CHƯƠNG 9
“Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi”
1-3. (a) Người nông dân sẽ làm gì khi vụ mùa bội thu đến mức ông không thể thu hoạch một mình? (b) Chúa Giê-su gặp vấn đề nào vào mùa xuân năm 33 CN, và ngài giải quyết ra sao?
Người nông dân gặp một vấn đề. Vài tháng trước, ông cày ruộng và gieo hạt trên cánh đồng của mình. Ông chăm chút khi hạt giống nảy mầm, rồi xuất hiện những chiếc lá đầu tiên, và vui mừng khi cây lên tươi tốt. Công khó của ông được đền đáp, vì giờ đây mùa gặt đã đến. Nhưng vấn đề của ông là: Vụ mùa bội thu đến mức ông không thể thu hoạch một mình. Để giải quyết vấn đề, ông thuê một số thợ gặt. Quyết định của ông rất khôn ngoan vì thời gian thu hoạch có giới hạn.
2 Vào mùa xuân năm 33 CN, khi được sống lại, Chúa Giê-su gặp một vấn đề tương tự. Trong thời gian làm thánh chức trên đất, ngài đã gieo hạt giống chân lý. Giờ đây cánh đồng đang chờ gặt hái, vụ mùa thì bội thu. Nhiều người hưởng ứng cần được giúp để trở thành môn đồ ngài (Giăng 4:35-38). Chúa Giê-su giải quyết vấn đề này thế nào? Trước khi về trời, trên một ngọn núi ở Ga-li-lê, ngài đã giao cho các môn đồ sứ mạng tìm thêm thợ gặt. Ngài nói: ‘Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ, dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em’.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
3 Chỉ khi thi hành sứ mạng ấy, một người mới thật sự là môn đồ Chúa Giê-su. Vậy, chúng ta hãy xem xét ba câu hỏi. Tại sao Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mạng tìm thêm thợ gặt? Ngài huấn luyện họ ra sao để thi hành sứ mạng ấy? Sứ mạng ấy liên quan thế nào đến chúng ta?
Tại sao cần thêm thợ gặt?
4, 5. Tại sao Chúa Giê-su không thể hoàn tất công việc ngài đã bắt đầu, và ai sẽ phải đảm nhận công việc ấy sau khi ngài về trời?
4 Khi khởi sự rao giảng vào năm 29 CN, Chúa Giê-su biết ngài đang bắt đầu một công việc mà ngài không thể tự mình hoàn tất. Trong thời gian còn lại trên đất, ngài chỉ có thể rao giảng thông điệp Nước Trời cho giới hạn một số người và trong phạm vi hẹp. Ngài chủ yếu rao giảng cho người Do Thái và người nhập đạo Do Thái, là “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 15:24). Tuy nhiên, “những con chiên lạc” ấy sống rải rác khắp Y-sơ-ra-ên, một nước có diện tích hàng ngàn ki-lô-mét vuông. Vả lại, tin mừng còn phải được rao truyền khắp đất.—Ma-thi-ơ 13:38; 24:14.
5 Chúa Giê-su biết còn nhiều việc phải làm sau khi ngài qua đời. Ngài nói với 11 sứ đồ trung thành: “Quả thật, quả thật, tôi nói với anh em, ai thể hiện đức tin nơi tôi cũng sẽ làm những việc tôi làm; và người ấy sẽ làm những việc lớn hơn thế nữa, vì tôi sắp đến cùng Cha” (Giăng 14:12). Vì Chúa Giê-su sắp về trời, nên môn đồ ngài—kể cả các sứ đồ và tất cả môn đồ trong tương lai—sẽ phải đảm nhận công việc rao giảng (Giăng 17:20). Ngài khiêm nhường thừa nhận rằng họ sẽ làm “những việc lớn hơn” ngài. Về phương diện nào?
6, 7. (a) Môn đồ Chúa Giê-su sẽ “làm những việc lớn hơn” ngài về những phương diện nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ Chúa Giê-su không đặt niềm tin sai chỗ?
