Sống một đời sống thăng bằng, giản dị
“Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan... vì những ngày là xấu” (Ê-PHÊ-SÔ 5:15, 16).
1, 2. Điều gì là một sự thách đố ngày nay, và có thể ví với gì?
CHỌN LỌC các sự ưu tiên, đương đầu khéo léo với nhiều trách nhiệm và dành thì giờ cùng năng lực cho các khía cạnh quan trọng của đời sống một cách đúng mức không phải là việc dễ mà là một thách đố. Tránh đi đến các thái cực và giữ cho tâm trí và tình cảm được điềm tĩnh cũng là một thách đố nữa (Ê-phê-sô 5:17; I Ti-mô-thê 4:8; I Phi-e-rơ 1:13).
2 Sự thách đố này có thể được ví như việc người đi trên một sợi dây mong manh treo trên cao. Mất thăng bằng sẽ là tai họa cho người đó. Cũng thế, mất thăng bằng về thiêng liêng sẽ tai hại cho chúng ta. Người đi trên sợi dây treo trên cao chắc chắn không mang theo nhiều đồ vật trên mình. Người đó chỉ mang theo mấy thứ thật cần thiết. Do đó, để giữ thăng bằng về thiêng liêng, chúng ta cần phải sống một đời sống giản dị, không nặng nhọc (Hê-bơ-rơ 12:1, 2).
3. Chúng ta phải làm gì để sống một đời sống giản dị?
3 Nếu muốn sống một đời sống giản dị, chúng ta phải chỉ lo nghĩ đến những điều cần thiết cho một nếp sống vừa phải. Tương phản với các điều mà các môn đồ nên tìm—Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài—Giê-su Christ nói về “mọi điều... các dân ngoại vẫn thường tìm” (Ma-thi-ơ 6:32, 33). Vậy Giê-su khuyên chúng ta tránh chất chứa nhiều thứ đó. Tại sao? Bởi vì chúng có thể gây rắc rối cho đời sống chúng ta và dẫn chúng ta đi lạc (Lu-ca 12:16-21; 18:25). Đây là lời khuyên tốt, bất kể chúng ta giàu hay nghèo, có học cao hay không.
Tại sao hiện nay quan trọng đến thế
4. Tại sao sống một đời sống thăng bằng, giản dị hiện nay là quan trọng đến thế?
4 Sống một đời sống thăng bằng, giản dị hiện nay đặc biệt là quan trọng bởi vì Sa-tan và các quỉ sứ hắn đã bị quăng xuống vùng phụ cận trái đất; chúng rắp tâm làm cho đời sống rắc rối và khiến chúng ta xao lảng việc phụng sự Đức Chúa Trời (Khải-huyền 12:7-12, 17). Do đó, lời răn bảo này của Kinh-thánh thích hợp hơn bao giờ hết: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:15, 16). Đúng, chúng ta hiện sống trong thế gian hung ác của Sa-tan, chứ không phải thế giới mới của Đức Chúa Trời. Bởi vậy chúng ta không thể để cho mình trở nên tự mãn được (II Cô-rinh-tô 4:4; II Phi-e-rơ 3:7, 13).
5. Các tôi tớ Đức Chúa Trời thời xưa để lại cho chúng ta một gương tốt như thế nào?
5 Các tôi tớ Đức Chúa Trời thời xưa sống trong thế gian do Ma-quỉ cai trị đã để lại cho chúng ta một gương tốt. Họ “xưng mình là kẻ khách và bộ-hành trên đất”. Do đó họ tìm “một quê-hương tốt hơn, tức là quê-hương ở trên trời” (Hê-bơ-rơ 11:13-16). Họ tỏ sự trung thành với Nước Đức Chúa Trời ở trên trời, và chúng ta cũng nên làm thế. Vì lẽ này, sứ đồ Phi-e-rơ gọi tín đồ đấng Christ là “người ở trọ, kẻ đi đường” (I Phi-e-rơ 2:11; Phi-líp 3:20). Thật thế, Giê-su nói rằng các môn đồ thật của ngài “không thuộc về thế-gian”. Điều này có nghĩa là tín đồ đấng Christ không nên “dùng [trọn] thế-gian”, như sứ đồ Phao-lô nói (Giăng 17:16; I Cô-rinh-tô 7:31).
6. a) Chúng ta cần luôn nhớ điều gì, và có thể ví tình cảnh của chúng ta với gì? b) Tất cả chúng ta nên coi chừng gương cảnh giác nào?
