CHƯƠNG 9
“Đấng Christ là quyền-phép của Đức Chúa Trời”
1-3. (a) Các môn đồ trải qua kinh nghiệm hãi hùng nào trên biển Ga-li-lê, và Chúa Giê-su đã làm gì? (b) Tại sao Chúa Giê-su xứng đáng mang danh “Đấng Christ là quyền-phép của Đức Chúa Trời”?
CÁC môn đồ kinh hãi. Họ đang giong thuyền qua Biển Ga-li-lê, thình lình một cơn bão ập đến. Chắc chắn trước đây họ từng gặp bão trên hồ này—xét cho cùng, một số môn đồ có nhiều kinh nghiệm đánh cá.a (Ma-thi-ơ 4:18, 19) Nhưng đây là một “cơn bão lớn”, nhanh chóng làm biển động dữ dội. Những người đàn ông cuống cuồng ra sức lèo lái, nhưng cơn bão quá mạnh. Những đợt sóng cồn “tạt vào thuyền” khiến thuyền bắt đầu ngập nước. Giữa cảnh náo loạn, Chúa Giê-su vẫn ngủ say ở đuôi thuyền, mệt lả sau một ngày dạy dỗ đoàn dân đông. Lo sợ cho tính mạng, các môn đồ đánh thức ngài và nài xin: “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!”—Mác 4:35-38; Ma-thi-ơ 8:23-25.
2 Chúa Giê-su không sợ hãi. Đầy lòng tự tin, ngài quở gió và biển: “Hãy êm đi, lặng đi!” Lập tức gió và biển vâng lời—cơn giông tố ngừng, biển lặng sóng, và “yên-lặng như tờ”. Giờ đây một nỗi sợ hãi lạ thường bao trùm các môn đồ. Họ thì thầm với nhau: “Người nầy là ai?” Thật vậy, người này là ai mà có thể quở trách gió và biển như sửa dạy một đứa trẻ ngang bướng?—Mác 4:39-41; Ma-thi-ơ 8:26, 27.
3 Nhưng Chúa Giê-su tuyệt nhiên không phải người thường. Vì Chúa Giê-su và qua ngài, Đức Giê-hô-va biểu lộ quyền năng bằng những cách phi thường. Được soi dẫn, sứ đồ Phao-lô đã nói chính đáng về Chúa Giê-su: “Đấng Christ là quyền-phép của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 1:24) Quyền năng Đức Chúa Trời biểu lộ qua Chúa Giê-su bằng những cách nào? Và việc Chúa Giê-su sử dụng quyền năng ảnh hưởng gì đến đời sống chúng ta?
Quyền năng của Con độc sinh Đức Chúa Trời
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va ủy thác quyền lực và thẩm quyền nào cho Con độc sinh của Ngài? (b) Người Con này được trang bị như thế nào để thực hiện ý định của Cha trong công cuộc sáng tạo?
4 Hãy suy nghĩ về quyền năng mà Chúa Giê-su có trước khi xuống đất làm người. Đức Giê-hô-va đã hành sử “quyền-phép đời đời” khi tạo ra Con độc sinh của Ngài, đấng về sau được gọi là Chúa Giê-su Christ. (Rô-ma 1:20; Cô-lô-se 1:15) Sau đó, Đức Giê-hô-va ủy thác rất nhiều quyền lực và thẩm quyền cho Chúa Giê-su, giao cho ngài nhiệm vụ thực hiện ý định Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo. Nói về người Con ấy, Kinh Thánh cho biết: “Muôn-vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”.—Giăng 1:3.
5 Chúng ta hầu như không nhận thức nổi quy mô của nhiệm vụ ấy. Hãy tưởng tượng năng lực cần thiết để tạo ra hàng triệu thiên sứ mạnh mẽ, vũ trụ vật chất với hàng tỉ thiên hà, và trái đất với sự sống đa dạng, phong phú. Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Con độc sinh ấy đã có trong tay một lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ—thánh linh của Đức Chúa Trời. Người Con này rất vui thích làm Thợ Cái, được Đức Giê-hô-va dùng để tạo nên mọi vật khác.—Châm-ngôn 8:22-31.