6 Thứ nhất, môn đồ Chúa Giê-su sẽ rao giảng trên phạm vi rộng lớn hơn. Ngày nay việc làm chứng của họ lan rộng khắp đất, vượt xa khỏi địa bàn mà Chúa Giê-su từng rao giảng. Thứ hai, họ sẽ rao giảng cho nhiều người hơn. Nhóm nhỏ môn đồ mà Chúa Giê-su để lại đã nhanh chóng lên đến hàng ngàn (Công vụ 2:41; 4:4). Hiện nay, con số đó lên tới hàng triệu, và mỗi năm có thêm hàng trăm ngàn người báp-têm. Thứ ba, họ sẽ rao giảng trong thời gian dài hơn. Họ rao giảng đến tận ngày nay, gần 2.000 năm sau khi Chúa Giê-su kết thúc ba năm rưỡi thánh chức trên đất.
7 Chúa Giê-su tỏ ra tin tưởng các môn đồ khi nói rằng họ sẽ làm “những việc lớn hơn” ngài. Ngài đặt trong tay họ công việc rất quan trọng đối với ngài, đó là rao giảng và giảng dạy “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 4:43). Chúa Giê-su tin chắc các môn đồ sẽ trung thành thi hành sứ mạng ấy. Điều này có nghĩa gì với chúng ta? Khi sốt sắng và hết lòng trong thánh chức, chúng ta chứng tỏ rằng Chúa Giê-su không đặt niềm tin sai chỗ. Đây chẳng phải là một vinh dự sao?—Lu-ca 13:24.
Được huấn luyện để làm chứng
8, 9. Chúa Giê-su nêu gương nào trong thánh chức, và chúng ta có thể noi gương ngài ra sao?
8 Chúa Giê-su cung cấp cho các môn đồ sự huấn luyện tốt nhất để thi hành thánh chức. Trên hết, ngài nêu gương cho họ (Lu-ca 6:40). Trong chương trước, chúng ta đã thảo luận về thái độ của ngài với thánh chức. Giờ đây, hãy hình dung cảnh các môn đồ đồng hành với Chúa Giê-su trong các chuyến rao giảng. Họ quan sát Chúa Giê-su rao giảng bất cứ nơi nào có người, như bờ hồ và sườn núi, thành phố và chợ búa, kể cả nhà riêng (Ma-thi-ơ 5:1, 2; Lu-ca 5:1-3; 8:1; 19:5, 6). Họ thấy ngài làm việc siêng năng, từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Đối với ngài, thánh chức không phải là sở thích, làm cho vui (Lu-ca 21:37, 38; Giăng 5:17). Hẳn họ nhận thấy hành động của ngài xuất phát từ tình yêu thương sâu xa đối với con người. Có lẽ họ thấy lòng trắc ẩn của ngài lộ rõ trên gương mặt (Mác 6:34). Theo bạn, gương của Chúa Giê-su đã tác động thế nào đến các môn đồ? Nếu là một trong các môn đồ thời đó, bạn sẽ được tác động ra sao?
9 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta noi gương ngài trong thánh chức. Chúng ta muốn dùng mọi cách để “làm chứng cặn kẽ” (Công vụ 10:42). Như Chúa Giê-su, chúng ta rao giảng cho người ta tại nhà họ (Công vụ 5:42). Chúng ta sẵn sàng điều chỉnh để làm chứng cho họ vào những lúc họ ở nhà. Chúng ta cũng rao giảng tại những nơi công cộng, như đường phố, công viên, cửa hàng và sở làm. Chúng ta luôn làm việc “khó nhọc và nỗ lực” trong thánh chức, vì biết đây là công việc hết sức quan trọng (1 Ti-mô-thê 4:10). Tình yêu thương chân thành đối với người khác thôi thúc chúng ta tìm cơ hội để rao giảng bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8.
10-12. Chúa Giê-su dạy các môn đồ những bài học quan trọng nào trước khi phái họ đi rao giảng?
