Tinh thần của thế gian có đang đầu độc bạn không?
VÀO ngày 12-9-1990 có một vụ nổ xảy ra tại một nhà máy ở Kazakstan. Chất phóng xạ nguy hiểm làm ô nhiễm không khí, đe dọa sức khỏe của 120.000 dân cư địa phương, nhiều người trong số đó đã xuống đường biểu tình chống chất độc chết người.
Nhưng khi có thêm nhiều điều được đưa ra ánh sáng, họ mới khám phá ra rằng họ đã sống trong một môi trường độc hại nhiều thập niên rồi. Qua nhiều năm, người ta đã đổ 100.000 tấn chất thải phóng xạ ở một nơi ngoài trời, không có rào. Mặc dù mối nguy hiểm ở sát bên cạnh, không ai đã để ý tới. Tại sao thế?
Mỗi ngày, trong sân vận động địa phương, các viên chức yết thị độ phóng xạ, nên người ta nghĩ không có gì nguy hiểm. Đó là những số đo chính xác, nhưng chúng chỉ cho biết về bức xạ gamma. Người ta đã không đo bức xạ anpha là loại cũng có thể làm chết người như bức xạ gamma. Nhiều người mẹ bắt đầu hiểu được tại sao con họ lại hay đau ốm như thế.
Nói về phương diện thiêng liêng, chúng ta cũng có thể bị sự ô nhiễm vô hình đầu độc. Và giống như những người bất hạnh ở Kazakstan, phần đông người ta không ý thức về mối nguy hiểm đang đe dọa tính mạng. Kinh-thánh cho biết sự ô nhiễm này là “[tinh] thần thế-gian” do Sa-tan Ma-quỉ chứ không ai khác hơn điều khiển (I Cô-rinh-tô 2:12, NW). Kẻ thù của Đức Chúa Trời đã hiểm độc dùng tinh thần này—tức thái độ thông thường—của thế gian để làm suy giảm lòng tin kính của chúng ta.
Làm thế nào tinh thần thế gian có thể khiến chúng ta mất đi sức mạnh thiêng liêng? Bằng cách kích thích sự ham muốn của mắt và bằng cách lợi dụng tính ích kỷ bẩm sinh của chúng ta (Ê-phê-sô 2:1-3; I Giăng 2:16). Qua các gương, chúng ta sẽ xem xét ba lĩnh vực mà lối suy nghĩ thế gian có thể dần dần đầu độc sức khỏe thiêng liêng của chúng ta.
Tìm kiếm Nước Trời trước hết
Chúa Giê-su khuyến giục tín đồ đấng Christ ‘hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài trước hết’ (Ma-thi-ơ 6:33). Trái lại, tinh thần thế gian có thể khiến chúng ta coi những quyền lợi và sự an nhàn sung túc của mình quá quan trọng. Mối nguy hiểm đầu tiên không phải là ở việc bỏ hẳn những lợi ích thiêng liêng mà là xem những điều đó là phụ. Chúng ta có thể không nhận thấy mối nguy hiểm đó—như những người ở Kazakstan—vì có một cảm giác an toàn sai lầm. Có thể chúng ta nghĩ rằng mình phụng sự trung thành lâu năm và có lòng quí trọng các anh chị thiêng liêng, nên chúng ta sẽ không bao giờ bỏ đường lối lẽ thật. Có thể nhiều người trong hội thánh Ê-phê-sô đã cảm thấy như vậy.
Vào khoảng năm 96 CN, Chúa Giê-su cho họ lời khuyên sau đây: “Đều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính-mến ban đầu” (Khải-huyền 2:4). Những tín đồ lâu năm này đã chịu đựng nhiều khó khăn (Khải-huyền 2:2, 3). Họ đã được các trưởng lão trung thành, kể cả sứ đồ Phao-lô, dạy dỗ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:17-21, 27). Tuy nhiên, qua năm tháng, tình yêu thương của họ đối với Đức Giê-hô-va đã giảm lần, và họ đã mất đà về thiêng liêng (Khải-huyền 2:5).
