Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 2-8 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | HÊ-BƠ-RƠ 7, 8
it-2-E trg 366
Mên-chi-xê-đéc
Là vua của thành Sa-lem xưa và là “thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Tối Cao”, Đức Giê-hô-va (Sa 14:18, 22). Ông là thầy tế lễ đầu tiên được nhắc đến trong Kinh Thánh; ông giữ chức vụ này vào một thời điểm nào đó trước năm 1933 TCN. Là vua của Sa-lem, nghĩa là “hòa bình”, Mên-chi-xê-đéc được sứ đồ Phao-lô gọi là “vua của hòa bình”, và tên Mên-chi-xê-đéc nghĩa là “vua của sự công chính” (Hê 7:1, 2). Người ta cho rằng thành Sa-lem xưa là một phần quan trọng của thành Giê-ru-sa-lem sau này, và tên ấy đã trở thành một phần trong tên Giê-ru-sa-lem; đôi khi thành Giê-ru-sa-lem được gọi là “Sa-lem”.—Th 76:2.
Sau khi tộc trưởng Áp-ram (Áp-ra-ham) đánh bại Kết-rô-lao-me và các vua đồng minh, ông đến thung lũng Sa-ve, tức “thung lũng Vua”. Tại đó, Mên-chi-xê-đéc “mang bánh và rượu nho đến” và chúc phước cho Áp-ra-ham: “Nguyện Áp-ram được phước từ Đức Chúa Trời Tối Cao, Đấng Sáng Tạo của trời và đất; nguyện Đức Chúa Trời Tối Cao được ngợi khen, ngài đã phó những kẻ áp bức vào tay ông!”. Rồi Áp-ra-ham dâng cho vua kiêm thầy tế lễ “một phần mười mọi thứ mà ông lấy lại được”, là “chiến lợi phẩm tốt nhất” mà ông chiếm được khi đánh bại các vua đồng minh.—Sa 14:17-20; Hê 7:4.
it-2-E trg 367
Mên-chi-xê-đéc
Tại sao có thể nói Mên-chi-xê-đéc ‘không có ngày sinh cũng như ngày chết’?
Phao-lô làm nổi bật một sự thật về Mên-chi-xê-đéc, đó là “một người không có lai lịch về cha mẹ, gia phả, ngày sinh cũng như ngày chết nhưng được làm cho giống như Con Đức Chúa Trời, người làm thầy tế lễ cho đến mãi mãi” (Hê 7:3). Giống như những người khác, Mên-chi-xê-đéc đã được sinh ra và chết đi. Tuy nhiên, Kinh Thánh không cho biết bất kỳ thông tin nào về tên của cha mẹ ông, tổ tiên, hậu duệ, sự khởi đầu hay sự kết thúc của ông. Vì thế, Mên-chi-xê-đéc là hình bóng thích hợp cho Chúa Giê-su Ki-tô, là người mang chức tế lễ mãi mãi. Như Mên-chi-xê-đéc không có người tiền nhiệm hoặc người kế vị, Đấng Ki-tô cũng vậy, Kinh Thánh cho thấy trước đó không có thầy tế lễ thượng phẩm nào giống như ngài, và không có ai kế vị ngài. Ngoài ra, Chúa Giê-su được sinh ra trong chi phái Giu-đa và thuộc dòng tộc Đa-vít, nên chức tế lễ của ngài không liên quan đến tổ tiên huyết thống của ngài, cũng không phải nhờ tổ tiên huyết thống mà ngài được giữ cùng lúc chức vụ thầy tế lễ và vua. Điều này có được là dựa trên lời thề của Đức Giê-hô-va với ngài.
it-2-E trg 366
Mên-chi-xê-đéc
Chức tế lễ của Đấng Ki-tô được tượng trưng. Trong một lời tiên tri đáng chú ý về Đấng Mê-si, cũng là lời thề của Đức Giê-hô-va với “Chúa” của Đa-vít, Đức Chúa Trời nói: “Con là thầy tế lễ muôn đời theo cách của Mên-chi-xê-đéc!” (Th 110:1, 4). Bài Thi thiên này cho người Hê-bơ-rơ cơ sở để tin rằng Đấng Mê-si được hứa từ trước sẽ là một vị vua kiêm thầy tế lễ. Trong lá thư viết cho người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô đã loại bỏ mọi nghi ngờ về đấng được hứa trước khi nói: “[Chúa Giê-su] đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm theo cách của Mên-chi-xê-đéc cho đến muôn đời”.—Hê 6:20; 5:10.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 523 đ. 5
Giao ước
Giao ước Luật pháp trở nên “không còn hữu dụng nữa” từ khi nào?
