Hãy nghĩ về ngày mai
“CHỚ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”. Chúa Giê-su, một bậc thầy lỗi lạc, đã nói lời này trong bài giảng nổi tiếng trên núi vùng Ga-li-lê.—Ma-thi-ơ 6:34.
Theo bạn, câu “ngày mai sẽ lo về việc ngày mai” có nghĩa gì? Có phải câu này muốn nói chúng ta chỉ cần sống cho hôm nay mà không cần nghĩ đến ngày mai? Hiểu như thế có hòa hợp với niềm tin của Chúa Giê-su và các môn đồ ngài không?
“Chớ lo-lắng”
Nếu có Kinh Thánh, xin bạn mở ra đọc một phần trong bài giảng đó của Chúa Giê-su, nơi Ma-thi-ơ 6:25-32. Trong phần này, ngài có nói: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. . . Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. . . Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Còn về phần quần-áo, các ngươi lại lo-lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó-nhọc, cũng không kéo chỉ. . . Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi”.
Chúa Giê-su kết luận phần này bằng cách đưa ra hai lời khuyên. Một là: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. Hai là: “Chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”.—Ma-thi-ơ 6:33, 34.
Cha chúng ta trên trời biết chúng ta cần điều gì
Theo bạn nghĩ, phải chăng Chúa Giê-su muốn nói các môn đồ ngài, kể cả người làm nông, đừng ‘gieo, gặt hoặc thâu-trữ vào kho’ cũng đừng ‘làm khó-nhọc và kéo chỉ’ để có áo mặc? (Châm-ngôn 21:5; 24:30-34; Truyền-đạo 11:4) Chắc chắn không. Nếu không làm việc, “qua mùa gặt [họ] sẽ xin ăn” vì không còn cái ăn cái mặc.—Châm-ngôn 20:4.
Còn về sự lo lắng thì sao? Chúa Giê-su có ý nói rằng người ta hoàn toàn có thể tránh khỏi mọi mối lo âu không? Nếu thế thì thật không thực tế. Chính Chúa Giê-su cũng đã từng lo lắng và vô cùng căng thẳng vào đêm ngài bị bắt.—Lu-ca 22:44.
Vậy thì Chúa Giê-su chỉ nêu lên một sự thật: Quá lo lắng không bao giờ giúp giải quyết được gì. Chẳng hạn, lo lắng nhiều không làm bạn sống lâu hơn. Chúa Giê-su nói không có ai lo lắng mà “làm cho đời mình được dài thêm một khắc”. (Ma-thi-ơ 6:27) Không những thế, tâm trạng lo âu dai dẳng còn có thể giảm tuổi thọ của bạn.
Lời ngài khuyên thật thực tế. Vả lại, có nhiều điều chúng ta lo lắng không bao giờ xảy ra. Khi nghĩ về những ngày đen tối của Thế Chiến II, chính trị gia người Anh là Winston Churchill nhận ra sự thật này. Ông viết về những nỗi lo của ông thời bấy giờ: “Khi nhớ lại những nỗi lo của mình, tôi liên tưởng đến câu chuyện của ông lão đang hấp hối. Ông ấy nói cả đời ông lo lắng hết chuyện này đến chuyện khác, nhưng phần lớn không bao giờ xảy ra”. Thật vậy, việc ngày nào lo ngày nấy là điều khôn ngoan, nhất là khi gặp những vấn đề và áp lực có thể khiến chúng ta dễ bị căng thẳng.
‘Hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’
Trong bài giảng trên, Chúa Giê-su không chỉ nghĩ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người khác. Ngài biết rằng cả những người lo lắng kiếm miếng cơm manh áo lẫn những người chạy theo vật chất và thú vui đều có thể quên đi điều quan trọng hơn. (Phi-líp 1:10) Có lẽ bạn tự hỏi: ‘Có điều gì quan trọng hơn việc kiếm sống sao?’ Câu trả lời là có. Đó là nhu cầu tâm linh, liên quan đến việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cho biết điều quan trọng nhất trong đời sống là “tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:33.
Thời Chúa Giê-su cũng có nhiều người chạy theo của cải vật chất. Làm giàu là mục tiêu chính của đời họ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyến khích người nghe nên có quan điểm khác. Vì là những người thờ phượng Đức Chúa Trời, họ có ‘phận-sự kính-sợ Ngài và giữ các điều-răn Ngài’.—Truyền-đạo 12:13.
Chúa Giê-su biết việc quá chú trọng đến vật chất, tức là ‘lo-lắng về đời nầy và mê-đắm về của-cải’, làm người ta không còn tâm trí để nghĩ đến điều tâm linh. (Ma-thi-ơ 13:22) Sứ đồ Phao-lô viết: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất”. (1 Ti-mô-thê 6:9) Để giúp các môn đồ ngài không rơi vào “bẫy”, Chúa Giê-su khẳng định Cha họ ở trên trời biết họ cần nhu cầu vật chất. Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng nhu cầu ấy, giống như Ngài đã chăm sóc “loài chim trời”. (Ma-thi-ơ 6:26, 32) Do đó, thay vì để những mối lo âu xâm chiếm tâm trí, họ nên làm những gì có thể và tin chắc nơi sự chăm sóc của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Phi-líp 4:6, 7.
