-
Luật Vàng—Một sự dạy dỗ phổ biếnTháp Canh—2001 | 1 tháng 12
-
-
Luật Vàng—Một sự dạy dỗ phổ biến
“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.
CÁCH ĐÂY gần hai ngàn năm, chính Chúa Giê-su Christ đã phát biểu những lời ấy trong Bài Giảng trên Núi mà nhiều người biết đến. Nhiều thế kỷ qua, người ta đã bình luận nhiều về lời tuyên bố giản dị trên. Người ta còn ca tụng câu ấy như “điều cơ bản của Thánh Kinh”, “tóm lược bổn phận tín đồ Đấng Christ đối với người lân cận”, và “nguyên tắc đạo đức cơ bản”. Nguyên tắc này nổi tiếng đến nỗi thường được gọi là Luật Vàng.
Tuy nhiên, ý tưởng của Luật Vàng không chỉ giới hạn trong phạm vi thế giới được gọi là Ki-tô Giáo. Do Thái Giáo, Phật Giáo và triết lý Hy Lạp thảy đều giải thích nguyên tắc đạo đức cơ bản này dưới một hình thức nào đó. Đặc biệt đối với người Đông Phương, lời tuyên bố của Khổng Tử rất là phổ biến vì ông được sùng kính như là một nhà hiền triết và một bậc thầy lớn nhất ở Đông Phương. Trong cuốn Luận Ngữ, sách thứ ba trong bộ Tứ Thư, chúng ta thấy ý tưởng của Luật Vàng được nói lên ba lần. Khi trả lời cho môn đệ, Khổng Tử hai lần tuyên bố: “Đừng làm cho người khác những gì mà mình không muốn người khác làm cho mình”. Vào một dịp khác, khi môn đệ Tự Cống tự hào: “Con cũng không muốn làm cho người khác những gì con không muốn họ làm cho con”, thì sư phụ ông cho lời đáp đáng suy ngẫm này: “Đúng thế, nhưng điều này thì con chưa làm được”.
Khi đọc những lời này, một người có thể thấy rằng lời tuyên bố của Khổng Tử tương tự những gì Chúa Giê-su nói sau này, nhưng có tính cách thụ động. Sự khác biệt hiển nhiên là Luật Vàng do Chúa Giê-su đưa ra đòi hỏi hành động tích cực là làm điều tốt lành cho người khác. Giả sử mọi người đều hành động phù hợp với lời tuyên bố tích cực của Chúa Giê-su bằng cách quan tâm đến và chủ động giúp đỡ người khác, sống theo luật này mỗi ngày. Bạn có nghĩ thế giới ngày nay hẳn sẽ tốt hơn không? Chắc chắn là thế.
Dù quy tắc này được phát biểu dưới dạng tích cực, thụ động hay bất cứ hình thức nào chăng nữa, điều quan trọng là những người sống vào những thời và những nơi khác nhau, với quá trình văn hóa riêng biệt, đều tin nơi ý tưởng của Luật Vàng. Điều này đơn thuần cho thấy rằng những gì Chúa Giê-su phát biểu trong Bài Giảng trên Núi là một sự dạy dỗ phổ biến tác động đến đời sống của người ta ở khắp nơi trong mọi thời đại.
Hãy tự hỏi: ‘Tôi có thích người ta đối xử với tôi một cách tôn trọng, công bằng, thành thật không? Tôi có thích sống trong một thế giới không có kỳ thị chủng tộc, tội ác và chiến tranh không? Tôi có thích sống trong một gia đình mà mọi người đều quan tâm đến cảm nghĩ và hạnh phúc của người khác không?’ Thật ra, ai muốn từ chối những điều khả dĩ ấy? Hiện thực phũ phàng là rất ít người có được diễm phúc này. Đối với phần đông người ta, hy vọng có được những điều nêu trên gần như là xa vời.
Luật Vàng bị lu mờ
Trong suốt lịch sử, có nhiều tội ác chống lại nhân loại khi nhân quyền hoàn toàn bị chà đạp. Những tội ác này gồm việc buôn bán nô lệ từ Phi Châu, các trại tử hình của Quốc Xã, việc cưỡng bức trẻ em lao động và những cuộc diệt chủng dã man hết nơi này đến nơi khác. Bảng liệt kê kinh hoàng này còn có thể dài hơn nữa.
