Đường lối duy nhất dẫn đến sự sống đời đời
“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống”.—GIĂNG 14:6.
1, 2. Chúa Giê-su ví con đường dẫn đến sự sống đời đời với cái gì và minh họa của ngài có ý nghĩa gì?
TRONG Bài Giảng trên Núi nổi tiếng, Chúa Giê-su ví con đường dẫn đến sự sống đời đời như con đường nằm đằng sau một cái cổng. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng đường dẫn đến sự sống không dễ đi khi ngài nói: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.
2 Bạn có hiểu ý nghĩa của minh họa này không? Chẳng phải nó cho thấy chỉ có một con đường, hoặc một lối dẫn đến sự sống và nó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng chú ý để tránh lạc ra khỏi con đường sự sống hay sao? Thế thì đường lối duy nhất dẫn đến sự sống đời đời là đường nào?
Vai trò của Chúa Giê-su
3, 4. (a) Kinh Thánh cho biết vai trò trọng yếu của Chúa Giê-su trong sự cứu rỗi chúng ta như thế nào? (b) Khi nào Đức Chúa Trời tiết lộ lần đầu tiên rằng nhân loại có thể được sống đời đời?
3 Rõ ràng là Chúa Giê-su có vai trò quan trọng liên quan đến con đường đó, như sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”. (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12) Tương tự như thế, sứ đồ Phao-lô tuyên bố: “Sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Chính Chúa Giê-su tiết lộ rằng con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời là qua ngài, vì ngài tuyên bố: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống”.—Giăng 14:6.
4 Vậy, điều tối hệ trọng là chúng ta thừa nhận vai trò của Chúa Giê-su trong việc mở đường dẫn đến sự sống đời đời. Vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn vai trò của ngài. Bạn có biết khi nào, sau khi A-đam phạm tội, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho biết rằng nhân loại có thể hưởng được sự sống đời đời không? Đó là ngay sau khi A-đam sa vào tội lỗi. Bây giờ chúng ta hãy xem xét việc Đức Chúa Trời cho Chúa Giê-su Christ làm Đấng Cứu Rỗi nhân loại đã được báo trước lần đầu tiên như thế nào.
Dòng Dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa
5. Làm thế nào chúng ta có thể nhận biết con rắn đã dỗ dành Ê-va?
5 Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng ngôn ngữ tượng trưng cho biết về Đấng Cứu Rỗi mà Ngài đã hứa. Ngài làm thế khi tuyên án “con rắn” mà đã nói chuyện với Ê-va và dụ bà ăn trái cấm để cãi lời Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Dĩ nhiên, đó không phải là con rắn theo nghĩa đen, nhưng là một tạo vật thần linh mạnh mẽ được Kinh Thánh chỉ rõ là “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan”. (Khải-huyền 12:9) Sa-tan đã mượn miệng con vật thấp hèn này để dỗ dành Ê-va. Do đó khi lên án Sa-tan, Đức Chúa Trời nói với hắn: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người [dòng dõi người nữ] sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”.—Sáng-thế Ký 3:15.
6, 7. (a) Người nữ sinh ra “dòng-dõi” là ai? (b) Dòng Dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa là ai, và ngài thực hiện được điều gì?
6 “Người nữ” này là ai mà Sa-tan đối nghịch hoặc thù ghét đến thế? Giống như “con rắn xưa” được nhận diện nơi Khải-huyền chương 12, thì người nữ mà Sa-tan ghét cũng được nhận diện. Hãy chú ý câu 1 nói người “có mặt trời bao-bọc, dưới chân có mặt trăng, và trên đầu có mão triều-thiên bằng mười hai ngôi sao”. Người nữ này tượng trưng cho tổ chức trên trời của Đức Chúa Trời gồm các thiên sứ trung thành, và “con trai” người sinh ra tượng trưng Nước Đức Chúa Trời có Vua là Chúa Giê-su Christ.—Khải-huyền 12:1-5.
