Hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời
“Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (MA-THI-Ơ 6:33).
1, 2. Những hành động tự nó có tốt đi nữa đã bị các thầy thông giáo và người Pha-ri-si biến nó thành gì, và Giê-su đã cảnh cáo các môn đồ ngài điều gì?
CÁC thầy thông giáo và người Pha-ri-si tìm kiếm sự công bình theo lối riêng của họ chứ không theo cách của Đức Chúa Trời. Không chỉ thế, khi họ làm việc gì mà tự việc đó là tốt đi nữa họ cũng biến việc đó thành việc giả hình vì làm cho người ta thấy. Họ phụng sự, không phải Đức Chúa Trời, mà là cho chính cái hư danh của họ. Giê-su cảnh cáo môn đồ ngài tránh việc đóng kịch như vậy: “Hãy giữ, đừng làm sự công-bình mình trước mặt người ta, cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì của Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:1).
2 Đức Giê-hô-va quí trọng những người bố thí cho kẻ nghèo—nhưng không phải bố thí theo kiểu người Pha-ri-si. Giê-su cảnh cáo môn đồ ngài đừng bắt chước họ: “Vậy, khi ngươi bố-thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả-hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn-kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã [nhận] được phần thưởng của mình rồi” (Ma-thi-ơ 6:2).
3. a) Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã nhận đầy đủ như thế nào phần thưởng về sự bố thí của họ? b) Giê-su khác với họ thế nào về vấn đề bố thí?
3 Chữ Hy-lạp “bọn đó đã [nhận] được” (a.pe’kho) là từ ngữ thường dùng trong các giấy biên nhận mua bán. Từ ngữ nầy dùng trong Bài giảng trên Núi chỉ rằng “bọn đó đã [nhận] được phần thưởng” có nghĩa là “họ đã ký tên nhận phần thưởng của họ, quyền nhận phần thưởng được thực hiện rồi, chính xác như là họ đã được giao cho giấy biên nhận” (An Expository Dictionary of New Testament Words, do W. E. Vine). Của bố thí cho kẻ nghèo được công bố ra ngoài đường. Trong nhà hội tên của những người bố thí được thông báo. Những người cho nhiều được đặc biệt tôn vinh bằng cách là được ngồi cạnh các thầy dạy đạo trong giờ thờ phượng. Họ bố thí để cho người ta xem; họ được loài người thấy và khen ngợi; vì thế họ đã nhận được phần thưởng về sự bố thí của họ, giống như biên nhận có đóng dấu “Đã nhận đầy đủ”. Giê-su thì lại khác hẳn! Ngài nói hãy bố thí một cách “kín-nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Ma-thi-ơ 6”3, 4; Châm-ngôn 19:17).
Lời cầu nguyện đẹp lòng Đức Chúa Trời
4. Tại sao lời cầu nguyện của người Pha-ri-si khiến Giê-su gọi họ là kẻ giả hình?
4 Đức Giê-hô-va quí những lời cầu nguyện dâng lên Ngài—nhưng không phải như lời cầu nguyện của người Pha-ri-si. Giê-su nói với các môn đồ: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi” (Ma-thi-ơ 6:5). Người Pha-ri-si có nhiều lời cầu nguyện đọc thuộc lòng hằng ngày, vào đúng giờ nào đó, bất kể là họ ở đâu. Trên lý thuyết, họ đọc những lời đó trong chỗ riêng. Tuy nhiên, họ cố ý đến “góc đường” cho những người đi qua đi lại từ bốn hướng đều thấy khi đến giờ cầu nguyện.
5. a) Có thêm những sự thực hành nào khiến lời cầu nguyện của người Pha-ri-si không được Đức Chúa Trời nghe? b) Giê-su đặt những điều gì lên hàng đầu trong lời cầu nguyện mẫu của ngài, và ngày nay người ta có đồng ý như thế không?