10 Chúa Giê-su cũng huấn luyện các môn đồ bằng cách cho họ chỉ dẫn cụ thể. Trước khi phái 12 sứ đồ và sau này là 70 môn đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su nhóm họ lại và hướng dẫn họ kỹ càng (Ma-thi-ơ 10:1-15; Lu-ca 10:1-12). Sự huấn luyện ấy mang lại kết quả tốt, vì Lu-ca 10:17 cho biết: “Bảy mươi môn đồ trở về trong niềm vui mừng”. Dựa trên phong tục của người Do Thái vào thời Kinh Thánh, hãy xem xét hai bài học quan trọng mà Chúa Giê-su đã dạy.
11 Chúa Giê-su dạy các môn đồ tin cậy Đức Giê-hô-va. Ngài căn dặn họ: “Đừng kiếm thêm vàng, bạc hoặc đồng mà bỏ vào túi đeo thắt lưng; cũng đừng kiếm thêm túi đựng thức ăn đi đường hoặc áo, giày hay gậy, vì người làm công thì đáng được đồ ăn” (Ma-thi-ơ 10:9, 10). Thời đó, người đi đường xa thường mang theo túi đeo thắt lưng đựng tiền, túi đựng thức ăn và một đôi giày phòng bị. Khi bảo các môn đồ đừng đem theo những thứ ấy, như thể Chúa Giê-su nói: “Hãy tuyệt đối tin cậy Đức Giê-hô-va vì ngài sẽ chăm lo mọi nhu cầu của anh em”. Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc họ qua việc thúc đẩy những người hưởng ứng tin mừng tiếp đãi họ, phù hợp với phong tục của người Y-sơ-ra-ên.—Lu-ca 22:35.
12 Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ tránh những điều kém quan trọng gây phân tâm. Ngài nói: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lu-ca 10:4). Có phải Chúa Giê-su bảo họ hờ hững và xa lánh người ta? Hoàn toàn không. Vào thời Kinh Thánh, việc chào hỏi không chỉ đơn giản nói “xin chào”. Nó bao gồm nhiều nghi lễ và trò chuyện dài. Một học giả Kinh Thánh nhận xét: “Đối với người Đông Phương, chào hỏi không chỉ là cúi người một chút hoặc bắt tay như chúng ta thường làm, mà là những cái ôm, cúi xuống nhiều lần, thậm chí sấp mình xuống đất. Mất nhiều thời gian để thực hiện tất cả nghi lễ này”. Khi bảo các môn đồ đừng chào hỏi ai dọc đường, như thể Chúa Giê-su nói với họ: “Hãy tận dụng tối đa thời gian vì anh em rao báo một thông điệp rất cấp bách”.a
13. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ghi nhớ những chỉ dẫn mà Chúa Giê-su dành cho các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất?
13 Môn đồ Chúa Giê-su ngày nay cũng ghi nhớ những bài học ấy. Khi thi hành thánh chức, chúng ta tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 3:5, 6). Chúng ta biết rằng mình sẽ không thiếu thốn nếu ‘luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết’ (Ma-thi-ơ 6:33). Trên khắp thế giới, những người rao giảng trọn thời gian có thể chứng thực rằng ngay cả trong thời kỳ khó khăn, tay của Đức Giê-hô-va không ngắn (Thi thiên 37:25). Chúng ta cũng hiểu rằng mình cần tránh những điều gây phân tâm. Nếu không cẩn thận, thế gian này có thể làm chúng ta sao lãng (Lu-ca 21:34-36). Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta phải tập trung vì mạng sống người ta đang lâm nguy (Rô-ma 10:13-15). Việc giữ tinh thần khẩn trương giúp chúng ta tránh những điều gây phân tâm trong thế gian, những điều có thể làm tiêu hao thời gian và năng lực mà đáng ra chúng ta dùng cho thánh chức. Hãy nhớ rằng mùa gặt thì trúng mà thời gian còn lại thì ít.—Ma-thi-ơ 9:37, 38.
