Hãy tìm kiếm Nước Trời, thay vì của cải vật chất
“Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, rồi anh em sẽ được những thứ ấy”.—LU 12:31.
1. Có sự khác biệt nào giữa điều chúng ta cần và điều chúng ta muốn?
Người ta nói rằng những điều con người cần thì ít, trong khi những điều họ muốn thì vô hạn. Dường như nhiều người không thể phân biệt được điều chúng ta cần và điều chúng ta muốn có gì khác nhau. Sự khác biệt là gì? Điều chúng ta cần là điều mà chúng ta phải có vì đời sống mình phụ thuộc vào nó. Chẳng hạn thức ăn, quần áo và chỗ ở là những nhu cầu chính đáng. Điều chúng ta muốn là điều chúng ta mong có được nhưng không cần thiết cho đời sống hằng ngày.
2. Người ta muốn một số thứ nào?
2 Điều người ta muốn có thể rất khác nhau, phụ thuộc vào nơi họ sống. Ở những nước đang phát triển, nhiều người có lẽ chỉ muốn có đủ tiền để mua điện thoại di động, xe máy hoặc một mảnh đất nhỏ. Ở những nước giàu, có lẽ ước muốn của người ta là có quần áo xa xỉ, sở hữu một ngôi nhà lớn hơn hoặc chiếc xe hơi đắt tiền hơn. Dù trường hợp là gì đi nữa, có một mối nguy hiểm thật sự: Đó là việc rơi vào bẫy của chủ nghĩa vật chất, muốn ngày càng có nhiều thứ hơn dù chúng ta cần hay không và có khả năng mua hay không.
CẢNH GIÁC VỚI CẠM BẪY CỦA CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT
3. Chủ nghĩa vật chất là gì?
3 Chủ nghĩa vật chất là gì? Đó là việc quá chú tâm đến vật chất, thay vì sự giàu có về thiêng liêng. Chủ nghĩa vật chất bắt nguồn từ ước muốn, những điều ưu tiên và trọng tâm của một người trong đời sống. Chủ nghĩa vật chất khiến chúng ta ham thích có nhiều của cải vật chất. Người theo chủ nghĩa vật chất không nhất thiết là người có nhiều tiền hoặc mua những đồ đắt tiền. Ngay cả những người nghèo cũng có thể trở thành nạn nhân của chủ nghĩa vật chất và có thể không còn tìm kiếm Nước Trời trước hết.—Hê 13:5.
4. Sa-tan dùng “sự ham muốn của mắt” như thế nào?
4 Sa-tan dùng hệ thống thương mại của thế gian để xui khiến chúng ta tin rằng sở hữu nhiều vật chất là điều thiết yếu để vui hưởng đời sống. Hắn rất giỏi trong việc kích thích “sự ham muốn của mắt” (1 Giăng 2:15-17; Sáng 3:6; Châm 27:20). Thế gian đưa ra đủ loại vật chất, từ những thứ rất tốt đến những vật ngớ ngẩn. Một số thứ mà thế gian đưa ra trông rất hấp dẫn. Đã bao giờ anh chị mua một vật, không phải vì anh chị cần nó mà vì bị thu hút qua một quảng cáo hoặc khi thấy nó được trưng bày ở cửa hàng? Phải chăng sau đó anh chị nhận ra rằng mình có thể sống cả quãng đời còn lại mà không cần đến nó? Những thứ không cần thiết như thế chỉ tạo gánh nặng và làm cho đời sống của chúng ta phức tạp. Những thứ ấy có thể khiến chúng ta mắc bẫy và không tập trung vào các thói quen về thiêng liêng như học hỏi Kinh Thánh, chuẩn bị và tham dự các buổi nhóm họp cũng như đều đặn tham gia thánh chức. Hãy nhớ lời cảnh báo của sứ đồ Giăng: “Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi”.
5. Điều gì có thể xảy ra cho những người dành phần lớn năng lực để có nhiều của cải hơn?
