Bạn có được thúc đẩy để hành động giống như Chúa Giê-su không?
“Đức Chúa Jêsus... thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương-xót đến, vì như chiên không có người chăn; Ngài bèn khởi-sự dạy-dỗ họ”—MÁC 6:34.
1. Tại sao việc người ta biểu lộ những đức tính đáng khâm phục là điều dễ hiểu?
TRONG suốt lịch sử, nhiều người đã biểu lộ những đức tính đáng khâm phục. Bạn có thể hiểu được tại sao. Giê-hô-va Đức Chúa Trời có tình yêu thương, lòng nhân từ, rộng rãi và những đức tính khác mà chúng ta quý trọng, và Ngài biểu lộ những đức tính này. Loài người được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Vì thế chúng ta có thể hiểu được tại sao nhiều người biểu lộ một mức độ yêu thương, nhân từ, thương xót và những thiên tính khác, cũng như phần đông cho thấy họ có lương tâm. (Sáng-thế Ký 1:26; Rô-ma 2:14, 15) Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy rằng một số người biểu lộ những đức tính này dễ dàng hơn người khác.
2. Người ta có thể làm một số việc thiện nào, có lẽ cảm thấy họ đang noi gương Đấng Christ?
2 Có lẽ bạn quen biết những người đàn ông và đàn bà thường thăm viếng hoặc giúp đỡ người bệnh, tỏ lòng thương xót đối với người tật nguyền, hoặc giúp người nghèo một cách rộng rãi. Cũng hãy nghĩ đến những người vì lòng thương xót dùng đời sống mình làm việc trong khu người bị bệnh phong hoặc trại mồ côi, những người tình nguyện làm trong nhà thương hoặc viện dành cho bệnh nhân sắp chết, hoặc những người cố gắng giúp người không nhà cửa hoặc người tị nạn. Có thể một số người này cảm thấy họ đang noi theo Chúa Giê-su, đấng nêu gương cho tín đồ Đấng Christ. Chúng ta đọc trong Phúc Âm là Đấng Christ chữa lành người bệnh và cho người đói ăn. (Mác 1:34; 8:1-9; Lu-ca 4:40) Những việc làm yêu thương, ân cần và thương xót của Chúa Giê-su là sự biểu hiện “ý của Đấng Christ”, đấng noi gương Cha trên trời của ngài.—1 Cô-rinh-tô 2:16.
3. Để có quan điểm thăng bằng về những việc thiện Chúa Giê-su làm, chúng ta cần xem xét điều gì?
3 Tuy nhiên, bạn có nhận xét là ngày nay nhiều người cảm kích trước tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa Giê-su nhưng lại không để ý đến một điểm then chốt về ý của Đấng Christ không? Chúng ta có thể hiểu thấu điều này bằng cách xem xét kỹ Mác chương 6. Nơi đó chúng ta đọc thấy là người ta đem người bệnh đến cho Chúa Giê-su chữa. Trong bối cảnh ấy, chúng ta cũng biết là khi thấy hàng ngàn người đến với ngài bấy giờ đã đói, Chúa Giê-su cho họ ăn bằng phép lạ. (Mác 6:35-44, 54-56) Chữa lành người bệnh và cho người đói ăn là sự biểu lộ nổi bật về lòng trắc ẩn đầy yêu thương, nhưng đó có phải là cách chính mà Chúa Giê-su giúp người khác không? Và bằng cách tốt nhất nào chúng ta có thể noi gương tuyệt hảo của ngài về tình yêu thương, lòng nhân từ và thương xót, y như ngài noi gương Đức Giê-hô-va?
