“Lòng các ngươi chớ hề bối-rối”
“Lòng các ngươi chớ hề bối-rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa” (GIĂNG 14:1).
1. Tại sao những lời của Giê-su nơi Giăng 14:1 rất đúng lúc?
Hôm đó là ngày 14 tháng Ni-san năm 33 tây lịch. Một nhóm ít người họp lại trong một căn gác tại thành Giê-ru-sa-lem sau khi mặt trời lặn. Đấng Lãnh đạo của họ nói với họ vài lời khuyên bảo và khuyến khích chót. Ngài có nói: “Lòng các ngươi chớ hề bối-rối” (Giăng 14:1). Lời đó thật đúng lúc bởi vì họ sắp phải trải qua một số biến cố tàn khốc. Đêm đó ngài bị bắt, bị đem ra xử và bị kết án tử hình.
2. Tại sao ngày đó trọng đại như thế, và điều gì đã giúp đỡ các môn đồ?
2 Bạn có lý do tốt để xem ngày đó như ngày trọng đại nhất của lịch sử, ảnh hưởng đến toàn diện tương lai của nhân loại. Sự chết hy sinh của đấng Lãnh đạo là Giê-su làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri và giúp cho những người tin nơi ngài có cơ hội được sự sống đời đời (Ê-sai 53:5-7; Giăng 3:16). Nhưng các sứ đồ vì sửng sốt và bối rối trước những biến cố của đêm ấy đã trở nên hoang mang và sợ sệt một thời gian. Phi-e-rơ còn chối Giê-su nữa (Ma-thi-ơ 26:69-75). Tuy nhiên, sau khi các sứ đồ trung thành nhận được phương tiện giúp đỡ hứa trước là thánh linh thì họ trở nên dạn dĩ và yên tâm (Giăng 14:16, 17). Như vậy, khi Phi-e-rơ và Giăng gặp phải sự chống đối hùng hổ và bị bắt giam, họ cầu nguyện Đức Chúa Trời xin giúp rao giảng lời Ngài “một cách dạn-dĩ”. Lời cầu nguyện của họ đã được nhậm (Công-vụ các Sứ-đồ 4:1-3, 29-31).
3. Tại sao nhiều người ngày nay bị bối rối trầm trọng?
3 Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới bị xáo trộn một cách trầm trọng. Sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này đang tới một cách nhanh chóng (II Ti-mô-thê 3:1-5). Hằng triệu người hoặc chính mình bị ảnh hưởng hoặc bị xao động một cách sâu xa khi thấy đời sống gia đình và các nguyên tắc luân lý rạn nứt trầm trọng, hay thấy sự gia tăng các chứng bệnh lạ lùng, chính trị bất ổn, thất nghiệp, thiếu ăn, khủng bố và sự đe dọa về một trận chiến bằng vũ khí hạch tâm. Nhiều người thấy bối rối trong lòng vì sự lo sợ cho tương lai cứ ám ảnh. Như Giê-su tiên tri, “dân các nước sầu-não rối-loạn... Người ta nhơn trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía” (Lu-ca 21:25, 26).
4. Các yếu tố nào có thể gây áp lực mạnh cho tín đồ đấng Christ?
4 Ngay cả tín đồ đấng Christ cũng có thể chịu ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố buồn thảm ấy. Có lẽ họ cũng đương đầu với những áp lực mạnh do thành kiến tôn giáo hoặc vì sự chống đối của người thân, người láng giềng, bạn đồng nghiệp, bạn học và nhà cầm quyền (Ma-thi-ơ 24:9). Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể giữ mình trầm tĩnh, yên tâm trong thời kỳ đầy khó khăn này? Làm thế nào chúng ta có thể giữ được sự bình an trong tâm trí khi tình thế trở nên nguy kịch? Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với tương lai với sự tin cậy? Điều gì giúp chúng ta vượt qua sự lo âu trầm trọng hiện đang lan rộng khắp nơi? Chúng ta ở trong thời kỳ giống như lúc Giê-su nói ra lời khuyên ghi nơi Giăng 14:1, vậy chúng ta hãy xem xét kỹ lưỡng lời khuyên đó.
Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự lo âu?
5. Kinh-thánh ban cho chúng ta những lời khuyên bảo đầy khích lệ nào?
5 Sau khi nói lời khuyên đầy yêu thương là ‹‹chớ để cho lòng họ bối rối››, Giê-su nói với các sứ đồ: “Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa” (Giăng 14:1). Kinh-thánh được soi dẫn cũng cho chúng ta lời khuyên tương tự: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi”. “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, Và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (Thi-thiên 55:22; 37:5). Phao-lô nói cho tín đồ ở thành Phi-líp lời khuyên quyết liệt này: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7).
6, 7. a) Có một cách nào để làm giảm bớt áp lực mạnh? b) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng một giây liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va?
6 Sự lo âu hay lo lắng do các vấn đề khó khăn và trách nhiệm nặng nề đôi khi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần chúng ta. Tuy nhiên, một chuyên viên về y khoa có bình luận trong cuốn sách ‹‹Chớ hoảng hốt›› (Don’t Panic): “Nếu người ta có thể trình bày vấn đề khó khăn với một người nào mình kính trọng..., áp lực mạnh thường giảm đi được rất nhiều”. Nếu chuyện trò với một người đồng loại giúp ích đến như thế, thì nói chuyện với Đức Chúa Trời càng giúp ích được nhiều hơn biết bao! Bởi vì chúng ta có thể kính trọng ai hơn Đức Giê-hô-va?
7 Đó là lý do tại sao có liên lạc cá nhân mật thiết với Ngài là hệ trọng đến thế cho tín đồ đấng Christ ngày nay. Các tôi tớ thành thục của Đức Giê-hô-va biết rõ điều này, vì thế họ cẩn thận tránh kết hợp với người thế gian hoặc chọn lối giải trí có thể làm suy yếu sự liên lạc đó (I Cô-rinh-tô 15:33). Họ cũng hiểu rằng năng cầu nguyện Đức Giê-hô-va là quan trọng, không phải chỉ một hay hai lần mỗi ngày, nhưng rất nhiều lần. Đặc biệt là các tín đồ mới hay trẻ tuổi cần phải vun trồng giây liên lạc mật thiết này với Đức Giê-hô-va bằng cách đều đặn học hỏi và suy gẫm Lời của Ngài, kết hợp với anh em và đi rao giảng. Chúng ta được khuyến khích: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8).
Lời khuyên của Giê-su
8, 9. Chúng ta có thể áp dụng thế nào lời khuyên tích cực về vấn đề khó khăn kinh tế?
8 Tại nhiều nước người ta thường lo lắng nhiều về nạn thất nghiệp và kinh tế suy sụp. Giê-su có ban cho một lời khuyên rất tích cực về những sự lo lắng này: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25). Đúng, linh hồn và thân thể, tức toàn thể con người, quan trọng hơn đồ ăn và quần áo rất nhiều. Tôi tớ Đức Chúa Trời có thể tin chắc rằng Ngài có thể giúp họ nhận được những thứ cần thiết căn bản đó. Giê-su ban cho lời ví dụ này: “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26). Không thể tưởng tượng được rằng Đức Chúa Trời cung cấp cho các loài chim nhưng lại bỏ rơi các tôi tớ Ngài là những người rất quí đối với Ngài và đấng Christ đã hy sinh mạng sống cho họ.
9 Rồi Giê-su nhấn mạnh thêm điều này bằng cách lưu ý đến các bông huệ ngoài đồng, không khó nhọc, không kéo chỉ, vậy mà “dẫu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó”. Triều đại của vua Sa-lô-môn đã nổi tiếng lộng lẫy. Vậy Giê-su hỏi cách đầy an ủi: “Huống chi là các ngươi [Đức Chúa Trời sẽ lo mặc cho các ngươi chứ]!” (Ma-thi-ơ 6:28-32; Nhã-ca 3:9, 10).