6 Vậy chúng ta cần luôn nhớ rằng sống trong thế gian này thuộc Sa-tan là sống trong một lãnh địa hiểm độc. Trật bước có thể có nghĩa gặp tai họa (I Giăng 5:19; I Phi-e-rơ 5:8). Tình cảnh của chúng ta có thể được ví như tình cảnh của một người đi xuyên qua một bãi mìn. Kể ra một gương cảnh giác cho tín đồ đấng Christ, sứ đồ Phao-lô nói đến những người Y-sơ-ra-ên hồi xưa sắp sửa vào Đất Hứa. Nhiều kẻ đã mất thăng bằng về thiêng liêng, dính líu tới tà dục và bị Đức Chúa Trời xử tử. Phao-lô viết: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo [mất thăng bằng về thiêng liêng và sa] ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12).
Tại sao là một sự che chở
7. Chúng ta nên khôn ngoan làm gì để tự xem xét?
7 Sống một đời sống thăng bằng và giản dị sẽ che chở bạn bởi vì nhờ đó bạn sẽ có nhiều thì giờ và năng lực hơn dành cho những việc thiêng liêng. Vậy hãy khôn ngoan tự hỏi: Tôi đang làm cho đời sống tôi trở nên giản dị hơn hay phức tạp hơn? Điều gì thật ra quan trọng nhất trong đời tôi? Một số người nói họ có ít thì giờ để học hỏi Kinh-thánh hay để tham gia thánh chức rao giảng. Nhưng lý do là gì? Rất có thể là vì họ không sống một đời sống thăng bằng, giản dị. Tại sao không so sánh thì giờ bạn dành cho việc giải trí, như xem truyền hình, với thì giờ bạn dành cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va trong lãnh vực này hay lãnh vực khác thuộc hoạt động của đạo đấng Christ? Cách bạn dùng thì giờ có thăng bằng không? Làm giản dị đời sống sẽ giúp bạn có thì giờ cho những việc quan trọng hơn, gồm cả việc tham gia nhiều hơn vào mùa gặt thiêng liêng tối quan trọng (Phi-líp 1:9, 10; Ma-thi-ơ 9:37).
8. Làm thế nào một người nghe theo lời khuyên của Giê-su về việc tìm kiếm Nước Trời trước hết, và điều gì cho thấy rõ tầm quan trọng của động năng hướng về phía trước?
8 Thật vậy, hoạt động thiêng liêng của bạn là một sự đo lường cho thấy bạn có sống một đời sống thăng bằng, giản dị hay không. Các tín đồ đấng Christ nghe theo lời khuyên của Giê-su về việc tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết thì đang rảo bước tiến nhanh trong việc học Kinh-thánh đều đặn, tham dự nhóm họp và đi rao giảng. Sự tiến tới thể ấy là một sự che chở thật sự tránh khỏi sa ngã. Có thể ví việc này với việc đi xe đạp. Những người thử giữ thăng bằng trên một chiếc xe đạp chạy chậm lại đến độ gần như đứng yên hiểu rõ tầm quan trọng của một động năng hướng về phía trước. Cũng thế, một khi bạn tiến tới phía trước với nhịp độ hoạt động thiêng liêng đều đặn, bạn được che chở khỏi mất thăng bằng và sa ngã (Phi-líp 3:16).
9. a) Một sự nhắc nhở tốt cho tất cả chúng ta là gì? b) Khi trù liệu một dự định, chúng ta có thể tự đặt các câu hỏi nào?
9 Tuy nhiên, cần phải tỉnh thức, nhớ rằng trút bỏ nhiều gánh nặng có thể giúp có nhiều thì giờ hơn cho sự học hỏi, sửa soạn nhóm họp và giúp đỡ người khác. Một thương gia tín đồ đấng Christ nói: “Hễ khi nào tôi thử mua cái gì, hay nhận việc làm nào tôi không cần đến, tôi khựng lại tự nhủ mình hãy giữ cho đời sống giản dị. Đôi khi tôi phải cứng rắn với chính mình”. Đây là một sự nhắc nhở tốt cho tất cả chúng ta, phải không? Khi trù liệu một dự định nào, có lẽ xây nhà rộng thêm hay việc nào khác, tại sao không tự hỏi: Việc này rồi sẽ giúp ích hay là sẽ gây trở ngại cho tình trạng thiêng liêng của tôi và gia đình tôi? Tôi thật sự cần đến mọi sự mà thiên hạ đời này tha thiết đeo đuổi, hay là tôi có thể sống mà không cần đến chúng?