Rất có thể một số tín đồ người Ê-phê-sô bị tính thương mại và sự phồn vinh ở thành đó ảnh hưởng. Điều đáng tiếc là một số tín đồ đấng Christ ngày nay cũng bị lôi cuốn theo xu hướng duy vật của xã hội. Khi quyết tâm mưu cầu một cuộc sống sung túc, chúng ta chắc chắn sẽ đi trệch các mục tiêu thiêng liêng. (So sánh Ma-thi-ơ 6:24).
Báo trước về mối nguy hiểm này, Chúa Giê-su nói: “Con mắt là đèn của thân-thể. Nếu mắt ngươi sáng-sủa thì cả thân-thể ngươi sẽ được sáng-láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu [“đố kỵ”, cước chú, NW], thì cả thân-thể sẽ tối-tăm” (Ma-thi-ơ 6:22, 23). Con mắt “sáng-sủa” là con mắt tập trung vào điều thiêng liêng, vào Nước Đức Chúa Trời. Trái lại, con mắt “xấu” hay con mắt “đố kỵ” thì thiển cận, chỉ có thể tập trung vào những ham muốn xác thịt ngay trước mắt. Những mục tiêu thiêng liêng và các phần thưởng trong tương lai quá xa tầm mắt.
Trong câu trước đó Chúa Giê-su nói: “Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21). Làm thế nào chúng ta có thể biết được lòng chúng ta tập trung vào điều thiêng liêng hay vật chất? Có lẽ điều giúp chúng ta biết rõ nhất là việc trò chuyện của chúng ta, bởi vì “do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra” (Lu-ca 6:45). Nếu chúng ta thấy mình thường xuyên nói về vật chất hoặc những thành tích trong thế gian thì điều đó cho thấy lòng chúng ta bị phân tán và nhãn quan thiêng liêng của chúng ta lệch lạc.
Một chị người Tây Ban Nha tên là Carmen đã vật lộn với vấn đề này.a Chị Carmen giải thích: “Tôi lớn lên trong lẽ thật, nhưng khi 18 tuổi, tôi mở một vườn trẻ. Ba năm sau, tôi có bốn người làm, công việc làm ăn phát đạt, và tôi kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên điều có lẽ làm tôi thỏa mãn nhất là việc không phải lệ thuộc vào ai về tài chánh, và tôi ‘thành công’. Thú thật là tôi dốc lòng vào việc làm ăn—đó là điều tôi say mê nhất.
“Tôi cho rằng mình vẫn có thể là một Nhân-chứng trong lúc dành phần lớn thời giờ vào công việc làm ăn. Mặt khác, tôi cũng luôn cảm thấy là tôi có thể làm nhiều hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Cuối cùng điều khiến tôi đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu là gương của hai người bạn làm tiên phong. Một người là Juliana ở trong hội thánh tôi. Chị ấy không tìm cách thuyết phục tôi làm tiên phong, nhưng khi chuyện trò với chị và thấy chị rõ ràng có được niềm vui trong thánh chức thì tôi xét lại các giá trị thiêng liêng của chính mình.
“Một thời gian sau, trong lúc nghỉ hè ở Mỹ, tôi đến ở với chị Gloria, một người làm tiên phong. Chồng chị vừa qua đời, và chị chăm lo cho đứa con gái năm tuổi cùng một người mẹ bị ung thư. Tuy thế, chị làm tiên phong. Gương của chị cùng lòng quí trọng chân thành của chị đối với thánh chức đã làm tôi động lòng. Sau bốn ngày ngắn ngủi ở nhà chị, tôi quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va hết sức mình. Trước tiên tôi trở thành một người tiên phong đều đều, và vài năm sau, tôi và chồng tôi được mời đến phục vụ ở nhà Bê-tên. Tôi từ giã cơ sở làm ăn—điều đã cản trở sự tiến bộ của tôi về thiêng liêng—và bây giờ tôi cảm thấy đời sống tôi thành công dưới mắt Đức Giê-hô-va, đây mới là điều thật sự quan trọng” (Lu-ca 14:33).