5 Sa-tan muốn chúng ta làm tôi cho tiền của, thay vì Đức Giê-hô-va (Mat 6:24). Những ai dành phần lớn năng lực để tích lũy của cải vật chất thì rốt cuộc sẽ có một cuộc đời vô nghĩa vì chỉ tập trung vào thú vui ích kỷ. Tệ hơn nữa, đời sống của họ có thể trở nên trống rỗng về thiêng liêng, đầy đau buồn và thất vọng (1 Ti 6:9, 10; Khải 3:17). Điều này giống như những gì mà Chúa Giê-su đã miêu tả trong minh họa về người gieo giống. Khi hạt giống là thông điệp Nước Trời “rơi giữa bụi gai..., ham muốn có mọi thứ khác xâm chiếm lòng họ, khiến lời ấy bị bóp nghẹt, không kết quả”.—Mác 4:14, 18, 19.
6. Chúng ta học được bài học nào từ Ba-rúc?
6 Hãy xem trường hợp của Ba-rúc, thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Khi thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt như được báo trước, Ba-rúc đã bắt đầu “tìm việc lớn” cho mình, tức theo đuổi những thứ không có giá trị lâu dài. Thật ra, ông không nên mong đợi gì khác ngoài việc nhận được điều mà Đức Giê-hô-va đã hứa với ông: “Ta sẽ cho ngươi được bảo toàn tính mạng” (Giê 45:1-5; Đặng Ngọc Báu). Chắc chắn, Đức Chúa Trời sẽ không gìn giữ tài sản của bất cứ người nào trong một thành sắp bị hủy diệt (Giê 20:5). Vì thế gian này sắp đến hồi kết liễu, đây không phải là lúc chúng ta tích lũy thêm thật nhiều của cải cho mình. Chúng ta không nên mong đợi rằng bất cứ tài sản nào của mình, dù quý giá hoặc đắt tiền đến đâu, cũng sẽ được gìn giữ với chúng ta qua hoạn nạn lớn.—Châm 11:4; Mat 24:21, 22; Lu 12:15.
7. Chúng ta sẽ xem xét điều gì tiếp theo, và tại sao?
7 Chúa Giê-su cho chúng ta lời khuyên tốt nhất để có được những thứ thiết yếu trong đời sống mà không bị phân tâm, bắt đầu ham mê vật chất hoặc tạo ra mối lo lắng không cần thiết cho chính mình. Ngài đưa ra lời khuyên ấy trong Bài giảng trên núi (Mat 6:19-21). Hãy cùng đọc và phân tích đoạn Kinh Thánh ở Ma-thi-ơ 6:25-34. Điều này sẽ giúp chúng ta tin chắc rằng mình phải “luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời”, thay vì của cải vật chất.—Lu 12:31.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHĂM LO CHO NHU CẦU VẬT CHẤT CỦA CHÚNG TA
8, 9. (a) Tại sao chúng ta không nên lo lắng quá mức về những điều mình cần? (b) Chúa Giê-su biết gì về con người và nhu cầu của họ?
8 Đọc Ma-thi-ơ 6:25. Chúa Giê-su bảo những người nghe ngài “đừng lo lắng về sự sống”. Họ đã lo lắng về những điều không cần thiết. Với lý do chính đáng, Chúa Giê-su bảo họ ngưng làm thế. Việc lo lắng quá mức, ngay cả về những mối quan tâm hợp lý, có thể làm một người bị phân tâm và không còn nhận thấy những điều thiêng liêng quan trọng hơn trong đời sống. Chúa Giê-su quan tâm tới các môn đồ nhiều đến mức ngài cảnh báo họ về khuynh hướng nguy hiểm này thêm bốn lần trong bài giảng của ngài.—Mat 6:27, 28, 31, 34.
