CHƯƠNG 5
“Cả kho tàng của sự khôn ngoan”
1-3. Bối cảnh Chúa Giê-su nói bài giảng vào ngày mùa xuân năm 31 CN là gì? Tại sao người nghe hết sức kinh ngạc?
Đó là ngày mùa xuân năm 31 CN. Chúa Giê-su đang ở trên một ngọn núi gần Ca-bê-na-um, thành phố sầm uất nằm trên bờ biển Ga-li-lê về phía tây bắc. Ngài vừa cầu nguyện một mình thâu đêm. Khi trời trở sáng, ngài gọi các môn đồ đến, rồi chọn ra 12 người và gọi họ là sứ đồ. Trong khi đó, đám đông gồm cả những người đến từ nơi khá xa, đã theo Chúa Giê-su đến đây và tụ tập lại ở chỗ bằng phẳng trên núi. Họ nôn nóng được nghe ngài giảng và chữa bệnh. Chúa Giê-su không làm họ thất vọng.—Lu-ca 6:12-19.
2 Ngài đến chỗ đám đông và chữa lành cho mọi người bệnh. Cuối cùng, khi những người bệnh không còn đau đớn nữa, ngài ngồi xuống và khởi sự dạy dỗ.a Lời giảng của ngài trong buổi sáng trong lành ấy hẳn đã làm người nghe ngạc nhiên. Họ chưa từng nghe bất cứ ai dạy như thế. Để lời giảng của mình có thẩm quyền, Chúa Giê-su không trích sự dạy dỗ truyền khẩu hay dẫn lời của những ráp-bi Do Thái có tên tuổi. Thay vì thế, ngài trích nhiều câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Thông điệp của ngài rõ ràng với những lời giản dị, dễ hiểu. Khi ngài giảng xong, đoàn dân hết sức kinh ngạc. Điều này là đương nhiên vì họ vừa nghe bài giảng của một người khôn ngoan nhất đã từng sống!—Ma-thi-ơ 7:28, 29.
3 Bài giảng đó cùng với những điều khác Chúa Giê-su nói và làm được ghi lại trong Kinh Thánh. Chúng ta nên đào sâu những lời tường thuật về Chúa Giê-su vì trong ngài chứa đựng “cả kho tàng của sự khôn ngoan” (Cô-lô-se 2:3). Nhờ đâu Chúa Giê-su có sự khôn ngoan, tức khả năng vận dụng tốt kiến thức và sự hiểu biết vào thực tế? Ngài thể hiện sự khôn ngoan như thế nào và làm sao chúng ta có thể noi gương ngài?
‘Nhờ đâu mà người này có sự khôn ngoan ấy?’
4. Những người nghe Chúa Giê-su giảng tại thành Na-xa-rét thắc mắc điều gì, và tại sao?
4 Trong một chuyến hành trình rao giảng, Chúa Giê-su vào thành Na-xa-rét, nơi ngài lớn lên, và bắt đầu giảng trong nhà hội. Nhiều người nghe rất kinh ngạc và thắc mắc: ‘Nhờ đâu mà người này có sự khôn ngoan ấy?’. Họ biết cha mẹ và các em của Chúa Giê-su, và biết ngài lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả (Ma-thi-ơ 13:54-56; Mác 6:1-3). Chắc họ cũng biết chàng thợ mộc có tài hùng biện này chưa từng học một trường nổi tiếng nào của Do Thái giáo (Giăng 7:15). Thắc mắc của họ có vẻ hợp lý.
5. Sự khôn ngoan của Chúa Giê-su đến từ đâu?
5 Sự khôn ngoan của Chúa Giê-su không chỉ là kết quả của một trí óc hoàn hảo. Sau này, khi dạy dỗ công khai trong đền thờ, Chúa Giê-su tiết lộ rằng sự khôn ngoan của ngài đến từ một nguồn cao hơn. Ngài nói: “Những gì tôi dạy không phải của tôi mà của đấng phái tôi đến” (Giăng 7:16). Đúng thế, Cha, tức đấng phái Con đến, là Nguồn sự khôn ngoan của Chúa Giê-su (Giăng 12:49). Nhưng ngài nhận sự khôn ngoan từ Đức Giê-hô-va qua cách nào?