5 Để tỏ ra sự thánh thiện giả tạo, họ “làm bộ đọc lời cầu-nguyện dài” (Lu-ca 20:47). Một lời truyền khẩu nói: “Những người ngoan đạo xưa thường đợi một giờ trước khi họ nói lời cầu nguyện” (Mishnah). Trong giờ đó hẳn mọi người chắc chắn sẽ thấy lòng mộ đạo của họ và phục họ lắm! Những lời cầu nguyện như thế không lên cao khỏi đầu họ đâu. Giê-su nói phải cầu nguyện ở phòng riêng, không lặp đi lặp lại vô ích, và ngài đã cho họ lời cầu nguyện mẫu (Ma-thi-ơ 6:6-8; Giăng 14:6, 14; I Phi-e-rơ 3:12). Lời cầu nguyện mẫu của Giê-su đặt những điều quan trọng nhất lên hàng đầu: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên!” (Ma-thi-ơ 6:9-13). Ngày nay người ta ít biết danh của Đức Chúa Trời, vậy càng ít người muốn danh đó được thánh. Vì thế, họ làm Ngài thành một Đức Chúa Trời vô danh. Nước Đức Chúa Trời được đến ư? Nhiều người nghĩ nước đó đã đến rồi, ở trong lòng họ. Họ có thể cầu cho ý Ngài được nên đấy, nhưng đa số vẫn làm theo ý riêng của họ (Châm-ngôn 14:12).
6. Tại sao Giê-su lên án sự kiêng ăn của người Do-thái là vô nghĩa?
6 Đức Chúa Trời chấp nhận sự kiêng ăn—nhưng không phải lối kiêng ăn của người Pha-ri-si. Cũng như sự bố thí và cầu nguyện của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Giê-su cũng cho sự kiêng ăn của họ là vô nghĩa: “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn-rầu như bọn giả-hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi” (Ma-thi-ơ 6:16). Theo lời truyền khẩu của họ cho biết người Pha-ri-si lúc kiêng ăn không tắm rửa hay xức dầu nhưng họ rải tro trên đầu họ. Khi không kiêng ăn, người Do-thái thường tắm rửa và xức dầu trên mình.
7. a) Các môn đồ của Giê-su nên hành động ra sao khi kiêng ăn? b) Nói về sự kiêng ăn, Đức Giê-hô-va đã muốn gì vào thời Ê-sai?
7 Nói về sự kiêng ăn, Giê-su bảo các môn đồ: “Hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi” (Ma-thi-ơ 6:17, 18). Vào thời Ê-sai, những người Do-thái tội lỗi thích tỏ ăn năn bằng sự kiêng ăn, dằn lòng họ, cúi đầu và nằm trên bao gai và trên tro. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn họ phóng thích kẻ bị ức hiếp, chia bánh cho kẻ đói, đem kẻ đi lang thang về nhà, mặc cho kẻ bị lõa lồ (Ê-sai 58:3-7).
Chứa của cải ở trên trời
8. Điều gì đã khiến các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không quan tâm tới sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, và họ đã bỏ qua nguyên tắc nào mà Phao-lô sau nầy nói tới?
8 Trong khi theo đuổi sự công bình, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã không quan tâm tới sự chấp nhận của Đức Chúa Trời mà chỉ chú trọng đến sự thán phục của loài người. Họ quá quan tâm đến lời truyền khẩu của loài người mà bỏ Lời được ghi chép của Đức Chúa Trời. Họ để tâm đến địa vị trên đất hơn là của cải trên trời. Họ bỏ qua một sự thật đơn giản mà một tín đồ đấng Christ trước kia là người Pha-ri-si đã viết nhiều năm sau: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ-nghiệp làm phần thưởng” (Cô-lô-se 3:23, 24).
