Duy trì sự hợp nhất trong những ngày sau rốt này
“Anh em phải ăn-ở một cách xứng-đáng với [tin mừng, “NW”]... một lòng đứng vững, đồng tâm chống-cự vì đức-tin của [tin mừng, “NW”]” (PHI-LÍP 1:27).
1. Có sự tương phản nào giữa Nhân-chứng Giê-hô-va và thế gian?
ĐÂY là “ngày sau-rốt”. Chắc chắn là chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Vào “kỳ cuối-cùng” này, trong khi xã hội loài người náo động, thì người ta nhận thấy Nhân-chứng Giê-hô-va khác hẳn vì họ được bình an và hợp nhất (Đa-ni-ên 12:4). Nhưng mỗi người ở trong đại gia đình hoàn cầu gồm những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có bổn phận phải cố gắng duy trì sự hợp nhất này.
2. Phao-lô nói gì về việc duy trì sự hợp nhất, và chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào?
2 Sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ phải duy trì sự hợp nhất. Ông viết: “Anh em phải ăn-ở một cách xứng-đáng với [tin mừng, NW] của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống-cự vì đức-tin của [tin mừng, NW], phàm sự chẳng để cho kẻ thù-nghịch ngăm-dọa mình: điều đó là một chứng-nghiệm chúng nó phải hư-mất, còn anh em được cứu-rỗi; và ấy là từ nơi Đức Chúa Trời” (Phi-líp 1:27, 28). Những lời của Phao-lô cho thấy rõ ràng rằng chúng ta với tư cách tín đồ đấng Christ phải hợp tác với nhau. Vậy thì điều gì giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất của đạo đấng Christ trong thời buổi nhiễu nhương này?
Phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời
3. Những người dân ngoại đầu tiên trở thành môn đồ của đấng Christ khi nào và như thế nào?
3 Một cách để duy trì sự hợp nhất của chúng ta là luôn luôn phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều này có thể đòi hỏi chúng ta phải chỉnh đốn lại tư tưởng. Hãy xem các môn đồ gốc Do Thái của Giê-su Christ vào thời ban đầu. Khi sứ đồ Phi-e-rơ rao giảng lần đầu tiên cho những người dân ngoại không cắt bì vào năm 36 công nguyên, Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên những người dân ngoại này, và họ làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 10). Cho đến lúc đó, chỉ có người Do Thái, những người nhập đạo Do Thái và người Sa-ma-ri trở thành môn đồ của Giê-su Christ mà thôi (Công-vụ các Sứ-đồ 8:4-8, 26-38).
4. Sau khi giải thích những gì đã xảy ra với Cọt-nây, Phi-e-rơ nói gì và điều này đem lại thử thách nào cho các môn đồ gốc Do Thái của Giê-su?
4 Khi các sứ đồ và các anh em khác ở thành Giê-ru-sa-lem biết được về việc Cọt-nây và những người dân ngoại khác đã cải đạo, họ muốn được nghe Phi-e-rơ kể lại chuyện đó. Sau khi giải thích những gì đã xảy ra với Cọt-nây và những người dân ngoại tin đạo, Phi-e-rơ kết thúc bằng những lời này: “Vậy, nếu Đức Chúa Trời đã ban cho họ [những người dân ngoại tin đạo] một ơn [thánh linh] như cho chúng ta [những người Do Thái], là kẻ đã tin đến Đức Chúa Jêsus-Christ, thì ta là ai, mà ngăn-trở Đức Chúa Trời được?” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:1-17). Đây là một thử thách cho các môn đồ gốc Do Thái của Giê-su Christ. Họ có phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời và nhìn nhận anh em cùng đạo gốc dân ngoại không? Hoặc sự hợp nhất của các tôi tớ trên đất của Đức Giê-hô-va sẽ bị lâm nguy?
5. Các sứ đồ và anh em khác hưởng ứng thế nào trước sự kiện Đức Chúa Trời cho phép người ngoại được ăn năn, và chúng ta có thể học được gì qua thái độ này?