10. Quan điểm của “người có tánh xác-thịt” khác thế nào với quan điểm của “người có tánh thiêng-liêng”?
10 Tuy nhiên, có người sẽ thắc mắc: «Hy sinh nhiều thế là cần thật không? Chúng ta có bắt buộc phải sống một đời sống thăng bằng, giản dị không?» Phao-lô nói về “sự trong loài người” và “sự trong Đức Chúa Trời” rằng: “Người có tánh xác-thịt không nhận được những sự thuộc về thánh linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ-dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem-xét cách thiêng- liêng. Nhưng người có tánh thiêng-liêng xử-đoán mọi sự” (I Cô-rinh-tô 2:11, 14, 15). Bạn có thể dễ trở thành “người có tánh xác-thịt” bằng cách tìm kiếm và mua sắm những đồ vật chất không cần thiết. Trong trường hợp của người thể ấy, hy sinh là chuyện to tát quá đỗi, ngay cả lố bịch nữa. Nhưng đó là quan điểm của một “người có tánh xác-thịt”, chứ không phải của “người có tánh thiêng-liêng”.
11. Nếp sống không thăng bằng đối với Nô-ê có thể là gì, và làm thế nào chúng ta sống một đời sống thăng bằng ngày nay?
11 Một người có tánh thiêng liêng nhìn sự việc với ánh mắt của đức tin. Người đó nhìn theo quan điểm Đức Chúa Trời. Hãy xem Nô-ê. Nếu như sau khi biết được ý định Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian bằng nước lụt mà ông lại dành ra thì giờ cất nhà lớn hơn và tốt hơn cùng thâu trữ của cải vật chất nhiều hơn, hẳn ông có thăng bằng không? Dĩ nhiên không! Chiếc tàu lớn lúc đó là sự an toàn thật sự của ông. Đối với Nô-ê thì sống một đời sống thăng bằng, giản dị đòi hỏi dồn hết sự chú ý vào việc đóng một chiếc tàu lớn và làm “thầy giảng đạo công-bình”, bất kể sự chế giễu của những “người có tánh xác-thịt” (II Phi-e-rơ 2:5; Ma-thi-ơ 24:37-39). Cũng thế, bởi vì chúng ta đã được soi sáng cho biết về sự kiện thế gian này sắp bị kết liễu, lối sống thăng bằng duy nhất cho chúng ta chính là dồn hết sự chú ý vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và rao giảng tin mừng, ngay dù có thể phải gánh chịu cái mà nhiều người cho là hy sinh nếp sống bình thường (I Giăng 2:17).
Giê-su dạy chúng ta phải làm thế nào
12. a) Giê-su nói chúng ta nên ngưng làm gì, và trái lại chúng ta nên làm gì? b) Tại sao cần phải làm sự thay đổi mục tiêu này?
12 Trong Bài Giảng trên Núi, Giê-su cho chúng ta lời khuyên về cách sống một đời sống thăng bằng, giản dị. Ngài nói: “Các ngươi [hãy ngưng] chất-chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. Giê-su dùng chữ “hãy ngưng” bởi vì người ta thường chỉ tiếp tục “chất-chứa” của cải vật chất cho chính họ. Nhưng một người trở thành môn đồ của Giê-su thì không thể làm thế nữa. Đời sống của người đó phải có mục tiêu khác, như Giê-su cho thấy trong lời răn tiếp theo đó: “Nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. Dẫn chứng cho thấy lý do tại sao cần phải thay đổi mục tiêu, Giê-su nói: “Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19-21).
13. Nếu muốn chất chứa của cải trên trời, bạn phải tin gì?
13 Của cải hay kho tàng là điều mà bạn xem là quan trọng thật sự. Bạn có xem tài sản vật chất là kho tàng của bạn không? Hay đó chính là việc làm thánh danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời và phần thưởng Ngài đã hứa? Muốn dành trọn đời chất chứa của cải ở trên trời thay vì ở dưới đất, bạn phải hết lòng tin tưởng rằng Nước Trời là một thực tại. Thế giới mới phải có thật đối với bạn đến nỗi bạn có thể thấy với ánh mắt của tâm trí và thấy mình đang có mặt ở đó để thực hiện các ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất. Giống như Môi-se, bạn phải “thấy Đấng không thấy được” và tin chắc rằng “Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6, 27).