Một sứ mạng cũng dành cho chúng ta
14. Điều gì cho thấy sứ mạng nơi Ma-thi-ơ 28:18-20 áp dụng cho tất cả môn đồ Chúa Giê-su? (Cũng xem chú thích).
14 Qua những lời “hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi”, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ một trọng trách. Ngài không chỉ giao nhiệm vụ đó cho các môn đồ có mặt trên núi Ga-li-lê vào ngày hôm ấy.b Sứ mạng ngài giao bao hàm việc rao giảng cho “muôn dân” và sẽ tiếp diễn “cho đến khi thế gian này kết thúc”. Rõ ràng, sứ mạng này áp dụng cho tất cả môn đồ ngài, kể cả chúng ta ngày nay. Hãy phân tích kỹ hơn những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:18-20.
15. Tại sao vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su về việc đào tạo môn đồ là điều khôn ngoan?
15 Trước khi giao sứ mạng, Chúa Giê-su nói: “Mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất đã được giao cho tôi” (câu 18). Có đúng là Chúa Giê-su có quyền hành lớn như thế không? Đúng! Ngài là thiên sứ trưởng, đấng lãnh đạo muôn vàn thiên sứ (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Khải huyền 12:7). Là “đầu hội thánh”, ngài có quyền trên các môn đồ (Ê-phê-sô 5:23). Từ năm 1914, ngài cai trị trên trời với tư cách là Vua Mê-si (Khải huyền 11:15). Ngài còn có quyền làm người chết sống lại (Giăng 5:26-28). Bằng cách tuyên bố trước quyền hành của mình, Chúa Giê-su cho thấy những lời ngài nói tiếp theo không phải là lời gợi ý mà là một mệnh lệnh. Vâng theo mệnh lệnh đó là điều khôn ngoan, vì quyền của Chúa Giê-su đến từ Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 15:27.
16. Khi bảo chúng ta “hãy đi”, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta làm gì, và chúng ta thực hiện điều này như thế nào?
16 Giờ đây, Chúa Giê-su bắt đầu giao sứ mạng, ngài mở đầu với lời: “Hãy đi” (câu 19). Như vậy, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy chủ động mang thông điệp đến cho người khác. Chúng ta dùng nhiều phương pháp để thực hiện điều này. Rao giảng từ nhà này sang nhà kia là một cách rất hữu hiệu để có thể gặp người ta (Công vụ 20:20). Chúng ta cũng tìm cơ hội để làm chứng bán chính thức, hăng hái bắt chuyện để rao giảng về tin mừng trong bất cứ hoạt động thường ngày nào. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh địa phương, chúng ta có thể có những cách rao giảng khác nhau. Thế nhưng, một điều không thay đổi là chúng ta “đi” và tìm kiếm những người xứng đáng.—Ma-thi-ơ 10:11.
17. Làm thế nào chúng ta ‘đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ Chúa Giê-su’?
17 Kế tiếp, Chúa Giê-su giải thích mục tiêu của sứ mạng ấy, đó là ‘đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ ngài’ (câu 19). Làm thế nào chúng ta ‘đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ Chúa Giê-su’? Về cơ bản, môn đồ là một người được dạy. Tuy nhiên, việc đào tạo môn đồ không chỉ là truyền đạt sự hiểu biết cho người khác. Khi hướng dẫn người chú ý học Kinh Thánh, mục tiêu của chúng ta là giúp họ bước theo Chúa Giê-su. Vì thế, mỗi khi có thể, chúng ta hãy nhấn mạnh gương của Chúa Giê-su để học viên tập xem ngài là Thầy và Đấng Gương Mẫu của họ, rồi sống theo lối sống của ngài và làm công việc ngài đã làm.—Giăng 13:15.