6. Sau khi chết trên đất và sống lại, Chúa Giê-su được ban cho quyền năng và thẩm quyền nào?
6 Con độc sinh ấy có thể nhận thêm quyền lực và thẩm quyền nữa không? Sau khi chết trên đất và sống lại, Chúa Giê-su phán: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”. (Ma-thi-ơ 28:18) Đúng vậy, Chúa Giê-su được ban cho khả năng và quyền sử dụng quyền năng trên khắp vũ trụ. Là “Vua của các vua và Chúa của các chúa”, ngài có quyền “phá-diệt mọi đế-quốc, mọi quyền cai-trị, và mọi thế-lực”—cả hữu hình lẫn vô hình—đối lập với Cha ngài. (Khải-huyền 19:16; 1 Cô-rinh-tô 15:24-26) Đức Chúa Trời “chẳng để cho một vật nào chẳng phục” Chúa Giê-su—ngoại trừ chính Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 2:8; 1 Cô-rinh-tô 15:27.
7. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn Chúa Giê-su sẽ không lạm dụng quyền phép mà Đức Giê-hô-va đã giao cho ngài?
7 Chúng ta có cần phải lo ngại Chúa Giê-su lạm dụng quyền lực không? Tuyệt đối không! Chúa Giê-su thật sự yêu thương Cha ngài và sẽ không làm điều gì khiến Cha buồn lòng. (Giăng 8:29; 14:31) Chúa Giê-su biết rõ Đức Giê-hô-va không lạm dụng quyền toàn năng của Ngài. Chính mắt Chúa Giê-su đã thấy Đức Giê-hô-va tìm cơ hội “đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9) Thật vậy, Chúa Giê-su có cùng tình yêu thương loài người như Cha ngài, thế nên chúng ta có thể tin rằng ngài sẽ luôn luôn sử dụng quyền năng để thực hiện các điều lợi ích. (Giăng 13:1) Chúa Giê-su đã lập thành tích hoàn thiện về phương diện này. Chúng ta hãy xem xét quyền phép ngài có khi ở trên đất, và ngài đã được thôi thúc như thế nào để sử dụng quyền phép ấy.
“Có quyền-phép trong... lời nói”
8. Sau khi được xức dầu, Chúa Giê-su được ban cho quyền phép để làm gì, và ngài đã sử dụng quyền phép ấy như thế nào?
8 Bằng chứng cho thấy trong thời niên thiếu ở Na-xa-rét, Chúa Giê-su không làm phép lạ nào. Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi ngài làm báp têm vào năm 29 CN, lúc độ 30 tuổi. (Lu-ca 3:21-23) Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh-Linh và quyền-phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma-quỉ ức-hiếp”. (Công-vụ 10:38) “Làm phước”—chẳng phải điều này cho thấy Chúa Giê-su đã sử dụng đúng đắn quyền phép hay sao? Sau khi được xức dầu, ngài trở thành “một đấng tiên-tri, có quyền-phép trong việc làm và trong lời nói”.—Lu-ca 24:19.
9-11. (a) Chúa Giê-su thường dạy dỗ ở đâu, và ngài phải vượt qua thách đố nào? (b) Tại sao đám đông lấy làm kinh ngạc về cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?
9 Chúa Giê-su có quyền phép trong lời nói như thế nào? Ngài thường dạy dỗ ngoài trời—bên bờ hồ, trên sườn đồi cũng như trên đường phố và ngoài chợ. (Mác 6:53-56; Lu-ca 5:1-3; 13:26) Người nghe có thể bỏ đi nếu những lời của ngài không thu hút họ. Vào thời chưa có máy in, người nghe có lòng trân trọng phải ghi nhớ những lời ngài trong tâm trí. Do đó, sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cần phải gây ấn tượng sâu sắc, hiểu được rõ ràng, và dễ nhớ. Thách đố này không khó đối với Chúa Giê-su. Thí dụ, hãy xem xét Bài Giảng trên Núi của ngài.
10 Vào một buổi sáng khoảng đầu năm 31 CN, một đám đông tụ tập trên sườn đồi gần Biển Ga-li-lê. Một số người đến từ xứ Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem, cách đó 100 đến 110 kilômét. Những người khác đến từ vùng bờ biển thành Ty-rơ và Si-đôn phía bắc. Nhiều người bệnh đến gần để sờ vào Chúa Giê-su, và ngài chữa lành hết thảy. Khi không còn người bệnh nặng nào cả, ngài bắt đầu dạy dỗ. (Lu-ca 6:17-19) Khi ngài dứt lời, họ kinh ngạc vì những điều đã nghe. Tại sao?