5 Kinh-thánh thuật lại: “Tín-đồ [các sứ đồ và anh em khác] nghe bấy nhiêu lời xong, đều thỏa-thuận và ngợi-khen Đức Chúa Trời, rằng: Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn-năn cho người ngoại để họ được sự sống!” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:18). Thái độ đó bảo tồn và phát huy sự hợp nhất giữa các môn đồ của Giê-su. Chỉ trong một thời gian ngắn, công việc rao giảng tiến hành giữa những người dân ngoại, và Đức Giê-hô-va ban phước cho các hoạt động như thế. Chính chúng ta nên đồng ý hợp tác khi được kêu gọi hợp tác liên quan đến việc thành lập một hội thánh mới hoặc khi thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn một sự tu chỉnh nào đó trong tổ chức thần quyền. Sự hợp tác hết lòng của chúng ta sẽ làm hài lòng Đức Giê-hô-va và sẽ giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất trong những ngày sau rốt này.
Quí mến lẽ thật
6. Lẽ thật ảnh hưởng đến sự hợp nhất giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va như thế nào?
6 Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đại gia đình của ngài, chúng ta duy trì sự hợp nhất bởi vì tất cả chúng ta đều được “Đức Giê-hô-va dạy-dỗ” và đứng vững trong lẽ thật mà ngài đã tiết lộ cho chúng ta (Giăng 6:45; Thi-thiên 43:3). Bởi vì những sự dạy dỗ của chúng ta dựa trên Lời Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều nói thỏa thuận với nhau. Chúng ta sung sướng nhận thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Sự dạy dỗ đồng nhất như thế giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất trên khắp thế giới.
7. Nếu cá nhân chúng ta thấy khó hiểu một điểm nào đó, thì chúng ta nên làm gì, và không nên làm gì?
7 Nếu như cá nhân chúng ta thấy khó hiểu hoặc khó chấp nhận một điểm nào đó thì sao? Chúng ta nên cầu nguyện xin sự khôn ngoan và bỏ công tra cứu trong Kinh-thánh và các ấn phẩm của đạo đấng Christ (Châm-ngôn 2:4, 5; Gia-cơ 1:5-8). Việc thảo luận với một trưởng lão cũng có thể có ích. Nếu vẫn chưa hiểu được, có lẽ tốt hơn hết là chớ quá quan tâm đến điểm này. Có thể trong tương lai nhiều tài liệu khác về đề tài này sẽ được đăng, và sự hiểu biết của chúng ta sẽ được mở rộng. Tuy nhiên, nếu ta tìm cách thuyết phục người khác trong hội thánh chấp nhận ý kiến khác biệt của chúng ta thì chúng ta làm sai. Điều này sẽ gieo sự bất đồng ý kiến, chứ không duy trì sự hợp nhất. Thật là tốt hơn biết bao nếu “[tiếp tục, NW] làm theo lẽ thật” và khuyến khích người khác cũng làm như thế! (III Giăng 4).
8. Ta nên có thái độ đúng đắn nào đối với lẽ thật?
8 Trong thế kỷ thứ nhất, Phao-lô nói: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập-mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (I Cô-rinh-tô 13:12). Dù các tín đồ đấng Christ thời ban đầu không hiểu tất cả các chi tiết, họ vẫn tiếp tục hợp nhất với nhau. Bây giờ chúng ta được biết rõ hơn nhiều về ý định của Đức Giê-hô-va và Lời của lẽ thật của ngài. Bởi vậy, chúng ta hãy biết ơn về lẽ thật mà chúng ta nhận được qua lớp người ‘đầy-tớ trung-tín’. Và chúng ta hãy biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã dùng tổ chức của ngài để dẫn dắt chúng ta. Dù không luôn luôn có cùng một trình độ hiểu biết, chúng ta đã không bị đói khát về thiêng liêng. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va, Đấng Chăn chiên của chúng ta, cho chúng ta được hợp nhất và chăm sóc chúng ta một cách chu đáo (Thi-thiên 23:1-3).
Dùng miệng lưỡi đúng cách
9. Làm sao ta có thể dùng miệng lưỡi để phát huy sự hợp nhất?
9 Dùng miệng lưỡi để khuyến khích người khác là một cách quan trọng để phát huy sự hợp nhất và tinh thần huynh đệ. Lá thư giải đáp thắc mắc về vấn đề cắt bì, do hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất gửi đi, là một nguồn khích lệ. Sau khi đọc thư ấy, các môn đồ gốc dân ngoại tại An-ti-ốt “được vui-mừng lắm”. Giu-đe và Si-la là hai người từ Giê-ru-sa-lem đảm trách việc đem thư “lấy nhiều lời giảng mà khuyên-bảo, và giục lòng anh em mạnh-mẽ”. Chắc chắn sự hiện diện của sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba cũng đã khích lệ và tăng thêm sức cho anh em cùng đạo tại An-ti-ốt (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1-3, 23-32). Chúng ta cũng có thể làm được như vậy khi nhóm lại tại các buổi họp của đạo đấng Christ và “khuyến khích nhau” qua sự hiện diện và lời bình luận xây dựng của chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:24, 25, NW).