6, 7. Chúa Giê-su nhận sự khôn ngoan từ Cha qua những cách nào?
6 Thần khí thánh của Đức Giê-hô-va hoạt động trong lòng và trí Chúa Giê-su. Ê-sai tiên tri về ngài trong vai trò Đấng Mê-si được hứa trước: “Thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên người, thần khí của sự khôn ngoan và hiểu biết, thần khí của mưu trí và quyền năng, thần khí của tri thức và sự kính sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2). Thần khí của Đức Giê-hô-va ngự trên Chúa Giê-su, hướng dẫn lối suy nghĩ và quyết định của ngài. Vậy, không ngạc nhiên khi lời nói và hành động của Chúa Giê-su phản ánh sự khôn ngoan siêu việt.
7 Chúa Giê-su cũng nhận sự khôn ngoan từ Cha qua một cách khác. Như chúng ta đã xem trong chương 2, trước khi xuống đất, Chúa Giê-su đã sống trên trời vô số thiên niên kỷ. Trong suốt thời gian này, ngài có cơ hội hấp thu tư tưởng của Cha. Hãy tưởng tượng sự khôn ngoan sâu rộng mà Chúa Giê-su nhận được khi làm việc bên cạnh Cha với tư cách là “thợ cả” trong công cuộc sáng tạo muôn vật! Thật vậy, trước khi làm người, Chúa Giê-su được miêu tả là sự khôn ngoan (Châm ngôn 8:22-31; Cô-lô-se 1:15, 16). Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã sử dụng sự khôn ngoan ngài nhận được khi ở bên cạnh Chab (Giăng 8:26, 28, 38). Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên trước sự hiểu biết sâu rộng được phản ánh trong lời của Chúa Giê-su hoặc trước khả năng phán đoán của ngài trong mọi việc.
8. Làm thế nào chúng ta có được sự khôn ngoan?
8 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần hướng đến Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự khôn ngoan (Châm ngôn 2:6). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không ban cho chúng ta sự khôn ngoan qua phép mầu nhiệm. Nhưng nếu chúng ta thành khẩn cầu xin sự khôn ngoan cần thiết để đương đầu với khó khăn thì ngài sẽ ban cho (Gia-cơ 1:5). Để có sự khôn ngoan đó, chúng ta phải nỗ lực nhiều. Chúng ta cần tìm nó như “báu vật ẩn giấu” (Châm ngôn 2:1-6). Thật vậy, chúng ta cần tiếp tục đào sâu Lời Đức Chúa Trời, nơi sự khôn ngoan được tỏ lộ, và áp dụng những điều học được vào đời sống. Đặc biệt, việc noi gương Con Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta có sự khôn ngoan. Hãy xem vài khía cạnh mà Chúa Giê-su thể hiện sự khôn ngoan và làm thế nào chúng ta có thể bắt chước ngài.
Lời lẽ khôn ngoan
9. Tại sao sự dạy dỗ của Chúa Giê-su khôn ngoan?
9 Từng đoàn người kéo đến gặp Chúa Giê-su chỉ để nghe ngài nói (Mác 6:31-34; Lu-ca 5:1-3). Điều này dễ hiểu vì lời của ngài chứa đựng sự khôn ngoan! Những lời ngài dạy phản ánh kiến thức sâu rộng về Lời Đức Chúa Trời và khả năng hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề. Sự dạy dỗ của ngài thu hút mọi người khắp nơi và không bao giờ lỗi thời. Hãy cùng xem một số ví dụ về sự khôn ngoan trong lời của Chúa Giê-su, “Mưu Sĩ Tuyệt Vời”.—Ê-sai 9:6.