10. a) Giê-su nói với ai những lời đầy an ủi đó? b) Ngài cho lời khuyên gì về tương lai?
10 Tuy nhiên, Giê-su cho thấy tiếp rằng điều đó chỉ xảy ra cho những người “trước hết... tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình Ngài”. Trên khắp thế giới các tín đồ thật như thế của đấng Christ hiểu Nước Đức Chúa Trời thật sự là gì và đặt lên hàng đầu trong đời sống của họ. Lời khuyên sau đây của Giê-su áp dụng cho họ: “Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:33, 34). Nói cách khác, hãy đối phó với mỗi vấn đề khó khăn khi xảy đến và chớ quá lo lắng vô ích cho tương lai.
11, 12. Làm thế nào một số tín đồ đấng Christ đã cảm thấy Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện của họ để xin Ngài giúp đỡ?
11 Dù vậy, phần đông người ta có khuynh hướng lo lắng cho tương lai, nhất là khi tình thế trở nên xấu. Nhưng tín đồ đấng Christ có thể và nên hướng đức tin của họ về nơi Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của chị Eleanor. Chồng chị bị bệnh rất nặng và không làm việc được nguyên một năm. Chị có hai đứa con nhỏ và một người cha lớn tuổi cần phải trông nom, do đó chị không thể đi làm việc trọn thời gian được. Họ cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Một buổi sáng nọ, ít lâu sau đó, họ thấy ai bỏ dưới ngạch cửa một bao thơ trong đó đựng một món tiền lớn, đủ để họ sống qua ngày cho đến khi người chồng đủ sức làm việc trở lại. Họ đã cảm thấy biết ơn một cách sâu đậm về sự giúp đỡ đến đúng lúc ấy. Không có lý do nào căn cứ theo Kinh-thánh để mỗi tín đồ đấng Christ chờ đợi một việc tương tự như thế xảy ra khi gặp túng thiếu, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ nghe tiếng kêu cầu của chúng ta và có khả năng giúp đỡ chúng ta bằng nhiều cách.
12 Một nữ tín đồ góa chồng ở phía nam Phi châu tìm việc làm để nuôi hai đứa con nhỏ. Nhưng chị rất ao ước chỉ làm việc nửa ngày thôi để có thì giờ dành cho chúng. Sau khi tìm được một việc làm, chị bị buộc xin nghỉ làm vì chủ nhân quyết định mướn một thư ký làm việc trọn thời gian. Thất nghiệp một lần nữa, chị này khẩn thiết cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Ba tuần lễ sau, người chủ cũ gọi chị trở lại làm việc cho ông ấy nửa ngày thôi. Chị thấy sung sướng làm sao! Chị cảm thấy Đức Giê-hô-va đã nhậm những lời cầu nguyện của chị.
Hãy nài xin Đức Giê-hô-va
13. a) “Nài-xin” có nghĩa gì? b) Kinh-thánh cho chúng ta thấy có những gương nào về sự nài xin?
13 Xin lưu ý là sau khi khuyên “Chớ lo-phiền chi hết”, Phao-lô nói thêm: “nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ-ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6). Tại sao đề cập đến sự “nài-xin” ở đây? Chữ này có nghĩa “năn nỉ hết sức”, hoặc ‹‹van lơn cầu khẩn››, bao hàm việc hết lòng van xin Đức Chúa Trời, khi gặp phải khốn đốn hay nguy ngập. Khi bị bỏ tù, Phao-lô xin các anh em tín đồ nài xin giùm ông để ông có thể “vì đạo ấy [tin mừng] làm sứ-giả ở trong vòng xiềng-xích... nói cách dạn-dĩ” (Ê-phê-sô 6:18-20). Một đội trưởng trong quân đội La-mã là Cọt-nây cũng “cầu-nguyện Đức Chúa Trời luôn không thôi”. Hẳn ông đã cảm thấy khoan khoái làm sao khi nghe một thiên sứ nói: “Lời cầu-nguyện cùng sự bố-thí ngươi đã lên thấu Đức Chúa Trời”! Và quả ông đã có đặc ân lớn biết bao là một trong những người dân ngoại đầu tiên được xức dầu bằng thánh linh! (Công-vụ các Sứ-đồ 10:1-4, 24, 44-48).