Được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng
4. Bối cảnh của lời tường thuật nơi Mác 6:30-34 là gì?
4 Chúa Giê-su thương xót những người xung quanh ngài chủ yếu vì nhu cầu thiêng liêng của họ. Nhu cầu đó là quan trọng nhất, hơn cả nhu cầu thể chất. Hãy xem lời tường thuật nơi Mác 6:30-34. Sự kiện ghi lại ở đó xảy ra trên bờ Biển Ga-li-lê, gần ngày Lễ Vượt Qua năm 32 CN. Các sứ đồ rất phấn khích, và vì lý do chính đáng. Vừa hoàn tất một chuyến đi nhiều nơi, họ đến gặp Chúa Giê-su, chắc hẳn háo hức muốn kể cho ngài nghe kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, đám đông tụ tập lại. Người ta đến đông quá, nên Chúa Giê-su và các sứ đồ không thể ăn uống hoặc nghỉ ngơi được. Chúa Giê-su bảo các sứ đồ: “Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng-vẻ, nghỉ-ngơi một chút”. (Mác 6:31) Xuống một chiếc thuyền, có lẽ gần Ca-bê-na-um, họ băng qua Biển Ga-li-lê để đi đến một nơi yên tịnh. Nhưng đám đông chạy dọc theo bờ và đến đó trước thuyền. Chúa Giê-su phản ứng ra sao? Ngài có bực bội vì bị quấy rầy không? Hoàn toàn không!
5. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về đám đông đến với ngài, và ngài làm gì cho họ?
5 Chúa Giê-su xúc động trước cảnh đám đông hàng ngàn người này, kể cả người bệnh, háo hức chờ đợi ngài. (Ma-thi-ơ 14:14; Mác 6:44) Tập trung vào điều khiến Chúa Giê-su động lòng thương xót và cách ngài phản ứng, Mác viết: “Chúa Jêsus... thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương-xót đến, vì như chiên không có người chăn; Ngài bèn khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều”. (Mác 6:34) Chúa Giê-su không chỉ thấy một đám đông quần chúng. Ngài còn thấy những người có nhu cầu thiêng liêng. Họ giống như chiên lạc lõng không nơi nương tựa, không có người chăn bảo vệ họ hoặc dẫn đến đồng cỏ xanh tươi. Chúa Giê-su biết rằng những người lãnh đạo tôn giáo hờ hững, đáng lẽ phải là những người chăn ân cần, nhưng lại coi khinh dân thường và thờ ơ với nhu cầu thiêng liêng của họ. (Ê-xê-chi-ên 34:2-4; Giăng 7:47-49) Chúa Giê-su đối xử với họ một cách khác, làm điều tốt lành nhất cho họ. Ngài bắt đầu dạy họ về Nước Đức Chúa Trời.
6, 7. (a) Phúc Âm cho thấy điều gì là ưu tiên trong cách Chúa Giê-su đáp ứng nhu cầu của dân chúng? (b) Động cơ nào thúc đẩy Chúa Giê-su rao giảng và dạy dỗ?
6 Hãy lưu ý một lời tường thuật tương tự cho thấy rõ thứ tự ưu tiên và điều gì quan trọng nhất. Lời này do Lu-ca viết; ông là một thầy thuốc và hết sức quan tâm đến sức khỏe thể chất của người khác. “Dân-chúng... đi theo Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp-đãi dân-chúng, giảng cho họ về nước Đức Chúa Trời, và chữa cho những kẻ cần được lành bịnh”. (Lu-ca 9:11, chúng tôi viết nghiêng; Cô-lô-se 4:14) Mặc dù không phải lời tường thuật nào về phép lạ cũng ghi giống như thế, nhưng trong trường hợp này, lời tường thuật được soi dẫn của Lu-ca ghi chép điều gì trước? Đó chính là sự kiện Chúa Giê-su dạy dỗ dân chúng.
7 Điều này quả thật phù hợp với điểm được nhấn mạnh nơi Mác 6:34. Câu đó cho thấy rõ ràng động lực nào chủ yếu thúc đẩy Chúa Giê-su biểu lộ lòng thương xót. Ngài dạy dỗ dân chúng, đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của họ. Trước đó, Chúa Giê-su nói: “Ta... phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến”. (Lu-ca 4:43) Tuy nhiên, chúng ta lầm nếu nghĩ rằng Chúa Giê-su công bố thông điệp Nước Trời chỉ vì bổn phận, như thể ngài rao giảng một cách máy móc vì bắt buộc. Không phải vậy, lòng trắc ẩn đầy yêu thương đối với dân chúng là động cơ chính yếu thúc đẩy ngài chia sẻ tin mừng với họ. Điều tốt nhất mà Chúa Giê-su có thể làm—ngay cả cho người bệnh, người bị quỷ ám, người nghèo hoặc người đói khát—là giúp họ biết, chấp nhận và yêu mến lẽ thật về Nước Đức Chúa Trời. Lẽ thật đó là điều quan trọng nhất vì Nước Trời có vai trò lớn trong việc biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và cung cấp ân phước vĩnh viễn cho loài người.
