng hơn bánh hay thức ăn. Chúa Giê-su nói: “Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng còn nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Giê-hô-va” (Ma-thi-ơ 4:4). Những lời này của Chúa Giê-su nói về một thời kỳ khi dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn lệ thuộc vào những gì Đức Chúa Trời cung cấp cho họ. Điều này đã bắt đầu không lâu sau khi họ rời khỏi Ai Cập. Gần một tháng trôi qua kể từ khi họ vào hoang mạc Si-nai, nguồn cung cấp lương thực của họ đang cạn dần. Lo lắng về viễn cảnh bị chết đói trong hoang mạc khô cằn, họ cay đắng phàn nàn: ‘Thà rằng chúng tôi ăn bánh chán-hê’ tại Ai Cập.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:1-3.
Hẳn bánh ở Ai Cập rất ngon. Vào thời Môi-se, những thợ làm bánh đã làm nhiều loại cho người Ai Cập thưởng thức. Nhưng Đức Giê-hô-va không có ý định để cho dân ngài chẳng có bánh ăn. Ngài hứa: “Nầy, ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi”. Đúng như ngài hứa, bánh từ trời đã xuất hiện vào sáng sớm. Đó là những vật nhỏ và mịn trông như sương. Lần đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên thấy chúng thì bèn hỏi: “Cái chi vậy?”. Môi-se đáp: “Ấy là bánh mà Đức Giê-hô-va ban cho các ngươi làm lương-thực”. Họ gọi đó là “ma-na”a, và bánh này đã nuôi họ trong 40 năm kế tiếp.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4, 13-15, 31.
Hẳn lúc ban đầu phép lạ ma-na đã khiến dân Y-sơ-ra-ên rất ấn tượng. Vị của ma-na giống như “bánh ngọt pha mật ong” và có dư dật cho mọi người (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:18). Thời gian trôi qua, họ bắt đầu hồi tưởng về vô số loại thức ăn mình đã ăn ở Ai Cập. Họ lầm bầm: “Không có chi hết! Mắt chỉ thấy ma-na mà thôi” (Dân-số Ký 11:6). Sau đó, họ cáu giận mà rằng: “Chúng tôi đã ghê-gớm thứ đồ-ăn đạm-bạc nầy” (Dân-số Ký 21:5). Rốt cuộc, họ thấy “bánh trời” không còn ngon nữa và ghê tởm nó.—Thi-thiên 105:40.
BÁNH SỰ SỐNG
Rõ ràng, bánh cũng như nhiều điều khác, có thể dễ bị xem thường. Nhưng Kinh Thánh nói đến một loại bánh rất đặc biệt mà chúng ta phải luôn quý trọng. Loại bánh này, là bánh Chúa Giê-su đã so sánh với ma-na mà dân Y-sơ-ra-ên chối bỏ một cách vô ơn, có thể mang lại những lợi ích mãi mãi.
Chúa Giê-su nói với những người lắng nghe ngài: “Tôi là bánh sự sống”. Rồi ngài nói tiếp: “Tổ phụ anh em đã ăn ma-na trong hoang mạc nhưng rồi cũng chết. Còn ai ăn bánh từ trời xuống sẽ không chết. Tôi là bánh sự sống từ trời. Ai ăn bánh này sẽ sống mãi; và bánh mà tôi sẽ ban để thế gian được sống chính là thịt tôi”.—Giăng 6:48-51.
Nhiều người lắng nghe Chúa Giê-su không hiểu ý nghĩa tượng trưng của từ “bánh” và “thịt” mà ngài nói. Tuy nhiên, cách nói này rất phù hợp. Bánh theo nghĩa đen đã nuôi dân Do Thái mỗi ngày, giống như ma-na đã nuôi người Y-sơ-ra-ên 40 năm trong hoang mạc. Dù ma-na là món quà đến từ Đức Chúa Trời, nhưng nó không mang lại sự sống vĩnh cửu. Trái lại, sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại phần thưởng ấy cho những ai thể hiện đức tin nơi ngài. Ngài thật sự là “bánh sự sống”.
Có lẽ khi đói, bạn sẽ ăn bánh mì và bạn cũng có thể cảm ơn Đức Chúa Trời về “bánh” mà ngài đã ban (Ma-thi-ơ 6:11, NTT). Dù cảm kích trước một món ăn ngon, mong sao chúng ta không bao giờ quên giá trị của “bánh sự sống”, là Chúa Giê-su Ki-tô.
Thay vì bắt chước người Y-sơ-ra-ên vô ơn vào thời Môi-se, làm sao chúng ta cho thấy mình quý trọng bánh vô giá này? Chúa Giê-su nói: “Nếu yêu thương tôi, anh em sẽ giữ các điều răn của tôi” (Giăng 14:15). Bằng cách vâng theo các điều răn của Chúa Giê-su, chúng ta có triển vọng ăn bánh thỏa thích cho đến mãi mãi.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:7.
a Rất có thể “ma-na” bắt nguồn từ cụm từ Hê-bơ-rơ “man hu’?” có nghĩa là “Cái gì vậy?”.