Đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn hoạt động mạnh hơn
RICHARD và Lusia diễn tả về các bạn cùng học lớp thứ 105 trong Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh: “Không có tinh thần ganh đua. Ai nấy đều muốn người khác thành công. Tất cả chúng tôi rất khác biệt, nhưng đối với chúng tôi, mỗi học viên đều quý giá”. Một bạn cùng lớp là Lowell đồng ý, nói thêm: “Những sự khác biệt đã mang chúng tôi lại gần nhau”.
Các học viên trong lớp tốt nghiệp vào ngày 12-9-1998 quả là thuộc nhiều thành phần khác nhau. Một số học viên đã làm tiên phong ở những vùng cần nhiều người công bố Nước Trời; những người khác đã phụng sự trung thành gần nhà hơn. Vài người, như Mats và Rose-Marie, đã phải chăm chỉ học tập lâu ngày để cải tiến trình độ Anh ngữ trước khi dự Trường Ga-la-át. Nhiều người trong số học viên đã nghĩ đến công việc giáo sĩ từ thời thơ ấu. Một đôi vợ chồng đã nạp đơn 12 lần; họ vui mừng biết bao khi nhận được giấy mời tham dự lớp thứ 105!
Khóa huấn luyện có nhiều bài vở dài 20 tuần lễ trôi qua rất nhanh. Thấm thoắt mới đó mà đã đến ngày họ nộp bài viết cuối cùng, thuyết trình lần cuối, và đến ngày mãn khóa.
Albert Schroeder, người chủ tọa chương trình cũng là một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, nhắc nhở cả lớp rằng họ đang “đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn hoạt động mạnh hơn trong lãnh vực giáo dục về Kinh-thánh”, đang nối gót hơn 7.000 người khác đã học Trường Ga-la-át trước họ. Anh lưu ý rằng trong mùa hè, các học viên đã có cơ hội hiếm có là được kết hợp với những giáo sĩ lâu năm khi những người này thăm viếng trụ sở trung ương trong dịp về dự hội nghị quốc tế.
Rồi anh Schroeder giới thiệu Max Larson thuộc Ủy Ban Điều Hành Bê-tên. Anh này khai triển chủ đề “Sự giáo dục dẫn đến sự sống đời đời”. Anh Larson trích Châm-ngôn 1:5, nơi đó nói: “Kẻ khôn sẽ nghe và thêm lên sự học-vấn, người thông-sáng sẽ được rộng mưu-trí”. Cần có kỹ năng để là một giáo sĩ đắc lực. Những người có tài năng đứng trước vua (Châm-ngôn 22:29). Sau khi được dạy dỗ trong năm tháng, các học viên được trang bị đầy đủ để đại diện cho hai vì Vua vĩ đại nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ.
Kế đến David Olson thuộc Ban Công Tác nói về đề tài “Hãy làm lòng Đức Giê-hô-va vui mừng”. Anh hỏi: “Những người bất toàn có thể làm gì khiến lòng Đức Giê-hô-va vui mừng?” Câu trả lời là gì? Họ có thể phụng sự Ngài một cách trung thành và với sự vui mừng. Đức Giê-hô-va muốn dân Ngài vui thích công tác của họ. Khi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời với sự vui mừng, chúng ta làm Ngài vui lòng (Châm-ngôn 27:11). Anh Olson đọc lá thư của một đôi vợ chồng giáo sĩ đã học lớp thứ 104 của Trường Ga-la-át. Họ có thích thú với trách nhiệm mới không? Họ viết về hội thánh của họ: “Chúng tôi có khoảng 140 người công bố, trung bình có từ 250 đến 300 người dự nhóm họp. Phần tốt nhất là công việc rao giảng. Chúng tôi mỗi người có bốn học hỏi, và một số đã dự các buổi họp”.
Lyman Swingle, thuộc Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, nói về đề tài “Hãy biết ơn về những gì bạn có”. Sự huấn luyện của Trường Ga-la-át đã mang lại nhiều ân phước. Nó đã giúp học viên gia tăng sự hiểu biết, lòng quí trọng đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va, và vun trồng những đức tính trọng yếu như lòng khiêm nhường. Anh Swingle nói: “Đến đây và bỏ thời giờ ra nghe giảng là một kinh nghiệm làm bạn khiêm nhường. Khi rời khỏi nơi đây, bạn được trang bị tốt hơn nhiều để đề cao Đức Giê-hô-va”.
