Câu hỏi của độc giả
Người ta có thấy danh Đức Chúa Trời (viết bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ) trong văn bản Ma-thi-ơ bằng tiếng Hê-bơ-rơ do thầy thuốc Do Thái là Shem-Tob ben Isaac Ibn Shaprut chép vào thế kỷ 14, hay không?
Không, chữ ấy không có trong bản đó. Tuy nhiên, văn bản này của sách Ma-thi-ơ có dùng từ hash·Shem’ (được viết đầy đủ hoặc viết tắt) 19 lần, như đã nói rõ trong tạp chí Tháp Canh số ra ngày 15-8-1996, trang 13.
Từ Hê-bơ-rơ hash·Shem’ có nghĩa là “Danh”, và chắc chắn từ đó nói đến danh Đức Chúa Trời. Thí dụ, trong văn bản của Shem-Tob, từ hash·Shem’ được viết tắt nơi Ma-thi-ơ 3:3, một đoạn văn mà Ma-thi-ơ trích từ Ê-sai 40:3. Ta có thể kết luận hợp lý là khi Ma-thi-ơ trích một câu Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có ghi danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, thì ông dùng danh đó trong sách Phúc Âm của ông. Vậy dù văn bản bằng tiếng Hê-bơ-rơ mà Shem-Tob đưa ra không dùng danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng sự kiện bản đó dùng chữ “Danh”, như ở Ma-thi-ơ 3:3, ủng hộ việc dùng danh “Giê-hô-va” trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp.
Shem-Tob chép lại văn bản của Ma-thi-ơ được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong tác phẩm luận chiến, ʼEʹven boʹchan. Tuy nhiên, nguồn của văn bản bằng tiếng Hê-bơ-rơ đó là gì? Giáo sư George Howard, người đã nghiên cứu tường tận vấn đề này, gợi ý là “sách Ma-thi-ơ bằng tiếng Hê-bơ-rơ của Shem-Tob được viết đâu trong khoảng bốn thế kỷ đầu của kỷ nguyên đạo đấng Christ”.a Người khác có thể không đồng ý với ông về điểm này.
Ông Howard ghi nhận: “Đặc điểm của sách Ma-thi-ơ bằng tiếng Hê-bơ-rơ dùng trong văn bản này là nó có nhiều điểm khác biệt với sách Ma-thi-ơ bằng tiếng Hy Lạp được công nhận”. Thí dụ, theo văn bản của Shem-Tob, Chúa Giê-su nói về Giăng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn-bà sanh ra, không có ai được tôn-trọng hơn Giăng Báp-tít”. Bản đó loại bỏ những gì Chúa Giê-su nói kế tiếp: “Nhưng mà kẻ rất nhỏ-hèn trong nước thiên-đàng còn được tôn-trọng hơn người” (Ma-thi-ơ 11:11). Cũng tương tự như thế, có nhiều sự khác biệt giữa văn bản Hê-bơ-rơ thuộc Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ hiện có và những câu tương ứng trong bản Kinh-thánh Septuagint bằng tiếng Hy Lạp. Dù chúng ta thừa nhận những sự khác biệt ấy, nhưng những văn bản cổ ấy vẫn có ít nhiều giá trị trong việc nghiên cứu để so sánh.
Như đã nói, văn bản Ma-thi-ơ của Shem-Tob có nhiều chỗ ghi chữ “Danh”, cho nên chúng ta có lý do xác đáng để tin rằng Ma-thi-ơ thực sự dùng danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ ở những chỗ đó. Vì vậy, kể từ năm 1950, người ta dùng văn bản của Shem-Tob để ủng hộ việc dùng danh Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, và văn bản đó vẫn còn được trích trong The New World Translation of the Holy Scriptures—With References.b
[Chú thích]
a Cũng xem tạp chí New Testament Studies, Quyển 43, Số 1, tháng 1-1997, trang 58-71.
b Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản vào năm 1984.