18. Tại sao báp-têm là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của một môn đồ Chúa Giê-su?
18 Một phần tất yếu trong sứ mạng của Chúa Giê-su là: “Làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh” (câu 19). Báp-têm là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của một môn đồ, vì đó là biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Thế nên, phép báp-têm là điều kiện thiết yếu để được cứu rỗi (1 Phi-e-rơ 3:21). Khi tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình, một môn đồ đã báp-têm có thể trông mong những ân phước vô tận trong thế giới mới sắp đến. Bạn đã giúp ai tiến bộ đến bước báp-têm chưa? Trong thánh chức, không gì mang lại niềm vui và sự thỏa nguyện hơn thế.—3 Giăng 4.
19. Chúng ta dạy người mới những gì, và tại sao quá trình dạy dỗ có thể vẫn tiếp tục sau khi họ báp-têm?
19 Tiếp theo, Chúa Giê-su nói: “Dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em” (câu 20). Chúng ta dạy người mới làm theo những mệnh lệnh của Chúa Giê-su, bao gồm yêu thương Đức Chúa Trời, yêu người lân cận và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 22:37-39). Chúng ta cũng dạy họ cách giải thích các sự thật Kinh Thánh và bênh vực đức tin đang lớn dần trong họ. Khi họ hội đủ điều kiện tham gia thánh chức, chúng ta đi rao giảng cùng họ. Qua lời nói và gương mẫu, chúng ta dạy họ cách thi hành thánh chức hiệu quả. Quá trình dạy học viên mới có thể chưa hoàn tất khi họ báp-têm. Họ có thể cần được hướng dẫn thêm để đương đầu với những thử thách trong cuộc đời làm môn đồ Chúa Giê-su.—Lu-ca 9:23, 24.
“Tôi sẽ luôn ở cùng anh em”
20, 21. (a) Khi thi hành sứ mạng Chúa Giê-su giao, tại sao chúng ta không phải sợ? (b) Tại sao đây không phải là lúc để chậm lại, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?
20 Trong những lời kết của sứ mạng, Chúa Giê-su trấn an chúng ta: “Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc” (Ma-thi-ơ 28:20). Chúa Giê-su biết ngài vừa giao cho các môn đồ một trọng trách. Ngài cũng biết khi thi hành sứ mạng đó, có lúc môn đồ ngài sẽ gặp sự chống đối (Lu-ca 21:12). Tuy nhiên, chúng ta không có lý do gì phải sợ. Đấng Lãnh Đạo không đòi hỏi chúng ta thi hành sứ mạng này bằng sức riêng. Thật an ủi khi biết đấng có “mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất” ở cùng chúng ta và giúp chúng ta thi hành sứ mạng được giao!
21 Chúa Giê-su trấn an các môn đồ rằng ngài sẽ ở cùng họ trong thánh chức “cho đến khi thế gian này kết thúc”. Từ nay đến lúc đó, chúng ta phải tiếp tục thi hành sứ mạng mà Chúa Giê-su giao. Đây không phải là lúc để chậm lại. Việc gặt hái về thiêng liêng đang tiến triển tốt! Ngày càng có nhiều người được thâu nhóm. Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta hãy quyết tâm thi hành sứ mạng quan trọng được giao. Hãy quyết tâm dùng thời gian, năng lực và tài sản để thi hành mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi”.
a Nhà tiên tri Ê-li-sê từng đưa ra chỉ dẫn tương tự. Khi phái tôi tớ là Ghê-ha-xi đến nhà một người phụ nữ có con trai vừa qua đời, Ê-li-sê nói: “Nếu có gặp ai thì đừng chào hỏi họ” (2 Các vua 4:29). Nhiệm vụ rất khẩn cấp, nên không có thời gian cho những việc kém quan trọng.
b Vì đa số môn đồ Chúa Giê-su sống ở Ga-li-lê, nên có thể sự kiện ghi nơi Ma-thi-ơ 28:16-20 và việc ngài hiện ra với “hơn 500 anh em” sau khi được sống lại là cùng một dịp (1 Cô-rinh-tô 15:6). Nếu vậy thì hàng trăm người đã có mặt khi Chúa Giê-su giao sứ mạng đào tạo môn đồ.