14. Làm sao chúng ta biết sự van lơn Đức Giê-hô-va cách sốt sắng không phải chỉ một lần mà thôi?
14 Điều đáng lưu ý là sự van lơn Đức Giê-hô-va cách sốt sắng như thế không xảy ra chỉ một lần rồi thôi. Trong bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài, Giê-su dạy: “Hãy [tiếp tục] xin, sẽ được; hãy [tiếp tục] tìm, sẽ gặp; hãy [tiếp tục] gõ cửa, sẽ mở cho” (Ma-thi-ơ 7:7). Nhiều bản dịch Kinh-thánh chỉ nói: “Hãy xin... hãy tìm... hãy gõ cửa”. Nhưng nguyên bản tiếng Hy-lạp diễn đạt ý nói đến hành động liên tục.a
15. a) Tại sao Nê-hê-mi buồn bã khi hầu rượu cho vua Ạt-ta-xét-xe? b) Làm sao biết Nê-hê-mi đã làm nhiều hơn là chỉ dâng một lời cầu nguyện vắn tắt?
15 Khi Nê-hê-mi hầu rượu cho vua Phe-rơ-sơ là Ạt-ta-xét-xe, vua hỏi tại sao ông buồn bã như thế. Nê-hê-mi nói ông buồn vì biết được thành Giê-ru-sa-lem đang điêu tàn. Rồi vua hỏi: “Ngươi cầu-xin cái gì?” Chắc hẳn Nê-hê-mi liền cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, có lẽ một cách vắn tắt, lặng lẽ. Rồi ông xin phép được trở về Giê-ru-sa-lem xây cất lại thành yêu dấu nơi nguyên quán của ông. Lời cầu xin của ông đã được chấp thuận (Nê-hê-mi 2:1-6). Tuy nhiên, trước khi có dịp cầu xin vua, Nê-hê-mi trong suốt mấy ngày ròng đã van lơn, nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ (Nê-hê-mi 1:4-11). Bạn có thấy đây là một bài học cho bạn không?
Đức Giê-hô-va đáp lời
16. a) Áp-ra-ham đã có được đặc ân đặc biệt nào? b) Sau khi cầu nguyện chúng ta có thể được trả lời bằng những phương tiện giúp đỡ mạnh mẽ nào?
16 Vài lần Áp-ra-ham có được đặc ân liên lạc với Đức Giê-hô-va qua trung gian các thiên sứ (Sáng-thế Ký 22:11-18; 18:1-33). Dù ngày nay điều này không xảy ra, chúng ta được ban phước với những sự giúp đỡ mạnh mẽ mà xưa kia Áp-ra-ham không có được. Một sự giúp đỡ đó là Kinh-thánh trọn bộ—một nguồn hướng dẫn và an ủi vô tận (Thi-thiên 119:105; Rô-ma 15:4). Rất nhiều lần Kinh-thánh có thể cho chúng ta sự hướng dẫn và khuyến khích mà chúng ta cần, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nhớ lại những đoạn Kinh-thánh mà chúng ta muốn dùng. Thường thì một bảng kê chữ hay một trong nhiều sách báo dựa trên Kinh-thánh do Đức Giê-hô-va cung cấp qua trung gian tổ chức của Ngài có thể ban cho chúng ta câu trả lời. Một bảng đối chiếu đầy chi tiết và hữu hiệu để tra khảo các sách báo này cũng là một sự giúp đỡ vô giá khác để tìm ra những tin tức cần đến.