“Bạn có nhiều sự vui mừng đến thế—Vậy tại sao lo lắng?” là đề tài bài giảng của Daniel Sydlik, cũng có chân trong Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Khi có vấn đề nảy sinh, hãy tìm sự hướng dẫn trong Kinh-thánh, anh khuyên họ thế. Anh Sydlik dùng những câu chọn lựa từ chương sáu của sách Ma-thi-ơ, minh họa cách họ có thể làm điều này. Thiếu đức tin có thể khiến chúng ta lo lắng về những điều tầm thường như đồ ăn và quần áo. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần gì (Ma-thi-ơ 6:25, 30). Lo lắng chỉ thêm vào những vấn đề có mỗi ngày (Ma-thi-ơ 6:34). Mặt khác, cần phải trù liệu đôi chút. (So sánh Lu-ca 14:28). Anh Sydlik giải thích: “Điều Chúa Giê-su cấm, không phải là sự quan tâm khôn ngoan về tương lai, nhưng là việc lo lắng thiếu khôn ngoan về nó. Hành động là một trong những phương thuốc hữu hiệu chữa trị sự lo lắng. Khi chúng ta trở nên lo lắng, thì bắt đầu nói về lẽ thật là việc chúng ta nên làm”.
Lời khuyên lúc chia tay của các giảng viên
Kế đến là các bài diễn văn của ba thành viên trong ban giảng huấn Trường Ga-la-át. Karl Adams nói trước, về đề tài: “Bạn sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?” Bài diễn văn của anh căn cứ trên Thi-thiên 116, có lẽ Chúa Giê-su đã hát bài này vào đêm trước khi ngài chết (Ma-thi-ơ 26:30). Điều gì đã hiện lên trong trí của Chúa Giê-su khi ngài hát những lời sau: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi”? (Thi-thiên 116:12). Ngài có thể đã nghĩ đến thân thể hoàn toàn mà Đức Giê-hô-va đã sửa soạn cho ngài (Hê-bơ-rơ 10:5). Ngày hôm sau, ngài hy sinh dâng thân thể đó, cho thấy chiều sâu của tình yêu thương của ngài. Các học viên lớp thứ 105 đã nếm sự tốt lành của Đức Giê-hô-va trong năm tháng qua. Bây giờ họ sẽ thể hiện tình yêu thương đối với Ngài bằng cách chăm chỉ trong công việc giáo sĩ.
Mark Noumair, giảng viên Trường Ga-la-át là người nói kế đó, khuyên các học viên “Hãy tiếp tục làm điều phải”. Sau khi bị bán làm nô lệ tại Ai Cập, Giô-sép đã bị đối đãi bất công trong 13 năm. Ông có để những điều sai trái của người khác khiến mình tê liệt không? Không, ông tiếp tục làm điều phải. Rồi vào thời điểm Đức Chúa Trời định, Giô-sép được giải thoát khỏi những thử thách của ông. Thình lình, ông đi từ việc sống trong tù đến việc sống trong cung điện (Sáng-thế Ký, chương 37-50). Anh giảng viên hỏi các học viên: “Nếu những mong đợi của bạn không được thỏa trong công việc giáo sĩ, liệu bạn sẽ bỏ cuộc không? Liệu bạn sẽ đầu hàng sự tuyệt vọng không? Hay bạn sẽ kiên trì như Giô-sép?”
Cuối cùng, Wallace Liverance, giám học Trường Ga-la-át, điều khiển cuộc thảo luận sống động với các học viên trong lớp, về đề tài: “Hãy loan báo về Vua và Nước Trời”. Một số học viên kể lại kinh nghiệm của họ trong việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia, từ tiệm này sang tiệm kia, và trên đường phố. Những người khác thì nói về cách họ làm chứng cho những người nói tiếng khác. Lại có những người khác cho thấy cách rao giảng cho những người có tôn giáo khác nhau. Tất cả những người tốt nghiệp đều hăng hái tham gia trọn vẹn trong thánh chức làm giáo sĩ.
Những giáo sĩ lâu năm vui mừng
Phần kế tiếp có nhan đề “Kết quả đầy vui mừng của công việc giáo sĩ”, được Robert Wallen trình bày, gồm có những cuộc phỏng vấn với bốn anh là nhân viên thuộc trụ sở trung ương; gần đây các anh này đã có các cuộc kết hợp xây dựng với những giáo sĩ kinh nghiệm. Những giáo sĩ đó đã không ngần ngại nhận rằng học một ngôn ngữ mới, thích nghi với văn hóa khác, hay thích nghi với khí hậu khác không phải là dễ dàng đối với họ. Rồi lại có những lúc phải đối phó với nỗi nhớ nhà. Có khi, các vấn đề về sức khỏe phát sinh. Nhưng qua tất cả những điều đó, các giáo sĩ đã duy trì một thái độ lạc quan, và họ được ban phước nhờ lòng kiên trì. Một số đã giúp nhiều người có sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va. Những người khác đã đóng góp bằng nhiều cách khác nhau vào sự gia tăng chung của công việc Nước Trời trong nước họ.