9. Có những nguy hiểm nào đe dọa của cải trên đất, nhưng điều gì sẽ giữ cho của cải thật được an toàn?
9 Đức Giê-hô-va chú ý đến sự tin kính của bạn đối với Ngài, chứ không chú ý đến trương mục ngân hàng của bạn. Ngài biết của cải bạn ở đâu thì lòng bạn cũng ở đó. Của cải bạn có thể bị sâu mối, ten rét hủy hoại không? Trộm đạo có thể khoét tường để ăn cắp không? Và trong thời buổi kinh tế bấp bênh nầy, nạn lạm phát có thể làm tiền mất giá và thị trường chứng khoán có thể suy sụp làm mất hết của cải bạn không? Tội ác gia tăng sẽ làm của cải bạn bị mất cắp không? Nếu chất chứa trên trời thì không mất được. Nếu bạn giữ cho con mắt là ngọn đèn soi sáng cả thân thể—được đơn giản, nhắm vào Nước Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời thì của cải bạn không bị mất được. Sự giàu sang có thể tiêu tán. “Con chớ chịu vật-vã đặng làm giàu; khá thôi nhờ-cậy khôn-ngoan riêng của con. Con há liếc mắt vào sự giàu-có sao?—Nó đã chẳng còn nữa rồi; vì nó quả hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy” (Châm-ngôn 23:4, 5). Vậy tại sao để sự giàu có làm bạn mất ngủ? “Quá nhiều của cải làm cho người giàu không ngủ được” (Truyền-đạo 5:12, NW). Hãy nhớ lời cảnh cáo của Giê-su: “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [sự giàu có] nữa” (Ma-thi-ơ 6:19-24).
Đức tin xóa tan sự lo âu
10. Tại sao đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời là quan trọng hơn nơi của cải vật chất, và Giê-su đã ban lời khuyên nào?
10 Đức Giê-hô-va muốn bạn đặt đức tin nơi Ngài chứ không phải nơi của cải vật chất. “Vả, không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Giê-su nói: “Vì sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu” (Lu-ca 12:15). Hằng triệu bạc trong ngân hàng sẽ không thể làm cho phổi đau được lành hay làm trái tim mỏi mệt tiếp tục bơm máu. Vì thế, Giê-su tiếp tục trong Bài giảng trên Núi: “Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25).
11. Giê-su lấy nhiều ví dụ từ đâu và Bài giảng trên Núi đã cho thấy điều đó thế nào?
11 Giê-su có biệt tài dùng các câu chuyện ví dụ. Ở bất cứ nơi nào ngài nhìn, ngài cũng nghĩ đến các ví dụ. Ngài thấy người đàn bà thắp ngọn đèn để trên chân đèn, ngài dùng đó làm ví dụ. Ngài thấy người chăn chiên chia chiên với dê ra; ngài dùng làm ví dụ. Ngài thấy trẻ con chơi nơi phố chợ; ngài cũng dùng làm ví dụ. Vì vậy, Bài giảng trên Núi dùng nhiều ví dụ. Khi nói về những mối lo âu về nhu cầu vật chất, ngài dùng chim bay và những hoa huệ mọc đầy bên triền đồi để làm ví dụ. Chim trời có gieo và gặt không? Không. Hoa huệ có kéo chỉ và dệt áo không? Không. Đức Chúa Trời làm ra hoa và chăm sóc cho hoa. Nhưng bạn thì có giá trị hơn là chim trời và hoa huệ (Ma-thi-ơ 6:26, 28-30). Ngài ban Con Ngài cho bạn chứ không cho chim hay hoa (Giăng 3:16).
12. a) Có phải ví dụ về chim chóc và bông hoa có nghĩa là môn đồ của Giê-su khỏi cần làm việc chăng? b) Giê-su nói về điểm gì liên quan đến làm việc và đức tin?
12 Nơi đây Giê-su không bảo các môn đồ là họ không cần phải làm việc để tự nuôi sống và may mặc. (Xem Truyền-đạo 2:24; Ê-phê-sô 4:28; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12). Vào buổi sáng mùa xuân đó, chim chóc đang bận kiếm mồi, tìm bạn, xây tổ, ấp trứng, mớm con. Chúng làm việc nhưng không lo lắng. Các bông hoa cũng bận đâm rễ dưới đất để tìm nước và khoáng chất và vươn lá ra ánh sáng mặt trời. Chúng phải lớn, trổ hoa và kết hột trước khi tàn. Chúng làm việc nhưng không lo lắng. Đức Chúa Trời cung cấp cho chim trời và hoa huệ. “Ngài chẳng muốn cung-cấp hơn thế cho các ngươi sao, hỡi kẻ ít đức-tin?” (Ma-thi-ơ 6:30).