10. Chúa Giê-su khuyên chúng ta vun trồng những phẩm chất nào, và tại sao?
10 Bài giảng trên núi, được đề cập ở đầu chương, là bộ sưu tập lớn nhất về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su không hề bị gián đoạn bởi lời nói hoặc lời tường thuật của người khác. Trong bài giảng này, Chúa Giê-su không chỉ khuyên chúng ta có lời nói và hạnh kiểm đúng đắn. Vì biết rằng tư tưởng và cảm xúc chi phối lời nói và hành động, nên Chúa Giê-su khuyên chúng ta vun trồng các phẩm chất từ bên trong như ôn hòa, đói khát sự công chính, thương xót, hiếu hòa và yêu thương (Ma-thi-ơ 5:5-9, 43-48). Nhờ các phẩm chất đó, chúng ta sẽ nói những lời lành và có hạnh kiểm tốt, điều này không chỉ làm Đức Giê-hô-va vui lòng mà còn giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với người khác.—Ma-thi-ơ 5:16.
11. Trong những lời khuyên của Chúa Giê-su về hành vi sai trái, ngài nhắm vào gốc rễ của vấn đề như thế nào?
11 Trong những lời khuyên của Chúa Giê-su về hành vi sai trái, ngài luôn nhắm vào gốc rễ của vấn đề. Ngài không chỉ khuyên chúng ta tránh những hành vi bạo lực, nhưng cảnh báo về việc cưu mang lòng oán giận (Ma-thi-ơ 5:21, 22; 1 Giăng 3:15). Ngài không chỉ cấm hành vi ngoại tình nhưng cảnh báo việc để tham muốn nảy nở trong lòng. Chúa Giê-su khuyên chúng ta đừng để mắt tập trung vào những điều khêu gợi sự dâm dục và các ham muốn sai trái (Ma-thi-ơ 5:27-30). Thay vì chỉ chú ý đến “triệu chứng” bên ngoài, Chúa Giê-su nhắm vào nguyên nhân của vấn đề, tức những suy nghĩ và ham muốn dẫn đến hành vi tội lỗi.—Thi thiên 7:14.
12. Môn đồ Chúa Giê-su xem sự khuyên bảo của ngài như thế nào, và tại sao?
12 Những lời của Chúa Giê-su thật khôn ngoan biết bao! Chẳng lạ gì khi “đoàn dân kinh ngạc về cách giảng dạy của ngài” (Ma-thi-ơ 7:28). Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta xem sự khuyên bảo khôn ngoan của ngài là kim chỉ nam cho đời sống mình. Chúng ta cố gắng vun trồng các đức tính ngài khuyên, như lòng thương xót, sự hiếu hòa và tình yêu thương, vì những đức tính này là nền tảng cho hạnh kiểm tin kính. Chúng ta cố gắng loại bỏ tận gốc những cảm xúc và ước muốn không lành mạnh mà Chúa Giê-su cảnh báo, như sự nóng giận và ham muốn vô luân, vì làm vậy chúng ta sẽ tránh được các hành vi sai trái.—Gia-cơ 1:14, 15.
Một lối sống được chi phối bởi sự khôn ngoan
13, 14. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su đã dùng khả năng suy xét trong việc chọn lối sống cho mình?
13 Chúa Giê-su biểu lộ sự khôn ngoan không chỉ qua lời nói mà còn qua việc làm. Toàn bộ lối sống của ngài, gồm những quyết định, cách nhìn nhận bản thân và cách đối xử với người khác, đều thể hiện sự khôn ngoan tuyệt vời. Hãy xem một số ví dụ cho thấy đời sống của Chúa Giê-su được chi phối bởi “sự khôn ngoan thiết thực và khả năng suy xét”.—Châm ngôn 3:21.