Học cách “nhận rõ những điều quan trọng hơn”, như chị Carmen đã làm, sẽ giúp chúng ta quyết định khôn ngoan về việc làm, học vấn, nhà cửa, và lối sống (Phi-líp 1:10, NW). Nhưng chúng ta có cũng nhận rõ những điều quan trọng hơn trong lĩnh vực giải trí không? Đây là một lĩnh vực khác bị tinh thần thế gian ảnh hưởng rất nhiều.
Giữ chừng mực trong việc nghỉ ngơi giải trí
Tinh thần thế gian xảo quyệt lợi dụng lòng mong muốn tự nhiên của người ta là được nghỉ ngơi và giải trí. Vì phần đông người ta không có hy vọng thật sự về tương lai nên đương nhiên họ tìm cách tận hưởng sự vui chơi và giải trí trong hiện tại. (So sánh Ê-sai 22:13; I Cô-rinh-tô 15:32). Chúng ta có thấy là mình càng ngày càng xem việc nghỉ ngơi giải trí là quan trọng không? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy lối suy nghĩ thế gian đang chi phối quan điểm của chúng ta.
Kinh-thánh báo trước: “Ai ham sự vui-chơi ắt sẽ nghèo-khó” (Châm-ngôn 21:17). Vui chơi không phải là sai, nhưng ham mê nó, hoặc cho nó là quan trọng nhất, sẽ đưa đến sự thiếu thốn về thiêng liêng. Chúng ta chắc chắn sẽ ít còn thèm khát thức ăn thiêng liêng, và sẽ còn ít thời giờ hơn cho việc rao giảng tin mừng.
Vì lý do này, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta hãy “bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết-độ” (I Phi-e-rơ 1:13). Chúng ta cần phải tiết độ để hạn chế sự giải trí sao cho có chừng mực. Bền chí như thể thắt lưng có nghĩa là sẵn sàng cho hoạt động thiêng liêng, dù là việc học hỏi, đi họp, hoặc đi rao giảng.
Còn về nhu cầu nghỉ ngơi thì sao? Chúng ta có nên cảm thấy tội lỗi khi chúng ta dành thời giờ để nghỉ ngơi không? Tất nhiên là không. Nghỉ ngơi là điều cần thiết, đặc biệt trong thế giới căng thẳng ngày nay. Tuy nhiên, vì là các tín đồ đấng Christ đã dâng mình, chúng ta không thể để đời sống mình tập trung vào việc nghỉ ngơi giải trí. Quá nhiều sự giải trí có thể khiến chúng ta càng ngày càng giảm đi hoạt động có ý nghĩa. Điều đó có thể làm chúng ta dần dần không cảm thấy cấp bách nữa, và nó còn có thể khuyến khích sự buông thả. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể có một quan điểm thăng bằng về việc nghỉ ngơi?
Kinh-thánh khuyên chúng ta nên nghỉ ngơi một ít thay vì làm việc quá độ—nhất là khi công việc ngoài đời đó không cần thiết (Truyền-đạo 4:6). Mặc dù nghỉ ngơi giúp cơ thể chúng ta hồi sức, nhưng nguồn năng lực thiêng liêng là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời (Ê-sai 40:29-31). Chúng ta nhận được thánh linh này qua các hoạt động của tín đồ đấng Christ. Việc học hỏi cá nhân nuôi dưỡng lòng chúng ta và kích thích những sự ham muốn đúng đắn. Đi dự các buổi họp nuôi lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Tham gia thánh chức của tín đồ đấng Christ giúp phát triển sự thông cảm đối với người khác (I Cô-rinh-tô 9:22, 23). Như sứ đồ Phao-lô đã giải thích một cách thực tế “dầu người bề ngoài hư-nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (II Cô-rinh-tô 4:16).
Ileana là một chị có sáu con và chồng không tin đạo. Chị có một cuộc sống rất bận rộn. Chị có trách nhiệm đối với gia đình riêng của chị và đối với vài người bà con khác, điều này có nghĩa là chị lúc nào cũng có vẻ vội vội vàng vàng. Thế nhưng, chị cũng nêu một gương đáng chú ý trong việc rao giảng và chuẩn bị cho buổi họp. Làm cách nào chị có thể đảm đương được nhiều việc như thế?