Người nói sau cùng là Carey Barber, một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Anh ôn lại những điểm nổi bật của chương trình hội nghị địa hạt “Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời”. Anh hỏi cử tọa: “Chương trình hội nghị địa hạt có tác động gì đến mối liên hệ của bạn với Đức Giê-hô-va?” Anh diễn giả đối chiếu kết quả đầy ân phước nhờ sống theo đường lối Đức Chúa Trời với sự hủy diệt của những kẻ theo đường lối thế gian. Nhắc đến lỗi Môi-se phạm tại Mê-ri-ba, anh khuyên: “Dù một người đã phụng sự trung thành lâu năm, Đức Giê-hô-va không bỏ qua ngay cả sự vi phạm nhỏ đến luật pháp công bình của Ngài” (Dân-số Ký 20:2-13). Mong rằng tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời ở khắp nơi nắm chặt lấy những đặc ân công tác quý báu của họ!
Đã đến lúc các học viên nhận lãnh văn bằng của họ. Rồi, một người đại diện cho cả lớp đọc một lá thư tỏ lòng quý trọng đối với sự huấn luyện các học viên đã nhận được. Sau bài hát kết thúc và lời cầu nguyện chân thành, chương trình ngày mãn khóa chấm dứt. Nhưng, đối với lớp thứ 105, đây chỉ mới là sự khởi đầu, bởi lẽ các giáo sĩ mới này đang “đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn hoạt động mạnh hơn”.
[Khung nơi trang 23]
Thống kê khóa 105
Các học viên đến từ: 9 nước
Họ được phái đến: 17 nước
Sĩ số: 48
Số cặp vợ chồng: 24
Tuổi trung bình: 33
Số năm trung bình trong lẽ thật: 16
Số năm trung bình trong thánh chức trọn thời gian: 12
[Khung nơi trang 24]
Họ quyết định phụng sự trọn thời gian
Một anh tốt nghiệp lớp thứ 105 tên là Ben nói: “Khi còn nhỏ, tôi không dự định làm tiên phong”. Anh nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chỉ những người có khả năng đặc biệt và hoàn cảnh lý tưởng mới có thể làm tiên phong. Nhưng tôi có học tập yêu công việc rao giảng. Rồi một ngày nọ, tôi chợt nghĩ ra rằng làm người tiên phong chỉ có nghĩa là tham gia nhiều hơn trong thánh chức. Chính lúc đó tôi ý thức rằng tôi có thể làm tiên phong”.
Lusia kể lại: “Những tôi tớ trọn thời gian luôn được coi trọng trong gia đình tôi”. Chị nhớ lại làn sóng hào hứng tràn qua hội thánh của chị mỗi khi có các giáo sĩ viếng thăm. Chị nói: “Khi tôi đang tuổi lớn lên, ai cũng hiểu là việc phụng sự trọn thời gian nằm trong dự tính của tôi”.
Mẹ của Theodis chết khi anh được 15 tuổi. Anh nói: “Vào lúc đó, hội thánh quả đã nâng đỡ tôi, vì thế tôi tự hỏi: ‘Tôi có thể làm gì để thể hiện lòng biết ơn?’ ” Điều này dẫn đến việc anh phụng sự trọn thời gian và bây giờ làm giáo sĩ.
[Hình nơi trang 25]
Lớp tốt nghiệp thứ 105 của Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh
Trong danh sách dưới đây, các hàng được đánh số từ trước ra sau, trong mỗi hàng, tên được liệt kê từ trái sang phải
(1) Sampson, M.; Brown, I.; Heggli, G.; Abuyen, E.; Desbois, M.; Pourthié, P. (2) Kassam, G.; Lindberg, R.; Dapuzzo, A.; Taylor, C.; LeFevre, K.; Walker, S. (3) Baker, L.; Pellas, M.; Woggon, E.; Böhne, C.; Asplund, J.; Haile, J. (4) Pourthié, T.; Whittaker, J.; Palmer, L.; Norton, S.; Gering, M.; Haile, W. (5) Walker, J.; Böhne, A.; Groenveld, C.; Washington, M.; Whittaker, D.; Abuyen, J. (6) Gering, W.; Washington, K.; Pellas, M.; Desbois, R.; Heggli, T.; Asplund, Å. (7) Woggon, B.; LeFevre, R.; Taylor, L.; Brown, T.; Groenveld, R.; Palmer, R. (8) Norton, P.; Sampson, T.; Baker, C.; Lindberg, M.; Kassam, M.; Dapuzzo, M.