Ngày nay, thế giới công nghệ tiên tiến của chúng ta tự cho mình là trung tâm. Ít có ai nghĩ đến người khác khi những thuận lợi hoặc cái họ coi là quyền riêng tư của họ bị đe dọa. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Tại sao quá nhiều người đã trở nên ích kỷ, độc ác và vô tình? Có phải là vì người ta đã gạt qua một bên Luật Vàng—dù rằng nhiều người vẫn còn biết đến—và xem luật này như là đạo đức lỗi thời, thiếu thực tế không? Buồn thay, điều này thậm chí xảy ra cho những người tự cho mình tin nơi Đức Chúa Trời. Xét theo chiều hướng sự việc đang diễn ra, người ta ngày càng trở nên vị kỷ hơn.
Bởi thế, những câu hỏi trọng yếu cần được xem xét là: Sống theo Luật Vàng bao hàm những gì? Còn ai vẫn sống theo Luật Vàng này hay không? Và sẽ có ngày mà toàn thể nhân loại sẽ sống phù hợp với Luật Vàng không? Lời giải đáp chân thật cho những câu hỏi này nằm trong bài kế tiếp mà chúng tôi xin mời bạn đọc.
[Hình nơi trang 3]
Khổng Tử và những người khác dạy những biến thể của Luật Vàng
-
-
Luật Vàng—Một điều răn thực tếTháp Canh—2001 | 1 tháng 12
-
-
Luật Vàng—Một điều răn thực tế
Dù phần đông người ta xem Luật Vàng là một bài học đạo đức do Chúa Giê-su dạy, chính ngài lại nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”.—Giăng 7:16.
ĐÚNG THẾ, Đấng đặt ra những điều mà Chúa Giê-su dạy, trong đó có điều được gọi là Luật Vàng, là Đấng đã phái ngài đến, tức Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Lúc ban đầu, Đức Chúa Trời định rằng toàn thể nhân loại đối xử với nhau theo cách họ muốn được đối xử. Ngài nêu gương mẫu tốt nhất về việc quan tâm đến hạnh phúc của người khác trong cách Ngài tạo ra con người: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. (Sáng-thế Ký 1:27) Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời lấy lòng yêu thương phú cho con người một phần các đức tính xuất sắc của Ngài để họ có thể hưởng sự sống trong bình an, hạnh phúc và hài hòa—với tiềm năng sống như thế cách vĩnh viễn. Lương tâm mà Đức Chúa Trời phú cho họ, khi được rèn luyện đúng đắn, sẽ hướng dẫn họ đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử.
Sự ích kỷ chiếm chỗ
Nhân loại đã có được một sự khởi đầu tuyệt diệu như thế, vậy thì điều gì đã xảy ra? Nói giản dị, loài người đã bắt đầu biểu lộ tính xấu xa ích kỷ. Phần đông người ta quen thuộc với câu chuyện Kinh Thánh kể lại về những gì cặp vợ chồng đầu tiên đã làm, như được tường thuật nơi Sáng-thế Ký chương 3. Vì bị Sa-tan, kẻ chống lại mọi tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời xúi giục, A-đam và Ê-va đã ích kỷ phủ nhận quyền cai trị của Đức Chúa Trời để quay sang độc lập và tự trị. Hành động ích kỷ và phản nghịch của họ không những đã dẫn đến thiệt hại lớn cho chính họ mà lại còn gây ra hậu quả bi thảm cho mọi con cháu tương lai của họ nữa. Đó là một bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng việc lờ đi sự dạy dỗ mà sau này được gọi là Luật Vàng đã đem lại hậu quả bi đát như thế nào. Thế là “bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 5:12.