17. Đức Giê-hô-va có thể đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta bằng những cách nào khác nữa, và một tín đồ tử tế, nhân hậu có thể giúp thế nào?
17 Nếu chúng ta gặp phải một vấn đề khó khăn hay một cảm giác buồn bã hoặc thấy chán nản, lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể được đáp lại bằng những cách khác nữa. Chẳng hạn, một bài giảng tại hội-thánh hay tại một hội nghị của Nhân-chứng Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta “phương thuốc” mà chúng ta cần đến. Vào lúc khác, nói chuyện thân mật với một anh em tín đồ sẽ cung cấp cho chúng ta điều mong muốn. Nhiều khi các trưởng lão trong hội-thánh có thể cho ta sự an ủi hay lời khuyên. Thường thì chỉ trút hết nỗi lòng của chúng ta cho một tín đồ thành thục, tử tế, nhân hậu và biết cách nghe người khác nói có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu người bạn này giúp chúng ta nghĩ ngợi về các tư tưởng ghi trong Kinh-thánh. Một sự trao đổi tâm tư như thế có thể làm vơi bớt gánh nặng đè lên lòng và trí chúng ta (Châm-ngôn 12:25, I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14).
18. Hoạt động đặc biệt nào có thể giúp các tín đồ đấng Christ vượt qua những giai đoạn xuống tinh thần, và điều này đã giúp một người khai thác trẻ tuổi như thế nào?
18 Trong “thời-kỳ khó-khăn” này thường thấy nhiều dạng của chứng thần kinh suy nhược (II Ti-mô-thê 3:1). Người ta cảm thấy chán nản và bị ruồng bỏ vì nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng có thể xảy ra cho tín đồ đấng Christ, và đây có thể là một kinh nghiệm khó chịu nhất. Dù sao, nhiều người thấy rằng việc rao giảng tin mừng đã giúp họ thoát ra khỏi cơn chán nản tạm thời.b Bạn đã thử làm thế chưa? Khi cảm thấy có vẻ chán nản phần nào, hãy cố gắng tham gia vào công việc Nước Trời dưới một hình thức nào đó. Nói với người khác về Nước Đức Chúa Trời thường giúp bạn thay đổi tâm trạng từ buồn bã sang vui vẻ. Nói về Đức Giê-hô-va và dùng Lời của Ngài có thể khiến bạn thấy vui—sự vui mừng là một bông trái của thánh linh—và khiến bạn cảm thấy khác hẳn (Ga-la-ti 5:22). Một chị trẻ tuổi làm người khai thác cũng nhận thấy rằng bận rộn trong công việc về Nước Trời đã khiến chị nghĩ là “so với các vấn đề khó khăn của người khác, [các vấn đề của chị] rất nhỏ nhặt và tạm thời”.
19. Một tín đồ đấng Christ kém sức khỏe đã thắng được những tư tưởng tiêu cực như thế nào?
19 Đôi khi sức khỏe kém, có lẽ xảy ra cùng một lúc với những sự bận tâm hay vấn đề khó khăn có thể đưa đến chứng thần kinh suy nhược. Điều này có thể làm cho ban đêm thức dậy thấy bối rối, như có xảy ra cho một tín đồ đấng Christ đứng tuổi và kém sức khỏe. Nhưng anh này cảm thấy lời cầu nguyện chân thành từ trong lòng có thể giúp ích thật sự. Mỗi khi anh thức dậy và cảm thấy chán nản, anh bình tĩnh cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Điều này khiến anh cảm thấy thoải mái hơn. Anh cũng thấy dễ chịu hơn khi lập lại trong trí những đoạn Kinh-thánh an ủi, tỷ như bài Thi-thiên số 23. Luôn luôn thánh linh Đức Giê-hô-va hoạt động để đáp lại lời cầu nguyện hoặc qua trung gian Lời Ngài thường giúp cho tâm trạng của anh từ chán nản đổi sang thành thơ thới hơn. Sau đó anh có thể nghĩ đến các vấn đề khó khăn của mình một cách thăng bằng và bình tĩnh, và thấy cách làm thế nào để vượt qua hoặc được thêm sức để chịu đựng.