7 Vậy “dòng-dõi”, hay con của người nữ, được nói đến trong Sáng-thế Ký 3:15 là ai, mà sẽ giày đạp “đầu” Sa-tan, tức là giáng cho hắn một đòn chí tử? Đó chính là đấng mà Đức Chúa Trời phái xuống từ trên trời để được sinh ra bằng phép lạ qua một người nữ đồng trinh, đúng vậy, chính Chúa Giê-su đã làm con người. (Ma-thi-ơ 1:18-23; Giăng 6:38) Chương 12 của sách Khải-huyền cho biết rằng Dòng Dõi này, tức Vị Vua được sống lại trên trời, Chúa Giê-su Christ, sẽ dẫn đầu trong việc chinh phục Sa-tan và, như Khải-huyền 12:10 nói, sẽ thiết lập “nước Đức Chúa Trời chúng ta... cùng quyền-phép của Đấng Christ Ngài nữa”.
8. (a) Đức Chúa Trời đã cung cấp điều mới nào liên quan đến ý định ban đầu của Ngài? (b) Chính phủ mới của Đức Chúa Trời gồm có ai?
8 Như vậy thì Nước Trời này trong tay Chúa Giê-su Christ là một điều mới mà Đức Chúa Trời cung cấp liên quan đến ý định ban đầu của Ngài cho loài người sống đời đời trên đất. Sau khi Sa-tan làm phản, Đức Giê-hô-va lập tức sắp đặt để vô hiệu hóa các hậu quả của sự gian ác qua trung gian chính phủ mới là Nước Trời. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su tiết lộ rằng ngài không cai trị một mình trong chính phủ này. (Lu-ca 22:28-30) Những người khác nữa sẽ được tuyển chọn trong vòng nhân loại để lên trời cùng cai trị với ngài, như vậy hợp thành một phần phụ của dòng dõi người nữ. (Ga-la-ti 3:16, 29) Kinh Thánh cho biết con số những người đồng cai trị với Chúa Giê-su là 144.000 người, được chọn trong vòng nhân loại tội lỗi trên đất.—Khải-huyền 14:1-3.
9. (a) Tại sao Chúa Giê-su cần xuống đất làm người? (b) Chúa Giê-su làm vô hiệu hóa công việc của Ma-quỉ như thế nào?
9 Tuy nhiên, trước khi Nước Trời có thể bắt đầu cai trị, điều trọng yếu là phần tử chính của dòng dõi, tức Chúa Giê-su Christ, xuất hiện trên đất. Tại sao? Bởi vì ngài đã được Giê-hô-va Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm Đấng “hủy-phá [hoặc, xóa bỏ] công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Công việc của Sa-tan gồm cả việc xúi giục A-đam phạm tội; điều này đã dẫn đến sự kết tội và sự chết cho toàn thể con cháu của A-đam. (Rô-ma 5:12) Chúa Giê-su xóa bỏ công việc của Ma-quỉ bằng cách hiến dâng chính mạng sống ngài làm giá chuộc. Nhờ vậy ngài cung cấp căn bản để giải cứu nhân loại khỏi bản án của tội lỗi và sự chết và mở đường dẫn đến sự sống đời đời.—Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 3:24; Ê-phê-sô 1:7.
Giá chuộc thực hiện được điều gì
10. Chúa Giê-su và A-đam có điểm tương tự như thế nào?
10 Vì sự sống của Chúa Giê-su được chuyển xuống từ trên trời vào lòng một người nữ, nên ngài sinh ra là một người hoàn toàn, không bị tì vết bởi tội lỗi của A-đam. Ngài có tiềm năng sống đời đời trên đất. Tương tự như thế, A-đam đã được tạo ra là người hoàn toàn với triển vọng sống đời đời trên đất. Sứ đồ Phao-lô nghĩ đến sự tương tự giữa hai người này khi viết: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống. A-đam sau hết [Chúa Giê-su Christ] là thần ban sự sống. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra”.—1 Cô-rinh-tô 15:45, 47.
11. (a) A-đam và Chúa Giê-su đã ảnh hưởng thế nào đến nhân loại? (b) Chúng ta nên xem sự hy sinh của Chúa Giê-su như thế nào?