10. Để duy trì sự hợp nhất, người ta có thể phải làm gì trong trường hợp có sự chửi rủa?
10 Tuy nhiên, việc dùng miệng lưỡi một cách sai lầm có thể đe dọa sự hợp nhất của chúng ta. Môn đồ Gia-cơ viết: “Cái lưỡi là một quan-thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên!” (Gia-cơ 3:5). Đức Giê-hô-va ghét những kẻ gieo sự tranh cạnh (Châm-ngôn 6:16-19). Nói năng mà gây ra tranh cạnh có thể gieo sự chia rẽ. Bởi vậy, nếu có ai buông lời chửi rủa, tức là nói hành một người nào hoặc mắng nhiếc anh hay chị đó thì sao? Các trưởng lão sẽ cố giúp người phạm lỗi. Tuy nhiên, người chửi rủa mà không chịu ăn năn sẽ bị khai trừ để hội thánh có thể duy trì được sự hòa thuận, trật tự và sự hợp nhất. Rốt lại, Phao-lô viết: “Anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà... chưởi-rủa,... cũng không nên ăn chung với người thể ấy” (I Cô-rinh-tô 5:11).
11. Tại sao khiêm nhường là điều quan trọng nếu chúng ta lỡ nói điều gì gây ra sự căng thẳng giữa mình với một người anh em cùng đạo?
11 Giữ gìn miệng lưỡi sẽ giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất (Gia-cơ 3:10-18). Nhưng giả sử chúng ta lỡ nói một điều gì gây ra sự căng thẳng giữa chúng ta và một anh em tín đồ. Phải chăng điều thích hợp là chúng ta khởi xướng làm hòa với anh em của chúng ta, và xin lỗi nếu cần? (Ma-thi-ơ 5:23, 24). Đành rằng điều này đòi hỏi phải có sự khiêm nhường, hoặc tâm tình nhu mì, nhưng Phi-e-rơ viết: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” (I Phi-e-rơ 5:5). Tính khiêm nhường sẽ giúp chúng ta “tìm sự hòa-bình mà đuổi theo” với anh em của chúng ta, thú thật lỗi lầm của chúng ta và xin lỗi cho phải lẽ. Điều này giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất trong gia đình Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 3:10, 11).
12. Để phát huy và duy trì sự hợp nhất của dân tộc Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể dùng miệng lưỡi như thế nào?
12 Chúng ta có thể đẩy mạnh tinh thần gia đình giữa những người ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va nếu dùng miệng lưỡi đúng cách. Vì đã làm thế nên Phao-lô đã có thể nhắc nhở anh em tại Tê-sa-lô-ni-ca: “Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối-đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên-lơn, yên-ủi, và nài-xin anh em ăn-ở một cách xứng-đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh-hiển Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:11, 12). Vì đã nêu ra gương tốt về phương diện này, Phao-lô đã có thể khuyến khích anh em tín đồ “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Hãy thử nghĩ đến điều lành mà chúng ta có thể đạt được bằng cách dùng miệng lưỡi để an ủi, khích lệ và xây dựng người khác. Đúng vậy, “lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!” (Châm-ngôn 15:23). Hơn nữa, nói năng như thế giúp phát huy và duy trì sự hợp nhất của dân tộc Đức Giê-hô-va.
Sẵn lòng tha thứ!
13. Tại sao chúng ta phải sẵn lòng tha thứ?
13 Việc tha thứ một người nào phạm lỗi nhưng đã xin lỗi là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn duy trì sự hợp nhất của đạo đấng Christ. Và chúng ta nên tha thứ bao nhiêu lần? Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18:22). Nếu chúng ta cố chấp, chúng ta tự làm hại mình. Làm sao lại như thế? Bởi vì sự hằn học và cưu mang hờn giận thường làm chúng ta không được yên tâm. Và nếu người ta biết chúng ta là người tàn nhẫn và cố chấp, chúng ta có thể bị người khác xa lánh (Châm-ngôn 11:17). Cưu mang hờn giận là điều không làm hài lòng Đức Chúa Trời và nó có thể dẫn đến việc phạm tội nặng (Lê-vi Ký 19:18). Xin nhớ là Giăng Báp-tít đã bị chém đầu vì cớ Hê-rô-đia độc ác “căm” giận ông nên đã âm mưu giết ông (Mác 6:19-28).