Theo một nghĩa nào đó, giao ước Luật pháp trở nên “không còn hữu dụng nữa” từ khi Đức Chúa Trời phán qua nhà tiên tri Giê-rê-mi rằng sẽ có một giao ước mới (Giê 31:31-34; Hê 8:13). Vào năm 33 CN, giao ước Luật pháp bị hủy bỏ dựa trên cái chết của Chúa Giê-su trên cây khổ hình (Cô 2:14), và giao ước này được thay thế bằng giao ước mới.—Hê 7:12; 9:15; Cv 2:1-4.
NGÀY 9-15 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | HÊ-BƠ-RƠ 9, 10
it-1-E trg 862 đ. 1
Tha thứ
Theo luật pháp ban cho nước Y-sơ-ra-ên, một người phạm tội với Đức Chúa Trời hoặc anh em chỉ có thể được tha thứ nếu sửa chữa lỗi lầm theo như Luật pháp đòi hỏi; sau đó, trong hầu hết trường hợp, người ấy phải dâng lễ vật chuộc tội lên Đức Giê-hô-va (Lê 5:5–6:7). Vì thế, Phao-lô đưa ra nguyên tắc sau: “Thật thế, theo Luật pháp, hầu như tất cả đều được tẩy sạch bằng huyết, và nếu huyết không đổ ra thì tội lỗi không được tha” (Hê 9:22). Thật ra, huyết con sinh tế không thể xóa được tội lỗi và khiến cho lương tâm của một người trở nên trong sạch hoàn toàn (Hê 10:1-4; 9:9, 13, 14). Nhưng nhờ giao ước mới được báo trước mà một người có thể được tha thứ thật sự dựa trên giá chuộc là sự hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô (Giê 31:33, 34; Mat 26:28; 1Cô 11:25; Êph 1:7). Ngay cả khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài có quyền tha tội qua việc chữa lành cho một người bại liệt.—Mat 9:2-7.
it-2-E trg 602, 603
Sự hoàn hảo
Sự hoàn hảo của Luật pháp Môi-se. Luật pháp Môi-se được ban cho dân Y-sơ-ra-ên bao gồm sắp đặt về chức tế lễ và dâng các con sinh tế. Dù Luật pháp đến từ Đức Chúa Trời và vì thế hoàn hảo, nhưng Luật pháp, chức tế lễ cũng như các vật tế lễ không mang đến sự hoàn hảo cho những người ở dưới Luật pháp, như sứ đồ Phao-lô cho thấy (Hê 7:11, 19; 10:1). Thay vì giải thoát người ta khỏi tội lỗi và cái chết, Luật pháp phơi bày tội lỗi của người ta (Rô 3:20; 7:7-13). Tuy nhiên, tất cả những sự cung cấp này đều thực hiện được mục đích mà Đức Chúa Trời đặt ra; Luật pháp như một “người giám hộ” dẫn đến Đấng Ki-tô và là “bóng” hoàn hảo “của những điều tốt lành sẽ đến” (Ga 3:19-25; Hê 10:1). Vì thế, khi Phao-lô nói đến điều “Luật pháp không thể thực hiện vì bị hạn chế bởi sự yếu đuối của xác thịt” (Rô 8:3), rất có thể ông đang nói đến sự bất lực của thầy tế lễ thượng phẩm người Do Thái (là người được Luật pháp bổ nhiệm để dâng vật tế lễ và vào Gian Chí Thánh trong Ngày Chuộc Tội với máu của các con sinh tế) để cứu rỗi trọn vẹn những người ông phục vụ, như Hê-bơ-rơ 7:11, 18-28 giải thích. Dù việc dâng vật tế lễ qua chức tế lễ dòng A-rôn giúp dân chúng giữ vị thế tốt trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng nó không giúp một người có lương tâm hoàn toàn trong sạch và không còn ý thức về tội lỗi nữa. Sứ đồ Phao-lô nhắc đến điều này khi nói rằng những của lễ chuộc tội không “làm cho [lương tâm] những người đến gần Đức Chúa Trời trở nên hoàn hảo” (Hê 10:1-4; so sánh Hê 9:9). Thầy tế lễ thượng phẩm không có khả năng cung cấp giá chuộc tương xứng để chuộc tội vĩnh viễn cho nhân loại. Chỉ có chức tế lễ lâu bền của Đấng Ki-tô và sự hy sinh của ngài mới có thể thực hiện điều này.—Hê 9:14; 10:12-22.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
w92-E 1/3 trg 31 đ. 4-6
Độc giả thắc mắc