20. Tại sao dường như nhiều khi phải đợi một thời gian mới có thể thấy lời cầu nguyện được đáp ứng?
20 Đây là một thí dụ cho thấy lời cầu nguyện có thể được đáp lại thế nào. Nhưng nhiều khi dường như phải đợi một thời gian mới tìm thấy một giải pháp. Tại sao? Có lẽ lời giải đáp phải chờ đến lúc Đức Chúa Trời đã định. Dường như đôi khi Đức Chúa Trời để cho những người cầu xin chứng tỏ chiều sâu của sự quan tâm, cường độ của sự mong ước và sự chân thành của lòng sốt sắng của họ. Một trong những người viết Thi-thiên đã từng trải kinh nghiệm đó! (Thi-thiên 88:13, 14; so sánh II Cô-rinh-tô 12:7-10).
21. Tại sao ngày nay được làm Nhân-chứng Giê-hô-va là một đặc ân lớn, và làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ sự biết ơn?
21 Dù sao đi nữa, liên lạc với Đức Chúa Trời Toàn năng bằng sự cầu nguyện là một kinh nghiệm làm cho đức tin gia tăng và có thể cứu chúng ta khỏi tình trạng tuyệt vọng. Thật an ủi làm sao khi chúng ta biết rằng Ngài nghe thấy và trả lời! Giống như Phao-lô đã viết cho hội-thánh tại Phi-líp, chúng ta nên dâng lời cầu nguyện và nài xin của chúng ta “[cùng với] sự tạ ơn” (Phi-líp 4:6). Đúng, mỗi ngày chúng ta nên thố lộ nỗi lòng của chúng ta cho Đức Giê-hô-va với sự biết ơn và “phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Điều này sẽ góp phần vào việc kiến tạo một giây liên lạc mật thiết, nồng nhiệt và ban cho chúng ta sự bình an. Bài kế tiếp cho thấy điều này quan trọng thế nào đối với các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong thời kỳ rối loạn và nguy hiểm ngày nay.
[Chú thích]
a Phù hợp với sự chính xác của ‹‹Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới›› (New World Translation of the Holy Scriptures), Charles B. Williams dịch câu này như sau: “Hãy cứ xin... hãy cứ tìm... hãy cứ gõ cửa thì cửa sẽ mở cho các ngươi” (The New Testament: A Translation in the Language of the People).
b Một giai đoạn buồn bã tạm thời khác với chứng suy nhược thần kinh dai dẳng; chứng này là một trạng thái trầm trọng về tâm trí hoặc tình cảm và phức tạp hơn nhiều. (Xem ‹‹Tỉnh thức!›› (Awake!) số ra ngày 22-10-1987, trang 3-16).
Bạn sẽ trả lời ra sao?
◻ Những yếu tố nào có thể khiến tín đồ đấng Christ bối rối?
◻ Điều gì có thể giúp chúng ta thắng được sự lo lắng?
◻ Tại sao tín đồ đấng Christ có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp họ có đủ những thứ cần thiết căn bản?
◻ “Nài-xin” có nghĩa gì và các gương điển hình trong quá khứ cho thấy Đức Giê-hô-va đã trả lời thế nào?
◻ Đức Giê-hô-va có thể đáp ứng các lời cầu nguyện của chúng ta bằng những cách khác nhau nào?
[Hình nơi trang 9]
“Cha các ngươi trên trời nuôi sống loài chim. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?”