11 Sự tương tự giữa hai người này—hai người hoàn toàn duy nhất đã từng sống trên đất—được nhấn mạnh qua lời tuyên bố của Kinh Thánh là Chúa Giê-su “phó chính mình Ngài làm giá chuộc [tương xứng cho, NW] mọi người”. (1 Ti-mô-thê 2:6) Chúa Giê-su tương xứng với ai? Với A-đam lúc còn là người hoàn toàn! Tội lỗi của người đầu tiên A-đam đưa đến hậu quả là cả gia đình nhân loại bị kết án phải chết. Sự hy sinh của “A-đam sau hết” cung cấp căn bản cho sự giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết, hầu cho chúng ta có thể sống đời đời. Sự hy sinh của Chúa Giê-su thật quí báu biết bao! Sứ đồ Phi-e-rơ nhận xét: “Chẳng phải bởi vật hay hư-nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc”. Trái lại, Phi-e-rơ giải thích: “Bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít”.—1 Phi-e-rơ 1:18, 19.
12. Kinh Thánh miêu tả sự xóa bỏ án tử hình của chúng ta như thế nào?
12 Kinh Thánh miêu tả thật hay về việc xóa bỏ cái án tử hình mà gia đình nhân loại phải chịu: “Bởi chỉ một tội [của A-đam] mà sự đoán-phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công-bình [toàn thể đường lối trung kiên cho đến chết của Chúa Giê-su] mà sự xưng công-bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng-phục của một người [A-đam] mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng-phục của một người [Chúa Giê-su] mà mọi người khác sẽ đều thành ra công-bình”.—Rô-ma 5:18, 19.
Một triển vọng huy hoàng
13. Tại sao nhiều người nghĩ rằng họ không muốn sống đời đời?
13 Sự cung cấp này của Đức Chúa Trời hẳn làm chúng ta sung sướng biết bao! Bạn có cảm thấy sung sướng vì Đức Chúa Trời đã cung cấp một Đấng Cứu Rỗi không? Trong một nhật báo tại một thành phố lớn ở Hoa Kỳ, người ta nêu câu hỏi này trong một cuộc thăm dò ý kiến: “Bạn có thấy triển vọng sống đời đời hấp dẫn đối với bạn không?”, và điều đáng ngạc nhiên là 67,4 phần trăm số người phúc đáp trả lời là “Không”. Tại sao họ nói không muốn sống đời đời? Hiển nhiên là vì đời sống trên đất hiện nay gắn liền với quá nhiều vấn đề khó khăn. Một người nọ nói: “Tôi không cảm thấy thú vị chút nào khi nghĩ đến mặt mũi mình lúc 200 tuổi”.
14. Tại sao sống đời đời sẽ là một thú vui trọn vẹn?
14 Thế nhưng, Kinh Thánh không nói về việc sống đời đời trong một thế giới mà người ta bị bệnh, già đi và gặp phải những tai ương khác. Không, bởi vì với tư cách là Vua của Nước Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ xóa bỏ tất cả những khó khăn đó do Sa-tan gây ra. Theo Kinh Thánh, Nước Đức Chúa Trời “sẽ đánh tan và hủy-diệt hết” các chính phủ đầy áp bức của thế gian này. (Đa-ni-ên 2:44) Vào lúc đó, để đáp lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy môn đồ ngài, “ý” của Đức Chúa Trời sẽ “được nên, ở đất như trời”. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, sau khi trái đất được tẩy sạch khỏi mọi sự gian ác, những lợi ích của giá chuộc của Chúa Giê-su sẽ được áp dụng trọn vẹn. Đúng vậy, những người hội đủ điều kiện sẽ được phục hồi sức khỏe hoàn toàn!
15, 16. Tình trạng nào sẽ diễn ra trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
15 Lời này trong Kinh Thánh sẽ được áp dụng cho những người sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời: “Người sẽ được thẳng da mát thịt như buổi thơ-ấu; người trở lại ngày đang-thì”. (Gióp 33:25) Lời hứa khác của Kinh Thánh cũng sẽ được ứng nghiệm: “Những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”.—Ê-sai 35:5, 6.
16 Hãy thử nghĩ xem: Bất kể tuổi của chúng ta lúc đó, dù 80, 800 hoặc ngay cả già hơn nữa, cơ thể chúng ta vẫn luôn tráng kiện. Sẽ xảy ra y như Kinh Thánh hứa: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. Lúc đó, lời hứa này cũng sẽ được thực hiện: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Ê-sai 33:24; Khải-huyền 21:3, 4.
17. Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể mong đợi con người thực hiện được những gì?
17 Trong thế giới mới đó, chúng ta sẽ có thể tận dụng bộ óc kỳ diệu theo cách mà Đấng Tạo Hóa đã hoạch định khi Ngài thiết kế nó với khả năng học hỏi vô tận. Hãy thử nghĩ đến những điều tuyệt diệu mà chúng ta có thể thực hiện! Ngay cả con người bất toàn cũng đã dùng những nguyên liệu trong lòng đất để sản xuất mọi sự mà chúng ta nhìn thấy chung quanh—điện thoại di động, máy vi âm, đồng hồ, máy nhắn tin (pager), máy vi tính, phi cơ, đúng vậy, tất cả những gì chúng ta có thể kể ra. Không có vật nào trong số đó được chế tạo bằng vật liệu từ một nơi xa xôi trong vũ trụ. Với đời sống bất tận trước mắt chúng ta, tiềm năng chế tạo của chúng ta trong Địa Đàng sắp đến sẽ phát triển vô tận!—Ê-sai 65:21-25.
18. Tại sao đời sống sẽ không bao giờ nhàm chán trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
18 Đời sống sẽ không trở nên nhàm chán. Ngay bây giờ chúng ta trông mong cho đến bữa ăn kế tiếp, dù chúng ta có lẽ đã ăn đến cả chục ngàn bữa rồi. Là người hoàn toàn, chúng ta sẽ thưởng thức nhiều hơn nữa các thức ăn ngon tuyệt mà trái đất đã thành Địa Đàng sản xuất. (Ê-sai 25:6) Và chúng ta sẽ luôn thích thú với công việc chăm sóc thú vật đủ loại trên đất và chiêm ngưỡng những cảnh hoàng hôn, núi non, sông hồ và thung lũng ngoạn mục. Quả thật, đời sống sẽ không bao giờ nhàm chán trong thế giới mới của Đức Chúa Trời!—Thi-thiên 145:16.
Đáp ứng sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời
19. Tại sao là hợp lý khi tin rằng phải hội đủ điều kiện để nhận sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho?
19 Bạn có trông mong được Đức Chúa Trời ban cho sự sống đời đời trong một Địa Đàng mà không cần phải cố gắng gì cả hay không? Chẳng lẽ việc Đức Chúa Trời đòi hỏi một cái gì đó nơi chúng ta là không hợp lý hay sao? Chắc chắn là hợp lý. Thật thế, Đức Chúa Trời không chỉ ném món quà đó cho chúng ta. Ngài trao món quà đó cho chúng ta, nhưng chúng ta phải đưa tay ra đón nhận. Đúng vậy, chúng ta cần phải cố gắng. Bạn có lẽ nêu ra câu hỏi giống như một ông quan trẻ tuổi giàu có đã hỏi Chúa Giê-su: “Tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” Hoặc có lẽ bạn giống như một viên cai ngục ở thành Phi-líp hỏi sứ đồ Phao-lô: “Tôi phải làm chi cho được cứu-rỗi?”—Ma-thi-ơ 19:16; Công-vụ các Sứ-đồ 16:30.
20. Một đòi hỏi thiết yếu để được sống đời đời là gì?
20 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su cho biết một đòi hỏi căn bản khi cầu nguyện với Cha trên trời của ngài: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Khi đòi hỏi chúng ta hiểu biết về Đức Giê-hô-va, Đấng ban cho sự sống đời đời, và hiểu biết về đấng đã chết vì chúng ta, Chúa Giê-su Christ, chẳng phải là một điều hợp lý hay sao? Nhưng chỉ có sự hiểu biết như thế không đủ, cần có thêm nữa.
21. Chúng ta chứng tỏ mình đáp ứng sự đòi hỏi của việc thực hành đức tin như thế nào?
21 Kinh Thánh cũng nói: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời”. Và còn thêm: “Ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó”. (Giăng 3:36) Bạn có thể chứng tỏ mình thực hành đức tin nơi Con bằng cách thay đổi lối sống và sống phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Bạn phải từ bỏ đường lối sai lầm mà bạn có lẽ đã theo và hành động để làm hài lòng Đức Chúa Trời. Bạn cần làm điều sứ đồ Phi-e-rơ dạy bảo: “Vậy, các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa”.—Công-vụ các Sứ-đồ 3:19, 20.