9 Tại sao Chúa Giê-su bảo chúng ta đừng lo lắng về việc mình sẽ ăn gì, uống gì hoặc mặc gì? Chẳng phải những thứ ấy là điều thật sự cần thiết trong đời sống sao? Chắc chắn là vậy! Nếu không có đủ tiền để mua được những thứ này, chẳng phải điều tự nhiên là chúng ta sẽ lo lắng sao? Dĩ nhiên chúng ta sẽ lo lắng, và Chúa Giê-su biết điều đó. Ngài biết rõ nhu cầu hằng ngày của con người. Hơn thế nữa, ngài biết những hoàn cảnh khó khăn mà hàng thế kỷ sau đó, các môn đồ của ngài sống trong “những ngày sau cùng” phải đối mặt. Đó là “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Những hoàn cảnh khó khăn như thế bao gồm thất nghiệp, lạm phát, lương thực khan hiếm và sự nghèo đói mà nhiều người phải trải qua. Dù vậy, Chúa Giê-su cũng nhận ra rằng “sự sống quý hơn thức ăn và thân thể quý hơn áo mặc”.
10. Khi Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện, ngài nói điều gì nên là điều quan trọng nhất trong đời sống của họ?
10 Trong phần trước của bài giảng, Chúa Giê-su đã dạy người nghe cầu xin Cha trên trời chăm lo cho nhu cầu về thể chất của họ. Chúa Giê-su nói rằng họ có thể cầu nguyện: “Xin cho chúng con có đủ thức ăn trong ngày hôm nay” (Mat 6:11). Vào một dịp khác sau đó, ngài cũng bảo họ cầu nguyện: “Xin cho chúng con có đủ thức ăn mỗi ngày” (Lu 11:3). Nhưng lời khuyên đó không có nghĩa là chúng ta chỉ nên nghĩ đến những sự cung cấp về vật chất. Cũng trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su đã đặt ưu tiên cho việc cầu xin Nước Đức Chúa Trời được đến (Mat 6:10; Lu 11:2). Để trấn an tâm trí người nghe, tiếp theo Chúa Giê-su nêu bật việc Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp tuyệt vời như thế nào.
11, 12. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va chăm lo cho loài chim trời? (Xem hình nơi đầu bài).
11 Đọc Ma-thi-ơ 6:26. Chúng ta nên “quan sát loài chim trời”. Dù là những tạo vật nhỏ bé, chúng ăn nhiều trái cây, hạt, côn trùng hoặc sâu bọ. Giả sử có một con chim to lớn như người thì nó sẽ ăn nhiều thức ăn hơn so với một người. Dù vậy, chúng không phải vun xới đất và gieo hạt để có thức ăn. Đức Giê-hô-va cung cấp mọi thứ mà chúng cần (Thi 147:9). Dĩ nhiên, ngài không đặt thức ăn vào mỏ chúng! Chúng phải tự đi tìm, nhưng có dồi dào thức ăn cho chúng.
12 Chúa Giê-su tin chắc rằng nếu Cha trên trời cung cấp thức ăn cho loài chim thì hiển nhiên ngài cũng sẽ chăm lo nhu cầu cơ bản ấy cho con người (1 Phi 5:6, 7).[1] Ngài sẽ không đặt thức ăn vào miệng chúng ta, nhưng ngài có thể ban phước cho những nỗ lực của chúng ta khi gieo trồng để có thực phẩm mình cần hoặc kiếm tiền để mua những thứ thiết yếu cho đời sống hằng ngày. Khi chúng ta thiếu thốn, ngài có thể thôi thúc người khác chia sẻ những gì họ có với chúng ta. Dù Chúa Giê-su không nói đến việc cung cấp chỗ ở cho loài chim trời, nhưng Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng các bản năng, kỹ năng và vật liệu cần thiết để xây tổ. Tương tự, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta tìm được nơi ở phù hợp cho gia đình.
13. Điều gì chứng tỏ rằng chúng ta quý hơn loài chim trời?