Phao-lô nói rằng sự chết là điều cần thiết để hiệu lực hóa các giao ước giữa Đức Chúa Trời và con người. Giao ước Luật pháp là một ví dụ. Môi-se là người trung gian của giao ước này, giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên huyết thống. Môi-se giữ vai trò then chốt và là người trực tiếp tiếp xúc với dân Y-sơ-ra-ên khi họ bước vào giao ước. Vì thế, ông được xem là người trong giao ước Luật pháp được lập bởi Đức Giê-hô-va. Nhưng Môi-se có phải đổ máu chính mình để hiệu lực hóa giao ước Luật pháp không? Không. Huyết của các con sinh tế được dâng lên thay cho huyết của Môi-se.—Hê 9:18-22.
Nói sao về giao ước mới giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng? Chúa Giê-su Ki-tô giữ vai trò là Đấng Trung Gian giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Dù Đức Giê-hô-va lập ra giao ước này, nhưng nó dựa vào Chúa Giê-su Ki-tô. Bên cạnh việc ngài là Đấng Trung Gian, Chúa Giê-su trực tiếp tiếp xúc với những người đầu tiên được vào giao ước mới (Lu 22:20, 28, 29). Hơn nữa, ngài hội đủ điều kiện cung cấp sự hy sinh cần thiết để hiệu lực hóa giao ước ấy. Sự hy sinh này không phải là huyết của các con sinh tế nhưng là sự sống của một người hoàn hảo. Vì thế Phao-lô có thể đề cập đến Đấng Ki-tô là người trong giao ước mới. Sau khi ‘Đấng Ki-tô vào tận trong trời, để hiện nay trình diện trước mặt Đức Chúa Trời vì chúng ta’, giao ước mới bắt đầu có hiệu lực.—Hê 9:12-14, 24.
Khi nói về Môi-se và Chúa Giê-su là những người trong giao ước, Phao-lô không nói rằng họ là người lập ra các giao ước ấy; Đức Chúa Trời là đấng đã lập ra các giao ước. Thay vì thế, ý của Phao-lô là cả Môi-se và Chúa Giê-su là những người trung gian có liên hệ chặt chẽ với các giao ước. Trong mỗi trường hợp, sự chết là điều cần thiết, huyết của các con sinh tế thay cho huyết của Môi-se, và Chúa Giê-su dâng chính huyết của ngài để chuộc lại những người trong giao ước mới.
it-1-E trg 249, 250
Báp-têm
Lu-ca nói rằng Chúa Giê-su cầu nguyện vào lúc ngài chịu phép báp-têm (Lu 3:21). Hơn nữa, người viết lá thư gửi người Hê-bơ-rơ nói rằng khi Chúa Giê-su “đến thế gian” (không phải khi ngài được sinh ra, không biết đọc hay nói những lời này, nhưng khi ngài trình diện để chịu phép báp-têm và bắt đầu thánh chức), ngài trích những lời tương tự với Thi thiên 40:6-8 (LXX): “Ngài không muốn vật tế lễ và lễ vật, nhưng ngài chuẩn bị cho con một thân thể... Lạy Đức Chúa Trời, này đây, con đến (chính trong cuộn sách có viết về con) để làm theo ý muốn ngài” (Hê 10:5-9). Khi sinh ra, Chúa Giê-su đã là thành viên của nước Do Thái, là nước nằm trong giao ước với Đức Chúa Trời, tức giao ước Luật pháp (Xu 19:5-8; Ga 4:4). Do đó, Chúa Giê-su vốn đã ở trong mối quan hệ giao ước với Đức Giê-hô-va khi ngài được Giăng làm báp-têm. Chúa Giê-su chịu phép báp-têm không phải để dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Ngài trình diện trước mặt Đức Giê-hô-va để làm theo “ý muốn” của Cha là dâng chính thân thể đã được “chuẩn bị” hầu loại bỏ sắp đặt về việc dâng con sinh tế. Sứ đồ Phao-lô nói: “Bởi ‘ý muốn’ ấy, chúng ta được nên thánh qua lễ vật là thân thể Chúa Giê-su Ki-tô được dâng lên một lần đủ cả” (Hê 10:10). Ý muốn của Cha dành cho Chúa Giê-su cũng bao gồm công việc liên quan đến Nước Trời, và Chúa Giê-su trình diện cũng là để làm công việc ấy (Lu 4:43; 17:20, 21). Đức Giê-hô-va chấp nhận sự trình diện của Chúa Giê-su, xức dầu cho Con ngài bằng thần khí thánh và phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.—Mác 1:9-11; Lu 3:21-23; Mat 3:13-17.