13. a) Tại sao Giê-su dùng đơn vị cu-đê khi nói về sự kéo dài đời sống một người là đúng? b) Làm thế nào bạn có thể kéo dài đời sống có thể cho là hằng triệu dặm bất tận?
13 Vậy phải có đức tin. Đừng lo lắng gì cả. Sự lo âu không thay đổi gì được. Giê-su hỏi: “Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một [cu-đê] không?” (Ma-thi-ơ 6:27). Nhưng tại sao Giê-su nói về chiều dài (ngài dùng đơn vị cu-đê) để đo thời gian của một đời người? Có lẽ vì Kinh-thánh thường ví đời người như một cuộc hành trình qua những từ ngữ được dùng như “đường tội-nhơn”, “con đường người công-bình”, “đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất” và “đường chật dẫn đến sự sống” (Thi-thiên 1:1; Châm-ngôn 4:18; Ma-thi-ơ 7:13, 14). Sự lo âu vì nhu cầu hằng ngày không thể làm cho đời người dài thêm một chút nào. Nhưng có một cách để kéo dài đời sống bạn đến hằng triệu dặm bất tận. Không phải bằng cách lo lắng và nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì?” hay “Chúng ta sẽ uống gì?” hoặc “Chúng ta sẽ mặc gì?” nhưng bằng cách có đức tin và làm những gì Giê-su bảo chúng ta làm. “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:31-33).
Đạt đến Nước Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời
14. a) Đề tài của Bài giảng trên Núi là gì? b) Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tìm kiếm Nước Trời và sự công bình Ngài theo cách sai lầm nào?
14 Trong câu mở đầu của Bài giảng trên Núi, Giê-su đã nói Nước Trời thuộc về những người ý thức được nhu cầu thiêng liêng của họ. Trong câu thứ tư, ngài nói rằng những người đói khát sự công bình sẽ được no đủ. Ở đây, Giê-su đặt Nước Trời và sự công bình của Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Đây là đề tài của Bài giảng trên Núi và cũng là giải pháp cho mọi nhu cầu của cả nhân loại. Nhưng làm sao có thể đạt đến Nước Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời? Chúng ta tiếp tục tìm kiếm hai điều đó thế nào? Không phải bằng phương cách của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Họ tìm kiếm Nước Trời và sự công bình qua Luật pháp Môi-se mà họ cho là gồm có cả các lời truyền khẩu, vì họ tin rằng Luật pháp được ghi chép và các lời truyền khẩu đều được Đức Chúa Trời ban cho Môi-se tại núi Si-na-i.
15. a) Theo người Do-thái, lời truyền khẩu của họ phát xuất từ khi nào, và họ đã nâng thế nào những lời đó lên trên Luật pháp Môi-se được ghi chép? b) Các lời truyền khẩu nầy thật sự bắt đầu khi nào, và ảnh hưởng thế nào đến Luật pháp Môi-se?
15 Lời truyền khẩu của họ có nói đến điều răn trên như sau: “Môi-se nhận được Luật pháp [phụ chú: “Lời truyền khẩu”] từ núi Si-na-i và sau đó truyền lại cho Giô-suê, Giô-suê truyền lại cho các trưởng lão, các trưởng lão truyền lại cho các đấng Tiên tri; và các đấng Tiên tri truyền lại cho những người ở Nhà Hội Lớn”. Theo thời gian, luật dựa trên lời truyền khẩu đã được nâng lên cao hơn Luật được ghi chép: “[Nếu] một người phạm, Luật [được ghi chép] thì không có tội” (sách Mishnah). Các lời truyền khẩu của họ đã không bắt đầu tại núi Si-na-i. Thật ra, những lời đó bắt đầu góp nhặt một cách nhanh chóng khoảng hai thế kỷ trước đấng Christ. Họ thêm vào, lấy bớt ra, và vô hiệu hóa Luật pháp Môi-se được ghi chép. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2; 12:32).