14 Sự khôn ngoan bao hàm khả năng suy xét. Chúa Giê-su đã dùng khả năng suy xét để chọn lối sống cho mình. Hãy hình dung cuộc sống mà Chúa Giê-su đã có thể tạo dựng cho mình. Ngài có thể xây nhà đẹp, gây dựng công việc kinh doanh hoặc tạo danh tiếng lừng lẫy trong thế gian thời bấy giờ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su biết rằng đời sống xoay quanh những điều đó chỉ “là hư không, là đuổi theo luồng gió” (Truyền đạo 4:4; 5:10). Theo đuổi lối sống ấy là dại dột, trái ngược với sự khôn ngoan. Chúa Giê-su chọn giữ đời sống đơn giản. Ngài không màng đến việc kiếm tiền hay tích lũy của cải (Ma-thi-ơ 8:20). Phù hợp với những điều ngài dạy, Chúa Giê-su tập trung vào một mục tiêu, đó là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:22). Ngài khôn ngoan cống hiến thời gian và năng lực cho quyền lợi Nước Trời, là điều có giá trị hơn vật chất và mang lại sự thỏa lòng sâu xa (Ma-thi-ơ 6:19-21). Gương của Chúa Giê-su đáng cho chúng ta noi theo.
15. Làm thế nào môn đồ Chúa Giê-su cho thấy họ giữ mắt tập trung vào quyền lợi Nước Trời, và tại sao đây là điều khôn ngoan?
15 Môn đồ Chúa Giê-su ngày nay nhận thấy việc giữ mắt tập trung vào quyền lợi Nước Trời là điều khôn ngoan. Vì thế, họ tránh để mình bị nặng gánh bởi những khoản nợ không cần thiết và các hoạt động ngoài đời chiếm nhiều thời gian và sức lực (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Nhiều người đã đơn giản hóa đời sống để có thể gia tăng thánh chức, ngay cả phụng sự trọn thời gian. Không có lối sống nào khôn ngoan hơn, vì khi đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc và thỏa nguyện sâu xa.—Ma-thi-ơ 6:33.
16, 17. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su khiêm tốn và mong đợi thực tế nơi bản thân? (b) Chúng ta có thể cho thấy mình khiêm tốn và thực tế như thế nào?
16 Kinh Thánh liên kết sự khôn ngoan với sự khiêm tốn, bao hàm việc ý thức về giới hạn của mình (Châm ngôn 11:2). Chúa Giê-su đã khiêm tốn và mong đợi thực tế nơi bản thân. Ngài biết mình không thể khiến tất cả mọi người hưởng ứng thông điệp (Ma-thi-ơ 10:32-39). Ngài cũng nhận ra mình chỉ có thể rao giảng cho giới hạn một số người. Vì thế, ngài khôn ngoan giao cho các môn đồ công việc đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:18-20). Ngài khiêm tốn công nhận rằng họ “sẽ làm những việc lớn hơn” ngài, vì họ sẽ rao giảng cho nhiều người hơn, trên địa bàn rộng hơn và trong một thời gian dài hơn (Giăng 14:12). Chúa Giê-su cũng thừa nhận mình cần sự giúp đỡ. Ngài chấp nhận sự trợ giúp của các thiên sứ đến phục vụ ngài trong hoang mạc và của một thiên sứ đến làm vững mạnh ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Vào giờ phút cam go nhất, Con Đức Chúa Trời kêu cầu sự giúp đỡ.—Ma-thi-ơ 4:11; Lu-ca 22:43; Hê-bơ-rơ 5:7.
17 Chúng ta cũng cần khiêm tốn và mong đợi thực tế nơi bản thân. Đành rằng, chúng ta muốn tận tâm và làm hết sức trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ (Lu-ca 13:24; Cô-lô-se 3:23). Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không so sánh chúng ta với người khác, và chúng ta cũng không nên làm thế (Ga-la-ti 6:4). Sự khôn ngoan sẽ giúp chúng ta đặt ra những mục tiêu thực tế, phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. Sự khôn ngoan cũng giúp những anh có trách nhiệm khiêm tốn thừa nhận mình có giới hạn và đôi khi cần sự giúp đỡ, khích lệ. Sự khiêm tốn sẽ giúp họ sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ vì họ nhận ra rằng có thể Đức Giê-hô-va dùng một anh em để làm ‘nguồn an ủi lớn cho mình’.—Cô-lô-se 4:11.