11 Nhiều năm sau, một người đã nghe bài giảng ấy viết: “Đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền”. (Ma-thi-ơ 7:28, 29) Họ có thể cảm nhận được quyền lực trong lời Chúa Giê-su. Ngài nói thay mặt Đức Chúa Trời và chứng minh các dạy dỗ bằng thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. (Giăng 7:16) Các lời nói của Chúa Giê-su rõ ràng, lời khuyên giục của ngài đầy sức thuyết phục, và lý lẽ không thể biện bác được. Lời ngài đi vào trọng tâm vấn đề cũng như đi thẳng vào lòng người nghe. Ngài dạy họ cách tìm được hạnh phúc, cầu nguyện như thế nào, làm sao tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, và làm thế nào xây đắp một tương lai vững chắc. (Ma-thi-ơ 5:3–7:27) Lời ngài thức tỉnh những tấm lòng khao khát lẽ thật và sự công bình. Những người này sẵn sàng “liều mình” và bỏ hết thảy mà theo ngài. (Ma-thi-ơ 16:24; Lu-ca 5:10, 11) Thật là bằng chứng mạnh mẽ về quyền lực của lời Chúa Giê-su!
“Có quyền-phép trong việc làm”
12, 13. Chúa Giê-su “có quyền-phép trong việc làm” theo nghĩa nào, và phép lạ ngài thực hiện đa dạng ra sao?
12 Chúa Giê-su cũng có “quyền-phép trong việc làm”. (Lu-ca 24:19) Các sách Phúc Âm ghi lại hơn 30 phép lạ cụ thể mà ngài thực hiện—tất cả đều do ‘quyền-phép Đức Giê-hô-va’.b (Lu-ca 5:17) Phép lạ của Chúa Giê-su tác động đến đời sống của hàng ngàn người. Chỉ hai phép lạ thôi cũng đã ảnh hưởng đến những đám đông tổng cộng khoảng 20.000 người—một lần cho 5.000 người đàn ông ăn và lần khác 4.000 “không kể đàn-bà con-trẻ”.—Ma-thi-ơ 14:13-21; 15:32-38.
“Họ thấy Đức Chúa Jêsus đi trên mặt biển”
13 Các phép lạ Chúa Giê-su thực hiện rất đa dạng. Ngài có quyền chế ngự và đuổi các quỉ dễ dàng. (Lu-ca 9:37-43) Ngài có quyền phép trên các lực lượng thiên nhiên, biến nước thành rượu. (Giăng 2:1-11) Ngài đi trên mặt Biển Ga-li-lê đầy sóng gió khiến các môn đồ kinh ngạc. (Giăng 6:18, 19) Ngài chế ngự được bệnh tật, chữa lành những cơ quan bị khuyết tật, bệnh mãn tính, và bệnh đe dọa đến tính mạng. (Mác 3:1-5; Giăng 4:46-54) Ngài chữa lành bằng nhiều cách. Vài người được chữa lành từ xa, còn những người khác thì chính tay Chúa Giê-su chạm vào họ. (Ma-thi-ơ 8:2, 3, 5-13) Một số người lành bệnh ngay, những người khác thì khỏi dần dần.—Mác 8:22-25; Lu-ca 8:43, 44.
14. Chúa Giê-su chứng tỏ ngài có quyền vô hiệu hóa sự chết trong những tình huống nào?
14 Điều nổi bật nhất là Chúa Giê-su có quyền vô hiệu hóa sự chết. Trong ba trường hợp được ghi nhận, ngài làm người chết sống lại: một bé gái 12 tuổi, con trai một của bà mẹ góa, và người anh thân yêu của hai cô gái. (Lu-ca 7:11-15; 8:49-56; Giăng 11:38-44) Không tình huống nào quá khó đối với ngài. Ngài làm bé gái 12 tuổi hồi sinh bước ra khỏi giường sau khi em tắt thở ít lâu. Ngài phục hồi sự sống cho con trai một của bà mẹ góa, khiến người con bước ra khỏi quan tài trong ngày đem chôn. Ngài làm La-xa-rơ sống lại và ra khỏi mồ, sau khi ông chết đã bốn ngày.
Sử dụng quyền phép một cách vị tha, có suy xét, đầy quan tâm
15, 16. Có bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su sử dụng quyền phép một cách vị tha?
15 Nếu quyền phép của Chúa Giê-su nằm trong tay người cai trị bất toàn, bạn có thể tưởng tượng nổi nguy cơ lạm quyền không? Nhưng Chúa Giê-su vô tội. (1 Phi-e-rơ 2:22) Ngài không để mình chịu sự chi phối của tính ích kỷ, tham vọng, và tham lam, là những động cơ thúc đẩy con người bất toàn dùng quyền lực làm tổn thương người khác.