14. a) Ma-thi-ơ 6:14, 15 dạy chúng ta điều gì về sự tha thứ? b) Chúng ta có phải luôn luôn đợi người khác xin lỗi rồi mới chịu tha thứ không?
14 Trong bài cầu nguyện mẫu của Giê-su có ghi những lời này: “Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình” (Lu-ca 11:4). Nếu cố chấp, thì một ngày nào đó Đức Giê-hô-va có thể sẽ không tha tội chúng ta nữa, vì Giê-su nói: “Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha-thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:14, 15). Vậy nếu chúng ta thật tình muốn góp phần vào việc duy trì sự hợp nhất trong đại gia đình Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài, chúng ta sẽ tỏ ra tha thứ, có lẽ bằng cách quên một vụ mếch lòng có thể vì sơ ý và vô tình. Phao-lô nói: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Khi chúng ta sẵn lòng tha thứ, chúng ta góp phần vào việc duy trì sự hợp nhất quí báu của tổ chức Đức Giê-hô-va.
Sự hợp nhất và các quyết định cá nhân
15. Điều gì giúp dân tộc Đức Giê-hô-va duy trì được sự hợp nhất khi có quyết định cá nhân?
15 Đức Chúa Trời phú cho chúng ta quyền tự do lựa chọn cùng với đặc ân và trách nhiệm có những quyết định riêng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20; Ga-la-ti 6:5). Tuy nhiên, chúng ta có thể duy trì sự hợp nhất bởi vì chúng ta làm theo luật pháp và các nguyên tắc ở trong Kinh-thánh. Chúng ta tôn trọng các luật pháp và nguyên tắc này khi có những quyết định riêng (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29; I Giăng 5:3). Giả sử chúng ta phải đương đầu với một vấn đề liên quan đến sự trung lập. Chúng ta có thể đi đến một quyết định cá nhân sáng suốt bằng cách nhớ rằng chúng ta “không thuộc về thế-gian” và đã “lấy gươm rèn lưỡi-cày” (Giăng 17:16; Ê-sai 2:2-4). Cũng thế, khi phải đi đến quyết định về mối liên hệ của chúng ta với chính quyền, chúng ta xem xét điều Kinh-thánh nói: “Của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”, trong khi vâng phục “các đấng cầm quyền trên mình” trong những vấn đề thế tục (Lu-ca 20:25; Rô-ma 13:1-7; Tít 3:1, 2). Vâng, việc tôn trọng luật pháp và nguyên tắc của Kinh-thánh khi phải quyết định về những vấn đề cá nhân giúp duy trì sự hợp nhất của đạo đấng Christ.
16. Làm sao chúng ta có thể giúp duy trì sự hợp nhất khi có quyết định cá nhân mà Kinh-thánh không nói là đúng hay sai? Cho thí dụ.
16 Chúng ta có thể góp phần duy trì sự hợp nhất của đạo đấng Christ ngay cả khi có một quyết định hoàn toàn cá nhân và Kinh-thánh thì không nói là đúng hay sai. Bằng cách nào? Bằng cách tỏ ra yêu thương quan tâm đến những người khác có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của chúng ta. Thí dụ, trong hội thánh xưa ở Cô-rinh-tô, có vấn đề liên quan đến việc ăn của cúng thần tượng. Dĩ nhiên, một tín đồ đấng Christ không tham gia vào nghi lễ cúng bái thần tượng. Tuy nhiên, một người không phạm tội nếu ăn thịt thú vật đã được đổ hết máu mua ngoài chợ sau khi người ta cúng trong đền thờ và còn dư đem bán (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; I Cô-rinh-tô 10:25). Tuy nhiên, lương tâm của một số tín đồ đấng Christ bị cắn rứt vì ăn thịt loại này. Bởi vậy Phao-lô khuyên nhủ các tín đồ khác nên tránh làm họ bị vấp phạm. Thật thế, ông viết: “Nếu đồ-ăn xui anh em tôi vấp-phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp-phạm cho anh em tôi” (I Cô-rinh-tô 8:13). Vậy, dù không có liên quan đến luật pháp hoặc nguyên tắc nào của Kinh-thánh, ta nên nghĩ đến người khác khi có quyết định cá nhân có thể ảnh hưởng tới sự hợp nhất của đại gia đình Đức Chúa Trời. Điều này bày tỏ lòng đầy yêu thương biết bao!