Dù nhân loại nói chung đã từ bỏ những đường lối đầy yêu thương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không bỏ rơi họ. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã ban Luật Pháp cho dân Y-sơ-ra-ên để hướng dẫn họ. Luật Pháp dạy họ đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử. Luật Pháp ra chỉ thị về cách đối xử với các nô lệ, trẻ mồ côi cha và góa phụ; phác ra cách xử lý những vụ hành hung, bắt cóc và trộm cắp. Những luật về vệ sinh cho thấy sự quan tâm đến sức khỏe của người khác. Còn có cả những luật về vấn đề tình dục. Tóm tắt Luật Pháp Ngài, Đức Giê-hô-va bảo dân: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”, một câu mà sau đó Chúa Giê-su trích dẫn. (Lê-vi Ký 19:18; Ma-thi-ơ 22:39, 40) Luật Pháp cũng bàn về cách đối xử với khách kiều ngụ giữa dân Y-sơ-ra-ên. Luật Pháp ra lệnh: “Ngươi chớ hiếp-đáp người ngoại-bang, vì các ngươi đã kiều-ngụ tại xứ Ê-díp-tô, chính các ngươi hiểu-biết lòng khách ngoại-bang là thế nào”. Nói cách khác, dân Y-sơ-ra-ên phải tỏ lòng nhân từ đồng cảm đối với những người bất hạnh.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:9; Lê-vi Ký 19:34; Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:19.
Hễ dân Y-sơ-ra-ên còn trung thành làm theo Luật Pháp thì Đức Giê-hô-va còn ban phước cho họ. Dưới triều Vua Đa-vít và Sa-lô-môn, quốc gia trở nên thịnh vượng, còn dân chúng thì hạnh phúc và ấm no. Một lời tường thuật lịch sử nói: “Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đông như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi... Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự... ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình”.—1 Các Vua 4:20, 25.
Buồn thay, nền hòa bình và an ninh của nước ấy không bền lâu. Dù có Luật Pháp Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên không tuân giữ theo; họ đã để cho lòng ích kỷ làm nghẹt ngòi sự quan tâm của họ đối với người khác. Việc này, cùng với tội bội đạo đã đưa đến gian khổ cho cá nhân và quốc gia họ. Cuối cùng, vào năm 607 TCN, Đức Giê-hô-va để cho quân Ba-by-lôn hủy phá vương quốc Giu-đa, thành Giê-ru-sa-lem và ngay cả đền thờ nguy nga trong đó. Tại sao thế? “Vì các ngươi đã chẳng nghe lời ta, nầy, ta sẽ sai đòi mọi họ-hàng phương bắc cùng đầy-tớ ta là Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến nghịch cùng đất nầy, nghịch cùng dân-cư nó, và các nước ở chung-quanh. Ta sẽ diệt hết chúng nó, làm chúng nó nên sự gở-lạ, chê-cười, và hoang-vu đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy”. (Giê-rê-mi 25:8, 9) Thật là một giá đắt phải trả cho việc từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va!
Một gương để noi theo
Trái lại, Chúa Giê-su Christ không những dạy Luật Vàng mà lại còn nêu gương mẫu tốt nhất về việc làm theo luật đó. Ngài thành thật quan tâm đến hạnh phúc của người khác. (Ma-thi-ơ 9:36; 14:14; Lu-ca 5:12, 13) Có lần, khi ngài đến gần thành Na-in, Chúa Giê-su thấy một bà góa đau lòng đang đưa đám tang con trai duy nhất của bà. Kinh Thánh tường thuật: “Chúa thấy, động lòng thương-xót người”. (Lu-ca 7:11-15) Theo cuốn Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, cụm từ “động lòng thương-xót” ám chỉ “bị xúc động tận đáy lòng”. Ngài thấu cảm nỗi đau xót của bà, và điều này thúc đẩy ngài có hành động tích cực để xoa dịu nỗi đau khổ của bà. Thật là một niềm vui đối với bà góa ấy khi Chúa Giê-su làm chàng trai sống lại và “giao người lại cho mẹ”!
Cuối cùng, phù hợp với ý định Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẵn lòng chịu khổ và phó sự sống ngài làm giá chuộc để nhân loại có thể được giải cứu khỏi ách tội lỗi và sự chết. Điều này là gương mẫu tối cao của việc sống theo Luật Vàng.—Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 15:13; Hê-bơ-rơ 4:15.