Tóm lại, khi nói câu “ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”, Chúa Giê-su muốn khuyên chúng ta đừng quá lo những chuyện chưa đến mà chất thêm gánh nặng cho hôm nay. Một bản Kinh Thánh khác dịch lời Chúa Giê-su như sau: “Đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai có đủ cái lo của ngày mai. Đừng chất thêm gánh nặng vào nỗi khó nhọc của từng ngày”.—Ma-thi-ơ 6:34, Today’s English Version (xin tạm dịch).
“Nước Cha được đến”
Không quá lo lắng về ngày mai không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không nghĩ đến ngày mai. Đó không phải là điều Chúa Giê-su khuyên các môn đồ. Trái lại, ngài khuyến khích họ chú ý đến tương lai. Chẳng hạn, ngài dạy rằng họ có thể cầu nguyện cho nhu cầu hiện tại—đồ ăn đủ ngày. Dù vậy, điều họ phải cầu xin trước nhất là điều còn ở tương lai—Nước Cha được đến và ý Cha được nên ở đất.—Ma-thi-ơ 6:9-11.
Chúng ta không nên có thái độ giống những người thời ông Nô-ê, một nhân vật trong Kinh Thánh. Họ chỉ lo “ăn, uống, cưới, gả” nên không để ý tai họa sắp đến. Hậu quả là “nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. (Ma-thi-ơ 24:36-42) Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến sự kiện lịch sử này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải nghĩ đến ngày mai. Ông viết: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”.—2 Phi-e-rơ 3:5-7, 11, 12.
Tích trữ của cải ở trên trời
Chúng ta hãy nhớ ngày Đức Giê-hô-va đang gần kề. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta sử dụng thì giờ, sức lực, năng khiếu và tài sản của mình. Đừng quá chú trọng đến vật chất—dù là lo lắng kiếm miếng cơm manh áo hay chạy theo thú vui của cuộc đời—đến nỗi không có thì giờ phụng sự Đức Chúa Trời. Chỉ chú trọng đến hôm nay có thể đem lại lợi ích trước mắt, nhưng tạm thời mà thôi. Chúa Giê-su cho biết điều khôn ngoan hơn là nên “chứa của-cải ở trên trời” thay vì dưới đất.—Ma-thi-ơ 6:19, 20.
Chúa Giê-su nhấn mạnh điều này khi kể minh họa về một người giàu có lập dự án quy mô cho tương lai mà không hề nghĩ đến Đức Chúa Trời. Ruộng đất của người giàu này sinh lợi nhiều lắm. Ông quyết định phá các kho cũ và xây những cái mới lớn hơn để chứa của cải. Ông dự định sẽ sống an nhàn, nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng vấn đề ở đây là gì? Ông ấy chết trước khi hưởng công lao của mình. Tệ hơn nữa, ông chưa kịp gây dựng danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su kết luận: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—Lu-ca 12:15-21; Châm-ngôn 19:21.
Còn bạn thì sao?
Ai trong chúng ta cũng có thể tránh phạm phải sai lầm của người giàu trong minh họa trên. Bạn hãy tìm hiểu về ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại trong tương lai và sống phù hợp với sự hiểu biết đó. Đức Chúa Trời cho biết rõ ràng ý định của Ngài. Từ thời xưa, nhà tiên tri A-mốt đã khẳng định: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. (A-mốt 3:7) Chính bạn có thể tận mắt đọc về ý định của Đức Chúa Trời trong Lời được Ngài soi dẫn, là Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Một điều Kinh Thánh tiết lộ là trong tương lai gần đây sẽ có một biến cố ảnh hưởng đến cả thế giới ở mức độ chưa từng thấy. Chúa Giê-su nói: “Sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy”. (Ma-thi-ơ 24:21) Không ai có thể ngăn được hoạn nạn này. Thậm chí, những người thờ phượng Đức Chúa Trời cũng không muốn ngăn chặn điều đó xảy ra. Tại sao? Vì cơn hoạn nạn sẽ tẩy sạch mọi gian ác trên trái đất, và mở đường cho “trời mới và đất mới”, tức chính phủ mới trên trời và xã hội mới dưới đất. Trong thế giới mới này, Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [chúng ta], sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”.—Khải-huyền 21:1-4.
Vậy thì chẳng phải ngay bây giờ chúng ta nên dành thời gian tìm hiểu những gì Kinh Thánh nói về sự thay đổi này hay sao? Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn sàng giúp bạn làm thế. Xin gặp một Nhân Chứng hoặc viết thư cho nhà xuất bản tạp chí này. Mong rằng bạn không chỉ sống vì hôm nay mà còn vì tương lai tươi sáng đang chờ đón bạn!
[Các hình nơi trang 7]
“Chớ lo-lắng. . . ngày mai sẽ lo về việc ngày mai”