16 Chúa Giê-su không sử dụng quyền phép một cách ích kỷ, không bao giờ trục lợi riêng. Khi đói, ngài từ chối hóa đá thành bánh. (Ma-thi-ơ 4:1-4) Việc ngài có ít của cải là bằng chứng cho thấy ngài không sử dụng quyền phép để trục lợi vật chất. (Ma-thi-ơ 8:20) Còn có những bằng chứng khác cho thấy việc sử dụng quyền phép của ngài xuất phát từ động cơ vị tha. Khi làm phép lạ, ngài hao tổn một phần sức lực. Khi chữa bệnh, quyền phép thoát ra khỏi ngài. Ngài cảm nhận được quyền phép ngài tiêu hao, ngay cả trong trường hợp chỉ chữa cho một người. (Mác 5:25-34) Song, ngài vẫn để đoàn dân sờ vào ngài, nên họ được chữa lành. (Lu-ca 6:19) Thật là một tinh thần vị tha biết bao!
17. Khi sử dụng quyền phép, Chúa Giê-su chứng tỏ có suy xét như thế nào?
17 Chúa Giê-su sử dụng quyền phép một cách có suy xét. Ngài không bao giờ thực hiện quyền phép cốt chỉ để phô trương hoặc khoe khoang vô ích. (Ma-thi-ơ 4:5-7) Khi Vua Hê-rốt có động cơ sai trái, muốn Chúa Giê-su làm phép lạ, ngài từ chối thỏa mãn tính hiếu kỳ của ông ta. (Lu-ca 23:8, 9) Thay vì huênh hoang về quyền phép của mình, Chúa Giê-su thường dặn những người được chữa lành đừng nói cho ai biết. (Mác 5:43; 7:36) Ngài không muốn người ta đi đến kết luận về ngài dựa theo những tin đồn giật gân.—Ma-thi-ơ 12:15-19.
18-20. (a) Điều gì chi phối cách Chúa Giê-su dùng quyền phép? (b) Bạn nghĩ gì về cách Chúa Giê-su chữa lành một người điếc nọ?
18 Chúa Giê-su có quyền phép nhưng tuyệt nhiên không giống những người cai trị sử dụng quyền lực một cách nhẫn tâm, không lưu ý đến nhu cầu và đau khổ của người khác. Chúa Giê-su quan tâm đến người ta. Chỉ nhìn thấy cảnh đau khổ, ngài cũng đã xúc động sâu xa; sự xúc động ấy thôi thúc ngài giải tỏa nỗi đau của họ. (Ma-thi-ơ 14:14) Ngài quan tâm đến xúc cảm và nhu cầu của họ; mối quan tâm trìu mến này chi phối cách ngài sử dụng quyền phép. Mác 7:31-37 kể lại một ví dụ cảm động.
19 Vào dịp này, đoàn dân đông tìm đến Chúa Giê-su, mang theo nhiều người bệnh, và ngài đã chữa lành hết thảy. (Ma-thi-ơ 15:29, 30) Nhưng Chúa Giê-su đặc biệt quan tâm đến một người đàn ông. Ông này điếc và hầu như không biết nói. Có lẽ Chúa Giê-su đã nhận thấy ông sợ sệt hoặc ngượng ngùng khác thường. Ngài quan tâm dẫn ông ấy ra chỗ khác—cách xa đám đông. Kế đó, Chúa Giê-su ra hiệu cho người ấy biết những gì ngài sắp làm. Ngài “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”.c (Mác 7:33, Tòa Tổng Giám Mục) Tiếp đó, Chúa Giê-su ngước mắt lên trời, thở ra một hơi dài và cầu xin. Các hành động này nói với người ấy: ‘Điều ta sắp làm cho ngươi là do quyền phép Đức Chúa Trời’. Cuối cùng, Chúa Giê-su phán: “Hãy mở ra!” (Mác 7:34) Tức khắc, thính giác của người ấy hồi phục và ông có thể nói bình thường.
20 Ngay cả khi sử dụng quyền phép Đức Chúa Trời để chữa lành người bệnh, Chúa Giê-su cũng biểu lộ lòng thông cảm, quan tâm đến cảm nghĩ của họ; thật cảm động biết bao khi suy nghĩ về hành động ấy! Chúng ta không yên lòng sao, khi biết Đức Giê-hô-va đặt Nước của Đấng Mê-si vào tay Vị Vua có lòng trắc ẩn và ân cần đến thế?
Dấu hiệu báo trước những điều sẽ đến
21, 22. (a) Những phép lạ của Chúa Giê-su báo trước điều gì? (b) Vì Chúa Giê-su có khả năng chế ngự các lực thiên nhiên, nên dưới sự cai trị của ngài trong Nước Trời, chúng ta có thể mong đợi điều gì?
21 Những phép lạ Chúa Giê-su thực hiện dưới đất chỉ phản ánh một phần rất nhỏ những ân phước tuyệt vời sẽ đến dưới sự cai trị của ngài. Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ lại thực hiện phép lạ—nhưng trên bình diện toàn cầu! Hãy xem xét một số triển vọng phấn khởi trong tương lai.