Những người áp dụng Luật Vàng
Vào thời chúng ta có ai thật sự sống theo Luật Vàng không? Có, và không chỉ trong những tình huống thuận lợi mà thôi. Chẳng hạn dưới thời Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va giữ được đức tin nơi Đức Chúa Trời cùng lòng yêu thương đối với người lân cận, và đã từ chối vi phạm Luật Vàng. Khi chính quyền thời đó mở chiến dịch kỳ thị và thù ghét người Do Thái, các Nhân Chứng tiếp tục làm theo Luật Vàng. Ngay cả trong các trại tập trung, họ vẫn tiếp tục chăm sóc cho người đồng loại, chia sẻ thức ăn, dù ít ỏi, với những người đói, dù là người Do Thái hay không. Hơn nữa, dù bị chính quyền ra lệnh cầm vũ khí để giết người khác, họ từ chối làm như thế; họ không muốn giết ai cũng như họ không muốn bị người khác giết. Làm sao họ lại có thể giết những người mà họ phải yêu thương như chính mình? Vì từ chối như vậy, nhiều người trong họ không những bị giải đi các trại tập trung mà lại còn bị chết nữa.—Ma-thi-ơ 5:43-48.
Khi đọc bài này, bạn đang hưởng lợi ích từ một gương khác nói lên sự thực tiễn của Luật Vàng. Nhân Chứng Giê-hô-va hiểu rằng ngày nay có nhiều người đau khổ một cách tuyệt vọng và bất lực. Vì lẽ đó, các Nhân Chứng tình nguyện hành động tích cực để giúp đỡ người khác học biết về hy vọng và sự hướng dẫn thực tế của Kinh Thánh. Tất cả những điều này nằm trong khuôn khổ của công việc dạy dỗ toàn cầu nay được thực hiện trên một quy mô chưa từng thấy. Kết quả là gì? Như được tiên tri nơi Ê-sai 2:2-4, “nhiều dân-tộc”, trên thực tế là hơn sáu triệu người khắp thế giới, đã được ‘dạy về đường-lối Đức Giê-hô-va, và đi trong các nẻo Ngài’. Theo nghĩa bóng, họ đã tập “lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm”. Họ đã tìm được hòa bình và an ninh trong thời kỳ đầy khó khăn này.
Còn bạn thì sao?
Hãy ngẫm nghĩ một chút về sự thống khổ mà nhân loại phải gánh chịu vì lờ đi Luật Vàng, từ khi Sa-tan Ma-quỉ xúi giục con người phản nghịch trong Ê-đen. Đức Giê-hô-va có ý định đảo ngược tình thế này trong ngày rất gần đây. Thế nào? “Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Điều này sẽ diễn ra dưới triều đại Nước Đức Chúa Trời, nằm trong tay khôn ngoan và tài ba của Chúa Giê-su Christ, đấng đã dạy và sống theo Luật Vàng.—Thi-thiên 37:9-11; Đa-ni-ên 2:44.
Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên xưa nhận xét: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày. Hằng ngày người thương-xót, và cho mượn; dòng-dõi người được phước”. (Thi-thiên 37:25, 26) Chẳng lẽ bạn không đồng ý rằng phần đông người ta ngày nay thường giành giật, vơ vét của cải thay vì “thương-xót, và cho mượn”, hay sao? Rõ ràng, làm theo Luật Vàng có thể dẫn đến hòa bình và an ninh thật sự vì điều này giúp một người hưởng được ân phước bây giờ và trong tương lai dưới Nước Đức Chúa Trời. Nước này sẽ tẩy sạch mọi sự ích kỷ và gian ác trên đất và thay thế hệ thống hiện tại dưới sự cai trị thối nát do loài người lập ra bằng hệ thống mới do Đức Chúa Trời thiết lập. Chừng ấy mọi người sẽ vui mừng sống theo Luật Vàng.—Thi-thiên 29:11; 2 Phi-e-rơ 3:13.
[Các hình nơi trang 4, 5]
Chúa Giê-su không những dạy Luật Vàng mà lại còn nêu gương tốt nhất về việc làm theo luật đó
[Các hình nơi trang 7]
Làm theo Luật Vàng có thể dẫn đến hòa bình và an ninh thật sự
-