16. Sự công bình của Đức Chúa Trời đến thế nào cho nhân loại?
16 Sự công bình của Đức Chúa Trời không đến qua Luật pháp Môi-se nhưng ở ngoài Luật pháp: “Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật-pháp mà sẽ được xưng công-bình trước mặt Ngài, vì luật-pháp cho người ta biết tội-lỗi. Nhưng hiện bây giờ, sự công-bình của Đức Chúa Trời, mà luật-pháp và các đấng tiên-tri đều làm chứng cho, đã bày-tỏ ra ngoài luật-pháp: tức là sự công-bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Chúa Giê-su Christ” (Rô-ma 3:20-22). Vì vậy, sự công-bình của Đức Chúa Trời đến bởi đức tin nơi Giê-su Christ—điều nầy được “luật-pháp và các đấng tiên-tri đều làm chứng cho”. Các lời tiên tri về đấng Mê-si đã được ứng nghiệm nơi Giê-su. Chính Giê-su cũng đã làm trọn Luật pháp; luật đó đã không còn nữa vì bị đóng đinh cùng ngài trên cây khổ hình (Lu-ca 24:25-27, 44-46; Cô-lô-se 2:13, 14; Hê-bơ-rơ 10:1).
17. Theo sứ đồ Phao-lô, tại sao người Do-thái không biết được sự công bình của Đức Chúa Trời?
17 Vì thế, sứ đồ Phao-lô viết về sự thất bại của người Do-thái trong việc tìm kiếm sự công bình: “Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt-sắng đó là không phải theo trí-khôn. Bởi họ không nhận-biết sự công-bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công-bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công-bình của Đức Chúa Trời; vì đấng Christ là sự cuối-cùng của luật-pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công-bình” (Rô-ma 10:2-4). Sứ đồ Phao-lô cũng viết về Giê-su Christ: “Đấng vốn chẳng biết tội-lỗi trở nên tội-lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công-bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).
18. Người Do-thái theo lời truyền khẩu, các triết gia Hy-lạp, và “những người được gọi” xem sự “đóng đinh của đấng Christ” như thế nào?
18 Người Do-thái xem đấng Mê-si sắp chết như một người hèn yếu không ra gì. Các triết gia Hy-lạp đã chế giễu đấng Mê-si như là kẻ rồ dại. Tuy nhiên, đúng như lời Phao-lô đã tuyên bố: “Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn-ngoan, thì chúng ta giảng đấng Christ bị đóng đinh trên cây [khổ hình], là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ-dại; song le, về những người được gọi, bất-luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì đấng Christ là quyền-phép của Đức Chúa Trời và sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự rồ-dại của Đức Chúa Trời là khôn-sáng hơn người ta, và sự yếu-đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta” (I Cô-rinh-tô 1:22-25). Giê-su Christ là sự thể hiện quyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và là phương cách do Đức Chúa Trời ban cho để nhân loại biết vâng lời có thể đạt đến sự công bình và sự sống đời đời. “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12).
19. Chúng ta phải tiếp tục làm gì?
19 Nếu chúng ta muốn tránh sự hủy diệt và đạt được sự sống đời đời, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Chúng ta làm thế không chỉ nhờ nghe những lời dạy dỗ của Giê-su mà cũng phải làm theo nữa.
Câu hỏi ôn lại
◻ Các người theo đạo Do-thái đã biến đổi của bố thí, lời câu nguyện và sự kiêng ăn của họ thành gì?
◻ Nơi an toàn để chứa của cải của bạn là ở đâu?
◻ Tại sao chúng ta nên tránh lo lắng về nhu cầu vật chất?
◻ Những người Do-thái tuyên bố sai lầm gì về nguồn gốc của lời truyền khẩu của họ?
◻ Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài đến qua phương cách nào?
[Hình nơi trang 19]
Người Pha-ri-si thích đứng cầu nguyện nơi góc đường để được mọi người đều thấy