8. Chúa Giê-su nghĩ thế nào về việc rao giảng và dạy dỗ?
8 Việc Chúa Giê-su tích cực rao giảng về Nước Trời là lý do chính yếu tại sao ngài xuống đất. Gần cuối thánh chức ngài trên đất, Chúa Giê-su nói với Phi-lát: “Vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta”. (Giăng 18:37) Trong hai bài trước, chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giê-su là một người có lòng nhân hậu—ân cần, dễ đến gần, quan tâm đến người khác, tin cậy và trên hết, yêu thương. Chúng ta cần hiểu rõ những khía cạnh đó về nhân cách ngài nếu chúng ta thật sự muốn hiểu ý của Đấng Christ. Điều quan trọng không kém là nhận thức rằng ý của Đấng Christ bao hàm sự kiện ngài đặt ưu tiên việc rao giảng và dạy dỗ.
Ngài thúc giục người khác làm chứng
9. Rao giảng và dạy dỗ là điều ưu tiên cho ai?
9 Không phải chỉ Chúa Giê-su mới cần đặt ưu tiên việc rao giảng và dạy dỗ—như một cách biểu lộ tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Ngài thúc giục môn đồ noi theo động cơ, thứ tự ưu tiên và hành động của ngài. Thí dụ, sau khi Chúa Giê-su chọn 12 sứ đồ, họ phải làm gì? Mác 3:14, 15 cho chúng ta biết: “Ngài... lập mười hai người, gọi là sứ-đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo, lại ban cho quyền-phép đuổi quỉ”. (Chúng tôi viết nghiêng) Bạn có thấy điều ưu tiên nào cho các sứ đồ không?
10, 11. (a) Khi phái các sứ đồ đi, Chúa Giê-su bảo họ làm gì? (b) Trong việc phái các sứ đồ đi, điều gì là trọng tâm?
10 Với thời gian, Chúa Giê-su ban cho 12 sứ đồ quyền phép chữa bệnh và đuổi quỷ. (Ma-thi-ơ 10:1; Lu-ca 9:1) Rồi ngài phái họ đi đến “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên”. Để làm gì? Chúa Giê-su truyền bảo họ: “Khi đi đường, hãy rao-giảng rằng: Nước thiên-đàng gần rồi. Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ”. (Ma-thi-ơ 10:5-8; Lu-ca 9:2) Trên thực tế họ đã làm gì? “Vậy, các sứ-đồ đi ra, [1] giảng cho người ta phải ăn-năn; [2] đuổi nhiều ma-quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh, và chữa cho được lành”.—Mác 6:12, 13.
11 Vì không phải lúc nào sự dạy dỗ cũng được đề cập trước tiên, vậy việc lưu ý thứ tự ở trên có phải là gán quá nhiều ý nghĩa cho vấn đề ưu tiên hay động cơ liên quan không? (Lu-ca 10:1-9) Chúng ta không nên coi nhẹ sự kiện việc dạy dỗ thường được đề cập trước việc chữa lành. Hãy xem xét bối cảnh trong trường hợp này. Ngay trước khi phái 12 sứ đồ đi, Chúa Giê-su đã xúc động trước tình trạng của những đám dân đông. Chúng ta đọc: “Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật-bịnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn. Ngài bèn phán cùng môn-đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”.—Ma-thi-ơ 9:35-38.
12. Những phép lạ của Chúa Giê-su và các sứ đồ có thể thực hiện mục đích nào khác?
12 Nhờ ở gần ngài, các sứ đồ có thể hấp thu phần nào ý của Đấng Christ. Họ có thể nhận thấy rằng khi họ thật sự yêu thương và có lòng trắc ẩn đối với người ta thì họ sẽ rao giảng và dạy dỗ về Nước Trời—đó phải là khía cạnh chính yếu của việc làm thiện. Phù hợp với điều đó, việc làm tốt lành về thể chất, như chữa lành người bệnh, không những đã giúp người túng thiếu mà còn thực hiện nhiều điều khác nữa. Như bạn có thể đoán, một số người có thể được thu hút bởi việc chữa lành bệnh và đồ ăn cung cấp bằng phép lạ. (Ma-thi-ơ 4:24, 25; 8:16; 9:32, 33; 14:35, 36; Giăng 6:26) Tuy nhiên, ngoài việc giúp về thể chất, những việc làm đó còn khiến những người quan sát nhận ra Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời và là “đấng tiên-tri” mà Môi-se đã báo trước.—Giăng 6:14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:15.