17. Chúng ta nên làm gì khi có các quyết định cá nhân?
17 Nếu không chắc chắn mình nên làm gì, thì điều khôn ngoan là chúng ta quyết định theo cách giúp chúng ta có một lương tâm trong sạch và người khác nên tôn trọng quyết định của chúng ta (Rô-ma 14:10-12). Dĩ nhiên, nếu phải đi đến một quyết định riêng, chúng ta nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Giống như người viết Thi-thiên, chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin cậy: “Khá nghiêng tai qua tôi,... Vì Chúa là hòn đá và đồn-lũy tôi; xin dẫn-dắt tôi nhơn danh Chúa” (Thi-thiên 31:2, 3).
Luôn luôn duy trì sự hợp nhất của đạo đấng Christ
18. Phao-lô minh họa sự hợp nhất trong hội thánh đấng Christ như thế nào?
18 Nơi I Cô-rinh-tô đoạn 12, Phao-lô dùng thân thể người ta để minh họa sự hợp nhất của hội thánh đấng Christ. Ông nhấn mạnh rằng các chi thể tùy thuộc lẫn nhau và đều quan trọng như nhau. Phao-lô hỏi: “Nếu chỉ có một chi-thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? Vậy, có nhiều chi-thể, song chỉ có một thân. Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bay” (I Cô-rinh-tô 12:19-21). Cũng thế, không phải tất cả chúng ta trong đại gia đình Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài đều có cùng phận sự như nhau. Tuy vậy, chúng ta được hợp nhất, và chúng ta cần đến nhau.
19. Qua các sự sắp đặt thiêng liêng của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể được lợi ích như thế nào, và một anh lớn tuổi nói gì về điều này?
19 Thân thể chúng ta cần thức ăn, sự chăm sóc và hướng dẫn; cũng thế, chúng ta cần đến những sự sắp đặt thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Lời ngài, thánh linh và tổ chức của ngài. Để được lợi ích nhờ các sự sắp đặt này, chúng ta phải thuộc về gia đình hoàn cầu của Đức Giê-hô-va. Sau nhiều năm phụng sự Đức Chúa Trời, một anh viết: “Tôi rất biết ơn là tôi đã sống theo sự hiểu biết về ý định của Đức Giê-hô-va từ những ngày đầu ngay trước năm 1914 khi lẽ thật không được rõ ràng cho lắm... cho đến bây giờ khi lẽ thật chiếu rạng như mặt trời lúc giữa trưa. Điều quan trọng nhất đối với tôi là vấn đề giữ mình gần gũi với tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va. Kinh nghiệm thuở ban đầu dạy cho tôi biết rằng tin cậy nơi sự lý luận của loài người quả thật là dại dột biết bao. Một khi tâm trí tôi cương quyết về điểm này, tôi nhất định ở gần tổ chức trung thành với Đức Chúa Trời. Có cách nào khác để cho một người được Đức Giê-hô-va ban ân huệ và ân phước không?”
20. Với tư cách là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên nhất định làm gì đối với vấn đề hợp nhất?
20 Đức Giê-hô-va đã đem dân tộc ngài ra khỏi thế gian tối tăm và chia rẽ này (I Phi-e-rơ 2:9). Ngài đã ban phước cho chúng ta bằng sự hợp nhất với chính ngài và với anh em cùng đạo của chúng ta. Sẽ có sự hợp nhất này trong hệ thống mới nay đã gần kề. Bởi vậy cho nên trong những ngày sau rốt đầy khó khăn này, chúng ta hãy tiếp tục “mặc lấy lòng yêu-thương” và làm mọi điều mà chúng ta có thể làm để phát huy và duy trì sự hợp nhất quí báu của chúng ta (Cô-lô-se 3:14).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và quí mến lẽ thật có thể giúp chúng ta duy trì sự hợp nhất?
◻ Việc dùng miệng lưỡi đúng cách có liên hệ gì đến sự hợp nhất?
◻ Việc sẵn lòng tha thứ đòi hỏi điều gì?
◻ Làm sao chúng ta có thể duy trì sự hợp nhất khi có các quyết định cá nhân?
◻ Tại sao duy trì sự hợp nhất trong đạo đấng Christ?
[Hình nơi trang 16]
Cũng như người chăn chiên này giữ cho các chiên của ông ở trong một bầy, Đức Giê-hô-va giữ cho dân ngài được hợp nhất
[Các hình nơi trang 18]
Nhờ khiêm nhường xin lỗi khi làm mếch lòng người khác, chúng ta góp phần vào việc phát huy sự hợp nhất