Chị Ileana giải thích: “Các buổi họp và việc rao giảng thật sự giúp tôi đối phó với các trách nhiệm khác. Thí dụ, sau khi đi rao giảng, tôi có nhiều điều để suy nghĩ trong lúc làm công việc nhà. Tôi thường hát trong lúc làm việc này. Trái lại, nếu tôi lỡ một buổi họp hoặc đi rao giảng ít thì công việc vặt trong nhà trở nên khó nhọc”.
Thật là một sự tương phản với việc coi sự nghỉ ngơi giải trí quá quan trọng!
Cái đẹp thiêng liêng làm vui lòng Đức Giê-hô-va
Chúng ta sống trong một thế gian càng ngày càng bị ám ảnh về ngoại diện. Người ta tốn biết bao tiền bạc cho những phương pháp thẩm mỹ để làm đẹp và làm giảm những hậu quả của quá trình già. Những phương pháp này bao gồm cấy và nhuộm tóc, sửa ngực và giải phẫu thẩm mỹ. Hàng triệu người đến những trung tâm giảm cân, phòng tập thể dục và những lớp thể dục nhịp điệu, hoặc là họ mua băng video dạy tập thể dục và sách chỉ cách ăn kiêng. Thế gian muốn chúng ta tin rằng cái đảm bảo hạnh phúc là ngoại diện của chúng ta, và “ngoại hình” của chúng ta là điều rất quan trọng.
Ở Hoa Kỳ, tạp chí Newsweek trích dẫn một cuộc khảo sát cho thấy 90 phần trăm thanh thiếu niên người Mỹ da trắng “không hài lòng với ngoại hình của họ”. Việc liều lĩnh tìm kiếm để có được một thân hình lý tưởng có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Dora, là một Nhân-chứng trẻ tuổi của Đức Giê-hô-va, cảm thấy xấu hổ về thân hình của mình vì cô hơi nặng cân. Cô giải thích: “Khi tôi đi mua sắm quần áo, tôi thấy khó tìm được quần áo thích hợp trong cỡ của tôi. Dường như người ta chỉ may quần áo hợp thời trang cho các thanh thiếu niên thon nhỏ. Tệ hơn nữa, người ta chê tôi mập, làm tôi rất giận, nhất là khi các anh và chị thiêng liêng nói những lời đó.
“Vì thế càng ngày tôi càng bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình, đến độ các giá trị thiêng liêng trở thành những điều phụ trong đời tôi. Tôi cảm thấy như thể hạnh phúc của tôi tùy thuộc nơi vòng eo của tôi. Thời gian trôi qua, và bây giờ là một phụ nữ trưởng thành và là một tín đồ đấng Christ chín chắn, tôi quan niệm sự việc một cách khác. Mặc dù chăm sóc ngoại diện của mình, tôi nhận thức rằng chính cái đẹp thiêng liêng mới là quan trọng nhất, và đó là điều làm tôi thỏa mãn nhất. Một khi hiểu được điều đó, tôi đã có thể đặt quyền lợi Nước Trời vào chỗ chính đáng”.
Sa-ra là một phụ nữ trung thành thời xưa đã có quan điểm thăng bằng này. Mặc dù nói đến sắc đẹp của bà khi bà đã ngoài 60 tuổi, Kinh-thánh chủ yếu lưu ý chúng ta về những đức tính tốt của bà—nét đẹp kín giấu trong lòng (Sáng-thế Ký 12:11; I Phi-e-rơ 3:4-6). Bà biểu lộ một tinh thần dịu dàng và im lặng, và vâng phục chồng. Bà Sa-ra không quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bà. Mặc dù xuất thân từ một gia đình giàu có, bà sẵn sàng sống trong lều hơn 60 năm. Với tính nhu mì và vị tha, bà ủng hộ chồng; bà là một phụ nữ có đức tin. Đó là điều khiến cho bà là một phụ nữ đẹp thật sự (Châm-ngôn 31:30; Hê-bơ-rơ 11:11).