13. Lời tiên tri nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18 nhấn mạnh vai trò nào cho “đấng tiên-tri” sẽ đến?
13 Tại sao sự kiện Chúa Giê-su là “đấng tiên-tri” là điều đáng chú ý? Lời tiên tri nói gì về vai trò chính yếu của đấng đó? Có phải “đấng tiên-tri” đó sẽ nổi tiếng là chữa bệnh bằng phép lạ hoặc vì thương xót nên làm ra thức ăn cho người đói không? Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18 tiên tri: “Ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên-tri như ngươi [Môi-se], thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng người, thì người sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn người”. Vậy khi các sứ đồ học tập có lòng nhân hậu và biểu lộ điều đó, họ có thể kết luận rằng ý của Đấng Christ cũng phải được thể hiện trong công việc rao giảng và dạy dỗ của họ. Đó là điều tốt nhất họ có thể làm cho người khác. Qua cách đó, người bệnh và người nghèo có thể được lợi ích vĩnh viễn, không chỉ những lợi ích giới hạn trong một đời người ngắn ngủi hoặc một hai bữa ăn mà thôi.—Giăng 6:26-30.
Phát huy ý của Đấng Christ ngày nay
14. Việc có ý của Đấng Christ liên quan thế nào đến việc rao giảng của chúng ta?
14 Không ai trong chúng ta lại nghĩ rằng chỉ trong thế kỷ thứ nhất mới có ý của Đấng Christ—chỉ Chúa Giê-su và các môn đồ thời ban đầu mới có; và sứ đồ Phao-lô viết về các môn đồ này: “Phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 2:16) Và chúng ta sẵn sàng thừa nhận là mình có nghĩa vụ rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Song, chúng ta nên suy ngẫm về động cơ thúc đẩy mình làm công việc đó. Chúng ta không nên làm chỉ vì ý thức bổn phận. Lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời là lý do chính yếu tại sao chúng ta tham gia vào thánh chức, và muốn thật sự giống Chúa Giê-su thì lòng thương xót phải thúc đẩy chúng ta rao giảng và dạy dỗ.—Ma-thi-ơ 22:37-39.
15. Tại sao lòng thương xót là một điều thích hợp trong thánh chức của chúng ta?
15 Phải công nhận là không phải lúc nào cũng dễ cảm thấy thương xót những người không có cùng niềm tin với chúng ta, nhất là khi họ thờ ơ lãnh đạm, từ chối hoặc chống đối chúng ta. Tuy nhiên, nếu mất đi lòng yêu thương và lòng thương xót đối với người khác, chúng ta có thể mất đi một động cơ trọng yếu thúc đẩy chúng ta tham gia vào thánh chức tín đồ Đấng Christ. Vậy chúng ta có thể vun trồng lòng thương xót như thế nào? Chúng ta có thể cố gắng có cùng nhận thức với Chúa Giê-su về tình trạng của họ: họ bị “tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Chẳng phải điều đó miêu tả nhiều người ngày nay hay sao? Họ đã bị những người chăn thuộc tôn giáo giả bỏ bê và làm mù quáng về thiêng liêng. Vì thế, họ không biết về sự hướng dẫn đúng đắn tìm thấy trong Kinh Thánh, cũng không biết về tình trạng Địa Đàng mà Nước Đức Chúa Trời sắp mang lại cho trái đất. Họ đương đầu với những vấn đề của đời sống hàng ngày—kể cả sự nghèo khó, sự bất hòa trong gia đình, bệnh tật và sự chết—mà không có hy vọng về Nước Trời. Chúng ta có điều họ cần: tin mừng cứu người là Nước Đức Chúa Trời nay đã được thành lập trên trời!