13 Chúa Giê-su hỏi những người nghe ngài: “Chẳng lẽ anh em không quý hơn [loài chim trời] hay sao?”. Hẳn là Chúa Giê-su đang nghĩ đến việc không lâu nữa, ngài sẽ hy sinh mạng sống vì nhân loại. (So sánh Lu-ca 12:6, 7). Sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô không được cung cấp cho bất cứ tạo vật nào khác. Chúa Giê-su không chết cho loài chim trời, mà đã chết cho chúng ta để chúng ta có thể hưởng sự sống vĩnh cửu.—Mat 20:28.
14. Một người lo lắng không bao giờ làm được điều gì?
14 Đọc Ma-thi-ơ 6:27. Tại sao Chúa Giê-su nói rằng một người hay lo lắng không thể làm cho đời mình dài thêm một khắc? Bởi vì lo lắng về những nhu cầu hằng ngày sẽ không giúp chúng ta sống lâu hơn. Ngược lại, việc lo lắng quá mức rất có thể còn rút ngắn đời sống của chúng ta.
15, 16. (a) Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va chăm sóc cho hoa huệ ngoài đồng? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Có lẽ chúng ta cần tự hỏi những câu hỏi nào, và tại sao?
15 Đọc Ma-thi-ơ 6:28-30. Ai lại không muốn có quần áo đẹp, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động thiêng liêng như rao giảng, đi nhóm họp hoặc dự hội nghị? Dù vậy, chúng ta có cần phải ‘lo lắng về áo mặc’ không? Một lần nữa, Chúa Giê-su lại hướng sự chú ý vào các tạo vật của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể học được nhiều từ “hoa huệ ngoài đồng”. Có lẽ Chúa Giê-su nghĩ đến các loài hoa giống hoa huệ, chẳng hạn như hoa lay ơn, dạ lan hương, diên vĩ và hoa tu-líp, tất cả đều có vẻ đẹp riêng. Những loài hoa này không phải se chỉ kéo sợi, may vải hay dệt áo cho mình. Dù vậy, chúng nở ra những đóa hoa tuyệt đẹp! “Ngay cả vua Sa-lô-môn dù cao sang đến đâu cũng không mặc đẹp bằng một trong những bông hoa đó”!
16 Đây là bài học mà Chúa Giê-su muốn dạy: “Nếu cây cỏ ngoài đồng... mà được Đức Chúa Trời cho mặc đẹp như thế, chẳng lẽ ngài không chăm lo cho anh em nhiều hơn sao? Anh em thật ít đức tin!”. Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ chăm lo cho họ! Dù vậy, các môn đồ của Chúa Giê-su có phần thiếu đức tin (Mat 8:26; 14:31; 16:8; 17:20). Họ cần có đức tin mạnh hơn và tin cậy nhiều hơn nơi Đức Giê-hô-va. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có tin chắc rằng Đức Giê-hô-va mong muốn và có khả năng chăm lo cho chúng ta không?
17. Điều gì có thể hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va?
17 Đọc Ma-thi-ơ 6:31, 32. Chúng ta không nên bắt chước “dân ngoại”, vì họ không thật sự có đức tin nơi Cha trên trời đầy yêu thương, đấng chăm lo cho những ai đặt quyền lợi Nước Trời lên trước hết trong đời sống. Việc cố gắng tích lũy tất cả “những điều dân ngoại luôn mải lo tìm kiếm” sẽ hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng nếu làm theo những gì Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm, đó là đặt ưu tiên cho những điều thiêng liêng, thì ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ mình cần và hơn thế nữa. “Lòng sùng kính” nên thúc đẩy chúng ta thỏa lòng với “thức ăn, áo mặc và chỗ ở”.—1 Ti 6:6-8.
NƯỚC TRỜI CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU ƯU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG ANH CHỊ KHÔNG?
18. Đức Giê-hô-va biết gì về cá nhân chúng ta, và ngài sẽ làm gì cho chúng ta?