22 Chúa Giê-su sẽ làm cho môi trường sinh thái của trái đất hoàn toàn thăng bằng trở lại. Hãy nhớ lại rằng ngài đã chứng tỏ có khả năng chế ngự các lực thiên nhiên bằng cách làm tan cơn bão. Vậy, dưới quyền cai trị của Đấng Christ trong Nước Trời, tuyệt nhiên con người sẽ không còn phải sợ bão tố, động đất, núi lửa hay các thiên tai khác làm hại. Bởi lẽ Chúa Giê-su là Thợ Cái được Đức Giê-hô-va dùng để tạo ra trái đất và hết thảy sự sống trên đó, nên ngài hiểu rõ cấu tạo của trái đất. Ngài biết cách sử dụng đúng đắn tài nguyên của trái đất. Dưới quyền cai trị của ngài, cả trái đất này sẽ trở thành Địa Đàng.—Lu-ca 23:43.
23. Trên cương vị Vua Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ thỏa mãn các nhu cầu của nhân loại như thế nào?
23 Còn về nhu cầu của nhân loại thì sao? Chỉ với một ít lương thực, Chúa Giê-su đã cung cấp thực phẩm dư dật cho hàng ngàn người ăn; khả năng này bảo đảm rằng dưới sự cai trị của ngài, nạn đói sẽ không còn. Thật vậy, thực phẩm dư dật được phân phối công bằng sẽ vĩnh viễn chấm dứt nạn đói. (Thi-thiên 72:16) Việc ngài chế ngự được bệnh tật cho chúng ta biết rằng người bệnh, mù, điếc, tàn tật và què sẽ được chữa lành—một cách trọn vẹn và vĩnh viễn. (Ê-sai 33:24; 35:5, 6) Khả năng của Chúa Giê-su làm người chết sống lại đảm bảo rằng, trên cương vị Vua cai trị từ trên trời, quyền lực của ngài bao gồm cả quyền phép phục hồi sự sống cho vô số triệu người mà Cha ngài vui lòng nhớ đến.—Giăng 5:28, 29.
24. Khi suy ngẫm về quyền phép của Chúa Giê-su, chúng ta nên nhớ điều gì, và tại sao?
24 Khi suy ngẫm về quyền phép của Chúa Giê-su, chúng ta hãy nhớ rằng người Con này noi theo gương mẫu Cha ngài một cách hoàn hảo. (Giăng 14:9) Do đó, qua cách Chúa Giê-su sử dụng quyền phép, chúng ta thấy rõ cách Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng. Thí dụ, hãy nghĩ về cách Chúa Giê-su ân cần chữa lành một người phung. Xúc động vì thương xót, Chúa Giê-su sờ người ấy và phán: “Ta khứng”. (Mác 1:40-42) Qua những tường thuật như thế, Đức Giê-hô-va như thể đang nói với chúng ta: ‘Đó là cách ta sử dụng quyền năng!’ Ngài sử dụng quyền năng một cách yêu thương như thế, chẳng lẽ lòng bạn không thôi thúc bạn ngợi khen Đức Chúa Trời toàn năng và cảm tạ Ngài sao?
a Bão nổi lên thình lình ở Biển Ga-li-lê là chuyện thường. Vì Biển Ga-li-lê ở độ thấp (khoảng 200 mét dưới mực nước biển), nên không khí ở đó ấm hơn nhiều so với vùng chung quanh, vì thế gây nhiễu loạn khí quyển. Gió mạnh từ Núi Hẹt-môn phía bắc ùa xuống Thung Lũng Giô-đanh. Trời đang lặng gió có thể thình lình chuyển sang giông bão dữ dội.
b Ngoài ra, đôi khi các sách Phúc Âm gộp nhiều phép lạ khác nhau trong một lời miêu tả bao quát. Thí dụ, vào một dịp nọ, “cả thành” đến gặp ngài và ngài chữa lành “nhiều” người bệnh.—Mác 1:32-34.
c Việc phun nhổ được cả dân Do Thái lẫn Dân Ngoại chấp nhận là một cách hoặc một dấu báo hiệu việc chữa bệnh, và những sách của các ra-bi có ghi lại việc dùng nước bọt trong cách trị liệu. Có thể Chúa Giê-su đã nhổ nước bọt chỉ để báo cho người ấy biết ông sắp được chữa bệnh. Dù thế nào đi nữa, Chúa Giê-su không dùng nước bọt của ngài làm một thứ dược liệu tự nhiên.