Là tín đồ đấng Christ, chúng ta quan tâm đến việc tô điểm cái đẹp thiêng liêng, là cái đẹp mà nếu được trau dồi thường xuyên sẽ càng đẹp và tồn tại lâu dài (Cô-lô-se 1:9, 10). Chúng ta có thể chăm sóc tình trạng thiêng liêng của mình bằng hai cách chính.
Chúng ta trở nên đẹp hơn dưới mắt Đức Giê-hô-va khi chúng ta tham gia thánh chức cứu người (Ê-sai 52:7; II Cô-rinh-tô 3:18–4:2). Vả lại khi chúng ta học cách biểu lộ các đức tính của tín đồ đấng Christ thì chúng ta càng đẹp thêm. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta tô điểm cái đẹp thiêng liêng của mình: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau... phải có lòng sốt-sắng... hãy ân-cần tiếp khách... Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc... Chớ lấy ác trả ác cho ai... hãy... hòa-thuận với mọi người” (Rô-ma 12:10-18). Khi vun trồng những thái độ như thế, chúng ta sẽ được cả Đức Chúa Trời lẫn người đồng loại quí chuộng, và điều này sẽ giảm thiểu vẻ xấu xí của khuynh hướng tội lỗi mà chúng ta gánh chịu (Ga-la-ti 5:22, 23; II Phi-e-rơ 1:5-8).
Chúng ta có thể chống lại tinh thần thế gian!
Qua rất nhiều cách tinh vi, tinh thần hiểm độc của thế gian có thể làm suy yếu lòng trung kiên của chúng ta. Nó có thể làm chúng ta không hài lòng với những gì mình có và nóng lòng muốn đặt nhu cầu cùng quyền lợi riêng trước nhu cầu và quyền lợi của Đức Chúa Trời. Hoặc nó có thể khiến chúng ta suy nghĩ theo quan điểm của con người thay vì của Đức Chúa Trời, xem việc giải trí hay ngoại hình quá quan trọng. (So sánh Ma-thi-ơ 16:21-23).
Sa-tan quyết tâm phá hoại tình trạng thiêng liêng của chúng ta, và tinh thần thế gian là một trong những vũ khí chính của hắn. Hãy nhớ rằng Ma-quỉ có thể thay đổi thủ đoạn, từ sư tử rống sang rắn quỉ quyệt (Sáng-thế Ký 3:1; I Phi-e-rơ 5:8). Đôi khi thế gian khuất phục một tín đồ đấng Christ bằng sự bắt bớ tàn bạo, nhưng thường thì nó đầu độc người đó từ từ. Phao-lô quan tâm hơn về mối nguy hiểm này: “Nhưng tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám-dỗ bởi mưu-chước con rắn kia, thì ý-tưởng anh em cũng hư đi, mà dời-đổi lòng thật-thà tinh-sạch đối với Đấng Christ chăng” (II Cô-rinh-tô 11:3).
Để tự bảo vệ khỏi mưu chước của con rắn đó, chúng ta cần phải nhận ra sự tuyên truyền “từ thế-gian mà ra” và cự tuyệt điều đó (I Giăng 2:16). Chúng ta không thể để mình bị lừa gạt mà nghĩ rằng lối suy nghĩ thế gian là vô hại. Bầu không khí độc hại của hệ thống Sa-tan đã đạt đến mức độ đáng lo ngại (Ê-phê-sô 2:2).
Một khi nhận ra lối suy nghĩ thế gian, chúng ta có thể chống lại nó bằng cách để hết tâm trí vào việc hấp thu sự dạy dỗ thanh sạch của Đức Giê-hô-va. Giống như Vua Đa-vít, chúng ta hãy nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi” (Thi-thiên 25:4, 5).
[Chú thích]
a Các tên đã được thay thế.
[Hình nơi trang 26]
Mưu cầu một cuộc sống sung túc có thể làm chúng ta đi trệch các mục tiêu thiêng liêng