18 Đọc Ma-thi-ơ 6:33. Môn đồ của Đấng Ki-tô phải luôn quan tâm đến Nước Trời trước hết trong đời sống. Nếu làm thế, chúng ta “sẽ được mọi thứ” mình cần, như lời của Chúa Giê-su. Tại sao ngài có thể nói vậy? Ngài giải thích trong câu trước đó: “Cha trên trời biết anh em cần mọi thứ ấy”, tức những điều thiết yếu cho đời sống. Đức Giê-hô-va có thể dễ dàng biết được nhu cầu của mỗi chúng ta về thức ăn, quần áo và chỗ ở, ngay cả khi chúng ta chưa biết (Phi-líp 4:19). Ngài biết bộ đồ nào của chúng ta sắp bị sờn. Ngài biết chúng ta cần ăn những thứ gì và nơi nào là chỗ ở thích hợp cho chúng ta, tùy theo số người trong gia đình. Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu để chúng ta có những điều mình thật sự cần.
19. Tại sao chúng ta không nên lo lắng về những điều có thể xảy ra trong tương lai?
19 Đọc Ma-thi-ơ 6:34. Hãy để ý rằng một lần nữa, Chúa Giê-su nói: “Chớ lo lắng”. Ngài muốn chúng ta chỉ lo cho từng ngày một và tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta. Nếu một người quá lo lắng về những điều có thể xảy ra trong tương lai, có lẽ người ấy sẽ cố nương cậy vào bản thân, thay vì Đức Chúa Trời. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của người ấy với Đức Giê-hô-va.—Châm 3:5, 6; Phi-líp 4:6, 7.
HÃY TÌM KIẾM NƯỚC TRỜI TRƯỚC HẾT VÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ BAN THÊM MỌI ĐIỀU KHÁC
20. (a) Anh chị có thể đặt ra một mục tiêu nào trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va? (b) Anh chị có thể làm gì để đơn giản hóa đời sống?
20 Thật vô ích nếu hy sinh việc theo đuổi quyền lợi Nước Trời để giữ một lối sống thiên về vật chất. Thay vì thế, chúng ta nên theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng. Chẳng hạn, anh chị có thể chuyển đến một hội thánh cần nhiều người công bố Nước Trời hơn không? Anh chị có thể làm tiên phong không? Nếu đang làm tiên phong, anh chị đã nghĩ về việc nộp đơn tham dự Trường cho người rao truyền Nước Trời chưa? Anh chị có thể giúp việc bán thời gian tại một cơ sở Bê-tên hoặc tại một văn phòng dịch thuật từ xa không? Anh chị có thể làm tình nguyện viên cho Ban Thiết kế/Xây dựng địa phương để hỗ trợ bán thời gian cho các dự án xây cất Phòng Nước Trời không? Hãy nghĩ về những điều anh chị có thể làm để đơn giản hóa đời sống, nhờ thế anh chị có thể tham gia nhiều hơn vào các công việc Nước Trời. Hãy cầu nguyện và xem xét khung “Cách đơn giản hóa đời sống”, rồi bắt đầu thực hiện những bước cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
21. Điều gì sẽ giúp anh chị đến gần hơn với Đức Giê-hô-va?
21 Chúa Giê-su có lý do chính đáng khi dạy chúng ta tìm kiếm Nước Trời, thay vì của cải vật chất. Khi làm thế, chúng ta không cần phải lo lắng nhiều về nhu cầu vật chất của mình. Chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va qua việc đặt lòng tin cậy nơi ngài và không cố chiều theo sở thích nhất thời hoặc mua mọi thứ mà thế gian đưa ra, ngay cả khi chúng ta có đủ tiền để làm thế. Việc đơn giản hóa đời sống ngay bây giờ sẽ giúp chúng ta “nắm chắc sự sống thật” mà Đức Chúa Trời đã hứa.—1 Ti 6:19.
^ [1] (đoạn 12) Để hiểu tại sao đôi khi Đức Giê-hô-va có thể để cho một tín đồ bị thiếu ăn, xem bài “Độc giả thắc mắc” trong số Tháp Canh ngày 15-9-2014, trg 22.