14. Nếu lòng chúng ta hướng về đồ vật chất thì hậu quả sẽ là gì?
14 Nhưng nếu lòng bạn—kể cả các sự ham muốn và tình cảm của bạn—hướng về của cải vật chất thì sao? Kinh-thánh nói: “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”. Việc theo đuổi đồ vật chất mua được bằng tiền rõ ràng là không đem lại sự thỏa lòng thật sự và lâu dài (I Ti-mô-thê 6:10; Truyền-đạo 5:10). Nhưng thảm họa lớn hơn hết là việc tham tiền bạc và đồ vật chất sẽ làm tổn hại sự liên lạc của bạn với Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng chờ đợi chúng ta “hết lòng” hầu việc Ngài (I Sử-ký 28:9).
15. a) Giê-su đã cho hai lời ví dụ nào về mắt? b) Theo hai nghĩa vật lý và thiêng liêng, làm thế nào một người giữ cho mắt giản dị? c) Nếu mắt chúng ta giản dị, cái nhìn thiêng liêng của chúng ta sẽ giống thế nào với sự hiện thấy của ba trong các sứ đồ của Giê-su?
15 Để giúp chúng ta tránh cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất, Giê-su cho chúng ta hai lời ví dụ. Trước nhất, ngài nói: “Con mắt là đèn của thân-thể. Nếu mắt ngươi sáng-sủa [giản dị] thì cả thân-thể ngươi sẽ được sáng-láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân-thể sẽ tối-tăm” (Ma-thi-ơ 6:22, 23). Theo nghĩa vật lý thì mắt “giản dị” là mắt canh đúng tiêu điểm, chuyển về não hình ảnh rõ ràng. Mắt canh sai tiêu điểm là mắt chuyển về não hình ảnh hỗn độn và lờ mờ. Cũng thế, mắt thiêng liêng “giản dị” hay canh đúng tiêu điểm thì chuyển đi hình ảnh rõ ràng về Nước Đức Chúa Trời, chứ không phải hình ảnh lờ mờ, trật tiêu điểm làm cho thế giới mới dường như là chuyện thần thoại hay huyễn hoặc. Nếu mắt thiêng liêng của bạn canh đúng tiêu điểm thì lời hứa của Đức Chúa Trời về thế giới mới sẽ hiện ra như thật đối với bạn giống như ba sứ đồ kia đã có đặc ân thấy trước trong một sự hiện thấy mầu nhiệm về sự hóa hình của Giê-su (Ma-thi-ơ 16:28 đến 17:9; Giăng 1:14; II Phi-e-rơ 1:16-19).
16. Trong lời ví dụ thứ hai Giê-su cho thấy thế nào về việc cần có mục tiêu độc nhất?
16 Giê-su cho lời ví dụ thứ hai. Ngài nói: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia”. Dẫn lại điểm chính, ngài nhấn mạnh lần nữa việc cần có mục tiêu độc nhất, nói rằng: “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [sự giàu sang] nữa” (Ma-thi-ơ 6:24). Không thể làm thế được. Vậy Giê-su nói tiếp: “Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc... Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi” (Ma-thi-ơ 6:25-32).
17. a) Giê-su nêu ra điểm gì khi dạy dỗ về đồ vật chất? b) Giê-su nhấn mạnh gì ở đây, và sống một đời sống thăng bằng, giản dị bao hàm gì?
17 Giê-su không có ý nói các môn đồ nên bỏ mặc việc cung ứng đồ cần dùng vật chất cho việc may rủi hoặc nên lười biếng và từ chối làm việc để nuôi thân và nuôi gia đình (I Ti-mô-thê 5:8). Không, nhưng điểm trọng yếu là không nên để cho các đồ vật chất đó, mà dân ngoại tha thiết tìm, chiếm hàng ưu tiên. Thay vì thế, Giê-su khuyên: “Trước hết, hãy [tiếp tục] tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Vậy ở đây Giê-su nói về các mục đích của đời sống và nhấn mạnh sự hư không của việc theo đuổi đồ vật chất. Sống một đời sống thăng bằng, giản dị bao hàm việc chúng ta canh đúng tiêu điểm của mắt hướng về lợi ích của Nước Trời, và để mọi việc khác xuống hàng phụ thuộc.