16. Tại sao chúng ta muốn chia sẻ tin mừng với người khác?
16 Khi bạn suy nghĩ như thế về nhu cầu thiêng liêng của những người xung quanh bạn, chẳng lẽ lòng bạn không thúc đẩy bạn muốn làm hết sức mình để cho họ biết về mục đích đầy yêu thương của Đức Chúa Trời hay sao? Đúng vậy, chúng ta làm việc này là vì lòng thương xót. Khi chúng ta đồng cảm với người khác như Chúa Giê-su đã làm, điều đó sẽ thể hiện qua giọng nói, nét mặt, cách dạy dỗ của chúng ta. Tất cả những điều đó sẽ khiến thông điệp chúng ta thu hút những người “có lòng ngay thẳng để được sống đời đời”.—Công-vụ các Sứ-đồ 13:48, NW.
17. (a) Chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với người khác qua vài cách nào? (b) Tại sao vấn đề không phải là chọn hoặc làm việc thiện hoặc tham gia vào thánh chức?
17 Tất nhiên chúng ta nên biểu lộ tình yêu thương và lòng trắc ẩn trong đời sống thường ngày. Điều này bao hàm việc đối xử nhân từ với người bị thiệt thòi, bệnh tật và nghèo khó—làm những gì chúng ta có thể làm một cách hợp lý để cứu giúp họ. Nó bao gồm việc chúng ta cố gắng bằng lời nói và việc làm để xua tan nỗi đau buồn của những người bị mất người thân. (Lu-ca 7:11-15; Giăng 11:33-35) Thế nhưng, những việc làm yêu thương, nhân từ và thương xót như thế không nên trở thành trọng tâm của các việc thiện của chúng ta, như quan niệm của một số người theo chủ nghĩa nhân đạo. Điều có tầm quan trọng lâu bền hơn nhiều là nỗ lực thúc đẩy bởi những thiên tính nói trên nhưng biểu lộ qua việc tham gia vào công việc rao giảng và dạy dỗ của tín đồ Đấng Christ. Hãy nhớ lại những gì Chúa Giê-su nói về những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái: “Các ngươi nộp một phần mười bạc-hà, hồi-hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia”. (Ma-thi-ơ 23:23) Đối với Chúa Giê-su, vấn đề không phải là chọn một trong hai—hoặc giúp người ta về nhu cầu thể chất hoặc dạy họ về vấn đề thiêng liêng đem lại sự sống. Chúa Giê-su làm cả hai. Thế nhưng, rõ ràng việc dạy dỗ của ngài là quan trọng nhất vì lợi ích mà ngài thực hiện qua việc đó có thể giúp đỡ người khác vĩnh viễn.—Giăng 20:16.
18. Việc chúng ta xem xét ý của Đấng Christ nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
18 Chúng ta biết ơn xiết bao là Đức Giê-hô-va đã tiết lộ ý của Đấng Christ cho chúng ta biết! Qua Phúc Âm, chúng ta có thể biết rõ hơn ý nghĩ, tình cảm, đức tính, hoạt động và thứ tự ưu tiên của người vĩ đại nhất đã từng sống. Chính chúng ta phải đọc, suy ngẫm và thực hành những gì Kinh Thánh tiết lộ về Chúa Giê-su. Hãy nhớ rằng, nếu muốn thật sự hành động như Chúa Giê-su, trước tiên chúng ta phải học cách suy nghĩ, cảm xúc và đánh giá sự vật giống như ngài, bằng hết khả năng của người bất toàn. Vậy chúng ta hãy quyết tâm vun trồng và biểu lộ ý của Đấng Christ. Không có lối sống nào tốt hơn, không có cách nào tốt hơn để đối xử với người khác, và không có cách nào tốt hơn để chúng ta và người khác đến gần Đấng mà Chúa Giê-su phản ánh một cách hoàn hảo, là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót của chúng ta, Đức Giê-hô-va.—2 Cô-rinh-tô 1:3; Hê-bơ-rơ 1:3.
Bạn trả lời ra sao?
• Kinh Thánh cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc nào về cách Chúa Giê-su thường đáp ứng nhu cầu của những người gặp nghịch cảnh?
• Chúa Giê-su nhấn mạnh điều gì khi hướng dẫn môn đồ ngài?
• Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ “ý của Đấng Christ” trong hành động của chúng ta?
[Trang hình ảnh nơi trang 23]
[Hình nơi trang 24]
Việc tốt nhất mà tín đồ Đấng Christ có thể làm cho người khác là việc nào?