NGÀY 16-22 THÁNG 9
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 804 đ. 5
Đức tin
Những gương về đức tin thời xưa. Mỗi một người thuộc “đám mây nhân chứng rất lớn” mà Phao-lô nhắc đến (Hê 12:1) đều có đức tin dựa trên nền tảng vững chắc. Chẳng hạn, chắc chắn A-bên biết lời hứa của Đức Chúa Trời về một “dòng dõi” sẽ giày đạp đầu “con rắn”. Ông cũng thấy sự ứng nghiệm rõ ràng của bản án mà Đức Giê-hô-va đã đưa ra cho cha mẹ mình trong vườn Ê-đen. Bên ngoài vườn Ê-đen, A-đam và gia đình ông phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, vì đất bị rủa sả nên sinh ra gai góc. Dường như A-bên cũng thấy rằng ‘A-đam là niềm khao khát của Ê-va’, và A-đam thì nắm quyền trên vợ. Hẳn mẹ ông cũng nhắc đến sự đau đớn trong kỳ thai nghén. Ông cũng thấy lối vào vườn Ê-đen bị canh giữ bởi các chê-rúp với lưỡi gươm rực lửa xoay không ngừng (Sa 3:14-19, 24). Tất cả những điều đó tạo thành một “bằng chứng rõ ràng” giúp A-bên tin chắc về sự giải cứu sẽ đến qua dòng dõi được hứa trước. Vì thế, đức tin đã thúc đẩy ông “dâng cho Đức Chúa Trời một vật tế lễ có giá trị hơn của Ca-in”.—Hê 11:1, 4.
NGÀY 30 THÁNG 9–NGÀY 6 THÁNG 10
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 253, 254
Ánh sáng
Đức Giê-hô-va là “Cha của các vì sáng trên trời” (Gia 1:17). Ngài không chỉ là “đấng ban mặt trời để chiếu sáng ban ngày và luật trăng sao để tỏa sáng ban đêm” (Giê 31:35) mà còn là Nguồn của mọi ánh sáng thiêng liêng (2Cô 4:6). Luật pháp, các phán quyết và lời của ngài là ánh sáng cho những ai để những điều đó hướng dẫn mình (Th 43:3; 119:105; Ch 6:23; Ês 51:4). Người viết Thi thiên nói: “Chúng con được thấy ánh sáng nhờ ánh sáng ngài” (Th 36:9; so sánh Th 27:1; 43:3). Như ánh sáng mặt trời càng lúc càng sáng thêm từ lúc bình minh cho đến “giữa trưa” thì lối người công chính, được chiếu sáng bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, ngày càng sáng thêm (Ch 4:18). Một người đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va là đang bước trong ánh sáng ngài (Ês 2:3-5). Mặt khác, khi một người nhìn sự việc với ý tưởng xấu xa hoặc không thanh sạch, thì người ấy đang ở trong sự tăm tối về thiêng liêng. Chúa Giê-su nói: “Nếu mắt anh em đố kỵ, cả thân thể sẽ tối tăm. Nếu sự sáng trong anh em thật ra là sự tối tăm thì sự tối tăm ấy dày đặc biết chừng nào!”.—Mat 6:23; so sánh 2Ph 2:14.