22. Noi theo dấu chân Chúa Giê-su bao hàm hành động nào?
22 Chớ bao giờ quên rằng chỉ bằng cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su thì chúng ta mới có thể hưởng được sự sống đời đời. (Giăng 6:40; 14:6) Chúng ta chứng tỏ mình thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su bằng cách “noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Việc noi theo dấu chân Chúa Giê-su bao hàm điều gì? Trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nói: “Nầy, tôi đến... để làm theo ý-muốn Chúa”. (Hê-bơ-rơ 10:7) Điều thiết yếu là noi theo Chúa Giê-su, đồng ý làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và hiến dâng đời sống của mình cho Đức Giê-hô-va. Sau đó, bạn cần phải biểu trưng sự dâng mình ấy bằng cách làm báp têm trong nước, giống như Chúa Giê-su đã trình diện để làm báp têm. (Lu-ca 3:21, 22) Làm những bước đó hoàn toàn hợp lý. Sứ đồ Phao-lô nhận xét rằng “tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng ta”. (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Bằng cách nào? Tình yêu thương thúc đẩy Chúa Giê-su chết vì chúng ta. Chẳng lẽ điều đó không thúc đẩy chúng ta đáp ứng bằng cách thực hành đức tin nơi ngài hay sao? Đúng vậy, điều đó nên thúc đẩy chúng ta noi theo gương yêu thương của ngài trong việc hy sinh giúp đỡ người khác. Đấng Christ sống để làm ý muốn của Đức Chúa Trời; chúng ta cũng phải làm như vậy, không còn sống vì chính mình nữa.
23. (a) Những người nhận sự sống được thêm vào gì? (b) Những người trong hội thánh tín đồ Đấng Christ cần phải làm gì?
23 Không chỉ có thế thôi. Kinh Thánh nói rằng khi 3.000 người báp têm vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, họ được “thêm vào”. Thêm vào gì? Lu-ca giải thích: “Những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ-đồ, sự thông-công của anh em”. (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41, 42) Đúng vậy, họ nhóm lại với nhau để học hỏi Kinh Thánh và kết hợp với anh em và rồi được thêm vào hoặc trở nên thành viên của hội thánh Đấng Christ. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đều đặn dự các buổi họp để được dạy dỗ về thiêng liêng. (Hê-bơ-rơ 10:25) Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng làm điều này, và họ muốn khuyến khích bạn dự các buổi họp với họ.
24. “Sự sống thật” là gì, và được thành hiện thực như thế nào và khi nào?
24 Hàng triệu người hiện đang đi theo đường chật dẫn đến sự sống. Cần phải cố gắng nhiều mới tiếp tục đi được! (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Sứ đồ Phao-lô cho thấy điều này trong lời kêu gọi nồng hậu: “Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến”. Cần phải đánh trận để “được cầm lấy sự sống thật”. (1 Ti-mô-thê 6:12, 19) Sự sống đó không phải là đời sống đầy đau đớn và khổ ải mà chúng ta gánh chịu vì tội lỗi của A-đam. Thay vì thế, đó là đời sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời mà chẳng bao lâu nữa sẽ được thành hiện thực khi của-lễ làm giá chuộc của Đấng Christ được áp dụng vì tất cả những người yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài, sau khi hệ thống mọi sự này bị loại bỏ. Mong sao tất cả chúng ta chọn sự sống—“sự sống thật”—sự sống đời đời trong thế giới mới vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Con rắn, người nữ và dòng dõi trong Sáng-thế Ký 3:15 là ai?
◻ Chúa Giê-su tương xứng với A-đam như thế nào, và giá chuộc thực hiện được điều gì?
◻ Bạn có thể trông mong điều gì trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
◻ Chúng ta cần hội đủ điều kiện nào để sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 10]
Chúa Giê-su là đường duy nhất dẫn đến sự sống bất tận cho cả già lẫn trẻ
[Hình nơi trang 11]
Vào kỳ định của Đức Chúa Trời, người già sẽ có lại sức lực trẻ trung