Gương của Giê-su và những người khác
18. Giê-su đặt ra gương mẫu đúng thế nào cho chúng ta?
18 Khi khuyên tín đồ đấng Christ “quăng hết gánh nặng và tội-lỗi [thiếu hay mất đức tin] dễ vấn-vương ta”, Phao-lô khuyến giục: “Chúng ta [hãy]... lấy lòng nhịn-nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn-xem Chúa Giê-su, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin [đấng làm đức tin chúng ta được trọn vẹn]” (Hê-bơ-rơ 12:1, 2). Giê-su đã sốt sắng một cách chuyên độc cho các lợi ích của Nước Trời đến nỗi ngài đã diễn tả tình cảnh của ngài như sau: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20). Đồng thời Giê-su không phải là người khổ hạnh. Kinh-thánh cho thấy ngài vui hưởng thức ăn ngon và quần áo tốt, dù cho mục tiêu chính trong đời ngài là thi hành thánh chức rao giảng. Vậy Giê-su đã sống một đời sống thăng bằng, giản dị (Lu-ca 5:29; Giăng 19:23, 24).
19, 20. a) Phao-lô đã đặt ra gương mẫu nào về đồ vật chất? b) Ngày nay nhiều người đã học làm gì, và họ có cảm nghĩ gì về nếp sống của họ?
19 Sứ đồ Phao-lô cũng đặt đúng chỗ các sự ưu tiên. Ông giải thích: “Tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức-vụ tôi đã lãnh nơi Chúa Giê-su, để mà làm chứng về [tin mừng]” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24). Đúng, để hoàn thành thánh chức tối quan trọng, Phao-lô đã hài lòng với mấy món tối thiểu cần thiết nhưng đôi khi cũng thích được hưởng sự dư dật. Ông viết: “Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được” (Phi-líp 4:12).
20 Đúng vậy hàng chục ngàn người đã học làm như thế ngày nay. Nhiều người trong họ là Nhân-chứng Giê-hô-va phục vụ toàn thời gian, gồm cả các giáo sĩ, người khai thác, giám thị lưu động và những người phụng sự tại các trụ sở quốc tế và cơ sở chi nhánh của tổ chức. Sau nhiều năm phục vụ toàn thời gian, phần đông họ nói: “Nếu như phải làm lại cuộc đời, tôi sẽ không làm gì khác hơn”.
Các ân phước bạn có thể vui hưởng
21, 22. a) Khi chúng ta sống một đời sống thăng bằng, giản dị thì vui hưởng những phần thưởng nào ngay bây giờ? b) Bạn có thể vui hưởng những ân phước nào trong tương lai?
21 Trong khi một đời sống thăng bằng, giản dị bao hàm phải hy sinh, các ân phước và niềm vui không thể so sánh nổi. Vì bạn sẽ có nhiều thì giờ hơn để đẩy mạnh các lợi ích của Nước Trời và có nhiều cơ hội hơn để tìm những người chú ý và dạy họ biết về các ý định của Đức Chúa Trời. Bạn sẽ biết được sự mãn nguyện và hài lòng thật sự, cùng với tâm trạng bình thản và biết chắc rằng bạn đang làm vui lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đó là phần thưởng mà bạn có thể vui hưởng ngay bây giờ (Phi-líp 4:6, 7)
22 Nhưng các ân phước tương lai lại còn lớn hơn nhiều, làm cho bất cứ sự hy sinh nào bạn có thể gánh chịu bây giờ trở nên không có nghĩa lý gì khi so sánh. Các ân phước của Đức Giê-hô-va bao gồm “sự sống cho đến đời đời”. Đúng, đó có thể là ân phước của bạn—sống đời đời đầy vui sướng trong thế giới mới công bình của Đức Giê-hô-va. Hãy sống một đời sống thăng bằng, giản dị, đừng để cho các vật của thế gian này làm cho bạn mất thăng bằng. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn những sự lòng bạn hằng ao ước (Thi-thiên 21:3, 4; 37:4; 133:3).
Câu hỏi để ôn lại
◻ Bạn đã lưu ý các gương và ví dụ nào có thể giúp bạn sống một đời sống thăng bằng, giản dị?
◻ Làm thế nào sống một đời sống thăng bằng, giản dị lại che chở chúng ta?
◻ Nếu mắt thiêng liêng của chúng ta giản dị, điều này sẽ có nghĩa gì cho chúng ta?
◻ Giê-su dạy thế nào cho chúng ta sống một đời sống giản dị?
◻ Sống một đời sống thăng bằng, giản dị đem lại các ân phước nào?