18, 19. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su tích cực và phải lẽ trong việc đối xử với môn đồ? (b) Tại sao chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su trong phương diện này, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?
18 Gia-cơ 3:17 nói: ‘Sự khôn ngoan từ trên là phải lẽ’. Chúa Giê-su tích cực và phải lẽ trong việc đối xử với môn đồ. Dù thấy rõ khuyết điểm của các môn đồ, nhưng ngài tìm điểm tốt nơi họ (Giăng 1:47). Dù biết họ sẽ từ bỏ ngài vào đêm ngài bị bắt, nhưng Chúa Giê-su vẫn tin vào lòng trung thành của họ (Ma-thi-ơ 26:31-35; Lu-ca 22:28-30). Ba lần Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-su. Dù vậy, ngài đã cầu nguyện cho ông và tin là ông sẽ trung thành (Lu-ca 22:31-34). Trong lời cầu nguyện với Cha vào đêm cuối trên đất, Chúa Giê-su không tập trung vào lỗi lầm của các môn đồ. Thay vì thế, ngài nói tích cực về họ: “Họ vâng giữ lời Cha” (Giăng 17:6). Dù các môn đồ có nhược điểm, Chúa Giê-su vẫn đặt trong tay họ công việc rao giảng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Hẳn lòng tin của Chúa Giê-su đã thêm sức cho các môn đồ để họ thi hành công việc ngài giao.
19 Môn đồ Chúa Giê-su cần noi gương ngài về phương diện này. Suy cho cùng, nếu Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời kiên nhẫn và phải lẽ với các môn đồ bất toàn, thì chẳng phải con người bất toàn chúng ta càng phải làm thế với nhau sao? (Phi-líp 4:5). Thay vì tập trung vào những sai sót, chúng ta nên tìm điểm tốt nơi anh em đồng đạo. Hãy nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va kéo họ đến (Giăng 6:44). Chắc chắn ngài thấy điểm tốt nơi họ, và chúng ta cũng nên làm thế. Thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta không chỉ bỏ qua khuyết điểm của người khác, mà còn tìm ưu điểm nơi họ để khen (Châm ngôn 19:11). Khi bày tỏ lòng tin tưởng anh em đồng đạo, chúng ta sẽ khuyến khích họ hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui mừng.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.
20. Chúng ta nên làm gì với kho tàng của sự khôn ngoan tìm thấy nơi những lời tường thuật trong Phúc âm, và tại sao?
20 Những lời tường thuật trong Phúc âm về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su quả là kho tàng của sự khôn ngoan! Chúng ta nên làm gì với món quà vô giá này? Trong phần kết của Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su khuyến khích thính giả không chỉ nghe những lời khôn ngoan của ngài, mà còn làm theo (Ma-thi-ơ 7:24-27). Nếu luôn uốn nắn lối suy nghĩ, động cơ và hành vi của mình theo lời nói và hành động của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ có lối sống tốt nhất ngay bây giờ và không đi chệch khỏi con đường dẫn đến sự sống (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Chắc chắn, không có lối sống nào khôn ngoan hơn!
a Bài giảng này về sau được gọi là Bài giảng trên núi. Trong lời tường thuật nơi Ma-thi-ơ 5:3–7:27, bài giảng này gồm 107 câu và có lẽ được nói trong vòng 20 phút.
b Dường như, khi “các tầng trời mở ra” vào lúc Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, ký ức về đời sống trên trời tái hiện trong ngài.—Ma-thi-ơ 3:13-17.