it-2-E trg 222 đ. 4
“Luật vua”. “Luật vua” là điều luật nổi bật và quan trọng trong tất cả các điều luật chi phối mối quan hệ giữa người với người mà một vị vua có thể đặt ra (Gia 2:8). Tinh thần của giao ước Luật pháp là tình yêu thương; và điều răn “ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (luật vua) là điều răn thứ hai trong hai điều răn chi phối toàn bộ Luật pháp và sách của các nhà tiên tri (Mat 22:37-40). Dù không ở dưới giao ước Luật pháp, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phục dưới luật pháp của Vua Giê-hô-va và Con ngài, Vua Giê-su Ki-tô, là luật pháp có liên quan đến giao ước mới.
it-1-E trg 1113 đ. 4, 5
Thầy tế lễ thượng phẩm
Chức tế lễ thượng phẩm của Chúa Giê-su Ki-tô. Sách Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh cho thấy từ khi Chúa Giê-su Ki-tô được sống lại và vào tận trong trời, ngài trở thành “thầy tế lễ thượng phẩm theo cách của Mên-chi-xê-đéc cho đến muôn đời” (Hê 6:20; 7:17, 21). Để miêu tả sự ưu việt của chức tế lễ của Đấng Ki-tô và cho thấy chức tế lễ ấy vượt trội hơn chức tế lễ dòng A-rôn, người viết tiết lộ rằng Mên-chi-xê-đéc là vua kiêm thầy tế lễ được chính Đức Chúa Trời Tối Cao chỉ định, chứ không phải do thừa kế. Chúa Giê-su Ki-tô không thuộc chi phái Lê-vi, nhưng đến từ dòng dõi Đa-vít và thuộc chi phái Giu-đa, vì thế chức tế lễ của ngài không phải là do thừa kế từ dòng A-rôn, mà do Đức Chúa Trời trực tiếp bổ nhiệm, theo cách của Mên-chi-xê-đéc (Hê 5:10). Chúa Giê-su đã được bổ nhiệm làm vua kiêm thầy tế lễ trên trời như lời hứa nơi Thi thiên 110:4: “Đức Giê-hô-va đã thề và sẽ không đổi ý rằng: ‘Con là thầy tế lễ muôn đời theo cách của Mên-chi-xê-đéc!’”, ngoài ra ngài cũng được thừa hưởng vương quốc vì ngài thuộc dòng Đa-vít. Trong trường hợp này, ngài trở thành người thừa kế vương quyền được hứa trước trong giao ước với Đa-vít (2Sa 7:11-16). Vì vậy, ngài giữ cả chức thầy tế lễ kiêm ngôi vua giống như Mên-chi-xê-đéc.
Một điều khác cho thấy chức tế lễ thượng phẩm của Đấng Ki-tô vượt trội hơn là vì Lê-vi, tổ tiên của chức tế lễ Do Thái, như thể đã dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc; thật ra khi tộc trưởng Áp-ra-ham dâng một phần mười cho vua kiêm thầy tế lễ của Sa-lem, Lê-vi “còn ở trong” Áp-ra-ham [tức chưa được sinh ra]. Hơn nữa, theo nghĩa đó, Lê-vi cũng được Mên-chi-xê-đéc chúc phước, và theo luật thì người kém hơn sẽ được người lớn hơn ban phước (Hê 7:4-10). Sứ đồ Phao-lô cũng cho biết rằng Mên-chi-xê-đéc là người “không có lai lịch về cha mẹ, gia phả, ngày sinh cũng như ngày chết”, điều này tượng trưng cho chức tế lễ muôn đời của Chúa Giê-su Ki-tô, đấng đã được làm cho sống lại và nhận “sự sống bất diệt”.—Hê 7:3, 15-17.
it-1-E trg 629 đ. 5
Sửa dạy
Những gì Đức Giê-hô-va cho phép xảy đến với các tôi tớ của ngài dưới hình thức ngược đãi có thể có mục đích sửa dạy, hoặc huấn luyện, giúp một người sinh ra trái của sự công chính, nhờ thế người ấy có thể vui hưởng sự bình an sau khi thử thách đã qua (Hê 12:4-11). Ngay cả Con của Đức Chúa Trời cũng được trang bị để trở thành thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng trắc ẩn và cảm thông nhờ những thử thách mà Cha cho phép xảy ra với ngài.—Hê 4:15.